Thứ Hai, 16 tháng 12, 2024

Giáng Vân, Con đường kỳ lạ

Nguyễn Đức Tùng


Những bài thơ xuất sắc của Giáng Vân nằm ở biên giới giữa điều có thể nói và điều không thể nói ra. Thơ chị có nhiều đề tài, tình yêu, suy tư lịch sử, những xúc động mới về thế giới hiện nay. Đó là một loại thơ sâu kín, cắm rễ trong vùng tối đen của tiềm thức, nhưng hướng về phía ánh sáng. Giáng Vân không ngần ngại nói về sự bế tắc, sự cùng đường của xã hội, cái chết và sự diệt vong của con người. Trong tập thơ gồm 36 bài, những mảng tối được thấy rõ, sự buồn rầu, lo lắng, cảm giác phẫn nộ, nhưng chị nói nhiều hơn đến sự vượt qua. Chị tin vào tâm hồn. Thơ chị có hai nguồn mạch: những câu chuyện riêng tư và những nỗi lo âu của thời đại mình. Chị có những bài thơ đi tới chỗ tận cùng, nơi giao điểm của hai niềm cảm hứng, đó là một kiểu thơ trữ tình thời sự hiếm gặp hôm nay.

Đừng nói gì người nhé

Về con đường kỳ lạ này

Nơi hai ta ngẫu nhiên gặp nhau

Trong mù sương tháng mười

Dưới những ngọn đồi ấm áp

Những đồng lúa ngát hương chưa đến kỳ gặt

Những mạch nước ngầm tỏa đi và ngân lên

Âm nhạc

Ngôn ngữ được sử dụng bởi hai lý do: để hiểu và không phải để hiểu. Loại thứ nhất, phổ biến, như bài giảng khoa học, thông báo thời tiết, bản hướng dẫn cách dùng đồ vật. Loại thứ hai, trong các tác phẩm nghệ thuật, câu thơ, vở kịch, lời cầu nguyện, ở đó ngôn ngữ xuất hiện trong bóng mờ, trong trạng thái kỳ lạ, một trò chơi bị gián đoạn. Tôi nói về ngôn ngữ giao tiếp và ngôn ngữ biểu hiện.

chính những cơn đau này

dậy sóng

để ta biết

bản ngã của ta còn nguyên

Trong những khoảnh khắc đau khổ, thơ chị là lòng tin vào cái tốt đẹp, vì đời sống đối với chị là quà tặng. Một người đọc không có kinh nghiệm dễ bỏ qua loại thơ như của Giáng Vân. Nhiều bài của chị cần được đọc trong im lặng, như khi bạn thức dậy nửa đêm, không ngủ lại được, bật đèn. Giờ phút ấy trong sáng lạ thường, và bạn nhìn thấy chính mình đứng đó, trong cửa sổ, nhìn lên trời, vào lúc ấy thơ Giáng Vân đến với bạn trong một ngôn ngữ dịu dàng chừng mực, mà sự nồng nhiệt được nén lại bên trong và nhường cho tỉnh thức; sự chia sẻ quý báu, hiếm hoi, trở lại:

Tôi nhắm mắt và thở thật sâu

Nghĩ rằng mình đang trong nước

Dưới đáy những đợt sóng của tất cả đại dương

Đây đã là ngôi nhà của tôi

Nước chảy qua tôi thấm vào những mao mạch li ti, nước tràn qua phổi, qua trái tim tôi, qua tâm hồn tôi

