Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2024

Lịch sử truyền giáo và chữ quốc ngữ (4)

Thụy Khuê

Chương 3

Cristoforo Borri và Ký s Đàng Trong

I

Đất nước và con người Đàng Trong

clip_image002

Tác phẩm Ký sự Đàng Trong của Cristoforo Borri[1] nguyên bản tiếng Ý, được viết để đệ lên Giáo Hoàng Urbain VIII (1623-1644), theo truyền thống các văn bản của giáo sĩ tường trình với Đức Thánh Cha và Tòa thánh về hiện tình đất nước mà họ đã đến truyền giáo, cũng là cuốn sách đầu tiên của người Âu viết về Đàng Trong, in năm 1631, cung cấp những thông tin giá trị trên ba mặt: lịch sử, tôn giáongôn ngữ. Và ông đã ghi lại những chữ quốc ngữ đầu tiên trong tác phẩm Ký sự Đàng Trong.

Giáo sĩ Cristoforo Borri (1583-1632), thông bác nhiều địa hạt, từ sinh vật học đến thiên văn, ngoài việc báo cáo tình hình Đại Việt, có tính cách "gián điệp" cho Tòa Thánh, ông còn yêu mến đất nước này, hòa mình vào đời sống Việt Nam đầu thế kỷ XVII, tìm hiểu xã hội và con người.

Cristoforo Borri đến Đà Nẵng năm 1618, sau sáu tháng học tập, ông biết nói chuyện và giải tội bằng tiếng Việt. Khi cơ sở đạo Chúa ở Nước Mặn (Quy Nhơn) thành lập xong, năm 1622, ông rời Đàng Trong về Âu Châu[2].

Ký sự Đàng Trong xác định Cristoforo Borri là một trong những người sáng lập chữ quốc ngữ, với 70 chữ, in rải rác trong tác phẩm. Những chữ quốc ngữ này được viết khi Borri còn ở Việt Nam, thời kỳ ông ở với Francisco de Pina tại Đà Nẵng và Quy Nhơn (1618-1620), họ phải phiên âm và ghi tên những làng, tỉnh,những tiếng Việt cần thiết nhất, rồi nghĩ cách viết ngay. Vì thế, trong chương I của sách này, đã có những địa danh tiếng Việt được phiên âm và ghi lại bằng mẫu tự La tinh lần đầu, và chương II, đã có những câu ngắn tiếng Việt, viết bằng chữ quốc ngữ.

Sách in tại Roma lần đầu năm 1631, một năm trước khi Borri qua đời, hai mươi năm trước khi bộ tự điển Việt-Bồ-La (được ghi nhận) của Alexandre Rhodes, xuất bản tại Roma (1651). Những chữ quốc ngữ trong sách Ký sự Đàng Trong còn ở tình trạng dính liền nhau, nên có thể coi là những chữ quốc ngữ ở dạng thức đầu tiên.

Ký sự Đàng Trong chia làm hai phần:

Phần I- Đời sống thế tục ở Đàng Trong và phần II- Đời sống tôn giáo ở Đàng Trong.[3]

Phần I, ngoài việc giới thiệu đất nước, con người, hệ thống chính trị và quân sự Đàng Trong, còn có những địa danh lần đầu tiên được ghi âm bằng mẫu tự La tinh và những câu ngắn viết bằng chữ quốc ngữ.

Phần II, viết về lịch sử truyền giáo từ 1615 đến 1622, thời kỳ khởi thủy, với những chi tiết hiếm quý hầu như không có cuốn sách nào ghi lại. Như ta đã biết: chúa Tiên Nguyễn Hoàng qua đời năm 1613. Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên kế vị (1613-1635). Các giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong năm 1615, dưới thời chúa Sãi.

Tuy nhiên cũng trong phần II này, Borri, vì chưa hiểu rõ đời sống văn hoá và tâm linh dân tộc Việt Nam, cho nên đã có những nhận định sai lầm khó chấp nhận được, có thể đó là nguyên nhân giải thích tại sao bản dịch tiếng Anh của Robert Ashley chỉ có phần I[4]. Và Đông Dương tạp chí, cũng chỉ in phần I, bởi vì phần II, có nhiều điểm lệch lạc, võ đoán, về đời sống tôn giáo ở Đàng Trong.

Bản dịch tiếng Pháp Ký sự Đàng Trong của Bonifacy được chúng tôi sử dụng trong chuyên luận này, in đầy đủ cả hai phần, và chúng tôi sẽ giới thiệu tác phẩm dưới ba khía cạnh:

- Đất nước và con người Đàng Trong.

-Việc xây dựng đạo Chúa ở Đàng Trong.

- Phương pháp truyền giáo của Borri.

Riêng sự đóng góp vào chữ quốc ngữ của Borri, sẽ được bàn sâu hơn ở chương 13: Sự hình thành chữ quốc ngữ.

 

Cristoforo Borri và Ký sự Đàng Trong

Ký sự Đàng Trong là tập ký sự viết đầy đủ nhất về đất nước, con người, sản vật, xã hội và chính trị ở Đàng Trong, dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên; đồng thời ghi lại lịch sử những bước đầu các giáo sĩ Dòng Tên đến Việt Nam, và sự hình thành chữ quốc ngữ. Cristoforo Borri là người đầu tiên mô tả xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XVII, đặc biệt cách chúa Sãi tập luyện quân lính và đóng tàu, không thể tìm thấy ở những văn bản khác.

Tài liệu lịch sử của Việt Nam về giai đoạn này, sớm nhất và đáng kể nhất là cuốn lịch sử tiểu thuyết Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm, soạn năm 1719, sau Ký sự Đàng Trong của Borri khoảng nửa thế kỷ[5]. Sách của Nguyễn Khoa Chiêm được Lê Quý Đôn và các sử gia Đại Nam Thực Lục chép lại mà không đề xuất xứ. Điểm khác biệt với Ký sự của Borri, là Nguyễn Khoa Chiêm không nhắc đến việc truyền giáo, có thể vì việc này không mang tầm quan trọng cần thiết để đưa vào lịch sử, ông chỉ chú ý đến đời sống chính trị, quân sụ mà ít quan tâm tới đời sống con người, vì thế tác phẩm của Borri có thể bổ sung cho những thiếu sót trong chính sử.

Trong bài Tựa, giới thiệu bản dịch tiếng Pháp của Bonifacy, linh mục Léopold Cadière viết:

"Cristoforo Borri là người đầu tiên mô tả xứ Annam, với những sản phẩm, con người, chính thể, tín ngưỡng, phong tục. Ông đã mô tả rất đúng. Dù chỉ sống có 5 năm trong vùng Đà Nẵng và Quy Nhơn; nhưng đã đủ cho ông thấy một cách chính xác và gần như toàn diện. Nhờ kiến thức về ngôn ngữ [tiếng Việt], điều cực kỳ hiếm hoi trong thời kỳ này; mà ông là người Âu Châu thứ hai bỏ công nghiên cứu (...)

Ta có thể nói, cuốn ký sự của ông, là một mẫu mực cho người sau noi theo. Những giáo sĩ, du khách đến sau, mô tả những điều ở Annam hay Tonkin y hệt như cách phân loại trong sách này, thậm chí có những đề tài được nhắc lại nhiều lần trở thành sáo, giữ nguyên câu chữ [của Borri], về voi, về tổ yến, về nghệ thuật y học, về sự nhanh nhạy của pháo binh, về quả mít, hay trái sầu riêng (...) Cristoforo Borri là một trong những người Âu đầu tiên, chắc chắn là người thứ nhì, sau Cha François de Pina, đã miệt mài nghiên cứu tiếng Việt. Cuốn ký sự của ông chứng tỏ ông có một kiến thức rất đầy đủ, tuyệt vời, đối với thời kỳ này, về tiếng Việt."[6]

Là người tôn vinh hết mực công lao của Alexandre de Rhodes, nhưng học giả Cadière đã rất công bình khi viết những dòng giới thiệu Borri trên đây. Tuy nhiên, để đề cao vai trò của de Rhodes, ông còn viết thêm: chữ quốc ngữ của de Pina và Borri thuộc vào thời tiền Alexandre de Rhodes. Làm như có một thời kỳ quốc ngữ Alexandre de Rhodes. Và Cadière cũng không hề nhắc đến Gaspar d'Amaral và Antonia Barbosa, hai giáo sĩ Bồ Đào Nha, tác giả tự điển Việt-Bồ-La và Bồ-Việt, mà de Rhodes dùng để soạn tự điển Việt-Bồ-La của mình.

Ký sự Đàng Trong được dịch ra nhiều thứ tiếng[7]. Bản in trong tập san Đô Thành Hiếu Cổ, tức Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH) 1931, quyển 3-4, do Đại tá Bonifacy dịch và chú giải. Bonifacy là giảng viên môn lịch sử bản xứ tại Trường Đại Học Hà Nội và là đặc phái viên của trường Viễn Đông Bác Cổ. Chúng tôi dùng bản dịch này của Bonifacy. Để giới thiệu sách này, chúng tôi lược dịch một số trang (chữ in thẳng) và dịch đầy đủ một số đoạn (chữ in nghiêng) sang tiếng Việt.

 

Địa lý chính trị Đàng Trong

Điểm đáng chú ý đầu tiên: Ngay đầu sách, lời giới thiệu Đàng Trong của Cristoforo Borri, đã không phạm sai lầm như nhiều tác giả Tây phương khác. Ông viết:

"Đàng Trong chia làm 5 dinh (provinces); dinh đầu, tiếp giáp với Đàng Ngoài (Tonkin) nơi chúa (le Roi) ở, gọi là Sinuua [Thuận Hoá]. Dinh thứ nhì là Cacciam [Cổ Chiêm tức Quảng Nam] do Thế tử con chúa cai trị; dinh thứ ba gọi là Quamguya [Quảng Nghiã, Quảng Ngãi], dinh thứ thư tư là Quignin [Qui Nhơn] được người Bồ Đào Nha gọi là Pullucambi và dinh thứ tư, sát với Champa [Chiêm Thành] gọi là Renran [Renran phiên âm tên sông Đà Rằng ở Phú Yên]"[8].

