Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2024

Tự do báo chí

 George Orwell, https://www.orwellfoundation.com/the-orwell-foundation/orwell/essays-and-other-works/the-freedom-of-the-press

Quậy Nguyễn dịch

Đây là lời tựa cho cuốn Trại Súc vật, lần đầu tiên được in trong Phụ trương Văn học của tờ Times năm 1972, với lời dẫn của  Sir Bernard Crick. Bản thảo gốc được Ian Angus tìm thấy năm 1972.


Ý tưởng chủ đạo của cuốn sách này được hình thành vào năm 1937 và bắt đầu viết vào cuối năm 1943. Có thể thấy việc xuất bản tác phẩm vào thời điểm đấy đương nhiên là rất khó khăn (mặc dù sự khan hiếm sách lúc đó gần như đảm bảo bất kỳ cuốn sách nào in ra cũng “bán được”). Vậy mà, tác phẩm này đã bị bốn nhà xuất bản từ chối. Một sự từ chối trên cơ sở tư tưởng. Hai nhà xuất bản trong số này đã xuất bản sách bài trừ Nga trong nhiều năm, hai nhà xuất bản còn lại không có khuynh hướng chính trị rõ ràng. Một nhà xuất bản đã nhận in nhưng sau khi thực hiện các thỏa thuận sơ bộ đã đi xin ý kiến của Bộ Thông tin và nhận được lời khuyến cáo phản đối việc xuất bản tác phẩm này. Đây là một đoạn trích từ lá thư:

“Tôi đã miêu tả phản ứng của một cán bộ Bộ Thông tin về Trại Súc vật. Thú thật, phản ứng này đã khiến tôi suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề... giờ tôi có thể thấy việc xuất bản tác phẩm trong thời điểm hiện tại là không hợp lý. Nếu câu chuyện chỉ về các nhà độc tài hay chế độ độc tài một cách chung chung thì việc xuất bản có lẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, giờ tôi đã nhận thấy, câu truyện bám theo mọi diễn biến ở Liên Xô và hai nhà độc tài ở đấy một cách tuyệt đối, nó không thể áp dụng vào bất kỳ chế độ độc tài nào khác ngoại trừ Nga. Một điều nữa: cuốn sách sẽ ít xúc phạm hơn nếu như tầng lớp cai trị trong truyện không phải là heo[*]. Tôi nghĩ việc lựa chọn heo làm tầng lớp cai trị sẽ xúc phạm rất nhiều người, đặc biệt là những người “nhạy cảm”, như những người Nga chẳng hạn.”

Đây là dấu hiệu không ổn. Hiển nhiên việc chính quyền kiểm duyệt sách độc lập là điều không ai muốn (ngoại trừ việc kiểm duyệt cho mục đích an ninh, điều không ai phản đối vào thời chiến). Tuy nhiên mối đe dọa chính đối với quyền tự do tư tưởng và ngôn luận vào thời điểm hiện tại không phải là sự can thiệp trực tiếp của Bộ Thông tin hay bất kỳ ban bệ nào. Nếu như nhà xuất bản hay biên tập viên lẩn tránh việc ấn hành sách về một số chủ đề nào đấy không phải vì họ sợ bị xét xử, họ sợ dư luận công chúng. Trong đất nước này sự hèn nhát của giới trí thức là kẻ thù lớn nhất của các nhà văn và nhà báo, mặc dù, cái thực trạng này rất ít được đề cập đến.

Bất kỳ người nào với chút trải nghiệm báo chí đều có thể thấy sự kiểm duyệt trong cuộc chiến này không phải là quá kinh khủng. Chúng ta không bị “vào khuôn” theo mẫu hình chuyên chế theo cách ta nghĩ sẽ thông thường xảy ra. Báo giới có gặp một số trở ngại chính đáng, nhưng nói chung chính quyền khá mực thước và bao dung với những ý kiến thiểu số. Vấn đề đáng lo ngại về kiểm duyệt ở Anh chính vì đa phần [sự kiểm duyệt] là tự nguyện.