Nước rửa sạch những nỗi buồn và lan tỏa trong tôi niềm dịu dàng vô hạn

Từ tập thơ đầu tiên đến nay đã trải qua nhiều năm, Giáng Vân viết khá ít và gần đây dành nhiều thì giờ hơn cho tranh vẽ. Tuy nhiên chị là một người quan tâm đến các vấn đề văn học và thời sự, với suy nghĩ lành mạnh. Chị sống chân thật, dũng cảm, trong quan sát của tôi, và thể hiện điều ấy trong ngôn ngữ. Thơ chị ngắn, giản dị, nhưng chứa những chủ đề sâu xa, lòng tin, sự phản bội, thiện chí, tội ác. So với những bài thơ được viết nhiều năm trước, gần đây thơ chị đậm hơn, kín đáo hơn, nhưng vẫn một giọng điệu ấy, giọng tình tứ thân mật mà cứng cỏi, có tính phân tích kiểu phương Tây. Thơ trữ tình hôm nay, của các nhà thơ đương đại, đã trở thành tiếng nói công dân. Điều đó không phải dễ dàng, vì thơ trữ tình vốn riêng tư, kín đáo. Giáng Vân là một trong những người đi về hướng ấy, và là một trong những người thành công. Thơ chị không phải chỉ để vui thú, mặc dù thơ ấy mang lại niềm vui cho tôi khi đọc.

Quán cà phê cũ

Đóng cửa rồi

Người chủ không biết giờ ở đâu

Anh chàng chơi ghi ta em không còn gặp lại

Nhớ Từ Công Phụng

Mùa thu mây ngàn

Nếu bạn có thể sống thêm một cuộc đời nữa, bạn sẽ sống ra sao? Những lỗi lầm nào bạn có thể tránh được và những lỗi lầm nào bạn sẽ phạm lần thứ hai? Thơ GiángVân nói về những khó khăn, những khía cạnh đen tối, nhưng chị tỏ ra không hối hận. Hình ảnh, từ ngữ, nhịp điệu nằm trong văn bản của một bài thơ, nhưng cảm xúc mà bài thơ mang lại dường như nằm bên ngoài những điều ấy. Cảm xúc được gợi ra, dựa vào lòng tin của người đọc, bạn không thể nào tiên đoán được cảm xúc ấy. Sự “chân thành” của nhà thơ là nhận xét chủ quan của người đọc, nhưng trong thơ GiángVân ấn tượng chân thành ấy hiển lộ đối với tôi. Thơ chị mô tả một hiện thực đương thời, xác định tính phức tạp của đời sống, kêu gọi sự chú ý đối với các truyền thống văn hóa. Thơ ấy là những trầm tư về tình yêu, sự tan vỡ, sự tiếc nuối và nguyên vẹn của những cảm xúc nguyên thủy. Đó là những cảm xúc cá nhân, tập trung, những biểu hiện của mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, những mối quan hệ ngày càng không hòa thuận, tan rã. Tiếng nói của chị lặng lẽ nhưng cương quyết, trong nhiều trường hợp vẫn mô tả được tình huống xung đột. Những bài thơ thành công nhất thường gần với một câu chuyện hay một lời tâm sự, hay như cái bóng của một câu chuyện. Ở GiángVân, tình yêu đối với ngôn ngữ chính là tình yêu đối với sự thật, một sự thật được mang lại cho người đọc xuyên qua những xung đột cá nhân, hoàn cảnh, lịch sử. Trong những năm trở lại đây, mối quan hệ giữa văn bản và ngữ cảnh, giữa văn học và văn hóa, giữa các phương pháp phê bình ngày càng phát triển, dường như không chấm dứt, tuy vậy kinh nghiệm của người viết bài này là không thể xa rời ngữ cảnh của một bài thơ. Trong khi văn bản được xác định một cách rõ ràng thì ngữ cảnh là vô hạn. Ý nghĩa của một bài thơ cũng gần như vô hạn tùy theo cách đọc từ góc độ ngữ cảnh, và điều ấy có thể dẫn người đọc đến chỗ đi lạc đường. Ngữ cảnh cần được định nghĩa lại như là những quan hệ có mối liên hệ đặc biệt đối với văn bản, là nguyên nhân của các yếu tố trong văn bản.