Thực ra lúc đó Đàng Trong có 7 dinh, Borri chỉ nhắc đến Quảng Trị, ông không biết hai dinh: Quảng Bình, do Chúa Tiên Nguyễn Hoàng lập và Bố Chính, do chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên lập. Nhưng Borri đã phân biệt rõ hai nơi: Chúa ở Thuận Hóa [vì khi vào Nam Nguyễn Hoàng lập dinh (đô) ở Ái Tử, Trà Bát, rồi Dinh Cát, đều thuộc Quảng Trị, là một đạo của Thuận Hoá] và chúa cho Thế tử cai trị Quảng Nam, là điều mà các giáo sĩ thời đó không biết nên hay viết sai.

Trong chương I này, Borri cũng đã ghi những địa danh, được phiên âm bằng mẫu tự la tinh, có thể coi là khởi điểm của chữ quốc ngữ: Sinuua, Cacciam, Quamguya, Quignin, đó chính là những chữ quốc ngữ dưới dạng thức đầu tiên, vì còn viết dính liền và theo cách viết của người Ý, hơi khác cách viết của người Bồ. Ta nên chú ý: sau này cũng không thấy cách viết quốc ngữ "kiểu Pháp", mặc dù Alexandre de Rhodes sinh ở Avignon, miền trung nam nước Pháp, việc này Roland Jacques đã nhận ra sớm nhất.

 

Chữ Lùt và câu quốc ngữ đầu tiên

Chương II, Borri nói về khí hậu và đời sống hàng ngày, ông cho rằng Đàng Trong khí hậu tốt hơn ở Ấn Độ (xứ không có mùa). Đàng Trong có đủ bốn mùa, tuy không rõ ràng như Âu châu. Ba tháng Sáu, Bẩy, Tám, trời thật nóng, sang tháng Chín, Mười, Mười Một, mát hẳn, nhưng cũng là mùa mưa, lụt, làm cho mùa màng màu mỡ, nhất là việc trồng lúa. Khi mùa lụt đến, mọi người vui mừng như hội. Chúa ra lệnh: những trâu bò, hay gia súc lạc đàn, sẽ thuộc vào người nào vớt được. Mọi người thi nhau chèo mảng đi vớt gà vịt, làm tiệc ăn mừng... Chuột đồng trốn trên ngọn cây, chỉ cần rung cây là chúng rụng như sung, hớt đầy mảng. Người ta vớt củi, vớt gỗ làm nhà. Lụt quét sạch mặt đất. Mọi người đi mảng từ nơi này đến nơi khác, chợ họp nhộn nhịp nhiều hơn lúc thường. Nhà cửa, do kinh nghiệm, làm cao, từng trên để ở, không bao giờ ngập nước.

Chũ Lụt được ghi âm (quốc ngữ) là Lùt.

Trong chương II này, Borri đã ghi lại một câu rất ngắn, đúng hơn là những tiếng kêu của người Việt: Dàdèn, Lùt, Dàdèn, Lùt, (Đã đến lụt, đã đến lụt), chữ vẫn còn dính liền, và đó là hình thức câu quốc ngữ đầu tiên[9].

 

Sự màu mỡ và các sản phẩm của Đàng Trong

Trong chương III, Borri mô tả Đàng Trong như vùng đất được trời phú cho những đặc ân không nơi nào có: Một năm ba mùa lúa, vì thế dân chúng ấm no, không cần làm thuê để lĩnh lương. Hoa trái đủ thứ quanh năm, cá tôm đầy rạch... Ông dành nhiều trang mô tả những "hoa quả trời ban" không có bên Âu châu như: chuối, mít, dưa gang [càn], sầu riêng, dứa, và cả tục ăn trầu. Ông cho "sầu riêng là một trong những hoa quả quý báu nhất trên đời", mới mở ra có mùi đặc biệt khó ngửi nhưng khi ăn mới thấy tuyệt vời[10].

Phụ nữ Đàng Trong ăn trầu... Thịt cá nhiều vô kể... Bờ biển nước Việt dài mênh mông, người Đàng Trong thích ăn cá và họ còn tìm ra một thứ gia vị gọi là Balaciam (nước mắm), để tạo thêm vị ngon cho món ăn. Đặc biệt còn có thứ sản phẩm gọi là Cameron (tổ yến) rất tuyệt vời, là một thứ thực phẩm của trời"[11].

Người Đàng Trong không vắt bất cứ thứ sữa nào, vì cho rằng giành sữa của những con vật mới sinh là tàn nhẫn. Họ cũng ăn những thứ mà ta [người Âu] ghê sợ, như con tắc-kè (caméléon des cavernes) nướng...

Điều lạ lùng mà tôi [Borri] thấy là họ làm những việc nặng nhọc như tải đá, vác vôi, mà vẫn ăn vận đàng hoàng không sợ rách áo: bởi vì Đàng Trong chuyên nghề trồng dâu nuôi tằm, sản xuất rất nhiều tơ lụa, bán sang Nhật, sang Lào (để đưa sang Tây Tạng), lụa của họ không mịn bằng lụa Tàu nhưng dầy dạn và bền bỉ hơn. Nhà cửa và dinh thự của họ làm bằng gỗ, chẳng thua kém bất cứ nơi nào trên trái đất, đó là ý kiến của những ai đã đến đây. Bởi vì, tôi [Borri] không nói quá: xứ này có những thứ gỗ quý nhất thế giới[12].

Borri viết về bốn thứ gỗ quý. Đầu tiên hết là gỗ Lim đỏđen, đặc sản Đàng Trong:

"Trong hằng hà sa số gỗ ở Đàng Trong, có hai loại thường dùng để xây dựng, không thể hủy được, dù chôn dưới đất hay ngâm nước, vì nó rất nặng nên người ta dùng làm mỏ neo thuyền tàu. Một loại màu đen, nhưng không đen bằng gỗ mun, một loại màu đỏ, cả hai đều mịn và đẹp, khi lột vỏ rồi, không cần phải đẽo gọt. Những cây này tên là tin [lim], có kẻ nói không ngoa rằng vua Salomon đã dựng đền với thứ gỗ này. Kinh thánh ghi tên là ligna tinaea. Rừng ở Đàng Trong đầy dẫy thứ cây này, thẳng đứng, cao ngất trời, vòng tay hai người đàn ông ôm không xuể. Người dân làm nhà bằng gỗ này, chúa cho cưa xẻ tha hồ.

Thượng tầng cơ cấu của căn nhà dựa trên những cột cao, vững chắc và trồng sâu. Giữa những cột này, người ta để bàn ghế, đồ đạc hoặc thay bằng những phên nứa, đan rất khéo tay, để cho có gió lùa khi trời nóng, hay để thông nước, và cho các mảng nhỏ đi qua, khi trời lụt. Họ có rất nhiều sáng kiến và kỹ thuật tài tình để trang trí nhà cửa với những cách trạm trổ điêu khắc và những công trình (nghệ thuật) trên các bức hoành phi, làm đẹp nhà họ một cách tuyệt vời."[13]

Tiếp đến, Trầm hươngKỳ nam, cùng do một thứ cây rất cao, rất to, sinh ra, có nhiều ở cao nguyên miền Trung, là món hàng quý nhất ở Đàng Trong, các xứ khác không có, đó là gỗ Trầm hương, khi cây còn non, ai cũng có thể mua được, nhưng khi cây đã già, trở thành Calambà (gỗ Kỳ nam), thuộc sở hữu của chúa, có hương thơm đặc biệt. Lúc mới cắt ra hương thơm ngào ngạt, đến độ tôi được vài miếng, thử đem chôn xuống đất sâu đến hơn 7 gang tay, vậy mà vẫn còn thấy hương thơm toát ra.[14]

Borri cho Đàng Trong là một nước hết sức giàu có, ông tóm tắt bằng câu: "Những thương gia Âu châu buôn bán ở đấy bảo rằng sự giầu có của Đàng Trong còn lớn lao hơn cả Trung quốc, một nước mà chúng ta đã biết giầu có trên mọi mặt"[15].

 

Voi và tê giác

Trong chương IV, Borri cho biết: rừng ở Đàng Trong đầy voi và tê giác. Voi sống rất lâu. Hỏi người quản voi tuổi một con voi, họ bảo con này đã sống 60 năm ở Cao Miên và 40 năm ở Đàng Trong. Bình thường voi có thể chở được từ 13 đến 14 người. Voi không những đi bộ mà còn biết bơi như con cá voi trên biển. Voi giữ vị trí quan trọng trong chiến tranh, vừa chuyên chở vừa xông trận, vừa chữa lửa, vừa càn quét địch quân. Voi rất khoẻ, so với các con vật khác. Chính mắt tôi [Borri] đã thấy một con voi "cầm" những vật nặng không thể tả được bằng vòi, một con khác đã nâng cả cỗ đại bác dễ dàng, và một con nữa, chỉ mình nó lật đổ mấy chiến thuyền nhỏ, bằng cách lấy sừng nâng thuyền lên rồi đẩy ra biển. Tôi thấy voi nhổ những cây lớn như ta nhổ cây rau xà-lách. Cũng với sự dễ dàng như thế, chúng đạp đổ nhà, tàn phá cả một vùng, khi chúng được lệnh phải tàn phá quân địch, hoặc trong thời bình, để chặn đứng một đám cháy. Bình thường voi đi được 12 dặm một ngày. Nó là con vật thận trọng nhất, thông minh, hiểu được nhiều thứ tiếng người. Tôi biết một con voi hiểu hai thứ tiếng Miên, nơi nó sinh ra, và tiếng Việt, nơi nó đang sống. Thật là phi thường khi nghe người quản tượng bảo cho nó biết việc ngày hôm nay phải làm, đi đâu nghỉ ở chỗ nào, ăn ở đâu, y như nói với người vậy. Đến nỗi khi voi đã hiểu phải đi đâu, nó chọn con đường ngắn nhất, không đi đường mòn, bất kể sông ngòi, rừng rú, nó đi thẳng đường chim bay, gặp cái gì cản là nó phá thành bình địa. Voi mở đường cho những người khác. Voi chỉ ngại nhất là vài cái gai nhỏ đâm vào bàn chân nó, vì vậy nó bước rất cẩn thận.