Ý kiến trái chiều có thể bị đè nén, sự thật “bất tiện” có thể bị vùi đi mà không cần bất kỳ lệnh cấm nào cả. Bất kỳ ai đã sống ở nước ngoài lâu sẽ biết về những vấn đề thời sự đang “nóng” (những chuyện mà theo lẽ tự nhiên sẽ lên trang nhất báo) mà báo chí Anh lờ tịt đi, không phải do can thiệp của chính quyền mà vì một thỏa thuận ngầm [trong báo giới] rằng đả động đến vấn đề đó là “không nên”. Chuyện này khá dễ hiểu, nhất là với báo ngày. Nền báo chí Anh rất tập trung, và đa số ông chủ các tòa soạn là những kẻ giàu có với tất cả động cơ trên đời để không thành thật về một số vấn đề quan trọng. Nhưng kiểu kiểm duyệt che đậy [veiled censorship] này còn áp dụng với cả sách, tạp chí, kịch, phim, và radio. Bất kỳ lúc nào cũng tồn tại một hệ quan điểm chính thống [orthodoxy], tức là một tập hợp các quan điểm mặc định sẽ được chấp nhận tuyệt đối bởi tất cả những người với tư duy “chuẩn”. Việc nói như thế này hoặc thế khác không bị cấm nhưng bị cho là “không nên”, cũng như việc nhắc đến cái quần trước mặt phụ nữ là “không nên” vào giữa thời Victoria. Bất kỳ ai thách thức quan điểm chính thống chủ đạo sẽ bị dập tắt một cách hiệu quả không ngờ. Một ý kiến trung thực nhưng không hợp thời sẽ không bao giờ được lắng nghe một cách công tâm, trong các tờ báo phổ biến cũng như tạp chí uy tín.

Cái mà chủ nghĩa chính thống chủ đạo đòi hỏi vào thời điểm hiện tại là sự ngưỡng mộ mù quáng đối với Liên Bang Xô Viết. Tất cả đều biết và gần như tất cả đều tuân thủ. Bất kỳ lời phê phán trung thực nào về Liên Xô hay bất kỳ sự công bố điều Liên Xô không muốn tiết lộ, là chuyện gần như không thể. Và cái chiến dịch “tâng bốc” đồng minh xuyên quốc gia của chúng ta, kỳ lạ thay, lại diễn ra chính trên sự chấp thuận của giới trí thức thứ thiệt. Dù bạn không được phê phán Liên Xô, ít nhất bạn có thể phê phán chế độ mình một cách khá thoải mái. Hầu như không ai sẽ đăng bài phê phán Stalin, nhưng Churchill thì ta có thể phê phán một cách an toàn, trong sách cũng như tạp chí. Và trong suốt 5 năm chiến tranh, trong đó 2-3 năm chúng ta phải chiến đấu cho sự tồn vong của đất nước mình, vô số sách, tờ rơi và các bài viết ủng hộ thỏa hiệp để đạt lấy hòa bình không hề bị can thiệp khi in ra. Thậm chí việc xuất bản những nội dung này cũng không tạo ra các phản hồi tiêu cực. Quyền tự do ngôn luận được bảo vệ khá tốt, miễn sao thanh thế của Liên Xô không bị ảnh hưởng. Cũng có một số vấn đề cấm kỵ khác, tuy nhiên thái độ đối với Liên Xô vẫn là vấn đề nghiêm trọng nhất. Sự cấm kỵ này dường như tự phát, không phải vì sức ép của bất kỳ thế lực nào.

