Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông (kỳ 23)

Tác giả: Lê Oa Đằng
Việt dịch: Phan Văn Song
This image has an empty alt attribute; its file name is image-61.png

CHƯƠNG VI

TRANH CHẤP VỀ QUYỀN LỰC TRÊN BIỂN (2009-2015)

Sau Thế vận hội Bắc Kinh 2008, Trung Quốc đề ra chiến lược trở thành cường quốc biển. Trong bối cảnh đó, vấn đề Nam Hải (biển Đông) tiếp tục nóng lên, nhiều xung đột tiếp diễn. Năm 2009 là bước ngoặt trong lịch sử biển Đông, với 3 sự kiện lớn xảy ra: sự kiện tàu USNS Impeccable giữa Trung Quốc và Mĩ; việc nộp hồ sơ thềm lục địa mở rộng cho Liên Hiệp quốc, và việc Mĩ đưa ra Chiến lược tái cân bằng Châu Á. Vấn đề biển Đông nhanh chóng chuyển từ vấn đề khu vực thành vấn đề quốc tế. Trung Quốc không che đậy tham vọng chiếm lấy biển Đông, các nước xung quanh đoàn kết chống lại Trung Quốc, các nước lớn ngoài khu vực do Mĩ đứng đầu cũng tích cực can dự hơn vào công việc biển Đông. Ba vụ tranh chấp lớn về dầu mỏ trong năm 2011 báo hiệu xu hướng xấu đi trong cục diện biển Đông. Năm 2012 là năm mang tính bước ngoặt: sự kiện bãi Scarborough là sự chuyển giao quyền kiểm soát thực tế đảo đầu tiên trong thế kỉ 21, quan hệ Trung Quốc – Philippines liên tục rơi xuống đáy; gần như đồng thời, Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa, và trong một loạt các biện pháp, kế hoạch giành quyền kiểm soát thực tế biển Đông bằng biện pháp uy hiếp đã được xúc tiến toàn diện; tiếp đó, cuộc khủng hoảng giữa Trung Quốc và Nhật Bản về vấn về đảo Điếu Ngư (Senkaku) đã làm tình hình vốn ổn định trong khu vực xấu đi, Nhật Bản cũng tham gia vào cuộc tranh chấp vấn đề biển Đông. Năm 2013, bất chấp phản đối của Trung Quốc, với sự ủng hộ của ASEAN và cộng đồng quốc tế, Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế; để trả đũa, Trung Quốc đã gây ra sự kiện bãi Nhân Ái (Cỏ Mây), dẫn đến sự chỉ trích của quốc tế; tháng 9, Trung Quốc đột nhiên tuyên bố thiết lập khu nhận dạng phòng không “kiểu Trung Quốc”, không phù hợp với luật quốc tế, không những dẫn đến sự phản đối quyết liệt của thế giới mà còn dấy lên lo ngại về khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập khu nhận dạng phòng không ở biển Đông và về những tranh chấp về đường 9 đoạn. Năm 2014, ngay sau khi đề xuất (quan điểm) “Cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc – ASEAN” không lâu, Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu đặt tại vùng biển đảo Hoàng Sa làm nổ ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc quyết liệt ở Việt Nam, tranh chấp Hoàng Sa lại nổi lên. Gần như đồng thời, báo chí đã đưa tin công khai việc Trung Quốc xây dựng đảo quy mô lớn tại biển Đông, dẫn đến sự chỉ trích gay gắt từ các nước, nhưng Trung Quốc không nao núng, đến tháng 6/2015 tuyên bố hoàn thành công trình bồi đắp đảo; cuối năm 2015, Mĩ tuyên bố thực hiện tự do hàng hải, không công nhận tính pháp lí của các đảo nhân tạo; tháng 7/2016, Philippines thắng kiện trong bối cảnh Trung Quốc từ chối không tham dự vụ kiện tại Tòa trọng tài, và không thừa nhận kết quả trọng tài.

Cục diện biển Đông diễn biến nhanh, nhiều sự kiện khiến người ta không thể không quan tâm. Vấn đề biển Đông thậm chí được mở rộng thành vấn đề quốc tế, về sự tranh giành bá quyền và chuyển dịch quyền lực giữa Trung Quốc và Mĩ. Các nước như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Liên minh Châu Âu vốn không mấy quan tâm, nay cũng tham dự vào vấn đề biển Đông. Cần nhấn mạnh là, vấn đề biển Đông chỉ là một khía cạnh trong quan hệ giữa Trung Quốc với ASEAN và Mĩ, Nhật, dù rất quan trọng, nhưng không phải là khía cạnh duy nhất trong quan hệ giữa các nước này, đồng thời nó còn chịu ảnh hưởng của yếu tố chính trị trong nước của mỗi quốc gia. Vì vậy, dù có lúc nào đó các xung đột ở biển Đông có vẻ rất lớn, nhưng do sự tồn tại đồng thời và sự ràng buộc của nhiều nhân tố khác nên về tổng thể, vấn đề biển Đông vẫn ở trong giai đoạn có thể kiểm soát được. Phân tích kĩ càng nguyên do của mỗi sự kiện, đặc biệt là sự kiềm chế lẫn nhau giữa các nhân tố nằm ngoài phạm vi cuốn sách này, cũng không thuộc phạm vi nghiên cứu “lịch sử” (mà thuộc phạm vi nghiên cứu quan hệ quốc tế và chiến lược), hơn thế không thể trình bày trong một chương mục ngắn. Vì vậy, chương này tập trung vào tổng thuật và phân tích về mặt lí luận các sự kiện quan trọng, còn những vấn đề đối nội, đối ngoại và chiến lược chỉ có thể phân tích sơ qua.

VI.1. Chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc

Năm 2008 là năm bước ngoặt cực kì quan trọng đối với Trung Quốc. Tháng 3, bạo loạn nổ ra ở Tây Tạng. Tháng 4, trong khi rước đuốc Thế vận hội, người Tạng hải ngoại đã có hành động cướp đuốc lửa, người Hoa hải ngoại dấy lên hành động bảo vệ ngọn đuốc thánh, chủ nghĩa yêu nước cuồng nhiệt của người Trung Quốc bị kích động cực mạnh. Tháng 5, Trung Quốc xảy ra vụ động đất Tứ Xuyên gây thương vong lớn, phản ứng cứu trợ thiên tai nhanh chóng và hiệu quả đã có tác dụng khơi dậy lòng tự hào, tình yêu nước và trách nhiệm xã hội của người dân, được đánh giá là “đa nan hưng bang”. Tháng 8, sau khi tổ chức thành công Thế vận hội Bắc Kinh được mong đợi nhiều năm, Trung Quốc bỗng trở thành nước siêu lớn trong con mắt thế giới, lòng tự tin, tự hào dâng cao. Tháng 10/2008, bắt đầu cơn sóng thần tài chính ở Mĩ, cả thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, nhưng Trung Quốc không những thoát khỏi hiểm họa, mà còn phát huy tác dụng quan trọng trong việc ổn định tình hình khu vực và thậm chí trên thế giới, trở thành niềm hy vọng cứu vãn nền kinh tế thế giới. Chỉ trong nháy mắt, Trung Quốc chuyển từ “quốc gia đang phát triển” trước đó thành “ông nhà giàu lớn” trong mắt thế giới. Với sức mạnh tài chính, lòng tự tin của Trung Quốc được dâng cao. Sau Thế vận hội và cơn sóng thần tài chính, tình hình quốc tế rất thuận lợi cho Trung Quốc. Hơn thế, Trung Quốc cũng không cần thiết phải bao quát toàn diện đến cục diện thế giới như trước khi diễn ra Thế vận hội, bắt đầu xúc tiến mạnh mẽ hơn chiến lược nước lớn của mình. Tham vọng nước lớn của Trung Quốc phản ánh rõ trong quyền lực biển. Trung Quốc vốn là quốc gia lục địa, rất ít quan tâm đến biển. Sau khi thành lập nước, một phần vì không đủ thực lực nên quyền lợi đất liền là mối quan tâm lớn nhất của các nhà chính trị và quân sự Trung Quốc. Nhưng, sau cải cách mở cửa, quyền lợi biển ngày càng trở thành một trong những vấn đề hạt nhân mà Trung Quốc quan tâm. Năm 1982, sau khi Lưu Hoa Thanh trở thành Tư lệnh Hải quân, chiến lược biển của Trung Quốc chuyển từ “phòng vệ gần bờ” (cận ngạn phòng vệ) sang “phòng vệ vùng biển gần” (cận hải phòng vệ). Dưới con mắt của Lưu Hoa Thanh, phòng vệ vùng biển gần tức là “Nam Hải, biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải,... trong các chuỗi đảo thứ nhất, nghĩa là bao gồm toàn bộ vùng biển trong quyền tài phán của nước ta theo quy định của Công ước Luật biển và bao gồm lãnh thổ vốn có của nước ta trên các đảo thuộc Nam Hải”. So với phòng vệ gần bờ thì khái niệm khu vực biển này đã được mở rộng, cùng với sự phát triển về kinh tế và tiến bộ về khoa học kĩ thuật, nó được “mở rộng từng bước đến chuỗi đảo thứ hai.”[1014]