Từ khi người Bồ tìm được cách bắn ra trước mặt voi những lưỡi lửa, vòi lửa, voi bị những tia lửa bắn vào mắt, vào vòi, nó sợ hãi chạy trốn, giẫm lên tất cả, làm rối loạn đội ngũ, tiêu diệt tất cả những gì xung quanh nó, trở thành mối nguy cho đồng đội.

Voi nhà chiến đấu với voi rừng và tê giác, thường thắng voi rừng và thua tê giác.[16]

Những điều Borri viết về voi, giúp ta hiểu được sự quan trọng của voi trong các trận chiến thế kỷ XVII và XVIII: Đặc biệt trận Nhật Lệ (1627) quân Nguyễn thắng quân Trịnh nhờ đội ngũ voi của chúa Sãi mạnh hơn voi của chúa Trịnh Tráng. Việc Quang Trung hành quân thần tốc ra Thăng Long (1789) khiến quân Thanh không ngờ, có lẽ cũng nhờ voi tải quân và pháo, mở đường thẳng theo lối chim bay, xuyên núi rừng, giúp Quang Trung tiến nhanh kỷ lục ra Bắc.

Borri mô tả một buổi theo quan Khám lý Quy Nhơn [tức Cống Quận công Trần Đức Hoà], cưỡi voi cùng 100 tuỳ tùng đi săn tê giác rất ngoạn mục như sau:

"Con tê giác vừa ra khỏi lùm cây, nhìn thấy bấy nhiêu kẻ thù trước mặt, không những nó không sợ, mà còn, với sự can đảm phi thường, nó lao vào kẻ thù, bọn người toả ra hai bên thành hình cánh cung. Con tê giác, chạy một vòng trước cánh cung, tới đám hậu quân, nơi có vị khám lý ngồi trên voi chờ nó để giết. Con voi lấy vòi quấn con tê giác, nhưng tê giác quá lanh lợi, nó nhẩy cẫng khiến địch thủ không những không làm gì được, mà tê giác còn dùng sừng tìm cách chọc thủng con voi. Quan Khám lý biết chắc không thể đả thương tê giác vì vẩy da che chở cho nó, nhưng nếu tấn công vào sườn là điểm yếu của nó, thì có thể được. Đợi nó nhẩy, khám phá thấy chỗ không có vẩy, ông cực kỳ lanh lẹ ném cái thương xuyên thủng con tê giác trong tiếng vỗ tay reo hò của đám người hộ tống. Không chần chờ gì, họ tìm ngay củi khô châm lửa.Vẩy cháy, tê giác bị thui chín, những người tùy tùng nhẩy nhót chung quanh vui vẻ cắt từng miếng thịt ăn. Riêng bộ lòng con vật, tức là tim, gan và óc, được làm thành món trình quan Khám lý. Ông ngồi trên cao, thích thú nhìn bầy tôi vui đùa. Tôi cũng ở đó, được quan Khám lý cho những chiếc móng mà người ta bảo rằng chúng cũng khử độc công hiệu như móng tê, và sừng cũng chống nọc độc tốt như sừng kỳ lân"[17].

Người Đàng Trong

Chương V, Borri viết về đức tính, thân phận, phong tục, y phục, lối sống, và cách đối xử của người Đàng Trong. Chương này rất lý thú, cho thấy người ngoại quốc đầu thế kỷ XVII, nhìn chúng ta như thế nào. Borri viết:

"Người Đàng Trong, nếu sống ở gần biển, da mai mái, giống Tàu, còn nếu sống sâu trong đất liền, ở Bắc, da trắng như người Âu. Về nét mặt thì họ giống Tàu ở cái mũi tẹt, mắt nhỏ. Tầm vóc vừa phải, cao hơn người Nhật, thấp hơn người Tàu, vạm vỡ và tráng kiện hơn hai dân tộc kia, và hơn hẳn người Hoa về trí tuệ và can đảm. Người Nhật hơn người Việt ở một điểm duy nhất, đó là sự coi thường cái chết trong cơn nguy biến, bởi trước tình cảnh đó, người Nhật không coi sự sống là trọng vì họ không sợ chết.

Tự bản chất, người Đàng Trong nhã nhặn và lịch sự trong cách tiếp đón người Âu, mặc dù có niềm tự trọng cao. Họ cho rằng không trấn được cơn giận là mất phẩm giá. Trong khi tất cả các dân tộc khác ở Á đông đều nhìn người Âu như những kẻ phàm tục báng bổ, khiến họ ghê tởm, nên khi chúng tôi đặt chân đến bất cứ vùng đất nào lần đầu tiên, là dân cư vội vã chạy trốn. Ở Đàng Trong ngược lại, họ bu quanh chúng tôi, hỏi hết câu này đến câu khác, mời chúng tôi ăn cơm với họ, tiếp đãi chúng tôi hết sức lịch sự, thân tình, thật là lễ độ. Đó là những gì tôi và những bạn đồng hành đã gặp, chúng tôi vừa bước vào nhà họ, đã cảm thấy như mình gặp lại bạn cũ, lâu đời. Điều đó rất thuận tiện cho các giáo sĩ trong việc truyền giảng Phúc Âm.

Nhờ sự tử tế tự nhiên, phong tục cởi mở, nên họ dễ hoà hợp tâm hồn với nhau, coi nhau như người nhà, như anh em ruột, ngay khi chưa quen biết. Kẻ nào ăn cái gì, dù nhỏ đến đâu, mà không chia cho người bên cạnh một miếng bé là bần tiện lắm. Bản tính trời cho của họ là tốt bụng, nhất là đối với người nghèo. Họ không bao giờ từ chối bố thí, vì từ chối tức là thiếu bổn phận, họ coi như điều pháp lý bắt phải làm. Đến nỗi có lần, một số người bị đắm tàu, lội được vào bờ Đàng Trong, nhưng không biết tiếng, chỉ học được có một tiếng doij [đói], có nghiã là "tôi đói". Ngay khi những người ngoại quốc này đến trước cửa nhà, kêu "đói", có vẻ thảm hại, mọi người đều thương xót, đều cho ăn, khiến chỉ trong chốc lát họ đã lượm được nhiều đồ đến nỗi, theo lệ ở đây, chúa cấp cho một chiếc tàu để về xứ, nhưng vì thấy, chẳng cần làm việc, cũng đã có đủ thứ cần để sống, nên bọn họ, không ai muốn về. Rút cục, người thuyền trưởng phải dùng gậy và dao đánh đập, bắt họ lên tàu. Tàu chất đầy gạo, họ đã xin được, chỉ bằng một lời kêu: "Tôi đói".

Nhưng nếu người Đàng Trong mau lẹ và hào phóng, trong việc cho, thì họ cũng lại thích xin những gì mà họ thấy. Ngay khi thấy một cái gì mới, lạ, là họ nói liền: scin mocaij [xin một cái], có nghiã là: "Cho tôi cái này nhé". Không cho là thất lễ, sẽ bị mọi người coi là kẻ xấu, vậy bạn phải hoặc giấu đi, hoặc đã trưng ra, mà họ xin thì phải cho.

Một thương nhân Bồ, không biết rõ thói quen lạ lùng này, nên ông không thể chịu được. Ông ta quyết định, cũng thử làm như thế với họ. Ông ta lại gần bè của một người câu cá nghèo, để tay lên một giỏ đầy cá và nói bằng tiếng bản xứ: scin mocaij. Người đàn ông tốt bụng chẳng nói chẳng rằng, tức thì đưa luôn cả cái giỏ cá cho ông ta đem về, như thể cho người nhà, khiến ông không khỏi ngạc nhiên và thích thú vì sự hào phóng của người Đàng Trong, Nhưng vì thương người đánh cá nghèo, ông ta trả một số tiền ước lượng giá rổ cá."[18]

Phép lễ độ và cung kính người trên của họ gần giống như người Tàu: Người già có quyền tối thượng đối với người trẻ. Tuy nhiên, họ không bao giờ để một Đức ông trẻ [Quan hay Hoàng tộc] phải nghiêng mình trước ông Cố già và cũng không coi vị Cố già là Bề Trên [chỉ linh mục Buzomi].

Trong bữa ăn, họ phân chia ba cấp: Loại thấp nhất, ngồi xổm trên chiếu trải dưới đất. Loại thứ hai, ngồi chiếu hoa cạp điều và loại cao nhất như các Đức ông, các Cha Cố được ngồi trên bàn cao hơn mặt đất độ vài gang tay, giống như cái giường [sập].

"Chính vì những nét dễ thương và tử tế mà người Đàng Trong được người ngoại quốc nể trọng, họ để cho người ngoại quốc được sống và ăn mặc theo cách riêng của họ. Người Đàng Trong còn thuê cả những bộ quần áo của người ngoại quốc, và lịch sự đề cao đạo lý của người ngoại quốc trước đạo lý của họ; khác hẳn với người Hoa, chỉ mê mẩn phong tục, đạo lý của nước Tàu."[19]

Y phục

Borri mô tả rất chi tiết y phục phụ nữ Đàng Trong:

"Còn về quần áo của họ, ở trên tôi đã nói là họ dùng nhiều tơ lụa, bây giờ xin nói đến hình thức y phục. Trước tiên là phụ nữ. Đây là thứ y phục nền nếp nhất ở cả vùng Ấn Độ này, bởi vì dù trời nóng đến đâu, họ cũng không để lộ phần thân thể nào. Họ mặc tới 5, 6 lớp váy chồng lên nhau, mỗi chiếc một màu: váy đầu dài tới đất, trang trọng, uy nghi, phủ đến gót chân; váy thứ nhì xẻ nửa, ngắn hơn váy thứ nhất, váy thứ ba ngắn hơn váy thứ nhì, và cứ như thế, như thế, để cho người ta thấy tất cả những màu sắc đa dạng. Đó là phần dưới eo. Phần trên thân, họ mặc chiếc yếm có ô vuông nhiều màu, ở trên là lớp áo choàng mịn, mỏng, đến độ dù phủ kín thân, vẫn để cho người ta đoán thấy tất cả những gì bên dưới, dù rất kín đáo, cũng rất sát sao, khiến ta tưởng như thấy một mùa xuân dịu dàng nở hoa. Họ để tóc dài buông xoã dợn sóng xuống vai, nhiều khi tới đất. Tóc càng dài càng được cho là đẹp. Đầu đội chiếc nón rất rộng vành, che hết khuôn mặt nên họ chỉ nhìn thấy vài bước trước mắt. Nón dệt bằng lụa hay sợi vàng, tùy theo thứ hạng của người phụ nữ. Để đáp lễ ai, họ mới bỏ nón cho người ta nhìn thấy mặt"[20].