Nỗ lực hết mình của đại bộ phận trí thức Anh trong việc hấp thụ và lặp lại những chương trình tuyên truyền của Nga có thể gây kinh ngạc nếu như chính họ đã không làm y như vậy bao nhiêu lần trước đó. Từ hết vấn đề đáng tranh cãi này đến vấn đề tranh cãi khác, quan điểm của Nga được chấp nhận một cách dễ dàng, và rồi được phổ biến không đếm xỉa đến sự thật lịch sử lẫn phẩm giá trí thức? Một ví dụ là khi BBC mừng kỷ niệm 25 năm thành lập Hồng Quân Xô Viết mà không hề nhắc đến Trotsky. Việc này không khác gì tưởng niệm trận Trafalgar mà không nhắc đến [Đô đốc] Nelson. Tuy vậy giới trí thức Anh không hề phản ửng mảy may. Trong các xung đột nội bộ ở những nước bị chiếm đóng, báo chí Anh gần như luôn luôn theo phe được Nga ủng hộ và chỉ trích nhóm đối phương, đôi khi còn giấu đi các bằng chứng nhất định để đạt mục đích. Một vụ rõ nhất là về đại tá Mihailovich, lãnh đạo của nhóm Chetnik ở Nam Tư. Nga, lúc bấy giờ đã có một tay chân thân tín ở Nam Tư là thống chế Tito, đã cáo buộc Mihailovich cộng tác với Đức [Quốc xã]. Lời cáo buộc này được báo chí Anh nhanh chóng lặp lại: người ủng hộ Mihailovich không có cơ hội nào để đáp trả, và những chứng cứ mâu thuẫn với lời vu cáo đơn giản bị vùi đi. Tháng Bảy năm 1943, Đức [Quốc xã] treo giải thưởng 100,000 đồng vàng cho ai bắt giữ Tito, và cũng cùng số tiền thưởng cho bắt giữ Mihailovich. Báo giới Anh “nổ tung trời” với tiền giải cho cái đầu của Tito, nhưng chỉ có một bài nhắc đến (với chữ in phông nhỏ) tiền giải cho Mihailovich: và các cáo buộc [Mihailovich] cộng tác với Đức vẫn tiếp tục. Chuyện tương tự đã xảy ra vào nội chiến Tây Ban Nha. Vào lúc bấy giờ, tương tự vậy, phe Cộng Hòa mà Nga quyết tâm đả bại đã bị báo chí cánh tả của Anh phỉ báng và tất cả những bằng chứng bào chữa cho họ, kể cả dưới dạng thư từ, đều bị từ chối đăng tải. Hiện tại, những lời phê bình đối với Liên Xô không chỉ bị coi là đáng lên án, mà bản thân sự tồn tại của những lời phê bình đó đôi khi còn bị giấu nhẹm. Ví dụ, ngay trước khi chết, Trotsky đã viết một cuốn tiểu sử về Stalin. Ta có thể cho rằng tác phẩm này sẽ không khách quan lắm nhưng chắc chắn là bán được. Một nhà xuất bản Mỹ đã chuẩn bị phát hành tác phẩm (theo tôi biết bản đánh giá đã được gửi đi) thì đúng lúc Liên Xô tham chiến. Cuốn sách bị thu hồi ngay lập tức. Không một lời nào trong báo chí Anh đả động đến [cuốn sách của Trotsky], mặc dù việc một tác phẩm như thế đã tồn tại và bị thu hồi ít nhất phải được vài dòng trên bản tin.

