Lại Nguyên Ân
Nguyễn Đình Thi
Giấc mơ (Nxb. Tác phẩm mới, Hà Nội, 1983) là một trong số mấy vở kịch mà nhà văn Nguyễn Đình Thi sáng tác liền mạch trong mấy năm cuối 1970 đầu 1980 này.
So với các vở khác (Rừng trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan…), Giấc mơ khác ở chỗ được viết bằng thơ.
Đọc vở kịch, ta như gặp lại cả không khí chung của thơ Nguyễn Đình Thi, cả không khí những vở kịch của ông.
Nếu có thể hình dung cái không khí riêng của thơ ở một nhà thơ có cá tính như là một "thế giới", thì ta dễ nhận ra ở thế giới thơ Nguyễn Đình Thi hai nhân vật. Một "Anh" − thường là cái "tôi" trữ tình, xuất hiện trong vai người chiến sĩ, người cán bộ, một người con trai, một người đàn ông nói chung − bao giờ cũng đang trên đường sự nghiệp, trên đường chiến đấu của mình.
Và một "Em" − một phụ nữ, thường là ngôi thứ hai mà tiếng nói của cái "tôi" trữ tình kia hướng tới, − một chị cán bộ, một em gái, có khi như là cánh chim én hay ngôi sao xa xôi…
Người chiến sĩ − vai của cái "tôi" trữ tình − bao giờ cũng đang bận rộn, đang chìm ngập trong công việc và sự nghiệp, bao giờ cũng đang rảo bước trên những nẻo đường xa, và trong nỗi niềm khắc khoải của nhân vật này bao giờ cũng canh cánh nỗi nhớ về người bạn gái kia của mình, có lẽ cũng đang lầm lụi trên những nẻo đường công tác.
Bao giờ cũng thấy họ xa nhau, và tuy được mô tả như bị chìm ngập trong bao công việc, bao bận rộn lo toan công vụ, nhưng lòng họ vẫn hướng về nhau. Giá như họ được ở bên cạnh nhau suốt năm suốt tháng thì hầu như chẳng còn duyên cớ gì cho cái "tôi" trữ tình kia lên tiếng nữa.
Không may cho họ nhưng may cho thi ca là họ thường xa nhau, thảng hoặc có gặp chăng cũng chỉ là những gặp gỡ chốc lát, ngắn ngủi, có khi chỉ kịp nhìn thấy nhau đã lại mỗi người mỗi ngả. Họ tiếp tục xa nhau, tiếp tục trông mong một ngày sum họp nữa rất đáng mong ước nhưng hầu như chưa bao giờ tới…
Chính là hai con người với cảnh ngộ như thế đã được biến thành hai nhân vật chính cho câu chuyện của Giấc mơ.
Và tình thế của người chiến sĩ lần này thắt ngặt hơn nhiều: anh bị thương nặng, đang ở ranh giới giữa sống và chết. Thần Chết vẫy gọi anh với nhiều lý sự và lý do, nhưng anh còn thiết tha với sự sống. Sự sống, trong vai một Em Gái, cũng vẫy gọi anh.
Anh sống được, nhưng hầu như đã đánh mất trí nhớ, nghĩa là cái chết vẫn còn chỗ nấp trong anh. Đánh thức trí nhớ ở đây nghĩa là phục hồi sự sống. Vai trò đánh thức ấy, Nguyễn Đình Thi dành cho vai nữ − ngôi thứ hai trong thế giới trữ tình quen thuộc của mình.
Triển khai một ý truyện trữ tình như vậy, tác giả Giấc mơ đã tự cho phép vận dụng nhiều ước lệ. Ước lệ của cổ tích, ước lệ của huyền thoại và lịch sử. Tất cả đều được huy động, đều được phép hiện lên qua các hồi và các cảnh.
