(Vài cảm nghĩ khi đọc tuyển Thơ Nguyễn Đình Thi [1])
Hoàng Hưng
Nguyễn Đình Thi
Tôi từng yêu và phục Nguyễn Đình Thi, lại có lúc ghét, thậm chí… xin hương hồn tiền bối đại xá, có ý coi thường ông. Giờ đây, có dịp đọc tuyển Thơ của đời ông, khi mình đã đi gần hết đời người, đã chứng kiến và chính mình trải qua bao thăng trầm lịch sử và văn chương, tôi bỗng thấy tràn ngập trong lòng một nỗi cảm thông lớn lao. Cảm thông với một thân phận do điều kiện lịch sử mà suốt đời chịu cuộc tranh chấp nội tâm không nguôi. Tranh chấp giữa con người nghệ sĩ và con người của đoàn thể. Để đi đến một kết thúc xét về mặt nào đấy thì rất buồn nhưng lại là sự chiến thắng tối hậu của nghệ thuật.
1. Ba phiên bản của một bài thơ
Thơ kháng chiến của Nguyễn Đình Thi có một đặc điểm khác hẳn thơ các đồng nghiệp cùng thời, tạo nên bè trầm xao xuyến phối với giai điệu cao của những khúc ca chiến đấu: “Những đêm dài hành quân nung nấu/ Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu” (Đất nước). Và ông bắt đầu nổi tiếng về thơ chính là nhờ những bản tình ca chiến tranh ây. Nhưng cũng chính ở chỗ này, sự tranh chấp giữa người nghệ sĩ và người của đoàn thể dễ có cơ bộc lộ. Sự tranh chấp kéo dài suốt 60 năm có thể thấy rất rõ qua ba phiên bản khác nhau của bài Không nói:
Bản đầu tiên:
Không nói
Dừng chân trong mưa bay
Liếp nhà ai ánh lửa Yên lặng đứng trước nhau Em em nhìn đi đâu Em sao em không nói Mưa rơi ướt mái đầu Mỗi đứa một khăn gói Ngày nào lần gặp sau Ngập ngừng không dám hỏi Chuyến này chắc lại lâu Ðoàn thể gọi Chiều mờ gió hút Nào đồng chí - bắt tay Em Bóng nhỏ Ðường lầy(Viết ở Nhã Nam trước năm 1948, Nguyễn Đình Phúc đã phổ nhạc – theo lời Nguyễn Đình Thi nói với Đỗ Trung Lai trên báo Quân đội Nhân dân 9/9/1995, dẫn trong 50 năm văn học Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1996, tr. 336, Người chiến sĩ, NXB Văn học 1960)
Trong bài này, người mà tiếng gọi của “đoàn thể” luôn luôn làm ngập ngừng lời tâm sự riêng tư, người rất có ý thức phải nói to lên cái từ “đồng chí” để át đi nỗi buồn cô đơn cá nhân mà cảnh “chiều mờ gió hút” làm cả “tôi” và “em” nao lòng, nhưng trong sâu thẳm, cái “tiểu tư sản” ủy mị vẫn nằm phục và cuối cùng “lòi đuôi” (nói theo văn phong chỉnh huấn một thời) trong hình bóng đơn côi và nhịp điệu rời rã của khổ thơ cuối.[2] Ta thấy con người nghệ sĩ Nguyễn Đình Thi cố gắng tự dẹp bỏ niềm riêng để vươn lên làm con người của đoàn thể; tuy chưa thành công, song ít ra có sự cân bằng tương đối giữa hai con người.