Sự phân biệt ra hai cách kiểm duyệt: kiểm duyệt mà giới trí thức văn nghệ sĩ Anh tự áp đặt và kiểm duyệt do các nhóm gây áp lực, là rất quan trọng. Hiển nhiên một số chủ đề không được đưa ra tranh luận vì “quyền lợi cá nhân”. Ví dụ rõ nhất là vụ lùm xùm về thuốc đặc chế. Nhà thờ Công Giáo có sức ảnh hưởng đáng kể với giới báo chí và có khả năng đàn áp những lời chỉ trích tới một mức độ nhất định. Những vụ tai tiếng liên quan đến linh mục Công Giáo gần như không bao giờ bị công khai, trong khi một mục sư Tin Lành có vấn đề (ví dụ: vụ mục sư ở Stiffkey) sẽ lên trang nhất báo. Rất hiếm khi những nội dung mang ý tưởng đả kích nhà thờ Công Giáo xuất hiện trên sân khấu hoặc phim ảnh. Bất kỳ diễn viên nào cũng có thể cho bạn biết rằng một vở kịch hay một bộ phim công kích hoặc chế giễu nhà thờ Công Giáo có khả năng cao sẽ bị tẩy chay bởi báo chí và sẽ thất bại. Nhưng những điều này vô hại hoặc ít nhất là có thể hiểu được. Bất kỳ tổ chức với quy mô lớn nào sẽ cố hết sức để bảo vệ quyền lợi của nó, và tuyên truyền công khai không phải là điều nên phản đối. Không ai kỳ vọng tờ Daily Worker (báo ngày Người lao động) đăng về những điều “không thuận lợi” về Liên Xô, cũng như không ai kỳ vọng tờ Catholic Herald [Bản tin Công Giáo] lên án Giáo hoàng. Nhưng tất cả những người có khả năng suy xét đều biết rõ về tờ Daily Worker và Catholic Herald. Cái đáng lo ngại là khi nói đến Liên Xô hoặc chính sách của Liên Xô, hầu như không thể kỳ vọng sẽ có lời đánh giá sáng suốt nào hoặc, trong nhiều trường hợp, một chút thành thật nào từ các nhà văn và nhà báo Tự do [Liberal], những người không chịu bất kỳ sức ép trực tiếp nào buộc họ bóp méo ý kiến của mình. Stalin là bất khả xâm phạm, và một số khía cạnh trong các chính sách của ông ta không thể bị đưa ra thảo luận nghiêm túc. Có thể thấy nguyên tắc này được áp dụng rộng rãi từ năm 1941. Tuy nhiên ít ai nhận ra nó đã tồn tại sớm hơn thế, từ 10 năm trước. Vào suốt thời kỳ này, những lời phê bình chính thể Liên Xô từ cánh tả rất khó tìm được thính giả. Sách bài bác Nga thì nhiều vô kể, nhưng hầu hết là từ góc nhìn Bảo Thủ, rất dối trá, cổ hủ, với những dụng ý xấu xa. Không hề kém cạnh về quy mô và cũng gần như không kém về mức độ dối trá, phe bên kia thúc đẩy tuyên truyền thân Nga đến mức sẽ tẩy chay bất kể ai có ý định nêu lên, một cách đàng hoàng, những câu hỏi then chốt. Bạn có thể xuất bản sách phê bình Nga, nhưng hành động đấy chỉ đảm bảo sách sẽ bị phớt lờ hoặc bóp méo bởi hầu hết giới trí thức. Bạn đã nhận lời cảnh cáo, trực tiếp hoặc gián tiếp, là “không nên”. Điều bạn nói có thể đúng, nhưng không “hợp thời” và sẽ bị liệt vào nhóm phản động này hoặc nọ. Tình hình quốc tế và nhu cầu bức thiết cho một liên minh Anh-Nga thường được đưa ra để bào chữa cho quan điểm này; nhưng rõ ràng đấy chỉ là biện hộ. Giới trí thức Anh, hoặc phần lớn trí thức Anh, đã nuôi dưỡng lòng trung thành, gần như ái quốc, đối với Liên Xô. Và trong lòng họ cảm thấy bất kỳ sự ngờ vực nào đối với Stalin là phỉ báng. Các sự kiện xảy ra ở Nga và các sự kiện ở những nước khác được đánh giá trên thước đo khác nhau. Các cuộc hành hình không đếm xuể trong những cuộc thanh trừng giai đoạn 1936-8 được tán dương bởi những người cả đời đấu tranh phản đối tử hình, và việc quan tâm công khai về nạn đói ở Ấn Độ trong khi che giấu cùng sự việc diễn ra tại Ukraina cũng được chấp nhận là đích đáng. Nếu trước chiến tranh thật sự như thế, môi trường học thuật bây giờ chắc chắn không hề khá hơn.

