Thứ Ba, 17 tháng 12, 2024

Kim Lân – Nhà văn của lớp người “đầu thừa đuôi thẹo”

Vương Trí Nhàn

 

Kim Lân – tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, con gái Kim Lân

 

Thật lòng khó nói rằng Kim Lân hồi trẻ có một vẻ ngoài sang trọng. Hình như ông sẵn sàng tỏ ra nhếch nhác luộm thuộm một chút trước mặt mọi người để càng không ai để mắt tới ông càng tốt. Tôi nhớ khoảng 1968-1970 nghe một đồng nghiệp là nhà văn Lê Minh nói về Kim Lân. Trong một buổi họp của giới văn nghệ, đáp lại lời yêu cầu của tôi là nhờ chỉ cho biết mặt Kim Lân, Lê Minh đảo mắt nhìn quanh rồi nói đùa:

- Khéo khi gặp lại ngạc nhiên vì cái vẻ quá cỏ rả của ông ấy chứ lại!

Dĩ nhiên có dịp nói chuyện với Kim Lân rồi thì chúng tôi đều hiểu rằng đằng sau cái bề ngoài xuềnh xoàng của một con người cứ muốn tự xoá mình đi ấy là một ngòi bút có cá tính, một kiểu đóng vai lâu ngày đã hoá tự nhiên. Song, ấn tượng ban đầu vẫn không hoàn toàn phai mờ; nghĩ cho cùng thì vẫn thấy giữa cái vẻ nhuế nhoá, xọ dụi kia với văn chương Kim Lân có gì rất gần gũi. Nhà văn này, viết những thứ này, thì phải có dáng dấp như vậy. Vợ nhặt, Con chó xấu xí, người ta không thể nghĩ được những cái tên xứng đáng hơn để chỉ nội dung các tác phẩm ấy! Ở đoạn kết Người chú dượng, nhân vật xưng tôi nói về hai vợ chồng bà dì mình “những con người như là đầu thừa đuôi thẹo ở khắp các xó xỉnh của cuộc sống được các anh cán bộ đội ghép lại, xây dựng cho thành vợ thành chồng”. Lùi về xa hơn nữa, ở chỗ bắt đầu sáng tác của Kim Lân là trường hợp Đứa con người vợ lẽ, thiên truyện kể lại nỗi nghèo đói – đói theo nghĩa đen – của một thanh niên tự cảm thấy kiếp sống mình là sống thừa. Hình như những mẫu người đầu thừa đuôi thẹo ấy đã gửi một đại diện của họ vào văn học và Kim Lân đã làm việc này một cách tự nguyện. Trước mắt chúng ta là một thế giới bé nhỏ, chật hẹp, nhưng con người, khung cảnh không lẫn vào đâu được.

Toàn bộ cuộc đời văn học của Kim Lân nói với chúng ta rằng ở đây, cái người ta cần là một tiếng nói riêng, một thứ “mặt hàng” riêng. Những nét độc đáo của một nhà văn vừa được chắt ra từ cuộc đời của nhà văn đó, vừa là điểm hội tụ của những yếu tố mà quê hương, cộng đồng và thời đại đã mang lại.

Quê Kim Lân, như nhiều người đã biết, ở Phù Lưu, Bắc Ninh. Làng chợ Dầu nói riêng cũng như phủ Từ Sơn cũ bao gồm cả những Đình Bảng, Sặt, Đồng Kỵ… chung quanh vốn là một vùng văn vật có tiếng của đất Kinh Bắc. Con người nơi đây có thể nghèo túng nhưng vẫn cố giữ lấy vẻ tài hoa nền nếp cổ hủ, không đi đâu xa nhưng vẫn tỏ vẻ khéo léo, bặt thiệp, lại thường hay trọng sĩ diện, trọng vẻ bề ngoài, đến mức đưa sự khách sáo lên thành một tiêu chuẩn sống. Cái bản sắc được củng cố và lưu truyền từ đời nọ sang đời kia ấy ở người dân chợ Dầu, sẽ vào trong văn xuôi Kim Lân, tạo nên một thứ chất đồng bằng Bắc Bộ, kín đáo, chín chắn và làm cho tác phẩm của ông có thể có ích cho một nhà xã hội học nào đó, muốn hiểu một ít về mảnh đất giàu truyền thống văn hoá này.