Bản thứ hai:
Không nói
Dừng chân trong mưa bay
Ướt đầm mái tóc Em em nhìn đi đâu Môi em đôi mắt Còn ôm đây Nhìn em nữa Phút giây Chiều mờ gió hút Bắt tayĐồng chí
Em
Bóng nhỏ
Đường lầy
(Tạp chí Văn nghệ 1948)Đến khi bài thơ được công bố sau đó (1948), thì cuộc tranh chấp lại nghiêng theo chiều “tiêu cực”. Hình như tác giả đã lấy lại từ bản viết đầu tiên nhất mà ông đã bỏ đi (hay là ông viết lại, viết thêm? Nhưng tôi nghiêng về ý đầu hơn vì tính bộc phát, ít yếu tố lý trí của những câu thơ này) những câu còn ướt át hơn, riêng tư hơn: “Ướt đầm mái tóc (thay vì “mưa bay ướt mái đầu”)… thậm chí nguyên một đoạn “Môi em đôi mắt/ Còn ôm đây/ Nhìn em nữa/ Phút giây”. Đồng thời, về thi pháp, tác giả quyết bỏ đi những yếu tố rõ tính truyền thống (nhịp câu đều đặn, nhiều vần, tính liên tục của các ý, trình bày đầy đủ hoàn cảnh bối cảnh để bài thơ dễ hiểu, dễ hình dung với người đọc) mà chỉ giữ lại những ấn tượng có tính bộc phát, được chộp lấy ghi nhanh, thậm chí nhảy cóc, “đầu Ngô mình Sở” như Xuân Diệu phê (“Môi em đôi mắt/ Còn ôm đây”), với nhịp điệu thật tự do trực tiếp từ sự thảng thốt của tâm trạng, nhịp loạn của trái tim, tức là không quan tâm nhiều đến người đọc bằng ghi nhận trung thực giây phút cảm xúc của bản thân cho chính bản thân – nói theo cách của thời “đổi mới” là thứ thơ “đi tìm mình”. Vậy phải chăng lúc này, con người nghệ sĩ Nguyễn Đình Thi, trong một hoàn cảnh nào đấy, có thể vì sự gần gụi số đông anh em văn nghệ sĩ mà xa các cán bộ chính trị (?), lại nổi lên hơn, đòi bộc lộ?
Khi tập hợp những bài thơ kháng chiến để in thành tập Người chiến sĩ năm 1956, Nguyễn Đình Thi đã bỏ bài này ra (có phải vì ý kiến Tố Hữu?). Và ở Người chiến sĩ tái bản năm 1961, ông đưa vào phiên bản một (công-tư tương đối cân bằng).
Bản thứ ba:Không nói
Dừng chân trong mưa bay
Ướt đầm mái tóc
Em em nhìn đi đâu
Môi em đôi mắt
Còn ôm đây
Nhìn em nữa
Phút giây
Chiều mờ gió hút
Em
Bóng nhỏ
Đường lầy
(Thơ Nguyễn Đình Thi, NXB Văn học 2001)
Đến lần thứ ba, vào cuối đời, sau gần 60 năm, tác giả lại đi tới cực đoan của chiều ngược lại: ông giữ lại bản in lần hai với những đoạn “mùi mẫn”, đồng thời cắt hết những từ có chứa chút hình bóng con người của đoàn thể như “bắt tay”, “đồng chí”.
