Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2024

“Thể ngiệm” Đặng Đình Hưng

Phạm Xuân Nguyên

(Chiều nay ra mắt cuốn sách di cảo của nhà thơ Đặng Đình Hưng nhân 100 năm sinh của ông tại Nxb Hội Nhà Văn. Tôi được Giám đốc Nxb mời dự và phát biểu. Tôi đã viết sẵn một bài ngắn để đọc. Trước khi đọc tôi có nói: Với Trần Dần, Lê Đạt, những người cùng thế hệ Đặng Đình Hưng, tôi có thể nói miệng về họ vì đã ít nhiều hiểu thơ họ. Nhưng với Đặng Đình Hưng thì tôi phải viết ra để đọc vì tôi đang tìm hiểu thơ ông. Đây có thể là trường hợp hiếm hoi cho đến nay tôi làm vậy trong rất nhiều cuộc tôi đã làm MC sách, đã phát biểu trong những cuộc ra mắt sách.)

1

Đặng Đình Hưng (1924) cùng thế hệ Hoàng Cầm (1922), Trần Dần (1926), Lê Đạt (1929), song về thơ ông xuất hiện muộn. Chỉ sau khi ông mất (1990) người đọc mới được biết đến thơ ông qua hai tập: Bến lạ (Nxb Văn Nghệ TPHCM, 1991) và Ô mai (Nxb Hội Nhà văn, 1993). Nhưng lập tức thơ Đặng Đình Hưng cùng thơ Trần Dần, Lê Đạt tái xuất đã gây ngỡ ngàng cho nhiều người đọc. Họ thấy thơ ấy khó hiểu, không hiểu được. Họ thấy thơ ấy kì dị, bí hiểm. Họ thấy thơ ấy chỉ toàn kỹ thuật, cố tình vặn vẹo câu chữ. Tóm lại, họ cho thơ ấy là thơ phản thơ. Đấy là vì thơ Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng đã chuyển đổi hệ hình từ tiền-hiện đại (nghĩa đến chữ) sang hiện đại (chữ đến nghĩa) nên làm khó người đọc còn mắc kẹt ở chặng trước. Thơ các ông là thứ thơ tự do theo tư duy đứt đoạn. Các ông là những nhà thơ phu chữ để chữ bầu lên nhà thơ (Lê Đạt), coi nghề thơ là nghề công tác chữ, gây sự chữ (Trần Dần). “Trần Dần đã đi đến tận cùng của chủ nghĩa hiện đại, còn Lê Đạt thì chớm sang hậu hiện đại.” (Đỗ Lai Thuý). Bước vào thơ các ông là bước vào một thế giới khác lạ, tuân theo những quy luật chữ riêng của tác giả tạo ra, người đọc phải tự tìm nghĩa từ những sắp đặt, phá cách ngôn ngữ của nhà thơ cả về mặt thị giác và âm thanh. Trong ba nhà thơ nói đây, Đặng Đình Hưng còn đi sâu hơn về sự cắt đứt quyết liệt với những liên hệ bên ngoài ngôn ngữ. Nếu như thơ Trần Dần, Lê Đạt trong khi đào sâu vào mình vẫn còn như nói với một độc giả tưởng tượng dù là mơ hồ, thì thơ Đặng Đình Hưng cơ hồ khép kín trong mình, chỉ nói với mình, tạo một phong cách riêng biệt. “Ðó là phong cách độc đáo của Ðặng Ðình Hưng, một phong cách lập dị, bí hiểm để nói những điều muốn nói, nghĩ những điều muốn nghĩ, và dĩ nhiên không phải ai cũng hiểu và ai cũng thích.” (Thuỵ Khuê)

2.

Mở đầu Bến lạ, Đặng Đình Hưng viết:

"Tôi lại đi ...

jữa cái nong hình záng lưng tôi, một bảng đen trước mặt, một vòng phấn zưới chân, zính zính... những con 8 lộn zọc nhẵn thín nam châm gói trong hạt thóc jống của không biết"