Nếu để ý một chút, ta sẽ thấy các nhân vật chính trong truyện ngắn của Kim Lân đều có một nét tính cách nào đó, đậm đà, đáng nhớ. Ông cả Luốn gốc me trong thiên truyện cùng tên, làm gì cũng lo giữ gia phong, và rất ngại ngần trước những thay đổi đang diễn ra chung quanh. Ông Hai trong Làng dù phải đi tản cư xa, vẫn muốn ra người có căn có cốt, đàng hoàng, có một quê hương đích đáng để tự hào. Cho đến cả anh chàng Tràng đi kéo xe bò thuê, thật ra cũng là một người đàn ông tài hoa, tự trọng, biết khoe mẽ, biết dền dứ làm trò trước người đời. Thật vậy, đầu đuôi câu chuyện Vợ nhặt của Tràng, chẳng phải là câu hò bâng quơ: “Muốn ăn cơm trắng với giò - Lại đây mà đẩy xe bò với anh” là gì? Rồi cái sự hoang toàng của Tràng giữa cảnh đói kém vẫn dám để ra hai hào mua dầu nhân ngày vợ chồng về với nhau, cũng là một nét thêm vào cái phần duyên dáng ở Tràng chứ sao! Những Tràng, ông Hai, ông cả Luốn này gợi chúng ta nhớ tới người dân ở một vùng đất khắc khổ, con người phải trầy trật mới có miếng ăn, nhưng vẫn biết tô điểm cho mảnh đất đã nuôi sống mình có được những nét đặc sắc không lẫn với mọi nơi khác. Nên biết thêm là trước đây đồng bằng Bắc Bộ nói chung, vùng Kinh Bắc nói riêng có những người thợ rất giỏi. Làm đình làm chùa, tô tượng, đúc chuông hay tỉ mỉ nặn ít con giống, phất ít đồ chơi, họ đều có sự kỹ lưỡng thành thạo và giữ được tình cảm thiêng liêng đối với nghề nghiệp. Kim Lân chính là một người thuộc vô số nghệ nhân “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” đó. Nếu nói như Nguyễn Tuân nghề văn là nghề của chữ thì người viết văn này thật đã có một tay nghề vững chãi. Trong tay những ông thợ mộc tài hoa các loại gỗ có dịp phô ra hết vẻ đẹp để trở nên đắc dụng trong từng công việc thế nào thì chữ nghĩa trong tay Kim Lân cũng như vậy. Dưới sự điều khiển của ông, những con chữ hiện ra trên mặt giấy dễ dàng, thanh thoát, đâu ra đấy mà không lộ rõ sự dụng công phiền phức, hình như từng chữ biết tìm đúng vị trí của nó để tồn tại, những chữ người khác dùng đã bao lần rồi, đến tay ông vẫn tươi mới, như vừa được dùng lần đầu. Một chút tủi thân mà Kim Lân từng cảm thấy rất rõ về thân phận mình (Đứa con người vợ lẽ) càng làm cho ông hiểu rằng, chỉ bằng sự tinh thông nghề nghiệp, một người viết văn mới có được một chỗ đứng vững chắc. Đó cũng là con đường duy nhất để đạt tới sự tự hào chân chính “Ta cũng chẳng kém gì các người!” mà trước đây, ông hằng mong ước (xem một số đoạn tự sự trong bài của Nguyên Hồng Chặng đầu đi tới tạp chí Văn nghệ số một[*]).