Có lẽ Borri mô tả toàn bộ nón quai thao, yếm và áo tứ thân nhiều lớp mặc lồng vào nhau, tà thắt lại thành dải chùng xuống, như một loạt váy nhiều màu. Đó là toàn bộ y phục hiện ra trước mắt người thầy tu, cực kỳ ngoạn mục và nên thơ, khiến ông không phân biệt rõ phần nào là áo, phần nào là váy.

Như thế, đầu thế kỷ XVII, phụ nữ Đàng Trong mặc áo tứ thân và đội nón quai thao như phụ nữ ngoài Bắc. Chỉ đến thời Võ Vương Nguyễn Phước Khoát (1738-1765), áo dài phụ nữ mới đổi sang hình thức cổ đứng, là tiền thân của áo dài ngày nay, vì bắt chước áo xừng xám của người Tàu. Nhưng người Đàng Trong không nhuộm răng đen, vì nếu có, Borri đã tả rồi. Về điểm này, họ vẫn giữ truyền thống Chiêm Thành, không theo tục lệ ngoài Bắc cho đến thế kỷ XX.

Về y phục của đàn ông, Borri cũng mô tả kỹ càng không kém:

"Đàn ông, thay vì mặc quần, họ dùng một miếng vải quấn quanh, còn phần thân trên, mặc năm, sáu áo lụa rất mịn, dài rộng, đủ màu, tay rộng, giống như áo của các cha dòng Saint Benoit[21]. Những áo dài này, thân dưới, xẻ thành vạt, nên khi họ bước, vạt áo di động, quấn quít nhau, nhiều màu trông rất đẹp. Chỉ cần một cơn gió, làm tung lên như những cánh công múa xoè.

Họ cũng để tóc dài như đàn bà, dài tới chân. Họ cũng đội khăn, người nào có râu (khá hiếm) không cạo, cũng để móng tay dài như người Tàu. Những người quyền quý không cắt móng tay bao giờ [22].

Người Đàng Trong phần đông đi chân đất, một số mang dép đế da có dây lụa buộc vào ngón chân như xăng đan. Họ chẳng ngại đi chân đất, và không sợ bẩn vì trước cửa mỗi nhà đều có bình nước sạch để rửa chân trước khi vào. Còn ai đi xăng-đan thì phải cởi để lại ở trước cửa, khi ra sẽ đi lại. Borri và các linh mục khác đều đi chân đất, sau này lúc về lại Macao, các giáo sĩ cũng vẫn giữ như thế vì không quen chui chân vào giầy nữa[23].

Borri mô tả bữa ăn của người Việt, xem ra không khác bây giờ: cơm trắng với các món ăn, gắp bằng đũa. Những bữa tiệc ở nhà quê có hàng mấy trăm thực khách và hàng trăm (?) món ăn khác nhau. Chủ nhân luôn luôn đãi khách nhiều món vì nếu không như thế thì sẽ bị coi là thiếu sót, không phải là tiệc.

Đàng Trong không có nho và rượu nho. Họ uống rượu cất lên từ gạo. Ban ngày họ uống thứ nước gọi là chìa (trà), giống như người Hoa và người Nhật.

Ở xứ đầy ắp lương thực như thế nhưng người Âu không ăn quen, họ nhớ bánh mì và rượu nho. Giống như người Việt nhớ cơm. Borri kể chuyện quan Khám lý [Trần Đức Hoà], thường che chở họ nên được các giáo sĩ mời ăn tiệc với những món ngon nhất, dù hết sức cố gắng nhưng quan Khám lý cũng không ăn được. Tuy nhiên, đúng như "Thượng đế an bài", sau cùng, Borri cũng quen với tất cả món ăn Việt, như ông quen đi đất và khi trở về Âu, ông nhớ nhất cơm[24].

 

Việc trị bệnh

Về vấn đề sức khoẻ, ông viết:

"Về việc trị bệnh, ở đây có nhiều thầy thuốc, không chỉ người Bồ, mà người bản xứ cũng nhiều, kinh nghiệm cho thấy có những phế tật, thầy thuốc Tây không chữa được, nhưng thầy thuốc Nam lại trị được. Có khi thầy Tây đã lắc đầu, mời thầy Nam lại chữa khỏi.

Thầy thuốc bản xứ có lối trị bệnh như thế này: ông đến bên giường bệnh, nghỉ một lát để tĩnh tâm sau khi đi đường, rồi để hết tâm trí bắt mạch, khá lâu, đoạn nói: ông hay bà bị bệnh này. Nếu bệnh không chữa được, thầy cũng nói thật: Tôi không có thuốc để trị, có nghiã là bệnh này chỉ có chết. Nếu thấy chữa được thì bảo: Tôi có thể chữa khỏi, trong bao nhiêu ngày. Rồi mới bàn tới giá cả, cao, thấp, tới lúc bình phục; cũng có khi áp dụng giá chung cho mọi người. Sau đó chính người thầy thuốc chọn và định liều lượng các vị thuốc, không phải vì tiếm quyền dược sĩ, ở đây không có dược sĩ, mà vì thầy thuốc muốn giữ bí mật đơn thuốc biên cho bệnh nhân. Bình thường, nếu người bệnh khỏi đúng thời hạn, thì phải trả thầy thuốc đúng giá đã định. Nều bệnh không khỏi thì thầy thuốc mất hết, cả tiền khám bệnh lẫn tiền thuốc.

Không như thuốc Tây của chúng ta, thường làm buồn nôn hay đi cầu, thuốc của họ dễ uống như canh, cháo lại có lẫn chất bổ ở trong nên khi uống thuốc không cần ăn gì thêm. Người bệnh ngày uống thuốc mấy lần, giống như uống súp lỏng vào những giờ nhất định. Thuốc Nam không làm ráo (altérer) mà nó lưu thông khí huyết và loại trừ ác dịch cho người bệnh.

Có một việc nên ghi lại ở đây: Một người Bồ bị bệnh, gọi những thầy thuốc Tây lại; chữa một hồi, rồi họ tuyên bố: chịu. Khi họ đi rồi, người ta mới mời một thầy thuốc Nam, ông này hứa sẽ trị khỏi trong bao nhiêu ngày đó, nhưng nghiêm khắc giao hẹn: trong khi điều trị, cấm ngặt không được gần đàn bà, nếu không sẽ chết ngay, vì thuốc không hiệu nghiệm nữa. Giá cả xong xuôi, người thầy thuốc bảo sẽ chữa trong 30 ngày thì khỏi. Bệnh nhân uống thuốc đều, thấy mạnh khoẻ hẳn lên, thế là y quên tuốt lời thầy thuốc dặn. Người thầy đến thăm bệnh, bắt mạch thấy chạy loạn, biết ngay sự dâm ô của người bệnh, ông nói vói y: bây giờ anh chỉ có nước nằm chờ chết, tôi không có cách gì chữa được nữa. Nhưng ông đòi y phải trả tiền thuốc trước vì ông không chịu trách nhiệm về cái chết của y. Việc đến cửa quan, người bệnh phải trả tiền và sau đó y qua đời.

Phép trích huyết (saignée) cũng có, nhưng họ không lấy nhiều máu như bên Âu châu, và họ cũng không dùng dao sắt mà dùng một thứ lông ngỗng, gắn những mảnh sứ mỏng có răng cưa, nhiều tầm cỡ khác nhau. Khi phải lấy máu, họ dùng chiếc lông ngỗng thích hợp, để trên mạch máu, búng tay cho mảnh sứ ngập sâu vào mạch máu đúng độ sâu cần thiết. Điều đáng khâm phục là, sau khi lấy máu, người ta không cần băng bó để cầm máu, mà chỉ lấy ngón tay cái, thấm chút nước bọt, ấn vào chỗ cắt. Máu ngừng chẩy liền. Tôi cho cách mở mạch máu với mảnh sứ răng cưa, và cách chặn máu bằng ngón tay cái thấm nước bọt, đã làm cho mạch máu liền ngay.

Họ cũng có những nhà giải phẫu sở hữu những bí quyết lạ kỳ. Tôi kể ra đây hai thí dụ: một của chính tôi và một của người bạn đồng hành. Tôi bị ngã từ trên cao rơi xuống, ngực đập vào một góc đá nhọn, tôi khạc ra nhiều máu và ngực bị thương. Tôi dùng những thứ thuốc ở bên Tây, không thấy hiệu nghiệm gì. Người thầy giải phẫu đến, mang theo một thứ cỏ giống như cỏ xổ (foirolle) làm cao dán lên ngực, và sắc nước cho tôi uống, còn bắt ăn sống nữa. Chỉ trong vài ngày tôi khỏi hẳn. Để thử nghiệm tôi bẻ gẫy chân một con gà, nhiều chỗ và lấy cỏ này rịt lại, vài ngày sau thấy những chỗ gẫy lành dần.

Một cha đồng hành với tôi bị bọ cạp đốt, và ở xứ này bị bọ cạp đốt là có thể chết. Cổ anh ta sưng vù lên và chúng tôi đang định làm lễ thánh tẩy lâm chung cho anh ấy. Thầy thuốc Nam được mời đến, ông bảo đun ngay một nồi cơm bằng nước sạch, rồi để nồi cơm giữa hai cẳng chân của anh ta, và lấy chăn phủ kín tất cả chung quanh, cho hơi cơm không thoát ra ngoài. Ngay khi khói nóng hơi cơm xông tới chỗ bị đốt, anh ta thấy bớt hẳn đau, cổ họng xẹp xuống, và khỏi hẳn".

