VI.4. Tái cân bằng Châu Á
Chiến lược tái cân bằng Châu Á từng được gọi là “xoay trục sang châu Á”, nhưng cách diễn đạt này không chính xác.[1050] Mĩ đã luôn có mặt ở Châu Á,[1051] hơn thế, từ sau Thế chiến II, Châu Á luôn là chiến trường thứ hai của Mĩ. Mĩ có hai đồng minh quan trọng là Nhật Bản và Hàn Quốc ở Đông Bắc Á; hai đồng minh là Philippines và Thái Lan ở Đông Nam Á; ngoài ra Mĩ còn có quan hệ thân thiết với Singapore vốn là nơi có căn cứ quân sự của Mĩ, đảm bảo cho sự thông suốt của eo biển Malacca, một trong những lối đi quan trọng nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, Mĩ còn là đồng minh của Australia và New Zealand ở khu vực Thái Bình Dương, Mĩ còn có một loạt lãnh thổ phụ thuộc (đảo Guam và quần đảo Bắc Mariana) và các quốc gia liên kết tự do (Palau, quần đảo Marshall và Liên bang Micronesia) ở Bắc Thái Bình Dương. Các đảo ở Bắc Thái Bình Dương này cùng các quần đảo Alaska và Aleutian ở Bắc Thái Bình Dương; Hawaii ở Trung Bắc bộ Thái Bình Dương, và Samoa thuộc Mĩ ở Nam Thái Bình Dương tạo thành mạng lưới khống chế toàn bộ khu vực Bắc Thái Bình Dương.
Sau sự kiện 11/9, Mĩ bước vào cuộc chống khủng bố, tầm quan trọng của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có chút suy giảm (với Mĩ), nhưng các mối quan hệ không hề giảm sút mà trọng tâm chuyển thành chống khủng bố mà thôi. Mĩ tăng cường viện trợ cho Indonesia, Malaysia và Philippines để ngăn chặn các thế lực Hồi giáo cực đoan nổi dậy.[1052] Sau khi cuộc chiến chống khủng bố kết thúc, trọng tâm chiến lược của Mĩ đương nhiên trở lại Đông Á. Lúc này, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã tác động đến trật tự Đông Á, tạo thành điểm xuất phát của Chiến lược tái cân bằng Châu Á của Mĩ. Có hai sự kiện tác động mạnh mẽ đến Mĩ: một là, do áp lực từ Trung Quốc mà hợp đồng giữa Công ty dầu mỏ Mĩ và Chính phủ Việt Nam bị cản trở (xem phần sau); hai là sự kiện tàu USNS Impeccable đã nêu trong phần VI.2. Sự kiện thứ nhất liên quan đến lợi ích thương mại, sự kiện thứ hai liên quan đến tự do hàng hải.[1053]
Tháng 7/2009, tại Diễn đàn ASEAN (ARF) lần thứ 16 tổ chức tại Thái Lan, Ngoại trưởng Hillary Clinton thay mặt Chính phủ Mĩ kí văn kiện Mĩ tham gia “Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á” (TAC) với các bộ trưởng ASEAN. Ngày 22/7/2009, khi đến Bangkok, bà nói: “Tôi muốn đưa ra một thông điệp rất rõ ràng: Mĩ hiện đang xoay trục trở lại Đông Nam Á, chúng tôi đang dốc hết sức cho quan hệ đối tác ở Đông Nam Á.”
Ngày 5/6/2010, trong Hội nghị đối thoại Shangri La, Bộ trưởng Quốc phòng Gates nói: “An ninh biển Đông không những có ý nghĩa quan trọng đối với các nước xung quanh mà đối với các các nước có lợi ích kinh tế và an ninh chính yếu trong khu vực Châu Á. Ổn định, tự do hàng hải, tự do hoạt động kinh tế trong khu vực không bị cản trở là điều cực kì quan trọng. Chính phủ Mĩ trước nay không đứng về bất cứ phía nào trong tranh chấp biển Đông, nhưng phản đối bất cứ bên nào sử dụng vũ lực và ngăn cản tự do hàng hải. Chính phủ Mĩ cũng phản đối bất kì quốc gia nào có hành vi uy hiếp hoạt động kinh tế hợp pháp trong khu vực của các công ty Mĩ và công ty nước khác. Chính phủ Mĩ nhấn mạnh, mọi tranh chấp đều phải được giải quyết thông qua đàm phán đa phương hòa bình, và phù hợp với luật lệ quốc tế.”
Tháng 7/2010, tại Diễn đàn ASEAN lần thứ 17 tổ chức tại Hà Nội – Việt Nam, Hillary Clinton và bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã tranh luận nảy lửa với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì. Trước đó, Mĩ đã nhượng bộ ngoại giao trên nhiều phương diện khác đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, Hillary đã chỉ ra trong Diễn đàn: yêu sách của Trung Quốc đối với biển Đông “chỉ” nên lấy “Công ước Luật biển Liên Hiệp quốc” làm cơ sở. Điều đó có nghĩa là không chấp nhận yêu sách biển “quá mức” của Trung Quốc tại biển Đông. Dương Khiết Trì bèn thốt ra những lời gay gắt với các nước ASEAN: “Trung Quốc là nước lớn, các nước khác đều là nước nhỏ, đó là một sự thật.”[1054] Cả hội nghị không tán thành và bỏ về. Nhưng, Mĩ đã quyết tâm thực hiện Chiến lược tái cân bằng ở Châu Á.
Tháng 3/2011, trợ lí Bộ Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải nói với giới quan chức Mĩ: Trung Quốc coi “1,3 triệu dặm Anh vuông ở biển Đông giống như Tây Tạng và Đài Loan.”[1055]
Ngày 11/10/2011, Hillary đăng bài “America’s Pacific Century” (Thế kỉ Thái Bình Dương của Mĩ)[1056] trên Tạp chí “Foreign Policy” (Chính sách ngoại giao), trình bày một cách toàn diện tính tất yếu của chính sách tái cân bằng Châu Á. Bài báo nêu rõ: Trong mười năm tới, Mĩ sẽ đầu tư tài nguyên chiến lược vào nơi trọng yếu nhất để duy trì địa vị lãnh đạo của nước Mĩ, bảo đảm lợi ích an ninh và thúc đẩy giá trị của Mĩ. Và một trong những nơi trọng yếu đó là ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.[1057]
Tháng 7/2012, Hillary nhấn mạnh tại phiên họp hàng năm của Diễn đàn ASEAN, nước Mĩ có “lợi ích quốc gia” là tự do hàng hải ở biển Đông và sẽ bảo vệ lợi ích đó.[1058]
Trước và sau đó, hàng loạt quan chức cấp cao của Mĩ cũng đưa ra tuyên bố tương tự, trong đó có Cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilon, Thứ trưởng Quốc phòng Ashton Carter (năm 2015 giữ chức Bộ trưởng), Trợ lí Ngoại trưởng phụ trách Châu Á và Thái Bình Dương Mark William Lippert, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Samuel J. Locklear III và nhiều người khác.
Chẳng hạn Tom Donilon nói,[1059] muốn thực hiện mục tiêu tái cân bằng Châu Á phải xây dựng một chiến lược toàn diện, đa chiều, bao gồm: tăng cường quan hệ đồng minh với các nước Đông Nam Á; làm sâu sắc mối quan hệ đối tác với quốc gia đang trỗi dậy; xây dựng quan hệ ổn định, đa dạng và có tính xây dựng với Trung Quốc; tăng cường năng lực của các tổ chức trong khu vực; và giúp tạo ra một cấu trúc kinh tế khu vực để duy trì sự thịnh vượng chung.
Hành động cụ thể của Mĩ trong Chiến lược này bao gồm mấy điểm sau:
Thứ nhất, tạo dư luận. Ngày càng có nhiều quan chức cấp cao Mĩ tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế chính thức và không chính thức ở Đông Nam Á, bày tỏ quan điểm về vấn đề biển Đông trong hầu hết các dịp thích hợp. Ngoài ra, nghiên cứu của nhiều nhóm chuyên gia cố vấn (Thinktank) trong nước cũng thúc đẩy sự chú ý của quốc tế và trong nước đối với vấn đề biển Đông, và bày tỏ quan điểm của Mĩ (Trung Quốc gọi đó là thổi phồng vấn đề biển Đông).
Thứ hai, tăng cường quan hệ ngoại giao với các quốc gia Đông Nam Á. Quan hệ giữa Mĩ và các nước Đông Nam Á trong thời Obama được đẩy mạnh, trọng điểm là Philippines, Việt Nam, Indonesia và Singapore; đồng thời tăng cường trao đổi, phối hợp với Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và các nước có lợi ích liên quan đến vấn đề biển Đông (Trung Quốc gọi đây là quan hệ khiêu khích)). Sự can dự của Mĩ tất nhiên được các nước ASEAN mong muốn có sự viện trợ nước ngoài rất hoan nghênh. Năm 2010, Mĩ và ASEAN ra “Tuyên bố chung giữa Mĩ và ASEAN”. Trong đó có điều 18 bàn riêng về vấn đề hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á: nhắc lại tầm quan trọng của hòa bình ổn định, an ninh biển, giao thương không bị cản trở và tự do hàng hải trong khu vực; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp bằng cách sử dụng các nguyên tắc liên quan được chấp nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và các nguyên tắc khác của luật pháp quốc tế.[1060]
Thứ ba, gia tăng sự hiện diện quân sự ở Đông Nam Á, củng cố đồng minh quân sự. Mĩ tuyên bố, đến năm 2020 sẽ bố trí 60% lực lượng quân sự tại Thái Bình Dương (nhưng kế hoạch này triển khai chậm). Như tổng kết của Lippert, năm 2012, Mĩ đã tăng cường quan hệ quân sự với Thái Lan, New Zealand, Myanmar, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Úc, Philippines và Singapore.[1061] Đáng nói nhất là các liên hệ sau:
Cuộc khủng hoảng quần đảo Điếu Ngư đã châm ngòi cho một cuộc đối đầu ngoại giao gay gắt giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Mĩ ủng hộ Thủ tướng Shinzo Abe gỡ bỏ lệnh cấm “quyền tự vệ tập thể”, nhiều lần nhấn mạnh liên minh Mĩ - Nhật là hòn đá tảng của sự ổn định quân sự toàn bộ Đông Á, đồng thời khuyến khích Nhật Bản tuần tra chung với Mĩ tại biển Đông sau khi lệnh cấm được dỡ bỏ.
Bắt đầu từ năm 2012, Mĩ đã sử dụng căn cứ quân sự của Úc ở Darwin để cho Thuỷ quân lục chiến đóng quân, dự định đến năm 2016 sẽ tăng số quân lên 2 500 người. Cảng Darwin cách Indonesia 802 km, quân đội Mĩ xuất phát từ đó có thể nhanh chóng phản ứng đối với nguy cơ nhân đạo hoặc an ninh xảy ra tại Đông Nam Á.[1062] Tháng 7/2011, Mĩ, Nhật Bản và Australia tiến hành diễn tập quân sự chung 3 bên lần thứ nhất trên vùng biển ngoài khơi gần Brunei. Một số báo chí Đông Nam Á gọi quan hệ quân sự 3 bên Mĩ, Nhật, Australia là “tiểu NATO”.