Sau năm 2008, Trung Quốc càng quyết tâm trở thành cường quốc biển, được đúc kết thành 4 nhiệm vụ: “Một là, giữ vững sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, đảm bảo quyền lợi biển của quốc gia, đồng thời mở rộng chiều sâu phòng vệ biển của nước ta. Hai là, đảm bảo sự thông suốt của các tuyến đường biển và sự tự do đi lại của các tàu buôn, vốn rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia của chúng ta. Ba là, bảo vệ các lợi ích và lợi ích đầu tư ở nước ngoài ngày càng mở rộng của nước ta. Bốn là, đảm nhận nhiệm vụ duy trì hòa bình thế giới và an ninh biển.”[1015] Nhiệm vụ xây dựng cường quốc biển được ghi trong Báo cáo Đại hội XVIII.

Kinh phí quốc phòng Trung Quốc tăng với tốc độ hai chữ số liên tục trong hơn 10 năm. Ưu tiên phát triển hải quân, nghiên cứu phát triển và mua một khối lượng lớn vũ khí cùng tàu bè, đóng mới chiến hạm với tốc độ “như bánh canh”. Có hai điều đáng lưu tâm đặc biệt: một là, Trung Quốc đã có tàu sân bay đầu tiên, và đang gấp gáp đóng tàu thứ hai và thậm chí thứ ba; hai là, Trung Quốc cải tạo một số lượng lớn tàu chiến thành tàu hải giám, đồng thời đóng mới tàu hải giám trọng tải lớn. Loại thứ nhất có tác dụng uy hiếp chiến lược, loại thứ hai là công cụ trực tiếp nhất cho bước tiến ở mức gần vũ lực ở biển Hoa Đông và biển Đông. Cuối năm 2008, hải quân Trung Quốc ra khỏi các biển lân cận Trung Quốc, tiến đến Vịnh Aden, hạm đội Trung Quốc đi khắp các vùng biển thế giới. Đây là “lần đầu tiên Trung Quốc phá vỡ chuỗi đảo thứ nhất”, đánh dấu sự khởi đầu cho quá trình vươn ra toàn cầu của hải quân.Nhưng, mục tiêu thực tế hơn của Trung Quốc chính là nhiệm vụ thứ nhất, nghĩa là “duy trì toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ quyền lợi biển quốc gia”. Trung Quốc là nước lục địa, nhưng lại có 12 000 km bờ biển. Trung Quốc từ Bắc đến Nam giáp với 4 biển là Bột Hải, Hoàng Hải, Hoa Đông và biển Đông. Ngoài Bột Hải là biển nội địa của Trung Quốc, Trung Quốc đều có tranh chấp về lãnh thổ hoặc lãnh hải với các nước trong 3 biển còn lại. Tại Hoàng Hải, Trung Quốc tranh chấp bãi Tô Nham (Liyu / Ieodo) với Hàn Quốc; tại Hoa Đông, tranh chấp đảo Điếu Ngư (Senkaku) với Nhật Bản; tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải tại biển Đông luôn là một trong những vấn đề quốc tế phức tạp nhất trên thế giới.

Do nguyên nhân lịch sử, địa lí, quan hệ quy thuộc các đảo tại biển Đông vô cùng mơ hồ. Tranh chấp biển Đông hiện liên quan trực tiếp đến 6 nước 7 bên. Tranh chấp biển Đông bao gồm các tranh chấp lợi ích về một số lĩnh vực dưới đây:

Trước hết là tranh chấp lãnh thổ. Trong 5 quần đảo ở biển Đông thì Hoàng Sa, Trường Sa và đảo Hoàng Nham (bãi Scarborough) đều có tranh chấp lãnh thổ. Trung Quốc cho rằng tất cả các đảo tại biển Đông đều là lãnh thổ của Trung Quốc, nhưng một phần đáng kể hiện đang bị các nước chiếm đóng.

Thứ hai là tranh chấp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Biển Đông có tài nguyên cá và dầu mỏ rất phong phú. Tuy không tuyên bố công khai nhưng Trung Quốc cho rằng mình có quyền tài phán trong đường 9 đoạn. Phạm vi do đường 9 đoạn vạch ra chiếm 80% diện tích biển Đông, nằm sát bờ biển các nước láng giềng. Trung Quốc cho rằng các nước xung quanh chiếm đoạt phần lớn tài nguyên cá và dầu mỏ của Trung Quốc.

Thứ ba là tranh chấp về tự do hàng hải. Biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế nhộn nhịp, cũng là nơi lui tới của tàu chiến các nước. Trung Quốc hiện chưa đề cập đến vấn đề tự do hàng hải nhưng đã nhiều lần phản đối việc tàu chiến Mĩ đi lại quanh quẩn ở biển Đông.

Cốt lõi của vấn đề biển Hoa Đông và biển Đông là Trung Quốc cho rằng tất cả các khu vực có tranh chấp từ xưa đến nay đều thuộc về mình và hiện đang trong tình trạng bị xâm chiếm. Từ góc độ nhu cầu của Trung Quốc, sau khi sức mạnh đất nước lớn mạnh hơn, trao đổi với nước ngoài và giao lưu thương mại gia tăng rộng rãi hơn, Trung Quốc có nhiều lợi ích ở nước ngoài cần bảo vệ. Việc Trung Quốc đề ra việc tăng cường thực lực biển xa là điều dễ hiểu. Nhưng đồng thời, trong tranh chấp về biển, vấn đề tuân thủ luật quốc tế, tôn trọng yêu sách lợi ích hợp pháp và hợp lí của nước lân cận lại bị đặt ở vị trí thứ yếu.

VI.2. Sự kiện tàu USNS Impeccable (T-AGOS-23) (2009)

Biển Đông có lợi ích chiến lược trọng yếu đối với Mĩ. Từ thế kỉ 19, Mĩ đã tiến hành đo đạc biển Đông và là quốc gia tích cực thứ hai, sau Anh trong việc làm này. Cuối thế kỉ 19, Mĩ mua lại Philippines từ tay Tây Ban Nha, có quan hệ thực chất với biển Đông. Trong Thế chiến II, Mĩ là nước duy nhất đánh nhau với Nhật Bản ở biển Đông.[1016] Sau Thế chiến II, Mĩ là nước đầu tiên đặt chân lên hòn đảo chính của Trường Sa – đảo Thái Bình (đảo Ba Bình), đảm trách việc đuổi quân Nhật khỏi đảo. Sau đó, mặc dù Mĩ không tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa và bãi Scarborough, nhưng quân đội Mĩ hoạt động tự do không bị hạn chế ở biển Đông. Trong những năm 1950 và 1960, Mĩ tiến hành nhiều hoạt động bên ngoài lãnh hải ven bờ đảo Hải Nam của Trung Quốc, chỉ khi nào đi sâu trong 12 hải lí mới bị Trung Quốc “cảnh cáo nghiêm khắc”. Mĩ cũng nhiều lần đo đạc biển Đông, lấy đảo Hoàng Nham làm nơi huấn luyện quân sự.

