Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2024

Cao Huy Thuần – Hào kiệt đã dừng chân

 Lê Học Lãnh Vân

 

Tôi quen anh Cao Huy Thuần năm 1987. Lúc đó, vừa bước chân sang Pháp chưa tròn năm, tôi đang chuẩn bị luận án còn anh là giáo sư đại học. Theo cách nhìn của một người còn bỡ ngỡ nơi đất khách, anh ỏ vị trí xã hội cao vời, cách biệt và là mục tiêu tôi theo đuổi.

Tôi quen với anh Cao Huy Thuần rất tình cờ, trong một buổi tổ chức mừng Tết tại Paris, ông bà giáo sư Langlet - Quách Thanh Tâm, bạn với anh chị trong gia đình, giới thiệu tôi với anh. Tôi buột miệng thốt, a, em có biết Lập Trường. Anh Thuần hỏi, lúc đó anh Vân là sinh viên trường nào? Chị Tâm cười, lúc đó Vân đâu bảy tám tuổi. Tôi nói tiếp, gia đình em có giữ vài tờ Lập Trường, mấy năm sau lớn hơn em mới đọc. Anh Thuần cười, vậy mà nhớ thì giỏi thật, nhiều người cùng thời đã quên rồi! Xin mở ngoặc, Lập Trường là tờ báo dấn thân do anh Cao Huy Thuần chủ trương trước khi rời Việt Nam sang Pháp năm 1964.

Sau lần gặp ấy, anh điện thoại tới phòng thí nghiệm nơi tôi làm việc hỏi tôi có cần gì không, nếu anh giúp được thì anh sẵn lòng. Một thời gian sau tôi quen thân với bạn Cẩm Chi cũng đang làm luận án tại trường đại học Orsay, chị bạn này hóa ra là em của chị Liên, bạn đời của anh Thuần. Vậy là sự gần gũi giữa tôi và anh Thuần được kết nối chặt hơn.

Những năm đó tôi bận lớp lo cuộc sống, lớp lo làm luận án, ít lui tới với anh. Vài năm sau mới rảnh hơn, gặp thời Việt Nam mở cửa, nhà Việt Nam (Maison du Vietnam) là nơi tổ chức triển lãm tác phẩm, thảo luận các đề tài văn hóa nghệ thuật, học thuật, các anh chị trong hội Người Việt Nam Tại Pháp và các anh chị trong nước sang nói chuyện, gặp mặt. Thời gian đó cũng gần năm 1989 khi xã hội các quốc gia Đông Âu bắt đầu biến động. Lúc đó tôi mới có cơ hội sinh hoạt với các anh nhiều hơn, trong đó có anh Cao Huy Thuần. Khi các quốc gia khối Đông Âu chuyển thể chế từ cộng sản sang tự do, Việt Nam dưới sự lèo lái của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh kiên quyết trụ trong chủ nghĩa cộng sản, thắt chặt liên kết với Trung Quốc. Nhắc lại thời gian đó, nhiều người trong thời cuộc tiếc cho Việt Nam lỡ một cuộc chuyển mình đổi đời!

Theo tôi nhớ, anh Thuần luôn khích lệ tôi. Khi thì khen một bài văn, bài thơ, lúc lại khen một lập luận. Anh nghiêm cẩn giữ gìn các giá trị đạo đức và có ý kiến thẳng thắn khi đề cập đề tài này, có lần anh trách tôi dễ dãi, thỏa hiệp với nếp sống “không lành mạnh cho xã hội” của một người nổi tiếng. Tác phong anh nghiêm túc, tôi hỏi anh điều gì luôn nhận được câu trả lời với kiến giải rõ ràng và tài liệu tham khảo. Một lần, nhân có việc về vùng Orsay, anh ghé căng-tin trường Orsay dùng buổi trưa với tôi để nói về các biến chuyển xã hội của Đông Đức, Tiệp Khắc với Hung Gia Lợi. Nhờ anh tôi nhìn ra sự khác biệt giữa ba quốc gia cùng khối Cộng sản Đông Âu, không chỉ trong lãnh vực ngôn ngữ mà cả lịch sử phát triển kinh tế, chính trị, hình thành quốc gia. Sự nghiêm túc của anh là bài học sâu sắc cho tôi về tinh thần gieo trồng kiến thức và tôn trọng người khác.

Tôi nhỏ hơn anh mười chín tuổi, sau này nhìn biến thiên của vận nước mà tự hỏi chọn lựa của cha, anh mình nghiêng về cực tả và chống Mỹ bằng bạo lực năm xưa có để lại gánh nặng cho thế hệ sau? Xin đừng quên vào những năm 1960s giới trí thức thế giới nghiêng về cánh tả, đây là khuynh hướng chung của thời đại lúc đó. Dù vậy, lòng tôi luôn kính trọng tinh thần dấn thân vì nghĩa lớn của thế hệ các anh. Gắn bó với quê hương, sống với hoài bão phụng sự nước Việt, người Việt, giữ gìn các giá trị cao đẹp. Là giáo sư, bác sĩ, các anh vẫn giữ quốc tịch Việt, sống tối giản chờ ngày thanh bình trở về phụng sự quê hương. Tôi gọi những người mang kiến thức đó, hoài bão đó, khí tiết đó là hào kiệt.

Trong vòng hai chục năm lại đây, anh Cao Huy Thuần viết nhiều về đạo Phật. Những câu văn cho thấy con người từ tốn, hiền lành, tự tại hành cước về hướng văn minh với hành trang vốn quý truyền thống đạo pháp và dân tộc. Trong không khí lộn xộn chốn thiền môn bây giờ, tinh thần Phật giáo vẫn từ bi, cao cả, minh tuệ trong văn của anh khiến người đọc tin tưởng, an nhiên. Trước thời cuộc hôm nay, nghe anh nghẹn ngào, chúng ta “có ngọc quý mà không giữ, lấy đá cuội của người làm ngọc của mình nạm lên vương miện”, tôi cảm nhận vẫn bàng bạc một Cao Huy Thuần của xứ sở, tâm hồn quê hương Việt. Tâm hồn người đau đáu nỗi lo thế lực kim tiền làm mất sức sống của đạo giáo, dân tộc!

Năm ngoái anh Nghiêm Xuân Hải mất. Năm nay anh Cao Huy Thuần ra đi. Dù còn những người bạn cùng tuổi, sự vắng bóng hai bậc đàn anh này khiến tôi hụt hẫng, có cảm giác gốc rễ chốn Paris của mình bị cắt đứt phần lớn!

Xin viết bài thơ kính viếng anh Cao Huy Thuần.

 

Khóc anh Cao Huy Thuần


Lập Trường rạng tuổi xuân

Đông Tây xung trận bút

Hoa Nắng đẹp trường văn

Viết sách dòng trí thức

Để tâm chốn bình dân

Quê hương còn sen trắng

Hào kiệt đã dừng chân!

Ngày 8 tháng 7 năm 2024