Lãnh đạm và chăm chú

Thông tuệ và ngu ngơ

Chuẩn mực và tự do

Hiền hậu và nổi giận

Những đối cực tạo nên nó

Đó là Giáng Vân nói về một nhà thơ nữ khác, nhà thơ Ý Nhi, nhưng tôi nghĩ cũng là hình ảnh của người phụ nữ hôm nay, của tác giả, của những người tin rằng chính cái đẹp và lương tâm làm nên đời sống. Những người phụ nữ ấy, và dân tộc chúng ta, chỉ có thể hướng tới những giá trị vĩnh hằng, phổ biến, mới có thể tạo thành một phần của nhân loại. Giáng Vân cho chúng ta lòng tin vào sự thật, kể cả sự cay đắng của thất bại. Cuối cùng thơ chị vẫn là lời ca ngợi đối với vẻ đẹp huy hoàng của đời sống tự do. Trong thơ chị có nhiều yếu tố thiên nhiên, màu sắc, cũng như trong tranh của Giáng Vân, ở đó các đường biên giới bị đẩy lùi liên tiếp, thơ chị mở rộng các giới hạn của ngôn ngữ và trong những bài thơ khá ngắn, tiết kiệm, ngôn ngữ chừng mực, và rộn ràng, chị đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi của chúng ta.

Bạn là loài thi sĩ sinh ra trên cõi đời này

Để không đặt vừa được vào đâu

Để bạn luôn là kẻ thừa

Luôn ngượng nghịu vì sự thừa ra của mình

Đối với tôi, Giáng Vân là người phụ nữ của lòng tha thứ và hy vọng. Tôi biết rằng những năm gần đây người ta hay nói đến hai chữ tự do. Tôi nghi ngờ điều ấy: tôi tin rằng nhiều người không hiểu được ý nghĩa của nó, giá trị của nó, cái giá phải trả của nó. Đọc thơ Giáng Vân chính là để hiểu ý nghĩa của tự do, để sống tận cùng với nó, để suy nghĩ và trở lại. Càng nghĩ thế, tôi càng yêu quý những người có mặt trong tập thơ như Nguyễn Lương Ngọc, Ý Nhi. Ngôn ngữ của Giáng Vân có thể không dễ hiểu, nhưng cánh cửa của bài thơ của chị mở ra. Đó là một trong những tính cách của thơ đương đại.

Thơ ơi, người có thể rửa sạch ô nhục chất chồng

Có, tôi có thể làm được việc đó.

Thơ ơi

Người có thể giúp người ta sống lại?

Không, nhưng tôi có thể làm sống lại những linh hồn đã chết

Người đọc đến với bài thơ của chị, tò mò, tự tin, nhận ra không khí dễ chịu nhưng không quen thuộc. Nhiều bài thơ của chị có thể làm bạn xúc động từ đầu. Một số bài thơ khác, phải lâu về sau. Thơ là một ngôn ngữ chính xác: bạn phải yêu các chữ và các hình ảnh, bạn mới có thể đọc được. Giữa các nhà thơ nữ cùng thời và trẻ hơn, Giáng Vân là tiếng nói độc đáo, gần như khó so sánh. Chị kết hợp những xúc động cá nhân và lối diễn tả tự do, bướng bỉnh, sự nổi loạn ngấm ngầm, mặc dù chị không phải là người phá phách, và tìm tới được trong những trường hợp thành công, sự kết hợp giữa tính âm nhạc và thơ tự do. Theo tôi, đó là sự kết hợp khó khăn đối với các nhà thơ hôm nay. Không phải khi nào thơ Giáng Vân cũng buồn, ở chị có một tin thần vượt thoát, niềm vui thú của sự sống. Chị không ngừng tìm kiếm trong thơ và trong hội họa, vì chị cũng vẽ tranh, các hình thức biểu hiện của đời sống tinh thần, sự dịu dàng mẫu mực, sự hài hòa cân đối, và sự nổi loạn chống lại các ràng buộc đối với con người. Tình yêu là câu trả lời của chị đối với những vấn nạn của cuộc sống. Tình yêu kết hợp chúng ta lại, lòng dũng cảm mang chúng ta đi xa, sự tha thứ nâng chúng ta lên, bởi vì sự đau khổ của một dân tộc bao giờ cũng có mục đích cao hơn chính sự đau khổ ấy.

Những người anh em. Sơn nước trên toan (100x120cm). Giáng Vân vẽ 2024