Hoạt động của Mĩ ở biển Đông có nhiều mục đích:

Thứ nhất,bảo đảm vận tải biển thông suốt: Từ xưa, biển Đông đã là khu vực diễn ra nhiều hoạt động của cướp biển, sự có mặt và tuần tiễu của quân đội Mĩ có tác dụng ngăn chặn nạn cướp biển nổi lên. Quân đội Mĩ cũng là lực lượng ngăn ngừa hành động phong tỏa biển Đông của các nước khác trong khu vực. Sự có mặt của quân đội Mĩ giúp biển Đông luôn thông suốt kể từ sau Thế chiến II;

Thứ hai, nhu cầu tác chiến quân sự: Trong Chiến tranh Việt Nam, máy bay ném bom của Mĩ có thể cất cánh từ đường băng trên tàu sân bay ở biển Đông để không kích miền Bắc Việt Nam;

Thứ ba, tham gia cứu trợ nhân đạo: Sau Chiến tranh Việt Nam, chiến hạm Mĩ đã giúp người Việt Nam chạy thoát khỏi Sài Gòn với quy mô lớn;

Thứ tư, trinh sát động thái quân sự của các nước xung quanh: Từ bên ngoài lãnh hải Trung Quốc, Mĩ thực hiện hoạt động giám sát tàu ngầm Trung Quốc nhằm nắm rõ bí mật quân sự của Trung Quốc;

Thứ năm, đo lường thuỷ văn và địa chất biển Đông: Những tư liệu thu thập được có thể sử dụng vào cả mục đích quân sự lẫn dân sự. Chẳng hạn, dữ liệu địa lí mà Mĩ thu thập được chính là dữ liệu trực tiếp ban đầu cho việc khai thác dầu mỏ ở biển Đông;

Thứ sáu, tiến hành hoạt động huấn luyện quân sự và tập trận chung: Sau Thế chiến II, bãi Scarborough (bãi Scarborough) đã từng là nơi tập bắn của quân đội Mĩ. Cho đến nay, Mĩ vẫn không ngừng tập trận chung với các nước xung quanh biển Đông. Nó vừa có giá trị quân sự vừa có giá trị chính trị. Có thể thấy, từ lâu, quân đội Mĩ vẫn đi lại tự do không bị hạn chế ở biển Đông, điều đó có giá trị rất tích cực đối với sự phát triển và ổn định của khu vực.

Trung Quốc không hài lòng với hoạt động trinh sát ven biển Trung Quốc của Mĩ, cho rằng đây là hành động uy hiếp an ninh quốc gia của Trung Quốc. Điều đó không khó lí giải, nhưng hoạt động trinh sát và gián điệp đã có từ xa xưa. Trong quá trình phát triển lâu dài, điều đó trở thành một thông lệ trong quan hệ quốc tế, và là hành vi mà các bên có thể đoán được lẫn nhau. Trong trường hợp đối phương có hành động không phù hợp với luật quốc tế, chỉ có thể giải quyết thông qua phương thức chính trị.

Trong những năm 1960, Trung Quốc không đủ sức chống lại hoạt động trinh sát của Mĩ, chỉ có thể đáp trả bằng cách “cảnh cáo nghiêm khắc”. Trong những năm 1980, quan hệ Trung – Mĩ trở nên hữu hảo, sự cọ sát hầu như lắng xuống. Sau những năm 1990, sự kiện 4/6 (Thiên An Môn -ND) khiến cho tuần trăng mật chính trị Trung – Mĩ kết thúc. Sau khi sức mạnh quân sự tăng lên, Trung Quốc bắt đầu siết lại các hoạt động ven biển của Mĩ bằng vũ lực. Vì thế, cuối thế kỉ 20, va chạm giữa Mĩ và Trung Quốc về vấn đề này lại tiếp tục.

Năm 2001, khi máy bay trinh sát EP-3 của hải quân Mĩ đang làm nhiệm vụ trên biển Đông, hai máy bay chiến đấu của Trung Quốc tiến hành theo dõi và chặn đường, một chiếc va chạm với máy bay trinh sát Mĩ tại vị trí cách đảo Hải Nam 70 hải lí, gây nên cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng. Phi công Trung Quốc Vương Vĩ bị rơi mất tích (sau này được xác nhận đã chết). Máy bay trinh sát của Mĩ bị hư hỏng nặng, buộc phải hạ cánh xuống sân bay Lăng Thuỷ trên đảo Hải Nam. Tuy nhiên, sau đó không lâu ở Mĩ xảy ra sự kiện 11/9 nên trọng tâm ngoại giao và quân sự của Mĩ chuyển sang Afghanistan và Iraq. Xung đột biển Đông giữa Mĩ và Trung Quốc tạm thời lắng xuống. Nhưng hoạt động trinh sát của quân đội Mĩ ở biển Đông, biển Hoa Đông và Hoàng Hải vẫn tiếp diễn. Tháng 9/2002, tàu ngư chính Trung Quốc quấy nhiễu tàu USNS Bowditch, T-AGS-62 tại khu vực Hoàng Hải, cách bờ 60 hải lí. Tàu Bowditch làm ngơ, cuối cùng bị tàu “ngư chính” Trung Quốc đâm vào bộ phận sonar (máy thăm dò thuỷ âm) kéo sau tàu, buộc phải đưa về căn cứ ở Nhật Bản để sửa chữa. Từ năm 2003-2005, nhiều tàu khảo sát của Mĩ tác nghiệp trên biển Hoa Đông và Hoàng Hải đều bị Cục Hải dương và Cục Ngư chính Trung Quốc quấy nhiễu. Tuy nhiên, không có sự kiện nào trong số này có tác động lớn. Ngoài những vụ việc trên, còn rất nhiều tàu tuần tra và đo đạc của Mĩ đều không bị quấy nhiễu. Từ năm 2001-2009, quan hệ Trung – Mĩ hầu như đã đạt được sự cân bằng và thỏa thuận ngầm về vấn đề này.

Nhưng, sự kiện “USNS Impeccable, T-AGOS-23” năm 2009 đã phá vỡ thế cân bằng, báo hiệu cục diện căng thẳng mới tại biển Đông. USNS Impeccable, T-AGOS-23 là tàu thăm dò của hải quân Mĩ, lắp đặt 631 hệ thống máy dò thuỷ âm mảng kéo (SURTASS-LFA). Hệ thống này được cấu thành từ hai bộ phận chủ động và bị động: bộ phận chủ động (LFA) treo thẳng móc vào dưới thân tàu, phát ra sóng âm tần số thấp vào trong nước; bộ phận bị động là một sonar mảng kéo có trang bị một loạt ống nghe dưới nước, được tàu thăm dò kéo với tốc độ chậm, và sóng âm thanh phản hồi nhận được dùng để phát hiện các vật thể dưới nước. Nó có thể vừa dò được địa hình dưới nước, vừa dò được tàu ngầm dưới đáy biển. Cảng Du Lâm của tỉnh Hải Nam là căn cứ hải quân lớn mà Trung Quốc ra sức xây dựng, cũng là căn cứ chính của tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc, vì vậy Trung Quốc cho rằng nhiệm vụ của tàu USNS Impeccable ngoài khơi Hải Nam là thăm dò hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc.[1017]