Những năm gần đây, Ấn Độ cũng tích cực thực hiện chính sách “hướng Đông”, can dự vào công việc biển Đông, nhất là trong những năm gần đây, xu hướng rắc rối biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực Ladakh và nam Tây Tạng lại bùng phát. Ấn Độ gọi kế hoạch “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương là sự khiêu khích địa vị chủ đạo của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Năm 2015, Trung Quốc phản đối việc Nhật Bản tham gia cuộc tập trận chung hàng năm giữa Mĩ và Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.
Mĩ và Philippines có Hiệp định “Liên minh quân sự Mĩ - Philippines”. Năm 2011, Hillary Clinton tuyên bố sẽ cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Philippines, giúp hiện đại hóa quân đội Philippines. Trong hàng loạt xung đột biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines, Mĩ đều đứng về phía Philippines, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt phương thức vũ lực và uy hiếp để thay đổi hiện trạng.
Những năm 1990, quan hệ Mĩ - Việt tan băng nhưng phải đến những năm gần đây mới phát triển nhanh chóng, từ giao lưu kinh tế sang giao lưu quân sự, gây nhạy cảm đối với Trung Quốc.[1063] Tháng 8/2010, lần đầu tiên trong lịch sử, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân George Washington và tàu khu trục lớp Aegis USS John McCain cùng tập trận chung trên biển lần đầu với Hải quân Việt Nam. Tháng 10/2013, Mĩ và Việt Nam kí thỏa thuận chuyển giao công nghệ nhà máy điện hạt nhân dân dụng cho Việt Nam.[1064] Tháng 10/2014, Mĩ tuyên bố sẽ dỡ bỏ từng bước lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam.[1065] Mĩ và Việt Nam còn đàm phán về xây dựng lực lượng bán quân sự phòng vệ bờ biển kiểu Mĩ để chống lại hải cảnh Trung Quốc.[1066] Có chuyên gia Trung Quốc cho rằng, Việt Nam là thu hoạch lớn nhất của Mĩ khi quay trở lại Châu Á.
Thứ tư, về kinh tế, tích cực thúc đẩy Hiệp định đối tác quan hệ kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định này do thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương khởi xướng, được thai nghén từ Hiệp định mậu dịch tự do đa phương, nhằm xúc tiến tự do thương mại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2005, khi mới thành lập, nó chỉ là hiệp định thương mại tự do quy mô nhỏ xuyên Thái Bình Dương với 4 nước tham gia là Brunei, Chile, New Zealand và Singapore. Sau khi đưa ra kế hoạch tái cân bằng, Mĩ đã tích cực tham gia thúc đẩy các cuộc đàm phán. Ngày 14/11/2010, đúng vào ngày bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, 9 nước tham dự Hội nghị đã tán thành đề án do Tổng thống Obama đưa ra, dự định sẽ hoàn thành và công bố Đề cương Hiệp định quan hệ đối tác Thái Bình Dương mở rộng vào dịp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương. Đồng thời, Mĩ tích cực thương thuyết với các nước thành viên ASEAN, tái khẳng định rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương mở rộng sẽ tập hợp các nền kinh tế trên khắp khu vực Thái Bình Dương, cả phát triển lẫn đang phát triển, với tư cách là thành viên của một tổ chức thương mại thống nhất. Ngày 5/10/2015, đàm phán đạt được bước tiến triển mang tính quyết định. Mĩ, Nhật Bản, Australia, Canada, Singapore, Brunei, Malaysia, Việt Nam, New Zealand, Chile, Mexico và Peru đều nhất trí với TPP. Sau khi được các nước phê chuẩn, 12 nước tham gia cộng lại chiếm tới 40% tỷ trọng kinh tế toàn cầu. Trong đó, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Singapore đều là quốc gia ASEAN.
Đặc điểm của TPP là bao trùm mọi mặt và tiêu chuẩn cao, xóa bỏ thuế quan liên quan đến hàng vạn sản phẩm thương mại. Thành viên Hiệp định chịu sự ràng buộc không những bởi các cơ chế thương mại, mà còn bởi luật lệ, đoàn thể xã hội, môi trường sinh thái, mô hình kinh doanh và sự phán xét của công chúng.... Có thể nói, đây là một cách diễn giải quốc tế hoàn toàn mới về “thương mại tự do”. Đây là mô hình thương mại tự do kiểu mới phát triển tổng thể, đa tầng. Cùng với hiệp định TIPP khác do Mĩ chủ đạo, TTP sẽ trở thành tiêu chuẩn mới về thương mại tự do. Dù (các nước) nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ đối với sự tham gia của Trung Quốc, nhưng trên thực tế, Trung Quốc khó đáp ứng các quy định và yêu cầu của TPP nên đương nhiên sẽ bị loại ra ngoài.
Nếu TPP thành công thì chắc hắn nó sẽ cùng chính sách Tái cân bằng Châu Á trở thành di sản ngoại giao quan trọng nhất trong 8 năm cầm quyền của Obama. Nguyên nhân Mĩ thúc đẩy mạnh mẽ TPP đúng như họ nói: “Quy tắc “thương mại quốc tế” phải do Mĩ viết ra, và chúng ta nên làm cho môi trường cạnh tranh công bằng”, “Quy tắc như vậy không nên để Trung Quốc làm ra”. Suy cho cùng, TPP là cuộc tranh giành quyền lập ra các quy tắc và quyền thực thị các quy tắc.
TPP cũng có thể được cọi là cuộc tranh giành quyền nắm ưu thế về kinh tế trong khu vực Đông Nam Á, giữa Mĩ và Trung Quốc, nhằm thay đổi trạng thái “an ninh dựa vào Mĩ, kinh tế dựa vào Trung Quốc” tại Đông Nam Á. Trong bối cảnh mở cửa thị trường Mĩ và Nhật Bản, Việt Nam hy vọng là nước hưởng lợi nhiều nhất, có thể lợi dụng ưu thế địa lí, lao động giá rẻ và ưu thế phát triển sau để trở thành công xưởng mới của thế giới.
Mặc dù Mĩ luôn cẩn thận tránh đề cập đến Trung Quốc như một mối đe dọa ở biển Đông khi thể hiện chính sách tái cân bằng sang châu Á,[1067] nhưng chắc chắn rằng tác động của việc thực hiện nó chủ yếu nhằm vào Trung Quốc. Đặc biệt, Mĩ nhấn mạnh rằng hành vi của tất cả các quốc gia ở biển Đông phải tuân theo luật quốc tịch,[1068] và không được thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và cưỡng ép. Điều này bị Trung Quốc coi là “cản trở các yêu sách hợp lí của Trung Quốc ở Nam Hải và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.”[1069] Lập trường của Mĩ trong vấn đề chủ quyền ở biển Đông là “không đứng về bên nào mà nên giải quyết vấn đề này một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”, bị Trung Quốc xem là “trò lừa bịp”. Ngay cả một hoạt động định hướng kinh tế như TPP cũng bị coi là một động thái không thân thiện của Mĩ nhằm cố tình loại trừ Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Đối phó với đòn tấn công ngoại giao của Mĩ, trước hết Trung Quốc đưa ra khẩu hiệu “Thái Bình Dương đủ rộng để dung nạp hai nước lớn”;[1070] sau đó là khẩu hiệu “Cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc – ASEAN”;[1071] kế đó là “thuyết Monroe châu Á” rằng “công việc của Châu Á suy cho cùng phải do người Châu Á định liệu”,[1072] dụng ý biến Đông Nam Á thành phạm vi ảnh hưởng của riêng Trung Quốc; lại nêu “cơ chế kép cho vấn đề biển Đông”, nghĩa là “tranh chấp được giải quyết hòa bình thông qua đàm phán hữu hảo giữa các bên liên quan, và hòa bình ổn định ở biển Đông do Trung Quốc và các nước Đông Nam Á cùng duy trì”.[1073] Đồng thời, Trung Quốc ra sức xúc tiến chiến lược “một vành đai một con đường”, trong đó, “một con đường” nhằm chỉ “Con đường tơ lụa trên biển thế kỉ 21”.
Do mục tiêu chiến lược của Trung Quốc không rõ ràng nên các nước đều nghi ngại. Thủ tướng Singapore Lí Hiển Long đặt dấu hỏi cần hiểu thể nào về câu nói “Thái Bình Dương đủ rộng có thể dung nạp hai nước lớn là Mĩ và Trung Quốc”? Có phải đó là sự phân chia phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc và Mĩ, và đuổi Mĩ ra khỏi Tây Thái Bình Dương không? Hay Trung Quốc và Mĩ cùng làm cho Thái Bình Dương phồn thịnh? Nếu là vế sau thì đương nhiên đáng hoan nghênh; nếu là vế trước tế thì sẽ là một sự thụt lùi trong quan hệ quốc tế.[1074] Nhưng, trong bối cảnh Trung Quốc và các nước Đông Nam Á xảy ra một loạt xung đột sau năm 2009, khẩu hiệu “cộng đồng chung vận mệnh” rất khó chiếm được lòng tin của các nước Đông Nam Á.
Trái ngược với thái độ đối với Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và các bên liên quan quan trọng khác hoan nghênh chiến lược tái cân bằng sang châu Á của Mĩ. Trong bài phát biểu tại Hội nghị đối thoại Shangri La tháng 6/2013, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang công khai hoan nghênh Mĩ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc làm giảm nhẹ tình hình căng thẳng trong khu vực Châu Á: “Không có quốc gia nào trong khu vực phản đối sự tham dự của các nước lớn ngoài khu vực, nếu sự can dự đó để tăng cường hợp tác, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển”.[1075]
Tóm lại, Chiến lược tái cân bằng Châu Á được đẩy mạnh trong thời kì Obama mặc dù bị chậm trễ nghiêm trọng về mặt tái cân bằng quân sự, nhưng nó đã đạt được những kết quả khá thành công về mặt dư luận, ngoại giao, giao lưu quân sự và tạo dựng không gian kinh tế.
VI.5. Từ sự kiện bãi Lễ Nhạc (bãi Cỏ Rong/Reed Tablemount) đến việc cắt cáp
Sau khi tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển, Trung Quốc bắt đầu “bảo vệ quyền lợi” ở Biển Đông, đặc biệt là vùng biển Trường Sa, mà trong đó dầu mỏ và thuỷ sản là tiêu biểu nhất. Về dầu mỏ, Trung Quốc can thiệp vào việc khai thác dầu mỏ giữa công ty nước ngoài và các nước ven biển. Năm 2011 nổ ra 3 vụ xung đột điển hình.