Borri cũng nói thêm: thuốc Nam dù rất công hiệu nhưng khi mang về Âu Châu bị biến chất; ông đã mang một thùng đại hoàng (rhubarbe) về, nhưng hai năm sau mới tới Âu châu, thuốc ấy không còn hiệu nghiệm nữa[25].

 

Guồng máy chính trị và dân sự Đàng Trong

Borri viết trong chương VI:

"Nói chung, chính quyền Đàng trong đứng giữa người Hoa và người Nhật, bởi vì người Nhật trọng binh bị hơn văn chương, người Hoa trọng văn chương hơn binh bị, còn người Đàng Trong chuyên chú đến cả hai ngành. Tùy dịp, chúa khuyến khích dân chúng cả về khoa cử, lẫn binh bị. Khi thì tưởng thưởng cho các học sĩ, khi thì thưởng cho tướng sĩ có tài."[26]

Sau đó, ông nhận xét về giáo dục, về cách chọn người cai trị bằng thi tuyển, về hệ thống tư tưởng triết học phổ biến và đạo đức tinh thần của người Đàng Trong, trước khi viết về ngôn ngữ: âm sắc và văn phạm tiếng Việt. Tất cả phần này chúng tôi sẽ đề cập tới trong chương 13: Sự hình thành chữ quốc ngữ. Ở đây, chỉ xin chú ý đến phần ông viết về guồng máy cai trị:

"Không những, người Đàng Trong có lệ trọng dụng sĩ phu về sự uyên bác của họ qua cách phong chức tước, và cấp dưỡng đầy đủ, mà họ còn rất trọng các quan võ, nhưng cách thức của họ khác người Âu. Thực vậy, thay vì tưởng thưởng cho vị tướng lãnh can trường một mảnh đất, kiểu một thái ấp cho bá tước hay một thái ấp cho hầu tước, thì họ cấp cho ông ta [bao nhiêu] người, [Bonifacy đưa thí dụ: ông Bá hộ là 100 gia đình, ông Thiên hộ là một nghìn gia đình] số người này dù sống ở bất cứ phần đất nào trong xứ vẫn là thần dân của chúa nhưng họ phải thần phục Đức ông mà chúa đã chỉ định, nhận sự chỉ đạo của ông ta và chính ông ta lại chịu sự chỉ đạo của chúa.

Khi ta [người Âu] nói: Đức ông Bá tước hay Hầu tước ở vùng này, vùng nọ, thì họ nói: ông này chúa cho trăm người, ông nọ nghìn người. Các Đức ông càng nhiều quyền uy, bổng lộc khi được chúa ban thêm nhiều thuộc hạ mới"[27].

Về chính quyền dân sự hay luật pháp, Borri viết:

"Thứ nhất, họ dùng sự trực trị, nên giải quyết rất nhanh. Không theo con đường kiện tụng lôi thôi với những thẩm phán, chưởng khế, biện lý; ở đây, quan Ký lục[28] hay quan Trấn thủ thay thế tất cả những thứ đó. Các quan mỗi ngày ra công đường bốn tiếng, trong phòng rộng lớn của dinh ông, hai tiếng buổi sáng và 2 tiếng buổi chiều, sau bữa ăn trưa. Tất cả những người nào có gì thưa kiện, biện bác, hoặc kêu oan, đến hầu. Ông Ký lục của quan Trấn thủ ngồi chủ tọa trên cao, nghe cả hai bên nguyên, bên bị, và như thường lệ những vị quan này dùng những phán đoán chắc chắn, thông minh, là người thừa kinh nghiệm, ông chỉ cần hỏi vài câu nào đó, hoặc nghe phản ứng của cử tọa, khi họ vỗ tay cho bên này hay bên kia, mà ông đoán biết đâu là sự thực và không cần chờ đợi, quan lập tức cao giọng tuyên bố án lệnh, và được thi hành ngay, không được đối đáp, chống án, dù là án tử hình, lưu đầy, đánh đòn hay phạt vạ, mỗi tội sẽ bị trừng phạt theo đúng luật pháp.

Những tội trạng bị đem ra xử thì nhiều lắm nhưng nặng nhất là các tội giả mạo, ăn cắp và ngoại tình. Trong một phiên toà, kẻ nào tố bịa, gieo oan cho người khác, thì kẻ ấy sẽ bị tội thay thế, thí dụ tội mà kẻ ấy tố cáo (bịa) đáng án tử hình, thì chính kể tố bịa sẽ bị án tử hình. Kinh nghiệm cho thấy rằng hình phạt này vô cùng hiệu nghiệm để điều tra sự thật"[29].

Sức mạnh của chúa Đàng Trong

Chương VII, Borri kể lại việc chúa Sãi thành lập và luyện tập binh đội, đây là một tài liệu hiếm có, nói về nguồn cội sức mạnh của chúa Sãi:

"Ngay từ đầu tôi đã nói, Đàng Trong là là một phần của vương quốc Đông Kinh, do ông của Chúa đang trị vì cướp đoạt [thực ra, chúa Tiên Nguyễn Hoàng là cha chứ không phải là ông chúa Sãi] khi được phong làm Trấn thủ, đã nổi lên chống lại Vua Đàng Ngoài.

Việc nổi dậy được chuẩn bị trong một thời gian dài, Chúa [Sãi] đã gom nhặt những khẩu đại bác khác nhau của các tàu, hoặc Bồ Đào Nha hoặc Hoà Lan bị đắm vì chạm đá ngầm.

Có khoảng 60 khẩu súng đại bác do người dân quê vớt được, trong đó có vài cỗ rất lớn. Người Đàng Trong rất sành việc sử dụng những khẩu súng này, họ biết nạp đạn và bắn trúng đích hơn cả người Âu. Họ luyện tập không ngừng để bắn trúng và rất thành công, nên họ thích khoe khoang thành quả của mình. Vì thế, mỗi khi có tàu Âu châu ghé vào hải cảng, những thuỷ thủ của chúa liền thách đố pháo binh của ta, và những người này, biết trước là không thể đọ sức với họ được, luôn luôn tránh các cuộc thách đố, bởi kinh nghiệm cho biết trước, rằng người Nam bắn rất trúng đích, mặc dù với những khẩu đại bác [tồi] họ bắn trúng hơn cả người Âu với súng hoả mai có tầm nhắm tối tân hơn. Họ lại cũng biết dùng cả súng hoả mai, và bất cứ thời tiết nào họ cũng ra đồng tập dượt, để bắn trúng đích. Thêm nữa [chúa Nguyễn] có hơn trăm chiến thuyền, càng khiến họ muốn đối đầu [với chúa Trịnh]. Mạnh trên biển, có đại bác trên bộ, chúa Nguyễn ăn chắc phần thắng chúa Trịnh ở Bắc. Ngoài ra, Đàng Trong buôn bán liên tục với người Nhật, mua được nhiều mã tấu "catane" rèn rất tinh vi của Nhật, Hơn nữa, xứ này có nhiều ngựa, thực ra thì bé thôi, nhưng đẹp, và đầy nghị lực, cưỡi để ném thương, và họ cũng luyện tập môn ném thương này dữ lắm.

Sức mạnh của chúa khiến ông có thể, nếu ông muốn, mộ tám mươi nghìn lính trận; tuy vậy ông vẫn sợ chúa Đàng Ngoài, mà sức mạnh lớn gấp bốn lần ông. Vì vậy, để cất mối lo, ông thương lượng để triều cống Đàng Ngoài tất cả các sản vật có trong xứ, đặc biệt vàng, bạc, lúa, gạo, không kể ván và các loại gỗ đóng thuyền chiến."[30]

Các cuộc chiến

Theo Borri, chúa Sãi đã chuẩn bị chiến tranh từ khi Borri còn ở Đàng Trong, tức là từ trước năm 1622. Vẫn theo Borri, chúa Sãi luyện tập quân sĩ để đánh nhau, nhưng khi chưa đủ sức, chúa thương lượng để "triều cống". Và triều cống rất nhiều. Theo Nguyễn Khoa Chiêm, kể từ năm Giáp Tý (1624), chúa Trịnh Tráng thấy chúa Sãi không chịu "đóng thuế" từ ba năm nay, cả giận, sai người đem sắc dụ của vua Lê vào đòi (cho miễn thuế từ năm 1623 về trước vì kêu là mất mùa đói kém, nhưng phải trả từ năm 1624 về sau). Chúa Sãi tỉnh bơ, chẳng những không trả mà còn cười chế giễu[31]. Sứ giả về thuật lại, chúa Trịnh nổi giận, bèn nhân danh vua Lê, sai người vào hỏi tội lần nữa, chẳng ăn thua gì, thế là cuộc chiến đầu tiên xẩy ra năm 1627.

Vậy theo cả Borri lẫn Nguyễn Khoa Chiêm, nguyên nhân chính của chiến tranh là vì chúa Sãi ngừng "triều cống" miền Bắc. Nhưng Borri viết rõ những sản phẩm phải "triều cống": tất cả các sản vật có trong xứ, đặc biệt vàng, bạc, lúa, gạo, không kể ván và các loại gỗ đóng thuyền chiến". Việc này được xác nhận trong tờ Sắc buộc tội của Trịnh Tráng: vì chúa Sãi không chịu "đóng thuế", "để đến nỗi thuế má thiếu thốn, không đủ sự chi thu"[32]. Có nghiã là chúa Trịnh "sống nhờ" một phần vào thuế của chúa Nguyễn.

Vậy có thể nói, sự bùng nổ chiến tranh, lần đầu, năm 1627, là vì lý do kinh tế.

Đoạn dưới đây rất đáng chú ý, Borri viết về tình hình ở Đàng Trong: Chúa Sãi phải đối đầu ba mặt: Chúa Trịnh ở Bắc, hai em chúa làm phản trong triều, và vua Chiêm Thành muốn dành lại đất Phú Yên.