Đầu tháng 3, tàu Trung Quốc có hành động quấy nhiễu khi tàu USNS Impeccable đang thực hiện nhiệm vụ thường lệ tại biển Đông, cách phía tỉnh Hải Nam 75 dặm về phía Nam. Ngày 5, một tàu Trung Quốc áp sát và chạy lướt qua đầu tàu Impeccable khoảng 91 m; hai giờ sau, máy bay tuần tra Trung Quốc bay qua phía trên tàu USNS Impeccable hơn 11 lần ở cao độ thấp. Ngày 7/3, tàu hải giám dùng vô tuyến phát cảnh cáo tàu USNS Impeccable hoạt động phi pháp, đồng thời ra lệnh cho nó rời đi, nếu không sẽ phải chịu mọi hậu quả. Ngày 8, tàu USNS Impeccable bị 5 tàu Trung Quốc vây ráp, bao gồm 1 tàu tình báo hải quân, 1 tàu giám sát nghề cá thuộc Cục Hải sự, 1 tàu giám sát thuỷ văn biển Quốc gia Trung Quốc và 2 tàu đánh cá treo cờ Trung Quốc. Đoàn tàu Trung Quốc áp sát tàu USNS Impeccable, đến khoảng cách 15m vẫy cờ Trung Quốc, yêu cầu tàu USNS Impeccable rời đi. Người Trung Quốc thậm chí còn định cướp thiết bị dò kéo phía sau của tàu USNS Impeccable. Thông qua trao đổi giữa đài chỉ huy với nhau, tàu USNS Impeccable yêu cầu tàu Trung Quốc giữ khoảng cách an toàn nhưng phía Trung Quốc phớt lờ. Do việc trao đổi không thuận lợi nên tàu USNS Impeccable không hiểu ý đồ của phía Trung Quốc, để tự vệ, tàu Mĩ đã dùng vòi phun nước vào tàu Trung Quốc đang sát gần, 2 tàu Trung Quốc lập tức vượt lên chặn đầu tàu USNS Impeccable, buộc tàu USNS Impeccable phải thả neo. Tàu Trung Quốc dùng tấm gỗ lớn chặn đầu tàu USNS Impeccable không cho tiến lên.[1018]

Trung Quốc không chủ động công bố ngay sự việc, chỉ đến ngày 11, khi phóng viên đặt câu hỏi nên người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới nêu rõ “tàu USNS Impeccable hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc tại biển Đông mà chưa được phép của Trung Quốc, vi phạm quy định liên quan trong Luật quốc tế và luật pháp Trung Quốc. Trung Quốc đã phản đối nghiêm khắc sự việc này với phía Mĩ, đồng thời yêu cầu Mĩ dừng ngay các hoạt động tương tự và phải có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự việc tương tự tái diễn.”[1019]

Mĩ rất xem trọng sự kiện này. Ngày 9/3, Chính phủ Mĩ ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc chạy tàu nguy hiểm trên biển, vi phạm quy định quốc tế. Ngày 10/3, Giám đốc tình báo Mĩ Blair điều trần trước Hạ nghị viện: sự kiện tàu USNS Impeccable là vụ việc nghiêm trọng nhất kể từ vụ va chạm máy bay năm 2001, chủ trương vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc ngày càng mang tính xâm lược hơn. Cùng ngày, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Di sản của Mĩ Walter Lohman nêu rõ: sự kiện tàu USNS Impeccable cho thấy “việc Mĩ muốn nối lại giao lưu quân sự với Trung Quốc là một sai lầm, nếu yêu sách của Trung Quốc đối với biển Đông không vấp phải thách thức thì đến một ngày nào đó, khi muốn tiến hành hoạt động thường lệ Hạm đội Thái Bình Dương của Mĩ sẽ đều phải xin phép Trung Quốc”.

Ngày 10/3, Trung Quốc đưa tàu ngư chính số 311 (trọng tải 4 450 tấn) xuất phát từ Quảng Châu đến biển Đông làm nhiệm vụ. Ngày 11/3, Mĩ đưa tàu khu trục USS Chung-Hoon, DDG-93 đóng ở căn cứ Hawaii đến bảo vệ tàu USNS Impeccable.[1020] Nhưng cùng ngày hôm đó, sau cuộc hội kiến tại Washington giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mĩ Clinton, hai bên đồng ý làm dịu bớt tình hình, cố gắng tránh để xảy ra sự việc tương tự.[1021] Ngày 18, Bộ trưởng Quốc phòng Mĩ cũng tỏ thái độ ôn hòa. Sự kiện tàu USNS Impeccable lắng xuống.

Sự kiện Tàu USNS Impeccable không phải là sự kiện đơn lẻ. Ngày 11/4, tàu thăm dò địa chấn hải dương R/V Marcus Langseth của Đại học Columbia Mĩ tiến hành đo đạc tại vùng biển quần đảo Đông Sa (Pratas) theo yêu cầu của Đài Loan để kịp nộp hồ sơ xin Liên Hiệp quốc về phạm vi thềm lục địa mở rộng đúng hạn. Tàu hải giám sát 81 của Trung Quốc tiến hành quấy nhiễu tàu Mĩ, nói rằng tàu này đi vào vùng biển Trung Quốc mà chưa được Trung Quốc đồng ý và yêu cầu tàu phải rời đi. Thuyền viên Đài Loan đi cùng tàu lập tức báo về Phòng tuần tra eo biển Đài Loan, yêu cầu chi viện. Phía Mĩ cùng lúc cũng báo cáo về Bộ Ngoại giao Mĩ. Cuối cùng, cả 3 bên đều chọn thái độ kiềm chế, tránh làm to chuyện. Ngày 1/5, tại Hoàng hải, tàu khảo sát Victorious, TAGOS 19 của Mĩ cũng bị 2 tàu đánh cá Trung Quốc quấy nhiễu khi chỉ cách tàu Victorious 27 m. Tàu Victorious dùng vòi rồng phun nước nhưng không thoát khỏi sự quấy nhiễu của tàu Trung Quốc, buộc phải cầu cứu một tàu chiến Trung Quốc gần đó. Sau sự kiện tàu Victorious, Mĩ đã lên án và phản đối nhưng bị Trung Quốc phản bác. Ngày 12/6, tàu USS John S. McCain chạm trán tàu ngầm Trung Quốc tại vịnh Subic Philippines, tàu ngầm Trung Quốc đã đâm hỏng cần kéo thiết bị dò thuỷ âm của tàu USS John S. McCain.

Sau sự kiện tàu USNS Impeccable không lâu, Mĩ triển khai Chiến lược “Tái cân bằng Châu Á” (xem mục VI.4), đồng thời không lơi lỏng hoạt động tuần tra tại biển Đông. Tuy nhiên, trọng tâm quan hệ Trung – Mĩ lúc này là ngoại giao, còn về mặt quân sự chỉ nhấn mạnh giao lưu, tăng cường tin cậy và giảm hiểu lầm, nên không có nhiều xung đột được công bố. Cho đến năm 2014, cục diện biển Đông đột nhiên trở nên căng thẳng, Trung Quốc và Mĩ mới công bố nhiều sự việc xung đột.

Phân tích sự kiện tàu USNS Impeccable, T-AGOS-23 635 theo Luật quốc tế

Một loạt sự kiện cùng những sự thật được công bố chứng tỏ sự khác biệt ngay càng lớn giữa Mĩ và Trung Quốc về vấn đề tự do hàng hải. Phần này sẽ phân tích sự kiện nói trên từ góc độ luật pháp quốc tế.

Trung Quốc kiên định lập trường cho rằng, “về vấn đề tàu thuyền nước khác hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, đều đã được quy định rõ trong Công ước luật biển Liên Hiệp quốc và Luật vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Quy định về quản lí nghiên cứu khoa học biển liên quan đến bên ngoài của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tàu USNS Impeccable đã vi phạm luật quốc tế và quy định luật pháp có liên quan của Trung Quốc, đã hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế Trung Quốc ở biển Đông mà không được sự cho phép của Trung Quốc.”[1022] Trung Quốc cho rằng mình có quyền tài phán tại vùng đặc quyền kinh tế. Nhưng trước nay chưa có sự luận bàn cấp nhà nước chính thức nào về vấn đề này. Các lập luận liên quan được các học giả Trung Quốc đưa ra có thể tham khảo,[1023] nhưng đều khó đứng vững.