Thế rồi, cũng như nhân vật Tràng trong Vợ nhặt, Kim Lân gặp Cách mạng, được giác ngộ, tham gia Văn hoá Cứu quốc, tiếp đó là đứng trong hàng ngũ kháng chiến bên cạnh nhiều ngòi bút tài năng khác. Từ nay, là một bước đổi mới. Kim Lân từng diễn tả rất hay những biến đổi trong tâm lý một người nông dân như ông Hai. Trước ông Hai hay có lối khoe hão về làng mình rằng làng xưa quan cách thế này, chơi bời thế này. Nay, thay vào đó, là niềm tự hào vì tấm lòng son sắt của quê hương với kháng chiến. Những tình cảm ấy chính Kim Lân đã trải qua, và ông muốn ghi lại chúng thật sắc nét. Nhưng, dù viết về những ngày tản cư kháng chiến (Làng, Con chó xấu xí) hay cải cách ruộng đất (Người chú dượng) xây dựng hợp tác xã (Ông cả Luốn gốc me) thì nhà văn này vẫn trở về với vị trí xuất phát – những con người “đầu thừa đuôi thẹo”, ở “mọi xó xỉnh đời sống” như ông từng nói. Hãy thử nhớ lại truyện ngắn Con chó xấu xí. Giá kể vào tay Nam Cao, thì câu chuyện đơn sơ ấy sẽ gợi lên nhiều suy nghĩ về nỗi đời cay đắng và đơn bạc cùng những thoáng hối hận: hoá ra trong cách nhìn người, chúng ta thường chỉ căn cứ vào bề ngoài, nên rất dễ nhầm lẫn. Hoặc như vào tay Nguyên Hồng, tác giả Bỉ vỏ sẽ nồng nhiệt đứng ra chứng minh rằng trong những con người khốn khổ này, còn bao nhiêu điều tốt đẹp, và dưới ánh sáng nhân bản thì những tấm lòng vàng này không thể gọi là xấu xí được. Kim Lân không thế và không thể làm thế. Ông lặng lẽ thừa nhận rằng những gì mà mình nói tới và có thể, chính mình nữa, những thứ người, thứ vật bị hắt hủi bị ghét bỏ ấy, nhiều khi kiếp sống nhạt nhẽo và buồn thảm thật, không việc gì phải tô điểm cho đẹp và cũng không ai tô điểm nổi. Mọi sự lớn tiếng ở đây đều không phải tạng của Kim Lân. Ông chỉ ngấm ngầm truyền sang chúng ta một niềm an ủi: Những đầu thừa đuôi thẹo khốn khổ, dúm dó kia vẫn có chỗ đáng để người ta trân trọng, đối xử cho có tình nghĩa, và có lúc, nó đáng để người ta nghĩ hơn mọi thứ cao sang giả dối khác.

Kim Lân thường hay kể mặc dù mãi tới 1962 mới được viết ra, nhưng Con chó xấu xí đã được ấp ủ từ những ngày kháng chiến, khi Kim Lân cùng với Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng đi đi về về giữa những làng Thệ, Gia Điền, Sơn Cốt, ấp Cầu Cháy, v.v. vừa chạy Tây càn vừa lo làm tạp chí Văn Nghệ – cơ quan của Hội Văn nghệ Việt Nam lúc ấy. Trong cuộc đời cầm bút của nhiều tác giả, đây là những ngày sôi nổi. Nào viết, viết trong đêm lạnh, khoác chăn, quấn cả quần nâu to xù xù lên cổ ngồi viết. Nào lo đi nhà in, in báo. Trong hồi ký Những ngày Gia Điền, Nguyên Hồng từng kể lần Nguyên Hồng và Kim Lân khoác ba lô bản thảo lên vai “xuôi bờ sông Lô, qua sông Lô lên bến Thản rồi sang Thản Sơn huyện Lập Thạch” để đến nhà in. Trước khi đi, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi còn dặn thêm:

“- Ông Hồng vốn có tiếng cẩn thận giữ bản thảo thì ông chịu trách nhiệm về bản thảo. Còn ông Lân người ý tứ, tinh việc thì chịu trách nhiệm giao thiệp với nhà in. Thôi hai ông về trước mà chuẩn bị Tết và đón anh em nhé!” (trích Tuyển tập Nguyên Hồng, tập II).

Hoá ra, bên cạnh thói quen hậm hụi ngồi viết, viết thật kỹ lưỡng, Kim Lân còn thuộc loại tháo vát nữa. Không bao giờ tin rằng mình tài cán gì lắm, nhưng bao giờ trong đầu ông cũng “nhấp nhỉnh những ý nghĩ” (chữ trong Vợ nhặt), tưởng là không để ý gì hết vì biết rằng nhiều việc không phải của mình – nhưng lại vẫn để ý tất cả, muốn xem xét tất cả để lo liệu và lẳng lặng tìm lấy một chỗ đứng của mình trong cuộc đời.