Trước hết là với Philippines. Hoạt động khảo sát chung giữa Trung Quốc, Philippines và Việt Nam không duy trì được là do vụ tham ô của Arroyo, nhưng Philippines không từ bỏ ý định khai thác một mình ở bãi Lễ Nhạc (Cỏ Rong). Tháng 2/2010, Forum Energy, công ty đã trợ giúp 3 nước tiến hành thăm dò chung đã nhận được hợp đồng dịch vụ cao hơn của Chính phủ Philippines, tiếp tục thăm dò khu vực khảo sát chung ban đầu. Trung Quốc vô cùng tức giận. Ngày 2/3/2011, tàu MV Veritas Voyager (của một công ty Pháp) đang khảo sát địa chấn tại bãi bãi Cỏ Rong, theo Uỷ thác của Forum Energy thì hai tàu hải giám Trung Quốc số 71 và 75 cùng đến Cỏ Rong, yêu cầu tàu MV Veritas Voyager rời đi và kẹp tàu khảo sát giữa hai tàu hải giám. Sau khi nhận được báo cáo, Philippines lập tức phái hai máy bay trinh sát đến quan sát. Khi máy bay đến thì tàu hải giám Trung Quốc đã rời đi. Philippines đưa hai tàu chiến đến bảo vệ tàu khảo sát để họ hoàn thành nhiệm vụ.[1076]
Sau đó, Philippines đã ra công hàm phản đối nghiêm khắc Trung Quốc về sự kiện “quấy nhiễu bãi Cỏ Rong”. Ngày 28/3, Philippines tuyên bố sẽ tăng cường tuần tra trên không và kế hoạch nâng cấp đường băng trên đảo Trung Nghiệp (Thị Tứ). Từ 6-15/4, Mĩ và Philippines tiến hành tập trận chung “Kề vai sát cánh” 2011 trong 10 ngày. Mặc dù đây là cuộc tập trận thường kì, nhưng có lực lượng lớn nhất từ trước đến nay với tổng cộng hơn 3 000 lính Mĩ tham gia, Trung Quốc coi đó là hành động nhằm vào mình. Ngày 13/6, theo lệnh của Aquino III, Cục Khí tượng Philippines đã đổi tên “South China Sea” truyền thống sang tên “West Philippines Sea” (biển Tây Philippines)[1077] [tháng 9/2012, Aquino chính thức kí sắc lệnh số 29, yêu cầu tất cả các cơ quan hành chính và bản đồ xuất bản của nhà nước đều phải gọi tên như vậy đối với “vùng đặc quyền kinh tế Philippines” tại biển Đông].[1078] Ngày 15/6, Philippines công bố kế hoạch mở thầu khai thác dầu mỏ ở biển Đông, chia vùng biển phía Tây Philippines thành 15 lô, hoan nghênh các công ty đến đấu thầu, trong đó có một số lô dầu nằm trong đường 9 đoạn. Hai trong số này nằm trong bãi Cỏ Rong, gần với khu vực tàu MV Veritas Voyager bị tàu Trung Quốc quấy nhiễu. Để củng cố lòng tin của các công ty nước ngoài đối với chủ quyền của mình, Philippines đồng thời tuyên bố trong tháng 5 sẽ dỡ bỏ các cột mốc “nước ngoài” dựng lên ở 3 nơi là đá Ngưu Xa Luân (đá Long Điền / Boxall Reef), đá An Đường (Amy Douglas Reef / đá Mỏ Vịt) và bãi Cỏ Rong, (những cột mốc này rõ ràng là của Trung Quốc để lại).[1079] Trung Quốc phản đối việc này nhưng Philippines kiên quyết làm theo kế hoạch. Tình trạng này kéo dài cho đến khi Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario thăm Trung Quốc vào 6/7, và hai bên nhất trí tuyên bố rằng hai nước sẽ hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông, thì mới bắt đầu nhạt dần. Chuyến thăm Trung Quốc theo kế hoạch của Aquino vào tháng 4 cuối cùng mới được thực hiện vào ngày 30/8. Tuy nhiên, thái độ của Philippines đối với bãi Cỏ Rong vẫn không dịu đi. Tháng 2/2012, Philippines lại một lần nữa mời công ty dầu khí nước ngoài đến đấu thầu tại lô dầu bãi Cỏ Rong và tuyên bố “bãi Cỏ Rong là bộ phận không thể thiếu của Philippines, không thể cùng khai thác, nếu không sẽ vi phạm Hiến pháp”, thậm chí còn mời doanh nghiệp dầu mỏ Trung Quốc tham gia đấu thầu.[1080]
Hai lần xung đột điển hình khác đều liên quan đến Việt Nam. Các lô dầu khí do Việt Nam vẽ ra chồng lấn với đường 9 đoạn của Trung Quốc[1081] (Hình 71). Đầu năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO, các nhà đầu tư khắp nơi ào ạt đổ vào. Khi đó, Công ty dầu khí Anh (BP) có quan hệ làm ăn từ lâu với Việt Nam đã quyết định tăng đầu tư vào Việt Nam. Ngày 6/3/2007, BP công bố kế hoạch cùng công ty Việt Nam và Công ty ConocoPhilips đầu tư khai thác giếng dầu khí tự nhiên tại lô 5.2. Khi đó, Đại sứ mới của Trung Quốc tại Anh là Phó Oánh chuẩn bị nhậm chức. Năm 2000, khi giữ chức Vụ trưởng Vụ Châu Á Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà này đã từng làm việc với BP, yêu cầu BP không tham gia khai thác lô 6.1 với Việt Nam, nhưng BP từ chối. Lần này, sau khi nhậm chức đại sứ tại Anh, Phó Oánh lập tức gây áp lực với BP: nếu BP tham gia khai thác lô 5.2 thì Trung Quốc sẽ: (1) Xem xét lại tất cả hợp đồng BP đã kí với Trung Quốc; (2) Trung Quốc không đảm bảo an toàn cho công nhân tác nghiệp trong lô này. Trước sự uy hiếp đó, BP đã rút lui, đồng ý với Trung Quốc chỉ tiếp tục khai thác lô 6.1 mà không tham gia khai thác lô 5.2. Không những thế, Phó Oánh còn “kiến nghị” BP đứng ra làm trung gian giúp Công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) và Công ty Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đàm phán để giành được quyền “cùng khai thác” lô 5.2 và lô 5.3. Nhưng ý hướng của CNOOC không nhằm vào việc kiếm tiền mà hy vọng thông qua phương thức này giúp Trung Quốc tạo ấn tượng giả về việc có được chủ quyền. Tuy vậy, trước sự kiên quyết của phía Việt Nam, CNOOC đã không đạt được mục đích. Tuy nhiên, thành công này đã phá huỷ kế hoạch khai thác lô 5.2 và 5.3 của PetroVietnam. Cả BP lẫn công ty đối tác Conaco Philips đều rút khỏi hợp tác, chuyển nhượng hợp đồng cho PetroVietnam mà không được bồi thường..
Trung Quốc dùng thủ đoạn tương tự để ép một số công ty nước ngoài khác rút khỏi việc khai thác các mỏ dầu khí của Việt Nam, chẳng hạn như Công ty Chevron của Mĩ đã tiến hành thăm dò lô 112, gần bờ biển Việt Nam, nhưng Chính phủ Trung Quốc đã gây áp lực và bị ép từ bỏ hoạt động; Công ty Pogo của Mĩ đã tiến hành thăm dò lô 124 nhưng cũng phải bỏ dở vì lí do tương tự. Thậm chí Chính phủ Trung Quốc còn dùng đòn ngoại giao để gây áp lực và đạt được mục đích tương tự. Ví như Tập đoàn tài chính hình thành từ Idemitsu Kosan, Nippon Oil và Teikoku Oil của Nhật Bản ban đầu dự định khai thác lô 1.5-b và 5.1-c, nhưng buộc phải rút lui sau khi Chính phủ Trung Quốc gây áp lực trực tiếp với Chính phủ Nhật Bản.
Tuy vậy, cũng có một số công ty không sợ áp lực từ Trung Quốc. Chẳng hạn, tháng 1/2008, Công ty Exxon Mobil kí bản ghi nhớ với PetroVietnam, khai thác các lô 156-159. Các lô này nằm xa đất liền Việt Nam nhất, nằm sâu trong đường 9 đoạn của Trung Quốc. Vì việc này, Trung Quốc đột nhiên huỷ bỏ dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) có dính dáng với Trung Quốc của Công ty này. Trớ trêu là, mặc dù Exxon Mobil không sợ áp lực từ phía Trung Quốc, nhưng Chính phủ Việt Nam lại lo ngại rằng sau này do bị Trung Quốc trừng phạt Exxon Mobil sẽ từ bỏ hợp đồng nên đã trao cho Công ty khí đốt tự nhiên quốc gia của Nga (Gazprom) một lô khác cũng đang được đàm phán (vì quan chức ngoại giao Nga nói với Việt Nam rằng Trung Quốc chưa bao giờ cảnh cáo các công ty dầu khí của Nga). Ngoài Exxon Mobil ra, còn một số công ty không sợ Trung Quốc uy hiếp do ít có quan hệ kinh doanh với Trung Quốc. Một loại công ty khác không sợ sự uy hiếp từ Trung Quốc tương tự như những công ty của Nga, thuộc các quốc gia có “quan hệ tốt” với Trung Quốc như Hàn Quốc và Ấn Độ đều có thể tham gia khai thác với Việt Nam.
Ứng phó với các công ty không sợ bị uy hiếp, Trung Quốc sử dụng các biện pháp như đã sử dụng với Philippines, chỉ là có phần mạnh tay hơn. Ngày 26/5/2011, khi tàu Bình Minh 2 do PetroVietnam và CGC Veritas thuê thăm dò tại lô 148 thì bị 3 tàu hải giám Trung Quốc (số 12, 17 và 84) bao vây. Hai “tàu lưới cá” hộ tống không thể ứng phó nổi 3 tàu, tàu 84 thừa cơ lao qua tàu thăm dò, cắt đứt cáp thăm dò.[1082] sự việc xảy ra tại 12° 48’25 N, 111° 26’48 E, cách bờ biển Việt Nam chừng 116 hải lí (Hình 72), vừa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế mà Việt Nam tuyên bố, vừa nằm trong đường 9 đoạn mà Trung Quốc tuyên bố. Về phía Việt Nam, may mắn là nhờ dây cáp có thiết bị nổi tự động nên chỉ cần sửa chữa đơn giản là có thể sử dụng tiếp. Sau đó, Việt Nam đưa thêm 8 tàu bảo vệ, đảm bảo cho tàu Bình Minh 2 hoàn thành xong vào ngày 26/5.[1083]
Hình 71: Lô dầu khí Việt Nam
Hình 72: Trung Quốc cắt đứt cáp tàu thăm dò của Việt Nam năm 2012
Việt Nam đã gửi công hàm phản đối đến Đại sứ quán Trung Quốc, tố cáo tàu Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đồng thời yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du tuyên bố Trung Quốc phản đối các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc và việc Cục trưởng Cục Hải giám Trung Quốc thực hiện các hành động thực thi pháp luật đối với các tàu Việt Nam trái phép là hoàn toàn chính đáng.[1084]
Không lâu sau đó, Trung Quốc lại phái tàu ngư chính và tàu cá tới lô dầu khí 136-03, ở điểm cực Đông Nam, cắt cáp thăm dò tàu Viking II của Việt Nam đang tác nghiệp tại đó. Vài ngày trước khi vụ việc xảy ra, tàu Viking 2 đã bị các tàu đánh cá Trung Quốc quấy rối khi nó đang khảo sát cho Idemitsu Kosan ở lô 05-1d. Đầu tháng 6, tàu Viking II được Công ty Talisman Canada thuê thăm dò lô 136-03, nằm sát lô Vạn An Bắc. Ngày 8/6, tàu Trung Quốc kéo đến địa điểm hoạt động của tàu Viking II, tàu cảnh sát biển Việt Nam Vạn Hoa 737 làm nhiệm vụ bảo vệ đã phát tín hiệu cảnh cáo yêu cầu tàu Trung Quốc rời đi nhưng tàu Trung Quốc vẫn loanh quanh gần đó. Ngày 9/6, dưới sự yểm trợ của tàu ngư chính 303 và 311, tàu cá số hiệu 62226 lao vào cáp khảo sát của tàu Viking II, tàu cá có trang bị dụng cụ cắt cáp nhưng do tuyến cáp quá dày (8 dây cáp) nên tàu cá Trung Quốc vướng vào tuyến cáp của tàu Viking II, chân vịt tàu bị hỏng, thân tàu bị tàu Viking II kéo đi. Tàu ngư chính Trung Quốc đến “giải cứu”, “đành phải” cắt đứt cáp. Trung Quốc tuyên bố đó là hành vi tự vệ của tàu cá.