Trước hết, khoản 1 điều 58 phần V về Vùng đặc quyền kinh tế quy định:

Trong vùng đặc quyền về kinh tế, tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển chịu ràng buộc bởi các quy định liên quan đến Công ước này, đều được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền tự do đặt dây cáp ngầm như nêu ở Điều 87, cũng như quyền tự do sử dụng biển vào những mục đích khác hợp pháp về mặt quốc tế và gắn liền với việc thực hiện các quyền tự do này và phù hợp với các quy định khác của Công ước, như các quyền liên quan đến việc sử dụng tàu thuyền, máy bay hoặc dây cáp, đường ống ngầm dưới biển.[1024]

Còn Điều 87 về “tự do ở vùng biển chung” trong phần VII Vùng biển chung (high sea) nêu rõ:

Vùng biển chung (công hải) được để ngỏ cho tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển. Quyền tự do trên vùng biển chung được thực hiện trong những điều kiện quy định của Công ước hay/và những quy tắc khác của luật pháp quốc tế. Đối với các quốc gia dù có biển hay không có biển, quyền tự do này đặc biệt bao gồm:

a) Tự do hàng hải;

b) Tự do hàng không;

c) Tự do lắp đặt dây cáp hoặc đường ống ngầm, với điều kiện tuân thủ phần VI;

d) Tự do xây dựng các đảo nhân tạo hoặc các thiết bị khác được luật pháp quốc tế cho phép, với điều kiện tuân thủ phần VI;

e) Tự do đánh bắt hải sản trong các điều đã được nêu ở Mục 2;

f) Tự do nghiên cứu khoa học với điều kiện tuân thủ các phần VI và VIII.

2. Mỗi quốc gia khi thực hiện các quyền tự do này phải tính toán đến lợi ích của việc thực hiện tự do trên vùng biển chung của các quốc gia khác, cũng như các quyền được Công ước thừa nhận, liên quan đến các hoạt động trong vùng.

Có thể thấy, tự do hàng hải (mục a) và tự do hàng không (mục b) trong vùng đặc quyền kinh tế và tự do hàng hải trong vùng biển chung là như nhau. Cần chú ý rằng trong khoản này, các lựa chọn c-f đều chịu một ràng buộc nào đó, chỉ có a và b là không có ràng buộc. Hơn nữa, trong Điều 58 “thao tác của tàu thuyền và máy bay” còn được nhắc tới một cách chuyên biệt. Nghĩa là, về tự do hàng hải, vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển chung là như nhau. Việc Mĩ sử dụng từ vùng biển quốc tế (international sea) như một thuật ngữ chung cho các vùng biển chung (high sea), vùng đặc quyền kinh tế và các vùng biển có thể hưởng quyền tự do hàng hải là điều phù hợp.

Quốc gia ven biển được hưởng quyền lợi gì trong vùng đặc quyền kinh tế? Vấn đề này được quy định rất rõ trong Điều 56:

1. Trong vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có:

a) Các quyền thuộc chủ quyền về thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lí các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc phi sinh vật của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió.

b) Quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc:

i. Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình;

ii. Nghiên cứu khoa học về biển;

iii. Bảo vệ và gìn giữ môi trường biển;

c) Các quyền và các nghĩa vụ khác do Công ước quy định.

2. Trong vùng đặc quyền về kinh tế, khi thực hiện các quyền và thực hiện các nghĩa vụ của mình theo Công ước, quốc gia ven biển phải tính toán đến các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác và hành động phù hợp với Công ước.

3. Các quyền quy định tại điều này đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển được thực hiện theo các quy định của Phần VI.[1025]

Quyền lợi mà các nước ven biển được hưởng trong vùng đặc quyền kinh tế không phải là chủ quyền mà là “quyền chủ quyền”. Như tên của nó, chỉ có quyền lợi về “kinh tế”, tức là chỉ có quyền lợi về tài nguyên sinh vật và phi sinh vật biển cùng quyền quản lí và nghiên cứu những tài nguyên này. Có thể thấy, nếu nước khác tiến hành các hoạt động không liên quan đến những điều trên trong vùng đặc quyền kinh tế thì không chịu sự quản lí của quốc gia ven biển, cũng không cần được quốc gia ven biển phê chuẩn. Như vậy, hoạt động của Mĩ có liên liên quan đến hoạt động kinh tế hay không? Nếu như tàu USNS Impeccable thực hiện việc thu thập số liệu về địa chấn thì vẫn có thể nói là liên quan đến tài nguyên dưới đáy biển, vì nó vẫn có thể thăm dò đáy biển có khoáng sản hay mỏ dầu hay không. Nhưng tàu USNS Impeccable tiến hành đo đạc biển, tức là đo đạc đáy nước và thuỷ văn, mục đích là lập bản đồ thuỷ văn và thăm dò tàu ngầm (như Trung Quốc nói). Tất cả những việc làm đó đều không liên quan đến tài nguyên biển. Sự thực thì đo đạc (survey) và nghiên cứu khoa học cùng được nêu ra cạnh nhau trong Công ước. Trong Điều 19, khi liệt kê về nghĩa của thuật ngữ ‘đi qua vô hại’ trong lãnh hải, mục j khoản 2 có nêu [không được tiến hành hoạt động] “nghiên cứu hoặc đo đạc”.[1026] Trong Điều 21, khi liệt kê những vấn đề liên quan đến việc đi qua vô hại trên lãnh hải mà quốc gia ven biển có thể đưa vào luật hay quy định của mình, mục g khoản 1 có nói tới “nghiên cứu khoa học biển và đo đạc thuỷ văn”.[1027] Có thể thấy, “đo đạc” và “đo đạc thuỷ văn” là hai loại hoạt động hoàn toàn đi song song với “nghiên cứu” và “nghiên cứu khoa học biển”. Hoạt động đo đạc của Tàu USNS Impeccable, hiển nhiên không thuộc phạm vi nghiên cứu hoặc nghiên cứu khoa học biển.

Có học giả Trung Quốc cho rằng, hệ thống dò thuỷ âm tần số thấp tạo nguy hiểm cho sinh vật biển. Tuy nhiên:

Thứ nhất, vẫn chưa có bằng chứng đầy đủ và cũng chưa xác định được mức độ nghiêm trọng của nó, cả Trung Quốc lẫn Mĩ đều chưa liệt kê kĩ thuật này là nguy hại cho sinh vật biển.

Thứ hai, ngay cả khi có nguy hại nào đó thì logic cho sự nguy hại này cũng rất dễ bị lạm dụng. Chẳng hạn, chân vịt tàu có thể làm chết cá heo, có rất nhiều thống kê chứng tỏ điều này, nhưng không có loại tàu không dùng sức đẩy của chân vịt. Nếu logic này đứng vững thì tất cả các loại tàu đi qua vùng đặc quyền kinh tế đều làm hại tài nguyên sinh vật biển. Điều đó tương đương với việc tước bỏ quyền tự do hàng hải của tất cả các tàu trong vùng đặc quyền kinh tế, đương nhiên không thể chấp nhận được.

Thứ ba, chuyên gia Trung Quốc tuyên bố, căn cứ khoản 3 điều 58 Công ước, “Các nước, khi dựa vào Công ước để thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ tại vùng đặc quyền kinh tế cần phải quan tâm thích đáng đến quyền lợi và nghĩa vụ của các nước ven biển, đồng thời phải tuân thủ luật và quy định của quốc gia ven biển, được soạn thảo theo quy định của Công ước và các quy tắc quốc tế khác, đồng thời không trái với phần này”,[1028] vì vậy, các nước cần phải tuân thủ luật pháp và quy định do các quốc gia ven biển lập ra.

