Thứ Ba, 17 tháng 12, 2024

Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương - Yết Kiêu (17)

Đông Ngàn Đỗ Đức

 

XEM TRANH NGÔ MINH CẦU

 

Xem phòng tranh của cố họa sĩ Ngô Minh Cầu, gợi cho tôi rất nhiều cảm xúc. Ngô Minh Cầu thuộc thế hệ họa sĩ kháng chiến, lứa Tô Ngọc Vân đào tạo. Đồng lứa với ông có nhiều họa sĩ tài danh như Nguyễn Trọng Kiệm, Ngô Mạnh Lân, Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Mai Long... Mỗi ông mỗi đường, mỗi cách, ai cũng có phong vị riêng của mình. Một Lưu Công Nhân tài danh lãng tử, một Trọng Kiệm khỏe khoắn chắc nịch vuông vức, một Mai Long ảo diệu với những sơn nữ trong vuông trời của riêng ông, một Trần Lưu Hậu từ hiện thực quay ngoắt sang dòng trừu tượng khoáng đạt ở tuổi sau nghỉ hưu, lột xác trăm phần trăm trong nhận thức về thế giới ông đang sống. Còn Ngô Minh Cầu với đồng quê thôn bản gần với con người nhất từ tạo hình, đến đề tài và bút pháp thể hiện. Nhìn những kí họa ông ghi chép thấy năng lực người vẽ, thấy lành và thấy cả cõi lòng người cầm bút chân thành như thế nào với cuộc sống.

Tôi đã trôi trong không gian ông tạo ra trên từng bức tranh. Có lẽ với ông, tôi “đồng khí tương cầu”. Tôi cũng vẽ thực, ưa cái thực và tạo hình theo cái thực. Tranh ông thực, có nhẽ đó là lối đi chung hiện thực mà thời ấy coi là con lộ chính. Nên cái thực của ông, thật như người ta có thể nắm tay trò chuyện với các nhân vật nếu như họ bước ra khỏi khuôn tranh. Tôi không một lần gặp ông, không biết mặt cũng như không được xem bao nhiêu tranh trừ tranh lụa của ông được treo trong trong Bảo tàng và một số ít ỏi in trên sách báo. Trong thâm tâm tôi cứ đinh ninh ông Cầu là họa sĩ tranh lụa. Nhưng hôm nay thấy mảng sơn mài phong phú và đầy hơi thở vùng núi Tây Bắc cách đây hàng nửa thế kỉ. Anh Đức, người sưu tập một số tranh ông cho biết, ông cẩn thận, tự tay làm vóc sơn mài. Hẳn nào mà có bức Tuổi áo trắng 120x486, ghép 6 tấm vóc. Nếu không tự tay làm vóc thì chẳng thể tìm đâu ra! Tôi nhớ thời ấy, tấm vóc 120x 180 chỉ nằm trong mơ ước của một vài cao thủ sơn mài, mà vẫn không có được!

Tôi thích bức tranh Báo tin chiến thắng 120x60. Thích không phải vì đề tài, mà cách thể hiện chân thực người và cảnh của ông. Một bản Thái ấm áp kéo dài, sau xa là núi mờ trong sương. Một Tây Bắc yêu thương trong tình cảm của tất cả những ai từng đặt chân đến miền đất dịu ngọt này có hồn có vía. Tên tranh là gì không quan trọng mà bức tranh cho thấy tình đất tình người, nó sống vượt thời gian mà không cần nương náu vào bất cứ điều gì. Mảng tranh sinh hoạt của ông hầu như tranh nào cũng níu chân người xem. Lúa về làng, 1991 (72x122), Phơi chăn, 1990 (61x76), Đập lúa, 1990 (75x22), Mắc go cửi, 1983 (60x60), Bản làng vùng cao, 1995 (82x122) là vài ví dụ về những sơn mài đẹp, nó đã vượt không gian sống thời gian dài, nó sẽ tồn tại mãi với những người yêu thích.

Ông vẽ tản mạn, từ miền núi Tây Bắc đến đồng quê Bắc Bộ và lân la cả xuống biển. Thời ấy họa sĩ vẽ tranh chưa chọn tuyến đề tài như ngày nay mà gặp gì thích là vẽ. Hồn nhiên và chân thành vẽ tất cả những gì mà mình bắt gặp trên đường đi.

Xem tranh ông, bất chợt tôi nhớ lại những năm xưa qua những vùng quê châu thổ sông Hồng, vùng văn hóa Đông Đoài, gặp những mái đình, mái chùa mái đao dập dềnh như sóng nước hồ nhẹ nhàng thơ mộng. Đình chùa khi xưa đẹp vì luôn hòa nhập với thôn làng. Giờ dần co lại như người mẹ già thất thế trước đàn con hung hãn. Đâu đó nổi lên những Bái Đính, Ba Vàng, Tam Chúc, chùa to như hổ đói như muốn nuốt chửng cả làng quê. Đó là thứ phái sinh nhưng biến đổi gene, hầm hố của thời ăn miếng to, nói giọng lớn, đe dọa bách tính, chứ nào có ăn nhập gì vào không gian khiêm nhường làng quê đâu. Một số họa sĩ thời nay cũng thế. Tìm tòi đến gai góc, tăng diện tích mặt tranh, đổ nhựa gắn xi be bét lên mặt vóc cũng khoe sơn mài, Lại đánh vữa trát lên giấy lên vóc như bãi rác, như đống xà bần mà chú thích choang choang với đống từ ngữ ưỡn ẹo. Thời nay, một số sống nhanh đến kinh người. Sẵn sàng mang mạng sống nghệ thuật của mình thế chấp với đời, đánh đu cùng quỷ với tuyên ngôn đương đại, để nổi tiếng nhanh, bất cần tất cả. Mới lại thấy lớp cha anh hiền hậu thật tử tế và trách nhiệm trước cuộc sống. Đành rằng thời nào văn hóa ấy, nhưng tôi sợ thứ văn hóa nghệ thuật phá phách, mà người phá lại đang tưởng mình đang tiên phong dấn thân cho những gì tốt đẹp của tương lai.

Một phòng tranh của lớp đàn anh đã đi vào quá khứ, nhưng nó cho thấy cảm xúc cuộc sống chảy vào từng khuôn vuông của giấy, của sơn, không ồn ào, không ảo mà nó là lòng lành trước cuộc đời. Tôi yêu những tác phẩm như thế. Nó chứa đựng tâm thành và truyền cảm tới người xem nhưng cảm xúc yêu thương gắn bó tình người. Nghệ thuật có trăm néo đường đi, không có khuôn mẫu nào nhưng nó đều có chung một mẫu số nhân văn nuôi nấng tâm hồn người.

Phòng tranh mới chỉ là một phần trong sáng tác của Ngô Minh Cầu nhưng để lại trong tôi nhiều cảm xúc trong lành và nhớ mãi về lớp huynh trưởng. Không biết người xem có cảm xúc ấy không. Tôi chắc là có. Các ông đã có đóng góp nhiều giá trị cho lịch sử Mỹ thuật Việt Nam!

 

7/12/2022