Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2024

Lịch sử truyền giáo và chữ quốc ngữ (8)

Thụy Khuê

Chương 5

Alexandre de Rhodes

I- De Rhodes, người dẫn đường

clip_image002[4]

Hai bộ sách nghiên cứu xuất bản trong thời kỳ thuộc địa và hậu thuộc địa, xác nhận và vinh danh Alexandre de Rhodes là người dẫn đường cho quân Pháp đến Việt Nam, là tập san Le Bulletin des Amis du Vieux Huế BAVH (Đô thành hiếu cổ) và bộ lịch sử La Geste Française en Indochine (Huân trạng của người Pháp ở Đông Dương).

 

Léopold Cadière và tập san Đô thành hiếu cổ

Cuộc xâm lược Việt Nam bắt đầu từ tháng 9 năm 1858, với trận Đà Nẵng, và kết thúc với hòa ước Giáp Thân (6-6-1884), ký một năm sau khi vua Tự Đức băng hà (19-7-1883), Việt Nam phải nhìn nhận sự bảo hộ của Pháp.

Nhưng cuộc “bình định” Việt Nam chỉ (tạm coi là) xong với việc ám sát Đề Thám ngày 10-2-1913, dưới thời toàn quyền Albert Sarraut.

Tháng giêng năm 1914, tập san Le Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH) (Đô thành hiếu cổ) ra đời, do linh mục học giả Léopold Cadière chủ xướng và làm chủ bút, được coi như cơ quan “khai sáng” địa hạt nghiên cứu ở Việt Nam. Sự “khai hoá” thực thụ bắt đầu từ đây.

Sử gia Bùi Quang Tung, tác giả bài nghiên cứu dài và chi tiết nhất về linh mục Cadière, Le R.P. (Đức Cha) Léopold Cadière (1869-1955)[1], cho biết:

Léopold Cadière sinh ngày 14-2-1869 tại Aix-en-Provence (Pháp). Qua đời tại Huế ngày 6-7-1955. Ông gia nhập Hội Thừa Sai Paris và được phong linh mục ngày 24-9-1892.

Ngày 26-10-1892, Hội Thừa Sai gửi ông sang Việt Nam, ông tới Huế (23-12-1892), ở dưới quyền Giám mục Caspar địa phận Thừa Thiên. Học tiếng Việt, nghiên cứu và dạy học tại các trường đạo trong vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên trong vòng 14 năm. Năm 1901, Cadière bắt đầu cộng tác với Bulletin de l'Ecole Française de l'Extrême-Orient (Tạp chí Trường Viễn Đông Bác Cổ) (BEFEO) [Trường này được Toàn quyền Paul Doumer thành lập năm 1898].

Vì lý do sức khoẻ, Cadière phải trở về Pháp ngày 4-12-1910 và ở lại Âu châu ba năm. Theo chỉ định của Trường Viễn Đông Bác Cổ, ông tìm được một bản tự điển Việt Bồ La của Alexandre de Rhodes ở thư viện Toà Thánh và tập thư của các thừa sai và lính Pháp ở Hội Thừa Sai Paris[2] [ông cho in tập thư trên Tạp chí Viễn Đông Bác Cổ số 12, năm 1912, dưới tựa đề Documents relatifs à l'époque de Gia Long].

Năm 1913, trở lại Huế. Cadière mở Hội Người yêu Huế cổ (Les Amis du vieux Huế) và năm 1914, phát hành tập san Le Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH) (Đô thành hiếu cổ)[3].

Từ đây, ông phát triển con đường “khai hoá” của Hội Thừa Sai, dưới hình thức nghiên cứu, cùng với Maybon, viết lại lịch sử, qua những bài vở và tư liệu Cadière in trong BAVH và bộ sách Lịch sử hiện đại nước Nam (1592-1820) của Maybon.

Trong bài diễn văn đọc trước Thống chế Joffre ngày 3-1-1922, Cadière tuyên bố: “Những vị sĩ quan Pháp đã đến đây vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, cứu nguy Gia Long và đã giúp ông hoàng này lấy lại ngai vàng[4] để xác định nước Pháp đã có mặt có quyền ở nước Nam, từ thời Gia Long.

Maybon, trước đó, trong cuốn Histoire moderne du pays d'Annam (1592-1820) [Lịch sử hiện đại nước Nam (1592-1820)][5], in năm 1920, cũng đã quả quyết:

“Họ [những người lính Pháp] đã xây dựng một ngành hải quân theo lối Tây phương, thành lập các thuỷ thủ đoàn, huấn luyện quân lính, đặt kỷ luật vào quân đội, thành lập cấp chỉ huy, đúc đại bác, dạy cho người Việt cách dùng trái phá, lập đội pháo binh dã chiến...”.

Thực ra, đó chỉ là những người lính Pháp đào ngũ, vô học, được Cadière và Maybon tôn lên thành sĩ quan, và cho họ vai trò: tổ chức quân đội, chế tạo vũ khí, xây dựng tất cả thành trì ở Việt Nam từ Nam ra Bắc theo kiểu Vauban...

Để thay thế lịch sử xâm lược ghi trong Đại Nam thực lục bằng chữ Hán, đã bị vô hiệu hóa, vì người Việt “Tây học” không còn đọc được nữa, bằng lịch sử thực dân, hai vị học giả, sử gia này đã chế tạo ra “công ơn” của người Pháp đối với vua Gia Long, xác định sự “khai hoá” đã có từ trước khi xâm lược.

Tổ chức biên khảo này, tạo ra một nền nghiên cứu văn hoá và lịch sử, cho người Việt học hỏi đường lối “nghiên cứu khoa học” của Tây phương, để nghiên cứu và viết lịch sử nước mình.

Tập san Le Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH) đã có ảnh hưởng lớn lao đối với trí thức Việt Nam trong hơn một thế kỷ.

Sử gia Bùi Quang Tung trong bài viết công phu Le R.P. (Đức Cha) Léopold Cadière (1869-1955) đã dẫn, nhắc lại lời học giả Nguyễn Văn Tố ca tụng Cadière là “người Việt hóa lớn nhất trong nửa đầu thế kỷ XX”. Rồi ông tôn tụng Cadière: “Vì có nền móng văn hóa lớn, có kinh nghiệm và sự chính xác trong lập luận; nên ông thường được mời dự các hội nghị mà ở đó ý kiến của ông luôn luôn được kính trọng. Ông chú ý tới việc đào tạo tinh thần và đạo đức cho người Việt.” “Tư tưởng của Đức Cha Cadière đã ngự trị trên sự tiến bộ của ngành nghiên cứu Việt học từ đầu thế kỷ [XX].”[6]

Trần Trọng Kim đay nghiến mãi việc nước ta không chịu “khai hoá”:

Nước ta mà không chịu khai hoá ra như các nước khác là cũng bởi bọn sĩ phu cứ giữ thói cũ, không chịu theo thời thế mà thay đổi. Nay sự suy nhược của mình đã sờ sờ ra đấy, thế mà vẫn cứ không chịu mở mắt ra mà nhìn.”.[7]

Hai sử gia Trần Trọng Kim và Phan Khoang, dù có đọc Đại Nam Thực lục, nhưng vẫn theo quan điểm thừa sai-thực dân để “xác nhận”: việc mất nước không phải do Pháp mà do triều đình nhà Nguyễn “hủ lậu và giết đạo”.

Có thể nói, giới sử học Việt Nam đã thần phục sớm nhất lập trường thuộc địa-thừa sai của Maybon và Cadière.

Nhưng một người cẩn trọng, mô-đéc, có những bài viết nghiên cứu chặt chẽ như giáo sư Bùi Quang Tung, tại sao lại đi đến chỗ tôn sùng Cadière vô điều kiện như thế?