Nhờ cách tổ chức quân đội của chúa Sãi, khiến ta có thể hiểu tại sao chúa Trịnh với sức mạnh gầp bốn lần chúa Nguyễn, mà đánh nhau bẩy lần, lần nào cũng thua:

"Quân kỷ và chiến thuật ở Đàng Trong, giống hệt như ở Âu Châu, cách sắp xếp các đội ngũ, cách chiến đấu, tấn công, hay triệt thoái, như nhau. Và chúa thường lo chuẩn bị chiến tranh với ba nơi trong xứ: Trước tiên, phải phòng bị đối với Đàng Ngoài, luôn luôn đe dọa xâm lấn vùng biên giới. Vì thế, chúa Đàng Trong cư ngự ở Sinuua [Thuận Hoá], vùng cận Bắc, để ở gần, có thể phản công ngay về phía biên thùy với Đàng Ngoài, là một tỉnh rất hùng mạnh [Nghệ An], mà quan trấn thủ là một người dày kinh nghiệm và thiện chiến.

Chúa còn phải đối đầu với một cuộc chiến nữa, có thể gọi là nội chiến, do hai em chúa gây ra, vì tranh quyền với anh, không chấp nhận những ân sủng đã có, liên kết với miền Bắc, khiến chúa phải luôn luôn phòng bị. Và trong khi tôi [Borri] ở đây, hai ông hoàng này, có được vài khẩu súng đại bác do voi chuyên chở tới, đóng đồn ở biên giới [phiá Bắc], khi quan quân đến dẹp, bị thua trận đầu, tổn mất 3000 lính. Nhưng khi quân tiếp viện đến đánh lần thứ nhì, hai ông Hoàng thua chạy, bị bắt, suýt bị tử hình, nếu không nhờ các quan can gián, chúa nể tình máu mủ, nên chỉ bị tù giam.[33]

Chúa phải đánh nhau thường trực, mặt trận thứ ba là mặt trận cực Nam, gọi là Renran [tức Phú Yên][34] chống nhau với vua Chàm, nhưng nước Chàm sức yếu, nên quan trấn thủ Phú Yên, một người đảm lược, trấn giữ dễ dàng.

Ngoài ra, chúa còn phải toan tính mưu chước để giúp vua Miên, chồng của một trong những con rơi của chúa [con một bà Phi] giúp vua Miên chống lại quân đội và chiến thuyền của vua Xiêm.

Vì lẽ đó mà khắp nơi, trên cạn, dưới biển, đều vang danh sự hiển hách của quân đội Đàng Trong". (C'est ainsi que partout, aussi bien sur terre que par mer, résonne le nom glorieux, et est honorée la valeur des armées de la Cochinchine)[35].

Trong ký sự, Borri hết sức thán phục chúa Sãi là điều dễ hiểu. Chúa Sãi Nguyễn Phưóc Nguyên là vị chúa thứ hai, kế nghiệp chúa Tiên Nguyễn Hoàng; từ năm 1585, mới 22 tuổi, đã đánh tan 5 tàu của bọn "Hiểu Quý tặc" ở Cửa Việt[36]. Và thay cha cai trị Đàng Trong từ 1593, khi Nguyễn Hoàng ra Bắc rồiở lại đến 1600. Được bổ nhiệm Trấn thủ Quảng Nam, từ 1602. Lên ngôi chúa năm 1613. Qua đời năm 1635. Như vậy có thể coi là ông đã trị vì Đàng Trong 42 năm, và là người xây dựng nền tảng nhà Nguyễn, thành một đất nước hùng cường, giàu mạnh, trên mảnh đất gần như "thù nghịch" vì chiếm của Chiêm Thành. Đến đầu thế kỷ XVII, Quảng Nam vẫn còn được gọi là Kẻ Chàm (Cacciam) tức là vùng đất của người Chàm (nay gọi là Chăm). Công bình định trong hòa bình miền Trung, từ Quảng Nam đến Phú Yên (đất của người Chiêm Thành) phần lớn là của chúa Sãi. Trong cuốn Nguyễn Hoàng ngưòi mở cõi (Nxb Chính Trị Quốc Gia Sự Thật, 2012, 2023), các tác giả có khuynh hướng độc nhất hóa vai trò của Nguyễn Hoàng, vì chưa nghiên cứu kỹ, chăng?

Chiến thuyền của Chúa Sãi

Ở thời điểm ấy, sức mạnh quân đội dựa vào thủy binh. Nhờ có đội ngũ chiến thuyền hùng mạnh, nên chúa Nguyễn, từ chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên đến chúa Hiền Nguyễn Phước Tần, cháu nội ông, đều trấn giữ được các cửa bể, ngăn ngừa ngoại xâm. Borri cho biết thủ thuật của chúa Sãi:

"Ngoài biển, người ta đánh nhau trên những chiến thuyền, như đã nói, mỗi chiến thuyền đều có súng đại bác và có đầy đủ súng hoả mai. Ta sẽ không lấy làm lạ khi nghe nói vua Đàng Trong có hàng trăm chiến thuyền (galères), nếu biết rõ họ tổ chức như thế nào. Vậy trước hết, nên biết rằng người Đàng Trong không có lệ dùng tội nhân hay các loại tù khổ sai chèo thuyền chiến, mà khi xuất phát ra khơi, dù để đánh nhau hay với mục đích nào khác, cách tổ chức là như thế này: người ta bí mật tung ra những kẻ dò thám và những cảnh sát trưởng bất chợt đi lùng trong khắp xứ, theo lệnh chúa, xem những ai có khả năng chèo thuyền là họ dẫn về đội tuyến chiến thuyền, trừ những người được miễn dịch vì là quý tộc hay ví lý do nào khác. Lối hành xử này, không có gì là bất công như mới nhìn qua, bởi những người bị gửi đi chèo thiền chuyến không hề bị bạc đãi mà còn được trả lương cao hơn cả lương bổng hay lợi nhuận họ đang có, ngoài ra, vợ con và cả gia đình, đều được nhà chúa cưu mang tùy theo đẳng cấp, trong suốt thời gian họ vắng mặt ở nhà.

Chúa không dùng họ chỉ như người chèo thuyền, mà khi cần, họ cũng cầm khí giới chiến đấu nữa, vì vậy, có người được cấp súng hoả mai hay súng trường, cùng thương, đao, mã tấu: Vì người Đàng Trong có lòng gan dạ và dũng cảm, nên họ dùng mái chèo để bao vây, và làm vũ khí khi bị kẻ thù bao vây. Chiến thuyền của họ hơi nhỏ hơn chiến thuyền của ta, nói chung hẹp hơn chiến thuyền của ta, nhưng rất đẹp, rất sang, dát vàng, bạc, thành ra trông đẹp mắt lắm. Đặc biệt, mũi thuyền[37] đối với họ, là nơi danh dự nhất, làm bằng vàng. Đó là nơi của thuyền trưởng và những nhân vật quan trọng. Người ta viện lý rằng người thuyền trưởng phải là người đầu tiên thấy và ứng xử với mọi trường hợp, vì vậy ông ta phải ở nơi thuận tiện nhất cho việc đó.

Về khí giới che thân, ngoài những thứ khác, họ còn dùng cái mộc hình bầu dục lõm cong, khá cao, che kín thân, và rất nhẹ, khiến người lính cầm rất dễ dàng không mất sức. Cách xây nhà của họ cũng là cách phòng thủ thành trì của vương quốc, bởi nhà làm bằng ván dựng trên các cột gỗ, như tôi đã nói ở trên. Nếu kẻ thù đánh đến, liệu sức không cự nổi, thì mỗi người, thu vén hành lý của mình, rồi trốn lên núi, sau khi đã đốt hết nhà cửa, chỉ để lại cho kẻ thù cái gì không cháy được. Như vậy, họ không cần phải phòng thủ, không cần phản công, mà chỉ cần rút lui vào một vùng đất thích hợp. [Khi kẻ thù rút lui] họ trở lại đất đai của họ một cách dễ dàng, trong thời gian ngắn, xây dựng lại nhà cửa, từ đất lại mọc lên thành trì cũ"[38].

Đoạn văn này giải thích sức mạnh của thuỷ binh chúa Sãi, khiến chúa có thể đánh đuổi nhiều lần các chiến thuyền Tây phương đến "quấy nhiễu" bờ biền. Và chiến thuật phòng thủ "tiêu thổ kháng chiến" cũng đã được chúa Sãi sử dụng.

Thương mại và hải cảng Đàng Trong

Trong chương VIII, Borri viết về việc buôn bán sầm uất ở Đàng Trong:

"Như tôi đã nói ở trên, Đàng Trong trù phú về mọi mặt, đầy đủ những gì cần thiết để nuôi sống con người, dân chúng lại không hiếu kỳ, không thích đi sang nước khác buôn bán. Vì vậy, khi ra biển, họ không bao giờ đi xa quá đến nỗi không nhìn thấy bờ. Nhưng họ lại sẵn sàng để người ngoại quốc cập bến các hải cảng của họ, vì thế họ đón, không những các nước bên cạnh, mà còn cả những người ở rất xa đến thương lượng buôn bán. Để làm việc đó, họ cũng chẳng cần đến mưu mẹo, mánh khoé gì: những người ngoại quốc này, bị sự màu mỡ của xứ này lôi cuốn, và ham thích giàu có, nên đến đấy đông lúc nhúc.

Họ đến không những từ Đàng Ngoài, từ Cao Miên, từ Cinceos [Quảng Châu] và những vùng lân cận khác, nhưng còn cả từ những chỗ xa hơn, như Trung Hoa, Macao, Nhật Bản[39], Manille và Malacca, đều đem bạc vào Đàng Trong, không phải để mua, mà để trao đổi, hàng hoá, người Đàng Trong coi bạc là một thứ hàng hoá, giống như lụa là hay các thứ hàng hoá khác, trị giá cao, thấp tùy theo có nhiều, ít trên thị trường.

Tiền dùng để mua bán ở đây là tiền đồng, tất cả đều một giá như nhau, giống như đồng quatrino [tiền đồng La Mã xưa], mà 500 là một écu [tiền trao đổi trong cộng đồng kinh tế Âu châu]. Những đồng tiền này hình tròn, nhẵn nhụi, trên khắc khí giới và dấu hiệu nhà vua, đục lỗ ở giữa để xâu, người ta xâu thành từng chuỗi 1000, mỗi chuỗi [là một quan] trị giá 2 écu. [Borri nhầm: theo ca dao, một quan là sáu trăm đồng, không phải 1000 đồng. Nhưng có thể ở thế kỷ XVII một quan là 1000 đồng chăng?][40].