Không thể giải quyết vấn đề qua đường ngoại giao, Việt Nam chỉ còn cách kích thích tinh thần dân tộc. Ngày 5/6, khoảng 300 người Việt Nam tiến hành biểu tình chống Trung Quốc tại khu vực gần Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội. Cùng ngày, 1 000 người tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xuống đường phản đối Trung Quốc. Cuối tuần sau khi xảy ra sự kiện cắt cáp lần thứ hai, người Việt Nam tiếp tục biểu tình chống Trung Quốc. Làn sóng biểu tình tiếp tục 12 lần sau đó vào mỗi cuối tuần. Trung Quốc và Việt Nam tuyên bố tập trận tại biển Đông. Để khống chế tình hình, ngày 26/6, Uỷ viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc đã gặp đặc sứ Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn tại Bắc Kinh. Hai bên tỏ ý sẵn sàng giải quyết tranh chấp trên biển thông qua đàm phán và thương lượng hữu nghị. Ngày hôm sau, Chính phủ Việt Nam khống chế các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, cấm người biểu tình tới gần khu vực Đại sứ quán Trung Quốc.
Ba hành động quấy rối trong năm 2011 cho thấy Trung Quốc muốn nhanh chóng kiểm soát biển Đông. Hành động của Trung Quốc đã leo thang từ tuyên bố chủ quyền sang thực sự ngăn cản các nước ven biển khai thác tài nguyên, đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích thương mại và an ninh quốc gia của các nước ven biển. Những hành động tương tự như vậy chỉ tăng mà không hề giảm đi trong những năm sau.
Ngày 30/11/2012, hai tàu cá Trung Quốc cắt đứt cáp thu âm địa chấn của tàu Bình Minh II đang tác nghiệp tại vùng biển có tọa độ 108°02’ Đông và 17°26’ Bắc (nằm ở lô 113 của Việt Nam). Sự việc xảy ra tại cửa vịnh của vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển Việt Nam 54 hải lí, cách đảo Hải Nam Trung Quốc 75 hải lí, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 210 hải lí.[1085] Tàu Bình Minh II lúc đó được Công ty Rosneft của Nga thuê. Hành động quấy nhiễu của Trung Quốc thậm chí mở rộng tới vùng cực Nam của biển Đông, cách rất xa lục địa Trung Quốc, đối tượng cũng được mở rộng tới Malaysia, nước vốn giữ thái độ mềm mỏng. Ngày 21/8/2012, tàu Trung Quốc đã hai lần quấy nhiễu tàu thăm dò của Malaysia; ngày 19/1/ 2013 lại diễn ra lần nữa.[1086]
Ngày 23/6/2012, để trả đũa việc Việt Nam ban bố “Luật biển Việt Nam”, CNOOC công bố mở 9 lô dầu, lần lượt đặt tên là “Kim Ngân 22, Hoa Dương 10, Hoa Dương 34, Tất Sinh 16, Đạn Hoàn 04, Đạn Hoàn 22, Nhật Tích 03, Nhật Tích 27, Doãn Khánh Tây 18” (Hình 73), trong đó 7 lô nằm ở khu vực bồn trũng Trung Kiến Nam, 2 lô nằm ở khu vực bồn trũng Vạn An và bồn trũng Nam Vi Tây. Công bố nêu rõ: những khu này có độ sâu nước 300-400m, tổng diện tích 160 124,38 km2, đều sẽ được thăm dò khai thác cùng công ty nước ngoài.[1087]
Hình 73: Điểm chồng lấn giữa các lô dầu mời thầu do Trung Quốc hoạch định và các lô do Việt Nam hoạch định năm 2012
Những lô dầu này đều nằm trong thềm lục địa đã được Việt Nam hoạch định, đồng thời cũng chồng lấn với các lô do Việt Nam phân định. Không ngạc nhiên khi động thái này bị Việt Nam phản đối: “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các lời mời hợp tác khai thác quốc tế. Về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết: doanh nghiệp Trung Quốc mời thầu các lô dầu là việc làm bình thường, phù hợp với luật pháp Trung Quốc và thông lệ quốc tế liên quan. Về việc xử lí thỏa đáng các tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, hai bên có nhiều nhận thức chung. Trung Quốc hy vọng Việt Nam tuân thủ những nhận thức chung đó, không sử dụng các hành động làm phức tạp hóa và mở rộng tranh chấp, dừng ngay các hoạt động xâm phạm dầu khí trong vùng biển liên quan.[1088] Tuy nhiên, do phản đối của Việt Nam và tính nhạy cảm của tranh chấp biển Đông nên cho đến nay, chưa có thông tin gì liên quan đến việc hợp tác khai thác giữa Trung Quốc và công ty nước ngoài trong các lô này. Mâu thuẫn về vấn đề dầu khí giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á lên đến đỉnh điểm vào năm 2014 khi xảy ra sự kiện giàn khoan 981 (xem phần VI.11).
VI.6. Khủng hoảng tại đảo Hoàng Nham (bãi Scarborough)
Mâu thuẫn Trung Quốc – Philippines trước khủng hoảng bãi Scarborough
Bắt đầu từ năm 2009, tình hình biển Đông nóng lên, trong đó mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Philippines được chú ý nhiều nhất. Có nhiều nguyên nhân làm cho quan hệ hai bên hữu hảo từ thời Arroyo chuyển sang thù oán. Vụ án tham nhũng Arroyo (xem phần V.8) là một trong nhiều nhân tố, nhưng nhân tố quyết định nhất là cuộc bầu cử tổng thống Philippines năm 2010. Tham nhũng triền miên suốt hai nhiệm kì của tổng thống Estrada và Arroyo khiến người dân Philippines vô cùng thất vọng. Liêm khiết trở thành yêu cầu lớn nhất của người dân Philippines đối với nhiệm kì tổng thống tiếp theo. Xuất thân trong gia tộc chính trị, Aquino III (con trai của Tổng thống tiền nhiệm Corazon Aquino) đã dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống nhờ vào khẩu hiệu trong sạch trong chính trị và vào hiệu ứng đồng cảm từ cái chết không lâu trước đó của mẹ ông. Trong nhiệm kì 6 năm sau đó, Aquino III trở thành nhân vật quan trọng đối với tình hình biển Đông. Là người thuộc phái thân Mĩ, sau khi ông nhậm chức, quan hệ Trung Quốc – Philippines xấu đi nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kĩ thì nguyên do khiến quan hệ hai nước xấu đi bao gồm mấy điểm sau:
Thứ nhất, Arroyo được biết đến là người thân Trung Quốc trong những ngày đầu cầm quyền nhưng trước cáo buộc tham nhũng, buộc phải chuyển từ thái độ thân Trung Quốc sang trung lập. Để kịp nộp hồ sơ thềm lục địa mở rộng lên Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc (xem phần VI.3), Philippines phải sửa lại đường cơ sở lãnh hải. Tháng 8/2007, Thượng Nghị viện nhiệm kì mới Philippines đưa dự luật số 1467, mở rộng đường cơ sở lãnh hải của quần đảo Philippines, bao gồm cả bãi Scarborough. Tháng 12, Hạ Nghị viện đưa dự luật số 3216 cấp tiến hơn, không chỉ bao gồm bãi Scarborough mà còn bao gồm cả quần đảo Kalayaan. Điều này đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc đại lục. Dưới áp lực của Bắc Kinh, Arroyo đề xuất đường cơ sở lãnh hải không bao gồm bãi Scarborough lẫn nhóm đảo Kalayaan, mà gọi hai nơi này là “regime” (quy chế) và gây sức ép buộc Quốc hội ban hành luật theo phương án này.[1089] Do đó, Quốc hội Philippines đã hoãn ban hành luật. Nhưng đến tháng 1/2008, việc Trần Thuỷ Biển tham gia lễ khai trương sân bay trên đảo Thái Bình (Ba Bình) đã khơi lại cuộc tranh luận về việc Philippines nên mở rộng đường cơ sở lãnh hải thế nào. Cơ quan ngoại giao, hai nghị viện và ý kiến dân chúng trong nước bàn luận gay gắt về việc có đưa bãi Scarborough và quần đảo Kalayaan vào phạm vi đường cơ sở lãnh hải hay không. Trung Quốc lại gây áp lực lần nữa. Mặc dù uy tín của chính phủ Arroyo bị hạ thấp trong mắt dân chúng vì vụ bê bối tham nhũng, nhưng vẫn có ý định lái dự luật theo phương án của mình nên có đã nhượng bộ ở mức tối đa.[1090] Cuối cùng, ngày 10/3/2009, Quốc hội Philippines đã thông qua “Luật đường cơ sở lãnh hải” (Republic Act 9522),[1091] bãi Scarborough và nhóm đảo Kalayaan không được liệt kê trực tiếp là các điểm cơ sở lãnh hải trong Điều 1. mà liệt kê độc lập trong điều 2, gọi chúng là “regime of islands” (quy chế đảo) thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines. Philippines đã xác định cơ sở lãnh hải của mình theo đúng các nguyên tắc của điều 121 “Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc” về chế độ các đảo.
Section 2. The baseline in the following areas over which the Philippines likewise exercises sovereignty and jurisdiction shall be determined as Regime of Islands under the Republic of the Philippines consistent with Article 121 of the United Nations Convention on the Law of the Sea (UNCLOS):
a) The Kalayaan Island Group as constituted under Presidential Decree No. 1596; and
b) Bajo de Masinloc, also known as Scarborough Shoal.
(Mục 2. Đường cơ sở tại các khu vực sau đây mà Philippines cũng có quyền chủ quyền và quyền tài phán được xác định là "Quy chế các đảo" thuộc Cộng hòa Philippines, phù hợp với Điều 121 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS):
a) Nhóm Đảo Kalayaan được lập theo Sắc lệnh số 1596 của Tổng thống; và
b) Bajo de Masinloc, còn được gọi là Bãi Scarborough.)