Việc này phải chăng là minh chứng hùng hồn cho chân lý: với người sáng tạo nghệ thuật đích thực, thì cuối cùng con người riêng tư, cụ thể, nhân bản mới là cứu cánh, còn con người chức năng, công cụ, chỉ là mục tiêu nhất thời, hoàn cảnh.[3]
Thái độ cực đoan ngược chiều này ở cuối đời còn khiến tác giả cắt bỏ một cách oan uổng những đoạn thơ có màu sắc “lãng mạn cách mạng” khá ổn thoả trong những bài thơ tình chiến đấu ngày trước, khiến bài thơ bị hẫng, cụt một cách vô lý:
Bài thơ viết cạnh đồn Tây | |
Bản 2001 Ánh đèn không ngủ đêm nay Bóng tối ngọt ngào tiếng suối Nhớ em đôi mắt hay cười Ôi em Lúc này em đang ở đâu | Bản 1960 Ánh đèn không ngủ đêm nay Bóng tối ngọt ngào tiếng suối Nhớ cái miệng hay cười Nói chuyện những ngày mai sẽ tới Nhớ đôi mắt em nghĩ ngợi Lúc này em đang ở đâu Đêm khuya em nhớ người bộ đội Bâng khuâng bên bếp lửa nào Chúng ta như hai ngôi sao Hai đầu chân trời lấp lánh Trong không gian mênh mông xa nhau Chiều chiều cùng sánh lên ánh sáng Đem lòng hy vọng xoá thương đau |
Nhớ
Bản 2001 bỏ hẳn khổ cuối:
Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta bên nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta bên nhau kiêu hãnh làm người
Đoá hoa nghệ
Bản 2001 bỏ hai câu kết:
Em ạ dù trong cơn bão lửa
Tình yêu không ngừng vẫn nở hoa
Hai câu này đúng là yếu, rút ra kết luận kiểu học trò, nhưng để lửng lơ “Anh ngắt đoá hoa đồng tươi đỏ/ Dành cho em ở cuối trời xa” thì bài thơ không đứng được.
2. Những yếu tố cách tân dang dở
Người ta hay nói về hiện tượng “thơ tự do không vần” của Nguyễn Đình Thi trước hội nghị tranh luận 1949 và việc ông sửa lại cho có vần sau đó do áp lực của đoàn thể, đặc biệt là của Tố Hữu. Cũng có những người, như Hoàng Cầm, cho rằng thơ Nguyễn Đình Thi lúc không vần hay hơn là lúc sửa lại có vần. Riêng tôi, có mấy nhận xét thế này:
a/ Như tác giả nói trong bài phỏng vấn báo Quân đội Nhân dân đã nêu, thật ra có vần hay không vần không phải là điều ông khăng khăng. Ông không đi hẳn một lối thơ không vần triệt để như Văn Cao sau 1954.
Thực ra, có vần hay không vần là do điệu tâm hồn lúc bài thơ bật ra quyết định. Thông thường, không vần khi nhà thơ muốn truyền trực tiếp những cảm xúc bất ngờ, mới lạ, bất ổn, không bị lôi đi theo thói quen ngâm nga của thơ cũ, và như vậy thường hiệu quả nhất khi đi đôi với nhịp thơ tự do. Ở Nguyễn Đình Thi, điển hình nhất là những bài Đêm sao (1947), Sáng mát trong, Đường núi (cũng có thể kể lời bài hát Người Hà Nội, nhưng đây chưa thể coi là bài thơ độc lập, nó sống được phần lớn nhờ âm nhạc). Còn lại, những bài không vần khác của Nguyễn Đình Thi có thể lạ trong thời điểm xuất hiện nhưng không gây ấn tượng, cảm xúc mạnh. Thậm chí về hiệu quả chưa bài không vần nào của Nguyễn Đình Thi có thể so với Nhớ máu của Trần Mai Ninh. Tất nhiên, việc Nguyễn Đình Thi làm một số bài không vần là một sự phá cách đáng biểu dương có lợi cho tiến trình phát triển của thơ, song không nên nghĩ rằng ông là người duy nhất hoặc sáng giá nhất trong những người làm thơ không vần những năm đầu kháng chiến. Thơ tự do không vần của ông được nói đến nhiều là do thơ ông bị tập trung phê phán trong Hội nghị 1949, nhưng cũng cần nhớ là nội dung phê phán nặng nhất cũng không chủ yếu ở thơ không vần hay thơ tự do mà là ở cảm xúc cá nhân ủy mị (Tố Hữu kết luận trong tranh luận 1949: “những lúc thấy cần làm việc tôi thấy ghét thơ anh Thi ghê lắm, vì tôi thù ghét cái cá nhân nó lại trở về với tôi” – dẫn theo Vương Trí Nhàn, trong 50 năm văn học Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1996, tr. 328). Nên lưu ý là bài Nhớ máu của Trần Mai Ninh không hề bị phê phán tuy cũng là thơ tự do không vần.
