Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2024

“Chia tay mà không biệt ly”

 Đỗ Hồng Ngọc

 

Khi anh Cao Huy Thuần gởi tôi tập Im lặng, như lời chia tay…, tôi nghĩ: chắc là “Im lặng thở dài…” đây rồi! “Tôi đang lắng nghe tôi đang lắng nghe im lặng đời mình” (Trịnh Công Sơn)? Nhưng không. Cao Huy Thuần nói về “chia tay mà không biệt ly”…

Nhưng đâu là cách chia tay mà không biệt ly? Cao Huy Thuần dẫn bài thơ Feuille morte (lá chết) của Hermann Hess, tác giả Siddhartha. Anh “phát hiện” một điều thú vị: người Việt không ai nói “lá chết” mà nói “lá khô”, “lá rụng”. “Quét lá rụng, quét lá khô, không ai nói quét lá chết như ngôn ngữ Pháp, Đức. Bởi vì, lá không bao giờ chết. Nó khô, nó rụng, rồi nó tái sinh thành lá búp lá non” (Im lặng, Cao Huy Thuần).

“Chân lý” ấy do hai con sên của nhà thơ Jacques Prévert trên đường đi dự đám tang một chiếc lá chết, tựa là: “Bài ca hai con sên đi dự đám tang”.

Hai con sên đi đưa

Đám tang chiếc lá chết

Hai cái vỏ thì đen

Hai sừng băng trắng hết…

Hỡi ôi khi chúng đến

Mùa xuân đã đến rồi

Bao nhiêu lá chết xong

Tất cả đều lại sống

Hai chú sên trở về

Với xiết bao cảm xúc

Lòng tràn ngập hân hoan

Và vô biên hạnh phúc…

Ôi, làm sao hai chú sên đi dự đám tang chiếc lá chết buồn xo giữa mùa thu… mà nay lòng lại tràn đầy hân hoan, hạnh phúc? Ấy bởi vì chúng là sên. Chúng “bò như sên”! Bò hết cả mùa đông, chưa kịp đến nơi mà xuân đã về rồi! “Bao nhiêu lá chết xong/ Tất cả đều lại sống…”.

Tiễn mùa thu thì gặp mùa xuân. Tiễn cái chết thì gặp cái sống. Tiễn ảm đạm thì gặp tưng bừng. Hai con sên chia tay mà chẳng biết biệt ly là gì!” (Im lặng, Cao Huy Thuần).

Cao Huy Thuần nói: “chúng chẳng có cả khái niệm…”. Dĩ nhiên, Cao Huy Thuần đang nói về Kinh Kim Cang! Khi ta mà biết sống “ly niệm”, khi ta không còn bám chấp vào khái niệm… thì “trí bất đắc hữu vô”. Thong dong. Tự tại.

Descartes nói “Je pense, donc je suis – Tôi tư duy, nên tôi tồn tại”. Ta cũng có thể bắt chước nói: “Tôi thở, vậy có tôi”. Nghĩa là nếu tôi không thở thì không có tôi. Nhưng cái thời tôi còn trong bụng mẹ, tôi cũng không thở mà vẫn có tôi đó thôi. Từ đó, suy ra rằng cái thời tôi… hết thở, ngừng thở, thì tôi vẫn tồn tại đó chứ, sao không? Tôi lúc đó trở lại trong bào thai Mẹ (bào thai Như Lai, Tathagata garbha) đó chứ!

Anh Cao Huy Thuần thân mến, nếu thỉnh thoảng ta mà vào được Tam muội Phổ Hiền, sống trong Như Lai tạng thì ta cũng có thể nhận ra cái “vô tưóng” – bỗng “hiện tướng”… đùa vui giữa chốn Ta-bà chút vậy thôi.

Khi con chim bay, nó không cần biết trời là gì, đâu là giới hạn. Nó chỉ bay. Trong bầu trời vô tận. Cao Huy Thuần đang bay.

Đường bay của hạnh phúc. Lấp lánh ánh vàng!