Giờ trở lại cuốn sách của tôi. Phản ứng của phần lớn giới học giả Anh với cuốn sách khá đơn giản “Không thể xuất bản được”. Một cách tự nhiên, những người phê bình có chuyên môn chỉ trích sẽ không đánh vào cái nền chính trị của nó, mà tập trung vào khía cạnh văn chương. Họ sẽ nói đó là một cuốn sách ngớ ngẩn chán ngắt và hoàn toàn phí giấy phí mực. Điều này hoàn toàn có thể đúng, nhứng rõ ràng đó đâu phải là toàn bộ câu chuyện. Một người sẽ không nói một cuốn sách “không thể được xuất bản” vì nó dở. Nói cho cùng, hàng núi rác rưởi vẫn được ấn hành hàng ngày và có ai quan tâm đâu. Giới trí thức Anh, hay đại bộ phận của nó, sẽ phản đối cuốn sách vì nó bôi nhọ Lãnh tụ của họ, và (theo cách họ nhìn nhận) sẽ gây tác hại cho sự phát triển. Nếu ngược lại [ca ngợi Lãnh tụ] , họ sẽ không nói một tiếng chống lại nó, cho dù văn chương của nó có tệ gấp mười. Sự thành công của Câu lạc bộ Sách Tả khuynh, lấy ví dụ, trong suốt bốn năm năm, cho thấy giới trí thức rộng lượng thế nào với lối viết vừa lăng mạ vừa cẩu thả, miễn nó nói cái mà họ muốn nghe.

Vấn đề liên quan ở đây khá đơn giản: liệu chăng bất kỳ ý kiến nào, bất kể nó lạc lõng, hay thậm chí ngớ ngẩn thế nào, đều có quyền được nghe? Nếu câu hỏi này được đặt ra, một học giả Anh sẽ cảm thấy ông ta hay bà ta phải trả lời “Có”. Tuy nhiên khi câu hỏi được cụ thể hóa “Thế ý kiến công kích Stalin thì sao? Nó có quyền được nghe hay không?”, và câu trả lời thường thường sẽ là “Không”. Trong trường hợp này, hệ tư tưởng chính thống hiện thời bị thách thức, và như vậy, nguyên tắc tự do ngôn luận sụp đổ. Bây giờ, khi một người đòi hỏi quyền tự do ngôn luận hay tự do báo chí, người đó không đòi một quyền tự do tuyệt đối. Khi các xã hội có tổ chức vẫn còn tồn tại, việc kiểm duyệt ở một mức độ nào đó luôn luôn, và sẽ luôn luôn tồn tại. Nhưng tự do, như Rosa Luxembourg đã nói “tự do cho những người khác”. Câu nói nổi tiếng của Voltaire cũng hàm chứa nguyên tắc tương tự “Tôi căm ghét cái điều anh nói; [nhưng] tôi sẽ chiến đấu đến chết cho cái quyền của anh được nói ra điều ấy.” Nếu tự do tư tưởng, điều mà không nghi ngờ gì hết là một đặc điểm nổi bật của nền văn minh Tây phương, có một ý nghĩa nào đó, thì đó chính là một người có quyền nói và ấn hành những gì anh ta tin là sự thật, với điều kiện là điều đó không gây tổn hại cho cộng đồng một cách không thể nhầm lẫn được. Cả nền dân chủ tư sản và phiên bản phương Tây của Chủ nghĩa xã hội đều đã xem nhẹ nguyên tắc này. Chính phủ của chúng ta, như tôi đã từng chỉ ra, đã diễn ít nhiều để thể hiện sự tôn trọng nguyên tắc đó. Những người bình thường trên đường phố – có lẽ một phần do không đủ quan tâm tới những ý tưởng này đến mức khó chịu với chúng – vẫn bám lấy một cách mơ hồ cái ý tưởng “Tôi cho rằng mọi người có quyền với ý kiến riêng của họ”. Chỉ giới trí thức văn chương và khoa học, hoặc đại đa số họ, những người lẽ ra phải là những chiến binh bảo vệ tự do, đang bắt đầu khinh miệt [tự do tư tưởng], trong lý thuyết cũng như thực tiễn.