Section 3. This Act affirms that the Republic of the Philippines has dominion, sovereignty and jurisdiction over all portions of the national territory as defined in the Constitution and by provisions of applicable laws including, without limitation, Republic Act No. 7160, otherwise known as the Local Government Code of 1991, as amended
(Mục 3. Đạo luật này khẳng định rằng Cộng hòa Philippines có quyền chiếm hữu, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với tất cả các phần thuộc lãnh thổ quốc gia như được định nghĩa trong Hiến pháp và các quy định của luật hiện hành, bao gồm nhưng không giới hạn ở, Đạo luật số 7160, hay còn được gọi là Luật Chính quyền địa phương năm 1991, như được sửa đổi.)
Trung Quốc hết sức không vừa lòng với cách xử lí coi bãi Scarborough và quần đảo Kalayaan là lãnh thổ của Philippines. Theo Hiến pháp Philippines, Tổng thống Arroyo có quyền phủ quyết dự luật. Vì thế mà Trung Quốc ra tuyên bố ba lần, kháng nghị một lần và trao đổi một lần,[1092] thúc giục Arroyo phủ quyết dự luật. Nhưng do áp lực trong nước nên Arroyo không làm điều đó. Từ đó, bãi Scarborough được chính thức liệt kê là lãnh thổ của Philippines. Ngày 13/5 cùng năm, Luật 9522 nước Cộng hòa Philippines có hiệu lực.
Thứ hai, Philippines phớt lờ sự phản đối của Trung Quốc, vẫn xúc tiến kế hoạch khai thác bãi Cỏ Rong. Sau khi Trung Quốc đưa tàu đến quấy nhiễu, Philippines vẫn tiếp tục khai thác. (xem phần VI.5).
Thứ ba, trong văn kiện phản đối hồ sơ phân định thềm lục địa mở rộng năm 2009 của các nước liên quan, Trung Quốc chính thức đưa ra quốc tế “đường 9 đoạn”. Việc đó khiến các nước Đông Nam Á phản đối kịch liệt, trong đó Philippines là nước cứng rắn nhất. Tháng 4/2011, Philippines gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc, chỉ rõ đường 9 đoạn không phù hợp Luật quốc tế (xem phần VI.3), đây là đầu tiên đường 9 đoạn bị chất vấn trong văn kiện quốc tế chính thức. Sau 2 năm xảy ra sự việc, Philippines mới sử dụng hành động pháp lí, khả năng có liên quan đến vụ quấy nhiễu tại bãi Cỏ Rong. Ngày 25/7/2011, trong diễn văn về tình hình trong nước, Aquino nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn làm trầm trọng thêm mâu thuẫn với bất kì quốc gia nào, nhưng chúng tôi phải cho thế giới biết rằng, chúng tôi sẵn sàng bảo vệ những gì thuộc về chúng tôi. Chúng tôi cũng đã tính tới khả năng đưa vấn đề tranh chấp vùng biển Tây Philippines ra Tòa án quốc tế về Luật biển, từ đó các quốc gia có tranh chấp biển có thể giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh và kiềm chế.” Ngôn từ của Philippines đã thách thức Trung Quốc trên phương diện Luật pháp quốc tế, thậm chí tính tới phải đưa ra Tòa án quốc tế, đó là việc Trung Quốc không hề muốn.
Thứ tư, sau năm 2009, xung đột trên biển giữa Trung Quốc và Philippines ngày càng nhiều hơn, có thể chia thành hai loại chính: một là, tàu cá Trung Quốc xâm nhập “vùng đặc quyền kinh tế”, thậm chí cả lãnh hải của Philippines để đánh bắt cá (chẳng hạn biển Sulu); hai là, “tàu chấp pháp” của Trung Quốc vào “vùng đặc quyền kinh tế” của Philippines để “thực thị pháp luật”, những tàu chấp pháp đó hiếm khi quản lí hoạt động đánh bắt trái phép của ngư dân Trung Quốc, nhưng lại quấy nhiễu và xua đuổi tàu cá Philippines, hoặc ngăn chặn tàu chấp pháp Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc.
Do đó, va chạm giữa hai bên là điều không tránh khỏi. Ngày 18/10/2011, một tàu chiến Philippines đâm vào tàu cá Trung Quốc tại biển Đông. Vài ngày sau, Hải quân Philippines cho biết đó là sự va chạm ngoài ý muốn và xin lỗi vì sự việc này. Ngày 11 và 12/12/2011, ba chiếc tàu Trung Quốc đi vào bãi Sa Bin (Sabina Shoal/ Tiên Tân) do Philippines tuyên bố chủ quyền. Ngày 5/1/2013, Ngoại trưởng Philippines gửi thư đến Đại sứ quán Trung Quốc nói rõ: “Việc đột nhập của tàu Trung Quốc là một vi phạm rõ ràng”.
Đối đầu ở bãi Scarborough
Sau khi xảy ra tranh chấp bãi Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines, Philippines vẫn kiểm soát bãi này. Hải quân Philippines chịu trách nhiệm tuần tra và thực thi pháp luật tại đó. Báo chí Trung Quốc cũng thừa nhận sự thật là trước năm 2012, Philippines kiểm soát bãi Scarborough. Nhưng nhìn chung, Philippines không ngăn cản ngư dân Trung Quốc đến đó đánh bắt cá. Trong các vụ Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc, họ chỉ nhắm vào ngư dân đánh bắt trái phép, chẳng hạn những ngư dân đánh bắt loại ốc xà cừ lớn quý hiếm. Sau năm 2012, ngư dân Philippines và ngư dân Trung Quốc đều có thể đánh bắt cá bình thường tại khu vực Scarborough và không có báo cáo về xung đột nào giữa các ngư dân.
Do trong thời gian dài không có người lên đảo phát thanh qua vô tuyến nên bãi Scarborough trở thành địa điểm thứ hai trong danh sách “quốc gia” được chờ đợi nhất của DX, lại có người cho rằng nên huỷ bỏ tư cách này của bãi. Do đó, tháng 4/2007, một nhóm DX quốc tế gồm 17 người yêu thích từ Trung Quốc, Đài Loan, Đức, Italy, Singapore, Philippines,... một lần nữa lại “viễn chinh” đến Scarborough[1093] (báo cáo của Trung Quốc không có Philippines, trong khi có Phần Lan,[1094] không ăn khớp với danh sách). Một lần nữa, Trần Bình lại tham gia trong đoàn viễn chinh. Lần này, đoàn người đi trên một chiếc tàu thuê của Hong Kong, xuất phát từ Hong Kong đến Scarborough. Khi đó, do mọi người đều biết việc bãi Scarborough có tranh chấp nên trước khi đi, đội viễn chinh không chỉ nhận được sự phê chuẩn của Trung Quốc mà còn nhận được sự trợ giúp từ DX Philippines và Hội vô tuyến nghiệp dư Philippines (PARA), đặc biệt là của thành viên Tim N4GN (đã tham gia leo lên đảo vào năm 1995) của hội, với sự cho phép của Philippines.[1095] Để đảm bảo an toàn cho người lên đảo, Hội vô tuyến điện nghiệp dư Philippines còn thỏa thuận trước với hải quân Philippines, nhờ họ giám sát từ xa, đồng thời luôn có máy bay trực thăng trợ giúp khi cần.[1096] (Nghe nói, sau khi biết sự việc, Trần Bình tỏ ra không vui,[1097] nhưng không thể ngăn cản được sự giám sát của hải quân Philippines. Thậm chí, ông ta còn trăn trở phiền muộn việc trong chuyến về tàu lại ghé Manila trước để các đối tác từ các nước khác có thể về nhà ). Kết quả là chuyến viễn chinh diễn ra suôn sẻ, không gặp bất kì sự quấy nhiễu nào (trừ việc trên đường đi có ngư dân Philippines đề nghị đổi hải sản lấy dầu). Nhưng, theo miêu tả của Trần Bình, do bãi Scarborough được khai thác đã lâu nên diện mạo đã không còn “sơ khai” như 10 năm trước đó, ngư dân Trung Quốc và Philippines đều đến đây đánh cá và thu thập san hô.[1098] Sự việc đó cho thấy trước năm 2012, bãi Scarborough nằm dưới sự cai quản của Philippines nhưng tàu thuyền thường được tự do lui tới.
Nhưng, sự kiện đột biến năm 2012 đã làm thay đổi mọi thứ. Ngày 8/4, máy bay trinh sát của hải quân Philippines thông báo về sở chỉ huy rằng có 8 tàu cá Trung Quốc xuất hiện tại bãi Scarborough. Sau đó, khi đang trên đường trở về Manila, tàu hải quân BRP Gregorio del Pilar nhận được tin báo có ngư dân Trung Quốc đánh cá trái phép tại bãi nên lập tức quay trở lại đó. Khoảng 10:00 sáng ngày 10, tàu chiến neo đậu bên ngoài bãi, phái quân lên bãi, và phát hiện có 12 chiếc tàu đánh Trung Quốc. Theo báo cáo, khi kiểm tra, họ phát hiện trên các tàu đánh cá có rất nhiều hải sản quý hiếm gồm san hô, trai cỡ lớn và cá mập mỏ đen (blacktip shark),[1099] nên chuẩn bị bắt giữ ngư dân Trung Quốc. Họ đưa biên bản viết bằng tiếng nước ngoài đã in sẵn, yêu cầu ngư dân Trung Quốc kí tên, lăn tay, thừa nhận “xâm nhập Philippines”.[1100] Đúng lúc đó, hai tàu hải giám Trung Quốc (số 75 và 84) lao đến, chặn lối ra vào bãi, ngăn cản hải quân Philippines bắt giữ ngư dân. Hải quân Philippines đành phải cho tàu chiến quay lại, đối đầu với tàu hải giám Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila lập tức tuyên bố, “tàu Philippines đã xâm nhập trái phép vào vùng biển Trung Quốc”. Ngày hôm sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân phát biểu trước cuộc họp báo: “Hành vi được gọi là ‘thực thi pháp luật’ của Philippines trên bãi Scarborough là xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc, và cũng đi ngược với nhận thức chung của hai bên về duy trì hòa bình, ổn định, không làm phức tạp và mở rộng tình hình tại biển Đông. Ngành hữu quan Trung Quốc đã đưa tàu công vụ của Chính phủ đến vùng biển Hoàng Nham, hiện tại ngư dân Trung Quốc và tàu thuyền của họ đều an toàn.” Đồng thời, Trung Quốc nhắc lại, đảo Hoàng Nham là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc, Trung Quốc có chủ quyền không tranh chấp đối với đảo Hoàng Nham.[1101]
Tối ngày 10, Ngoại trưởng Philippines gặp Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Khanh, tuyên bố rằng “bãi Scarborough là bộ phận không thể chia cắt của Philippines”. Hải quân Philippines tuyên bố rằng họ có quyền bắt giữ ngư dân đánh bắt trái phép tại đó và nhấn mạnh, hải quân Philippines trước nay vẫn làm như vậy. Tổng thống Aquino yêu cầu hải quân không sử dụng vũ lực, và tuyên bố sự việc cần được giải quyết thông qua phương thức ngoại giao. Để làm dịu tình hình, Philippines phái tàu cứu hộ BRP Pampanga (SARV-0006) của lực lượng Tuần duyên ra thay thế tàu hải quân, tàu này đã đến bãi Scarborough vào ngày 12.[1102] Cùng ngày, tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 303 cũng đến bãi Scarborough.