Tới những ngày tuổi già, khi đã chính thức về hưu, thói quen ấy, cách sống ấy càng được Kim Lân trau chuốt kỹ lưỡng. Đi họp, không mấy khi ngồi ở hàng đầu, nhưng họp gì vẫn nhớ không sót. Khi cần mới phát biểu, nhưng nói bao giờ cũng cố giữ lấy cái giọng riêng nhằm tạo được ấn tượng riêng. Những lúc rỗi ông hay kể với anh chị em ít tuổi chúng tôi về những nhà văn lớp trước, để cùng suy ngẫm về đời văn của mỗi người:

- Cụ Tố mới ghê chứ. Trong các nhà văn Việt Nam đã mấy ai hiểu kỹ nông thôn bằng Ngô Tất Tố. Đến cả Nam Cao cũng không bằng được. Khi tôi viết xong cái Làng, được Ngô Tất Tố khen, tôi sướng lắm.

- Nguyên Hồng ngồi giữa đám Hà Nội vẫn có nét sang trọng riêng. Do sự tự tin của ông, nên cái vẻ ngoài lam lũ nó tan biến đi.

- Chết! Chết! Hồi ấy Nam Cao lạ lắm. Muốn thay đổi tất cả. Có lần, ông còn định viết cả truyện bắt gián điệp cơ mà.

Tính lại cả đời văn, thì Kim Lân viết ít, từ sau 1945 đến nay, chỉ lưa thưa có vài truyện ngắn. Dẫu vì lý do gì, thì sự ít ỏi này cũng là điều đáng tiếc! Kim Lân hay ngấm ngầm tự trách mình về việc đó. Một lần, nhân nói về một đồng nghiệp viết rất đều tay, viết như người thợ đóng bàn ghế, hết việc này sang việc khác mà không cần có cảm xúc gì hết, Kim Lân cũng biết là hỏng, nhưng không quên nói thêm:

- Bố ấy hỏng một đằng mà tôi, tôi lại hỏng về một đằng khác.

- Nhưng nghe nói bác vẫn “bí mật” viết cơ mà?

- Ấy, những chuyến đi công tác như đi đóng phim, hay đi giúp một trại viết nào đó, tôi đã ráp trong đầu rất kỹ. Nhưng rồi lại không viết được.

- Phải cái cuối cùng bác cho in hồi còn tạp chí Tác phẩm mới, là Bà mẹ Cầm?

- Đang viết để trên bàn, ông Nguyên Hồng đến chơi, ông ấy cầm về đấy thôi, – vẻ mặt nhà văn thoáng chút băn khoăn – chứ cái ấy mình viết đâu đã kỹ!

Cùng một lúc với sự thôi viết, ở một số nhà văn, sự đọc cũng hết cả tinh tường; khi thì quá cao đạo, gì cũng chê, chưa đọc đã chê; khi quá dễ dãi, ra điều bề trên, xoa đầu thiên hạ cho vui. Kim Lân xa lạ với cả hai thái độ cực đoan đó. Ông không quên đặt ra những yêu cầu cao với những văn chương, nhưng lại cũng thông cảm với những khó khăn của việc cầm bút, kể cả lớp người sau mình. Nhất là ông bao giờ cũng có ý vì nể người đang viết khoẻ, ngụ ý rằng nếu tất cả đều kỹ tính như mình thì còn gì là đời sống văn chương nữa. Các trại viết của Hội Nhà văn cũng như của các ngành, các địa phương thường vẫn thích mời Kim Lân đến kèm cặp hộ, và nhiều anh em mới viết rất tin nhận xét của thầy Lân. Trong sự gần gũi với lớp người mới cầm bút, nhà văn tìm lại những hy vọng của chính mình. Ấy là không kể thỉnh thoảng Kim Lân được mời đi đóng phim. Kể duyên nợ giữa nhà văn với nghề diễn viên cũng dai dẳng đã gớm! Xưa, hồi mới mười tám hai mươi, ông đã lên sân khấu sắm một số vai trong các vở kịch của Mô-li-e, Vũ Trọng Can. Nay, ông lại được coi là rất thích hợp với những vai nông dân già, nghèo, sống hơi tủi phận một chút (kiểu lão Hạc trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy).