Những lời của ông về Cadière: “Ông chú ý tới việc đào tạo tinh thần và đạo đức cho người Việt”, “Tư tưởng của Đức Cha Cadière đã ngự trị trên sự tiến bộ của ngành nghiên cứu Việt học từ đầu thế kỷ là có ý muốn nói: người Việt chưa có đạo đức tinh thần. Nước Việt chưa biết nghiên cứu.

Vậy ra, sự “khai hoá” của Cadière rất sâu xa.

Vậy ra, tất cả những bộ sử sách, nghiên cứu của ta từ đời Trần đến thời Pháp thuộc, đều không dùng được?

Công việc nghiên cứu lịch sử và địa lý dưới thời nhà Nguyễn, khởi đầu từ Minh Mạng và gần như hoàn tất dưới thời Tự Đức, mặc dù phải chống Pháp trong 25 năm, đã đạt những giá trị lớn lao, như Thực lục, Liệt truyện, Cương mục, Đại Nam nhất thống chí... coi như không có?

Sở dĩ có những lời viết tự khinh lạ lùng như vậy, là vì niềm tự ti dân tộc đã quá sâu và sự choáng ngợp trước người Âu, đã khiến các nhà nghiên cứu trên đây, khi đọc những bài viết trong tập san Đô thành hiếu cổ, nhất là những bài của Cadière, đã nhắm mắt chấp nhận, tin vào những gì họ viết mà không điều tra lại để nhận ra những sai lầm mà phản bác.

Linh mục chủ bút Cadière là thành viên của Hội Thừa Sai, cho nên, ngoài những bài nghiên cứu, phần lớn viết chuyện cung đình, lễ bái, để làm vui lòng hoàng gia và được giới Tôn Thất ủng hộ, hầu hết những bài khác, in trên BAVH, kể cả các tư liệu, liên quan đến quan hệ Pháp-Việt, đều dùng thoại và luận của giới thừa sai-thực dân: luôn luôn đứng trên địa vị người thầy dạy dỗbuộc tội triều đình.

Trong bản dịch Khiêm cung ký của vua Tự Đức, Delamarre dám cắt bỏ đoạn quan trọng nhất vua nói về cuộc chiếm xâm lược của Pháp. (BAVH, 1918, quyển 1, trang 25-41). Còn những tài liệu và bài viết của André Salles, Delveaux, về những việc xảy ra dưới triều Minh Mạng, cũng không có gì bảo đảm, muốn dùng phải hết sức thận trọng, phân biệt được cái giả, cái thật.

Ở đây, trong giới hạn của chương này, chúng tôi chỉ xin trình bày mấy câu trong một bài viết của linh mục Cadière, đó là bài đầu tiên trong số hàng trăm bài biên khảo ông viết trong suốt thời kỳ làm chủ bút tập san Đô thành hiếu cổ, từ 1914 đến 1941, mục đích giới thiệu và đề cao vai trò của những người Pháp đã đến Việt Nam, có công với nước Pháp: những người lính đến giúp Gia Long và những thừa sai trong hành trình truyền giáo.

Linh mục Cadière khai trương loạt bài: Les Européens qui ont vu le Vieux Huế (Những người Âu đã nhìn thấy Huế xưa) bằng nhân vật Alexandre de Rhodes.

Mùa hè năm 1915, ông viết:

“Thực ra, cha de Rhodes không phải là người Pháp, vì Avignon [nơi ông ra đời] lúc đó còn thuộc về Giáo hoàng. Nhưng ta thấy ông là người Pháp trong tim và với biết bao trân trọng ông đã làm rạng danh nước Pháp với bên ngoài[8].

Kết quả tất cả những vận động này [của de Rhodes] là sự hình thành Hội Thừa Sai, mà cha de Rhodes, không phải là người khai sinh, mà là người chủ xướng (l'instigateur). Một tác giả đã nghiên cứu kỹ về giai đoạn này [Maybon] nói rằng: “Hội [Thừa Sai] của cha de Rhodes đã đạt được những kết quả lớn lao cho sự thiết lập và bành trướng ảnh hưởng Pháp ở Annam”. Ta có thể thêm: và tất cả Viễn Đông.

Cha de Rhodes không chỉ là người Pháp đầu tiên đã nhìn thấy Huế xưa, ông còn là người dẫn chúng ta tới xứ này[9].

Sự xác định Alexandre de Rhodes là người Pháp đầu tiên đã thấy Huế hoặc “tiền Huế”, là để vinh thăng vị giáo sĩ như “công dân danh dự” của thành phố Huế, đồng thời cho Huế cái “hân hạnh” có người công dân [Pháp] đầu tiên là Alexandre de Rhodes, theo đúng chủ trương Pháp-Việt đề huề của Toàn quyền Albert Sarrault.

Thực ra, de Rhodes chưa bao giờ đến Huế. Ông đến Đàng Trong hai lần (1624-1627) và (1640-1645), lúc đó đều chưa có Huế. Mãi đến năm 1687, chúa Ngãi Nguyễn Phước Trăn (1687-1691) lên ngôi; mới dời đô về làng Phú Xuân, tức là Huế. Vì thế, nên khi Cadière bảo rằng de Rhodes đã trông thấy “tiền Huế” (pré-Hué), và sau đó ông tìm cách “chứng minh” rằng de Rhodes cùng de Pina đã rửa tội cho bà Minh Đức Vương Thái Phi, ân nhân đầu tiên của đạo Chúa, năm 1625, cũng chỉ là để “xác nhận” de Rhodes có công đầu trong việc truyền giáo, thực ra, linh mục Buzomi, mới là người có công đầu, ông đã rửa tội cho bà Minh Đức khoảng 1615-16, nhờ đó Buzomi mới có nhà thờ đầu tiên ở Đà Nẵng do bà Minh Đức bảo trợ. (Xem chương 3: Cristoforo Borri, phần II).

Rồi Cadière ca tụng cuốn Phép giảng tám ngày và tổng kết giá trị chung các tác phẩm de Rhodes như sau:

"Cuốn “Phép giảng tám ngày” viết bằng tiếng Việt và La tinh, vừa là tài liệu quý giá cho sự hiểu biết tiếng Việt cổ (…) Bất kỳ ai muốn học tiếng Việt cổ, lịch sử cả về chính trị lẫn tôn giáo, phong tục, đạo giáo, nhất là ngôn ngữ, không thể bỏ qua các tác phẩm của de Rhodes. Đối với một số vấn đề, các sách này là nền móng của tất cả mọi công trình.

Những chuyến du hành của cha Rhodes, sự nghiệp giáo đồ và các tác phẩm của ông, có thể lấp đầy ba đời người (...)

Khi ta đọc các tác phẩm của ông, nếu đặt dưới nhãn quan đặc biệt này, người ta không khỏi cho ông là một ông thánh (un saint)[10].

Những lời ca tụng trên đây hơi vội vàng và thiếu thận trọng, nhất là ở một học giả: bởi vì không ai nghiên cứu tiếng Việt cổ qua thứ chữ viết do người ngoại quốc vừa sáng chế, tức là thứ chữ quốc ngữ trong cuốn Phép giảng tám ngày. Đơn giản là vì chữ viết trong sách này, phần lớn chưa thành chữ đọc được và câu văn trong đó chưa phải là câu tiếng Việt.

Cũng không ai nghiên cứu tôn giáo, phong tục của một nước qua những văn bản coi người dân nước đó sống như con vật (Baldinotti), coi dân tộc đó rất hủ lậu chỉ biết tôn thờ ma quỷ (de Rhodes). Tóm lại trong những điều học giả Cadière vinh thăng “học giả” de Rhodes, chỉ có câu này là đúng: "Ông là người đã đưa chúng ta [người Pháp] đến xứ này."[11]

Còn cách viết biên khảo của cha Cadière không có điểm gì “khai hoá” cho chúng ta [người Việt].