Tối 13, dưới sự yểm trợ của tàu hải giám 75 và tàu ngư chính 303, toàn bộ tàu cá Trung Quốc đã rút khỏi bãi Scarborough, nhưng tàu hải giám 84 vẫn trụ lại ở đó, tiếp tục đối đầu với tàu BRP Pampanga (SARV-0006) của Philippines. Ngoài ra, trong bãi vẫn còn hơn 20 tàu cá Philippines. Tình thế xem ra bắt đầu lắng xuống. Nhưng đến ngày hôm sau, tàu khảo cổ Sarangani Philippines (đoàn khảo sát bao gồm các chuyên gia Philippines và Pháp) trước đó đã điều tra bãi Scarborough, bị tàu hải giám 75 của Trung Quốc quay lại cảnh báo phải rời đi. Ngày 15, tàu hải giám 71 và tàu ngư chính 44061 đến bãi Scarborough, tình thế đối đầu căng trở lại.
Ngày 16/4, tàu hải quân cứu hộ Philippines Edessa đến thay thế tàu Pampanga. Cùng ngày, cuộc diễn tập quân sự chung định kì hàng năm diễn ra ngoài khơi đảo Palawan đúng theo kế hoạch. Nhưng sự việc này bị truyền thông Trung Quốc bóp méo là cuộc tập trận gần vùng biển bãi Scarborough nhằm gây áp lực với Trung Quốc. Bất kể thật giả, Cục Ngư chính Hải Nam vẫn mở cuộc họp khẩn cấp, phái tàu ngư chính 121 do Đội trưởng Tổng đội ngư chính Hải Nam dẫn đầu tiến ra biển Đông, tham gia đối đầu.
Khi đó, mặc dù cả Trung Quốc và Philippines đều biểu thị thái độ muốn giải quyết vấn đề thông qua ngoại giao, nhưng giọng điệu của cả hai bên ngày càng gay gắt. Ngoài việc tuyên bố chủ quyền đối với bãi Scarborough như trước đây, ngày 13/4 Trung Quốc còn đăng bài “Giải quyết vấn đề biển Đông không thể chỉ dùng một tay” trên trang nhất Nhân dân nhật báo bản ngoại văn,[1103] nêu rằng “giải quyết vấn đề biển Đông không thể chỉ dùng một tay, mà phải dùng cả hai tay, cả hai tay đều phải mạnh bạo, song hành cùng nhau. Nghĩa là, một tay ra sức thúc đẩy hợp tác và thương lượng, một tay giữ gìn chủ quyền không bị xâm phạm. Tay sau phục vụ tay trước. Hai tay đều nằm trong khuôn khổ cơ bản hòa bình phát triển của Trung Quốc, chúng bổ sung cho nhau, không được thiếu tay nào.” Dư luận do chính quyền kiểm soát cũng lặp lại: “cứ nhẫn nhịn mãi chỉ sẽ khiến một nước như Philippines được đằng chân lân đằng đầu. Chỉ có cho họ biết một chút thế nào là lễ độ thì mới có thể hiểu được rằng đằng sau việc Trung Quốc mong muốn giải quyết hòa bình vấn đề tranh chấp biển Đông, còn có lực lượng quân sự hùng mạnh bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc.”[1104]
Nhưng, Philippines đã đã có một số chuẩn bị.
Trước hết, Philippines kiên định không dùng biện pháp quân sự, kiên trì cách giải quyết bằng ngoại giao. Tổng thống Arroyo tuyên bố “Philippines không vì tranh chấp bãi Scarborough mà hấp tấp gây chiến với Trung Quốc, cãi nhau luôn tốt đánh nhau (to jaw-jaw is always better than to war-war).”
Thứ hai, Philippines không dừng việc đối đầu. Ngày 13/4, Ngoại trưởng Philippines Rosario tuyên bố: “Philippines sẽ không rút đội tàu tuần duyên khỏi bãi Scarborough, khi nào chúng tôi muốn rời đi thì sẽ đi chứ không phải rời đi theo yêu cầu của kẻ khác.” Tổng thống Arroyo cũng tuyên bố: “Philippines sẽ tiếp tục triển khai tàu ở bãi Scarborough mà tôi tin rằng đó là vùng biển của Philippines”.
Thứ ba, Philippines tìm kiếm trợ giúp của ASEAN. Ngày 22/4, Ngoại trưởng Philippines Rosario tuyên bố: “Mưu toan đòi chủ quyền toàn bộ biển Đông của Trung Quốc rõ ràng là không có căn cứ”; và sau đó kêu gọi ASEAN cùng phản đối Trung Quốc: “Nếu chúng ta không thể hiện rõ lập trường thì không những Philippines mà tất cả các nước đều sẽ chịu tác động tiêu cực.”[1105] Tuy Việt Nam và các nước khác ủng hộ Philippines, nhưng ASEAN nói chung khi đó đã không có hành động hiệu quả nào. Một trong những nguyên nhân là vì Campuchia, chủ tịch ASEAN lúc đó, là nước rất thân cận với Trung Quốc. Ngày 10/7, khi chủ trì phiên mở đầu Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia kiên quyết không đồng ý việc Philippines cùng các nước khác nêu chữ Scarborough Shoal (tức đảo Hoàng Nham) trong Tuyên bố chung, nếu không sẽ không có tuyên bố chung.
Thứ tư, Philippines tìm kiếm trợ giúp của Mĩ. Ngày 24/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mĩ Victoria Nuland kêu gọi Trung Quốc và Philippines kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực, nhưng không tỏ rõ sự ủng hộ đối với Philippines. Trung tướng Tư lệnh hải quân lục chiến Thái Bình Dương Duane D. Thiessen nói: “Mĩ và Philippines đã kí kết Hiệp ước phòng vệ chung, căn cứ vào Hiệp ước này, nếu bên nào cần thì bên kia sẽ cung cấp viện trợ quốc phòng.” Nhưng căn cứ theo Hiệp ước thì bãi Scarborough không nằm trong điều khoản phòng vệ (xem phần sau).
Thứ năm, Philippines tìm kiếm sự trợ giúp của Luật quốc tế. Ngày 17/4, Ngoại trưởng Philippines cho biết: “Ngày 17/4, Ngoại trưởng Philippines Rosario tuyên bố: "Chính phủ Philippines sẽ tìm cách giải quyết bế tắc giữa Trung Quốc và Philippines đối với bãi Scarborough thông qua ‘trọng tài quốc tế’.” Ngày 18/4, Philippines đã đưa ra văn bản tuyên bố lập trường (Philippine position on Bajo de Masinloc (Scarborough Shoal) and waters within its vicinity [Lập trường của Philippines về bãi Scarborough và vùng biển lân cận xung quanh]),[1106] giải thích căn cứ chủ quyền và lập trường chính sách của Philippines đối với bãi Scarborough.
Ban đầu, phía Trung Quốc cũng không phải không có tiếng nói ôn hòa. Chẳng hạn, ngày 24/4, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã nhận lời phỏng vấn độc quyền của Đài truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng, khi trả lời câu hỏi của phóng viên "Quân đội có nên hành động khi cần thiết?, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã trả lời: “Điều này tùy thuộc vào nhu cầu ngoại giao của đất nước, Bộ Ngoại giao và các cơ quan sự vụ bên hữu quan của Trung Quốc đang xử lí vấn đề này, tôi tin là sẽ xử lí tốt.”[1107]
Tuy nhiên, tiếng nói của phe quân đội và diều hâu nhiều hơn. Ngày 26/4, Thiếu tướng La Viện, Phó Tổng Thư kí Hội Nghiên cứu khoa học quân sự Trung Quốc, đăng bài viết chất vấn về “thiện ý” không phải thắng mà thua của chính phủ trong việc rút lui trước, nói rằng “liệu đó có phải là lựa chọn tốt nhất hay còn phải chờ sự kiểm nghiệm của lịch sử”; đồng thời ông cũng nêu rõ: “Tác giả cho rằng, xét từ góc độ chiến lược cao thì không những không nên ‘dập tắt lửa’ mà còn phải lợi dụng cơ hội này để củng cố sự hiện hữu chủ quyền trên bãi Scarborough, treo quốc kì trên đảo, lập bia chủ quyền, xây dựng căn cứ quân sự, lập cảng cá. Đảo Hoàng Nham phải là hình mẫu ‘phá vỡ tình cảnh’ khó khăn ở biển Đông. Dù Philippines bày vấn đề bãi Scarborough ra trước mắt thế giới thì chúng ta cũng phải cho thế giới thấy rằng chúng ta sẽ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia như thế nào.”
Về phía dân chúng, cả hai bên đều đã ở trong tình trạng sắp đánh nhau. Ngày 16/4, dân chúng Manila biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc, dương cao biểu ngữ “China, back-off, from Panatag Shoal!” (“Trung Quốc, cút khỏi bãi Scarborough!”). Ngày 20/4, tin tặc Trung Quốc tấn công mạng trường Đại học Philippines, biến trang chủ của trường này thành bản đồ vùng biển bãi Scarborough có ghi câu khích bác “bọn tao từ Trung Quốc”, “ bãi Scarborough là của bọn tao” trên bản đồ. Danilo Araos, người phụ trách sự vụ chung của nhà trường đã xác nhận với trang mạng GMA News Online rằng trang mạng của nhà trường đã bị tấn công vào 3:00 sáng ngày 20. Ngày 21, tin tặc Philippines tấn công lại, dùng màu xóa 7 trang mạng Trung Quốc. Phần đông dân chúng Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ thông tin Chính phủ, rằng: “Đảo Hoàng Nham xưa nay đều thuộc về Trung Quốc” nên gần như áp đảo đều ngả theo khuynh hướng “mài gươm” của chính phủ: “Ý dân là ủng hộ mạnh mẽ đối với hành động cứng rắn của Chính phủ.”[1108]
Tình hình sự việc còn đi xa hơn. Ngày 3/5, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Edwin Rachel nói trước cuộc họp báo: “Philippines chính thức gọi bãi Scarborough là ‘Panatag Shoal’”. Ngày 6/5, Bộ Ngoại giao Philippines lại tuyên bố sẽ phối hợp với lực lượng tuần duyên Philippines xóa sạch các dấu vết liên quan đến Trung Quốc trên bãi Scarborough.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh lập tức hẹn gặp Đại biện lâm thời Sứ quán Philippines tại Trung Quốc Thái Phúc Quýnh, nói: “Phía Philippines chưa nhận thấy sai lầm nghiêm trọng của mình, ngược lại không ngừng làm to chuyện, không những tiếp tục đưa tàu công vụ ra hoạt động trong đầm phá Hoàng Nham, mà còn không ngừng đưa ra những nhận xét sai lệch nhằm đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế, kích động tâm lí dư luận và gây tổn hại nghiêm trọng đến bầu không khí quan hệ giữa hai nước. Chúng tôi không lạc quan với tình hình này.” Hi vọng phía Philippines ‘không nên phán đoán sai tình hình, không tiếp tục leo thang bất chấp hậu quả.’” Đồng thời, Phó Oánh cũng cho biết tàu công vụ Trung Quốc tiếp tục bảo vệ và canh phòng vùng biển đảo Hoàng Nham; tàu ngư chính Trung Quốc cũng sẽ tiến hành cung ứng dịch vụ quản lí tàu cá theo luật pháp Trung Quốc. Bà này còn hối thúc Philippines rút tàu thuyền ra khỏi vùng biển Scarborough, “tuyệt đối không được quấy nhiễu tàu cá Trung Quốc, càng không được quấy nhiễu tàu công vụ Trung Quốc làm nhiệm vụ theo luật pháp. Phía Trung Quốc cũng đã chuẩn bị mọi mặt để ứng phó với việc phía Philippines mở rộng tình trạng sự việc. Phía Trung Quốc kiên định lập trường giải quyết tình trạng hiện tại bằng con đường thương lượng ngoại giao. Trung Quốc một lần nữa kêu gọi phía Philippines phản hồi nghiêm túc trước những lo ngại của phía của Trung Quốc, nhanh chóng trở lại con đường đúng đắn.”[1109] Ngày 9/5, Phó Oánh triệu tập Đại biện lâm thời Philippines tại Trung Quốc lần thứ 3. Bà chỉ ra: Trước những hành động khiêu khích không ngừng của phía Philippines, các tàu công vụ Trung Quốc tiếp tục bảo vệ và cảnh giới đảo Hoàng Nham, cảnh báo Philippines không được phán đoán sai tình hình.