Đoạn này của Công ước có đôi chút phức tạp, nhưng ý nghĩa thì rất rõ ràng, điều các nước phải tuân thủ là “luật và quy định được soạn thảo theo quy định của Công ước và các quy tắc quốc tế khác, đồng thời không trái với phần này”. Nếu như luật và quy định của quốc gia ven biển (1) không tuân theo quy định của Công ước hoặc (2) không tuân thủ các quy định quốc tế khác hoặc (3) trái với phần này, thì các nước không buộc phải tuân theo. Trong đó, “phần” được nêu tới trong (3) tức là khoản 1 của điều này, có nghĩa các nước có quyền tự do hàng hải và tự do hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế giống như trong vùng biển chung.

Vì vậy, nếu luật pháp do Trung Quốc lập ra trái với Công ước thì căn cứ vào Luật quốc tế, các nước khác không có nghĩa vụ phải tuân thủ. Thực ra, trong “Luật về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, về mặt chữ nghĩa thì không vượt ra ngoài phạm vi Công ước. Có liên quan đến vấn đề này là điều 9 và điều 11:

Điều 9: Để tiến hành nghiên cứu khoa học biển tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bất cứ tổ chức quốc tế hay tổ chức nước ngoài hoặc cá nhân nào đều phải được cơ quan chủ quản của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phê chuẩn, đồng thời phải tuân thủ luật pháp và quy định của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.[1029]

Điều 11: Bất cứ quốc gia nào mà tuân thủ Luật quốc tế và luật pháp, quy định luật pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều được hưởng tự do hàng hải và tự do hàng không tại vùng đặc quyền kinh tế nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; được tự do lắp đặt dây cáp và đường ống ngầm dưới biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; và được sử dụng hợp pháp các phương tiện biển liên quan đến những quyền tự do nói trên. Các tuyến dây cáp và đường ống ngầm dưới biển phải được sự đồng ý của cơ quan chủ quản nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.[1030]

Có điều, chuyên gia Trung Quốc giải thích việc nghiên cứu khoa học biển trong điều 9 bao gồm cả đo đạc, trái với quy định của Công ước. Do vậy, các nước không có nghĩa vụ phải tuân theo cách giải thích này.

Cuối cùng, điều 88 Công ước quy định: “Vùng biển chung chỉ dùng cho các mục đích hòa bình”.[1031] Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, Mĩ đo đạc thuỷ văn làm nguy hại đến an ninh Trung Quốc, do vậy không phải xuất phát từ mục đích hòa bình, vì thế vi phạm Công ước. Cần chỉ ra rằng điều khoản này của Công ước chỉ là điều khoản quy định chung chung về một ý niệm và thiếu những giải thích chi tiết, chẳng hạn như hành vi nào được coi là hành vi hòa bình? Diễn tập quân sự, vận chuyển quân lực và vật tư cho mặt trận trên vùng biển chung có phải là hành vi hòa bình không? Do không có định nghĩa chính xác nên những điều khoản như thế này cùng lắm cũng chỉ là biểu thị nguyện vọng tốt đẹp mà thôi. Thực ra, hầu như trong mỗi điều ước đều có viết từ ‘hòa bình’. Về việc đo đạc của Mĩ tại biển Đông, Mĩ cũng có thể tuyên bố vì mục đích hòa bình, đo đạc địa hình đáy biển là phương pháp chủ yếu để vẽ bản đồ hàng hải, chẳng phải điều đó là vì mục đích hòa bình sao? Ngay cả trinh sát bí mật tàu ngầm của Trung Quốc thì cũng có thể nói đó là vì mục đích hòa bình, ngăn chặn Trung Quốc phát động tấn công vào Mĩ. Có thể thấy, khó có thể dùng điều 88 để chỉ trích Mĩ vi phạm Công ước.

Sau khi lập luận hành vi của mình phù hợp với Công ước, Mĩ có thể vận dụng “Công ước quốc tế về các quy tắc về ngăn ngừa đụng nhau trên biển” (Convention on the International Regulations for Preventing Collisions at Sea, 1972, gọi tắt là COLREG), chỉ trích trở lại Trung Quốc vi phạm Luật quốc tế.[1032] Đây là Công ước kí năm 1972, do Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) công bố, là quy định quốc tế về giao thông trên biển. Trong đó bao gồm mọi quy định về hàng hải như: quan sát từ xa, tốc độ an toàn của tàu thuyền, tránh đụng nhau và việc lựa chọn các biện pháp thực hiện, vùng nước hẹp, khu vực phân luồng tàu chạy, tàu thuyền gặp nhau, tàu thuyền bị hạn chế, đèn hiệu của tàu thuyền,... Năm 1993, Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức hàng hải quốc tế, thừa nhận tính hữu hiệu của “Công ước quốc tế về các quy tắc ngăn ngừa đụng nhau trên biển”.[1033] Ngày 29-11-2007, Đại hội lần thứ 25 Tổ chức hàng hải quốc tế thông qua quyết nghị A. 1004 (25), tiến hành sửa đổi lần mới nhất Công ước này.

Điều 8 Công ước này quy định tàu thuyền có nghĩa vụ tránh đụng nhau (collision).[1034] Điều 13 quy định, khi chạy vượt lên (overtaking), tàu thuyền không được chiếm dụng luồng nước của tàu thuyền bị vượt. Điều 15 quy định, nếu hai tàu chạy theo hai hướng chéo nhau sắp va nhau (crossing), tàu nào thấy tàu kia ở bên phải (starboard side) của tàu mình phải nhường đường. Điều 18 quy định, tàu thuyền tốc độ cao (power-driven) nhường đường cho tàu thuyền di chuyển chậm. Khi xảy ra sự kiện, tàu USNS Impeccable đang trong trạng thái hoạt động chậm, tốc độ hạn chế, vì thế tàu Trung Quốc phải nhường tàu USNS Impeccable. Cho nên, Trung Quốc chí ít đã vi phạm “Công ước quốc tế về các quy tắc tránh đụng nhau trên biển” ít ra trên cả 4 phương diện kể trên.[1035]

Nói tóm lại, mặc dù dưới con mắt của Trung Quốc thì hành động của Mĩ là không thân thiện, nhưng trong sự kiện tàu USNS Impeccable, chính Trung Quốc chứ không phải Mĩ đã vi phạm Luật quốc tế. Nếu đổi vị trí cho nhau trong sự kiện này thì cách làm của Mĩ thường là cho tàu chạy kèm, tức là chạy song song với đối phương ngăn không cho đối phương tiếp tục tiến vào sâu hơn, đây là điều thường thấy nhất trong thời Mĩ và Liên Xô đối đầu.

VI.3. Hồ sơ phân định thềm lục địa mở rộng giữa Việt Nam và Malaysia

Trong Công ước LHQ về Luật biển, thềm lục địa nói chung là 200 hải lí ngoài đường cơ sở, trong những điều kiện nhất định có thể kéo dài 350 hải lí ngoài đường cơ sở. Nhưng nếu các nước muốn có được thềm lục địa trong khoảng từ 200-350 hải lí, tức là thềm lục địa mở rộng (extended continental shelf) thì phải nộp đơn cho Uỷ ban ranh giới thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf) của LHQ, đồng thời phải đưa bằng chứng đầy đủ chứng minh khu vực đó có điều kiện của thềm lục địa.[1036] Điều đó đòi hỏi phải thăm dò kĩ càng đáy biển của khu vực có liên quan, đây không phải việc dễ dàng đối với các nước có thực lực nghiên cứu khoa học không cao. Do vậy, hạn nộp hồ sơ được dời tới ngày 13/5/2009 theo lời kêu gọi của nhiều nước. Trên thực tế, do nhiều quốc gia vẫn chưa hoàn thành việc thăm dò nên thời hạn này đã được gia hạn một lần nữa.