Ta thấy hiện lên trong kịch vai Thần Chết với lưỡi hái và chiếc túi trong tay − một hình tượng của văn nghệ Tây phương;
vai nữ hoàng Clê-ô-pat với đoàn người không đầu − những tình nhân "nhất dạ" vẫn còn lẵng nhẵng bám theo − vẫn là một hình tượng mượn từ Tây phương;
vai Tần Thủy Hoàng rút từ cổ sử Trung Hoa, với cái chết đặc biệt của vị hoàng đế khét tiếng này;
vai Chử Đồng Tử và Tiên Dung rút từ truyền thuyết nội địa Việt, với mối tình cũng khá đặc biệt giữa họ…
Bên cạnh tuyến nhân vật kỳ ảo và xa xưa ấy còn có khá đông các nhân vật "cụ thể" của hiện tại, nhưng do lối hình dung của tác giả, do không khí ước lệ chung của vở kịch thơ, các vai ấy cũng "cụ thể" theo cách riêng, nghĩa là phù hợp với không khí chung, giống như các nét đậm trên một bức tranh lụa: dù đậm cũng không bao giờ đi quá đến mức làm phá vỡ dáng vẻ sương khói mơ hồ của cả bức tranh.
Hầu như lối khái quát bằng ước lệ biểu cảm là bút pháp thuận cho Nguyễn Đình Thi nhiều hơn so với tả thực. Ở ông, ngay khi viết truyện văn xuôi cũng ít thấy cái mạnh của các nhà tả thực phong tục. Cho nên, kh người ta đòi hỏi ông phải tả thực nhiều hơn, có lẽ sẽ chỉ gây khó khăn cho ông.
Tôi nghĩ yêu cầu hiện thực không có nghĩa là đòi hỏi nhà văn nhất thiết phải từ bỏ bút pháp ước lệ biểu cảm, thậm chí tượng trưng, nếu như đó là những mặt mạnh trong tay nghề nhà văn.
Một đầu óc phê bình biết tính tới sự độc đáo của từng người và sự đa dạng của cả nền chung, có lẽ cần xác định như vậy: cần tỉnh táo để chấp nhận cái thơ mộng.
Giống như đôi chim từ quy trước lúc trời sáng, hai nhân vật của câu chuyện trữ tình này rồi sẽ gặp nhau. Có lẽ việc ấy sẽ diễn ra sau cái kết thúc của vở kịch, đúng như cái ý hướng xuyên suốt các bài thơ của Nguyễn Đình Thi. Nhưng sẽ là hẹp hòi nếu bảo rằng đây chỉ là một bài thơ dài về tình yêu, giống như coi toàn bộ thơ Nguyễn Đình Thi hầu như chỉ gồm thơ tình. Phải thấy là cách hình dung nói trên của thơ Nguyễn Đình Thi − giọng tâm tình của cái "tôi" với người yêu xa cách − chính là cách diễn tả một thực tế của con người trên đất nước suốt nhiều năm qua. Với Giấc mơ cũng vậy. Ngoài ra, đây còn là lời khẳng định mềm mỏng về chiến thắng của sự sống trước cái chết, đây còn là những lời tâm sự về chuyện đời, lấy giản dị, chân thật làm căn bản... Một cảm xúc trìu mến sự sống của con người, trước hết là người chiến sĩ sau những năm dài kháng chiến, thấm nhuần bài thơ dài viết dưới dạng kịch bản này.
Đây là một vở kịch thơ, và trước hết là một kịch bản để đọc. Không khí chung, cách dàn ý chung vẫn có thể thu hút sự chú ý và gây được cảm xúc cho người đọc. Tuy vậy, về mặt là thơ thì ở đây, có lẽ những câu thơ còn chưa được gia công ngang với chất lượng những câu thơ từng được biết đến rộng rãi trước nay của tác giả. Thơ ở Giấc mơ còn hơi dài lời và thiếu chất cách ngôn để có thể "ly tâm", để có thể được nhớ như là những câu thơ lẻ hay, vốn từng có dưới tay bút Nguyễn Đình Thi. Song điều này lại xui ta nghĩ đến một điều khác nữa: phải chăng tác giả đang "văn xuôi hóa" câu thơ của mình, cho nó gần hơn nữa với lời nói thường, một hướng tìm tòi mà anh đã từng chủ trương và thử nghiệm từ mấy chục năm trước? Đây lại là một nét nữa đáng lưu ý.
1983
Nguồn: Sống với văn học cùng thời, tiểu luận-phê bình của Lại Nguyên Ân, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1998, tr. 111-115.