Ở chỗ này, có một câu chuyện vui vui nó thể hiện cái tỉnh táo của Kim Lân. Trong một buổi họp ở Hội khoảng giữa những năm 80, nhà văn Nguyễn Minh Châu xưa nay vốn mến mộ tác giả Vợ nhặt, nhân lúc ngà ngà chén rượu, mới thổ lộ một ý nghĩ thật của mình:

- Ông Kim Lân ạ, có lẽ là ông cũng nên thôi đi đừng đóng phim nữa. Dính vào cái công việc nặc nô ấy nó làm nhảm cái nghề văn của mình đi.

Có lẽ xưa nay vẫn quý Nguyễn Minh Châu là người viết được và cũng hiểu tác giả Cửa sông, Dấu chân người lính thật bụng với mình, nên Kim Lân không nói lại, chỉ đăm đăm nghĩ một điều gì đó, vẫn cái vẻ tui tủi như mọi khi. Nhưng lát sau, khi nhà văn tên tuổi đang nổi như cồn ấy đã đi chỗ khác, ông mới quay sang mấy anh em ngồi cạnh, nói một cách đàng hoàng:

- Nói khí vô phép chứ, người thế mà cổ bỏ mẹ! Tôi không viết được là tại tôi chứ có phải tại đi đóng phim đâu. Mà nghề văn của mình đã lấy gì để bảo đảm là đứng đắn hơn các nghề khác? Còn làm được việc gì có ích, tôi còn làm. Đang lúc tàu xe khó khăn thế này, chỉ thỉnh thoảng được đi khỏi Hà Nội ít ngày đã thú lắm rồi.

Sở dĩ tôi nhớ rất kỹ mẩu đối đáp này vì nó là một trường hợp bộc lộ rõ con người Kim Lân, nó lại cũng giúp tôi hiểu được cái tình thế tế nhị ở ông hiện nay – một người ít viết và có lẽ mấy năm nay đã ngại viết nhưng về cách tồn tại của một nhà văn thì lại cực kỳ thành thạo. Đầu 1986 cầm trên tay cuốn Anh chàng hiệp sĩ gỗ in ra từ đầu năm 1958, ông để một lúc ngồi kể với tôi về những toan tính muốn chữa lại thiên truyện vài ngàn chữ ấy. Đâu nhà xuất bản Kim Đồng muốn tái bản và nếu vậy, ông phải sửa chữa lại. Kim Lân là thế. Ông xa lạ với loại người buông thả, muốn đến đâu thì đến. Theo ông, bên cạnh sự lười biếng trông rõ rành rành ấy, còn có một lối viết như đồng thuộc, viết lấy được, thậm chí loanh quanh luẩn quẩn mang những ý cũ của mình ra xào xáo lại. Lối lười biếng ấy, trước sau nảy sinh ra sự thoái hoá, người tài năng mấy mà quá ỷ tài cũng sinh ra viết bừa, viết nhảm, tự mình phá đổ đi cái uy tín mình đã dày công xây dựng. Trước những ngòi bút viết đông viết tây, viết xuôi viết ngược đủ kiểu, sự khó tính kỹ tính của Kim Lân hoá ra có lý, ấy thế mới chết cho những ai thiếu bản lĩnh!

Liệu viết bao nhiêu tác phẩm thì một ngòi bút trở thành một nhà văn? Tôi lẩn mẩn tự đặt ra cho mình câu hỏi ấy, nhân nghĩ về trường hợp Kim Lân. Vâng, viết nhiều viết khoẻ thì hay biết mấy rồi, nhưng trong văn học vẫn có những trường hợp như Phan Huy Vịnh sống với một bài dịch, Thôi Hữu chỉ còn lại với một bài thơ, và ngay trong văn xuôi, đầu thế kỷ này, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn mỗi người chỉ có dăm bảy truyện ngắn. Cho nên, mặc dù rất tiếc là Kim Lân không viết được nhiều, tôi cũng như một số đồng nghiệp khác vẫn phải công nhận chỉ với mấy truyện ngắn đã in nhà văn này vẫn có chỗ đứng của mình trên văn đàn; Kim Lân chính là một kiểu tồn tại trong cái giới nhà văn kỳ lạ thời nay./.

1986


[*] Đăng báo Văn Nghệ, số 502 (15/6/1973), có trong cuốn Nửa thế kỷ báo Văn Nghệ 1948-1998, Nxb. Hội Nhà văn, 1998, tr. 119-129 (xin cảm ơn anh Lại Nguyên Ân đã cung cấp nguồn bài viết này của Nguyên Hồng – Văn Việt).