Trước thời điểm nhạy cảm 13/5/2009, đã có hàng loạt sự kiện làm vấn đề biển Đông trở nóng lên. Ngày 10/3, Quốc hội Philippines thông qua “Luật đường cơ sở lãnh hải” (Republic Act 9522),[1037] đưa bãi Scarborough và quần đảo Kalayaan (một phần của quần đảo Trường Sa) vào lãnh thổ Philippines. Tháng 3, Thủ tướng Malaysia đến thăm đá Hoa Lau (Swallow) và tuyên bố chủ quyền tại đây. Tháng 4, Việt Nam tổ chức lễ nhậm chức Chủ tịch huyện Hoàng Sa. Tất cả những hành vi đó đều bị Trung Quốc phản đối.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-128.png

Hình 68: Khu vực thềm lục địa mở rộng do Malaysia và Việt Nam nộp chung

Do địa hình biển Đông phức tạp và dễ xảy ra tranh chấp nên phần lớn các nước có biển đều chưa nộp hồ sơ thềm lục địa mở rộng. Trước hạn chót nộp hồ sơ, Philippines chỉ nộp hồ sơ cho thềm lục địa ngoài cho vùng Benham Rise ven biển phía Đông quần đảo Philippines.[1038] Indonesia mới chỉ nộp hồ sơ cho vùng biển ngoài khơi Sumatra (Sumendanao). Brunei chỉ có tuyên bố sơ bộ. Trung Quốc không đưa ra hồ sơ về biển Đông. Ngày 6/5/2009, chỉ có Việt Nam và Malaysia nộp chung “hồ sơ phân định” thềm lục địa ngoài 200 hải lí của mỗi bên cho Uỷ ban ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp quốc.[1039] (Hình 68). Ngày 7/5, Việt Nam lại nộp riêng “hồ sơ phân định” thềm lục địa mở rộng ở khu vực trung tâm của biển Đông[1040] (Hình 69).

Trong hồ sơ chung, Việt Nam và Malaysia đều căn cứ vào vị trí tương đối 200 hải lí ngoài đường cơ sở ven biển để vạch đường 200 hải lí (đường đỏ). Do khoảng cách tương đối giữa bờ biển hai nước lớn hơn 400 hải lí nên khu vực giữa 2 đường 200 hải lí được trình bày như là khu vực chung (Defined Area - khu vực màu cam). Đường 200 hải lí của Malaysia lại nối với đường 200 hải lí của Philippines (màu đen). Cần nói rõ, Malaysia và Philippines không có sự đồng thuận về phân định trên biển, do đó điểm nối tiếp này là do Malaysia đơn phương xác định. Phần lớn khu vực trong đường 200 hải lí của hai bên và toàn bộ khu vực chung đều nằm trong phạm vi đường 9 đoạn của Trung Quốc. Điều cần chỉ ra là, phương án của Malaysia và Việt Nam đều là phương án dè dặt, bởi vì nó chỉ xuất phát từ đường cơ sở đất liền và tránh vấn đề hiệu lực pháp lí của quần đảo Trường Sa.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-129.png

Hình 69: Khu vực thềm lục địa mở rộng do Việt Nam nộp riêng

Trong hồ sơ phân định do Việt Nam đề xuất, đường 200 hải lí và đường 350 hải lí (khoảng cách tối đa được quy định trong Công ước) được vẽ trên vùng biển ngoài khơi miền Trung Việt Nam, giữa hai đường này, Việt Nam xác định 45 điểm cơ bản, trong đó 2 điểm cơ bản ở 2 đầu: một điểm nằm trên đường 200 hải lí, một điểm nằm trên đường 350 hải lí; những điểm còn lại đều được xác định bằng nguyên tắc độ dày trầm tích 1% hoặc theo quy tắc chân dốc lục địa cộng với 60 hải lí. Đó đều là các phương pháp thường được sử dung để xác định điểm cơ bản của thềm lục địa mở rộng. Khu vực giữa đường nối các điểm cơ sở này (đường màu vàng) và đường 200 hải lí chính là khu vực thềm lục địa mở rộng mà Việt Nam đề xuất. Tương tự như hồ sơ nộp chung của Malaysia và Việt Nam, trong hồ sơ nộp riêng của Việt Nam cũng né tránh vấn đề hiệu lực luật pháp từ quần đảo Hoàng Sa mang lại.

Ngày 7/5, Trung Quốc ngay lập tức đưa ra một công hàm bày tỏ lập trường đối với các hồ sơ nộp chung của Malaysia và Việt Nam như sau:

Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi đối với các đảo tại Nam Hải và vùng biển lân cận của chúng, đồng thời có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển liên quan (xem hình đính kèm). Lập trường nhất quán này của Trung Quốc được cộng đồng quốc tế biết rõ.

Thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lí được Malaysia và Việt Nam nộp chung nói trên đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc tại Nam Hải. Căn cứ mục (a) điều 5 phụ lục 1 về “Quy tắc thủ tục của Uỷ ban ranh giới thềm lục địa”, Chính phủ Trung Quốc trân trọng đề nghị Uỷ ban ranh giới thềm lục địa không thẩm định hồ sơ chung của Malaysia và Việt Nam.[1041]

Ngày 8/5, Trung Quốc lại ra công hàm tỏ thái độ phản đối hồ sơ riêng của Việt Nam:

Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi đối với các đảo tại Nam Hải và vùng biển lân cận của chúng, đồng thời Trung Quốc có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển, đáy biển và lòng đất liên quan (xem hình đính kèm). Lập trường nhất quán này của Trung Quốc được cộng đồng quốc tế biết rõ.

Hồ sơ phân định ranh giới của Việt Nam nói trên đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền quản lí của Trung Quốc tại Nam Hải. Căn cứ mục (a) điều 5 phụ lục 1 về “Quy tắc thủ tục của Uỷ ban ranh giới thềm lục địa”, Chính phủ Trung Quốc trân trọng đề nghị Uỷ ban ranh giới thềm lục địa không thẩm định hồ sơ của Việt Nam.[1042]

Việt Nam[1043] và Malaysia[1044] lập tức ra công hàm phản bác, nhấn mạnh khu vực phân định chung thuộc phạm vi chủ quyền của hai nước. Không ngạc nhiên khi Trung Quốc phản đối phân định thềm lục địa mở rộng trong khu vực tranh chấp do hai bên Việt Nam và Malaysia đưa ra. Ngay cả Philippines cũng gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc vào ngày 18/8 để phản đối, cho rằng khu vực do Việt Nam và Malaysia phân định chồng lấn (overlap) với khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền.[1045] Malaysia[1046] và Việt Nam[1047] cũng phản bác công hàm trên. Tuy nhiên, điều đặc biệt thu hút sự chú ý là trong hai công hàm do Trung Quốc phát hành, cả hai đều đính kèm hình vẽ đường 9 đoạn của Trung Quốc (Hình 70). Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức thể hiện đường 9 đoạn trong văn kiện quốc tế chính thức.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-130.png

Hình 70: Bản đồ đính kèm trong công hàm Trung Quốc gửi LHQ

Tuy nhiên, trong hình vẽ đính kèm không có phần chú thích nên không thể xác định chính xác ý nghĩa của đường 9 đoạn trong hình vẽ là gì. Những miêu tả liên quan trong công hàm của Trung Quốc là “Trung Quốc có chủ quyền không tranh chấp đối với các đảo và vùng biển liền kề tại biển Đông, đồng thời Trung Quốc có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển liên quan (xem hình đính kèm).” Nhưng không có giải thích rõ liệu khu vực trong đường 9 đoạn có phải là “vùng biển liền kề” (adjacent waters) hoặc “vùng biển liên quan” (relevant waters), được nêu trong văn kiện của Trung Quốc hay không. Vì vậy, sự xuất hiện của tấm bản đồ này một lần nữa làm dấy lên nghi ngờ quốc tế về đường 9 đoạn.