Nhìn vào chữ viết thấy ông dùng J thay cho Gi, Z thay cho D. Còn nghĩa cả câu này là gì? Phải đoán định, suy luận từ cú pháp, ngữ pháp đặc định của riêng ông. Và cả từ hoàn cảnh của riêng ông. Về câu thơ này Thuỵ Khuê đọc ra như sau: “Vì động tác đi ở đây bị giới hạn trong quỹ đạo tròn, giống như cái nong – có lẽ là hình ảnh cái lưng gù của ai hay chính tác giả. Và mỗi bước chân lại được quây kín bởi một vòng phấn. Bao vây hai lần: vòng trong vòng ngoài. Hơn nữa tôi lại đi khác với tôi đi. Tôi lại đi, có nghĩa là tôi đã đi nhiều lần rồi và lần nào cũng chỉ có thế: chỉ đi được trong cái vòng tròn tròn như cái nong hoặc hơn nữa là cái vòng tròn vặn chéo thành con số 8 lộn dọc, vẫn kín mít mà thôi. Không những thế còn có bảng đen chặn trước mặt, vòng phấn vẽ dưới chân, bồi thêm những yếu tố "ngoại vật": dính dính, nam châm, gói trong... loại "ngoại vật" thu hút, không nhả ai ra cả. Và sau cùng là ... không biết. Tất cả những thứ đó, nhào lên một hợp kim tù túng, một trạng thái đóng, một bi kịch của kẻ bị giam hãm chung thân không biết từ đâu và do một mệnh lệnh nào. Nhưng chính hình dáng con số 8 lộn dọc, lộn ngang lại dẫn đến vô cực, vô cùng trong quy ước toán học: Thi sĩ sử dụng sự giam hãm của mình để tìm đến vĩnh cửu qua động tác sáng tạo.”

Đọc thơ như thế đúng là giải mã. Mỗi người sẽ có một cách giải mã của riêng mình, tuỳ năng lực cảm thụ riêng.

"Tôi khắc biết mênh mông một cái bẹn Epicure ngập chìa truồng bốn fía cơn mưa tu lơ khơ xanh đỏ con sập sành - bọ ngựa bậu vào nhảy tung! cõng đi chơi trên lưng Nilông - Cáctông của Ðịnh Mệnh!

Tôi hề biết

/ kể cả quả mít nứt

Tôi đã tìm ở sau cái gương / cũng không có jì hết

Tôi đã tiếp đau thương những nhỏ nhỏ thường thường

Ðã húp ra đi từng bát những nhạt nhạt mềm mềm và rất ngon"

Đó là cái Bến lạ Đặng Đình Hưng muốn tìm đến/về. Cái bến như một cái đích ở ngoài mình xa vời không thể tới, nhưng cũng có thể là ở trong mình cần sục tới, tìm cho được. Cái bến của riêng ông tự nghiệm sinh, tự thể nghiệm như ông nói ở tập thơ thứ hai Ô mai. Chữ nghiệm trong thể nghiệm ông viết không có chữ cái h. – thể ngiệm.

3

Bến lạ nói sự đi, Ô mai vẫn nói sự đi. Đi trong tù túng, luẩn quẩn. Đi thực ra là không đi. Vì bị giới hạn, bủa vây bên ngoài. Vậy thì đi vào bên trong, nhập.

"Những câu hỏi thường lệ: đi đấy à - giờ này chưa đi à - vừa có người tìm ông.

Ai nhỉ? Hỏi thôi, chứ người đó thì biết. Chỉ người đó, không ai, không ai tìm cả.

Vắng. Anh thường ngồi jờ dài, chẳng nghĩ. Chỉ cảm. Cảm bằng da. Da của mắt – bàn tay - chủ yếu là lưng. Tới mức toàn thân gắn hẳn vào không khí, đồ vật, tường,

buồng. Rầm rì một cái chợ không lời dưới chân, anh rầm rì vỗ theo. Toàn thân, một con sông trôi, xô đẩy những cảm giác, những sực chợt. Một cơn mưa hình záng. Những hạt hột vỗ vỗ. Anh gọi đó là "nhập" - Thấy."

Ô mai còn nói sự thèm. Tên tập thơ đã là tên một đồ ăn. Nhưng từ cái cụ thể nhà thơ đã mở rộng ra. Thèm ăn chính là thèm sống. Thèm sống chính là thèm sáng tạo. Thèm sáng tạo chính là thèm tự do.

"Nếm cả một cái chợ không fải chuyện dễ. Fải có một động cơ cực mạnh: Thèm. Có

thèm mới ăn được. Kiểu nhà thơ, người ta ăn tái ăn tái bình minh ăn tái buổi chiều ăn (ràu rạu) cả mặt trời

...

Anh cảm thấy bất lực. Không phải thiếu thèm. Ngược lại, thèm cứ chồm. Mênh mông! Không điều khiển được. Chợt thu gọn lại - một thèm bé - bé da diết: một mùi hương tóc. Tóc cả thảy bẩy loại: ngắn - dài vai - tóc óng chanh bồ kết - tóc mồ hôi nức nở (vuốt cho em) - tóc đêm nhòe dưới vòm đèn

Hương trời tóc -thở tóc- jật mình! hương người.

....

