Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương - Yết Kiêu (16)

Đông Ngàn Đỗ Đức

SẮC ĐEN VĨNH CỬU

(Về hội họa của Lục Quốc Nhượng)

 

Tranh Lục Quốc Nhượng có người khen lên mây, lại cũng có người sổ toẹt. Đó là điều đặc biệt vì nó đứng ở đường biên của sự sáng tạo và hủy diệt của cái sắc đen ấy.

Trên cái thế chênh vênh của hình và sắc, ông làm xiếc với tấm toan và hộp sơn cùng với cái vô thức đầy ắp trong người. Giữ thăng bằng được thì ngoạn mục, sơ sẩy là ngã gãy cổ.

Lục Quốc Nhượng đã có lúc lên mây, lại cũng có lúc dập mặt xuống đất rồi lại lồm cồm đứng dậy như không có chuyện gì. Đó là thái độ lì lợm của ông tuyên chiến với cái vô thức cho một phòng tranh đánh số.

Hay hay dở còn tùy cách tiếp cận của mỗi người theo tiêu chí nào. Nhưng có một điều có thể khẳng định rằng không có họa sĩ thứ hai nào trong sơn dầu lại dùng đen như ông, một sắc đen đặc quánh hắc ín. Hơn nữa lại dùng nó một cách hả hê vung vãi, mà kết cục trông cũng được.

Khi đen đã lên ngôi vị gia trưởng thì các màu khác chỉ còn vai trò phù trợ lẽ mọn. Nhưng đám lẽ mọn đó lại hợp tác với nhau khá hữu hiệu. Những sắc đỏ vàng nâu được lão nhà giàu sắc đen keo kiệt nhả ra vừa đủ làm ửng một không gian theo ý muốn.

Ông bảo rằng muốn dùng ít màu nhất để nói được nhiều nhất. Nghe cứ sắc sắc không không như nhà Phật, chẳng biết có đúng không.

Cũng vì lẽ ấy mà sắc đen gia trưởng và hãnh tiến của ông được dịp phát phì. Nó trở nên sù sì thô lậu kén chọn người chơi nên ít bạn. Nhưng nếu đã có bạn thì là tri kỉ tri âm. Đấy vừa là thành công, vừa là thất bại của họa sĩ họ Lục.

Ông trò chuyện với tôi rằng chỉ có đen mới giải tỏa được cảm xúc cho mình. Ông coi đen là bạn đồng hành khả dĩ đặt niềm tin. Và ông chọn cửa đó như con bạc khát nước, quyết đặt cửa đến đồng vốn cuối cùng.

Tại triển lãm hội họa vào giữa tháng 2/2009 ở 16 Ngô Quyền Hà Nội, Lục Quốc Nhượng bày 45 bức sơn, hoành tráng trong sự ngự trị của sắc đen, không đặt tên mà chỉ đánh số với một triết lí ngang phè: “Cái tên gây ra sự áp chế với người xem. Tôi giải phóng họ để cho trí tưởng tượng của mọi người được thăng hoa, để mỗi người tự tìm ra câu trả lời cho mình khi cảm xúc đi qua”, nghe vừa thấy cùn lại vừa trọng thị, vì nói cho cùng thì tranh Lục Quốc Nhượng mà đặt tên thì còn vô nghĩa hơn.

Ông tâm sự: “Mỗi bức tranh là một chân dung của tôi, sẽ là một chân dung rất khách quan trước con mắt bạn bè và người xem”. Và ông luôn khao khát hướng tới điều đó khi cây bút vẽ còn cầm trên tay.

Trong mắt tôi Lục Quốc Nhượng là một tính cách cực đoan. Do vậy mà bước đi bước ngã. Đã có những tranh đẹp và cũng còn lẫn nhiều đá cuội. Nhưng tôi yêu ông ở cái riêng bất tử ấy. Người nghệ sĩ phải biết cái mình yêu và bảo vệ lấy lô cốt tình yêu của mình.

Đã nhiều lần tôi tự hỏi: Cái gì làm nên chân dung người nghệ sĩ? Chắc chắn không phải là kẻ đẽo cày giữa đường, mà chỉ có thể là một kẻ cô đơn trong giang sơn của mình. Người ta sẽ nhìn vào nơi đó: Có thể đó là một lâu đài nguy nga, nhưng lại cũng có thể là căn lều đổ nát. Có như vậy mới có thể làm nghệ thuật và dám khẳng định mình.

Lục Quốc Nhượng đã và đang đi trên con đường mạo hiểm đó. Nhưng liệu con tàu ngang bướng của ông có cập bến vinh quang? Cái đó còn tuỳ duyên ở tay nghề và bản lĩnh của ông ngoan cường đến đâu vì ông giờ đây vẫn đang một mình lênh đênh trên biển cả với sắc đen vĩnh cửu. Tàu còn chưa cập bến.

 

2/2009