Cũng nên nói là thời kỳ cuối đời, Nguyễn Đình Thi lại phát triển lối thơ tự do không vần, thậm chí thơ văn xuôi, với số lượng bài không nhỏ (hai tập Tia nắng, Trong cát bụi) nhưng không còn gây được sự chú ý của giới thơ bởi lúc này không vần hay có vần không còn là vấn đề thời sự của thơ nữa, và cũng vì chất lượng những bài ấy không có gì nổi bật.
b/ Thi ảnh có tính ấn tượng, không liên tục, không chú ý liên kết, diễn giải, là nét mới nổi bật trong một số bài thơ Nguyễn Đình Thi đầu kháng chiến (có lẽ đó là lý do thơ ông bị Xuân Diệu phê phán là “đầu Ngô mình Sở”), rõ nhất ở những bài Đường núi, Không nói, Sáng mát trong, Đôi mắt. Tuy nhiên, những bài viết theo lối này chỉ là những phác họa nhanh, chủ yếu gợi không khí, ghi nhận cảm gíac phút chốc, thiếu chiều sâu, không đủ vật liệu để dựng một kiến trúc thơ đường bệ, nhất là không thể đáp ứng yêu cầu tuyên truyền cách mạng. Có lẽ tác giả nhận thức rõ hơn ai hết điều này nên ông không phát triển nó thành hệ thống bút pháp; và khi cần thì ông sẵn sàng bỏ cả bài, chỉ lấy lại vài câu để tạo không khí (hứng) cho một bài thơ khác: những câu mở đầu bài Sáng mát trong đưa vào bài Đất nước – một bài thơ chính luận về lòng yêu nước.
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em. Gió thổi mùa thu vào Hà Nội Phố dài xao xác heo may Nắng soi ngõ vắng thềm cũ lối ra đi lá rụng đầy(Sáng mát trong)
chuyển thành
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới Tôi nhớ những ngày thu đã xaSáng mát lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác heo may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
(Đất nước)
Sau này tính ấn tượng còn nổi lên trong một số câu thơ đơn lẻ nằm giữa những bài thơ miêu tả hoặc giãi bày (“Chim đêm sau lán kêu thù thì…”, “Đoàn dân công bước động rừng khuya” – Bài thơ viết cạnh đồn Tây). Ở một số bài, tính ấn tượng vẫn là thế mạnh truyền cảm của thơ ông, mà có thể Lá đỏ là một trong những bài thành công hơn cả:
Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường
như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường…
c/ Câu thơ như lời nói thường, đậm tính văn xuôi. Tuy Nguyễn Đình Thi nhấn rất mạnh điều này trong lý thuyết (Vài ý nghĩ về văn nghệ bộ đội, 1949), nhưng thực tế ta chỉ bắt gặp đây đó trong một số bài thơ ghi nhận những cảnh những người trên đường kháng chiến những câu: “Mấy anh du kích áo chàm vạm vỡ/ Gối đầu trên bao gạo nói mơ”, “Trên sàn tre quanh bản đồ trải rộng/ Đầu vẫn mang mũ sắt/ Cả đoàn cán bộ ngủ say ngon” (Bài thơ viết cạnh đồn Tây), “Nón ai bỏ bờ đường/ Nón đây người chạy đâu” (Chiều vui).
Dường như tác giả cũng chỉ tình cờ mà viết nên, chúng bị chìm giữa những câu “làm thơ” theo thói quen tu từ không mới. Và quan trọng hơn, là không có những câu hay trong lối viết ấy. Ngược lại, không ít đoạn thơ thể hiện sự dễ dãi, thiếu lao động ngôn từ. Thậm chí sau này, đôi lần ông dường như có ý thức thể nghiệm loại câu này, nhưng lại rơi vào cực đoan, khiến bài thơ thành một bài báo bình thường ngắt dòng (Chị huyện ủy đến thăm sân bay, 1972).