Nhân dân nhật báo ngày 8/5 đăng bài “Không thể nhẫn nhịn thêm”, nói rằng Philippines “không nên coi thiện ý của Trung Quốc là điểm yếu để bắt nạt, khi đã không thể nhẫn nhịn thêm, Trung Quốc sẽ không ngại cùng Philippines tạo ra một mô thức đảo Hoàng Nham.” Báo Quân giải phóng ngày 10/5 ra chuyên luận “Đừng hòng cướp đi một tấc đất của Trung Quốc”. Báo Hoàn cầu đăng chuyên luận “Philippines càng cao giọng thì càng xám mặt”. Cùng ngày, nhà báo Trương Phàm của Đài truyền hình Đông Phương (Dragon TV) đã lên rạn đá chính của Scarborough cắm cờ đỏ 5 sao thể hiện chủ quyền.[1110]
Tình hình bãi Scarborough có thể gọi là sôi bỏng, nổ bùng bất cứ lúc nào. Theo tin của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, một hạm đội quy mô lớn đang tiến về phía Nam, điểm đến chưa rõ; máy bay trinh sát của lực lượng phòng vệ biển của Nhật Bản đã nhìn thấy một hạm đội gồm 5 tàu chiến, trong đó có tàu đổ bộ quy mô lớn 071 với lượng giãn nước 20 000 tấn, 2 tàu khu trục đạn đạo 052B và 2 tàu đạn đạo bảo vệ Giang Khải 2. Trong đó còn có tàu có bãi đáp cho máy bay lên thẳng. Ngày 6/5, đội tàu đó đã có mặt tại vùng biển Đông Nam Đài Loan.
Ngoài uy hiếp bằng vũ lực, Trung Quốc còn khống chế Philippines bằng kinh tế. Cấm xuất khẩu chuối, mặt hàng chủ lực của Philippines, sang Trung Quốc..
Đúng lúc đó (16/5) lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở biển Đông bắt đầu. Ngư dân Trung Quốc có thể đưa thuyền ra khỏi bãi Scarborough một cách thuận dòng, Philippines cũng chủ động ra lệnh cấm đánh cá tại bãi Scarborough. Do đó, tàu cá hai bên lũ lượt rời khỏi bãi Scarborough và tình hình có dấu hiệu lắng xuống. Ngày 18/5, 6 tướng nghỉ hưu của Philippines dự định ra cắm cờ Philippines trên bãi Scarborough để tuyên bố chủ quyền, nhưng đã bị Aquino ngăn lại vào giây phút cuối cùng để tránh làm tình hình thêm xấu đi. Nhưng, cuộc đối đầu giữa tàu công vụ hai nước vẫn tiếp diễn. Hơn thế, mặc dù Trung Quốc nhấn mạnh rằng lệnh cấm đánh cá áp dụng cho cả Scarborough, nhưng số lượng tàu dân sự của Trung Quốc lại tăng lên trong khu vực đảo này, có điều chúng được đổi lốt thành tàu công trình. Đến giữa tháng 5, số lượng tàu Trung Quốc nhiều áp đảo tàu Philippines, trong đó có cả tàu công vụ lẫn tàu dân sự, trong khi Philippines chỉ có 2 tàu công vụ tiếp tục đối đầu.
Mãi đến đầu tháng 6, tình hình mới thật sự dịu xuống. Hai bên dường như đạt được thỏa thuận rút tàu công vụ khỏi đảo. Ngày 6/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân tuyên bố: sau 1 tháng bị mắc cạn trong đầm phá của đảo Hoàng Nham, tàu công vụ Philippines đã rời đảo vào ngày 3/6. Sau khi dọn dẹp hiện trường xong, 2 tàu công vụ Trung Quốc cũng rời khỏi đầm phá này ngày 5/6, và tiếp tục thi hành công vụ tại vùng biển đảo Hoàng Nham. Ngày 15/6, trước mùa bão đến, thời tiết ngày càng xấu đi, Tổng thống Philippines Aquino III đã ra lệnh cho 2 tàu công vụ rời khỏi Scarborough. Ngày 18/6, Ngoại trưởng Philippines Rosario phát biểu tại một cuộc họp báo, “Theo thỏa thuận đạt được giữa Philippines và Trung Quốc đại lục, hai bên sẽ rút tàu công vụ khỏi đầm phá của Scarborough. Đối với các vấn đề ngoài đầm phá, hai bên đang tìm kiếm giải pháp thông qua tham vấn thêm.” Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết trong cuộc họp báo cùng ngày: “Trung Quốc sẽ tiếp tục quản lí và cảnh giới đảo Hoàng Nham.” Đáp lại việc Philippines cáo buộc Trung Quốc không giữ lời hứa rút tàu, Hồng Lỗi bác bỏ thông tin phía Trung Quốc hứa rút tàu.
Trung Quốc và Philippines có đạt được thỏa thuận hay chỉ thỏa thuận ngầm về việc đối đầu trên bãi Scarborough là điều không có cách nào xác định. Có nguồn tin cho rằng, Philippines đã cầu cứu Mĩ giúp một tay, dưới sự xếp đặt của Mĩ, hai bên đã đạt được thỏa thuận. Nhưng cuối cùng, Philippines rút khỏi bãi Scarborough, còn Trung Quốc thì không và rốt cuộc đã nắm quyền kiểm soát đảo.[1111] Tác giả cho rằng việc Trung Quốc và Philippines đã đạt tới một thỏa thuận ngầm bằng lời nào đó là điều có thể tin được,[1112] nhưng nội dung thỏa thuận là gì và cách lí giải của hai bên có thống nhất hay không vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ.
Dù thế nào thì Philippines cũng bất lực trước sự việc này. Đáp lại lời tuyên bố của Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Fernandez trả lời rằng, bất chấp nguy cơ bão lớn đe dọa, Philippines vẫn đang xem xét có nên đưa tàu trở lại vùng biển Scarborough hay không Ông cũng nhắc lại rằng Philippines vẫn trông cậy vào Tòa án Quốc tế về Luật Biển để giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, ngay cả khi Trung Quốc đại lục tiếp tục phản đối. Ngày 20/6, Tổng thống Philippines Aquino cho biết, khi thời tiết tốt lên, phía Philippines sẽ phái máy bay ra trinh sát bãi Scarborough, đồng thời chỉ trích tàu Trung Quốc vẫn neo đậu tại vùng biển liên quan. Ngày 26/6, Tổng tư lệnh hải quân Philippines Alexander Pama tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng, theo kết quả thu lượm trên không từ máy bay trinh sát của Hải quân Philippines, vẫn còn 28 tàu Trung Quốc đại lục tại khu vực biển Scarborough, trong đó có 23 tàu cá đậu trong đầm phá, 5 tàu của Chính phủ nằm rải rác xung quanh bãi.[1113]
Sau đó, mặc dù máy bay Philippines thỉnh thoảng đến Scarborough trinh sát tình hình nhưng tàu công vụ Philippines chưa bao giờ trở lại Scarborough. Bãi Scarborough từ đó bị Trung Quốc kiểm soát. Ngày 21/1/2013, Ngoại trưởng Philippines cuối cùng thừa nhận: Trung Quốc “đã kiểm soát trên thực tế” bãi Scarborough, tàu Philippines không thể vào được.
Nói tóm lại, sự kiện bãi Scarborough xảy ra từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2012, cái kết cuối cùng là Trung Quốc đã cướp quyền kiểm soát Scarborough từ tay Philippines. Đây cũng là lần đầu tiên từ sau “Tuyên bố về cách ứng xử các bên ở biển Đông” có hiệu lực, Trung Quốc đã mở rộng quyền kiểm soát thực tế khu vực. Điều này có ý nghĩa sâu rộng đối với diễn tiến tình hình biển Đông. Cùng năm, Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa, đồng thời phái tàu hải giám có lượng giãn nước lớn (phần lớn được cải biến từ tàu chiến) và tàu chiến ra diễu võ dương oai tại vùng biển xa lục địa Trung Quốc (Trung Quốc gọi là tuần tra), trong đó có những lần đến vùng biển gần bãi Cỏ Rong. Việc Trung Quốc dùng vũ lực uy hiếp đối phương để mở rộng lãnh hải ở biển Đông là xu thế ngày càng rõ. Vô vọng trong đàm phán với Trung Quốc, Philippines củng cố quyết tâm giải quyết vấn đề biển Đông thông qua Tòa trọng tài quốc tế. Và các nước ASEAN và những nước có lợi ích liên quan, đứng đầu là Mĩ cũng hợp lại để đối phó với Trung Quốc. Có thể coi sự kiện bãi Scarborough là một trong những sự kiện tiêu biểu làm tình hình ở biển Đông xấu đi.