Một trong những nhân tố kỳ lại của thời đại chúng ta là nhóm Tự do ly khai [renegade Liberal]. Cao và xa hơn cái tuyên bố quen thuộc của những người Marxist rằng “tự do của giới trung lưu là một ảo ảnh”, hiện đang lan rộng một khuynh hướng tranh luận rằng chúng ta chỉ có thể bảo vệ nền dân chủ bằng các biện pháp toàn trị. Nếu một người yêu quí dân chủ, lý luận đó nêu lên, người đó phải nghiền nát mọi kẻ thù của nên dân chủ bằng bất kỳ biện pháp nào. Và ai là kẻ thù của nền dân chủ? Luôn luôn, đó không chỉ là những kẻ công khai tấn công nền dân chủ một cách có ý thức, mà còn bao gồm những người gây nguy hiểm cho sự tồn vong của nền dân chủ “một cách khách quan” qua việc tuyên truyền các hoc thuyết sai trái. Nói cách khác, việc bảo vệ nền dân chủ dẫn đến việc tiêu diệt toàn bộ sự độc lập tư tưởng. Lý luận này được sử dụng, ví dụ, để biện minh cho các cuộc thanh trừng ở Nga. Ngay cả những tay “cuồng Nga” mãnh liệt nhất cũng khó mà tin được toàn bộ các nạn nhân [của cuộc thanh trừng] đề phạm các tội mà họ bị cáo buộc: nhưng vì họ có những tư tưởng “tà đạo” họ đã gây hại cho chế độ “một cách khách quan”, và do đó, họ phải bị tiêu diệt và các tư tưởng của họ phải bị tuyên bố vô giá trị, thông qua các lời vu cáo. Cũng lý luận này đã được sử dụng để biện minh cho những dối trá trên truyền thông cánh tả về những người theo chủ nghĩa Trotsky hay các nhóm thiểu số Cộng hòa trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Và nó cũng được sử dụng như cái cớ để kêu gào chống lại habeas corpus[1] khi Mosley được thả ra năm 1943[2].

Những người này không thấy được rằng những biện pháp của một chế độ toàn trị, khi thời điểm tới, sẽ được sử dụng để chống lại chính họ. Tạo thành thói quen bỏ tù các thành viên Phát-xít mà không cần xét xử, cái thói quen đó có thể sẽ không chỉ dừng lại với đám Phát-xít. Ngay sau khi tờ Daily Worker (Nhật báo Người Lao động), tờ báo vốn luôn bị đàn áp, được phép hoạt động trở lại, tôi giảng bài tại một trường cao đẳng giành cho người lao động ở Nam London. Người nghe là giới trí thức từ tầng lớp lao động cho đến hạ-trung lưu, cũng cùng nhóm thính giả từng hay thấy ở các chi nhánh của Câu lạc bộ Sách Cánh Tả. Bài giảng có đụng đến vấn đề tự do báo chí, và cuối bài giảng, trong sự kinh ngạc của tôi, nhiều người đứng dậy và đặt câu hỏi rằng phải chăng tôi không nghĩ rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm với tờ Daily Worker là một sai lầm ghê gớm. Khi tôi hỏi ngược lý do của câu hỏi này, họ nói rằng đó là tờ báo của lòng trung thành “lung lay”, và không thể chấp nhận được trong thời chiến. Tôi nhận thấy mình đang bảo vệ tờ Daily Worker, tờ báo đã bôi nhọ tôi không phải chỉ một lần. Nhưng những người này học ở đâu ra cái quan điểm, về cơ bản là của một chế độ toàn trị? Khá chắc chắn là họ đã học nó từ chính những người Cộng sản! Sự rộng lượng và đúng đắn là các đức tính ăn sâu trong đời sống ở Anh, nhưng chúng không phải là bất khả xâm phạm. Chúng phải được gìn giữ và bảo vệ bằng các nỗ lực một cách ý thức. Hệ quả của sự tôn sùng các học thuyết toàn trị là sự xói mòn cái bản năng mà với nó con người tự do có thể biết điều gì là nguy hiểm. Vụ án Mosley minh họa rõ điều này. Năm 1940, việc giam giữ Mosley là hoàn toàn đúng, bất kể ông ta đã gây ra tội ác nào hay chưa. Chúng ta chiến đấu cho cuộc sống của chính mình và không thể thả tự do một kẻ có khả năng thông đồng với quân xâm lược. Để ông ta im miệng, không hề xét xử, [việc thả Mosley] năm 1943 là thật sự trắng trợn. Việc không nhận thấy [sự trắng trợn này] là một dấu hiệu xấu, mặc dù sự phẫn nộ với việc thả Mosley một phần hơi gượng ép và một phần do những người mang những nỗi bất mãn khác cố gắng hợp gán ép vào sự việc. Nhưng có bao nhiêu người đang ngả về tư tưởng phát-xít mà trong mười năm qua họ đã chống tư tưởng phát-xít và sự vô luân của nó?