 

Georges Taboulet và cuốn Huân trạng người Pháp ở Đông Dương

Người thứ hai hết sức vinh danh công trạng của Alexandre de Rhodes với nước Pháp là Georges Taboulet, trong bộ sách lịch sử tựa đề La Geste Francaise en Indochine (Huân trạng người Pháp ở Đông Dương)[12] , Taboulet đã đặt tên chương sách đầu tiên của ông là:

“Cha Al. de Rhodes đưa đạo Thiên Chúa và nước Pháp vào Việt Nam” (Le père Al. de Rhodes introduit le Christianisme et la France au Vietnam).

Đó là chương 1 của bộ sử dầy 2 tập, viết về công trạng những người Pháp trong cuộc chinh phục Đông Dương. Công trạng này được chia làm hai loại: của hải quân Pháp, qua các tướng giỏi chỉ huy cuộc chiến và của những giáo sĩ thừa sai Pháp đã thúc đẩy Pháp hoàng Napoléon III quyết định viễn chinh, cung cấp thông tin, dẫn đường, chỉ điểm và dùng giáo dân làm hậu thuẫn.

Theo Taboulet, vai trò của các Thừa sai bắt đầu từ thế kỷ XVII, với Alexandre de Rhodes, người dẫn đường đầu tiên cho Pháp đến Việt Nam, bằng cách viết sách, vẽ bản đồ, và xin Giáo hoàng cho Pháp thay Bồ quản trị việc truyền giáo ở Việt Nam. Nhờ Alexandre de Rhodes mà Hội Thừa Sai Paris được thành lập.

Rồi các giáo sĩ thừa sai không ngừng lên án vua chúa nhà Nguyễn diệt đạo, để tạo cớ cho chính phủ Pháp xâm lăng, vì thế Hội Thừa Sai được linh mục Georges Goyau gọi là "cái nôi của Đông Dương Pháp" (le berceau de l'Indochine Française)[13].

Linh mục HucGiám mục Pellerin, bằng những lời xuyên tạc Tự Đức tàn sát đạo Chúa, và phóng đại Việt Nam là một nước giầu có đầy tài nguyên, dễ đánh chiếm, không tốn một xu, đã thuyết phục được Napoléon III quyết định cuộc viễn chinh, đánh vào Đà Nẵng năm 1858.

Taboulet phản ảnh lại giai đoạn lịch sử này, từ Alexandre de Rhodes (1624) đến Albert Sarrault (1914): một giáo sĩ mở đầu và một toàn quyền kết thúc chương trình “giáo hóa” bằng sự xâm lược một dân tộc.

Trước khi thuật lại huân trạng của Alexandre de Rhodes, người có công đầu với nước Pháp trong cuộc chinh phục Đông Dương, Taboulet nhận định rằng:

Cha de Rhodes đã có ảnh hưởng quyết định (décisive) đến số mệnh tương lai của Đông dương. Ông là người thực sự đưa văn minh Tây phương vào bán đảo Đông dương[14].

Tác phẩm Huân trạng của người Pháp ở Đông Dương in tại Paris năm 1956, hai năm sau trận Điện Biên Phủ và hiệp định Genève, Pháp phải rút quân khỏi Việt Nam, với chủ ý làm rạng danh chủ nghiã thực dân vừa cáo chung, nhưng cũng là bộ sử quan trọng về cuộc chinh phục thuộc địa từ 1847 đến 1914, với rất nhiều tài liệu gốc, về phiá Pháp, xen kẽ với những bài viết của Taboulet, gọi là Texte, có đánh số. Chúng tôi đã có lời phê phán tính cách chủ quan, đôi khi xuyên tạc của Taboulet trong tác phẩm này[15]. Tuy nhiên vẫn phải công nhận rằng Taboulet là người đầu tiên đã cho in lại nhiều tài liệu gốc hiếm quý, từ năm 1956.

Gần 40 năm sau, mới có bộ sách tài liệu đồ sộ của Võ Đức Hạnh, ba tập, tựa đề: La Place du Catholicisme dans les relations entre la France et le Vietnam de 1870 đến 1886 (Vị thế của đạo Chúa trong quan hệ Pháp-Việt từ 1870 đến 1886), Nxb Peter Lang, Berne, 1992.

Bộ sách này thu thập một số lượng rất lớn thư từ, bản thảo, công văn... tìm được trong các ngân khố tư liệu ngoại giao, chính trị và tôn giáo của Pháp, thời kỳ 1870- 1886, giai đoạn chủ yếu của cuộc xâm lược.

Rồi Cao Huy Thuần xuất bản cuốn Les missionnaires et la politique coloniale française au Việt Nam (1857-1914) (Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857-1914), do Nguyễn Thuận dịch sang tiếng Việt năm 1999, sách đã được in ở Việt Nam. Tác phẩm này phơi bày vai trò của giáo sĩ thừa sai trong cuộc chiến xâm lược; quan hệ gay go giữa các giáo sĩ thừa sai và quân đội viễn chinh.

Tuy nhiên, hai tác phẩm của Võ Đức Hạnh và Cao Huy Thuần, chỉ trình bày những tư liệu, phiá Pháp, cho nên nếu không đọc Đại Nam thực lục, và những tài liệu khác của Việt Nam, chúng ta không thể biết rõ những gì xảy ra, phiá Việt.

Alexandre de Rhodes đối với người Việt

Về phiá Pháp, de Rhodes được tôn vinh như thế, còn về phiá Việt, Alexandre de Rhodes là ai?

Đối với phần đông người Việt, ông là “cha đẻ” chữ quốc ngữ. Nhờ chữ quốc ngữ, chúng ta mới bước được vào môi trường “văn minh” của các nước Âu châu, có chữ viết bằng mẫu tự La tinh.

Đối với phần đông người Việt, ông còn là một trong những tên tuổi ngoại quốc thân thuộc nhất, nhờ tượng đá và tên đường, de Rhodes đã trở thành nhân vật lịch sử như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, và còn hơn nữa, ông là “nhà văn hoá” đã sáng chế ra chữ quốc ngữ cho chúng ta học và viết.

Người Pháp có cách đặt tên đường rất hay: Họ lấy Catinat, tên chiếc tàu đầu tiên, tháng 9-1856, bất ngờ đến bắn phá các thành lũy ở Đà Nẵng dưới thời vua Tự Đức, làm tên cho con đường lịch sự nhất Sài Gòn (đường Đồng Khởi). Họ lấy tên đô đốc Charner (đường Nguyễn Huệ), là người thắng Nguyễn Tri Phương trong trận Chí Hòa ngày 24 và 25 tháng 2 năm 1861, và tên đô đốc Bonard (đường Lê Lợi) người thắng trận Biên Hoà ngày 16-12-1861, là hai trận đánh chủ chốt quyết định số phận miền Nam, đặt tên cho hai con đường lớn nhất ở trung tâm Sài Gòn, để người Việt, mỗi lần dạo chơi trên hai đại lộ hoa gấm này, cảm thấy “thân quen và hãnh diện” với tên những người đã đến cướp nước họ.

Kể từ 30 năm nay, hai bộ sách chính của Alexandre de Rhodes đã được dịch sang tiếng Việt và truyền bá rộng rãi, đó là Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài[16]Hành trình và truyền giáo[17]. Linh mục Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên là dịch giả chính, ông viết Lời giới thiệu cuốn Phép giảng tám ngày[18], một bài viết công phu, nguyên là luận án làm tại đại học Gregoriana Roma, năm 1958, về cuốn sách giáo lý có tên Phép giảng tám ngày của de Rhodes[19].

Như thế, sự truyền bá tư tưởng của người dẫn đường cho Pháp đến Việt Nam, thực đã là toàn diện.