Hai nước chính buôn bán với Đàng Trong là Tàu và Nhật, một phiên chợ tổ chức hàng năm ở một trong những hải cảng này [Hội An], kéo dài 4 tháng. Người Tàu đem hàng vào bằng ghe mành, trị giá 4, 5 triệu, bạc; và người Nhật, chở bằng tàu lớn, họ gọi tên là "somme", một số lượng lớn tơ lụa mịn, cùng với những hàng hóa khác của nước họ.

Chúa thu được từ phiên chợ này, thuế đoan và thuế muối, rất nhiều lợi nhuận hàng năm, và cả nước đều được hưởng lợi lớn.

Vì người Đàng Trong, một phần, không siêng năng lắm về mỹ thuật, và cũng không chuyên chú vì họ được hưởng sự màu mỡ của lãnh thổ nên đâm lười, một phần khác, họ thích những của lạ đến từ nước ngoài, nên chuộng và mua rất đắt những vật chẳng có giá trị gì, thí dụ như cái lược, cái kim, vòng tay, vòng đeo tai bằng thủy tinh hay những đồ trang sức khác của đàn bà. Tôi còn nhớ một người Bồ đã mang từ Macao đến Đàng Trong một hộp kim, giá chẳng quá 30 ducats[41] vậy mà lời được hơn 1000 ducats, y bán giá một réal Đàng Trong[42] cái mà y chỉ mua ở Macao với giá một quatrino.

Nói chung, họ cứ mua phứa đi, theo kiểu đấu giá, tất cả những gì họ thấy là mới mẻ, của ngoại quốc, mà chẳng để ý đến giá cả. Họ rất thích mũ, đồ kẹp tóc, thắt lưng, áo sơ mi và tất cả quần áo của ta, vì nó khác với các thứ của họ, nhưng họ chuộng nhất là san hô."[43]

 

Hải Phố (Hội An), thương cảng lớn nhất Đàng Trong

Đoạn dưới đây, Borri viết về thương cảng Hải Phố tức Hội An:

"Vế các hải cảng, điều đáng ngạc nhiên, là dọc bờ biển dài không quá một trăm dặm [430km] mà có tới hơn 60 bến đỗ vì những cửa sông chảy ra biển.

Hải cảng chính ở Cacciam [Quảng Nam]. Người ta vào hải cảng này bằng hai cửa biển: Pulluciampello [Cù lao Chàm] và Turon [Đà Nẵng], thoạt đầu hai cửa biển này cách nhau độ ba, bốn dặm [12 đến 17 km], vào đất liền chia làm hai con sông, sau chập thành một, [trên sông] gặp gỡ tất cả những tàu lớn đã vào hải cảng bằng cửa này hay cửa kia.

Hải cảng này là đất chúa Đàng Trong nhượng cho người Nhật và người Tàu, những cơ sở tương xứng với số người của họ, để xây dựng một thành phố, tiện lợi cho việc họp chợ hàng năm, đã nói ở trên. Thành phố này tên là Faifo [Hải Phố tức Hội An] có thể nói là khá lớn, một khu dành cho người Tàu, khu kia dành cho người Nhật, họ sống riêng rẽ, mỗi cộng đồng có một viên quan cai trị riêng, người Tàu theo luật pháp Tàu, người Nhật theo luật pháp Nhật[44].

Tuy nhiên có sự cạnh tranh quyết liệt giữa người Bồ và người Hoà Lan. Chúa Sãi chọn người Bồ và trừng phạt người Hoà Lan:

"Như đã nói, vì chúa Đàng Trong cho phép tất cả tàu bè ngoại quốc được tự do lưu thông, người Hoà Lan vội vàng đổ xô những thuyền buồm lớn chất đầy hàng hoá vào. Cho nên người Bồ ở Macao quyết định gửi một sứ thần tới chúa Đàng Trong, nhân danh tất cả người Bồ, xin chúa đuổi ngay người Hoà Lan - kẻ thù số một của người Bồ- ra khỏi Đàng Trong.

Sứ thần được chọn là thuyền trưởng Fernando de Costa,[45] một người nổi tiếng và nổi danh thiện chiến. Costa giải thích lý do ông được phái đến đây, chúa lịch sự nghe, và hứa sẽ thuận theo ý sứ giả. Tuy nhiên ngay khi Costa còn ở trong triều, một chiếc tàu Hoà Lan cập bến, vài người trên tàu xuống, tưng bừng hoan hỷ, mang lễ dâng chúa. Chúa đón tiếp nồng hậu và cấp cho, như thường lệ, quyền buôn bán tự do trong vương quốc của ông.

Costa biết tin, lập tức xin gặp chúa, nổi xung vì thấy chúa không giữ lời hứa, y dậm chân kêu trời theo thói cáu kỉnh của người Bồ. Chúa và quần thần tán đồng hành động can đảm này của y, khuyên y nán đợi đến hồi kết cục, sẽ thấy không có gì phải than phiền, rồi cho y lui.

Trong khi đó, tất cả người Hoà Lan được lệnh phải xuống bến, và đem hết hàng hoá ở trong hầm tàu ra chợ, giống như người Bồ. Họ tuân thủ làm đúng như vậy, nhưng khi họ lên ca nô, đi ngược dòng sông [để trở vế tàu] thì bị những chiến thuyền [của chúa] tấn công bất thình lình, khiến cả thuyền trưởng và ê-kíp bị giết chết gần hết. Chúa làm chủ hàng hoá, viện dẫn lý do của hành động này: ông biết rõ những người Hoà Lan này, là bọn cướp biển công khai, đã cướp phá cả vùng biển của ông, và đáng bị trừng trị nặng nề nhất. Vì thế ông ra đạo dụ, cấm bất cứ tàu Hoà Lan nào cập các bến cảng của ông. Quả đúng như vậy, người ta có thấy những người Hoà Lan này cướp mấy tàu của Đàng Trong, nên chúa đã hạ lệnh trả thù xứng đáng, và chúa chấp nhận người Bồ Đào Nha là những người bạn tốt.

Ít lâu sau, người Bồ bèn gửi từ Macao đến một sứ giả khác, muốn xin chúa xác định lại đạo dụ nói trên (ra đời dưới sự nài nỉ của Costa) viện lẽ rằng, nếu không, bọn Hoà Lan có thể dùng mưu kế để xâm chiếm lãnh thổ Đàng Trong, như chúng đã từng làm ở Ấn Độ. Nhưng những người hiểu biết trong xứ khuyên sứ giả mới, đừng nói với chúa giọng điệu đó, bởi làm như thế, có thể chúa sẽ có phản ứng ngược lại, nghiã là ngài sẽ lấy cớ để cho bọn Hoà Lan quyền ra vào buôn bán, và mời cả xứ Hoà Lan nữa, bởi vì chúa chủ trương không sợ bất cứ nước nào trên thế giới, trái ngược hẳn với vua Trung quốc, sợ tất cả mọi người nên đã hoàn toàn bế quan toả cảng, cấm thần dân buôn bán với người nước ngoài. Vậy, nếu sứ giả muốn đạt mục đích thì phải nghĩ ra một lập luận khác"[46].

Cristoforo Borri đã cho chúng ta biết rất nhiều về Đàng Trong thời chúa Sãi, về cách chuẩn bị nội chiến với miền Bắc cũng như ngoại chiến với người Âu và chinh phục nốt phần còn lại của Chiêm Thành. Bí quyết làm giàu đất nước của chúa bằng thương mại tự do. Sự tự tin trước người Âu. Tự chủ với các nước khác, điều mà ngày nay, chúng ta vẫn chưa hoàn toàn đạt được, trên phương diện tinh thần, sau một trăm năm bị đô hộ.

(Còn tiếp)

 

 


[1]Ký sự Đàng Trong có tên đầy đủ, rất dài, như sau: Relation de la Nouvelle Mission des pères de la Compagnie de Jésus au royaume de la Cochinchine. Ecrite par le père Cristoforo Borri, Milanais, de la même Compagnie, qui fut un des premiers qui entrèrent dans ledit royaume, à la Sainteté de Notre Seigneur Urbain VIII Pape. Rome, Francesco Corbetti, 1631, avec licence des Supérieurs. (Ký sự về cuộc truyền giáo mới của các giáo sĩ Dòng Tên tại vương quốc Đàng Trong. Do linh mục Dòng Tên Cristoforo Borri, người Milan, một trong những người đầu tiên đã đến xứ này, đệ lên đức Thánh Cha, Giáo Hoàng Urbain VIII. La Mã, Francesco Corbetti, 1631, với sự cho phép của Bề Trên).

[2] Cristoforo Borri, Ký sự Đàng Trong, bản dịch tiếng Pháp của Bonifacy (BAVH), 1931, quyển 3-4, trang 396.

[3] Phần I: Đời sống thế tục ở Đàng Trong, gồm 8 chương: Chương I: Địa danh và vị trí địa lý chính trị Đàng Trong. (Với những tên đất tiếng Việt được phiên âm và ghi lại bằng mẫu tự La tinh). Chương II: Khí hậu và đặc tính của Đàng Trong. (Có những câu ngắn tiếng Việt, viết bằng chữ quốc ngữ). Chương III: Sự màu mỡ của đất đai Đàng Trong. Chương IV: Voi và tê giác. Chương V: Đức tính, thân phận, phong tục người Đàng trong; y phục, cách ăn ở và đối xử với nhau. Chương VI: Guồng máy chính trị và dân sự Đàng Trong. Chương VII: Sức mạnh của chúa Đàng Trong và những cuộc chiến. Chương VIII: Thương mại và thương cảng ở Đàng Trong.