Vấn đề chủ quyền đảo Hoàng Nham (bãi Scarborough)
Về lịch sử bãi Scarborough, có thể tổng kết ngắn gọn như sau: (1) Thời Trung Quốc cổ đại không có bất kì ghi chép nào về bãi Scarborough. Địa điểm đo lường bốn biển của Quách Thủ Kính năm 1279 không phải ở bãi Scarborough. (2) Xét từ những ghi chép lịch sử, có nhiều khả năng bãi Scarborough do người Philippines phát hiện đầu tiên. Muộn nhất là vào năm 1734, người Tây Ban Nha chính thức ghi nhận và vẽ bãi Scarborough trong bản đồ. Trước thế kỉ 20, có bằng chứng rõ ràng thể hiện bãi Scarborough là lãnh thổ của Philippines thuộc Tây Ban Nha. (3) Đầu thế kỉ 20, khi nhượng Philippines cho Mĩ, Tây Ban Nha đã không đưa bãi Scarborough vào phạm vi nhượng lại một cách rõ ràng. Sau đó, trong nhiều văn bản luật pháp về ranh giới quốc gia, Philippines cũng không dưa bãi Scarborough vào lãnh thổ của mình một cách rõ ràng. Trước khi Thế chiến II kết thúc, mặc dù Philippines kiểm soát thực tế bãi Scarborough, nhưng cũng không có bằng chứng nào cho thấy Philippines thuộc Mĩ có bất cứ ý định công công khai nào về chủ quyền đối với bãi Scarborough. (4) Năm 1935, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với bãi Scarborough bằng bản đồ mở mang cương vực, nhưng cái gọi là “chủ quyền” này chỉ dừng trên lời nói và trên giấy tờ chứ chưa bao giờ được thực hiện trên thực tế. Và cộng đồng quốc tế cũng chưa hề tiếp xúc để phản đối hay kháng nghị. (5) Trong khoảng thời gian từ sau Thế chiến II đến năm 1992, trên thực tế, Mĩ cùng Philippines quản lí bãi Scarborough. Sau khi quân Mĩ rút đi vào năm 1992, Philippines tiếp tục quản lí thực tế một mình bãi Scarborough. Trước năm 1997, không có nước nào (kể cả Trung Quốc) đưa ra những tuyên bố rõ ràng và trực tiếp đối với vấn đề này. Trong thời gian đó, Philippines đã từng có hành động thể hiện chủ quyền trên bãi. Sau năm 1980, Philippines tuyên bố bãi Scarborough thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình nhưng trong thời gian dài cũng không công khai, rõ ràng về chủ quyền đối với bãi Scarborough. (6) Năm 1997, Philippines chính thức công khai yêu sách chủ quyền đối với bãi Scarborough trên phương diện ngoại giao, tranh chấp bãi Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines bắt đầu. Từ năm 1997 đến năm 2012, Philippines vẫn kiểm soát trên thực tế bãi Scarborough cho tới khi Trung Quốc đưa tàu công vụ đến đó năm 2012.
Nhìn vấn đề bãi Scarborough từ góc độ luật pháp quốc tế, cả Trung Quốc và Philippines đều có những khiếm khuyết về mặt pháp lí. Trung Quốc tuyên bố sớm hơn, nhưng lại thiếu sự quản lí thực tế; Philippines quản lí thực tế trong thời gian dài, nhưng lại thể hiện công khai ý đồ chủ quyền rất muộn. Trọng tâm tranh chấp giữa hai bên chính ở điểm này, rốt cục thì tuyên bố bằng miệng quan trọng hơn hay quản lí thực tế quan trọng hơn.
[1050] Sheldon W. Simon, The US rebalance and Southeast Asia, A working progress, Asian Survey, Vol.55:3, pp.572-595.
[1051] Châu Á ở đây chỉ Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á, không bao gồm Trung Đông.
[1052] Indonesia, Malaysia đều là quốc gia Hồi giáo, phía Nam Philippines cũng có niềm tin Hồi giáo.
[1053] Như trên
[1054] http://www.bbc.com/zhongwen/trad/china/2015/03/150312_china_marine_disputer
[1055] http://www.washingtonpost.com/wpdyn/content/article/2010/07/29/AR2010072906416.html?sid=ST2010072906761
[1056] Hillary Clinton, American’s Pacific Century, Foreign Policy, 10/11/2011. https://foreignpolicy.com/2011/10/11/americas-pacific-century/
[1057] Nguyên văn: “the next 10 years, we need to be smart and systematic about where we invest time and energy, so that we put ourselves in the best position to sustain our leadership, secure our interests, and advance our values. One of the most important tasks of American statecraft over the next decade will therefore be to lock in a substantially increased investment – diplomatic, economic, strategic, and otherwise – in the Asia-Pacific region”
[1058] http://csis.org/publication/clinton-arf-and-us-rebalance-asia
[1059] http://www.whitehouse.gov/the-press-office/2013/03/11/remarks-tom-donilonnational-securty-advisor-president-united-states-an
[1060] http://www.whitehouse.gov/the-press-ofice/2010/09/24/joint-statement-2nd-us-aseanleaders-meeting
[1061] Nelson Report, February 28, 2013.
[1062] http://www.bbc.com/zhongwen/trad/world/2012/03/120320_australi_us_military.shtml.
[1063] http://cn.nytimes.com/asia-pacific/20140818vietnam/zh-hant
[1064] http://www.wsj.com/news/articles/SB10001424052702304500404579125952609644352.
[1065] http://www.bbc.com/news/world_us_canada-29469719
[1066] http://www.usnews.com/news/articles/2013/04/09/us-helps-vietnam-defendfishermen-who-get-into-trouble-with-china
[1067] http://news.sina.com.cn/w/sd/2011-11-25/121223524766.shtml
[1068] T. H. Hammes, R. D. Hooker Jr., America’s Ultimate Strategy in a Clash with China, The National Interest, 2014 June 10, http://nationalinterest.org/feature/americas-ultimatestrategy-clash-china-10633
[1069] Vạn Hồng Lượng: Chính sách của Mĩ sau Chiến tranh lạnh và ảnh hưởng của nó đến quan hệ Trung – Mĩ, Nghiên cứu Đông Nam Á Nam Á, số 2 năm 2012
[1070] Biểu thị của Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mĩ 6- 2013. http://www.cna.com.tw/news/firstnews/201306080019-1.aspx
[1071] Tháng 10-2013, lần đầu tiên Tập Cận Bình đề cập đến danh từ này trong bài phát biểu tại Quốc hội indonesia.
[1072] Bài phát biểu của Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh thông tin Á châu, tháng 5- 2014, http”//www.cica-china.org/chn/yzaqg/t1172327.htm
[1073] Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nêu trong Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 47 tại Myanmar, tháng 8-2014. http://news.xinhuanet.com/world/2014/08/12/c_126858656.htm
[1074] http://www.chinanews.com/gi/2015/05-29/310843.shtml
[1075] http://blogs.wsj.com/indonesiarealtime/2013/06/01/vietnamese-prime-ministerwelcomes-larger-role-for-u-s/
[1076] Tàu Philippines thăm dò dầu khí tại bãi Lễ Nhạc Nam Sa bị tàu tuần tra Trung Quốc xua đuổi, http://news.ifeng.com/mil/1/detail_2001_03/25/5360273_1.shtml http://blogs.wsj.com/indonesiarealtime/2013/06/01/vietnamese-prime-ministerwelcomes-arger-role-for-u-s/
[1077] http://news.asiaone.com/News/Latest%2bNews/Asia/Story/A1Story20110613-283772.html
[1078] West Philippine Sea Limited To Exclusive Economic Zone, International Business Times, September 14, 2012.
[1079] Philippine South China Sea Oil Contracts Within Territory, Bloomberg News ~ 001/06/04~ http://www.bloomberg.com/news/article/2011-06-14/Philippine-oilcontracts-in-south-china-sea-within-territory
[1080] http://news.ifeng.com/mil/2/detail_2012_02/28/12830851_0.shtml
[1081] http://vietnamnavy.files.wordpress.com/2012/03/vietnam-offshore-blocks.jpg
[1082] http://www.thanhniennews.com/index/pages/20110527182714.aspx.
[1083] http://vietnamembassy-usa.org/news/2011/05/chinese-marine-surveillance-shipsviolate-vns-sovereignty
[1084] http://news.xinhuanet.com/politics/2011-05/31/c_121479872.htm
[1085] http://www.bbc.com/zhongwen/trad/chinese_analysis/2012/12/121209_china_vietnam_tonkin.shtml
[1086] SFPIA, p.146. from Buke Bertemu Ruas, The RMN against China maritime surveillance agency, 2013/04/16, http://malaysiaflyingherald.wordpress.com/2013/04/16/buku-bertemu-ruas-the-rmnagainst-china-maritimesurveillance-agency/ last visit, 2015/12/30
[1087] http://www.cnooc.com.cn/data/htmlnews/2012-06-22/big5/.322013.html
[1088] http://paper.wenweipo.com/2012/06/28/YO1206280010.htm
[1089] http://wikileaks.org/phsd/cables/08MANILA1838_a.html
[1090] http://wikileaks.org/phsd/cables/09BEIJING579_a.html
[1091] http://www.lawphil.net/statutes/repacts/ra2009/ra_9522_2009.html
[1092] http://news.sina.com.cn/c/sd/2009-03-25/112317479223.shtml
[1093] http://www.qsl.net/ba-4alc/chinese/network/bs7h/bs7h2007.htm
[1094] [“BS7H”, cách gọi đảo Hoàng Nham của Trung Quốc], tuần báo Tân dân , http://news.sina.com.cn/c/2009-03-25/112317479223_5.shtml
[1095] BS7H-2007 Dxpedition to Scarborough Reef, http://www.gdxf.de/reports/files/BS7H-2007.pdf
[1096] The Rarest Piece of DX landMass on Earth, THE STORY OF BS7H.http://www.eudxf.eu/index.php/expedition-reports-etc-dxpeditions-37/20-reports-2007-20-bs7h, (last visit, 2016/02)
[1097] [BS7H~đảo Hoàng Nham 4 lần gọi thế giới], Báo Thanh niên Bắc Kinh, 9-9-2012, http://news.ifeng.com/gundong/detail_2012_09/09/17462779_0.shtml
[1098] “Sóng vô tuyến trên đảo Hoàng Nham”, Tuần báo cuộc sống Tam Liên, http://www.duwanjuan.cn/huang-yan-dao-shang-de-wu-xian-dian-bo.
[1099] SBDS, p.84.
[1100] “Đối đầu giữa tàu hải giám Trung Quốc và tàu chiến Philippines tại Nam Hải, quân Philippines cố thủ trên tàu”, http://news.sohu.com/21020412/n340315821.shtml
[1101] “Đối đầu giữa tàu hải giám Trung Quốc và tàu chiến Philippines tại Nam Hải, quân Philippines cố thủ trên tàu”. http://news.sohu.com/21020412/n340315821.shtml
[1102] SBDS,p.84.
[1103] http://news.sohu.com/20120413/n340408704.shtm
[1104] http://mil.sohu.com/20120419.n3340983997.shtml
[1105] http://news.ifeng.com/mainland/specia/nanhaizhengduan/content-3/detail_2012_04/22/14068893_0shtml
[1106] http://www.gov.ph2012/04/18/philippine-position-on-bajo-de-masinloc-and-thewaters-within-ist-vicinity/
[1107] http://news.ifeng.com/mainland/specia/nanhaizhengduan/content-3/detail_2012_04/24/141237733_0.shtml
[1108] http://mil.sohu.com/20120419/n340983997.shtml
[1109] http://www.fimprc.gov.cn/ce/cejo/chn/zgyw/t929746.htm
[1110] http://news.xinhuanet.com/zgix/2013-06/20/c_132470708_2.htm.
[1111] Tiết Lực: Phỏng vấn chuyên gia hải quân Mĩ bàn về cách nhìn nhận vấn đề Nam Hải, phần 2, Christopher Yung, http://www.21.ccomnet/articles,net/qqsw/zlwj/article_20140213100476.html, duyệt lần cuối, tháng 9/2016.
[1112] China: The Three Warfares-Prepared for DoD 2013 June 7, https://cryptome.wikileaks.org/2014/06/prc-three-wars.pdf, p.396
[1113] http://www.ea.sinica.edu.tw/Forum?Huangyan%20Island,html