Việc dịch de Rhodes của Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên

Tuy nhiên, sách của Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên có những vấn đề nghiêm trọng:

Khi dịch hai cuốn Lịch sử vương quốc Đàng NgoàiHành trình và truyền giáo, ông đã bỏ qua hai bài Tựa, là thư de Rhodes viết cho Pháp Hoàng Louis XIV (tựa sách Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài) và thư gửi hoàng hậu Anne d'Autriche (tựa sách Hành trình và truyền giáo), để thỉnh cầu triều đình Pháp đem quân chinh phục vùng đất Viễn Đông (tức Đàng Ngoài và Đàng Trong), mở rộng thánh địa của đạo Chúa.

Việc bỏ hai bài Tựa này, chứng tỏ linh mục Hồng Nhuệ muốn giấu việc de Rhodes xin Pháp Hoàng đánh chiếm Việt Nam làm thuộc địa, mà người Việt không thể chấp nhận được.

Khi dịch, đôi khi ông còn sửa nội dung câu, chữ, cho nhẹ nghiã đi hoặc dịch trái hẳn nghiã, để tạo ra một de Rhodes mà người Việt có thể chấp nhận được. Việc làm này, so với việc linh mục Cadière cướp công khai phá truyền giáo của các giáo sĩ Ý, Bồ, về cho de Rhodes, còn trầm trọng hơn nhiều.

Vì vậy, nếu chúng ta muốn biết rõ Alexandre de Rhodes là ai, cần phải đọc văn bản gốc của ông, để xem ông đã thật sự viết những gì, mới có thể hiểu tại sao giới nghiên cứu Pháp xác nhận Alexandre de Rhodes là người có công đầu trong cuộc chinh phục Việt Nam.

Tiểu sử Alexandre de Rhodes

Chúng tôi dựa theo sách Du hành và truyền giáo (Voyages et Missions), do Nxb Julien, Lanier et Cie, in tại Paris, năm 1854, để viết tiểu sử này.

Alexandre de Rhodes sinh ngày 15-3-1591 tại Avignon.[20]

Xuất thân trong một gia đình Do Thái, ở bán đảo Ibérie (giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) đến lập nghiệp tại Thái ấp Vénaissin (Comtat Vénaissin)[21], vùng đất cổ của nước Pháp ở miền Vaucluse. Thái ấp Vénaissin cùng với Avignon, là đất thuộc Giáo hoàng, từ 1272 đến 1791.

Năm 1599 (8 tuổi), cha mẹ gửi sang Roma học đạo.

Năm 21 tuổi, được nhập dòng Tên, ngày 14-4-1612.

Tha thiết mong đi Nhật Bản. Năm 27 tuổi, được Giáo hoàng Paul V cho phép rời Roma (10-1618) đi Lisbonne bằng đường bộ. [Lúc đó Bồ Đào Nha là "con trưởng" của Giáo hội, nên các giáo sĩ Âu châu muốn đi giảng đạo nơi nào, cũng phải qua Lisbonne xin phép].

Năm 28 tuổi, ngày 4-4-1619, de Rhodes được phép đi Goa, cơ sở đạo Chúa ở Ấn Độ, thuộc Bồ Đào Nha[22].

Ông đến Goa ngày 9-10-1619, Bề trên giữ lại ở đây, vì tình hình cấm đạo gắt gao ở Nhật Bản, từ năm 1614 [Nhật đã bế quan tỏa cảng từ năm 1612, và đã ban hành luật cấm đạo từ tháng 1-1614, các giáo sĩ không thể vào lọt, dù có lọt vào cũng bị xử tử] Ở Goa ba tháng, ông bị bệnh nặng được gửi đi dưỡng bệnh ở đảo Salsète gần đó, trong ba tháng. Rút cục, ông ở lại Goa và Salsète hai năm rưỡi, giảng đạo cho tù nhân, cho người chèo ga-le (án khổ sai) và những dân nô lệ khác của Bồ Đào Nha. Được tin “có thể đi Nhật”, ngày 12-4-1622, de Rhodes lên tàu đi Malaque (Malacca), để đến Trung Quốc. Ngày 28-7-1622, ông tới Malacca; chờ 9 tháng, rồi đi Trung Quốc cùng với cha Antoine Cardim.

Đến năm 1622 mới khởi hành đi Trung Quốc.

Ngày 29-5-1623, tàu đến Macao, ông đã 32 tuổi. Macao là trung tâm đạo Chúa lớn nhất Á Châu lúc bấy giờ. Ông ở Macao một năm, học tiếng Nhật.

Tháng 12-1624 (33 tuổi) de Rhodes được gửi tới Đàng Trong lần đầu, trong phái đoàn tháp tùng cha Gabriel de Mattos (hay Matos), nguyên quản thủ các dòng Tỉnh ở Roma, đi kinh lý Đàng Trong, với 5 giáo sĩ người Âu, và một người Nhật[23] [tức là cha Pedro Marques][24].

Cha Gabriel de Mattos viết trong thư ngày 5-7-1625, tại Đàng Trong gửi Cha Cả Dòng Tên ở La Mã, cho biết:

"Hiện nay chúng tôi có ba cơ sở mà hai trong số này [Hội An, Nước Mặn] đã được hoàn thành [theo giáo luật], còn cơ sở thứ ba tại "thủ phủ" quan trấn thủ [tức Thế tử Nguyễn Phước Kỳ], nơi mà lúc này tôi [đang tạm trú] có ba linh mục định cư: Linh mục Francesco de Pina biết tiếng [Việt] khá lắm, làm Bề trên và là giáo sư, và các linh mục de Rhodes cùng Antonio de Fontes là thuộc viên và học viên"[25].

Vậy khi de Rhodes đến Đàng Trong, việc truyền giáo và thành lập chữ quốc ngữ đã hoàn tất giai đoạn 10 năm đầu (1615-1625) với ba cơ sở truyền giáo: Hội An, Nước Mặn, Quảng Nam và lớp dạy chữ quốc ngữ của de Pina, trong thành Quảng Nam.

Ngày 15-12-1625, linh mục de Pina chết đuối. Antonio de Fontes tiếp tục công trình nghiên cứu chữ quốc ngữ của người thầy.

Tháng 7-1626, de Rhodes và Pedro Marques được gọi về Macao.

Tháng 3-1627 de Rhodes được Macao gửi đi Đàng Ngoài, trong phái đoàn Pedro Marques, thời chúa Trịnh Tráng (1623-1657).

Ba năm sau (1630), de Rhodes và Marques bị trục xuất. Về Macao, ông bị Bề trên giữ lại 10 năm, không cho trở lại Đàng Trong.

Năm 1639, chúa Thượng Nguyễn Phước Lan (1635-1648), cấm đạo nghiêm ngặt, tất cả các giáo sĩ đều bị trục xuất. Năm sau, 1640, de Rhodes xin tình nguyện trở lại Đàng Trong, được Bề trên chấp nhận.

Từ đây bắt đầu giai đoạn hai trong cuộc đời truyền giáo của de Rhodes ở Việt Nam. Mặc lệnh cấm đạo: từ 1640 đến 1645, de Rhodes ra vào Đàng Trong tất cả bốn lần. Lần cuối cùng, ông bị bắt, bị xử tử, rồi được tha, nhưng bị trục xuất vĩnh viễn.

Ngày 3-7-1645, de Rhodes rời Đàng Trong về Macao. Bề trên quyết định cho ông về Roma.

Ngày 20-12-1945, de Rhodes lên đường, mang theo thủ cấp của André, thầy giảng trẻ bị xử tử năm 1644 ở Quảng Nam, về La Mã để “tố cáo tội ác giết đạo” của chúa Thượng.