Phần II: Tình trạng tôn giáo ở Đàng Trong, viết về lịch sử truyền giáo của các giáo sĩ Dòng Tên trong khoảng 1615-1622. Gồm 11 chương: Chương I: Các giáo sĩ Dòng Tên đến Đàng Trong; hai nhà thờ xây ở Turon (Đà Nẵng) và Cacciam (Kẻ Chàm, thủ phủ Quảng Nam). Chương II: Đạo mới bị đàn áp và tôi [Borri] được Bề trên gửi sang trợ giúp. Chương III: Quan Khám lý Pulucambi đưa các giáo sĩ về Quy Nhơn, xây nhà ở và làm nhà thờ cho họ. Chương IV: Quan Khám lý qua đời. Chương V: Đức Chúa Trời mở cửa cho đạo Chúa vào Quy Nhơn qua trung gian những nhân vật nổi tiếng nhất tỉnh này. Chương VI: Đức Chúa trời mở một cửa khác cho đạo Chúa qua những người uyên bác trong giới quý tộc. Chương VII: Đức Chúa trời mở cửa cho đạo Chúa qua các Onsaij [ông sãi] trong giới quý tộc. Chương XIII: Sơ lược về các giáo phái ở Đàng Trong. Chương IX: Đức Chúa trời mở cửa đạo Chúa cho kẻ nghèo hèn qua những phép thần diệu. Chương X: Giáo đường và họ đạo ở Hội An, Đà Nẵng và Kẻ Chàm. Chương XI: Vương quốc Đông Kinh (Tunchim) tức Đàng Ngoài.

[4] Theo Maybon, Chú thích về Critoforo Borri và những bản in Ký sự của ông, (BAVH) 1931, trang 269-276).

[5] Borri có thể đã bắt đầu viết Ký sự Đàng Trong từ 1618 đến 1622, khi ông còn ở Đàng Trong, sau đó ông sửa chữa và hoàn tất khoảng 1627, vì ở cuối sách, Borri có nói đến việc Baldinotti và Alexandre de Rhodes được gửi sang Đàng Ngoài năm 1627.

[6] Cadière, Préface, BAVH, 1931, trang 262.

[7] Từ 1631 đến 1858, Ký sự Đàng Trong được dịch ra nhiều thứ tiếng. Năm 1631: Bản đầu tiên, tiếng Ý, ở Roma- rồi bản tiếng Pháp ở Lille, ở Rennes, ở Paris... Năm 1632: Tiếng La-tinh ở Vienne; tiếng Hoà Lan ở Louvin, tiếng Pháp ở Lille. Năm 1633: Tiếng Đức ở Vienne. Phần I, dịch sang tiếng Anh, ở Luân Đôn. Năm 1704: Toàn bộ dịch sang tiếng Anh, Colection Churchill, Luân Đôn. Năm 1732: Collection Churchill, tái bản lần thứ nhất. Năm 1744: Collection Churchill tái bản lần thứ nhì. Năm 1811: Tiếng Anh, Collection Pinkerton. Năm 1852: Tiếng Pháp, Paris. Năm 1858: Một phần được dịch và in trong Voyages et Travaux des Missionnaires de la Compagnie de Jésus. (Theo Maybon, Chú thích về Critoforo Borri và những bản in Ký sự của ông, BAVH 1931, trang 276). Bản dịch tiếng Việt: Xứ Đàng Trong năm 1621, do Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, Nxb Tp HCM, 1998. Tiếp đến, Nhiệm vụ mới của các cha Dòng Tên ở Vương quốc Đàng Trong do Phạm Văn Bân dịch, in trên Internet tháng 4-2011. Và Xứ Đàng Trong do Thanh Thư dịch, Nxb Tổng Hợp Tp HCM, 2019.

[8] Ký sự Đàng Trong do Đại tá Bonifacy dịch sang tiếng Pháp và chú giải, in trong tập san Đô Thành Hiếu Cổ, tức Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH) 1931, quyển 3-4, trang 287-288.

[9] Cristoforo Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 288-290.

[10] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 293.

[11] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 294-297.

[12] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 297-298.

[13] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 298- 299.

[14] Gỗ Calambà, mua tại chỗ, đáng giá 5 ducats (ducat là tiền vàng xưa, phát xuất từ Venise, giá trị khác nhau tùy theo mỗi nước) một livre (nửa cân), nhưng ở bến cảng họ không bán dưới 16 ducats nửa cân. Sang Nhật Bản, giá thành 200 ducats, nửa cân. Nếu người Nhật nào tìm được một miếng làm gỗ gối đầu, họ có thể trả tới 300 hay 400 ducats nửa cân. Chỉ Vua hay Đức ông quý tộc mới xứng đáng gối đầu bằng gỗ Calambà. Còn gỗ Trầm hương tuy ít quý hơn, nhưng giá cũng cao, khiến cho một tàu buôn, nếu chất đầy gỗ này, chủ tàu có thể giầu sang mãi mãi. Mối lợi lớn nhất mà chúa có thể ban cho thuyền trưởng Malacca, là cấp cho y một chuyến buôn gỗ Trầm hương, bởi giới quý tộc Bà La Môn và những người theo giáo phái Bồ Đề (Banians) ở Ấn Độ rất ưa chuộng, vì họ có tục thiêu người chết với thứ gỗ thơm này, cho nên họ cần có những lượng gỗ vô hạn. (Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 298- 299).

[15] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4 trang 300.

[16] Cristoforo Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 304-306.

[17] Cristoforo Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 306- 307.

[18] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 307-309.

[19] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 309-310.

[20] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 310- 311.

[21] Saint Benoit (480-547), cha đẻ dòng Bénédictine, mặc áo chùng cổ đứng hơi giống áo dài của ta.

[22] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 311.

[23] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 312-313.

[24] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 313-314- 315-316.

[25] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 316- 317- 318-319.

[26] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 319.

[27] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 322-323.

[28] Không biết Borri viết tiếng Ý là gì, Bonifacy dịch là Vice-roi, nhưng chức Vice- roi (Kinh lược sứ) thời chúa Sãi chưa có. Ở bên cạnh chúa thì có quan Đô Tri, coi việc luật pháp. Phụ tá quan Trấn thủ thì có quan Ký lục coi việc luật pháp, và quan Cai bạ, coi việc thuế khoá. Trường họp Borri nói ở đây, chắc là quan Ký Lục, phụ tá quan Trấn thủ.

[29] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 323-324.

[30] Ký sự Đàng Trong ,BAVH 1931, quyển 3-4, trang 325-327.

[31] Nam Triều công nghiệp diễn chí, trang 133, 150-151.

[32] Tờ Sắc này được đăng toàn bộ trong Trần Trong Kim, Việt Nam sử lược, quyển hạ, Vĩnh Thành, Hà Nội, 1928, trang 36.

[33] Borri muốn nói đến việc năm 1620, hai người em khác mẹ của chúa Sãi, Nguyễn Phước Hiệp và Nguyễn Phước Trạch, con thứ bẩy và thứ tám của Nguyễn Hoàng, làm phản, chở khí giới tới kho Ái Tử, liên lạc với Trịnh Tráng, để lật anh, nhưng bị bắt, chúa Sãi muốn đem chém, triều đình can ngăn, tha cho về giam tại nhà, Hiệp Trạch "xấu hổ, phát ốm rồi chết" (Nam Triều Công Nghiệp diễn chí, trang 107-116). Borri và Nguyễn Khoa Chiêm kể giống nhau. Sau này Đại Nam Thực Lục Tiền Biên sửa lại chi tiết "chúa Sãi muốn chém nhưng triều đình can ngăn" thành "triều đình muốn chém, nhưng chúa nể tình anh em, tha cho". Trong Le Mur de Đồng Hới, viết theo Nam Triều công nghiệp diễn chí, Cadière chê trách sử gia chính thống chạy tội cho chúa.

[34] Renran là tên phiêm âm của sông Đà Rằng, sông chính của tỉnh Phú Yên, mà Đèo Cả, lúc đó, là biên giới của nước ta với với phần còn lại của nước Chiêm thành.

[35] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 328-329-330.

[36] Nam Triều công nghiệp diễn chí, trang 40, ghi "Hiển Quý tặc". Nguyễn Thị Oanh và Trịnh Khắc Mạnh trong bài "Thêm một số tư liệu hiện hữu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm về quan hệ bang giao Việt Nam-Nhật Bản" (site Viện Hán Nôm) xác định Hiển Quý là Bách Tần Hiển Quý (Shirahama Kenki) người Nhật.

[37] Chú thích Bonifacy, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 331: Borri nhầm khi dùng chữ mũi thuyền (la proue) (propa) thay vì chữ đầu lái (la poupe) (poppa), theo ký sự của những người Âu thời ấy, thì phần đầu lái ở đuôi thuyền chứ không ở mũi thuyền, để cho thuyền trưởng nhìn thấy đường đi và kiểm soát ê-kíp thủy thủ.

[38] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 330- 331.

[39] Chú thích Bonifacy, trang 332: Lúc này, Mạc Phủ còn chưa hạ lệnh cấm người Nhật đi ra ngoài buôn bán. Sau khi cấm, nhiều người Nhật ở lại Annam, họ sống như người Nam. Người Hoà Lan thay thế người Nhật để chuyên chở hàng hoá từ Annam sang Nhật. St-Phalle cho biết: người Hoà Lan, ngoài những thứ khác, còn chở than quặng từ những mỏ ở miền Bắc sang Nhật.

[40] Chú thích Bonifacy, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 332: những tiền đồng này mang niên hiệu vua Lê và khắc chữ "thông báo" nghiã là tiền để trao đổi.

[41] Ducat là tiền vàng xưa, phát xuất từ Venise, giá trị khác nhau tùy theo mỗi nước.

[42] Réal là tiền Y Pha Nho xưa, ở đây chắc Borri chỉ một lượng bạc ở Đàng Trong.

[43] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 331-333.

[44] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, quyển 3-4, trang 333-334.

[45] Nhân vật này là người thúc đẩy cha Bề Trên ở Macao, gửi các giáo sĩ đi Đàng Trong truyền giáo.

[46] Ký sự Đàng Trong, trang 334-335. Bonifacy chú thích ở trang 335: Hình như vụ này là người Anh chứ không phải người Hoà Lan. Ông dẫn lời Maybon, nhưng Maybon cũng không tìm được chứng cớ xác đáng. Đại Nam thực lục tiền biên có nói đến việc tàu Hoà Lan và tàu Anh đến "quấy nhiễu" ở bờ biển và bị chúa đuổi đi. Vậy chắc có hai vụ khác nhau.