Có người bảo đây là cơn thể ngiệm số 7. Thực ra, anh không đặt tên, đánh số [...]. Không đánh số được cái thèm.

Kể từ buổi một dúm nguyên âm ă ấ ra đi, chưa bao jờ anh thấy fức tạp hơn cái cơn thể ngiệm này - cơn thèm. Thèm tổng hợp, đóng cục, đem cắt ra bằng các fích tự vị, không được [...]. Mà thú vị, thèm đi, thèm lại. Một cực thèm có thể tới ba lần. Có khi hàng ngày. Ðiểm cao của thèm có khi chụm lại tất cả các thứ thèm: ăn, nghe, nhìn, ngắm.

....

Anh lại phải ra chợ.

Không như trước ngồi ngắm suông ở một quán, mà sà xuống cụ thể như mọi người: ăn - gắp - xin tí tương dấm. Ăn trực tiếp xách lên tay một con cá chép, mở cái mang ra xem có hồng tươi. Lên tay một tảng thịt. Nghe trọng lượng. Ði duyệt một lượt các mẹt gan - tim - bù dục - chân jò - thủ - lòng tràng. [...] Nhưng đẹp nhất vẫn là gạo. Gạo có khuôn mặt hiền. Ðố thấy một mảy may ác ý. [...]. Anh đi duyệt một lượt - có khi hai lượt - các loại: tẻ - nếp- trắng - đỏ (may ra còn đỏ lốc). Nói riêng về nếp, với cái mùa chớm sương, chỉ nom hình một hạt nếp là đã thấy sữa và hương trời. [...]

Nhìn anh loay hoay [...]. Từ một quả bầu - dài mặt - đến con kiến - tha fương. Từ một bóng gà xa đi vào bụi thẳm tới những vệt bước chân đi quên bên một sườn đồi. Từ một cựa mình gối bé đến bóng đôi đi trên bãi biển xa vời..."

Nhưng không gian của Đặng Đình Hưng rốt cuộc không mở ra mà khép lại. Trong hầm. Siêu hầm. Cái đẳng siêu hầm này mới là tột đỉnh, khủng khiếp, nói cái sự cô lập, biệt lập của một con người với nhân quần, với đời sống. Đọc đến chỗ này thơ Đặng Đình Hưng chợt liên tưởng đến Viết dưới hầm tối của F. Dostoevsky.

"Thôi nghe-nhìn-nếm-ngửi. Ngày đêm tu luyện, thành tâm tu luyện, chẳng bao lâu anh đạt tới cái trình độ Siêu Hầm (nhanh thật!) Chui lên khỏi hầm, ngồi đối diện với người đời sống động, mà anh vẫn thấy cách li như thể ngồi trong một cái lồng trong suốt bằng không khí, việc người người làm, việc mình mình làm, là thể ngiệm […] người đời thấy buồn cười – không chấp – người ta quen dần đi, rồi quên."

4

Không ai quên cả. Trên hành trình thơ Việt hiện đại mỗi sự cách tân, sáng tạo đẩy thơ đi tới cùng dân tộc và nhân loại, dù mức độ thành công khác nhau, đều được ghi nhận và trân trọng. Đặng Đình Hưng bằng Bến lạÔ mai hơn ba mươi năm trước đã hiện diện mình trong thơ một cách gây sốc. Thơ ông từ chỗ bị khó chịu, chê bai, phản bác, đã được cảm nhận, tìm hiểu, và có một giá trị. Năm 2021 cuốn sách Đặng Đình Hưng – một bến lạ đưa thêm những cái mới về thơ ông. Và hôm nay ra mắt thêm một cuốn sách mới với những di cảo lần đầu được công bố của Đặng Đình Hưng nhân kỷ niệm 100 năm sinh, người đọc lại được cùng ông trải hành trình thể ngiệm sống và thơ. Lại được cầm lên những vali thơ của ông và các bạn thơ “cùng một lứa bên trời lận đận” mà ông ngỡ đã xếp xó, chôn vùi.

Những "vali đựng các cơn thể ngiệm buộc từng chồng, fân loại đánh số và những thể ngiệm dở dang (non) quàn lại... Cái đống hiện thân một mảng đời dài. Một cuộc tổng tảo mộ... Một thể ngiệm xong, vào vali. Tiếp một thể ngiệm, lại vào vali. Thế thì hết đời. Jời đầy...

tàn xuân...

tàn thu...

lại tàn thu..."

Biết ơn Đặng Đình Hưng và những nhà thơ dám thơ như ông.

Cảm ơn những người làm sách về ông.

Hà Nội, 19/12/2024

Nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn tại cuộc ra mắt sách của bố mình.