Hành trình trở về dài ba năm rưỡi. Ông tới La Mã ngày 27-6-1649, ở lại ba năm, vận động Toà Thánh cho in toàn bộ sách của ông (1651-1652), và thỉnh cầu Giáo hoàng Innocent X cho Pháp thay thế Bồ trong việc quản trị đạo Chúa ở Việt Nam. Đồng thời, ông viết ba lá thư cầu xin Pháp hoàng đem quân chinh phục, để Gia-Tô hóa Đàng Ngoài và Đàng Trong.

Ba lá thư này sẽ được công bố dưới hình thức bài Tựa ba cuốn sách Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, Cái chết vinh hiển của André Du hành và truyền giáo.

Ngày 11-9-1652 de Rhodes rời Roma, sang tới Paris tháng 1-1653, để vận động với triều đình Pháp, nhưng chưa có kết quả cụ thể. Tháng 11-1654, ông được Roma gửi đi Iran.

Khi Giáo hoàng Innocent X qua đời. Những thỉnh nguyện của de Rhodes mới được thực hiện: Ngày 27-8-1658, Giáo hoàng Alexandre VII ký sắc lệnh cho Pháp có Đại diện Tông toà đầu tiên, và được phép thay thế Bồ, đứng đầu việc truyền giáo ở Á Đông.

Alexandre de Rhodes qua đời tại Ispahan, Iran, ngày 5-11-1660.

Tác phẩm của Alexandre de Rhodes

Theo cuốn Voyages et Missions (Du hành và truyền giáo)[26], những sách của de Rhodes được Tòa Thánh xuất bản trong khoảng 1650-1653, gồm có:

1- Histoire du royaume de Tunquin (Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài) nguyên bản tiếng Ý, in năm 1650, tại Roma[27].

2- Tự điển Việt-Bồ-La, 1651, Roma.

3- Catechismus (Phép giảng tám ngày), 1651, Roma, song ngữ La tinh và quốc ngữ.

4- Relations des progrès de la foi au royame de la Cochinchine (Ký sự về những tiến bộ của đạo Chúa ở vương quốc Đàng Trong), 1652, Paris[28].

5- Histoire de la vie et de la glorieuse mort de cinq Pères de la Compagnie de Jésus (Đời sống và cái chết vinh hiển của năm cha Dòng Tên) nguyên bản tiếng Ý, Roma, 1652[29].

6- La glorieuse mort d'André (Cái chết vinh hiển của André) nguyên bản tiếng Ý, Roma, 1652[30].

7- Divers voyages et Misions (Du hành và truyền giáo) in ở Paris năm 1653, 1666 và 1688[31].

8- Relation de ce qui s'est passé en l'année 1649 (Ký sự về những gì xảy ra năm 1649), Paris, 1655[32].

9- Relation de la mission des Pères de la Compagnie de Jésus, établie dans les royaumes de Perse (Ký sự về việc các cha Dòng Tên truyền giáo ở Ba Tư) [33], Paris, 1659, do cha Machault soạn theo những ghi chép của de Rhodes.

Chín cuốn sách này, xác định hành trình và mục đích của Alexandre de Rhodes.

Tự điển Việt-Bồ-LaPhép giảng tám ngày, thuộc điạ hạt chữ quốc ngữ, sẽ bàn đến sau, bẩy cuốn còn lại viết về việc truyền giáo.

Hai cuốn sách Đời sống và cái chết vinh hiển của năm cha Dòng Tên tại Nhật BảnCái chết vinh hiển của André, ở Đàng Trong, cùng với thủ cấp của André, đem về La Mã, là để tố cáo “tội ác” của hai nước Nhật Bản và Việt Nam, đối với đạo Chúa.

Tác phẩm Du hành và truyền giáo[34] phản ảnh hai khía cạnh đặc biệt của de Rhodes:

- Phương pháp truyền giáo và chữa bệnh của ông. Đặc biệt đề cao việc chữa bệnh bằng nước thánh và ông tin mình có khả năng cải tử hoàn sinh.

- Việc lập đội ngũ thiếu niên sẵn sàng tử đạo ở Đàng Trong, và dàn dựng lại cái chết tử đạo của thầy giảng André, mà có lẽ nguyên nhân do chính de Rhodes gây ra. Chúng ta sẽ biết rõ hơn về cái chết này trong chương tới.

Du hành và truyền giáo, vì vậy, là tác phẩm chính, bao trùm lên các tác phẩm khác, gồm 448 trang. Riêng Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, có chủ đích giới thiệu với Giáo hoàng và Pháp hoàng vùng đất đầy tài nguyên, dễ chinh phục ở phương Đông, đồng thời phô bày “sự hủ lậu, tôn thờ ma quỷ” của dân tộc này, cần được "khai hoá".

Hành trình truyền giáo của de Rhodes

Chúng tôi dùng cả hai cuốn Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài Du hành và truyền giáo để trình bày cuộc đời truyền giáo của de Rhodes.

Cuốn Lịch sử Đàng Ngoài chia làm hai phần:

Quyển I, gồm 31 chương, có chủ đề: Đời sống thế tục ở Vương quốc Đàng Ngoài (De l'Etat temporel du Royaume de Tunquin), chia làm hai phần:

1- Nguồn gốc, lịch sử, địa lý, quân sự, dân số, sự giầu có, thổ sản, hàng hoá, thương mại, tiền tệ, của Đàng Ngoài (từ chương I đến chương XVII).

2- Mô tả “sự dốt nát và mê tín dị đoan” của dân tộc xứ này (từ chương XVIII đến chương XXXI).

Quyển II, gồm 51 chương, viết về Hành trình truyền giáo của de Rhodes ở Đàng Ngoài.

Cách chỉ trích “sự dốt nát, tăm tối của người Đàng Ngoài” ở đây, cực đoan hơn những gì ta đã thấy trong ký sự của Cristoforo Borri và Baldonetti, thậm chí có đoạn de Rhodes còn kể chuyện người Đàng Trong tin ma quỷ, đến nỗi giết con: Đứa con thứ nhất bị bệnh chết, người cha tưởng nó bị ma quỷ hãm hại, đứa con thứ hai bị bệnh nặng, người cha đưa nó ra đồng, lấy dao chặt làm hai, tưởng như vậy thì ma quỷ sợ, không dám động đến những đứa sinh sau nữa![35].

Cách viết này cho thấy de Rhodes quyết tâm vạch ra tính chất "man rợ khủng khiếp" của người dân xứ này, cộng với thủ cấp André đem về làm chứng, để Pháp hoàng và Giáo hoàng sớm đem quân đội thánh giáo và ánh sáng Phúc Âm đến chinh phục và giáo hóa họ.

Vấn đề Tam giáo được mô tả trong ba chương: chương XVIII viết về đạo Nho, chương XIX viết về đạo Phật, và chương XXI viết về đạo Lão.

Đặc biệt đạo Phật, theo de Rhodes, là tà đạo hàng đầu, mà chủ soái đạo này, tức Thích ca, là học trò của Quỷ. De Rhodes dốc toàn lực để chứng minh sự “độc hại” của đạo Phật.

Chúng tôi dịch gần trọn chương XIX, vì chương sách quan trọng này phản ảnh những điều ông truyền giảng ở Đàng Ngoài, và ta có thể đoán chắc, đó là lý do chính, khiến ông bị chúa Trịnh Tráng trục xuất, năm 1630.

Dưới đây, chúng tôi chép lại bản dịch Pháp văn của Henri Albi, do nhà xuất bản Jean-Baptiste Devenet in ở Lyon, năm 1651, và sửa chữ Pháp thế kỷ XVII theo lối viết hiện đại để độc giả dễ đọc[36]. Những đoạn in đậm đã bị cắt trong cuốn Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài do Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch.

Nguyên văn chữ Pháp

Chapitre XIX- De la seconde secte superstitieuse des Tunquinois.