Tóm lại, thơ Nguyễn Đình Thi thời kháng chiến có vài yếu tố của thơ hiện đại, nếu được chuyên chú vun trồng sẽ là đóng góp đẩy nhanh tiến trình phát triển thơ Việt. Nhưng những yếu tố ấy đều bị tác giả bỏ phí, không phát triển. Lý do thì có nhiều, do đường lối văn nghệ kháng chiến và cách mạng hướng về quần chúng công nông binh không khuyến khích sự mới lạ, do thân phận của tác giả chịu nhiều sức ép, cũng có thể do tính thoả hiệp, không đi đến cùng, nhưng tôi nghĩ cái chính là do ông không có não trạng của nhà thơ chuyên nghiệp có nhu cầu vun xới thi pháp như lẽ sống của mình. Về cơ bản, đó cũng xuất phát từ tình trạng dở dang nửa nghệ sĩ nửa cán bộ chính trị của Nguyễn Đình Thi.[4] Kết quả ta thấy một cảnh tượng có thể gọi là ngổn ngang trong thơ ông (có lẽ đúng như ông tự tổng kết trong câu thơ: “Tất cả cửa nhà tôi đó / Ngổn ngang qua tạm cuộc đời” – Gió bay), nhiều bút pháp, nhiều đường lối chen nhau trong một tập, thậm chí trong một bài.
3. Những lời chân thật cuối cùng
Thơ Nguyễn Đình Thi về cuối đời ít được công bố ngay khi viết, có lẽ vì chúng là những lời “nói với mình” hơn là nói với bạn đọc công nông binh và cán bộ mà ông đã quen coi là đối tượng của mình trước đây, nhưng khi làm tuyển thì ông đưa vào số lượng lớn (chiếm nửa tổng số). Nếu đem đối chiếu với những lý thuyết “nhận đường” mà ông đưa ra hùng hồn thời đầu kháng chiến, ta thấy ông đã thay đổi căn bản nhận thức về cứu cánh của nghệ thuật,
Những bài đạt nhất trong phần thơ cuối đời của ông là những tâm sự về tình yêu mà giờ đây ông mới tìm thấy, một tình yêu thuần túy không chút liên hệ với thời cuộc, với lý tưởng xã hội gì gì hết, mà giờ đây ông ngộ ra đó mới là ý nghĩa, lẽ sống hiện tại và vĩnh cửu của đời mình:
Tìm thấy em rồi không lạc nữa
Anh dắt tay em chạy giữa mưa
Quên những chông gai quên tất cả
Để lại sau lưng mọi bến bờ
(Buổi chiều ấy)
Là những cảm nhận về vẻ đẹp giản dị, an nhiên của đời sống. Là những trầm tư về sự sống, cái chết mang tính phổ quát.
Nhưng ở đây, một lần nữa, ta vẫn chứng kiến sự tranh chấp giữa con người nghệ sĩ và con người của đoàn thể trong Nguyễn Đình Thi.
Có một người cán bộ vẫn lên tiếng biện minh cho cách mạng sau những biến động lịch sử lớn lao: “Ra khỏi bóng đêm/ Đi tới buổi sáng/ Không có bóc lột ăn hiếp/ Mỗi dân tộc cần đến mỗi dân tộc/ Mỗi con người cần đến mỗi con người/ Thưa bạn/ Tôi nghĩ cách mạng là như vậy… Nhưng đó không phải chuyện một lúc” (Cách mạng); vẫn như cảnh cáo kẻ nào đó muốn “cuốn bụi rác mây mù/ Hắt vào chúng ta”, rằng: “Có một khoảng trời xanh kia/ Không phải chuyện đùa” (Một khoảng trời xanh kia). Nhưng đó chỉ là những ý tưởng thuần lý, khô khan, những câu phát biểu chỉ để tranh luận với người khác, không mang dấu ấn tâm cảm của tác giả, nên thiếu thuyết phục, ít ra là thiếu thuyết phục về thơ.