Việc nhận ra rằng làn sóng cuồng Nga hiện thời chỉ là một triệu chứng của việc nền dân chủ truyền thống phương Tây đang suy yếu, là rất quan trọng. Ngay cả nếu Bộ Thông tin can thiệp và phản đối việc xuất bản cuốn sách này, cả mớ trí thức Anh cũng sẽ chẳng thấy vấn đề gì ở đây cả. Lòng trung thành mù quáng với Liên Xô đã trở thành hệ quan điểm chính thống hiện hành và một khi Liên Xô được tin rằng đang hứng thú với một điều gì đó, họ [báo giới, giới trí thức Anh] sẽ vô cùng rộng rãi, không chỉ với việc kiểm duyệt mà thậm chí cả việc cố tình bóp méo lịch sử. Để tôi lấy một ví dụ. Vào ngày mất của John Reed, tác giả cuốn Mười ngày rung chuyển thế giới [Ten days that shook the world] – một bản tường trình dựa trên quan sát của chính tác giả về những ngày đầu của Cách mạng Nga – bản quyền của cuốn sách được giao cho Đảng Cộng sản Anh, đơn vị mà tôi tin John Reed ủy thác việc này. Vài năm sau đó, những người cộng sản Anh đã tiêu hủy bản gốc của cuốn sách, triệt để nhất có thể, để đưa ra một bản xuyên tạc trong đó họ đã cắt bỏ tất cả những đoạn liên quan đến Trotsky và cũng xóa luôn lời dẫn của Lenin. Nếu như có một giới trí thức thực thụ ở Anh, hành động giả mạo này sẽ bị công bố và lên án trên mọi trang văn học của đất nước. Tuy nhiên, thực tế là gần như đã không có sự phản kháng nào hết. Đối với nhiều trí thức Anh, điều đó là rất tự nhiên. Và sự “rộng lượng” hay đơn giản là dối trá này không chỉ đơn thuần vì trào lưu ngưỡng mộ nước Nga vào thời điểm này. Tôi khá chắc rằng trào lưu này sẽ không kéo dài. Theo những gì tôi biết, vào thời điểm cuốn sách này được xuất bản, quan điểm của tôi về chế độ Xô-viết đã được đại bộ phận [trong xã hội] chấp nhận. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì? Thay một hệ “tư tưởng chính thống” băng một hệ khác không nhất thiết là một sự tiến bộ. Kẻ thù chính là cái lối tư duy “loa máy hát”, bất kể việc một người đồng ý hay không với những gì đang phát trên đó.

Tôi rất quen thuộc với tất cả các tranh luận chống lại tự do tư tưởng và tự do ngôn luận – nhưng tranh luận khẳng định rằng những quyền tự do này không thể và không nên tồn tại. Tôi xin trả lời một cách đơn giản là những lý lẽ này không thuyết phục được tôi và nền văn mình của chúng ta trong hơn bốn trăm năm được xây dựng trên một tư duy đối lập. Trong cả một thập niên qua tôi tin rằng chế độ hiện hữu ở Nga, về cơ bản, là xấu xa, và tôi đòi hỏi quyền được nói lên điều đó, bất kể việc Nga và chúng ta là đồng minh trong một cuộc chiến tranh mà tôi mong chúng ta sẽ thắng. Nếu phải lựa chọn một câu văn để biện minh cho suy nghĩ của mình, tôi sẽ chọn dòng thơ của Milton “Bởi những luật lệ quen thuộc về tự do cổ xưa”.[3]