La seconde secte à laquelle la superstition des Tunquinois s'est attachée (qu'ils appellent Dau thic) a eu pour Auteur selon leurs livres et leur tradition, le fils d'un Roy des Indes, que les Japonais appellent Xaca, les Chinois Xechia, et les Tunquinois Thicca, par quelque corruption de son nom: lequel ils disent avoir vécu mille ans environ, devant la venue de Jésus-Christ, et avoir eu pour Père un qu'ils nomment Timphan, qui régnait en l'Inde vers le temps du Roy Salomon.

Ce Thicca n'étant encore âgé que de dix-sept ans, se maria à une jeune Princesse nommée Adudala, fille d'un autre Roy de l'Inde, avec laquelle il vécut deux ans, et en eut dans ce temps là une fille, nommée Haula. Mais comme il avait le naturel violent et malin, il s'adonna dès son tendre âge à la magie et eut deux Démons familiers, desquels il prenait toute la conduite, et son instruction qui lui conseillèrent de se retirer dans une solitude écartée, au déçu, tant de son Père (qui en reçut beaucoup de déplaisir) comme de la femme qui fit de grandes plaintes de cet abandon. Après cinq ans, étant revenu au Palais de son Père, imbu de l'Athéisme qu'il avait appris sous de si mauvais Maitres, il tacha de le répandre dans l'esprit de ses sujets. Mais comme la nature même par les premiers principes de la raison se rebute de cette erreur, et a de la peine de secouer cette persuasion intérieure, qu'il a une divinité; c'est à dire un premier être et une cause supérieure de tout ce qui ne peut se tenir l'être de soi même; il ne trouvera personne qui voulut adhérer avec lui à ce sentiment et le joindre à sa suite.

Thicca donc fâché de se voir rebuté de son entreprise, s'adula par le conseil de ses Démons familiers d'un autre pernicieux dessein, qui fut de semer certaine Histoire et généalogie fabuleuse des Dieux et sous la couverture de ces fables, publier l'usage des vices les plus monstrueux et introduire la créance de plusieurs Divinités.

Ce qui lui réussit en forte, dans les quarante ans de son règne qu'il travailla à cet impie dessein que tant par son autorité, que par les illusions de la magie, il établit et étendit par toute l'Inde le culte superstitieux des Idoles qui y était auparavant inconnu: Et pour mieux colorer l'erreur et l’Idolâtrie publique qu'il avait introduite, laissa artificieusement au peuple le sentiment dont il était communément imbu, qu'il avait des récompenses au Ciel pour les gens de bien et des supplices reçues en Enfer pour les méchants. Ce fut, par ce moyen que l'Idolâtrie fut reçue dans l'Inde.

Mais les Diables qui gouvernaient l'esprit de ce malheureux Prince, n'ignorant pas que l'Athéisme est pire et plus pernicieux que l'Idolâtrie, comme celui qui fait planche à toutes sortes de vices, persuadèrent à cet esprit impie de se dédire sur la fin de ses jours. Ce qu'il fit, non pas devant le peuple, mais seulement devant les plus ingénieux et le plus malins de ses disciples, auquels il déclara que la doctrine des Idoles qu'il avait enseignée durant quarante ans, n'était que pour amuser le simple peuple: Mais que dans la vérité tout ce qui avait dit et enseigné, n'était qu'un voile, et une couverture des secrets de l'Anatomie, dont il leur fit une sommaire explication; n'ayant jamais entendu (disait-il) par les figures des Idoles qu'il avait exposés, que les cinq sens et les principaux membres internes et externes du corps humain. Ce qu'ayant dit, il mourut dans son impiété et sa malheureuse âme alla recevoir le châtiment de deux grand maux dont il avait été l'Auteur; l'un de l'Idolâtrie dans laquelle le peuple trompé et enchanté des contes de ses fables, s'est jetté et a depuis persévéré, et l'autre de l'Athéisme, duquel font encore profession les esprits les plus déliés s'abandonnant sans crainte à toutes sortes de vices; cependant que le simple peuple abusé s'entretient craintivement au culte de ses Idoles.

Or maintenant, comment le venin de la doctrine de ce Thicca et les superstitions dont il fut l'Auteur passèrent par contagion de l'Inde à la Chine, et par conséquent à Tunquin, qui n'était comme nous avons dit, qu' une Province de la Chine..."[37]

Dịch:

Chương XIX - Về giáo phái dị đoan thứ hai của người Đàng Ngoài

Theo sử sách và truyền thuyết của họ, Giáo phái thứ hai, mà người Đàng Ngoài dị đoan gắn bó (họ gọi là Đạo Thích), có tác giả là con một ông vua ở Ấn Độ, tên bị đọc sái đi, người Nhật gọi là Xaca, người Tàu gọi là Xechia, và người Đàng Ngoài gọi là Thicca: họ nói rằng ông ta đã sống một ngàn năm trước Chúa Giê-Su, và có người cha tên là Timphan, trị vì Ấn Độ cùng thời với vua Salomon.

Tay Thích Ca này mới mười bảy tuổi, đã cưới một cô công chúa trẻ tên là Adudala, con gái một ông vua khác ở Ấn Độ, sống chung hai năm và có một con gái tên Haula. Nhưng bản chất hung bạo và quỷ quái, ngay từ lúc còn nhỏ, y đã miệt mài theo đòi ma thuật và có hai con Quỷ thân tình để học đòi phong cách và kiến thức, khuyên y nên lui vào ở ẩn, mặc nỗi thất vọng của người cha (đã nhiều lần phật ý) cùng người vợ thở than vì bị ruồng bỏ.

Sau năm năm, y trở về Cung điện của Cha, thấm nhuần thuyết Vô thần mà y đã học được ở những người Thầy xấu xa như thế, y cố gắng gieo rắc trong trí óc thần dân của y. Nhưng tạo vật, theo nguyên lý của lẽ phải, đã từ chối sai lầm này, [khiến y] không làm lung lay được niềm tin vững chắc trong nội tâm [con người] là có một đấng tối cao, tức là một thực thể tiên thiên, một nguyên nhân tối thượng của tất cả mọi hiện hữu; [cho nên y] không tìm được ai theo làm đồ đệ.

Thích Ca giận giữ vì kế hoạch của mình bị gạt bỏ, lại được bọn Quỷ thân tình tâng bốc, khuyến dụ một dự tính khác, độc hại hơn, đó là gieo rắc thứ Truyện và phả hệ hoang đường của những Thần thánh, dưới hình thức thần thoại, quảng bá quyền sử dụng những cái xấu khủng khiếp nhất và nhồi nhét niềm tin nhiều Thần linh.

Cách này đạt thành quả lớn, trong bốn mươi năm trị vì, y rèn luyện kế hoạch nghịch đạo này, bằng quyền thế và bằng ma thuật, y thành lập và giải rắc trên khắp nước Ấn Độ sự thờ cúng dị đoan [mê muội] Thần thánh, trước đó không có: Và để tô đậm sự lầm lạc và mê muội Thần thánh của công chúng mà y đem vào, y xảo quyệt truyền cho dân cái cảm tưởng mà y đã thấm nhuần, đại để rằng có phần thưởng cho người tốt trên Trời và hình phạt cho kẻ ác dưới Địa ngục. Bằng phương tiện này, đạo [mê muội] Thần thánh được nẩy nở ở Ấn Độ.