Ngược hẳn lại, những bài đầy tâm cảm, nhạc điệu (ta biết nhiều khi nhạc điệu thơ mới bộc lộ chân thật những rung động sâu bên trong vô thức, tiềm thức của tác giả, mới là cái quyến rũ và thuyết phục chứ không phải ý tưởng) lại nói lên một Nguyễn Đình Thi nghệ sĩ chân thành bộc lộ những gì thầm kín nhất mà ta không thể ngờ ông có dũng cảm phơi bày với đời. Nhưng ta lại không bất ngờ khi gặp ở đây điệu buồn lai láng, mênh mang, thỉnh thoảng nhói lên.
Khi đã ở cuối đường, người nghệ sĩ bỗng hoang mang nhìn lại chặng đường rất dài mình đã đi mê mải suốt đời, tưởng như được dẫn dắt bởi một ngôi sao Bắc đẩu không thể lầm lạc. Nay thì ông thấy nó chỉ còn là “một ánh xa” rất mơ hồ, huyền ảo:
Đã có mùa xuân đời tôi không nhỉ
Và đã có không cả một mùa hè Tôi chỉ nhớ đã đi nhiều mê mải Năm tháng đêm ngày theo một ánh xa(Mùa thu vàng)
Ở một bài thơ khác, ta bắt gặp ánh sáng dẫn đường mang tính tượng trưng khá mơ hồ ấy hiện thân vào một “con chim cánh biếc” luôn ở “phía trước” tác giả (Ánh biếc). Đó là tất cả những gì còn lại của một lý tưởng từng lộng lẫy đến thế hay sao?
Còn lại từ những ngày ấy sưởi ấm lòng ông lúc cuối đời chỉ là hình bóng “núi xưa” tha thiết của một thời trong trẻo, hình bóng cô gái nhỏ thôn làng có lẽ đã thầm yêu ông một tình yêu lẫn lộn giữa tình gái trai và tình dân tộc:
Bóng áo vải thô một cô gái nhỏ
Hàng trẩu cao đường đỏ lá vàng hoe Em tiễn anh lính đi nơi đạn lửa Môi run run em chúc có ngày về (Mùa thu vàng)Tổng kết đời mình, người nghệ sĩ không còn tin ở mình và nghệ thuật của mình:
Vâng tôi vẫn hai tay trần và túi rỗng
Không có được gì đắt giá tặng ông
Tôi còn vướng mấy câu thơ vô tích sự
Loay hoay mãi chưa xong
(Giữa đường)
Tôi không nói được mình đã trải đời
Không nói được mình đã hiểu người
Không dám nói mình đã biết yêu
Không dám nói mình đã biết sống
(Tóc bạc)
Thậm chí có những lúc bi quan đến mức ông tự nhìn mình bằng con mắt tối tăm khủng khiếp:
Em biết đấy - đời anh
Một mớ lòng thòng nhễ nhại
Chút ánh mờ
Khẽ thở
(Cơn dông)
Ông tự bôi bác mình hết mức, ta như thấy ông đấm ngực “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”:
Người tôi còn nhiều bùn tanh
Mặt tôi nhuốm xanh nhuốm đỏ Tay tôi vướng nhiều đồ bỏ Nhiều dây nhợ tự buộc mình Thôi xin tha cho mọi lỗi lầm Quên cho những dối lừa khoác lác Tôi biết tôi đã nhiều lần ác Và ngu dại còn nhiều lần hơn(Gió bay)
Làm sao có thể hình dung lời tự thú thê thảm ấy thốt ra từ một cái miệng hào hoa của một người thành đạt bậc nhất trong văn nghệ Việt Nam hiện đại? Phải chăng trước tiếng đập cửa của Thần Chết, nhu cầu “xưng tội” để được nhẹ nhõm ra đi trở nên ám ảnh còn kinh khủng hơn áp lực “tự kiểm thảo” thời chỉnh huấn?