Ngày 5/4/2011, sau khi nghiên cứu kĩ lưỡng, Philippines gửi công hàm (số 000228) đến Liên Hiệp Quốc nêu ra 3 phản đối liên quan đến “vùng biển liền kề” và “vùng biển liên quan” mà Trung Quốc đề cập trong hai công hàm như là “lập trường nhất quán được cộng đồng quốc tế biết rõ” : (1) Quần đảo Kalayaan là một bộ phận của Philippines; (2) Theo nguyên tắc “đất quyết định biển” (la terre domine la mer) trong luật pháp quốc tế, Philippines có chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển tiếp giáp với mỗi thể địa lí (feature) của quần đảo Kalayaan; (3) ‘Vùng biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển liên quan” do Trung Quốc đề xuất (như được chỉ ra trong cái gọi là bản đồ đường 9 đoạn đính kèm hai công hàm) nằm ngoài nằm ngoài các thể địa lí nói trên; yêu sách về phần “vùng biển liền kề” không có cơ sở luật pháp quốc tế — đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.[1048]

Đây là phản đối đầu tiên đối với đường 9 đoạn trong một tài liệu quốc tế chính thức. Tuy nhiên, liệu “vùng biển liền kề” mà Trung Quốc đề cập có ám chỉ phạm vi bên trong đường 9 đoạn hay không vẫn chưa rõ ràng. Công hàm của Trung Quốc gửi Liên Hợp Quốc phản bác lại Philippines ngày 14/4 (CML/8/2011) không bác bỏ rõ ràng những nghi ngờ về đường 9 đoạn, mà chỉ nhắc lại rằng “Kể từ những năm 1930, chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần công bố phạm vi địa lí của quần đảo Nam Sa và tên các bộ phận cấu thành của chúng, phạm vi của quần đảo Nam Sa là rõ ràng. Căn cứ Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển, Luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải năm 1992 và Luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa năm 1998, quần đảo Nam Sa của Trung Quốc có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.”[1049]

Kể từ đó, các cuộc thảo luận về đường 9 đoạn ở Đông Nam Á và quốc tế đã được nghe nói tới không ngừng, và vấn đề đường 9 đoạn đã thay chỗ vấn đề chủ quyền của các đảo ở biển Đông trở thành mâu thuẫn gay gắt nhất trong vấn đề biển Đông. Có thể nghe thấy tiếng phản đối đường 9 đoạn ở nhiều diễn đàn Đông Nam Á, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra tuyên bố rõ ràng, rành mạch về nó.


[1014] “Hồi kí Lưu Hoa Thanh”, Nxb Giải phóng quân, Bắc Kinh, năm 2004.

[1015] Kỉ Minh Quỳ: “Bảo vệ quyền lợi biển thực hiện giấc mơ cường quốc biển”, Trung Quốc nhật báo, 31/7/2013. http://www.chinadaily.com.cn/dfpd/shizheng/2013/07/31/content_16858773.htm

[1016] Tháng 1/1945, quân Mĩ sử dụng tàu tàu sân bay Hancock đánh quân Nhật tại Vịnh Cam Ranh bên ngoài biển Việt Nam ở biển Đông.

[1017] Ứng Thiệu Cơ: Nghiên cứu phân tích sự kiện tàu thăm dò “USNS Impeccable, TAGOS- 23” của Mĩ tại Nam Hải, Song nguyệt san Học thuật Hải quân, 44:3, năm 2010, tr.32-45, http://www.mnd.gov.tw/Upload/201007/03-%E7%BE%8E%E8%BB%8D%E3%80%C%E7%84%A1%E7%91%95%E8%99%9F% E3%80%8D_072676.pdf

[1018] Captain Raul Pedrozo, JAGC, U.S. Navy, Close Encounters at Sea, The USNS impeccable Incident, Naval War College Review, Summer 2009, Vol.62, No. 3. Jonathan G. Odom, The True”lies” Of The impeccable Incident: What Really Happened, Who Disregarded International Law, And Why Every Nation (outside Of China) Should Be Concerned, Michigan State Journal of International Law, Vol.18:3

[1019] Người phát ngôn thông tấn Bộ Quốc phòng trả lời báo chí về sự kiện tàu thăm dò của Hải quân Mĩ hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, Mạng Tân Hoa, http://big5.newws.cn/gate/big5/news.xinhuanet.com/mil/2009-03/11/content_10995832.htm

[1020] http://news.bbc.co.uk/chinese/simp/hi/newsid_7940000/newsid_7940300/7940380.stm

[1021] http://news.bbc.co.uk/chinese/simp/hi/newsid_7930000/news_7938500/7938578.stm

[1022] Người phát ngôn thông tấn Bộ Quốc phòng trả lời báo chí về việc tàu trinh sát Mĩ hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.

[1023] Trịnh Lôi: Bàn về lập trường pháp lí của Trung Quốc đối với hoạt động quân sự của nước khác trong vùng đặc quyền kinh tế - góc nhìn từ sự kiện tàu USNS Impeccable, TAGOS- 23, Nhà Luật học, số 1-2011, tr.137-146. Quản Kiến Cường: Mĩ không có quyền tự ý “trinh sát quân sự” trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc – bàn về sự kiện va chạm giữa Trung Quốc và Mĩ, Luật học, số 4 năm 2009, tr.50-57.

[1024] http://www.un.org/zh/law/sea/los/article5.shtml

[1025] http://www.un.org/zh/law/sea/los/article5.shtml

[1026] http://www.un.org/zh/law/sea/los/article2.shtml

[1027] http://www.un.org/zh/law/sea/los/article2.shtml

[1028] http://www.un.org/zh/law/sea/los/article5.shtml

[1029] http://big5.gov.cn/gate/big5/www.gov.cn/ziliao/flfg/2005-09/12/content_31086.htm

[1030] Như trên

[1031] http://www.un.org/zh/law/sea/los/article.shtml

[1032] Jonathan G. Odom, The True “lies” Of The Impeccable incident: What Really Happened, Who Disregarded International Law, And Why Every nation (outside Of China) Should Be Concerned, Michigan State Journal of International Law, Vol.18:3

[1033] http://www.imo.org/en/About/Conventions/ListOfConventions/Peges/COLREG.aspx

[1034] https://en.wikisource.org/wiki/International_Regulation_for_Preveting_Collisions_at_Sea

[1035] Trong bài, Odom còn cho rằng, Trung Quốc vi phạm mục 16, nhưng tác giả cho rằng lí do không đầy đủ nên không phân tích kĩ ở đây.

[1036] http://www.un.org/Depts/los_new/commission_submissions.htm

[1037] http://www.lawphil.net/statutes/repacts/ra2009/ra_9522_2009.html

[1038] http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/phl22_09/clcs22_2009e.pdf

[1039] http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/submissions_mysvnm_33_2009.htm

[1040] http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/submissions_vnm_37_2009.htm

[1041] Văn kiện CML/18/2009, http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submission_files/mysvnm33_09/chn_2009re_mys_vnm.pdf

[1042] Văn kiện CML/17/2009, http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submission_files/vmn37_09/chn_2009re_vmn_c.pdf

[1043] http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submission_files/mysvnm33_09/vnm_chn_2009re_mys_vnm_e.pdf

[1044] http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submission_files/mysvnm33_09/mys_re_chn_2009re_mys_vnm_e.pdf

[1045] http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submission_files/mysvnm33_09/clcs_33_2009_los_phl_pdf , http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submission_files/vnm37_09/clcs_37_2009_los_phl.pdf

[1046] http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submission_files/mysvnm33_09/mys_re_phl_2009re_mys_vnm-e.pdf

[1047] http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submission_files/mysvnm33_09/vnm_re_phl_2009re_mys_vnm_e.pdf

[1048] THIRD, since the adjacent waters of the relevant geological features are definite and subject to legal and technical measurement, the claim as well by the People’s Republic of China one the “relevant waters as well as the seabed and subsoil thereof” (as reflected in the so-called 9-dash line map attached to Notes Verbales CML/17/2009 dated 7 may 2009 and CML/18/2009 dated 7 May 2009) outside of the aforementioned relevant geological features in the KIG and their “adjacent waters” would have no basis under international law, specifically UNCLOS. See . http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/vnm37_09/phl_re_chn_2001.pdf

[1049] http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/vnm37_09/chn_2011_re_phl.pdf