Nhưng những con Quỷ trụ trì đầu óc của ông Hoàng khốn khổ, dư biết thuyết Vô Thần còn tệ hơn và độc hại hơn sự mê muội Thần thánh, như kẻ nằm ngửa trên mọi hình thức tội lỗi, chúng thuyết phục đầu óc nghịch đạo này, nói lời trái lại, khi sắp chết. Y không tuyên bố trước quần chúng, mà nói với những kẻ khôn ngoan và quỷ quyệt nhất trong đám đệ tử của y, rằng, học thuyết tôn thờ Thần Thánh mà y giảng dạy trong bốn mươi năm nay chỉ để tiêu khiển đám dân chúng ngây ngô: Sự thật tất cả những gì được giảng dạy, chỉ là tấm màn mỏng, tấm chăn đắp lên những bí mật của cơ thể, mà y giải thích sơ sài rằng: y chỉ nghe nói tới ngũ quan và những bộ phận chính bên trong và bên ngoài cơ thể con người, qua những hình ảnh Thần thánh mà y đã trưng ra. Nói xong, y chết trong nghịch đạo và linh hồn khốn khổ của y nhận sự trừng phạt của hai điều ác mà y là tác giả: một là, sự u mê Thần thánh, ca ngợi những truyện hoang đường, mà dân chúng bị lừa, nhẩy vào và bền chí [đi theo] từ đó, và cái kia là thuyết Vô thần, mà những đầu óc yếu đuối nhất, chìm đắm trong đủ loại tội lỗi mà không sợ, trong khi dân chúng ngây ngô bị lường gạt, lại thờ cúng Thánh thần, vì sợ.

Làm sao nọc độc của lý thuyết Thích Ca và mê tín dị đoan mà y là tác giả lại lây lan từ Ấn Độ sang Trung Quốc, tới Đàng Ngoài, nơi đây, như chúng tôi từng nói, chỉ là một Tỉnh của nước Tàu."

Chính những dòng này đã tạo ra sự ác cảm và khinh thường giáo sĩ, nơi những người có học, là những nhà nho.

Bản dịch của Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên

Hồng Nhuệ cắt xén và “dịch lại” đoạn văn trên đây, để có một đoạn văn “hiền lành” như sau:

“Chương 19

Về giáo phái dị đoan thứ hai của người Đàng Ngoài

Giáo phái thứ hai người Đàng Ngoài tin theo gọi là đạo Thích. Người sáng lập đạo này, theo kinh sách và tập truyền của họ, là con một vua Ấn Độ, người Nhật gọi là Xaca, người Tàu gọi là Xechia, và người Đàng Ngoài gọi là Thích Ca, mỗi nơi đọc sai đi một chút. Họ nói là ngài sống vào khoảng một nghìn năm trước công lịch. Phụ thân ngài là Tịnh Phạn cai trị nước Ấn Độ cùng một thời với vua Salomon. Đức Thích Ca chưa đầy mười bẩy tuổi thì đã kết duyên với một công chúa trẻ tuổi tên là Adulala, con gái một vua Ấn khác. Hai năm sau thì sinh hạ được một người con gái tên là Hầu La. Nhưng (...) ngài đã rút lui ẩn dật trong rừng hẻo lánh, ngoài ý của thân phụ ngài (người rất không bằng lòng), cũng như vợ ngài, bà rất phàn nàn về sự ly thân này. Sau năm năm, ngài trở về cung điện vua cha (...) nỗ lực phổ biến học thuyết của mình trong tâm trí dân chúng. Nhưng vì do những nguyên lý đệ nhất của lý trí, tính tự nhiên con người không nhận sai lầm và khó bỏ được niềm tin tưởng từ bên trong cho biết là có một thần thánh, nghiã là một hiện hữu và nguyên nhân đệ nhất làm cội nguồn cho tất cả những gì không thể có hiện hữu tự mình được, nên ngài không tìm được kẻ tin theo ngài và làm môn đệ ngài. Đức Thích Ca bực tức vì không được kết quả trong công việc, liền dựa vào lời bàn của thần thánh quen thuộc để (...) gieo rắc một thứ truyện hoang đường về thần thánh (...) Thế là có thành quả ngay, đến nỗi trong bốn mươi năm hoạt động..., vừa dựa vào quyền thế, vừa dựa vào ma thuật, ngài đã cho thành lập và phổ biến khắp Ấn Đô tín ngưỡng trước đây chưa ai biết...

Ngài còn khôn khéo làm cho dân chúng theo tin tưởng mà ngài đã nghiền ngẫm, đó là những thưởng công trên trời đối với kẻ lành và hình phạt dưới địa ngục đối với kẻ dữ. Do cách này mà đạo được lan tràn ở Ần Độ (...)

Ngài nói là tất cả những gì ngài giảng dạy chỉ là một bức màn che những bí quyết về thân xác mà ngài đã giải thích sơ lược (...) Thế rồi sau khi đã giảng dạy như vậy thì ngài qua đời...

Đạo Thích Ca do ngài khởi xướng bởi đâu mà truyền đạt từ Ần Độ qua Trung Quốc, rồi sau đó vào tới Đàng Ngoài, như chúng tôi đã nói, lúc đó chỉ là một tỉnh nội thuộc nước Tàu."[38]

Hồng Nhuệ đã cắt bỏ những đoạn mà chúng tôi tô đậm, để thay bằng (…) hay... Đôi khi ông dịch sái nghiã hoặc thêm vào những chữ Đức, Ngài, không có trong văn bản. Chữ Démons (Ma quỷ) được ông dịch là Thần thánh, v.v.

Đến bao giờ, chúng ta mới đạt được trình độ làm văn hoá [dịch thuật] trung thực, xứng đáng với tầm vóc của tổ tiên ta ngày trước?

Sách dịch của Hồng Nhuệ, trước hết, được các nhà xuất bản công giáo in ra, rồi sau, các nhà xuất bản nổi tiếng có thẩm quyền ở Việt Nam như Khoa Học Xã Hội, Tạp chí Xưa và Nay tái bản với lời vinh thăng dịch giả mà chưa thấy điều chỉnh những sai lầm.

(còn tiếp)


[1] Le R.P. Léopold Cadière (1869-1955) (Đức Cha Léopold Cadière (1869-1955) đăng trong Bulletin de l'Ecole française de l'Extrême-Orient, 1959, trang 638-657.

[2] Theo Bùi Quang Tung, Le R.P. Léopold Cadière (1869-1955) (Đức Cha Léopold Cadière (1869-1955), in trong Bulletin de l'Ecole française de l'Extrême-Orient, 1959, trang 638-657.

[3] Theo Bùi Quang Tung, bài đã dẫn, Bulletin de l'Ecole française de l'Extrême-Orient, 1959, trang 638-657.

[4] Bài diễn văn này in trong BAVH 1921, dưới tựa đề Notes sur le corps du génie annamite, trang 283-288.

[5] Chúng tôi đã phản bác những điều Cadière và Maybon xuyên tạc lịch sử trong cuốn Vua Gia Long và người Pháp (2017).

[6] Bùi Quang Tung, Le R.P. Léopold Cadière (1869-1955), Bulletin de l'Ecole française de l'Extrême-Orient, 1959, trang 652 và 656.

[7] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, trang 260.

[8] Nguyên văn tiếng Pháp: “A vrai dire, le P. de Rhodes n'était pas française, Avignon dépendant enccore du Pape à cette époque. Mais on voit qu'il était Francais de cœur, et en quelle estime il tenait la gloire de la France à l'extérieur”.

[9] Cadière, Les Européens qui ont vu le Vieux Huế, in trong Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH) số 1915, tập 3, tháng 7-9, trang 236.

[10] Cadière, Les Européens qui ont vu le Vieux Huế, BAVH, số 1915, tập 3, trang 240 và 242.

[11] Cadière, "Les européens qui ont vu le vieux Hue: le P. de Rhodes", BAVH, số 3, 1915 trang 236.

[12] Taboulet, La Geste française en Indochine, Nxb Andrien- Maisonneuve, Paris, 1955.

[13] La Geste française en Indochine, tập I, trang 24.