Thật đau lòng. Nhưng đúng là sau khi “xưng tội”, sau hết một Nguyễn Đình Thi bình tâm bước những bước cuối cùng trên cuộc đời này, ôm trong lòng “niềm thương đau im lặng” và tin ở “tình yêu đi mãi cùng ta”. Ra đi mà “mỗi bước vẫn bâng khuâng mỗi bước” (Trời chiều), mà lòng còn quyến luyến một “lời ai văng vẳng”.
Tiếng đập cửa thình thình gọi
Anh cười vẫy Xin chia tay Lời ai văng vẳng Hôm nào gió bay.(Gió bay)
Lời ai? Hôm nào? Đó là bí mật cuối cùng ông mang đi, không chịu chia sẻ, hay không thể chia sẻ. Đó cũng chính là bí ẩn nao lòng của nghệ thuật.
Và thế là, cuối cùng, Nguyễn Đình Thi đã ra đi trong tâm thế của một người nghệ sĩ, người của muôn đời. Ông đã được giải thoát.
Linh Đàm, những ngày đầu năm 2008
[1] NXB Văn học 2001.
[2] Theo con trai của Nguyễn Đình Thi là nhà văn Nguyễn Đình Chính, “em” trong bài thơ này là em gái của mẹ ông, tức em vợ Nguyễn Đình Thi, người mà bà ngoại của ông cũng có ý gả cho bố ông.
[3] Tôi không khỏi liên tưởng đến một câu chuyện thực mà mình chứng kiến, liên quan đến từ “đồng chí”. Năm 1993 (94?), khi nhạc sĩ Văn Cao đã được phục hồi và tặng Huân chương Độc lập, có một đêm nhạc Văn Cao hoành tráng được tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TPHCM với sự hiện diện của nhạc sĩ. Mở đầu buổi ấy, ông Trần Trọng Tân, trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương lên giới thiệu. Ông nói như sau (tôi nhớ gần như chính xác mấy lời mở đầu): “Thưa anh Văn Cao, thưa nhạc sĩ Văn Cao…” (giọng ông lên cao dần, nhấn mạnh dần) rồi đến cao trào “… thưa đồng chí Văn Cao” (từ “đồng chí” là điểm nhấn cao giọng nhất). Trong khi ông nói, Văn Cao cứ ngồi, không biểu lộ gì trên nét mặt, đầu hơi cúi. Sau khi ông Tân giới thiệu bằng những lời có cánh xong, Văn Cao từ từ đứng dậy, tiến đến micro, và cất tiếng: “Thưa các đồng chí,” ; bỗng ông thoáng một nụ cười rất hóm mà ai quen biết ông đều nhận ra, và nói tiếp ngay “À quên, thưa các bạn…”. Tất cả khán giả cười ồ. Chỉ thế thôi, qua cách chọn loại từ xưng hô, đủ hiểu người nghệ sĩ lớn này có quan niệm rõ ràng thế nào về kiểu người mà ông muốn mình và mọi người thể hiện trong quan hệ nghệ thuật.
[4] Khác với Tố Hữu là nhà chính trị làm thơ, Huy Cận là nhà thơ làm công chức cao cấp, Xuân Diệu là nghệ sĩ đi theo cách mạng, Chế Lan Viên là nghệ sĩ muốn làm chính trị. Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm… có ý thức dứt khoát làm người nghệ sĩ sáng tác, đã xây dựng được cho mình một thi pháp rõ rệt, khá hoàn chỉnh.