Từ “cổ xưa” nhấn mạnh rằng tự do tư tưởng có một truyền thống lâu đời mà không có nó, nền văn minh phương Tây của chúng ta sẽ chỉ còn tồn tại một cách đáng ngờ. Nhiều người trong giới trí thức của chúng ta đã quay lưng với truyền thống này. Họ chấp nhận nguyên tắc rằng một cuốn sách sẽ được xuất bản hay quăng vào sọt rác, tung hô hay chê bai, không phải dựa trên bản thân cuốn sách đó mà dựa vào cái gì thuận tiện cho chính trị. Và những người không có quan điểm như vậy thì tán thành nó do sự hèn nhát của mình. Một ví dụ minh họa là sự im lặng của vô số những người Anh yêu hòa bình không dám cất tiếng phản đối đám đông những kẻ tôn thờ chủ nghĩa quân phiệt Nga. Theo những người này, tất cả bạo lực là xấu xa, và họ thúc ép chúng ta, trong từng giai đoạn của cuộc chiến, là phải bỏ cuộc hay ít nhất là thỏa hiệp để đạt được hòa bình. Nhưng bao nhiêu người trong họ dám nói chiến tranh là xấu xa nếu cuộc chiến đó do Hồng quân gây ra? Hình như người Nga có quyền tự vệ, còn nếu chúng ta làm vậy nó sẽ là một tội lỗi kinh hoàng. Sự mâu thuẫn này chỉ có thể giải thích bằng một cách: đó là tham vọng hèn nhát được nằm cũng với một mớ những trí thức, những kẻ mà lòng ái quốc của họ hướng về nước Nga hơn là nước Anh. Tôi biết giới trí thức Anh có ngàn lẻ một lý do để bào chữa cho sự hèn nhát và lươn lẹo của họ, chắc chắn là tôi thuộc lòng những tranh biện họ vẫn dùng để bào chữa cho mình. Nhưng ít nhất làm ơn để chúng tôi không phải nghe thêm những mớ nhảm nhí về bảo vệ tự do chống lại phát-xít. Nếu tự do có một ý nghĩa nào đó, nó có nghĩa là [bạn có] quyền nói với mọi người cái điều họ không muốn nghe. Những người bình thường vẫn tán thành học thuyết này và hành động theo nó. Trong đất nước chúng ta – không giống bất kỳ đất nước nào; không như cộng hòa Pháp, không như Mỹ ngày nay – đó chính là những người theo chủ nghĩa Tự do [liberals], những người khiếp sợ tự do, và trí thức, những người chỉ muốn bôi nhọ trí tuệ: nó chỉ để thu hút sự quan tâm đến một việc, đó là tôi đã viết lời mở đầu cuốn sách này.


[*] Không rõ lắm liệu sự chỉnh sửa được gợi ý ở đây là ý riêng của ông... hay bắt nguồn từ Bộ Thông tin; nhưng nó có vẻ mang tính chất chính thức. – George Orwell

[1] Harbeas Corpus: Tiếng La tinh có nghĩa là “Anh sẽ có thân thể của mình”. Ý nghĩa của nó là chống lại việc tù nhân bị giam giữ và mục nát trong hầm tối vì không được tiếp xúc với không khí và ánh nắng. (ND, theo HABEAS CORPUS – You shall have the body! | Leo Cussen Centre for Law)

[2] Oswald Mosley (1896-1980), nhà quý tộc và chính khách Anh, nhà sáng lập và lãnh đạo Liên minh Phát-xít Anh. Ông ta bị bỏ tù năm 1940 khi Thế chiến thứ Hai bùng nổ và được trả tự do năm 1943. Mosley sống lưu vong ở Pháp và Ireland sau chiến tranh. (ND)

[3] John Milton, trích trong “Sonnet 12: I did but prompt the age to quit their clogs”. Nguyên văn “By the known rules of ancient liberty”. (ND)