[14] Taboulet, La Geste française en Indochine, tập 1, Nxb Andrien- Maisonneuve, Paris, 1955, trang 9.

[15] Trong cuốn Vua Gia Long và người Pháp.

[16] Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài do Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch theo bản tiếng Pháp Histoire du royaume de Tunquin, của Henri Albi dịch sang tiếng Pháp (Nxb Jean Baptiste Devenet, Lyon, 1651), do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Tp Hồ Chí Minh xuất bản năm 1994. Công ty sách Dân Trí, in lại năm 2016. Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội tái bản lần thứ hai, năm 2020.

[17] Hành trình và truyền giáo, do Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch theo bản tiếng Pháp Divers voyages et Missions, được Uỷ ban Đoàn kết Công giáo và nhà xuất bản Khoa học Xã hội in năm 1994; Tạp chí Xưa và Nay, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tái bản năm 2020.

[18] Tinh Việt Văn Đoàn in năm 1961, tại Sài gòn.

[19] Lời giới thiệu này được in lại trong ấn bản mới Phép giảng tám ngày của Tạp chí Xưa và Nay, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2020.

[20] Theo lời Tựa sách Voyages et Missions, do cha Machault soạn, theo ghi chép của de Rhodes, trang II.

[21] Taboulet, La Geste française en Indochine, tập 1, Nxb Andrien- Maisonneuve, Paris, 1955, trang 9.

[22] Cơ sở này do François Xavier, một trong những người sáng lập Dòng Tên, lập ra từ năm 1542.

[23] Dựa theo những thông tin in trong sách Du hành và truyền giáo (Voyages et Missions), Nxb Julien, Lanier et Cie, Paris, 1854, các trang 5, 6, 7, 8, 13, 19, 26, 30, 34, 44, 54, 71, 86; và bài Tựa của cha Machault, giới thiệu tiểu sử và các sách đã in, theo ghi chép của de Rhodes, in trong sách này, trang I-VII.

[24] Phái đoàn Mattos đến Cửa Hàn (Đà Nẵng), thời chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635). De Rhodes và Antonio de Fontes được ở lại Dinh Chàm để học tiếng Việt với cha Francesco de Pina. Còn Gaspar Louis, xuống thẳng Nước Mặn (Qui Nhơn) với cha Buzomi. Hai giáo sĩ khác, không rõ tên.

[25] Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, trang 35.

[26] Du hành và truyền giáo (Voyages et Missions), Nxb Julien, Lanier et Cie, Paris, 1854, trang VI-VII.

[27] Bản Pháp văn, do linh mục Henry Albi dịch, Nxb Jean-Baptiste Devenet in ở Lyon, 1651. Nguyên tác tiếng La tinh, in năm 1652.

[28] Tên đầy đủ: Relations des progrès de la foi au royame de la Cochinchine vers les derniers quartiers du Levant, envoyées au R.P. général de la Compagnie de Jésus, par le P. Alexandre de Rhodes employé aux missions de ces pays (Ký sự về những tiến bộ của đạo Chúa từ Đàng Trong tới những vùng cuối cùng ở phương Đông, của cha Alexandre de Rhodes, làm việc cho giáo xứ các vùng này, gửi Đức Cha Trưởng giáo Dòng Tên) in ở Paris, 1652.

[29] Tên đầy đủ: Histoire de la vie et de la glorieuse mort de cinq Pères de la Compagnie de Jésus qui ont souffert dans le Japon (Đời sống và cái chết vinh hiển của năm cha Dòng Tên đã chịu cực hình tại Nhật Bản) tiếng Ý, Roma, 1652, tiếng Pháp, 1653, Douai (Pháp).

[30] Tên đầy đủ: La glorieuse mort d'André, catéchiste de la Cochinchine, qui a le premier versé son sang pour la querelle de Jésus-Christ en cette nouvelle église (Cái chết vinh hiển của André thầy giảng xứ Đàng Trong, người đầu tiên đổ máu trong cuộc tranh chấp cho chúa Giê-su trong tân đạo) bản gốc tiếng Ý, in ở Roma năm 1652, bản tiếng Pháp in ở Paris năm 1653.

[31] Tên đầy đủ: Divers voyages et Missions du P. Alex. de Rhodes en la Chine, et autres royaumes de l'Orient, avec son retour en Europe par la Perse et l'Arménie (Những cuộc du hành và truyền giáo khác nhau của cha Alexandre de Rhodes, tại Trung Hoa và các vương quốc khác ở phương Đông, việc trở lại Âu Châu qua các xứ Ba Tư và Arménie) in ở Paris năm 1653, 1666 và 1688. Cuốn sách này chấm dứt ở thời điểm de Rhodes về tới Roma. Bản chúng tôi sử dụng, được ông soạn sau chuyến đi Pháp, vì có thêm đoạn cuối, viết về hành trình ông sang Pháp vận động tìm giáo sĩ đi Đại Việt, không có trong bản in năm 1653 (hoàn thành trước khi ông đi Pháp) về những việc xảy ra ở Pháp, và được phân chia nội dung có hệ thống hơn, do một giáo sĩ Dòng Tên san định lại và sửa cách viết theo chữ Pháp hiện đại, in năm 1854, tên đầy đủ là: Voyages et Missions du père Alexandre de Rhodes, de la compagnie de Jésus, en la Chine et autres royaumes de l'Orient (Du hành và truyền giáo của cha Alexandre de Rhodes, thuộc Dòng Tên, tại Trung Hoa và các vương quốc khác ở phương Đông), do nhà Nxb Julien, Lanier et Cie in lại ở Paris in năm 1854.

[32] Tên đầy đủ: Relation de ce qui s'est passé en l'année 1649, dans les royaumes où les Pères de la Compagnie de Jésus de la Province du Japon publient le saint Évangile (Ký sự về những gì xảy ra năm 1649, trong vương quốc mà các cha Dòng Tên của Tỉnh đoàn Nhật Bản in Thánh Kinh ) xuất bản tại Paris năm 1655.

[33] Tên đầy đủ: Relation de la mission des Pères de la Compagnie de Jésus, établie dans les royaumes de Perse par le P. Alex. de Rhodes. Dressée et mise au jour par le Père de la même Compagnie (Ký sự về việc truyền giáo của các cha Dòng Tên trong xứ Ba Tư của cha Alex. de Rhodes, do cha cùng Dòng san định ),1659, Paris.

[34] Du hành và truyền giáo tóm tắt những điều đã viết trong Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài Cái chết vinh hiển của André, xuất bản trước đó. Mặc dù tên sách không có chữ Annam hay Việt Nam, chỉ ghi Du hành và truyền giáo tại Trung Hoa và các vương quốc khác ở phương Đông, nhưng chỉ có 20 trang dành cho 10 năm tác giả sống ở Trung Quốc (trang 55-71), còn hầu như toàn thể sách này viết về Việt Nam (trang 75-335), với tiểu tựa Missions dans le Tonkin et la Cochinchine (Truyền giáo ở Đàng Trong và Đàng Ngoài), chứng tỏ tác giả không coi Việt Nam là một nước đáng nêu tên. Phần còn lại (trang 339-448), ông nói về chuyến đi ba năm rưỡi từ Macao về La Mã.

[35] Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, bản dịch tiếng Pháp của Henri Albi, Nxb Jean Baptiste Devenet, Lyon, 1651, trang 113.

[36] Tức là thay một số chữ: u thành v; o thành a; i thành j, s thành f, vv...

[37] Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, bản tiếng Pháp của Henri Albi, Nxb Jean Baptiste Devenet, Lyon, 1651, trang 65, 66, 67, 68.

[38] Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, bản dịch của Hồng Nhuệ Nguyễn Khăc Xuyên, Nxb Khoa Học Xã Hội tái bản lần thứ thứ hai, 2020, trang 81-82.