Nguyễn Hoàng Văn
Liệu một hành vi độc ác như siết cổ đứa trẻ sơ sinh đến chết có hàm chứa những ý nghĩa cứu độ hay, thậm chí, “Phật tính” nào đó?
Tôi thoáng nghĩ đến điều này khi Bashar al-Assad, nhà độc tài hết thời của Syria, đào tẩu đến Nga để làm phiền một Vladimir Putin đang cực kỳ phiền não. “Ốc chẳng mang nổi mình ốc”, kiệt quệ, mỏi mệt, phải dè dặt xử nhũn với Trung Quốc rồi hạ mình cầu cứu cựu đàn em Bắc Hàn mà bây giờ còn gánh thêm Bashar, ông Putin này đang thực sự đưa lưng ra “làm cọc cho rêu”. Mà cả kẻ từng ngồi chồm hổm trên đầu dân tộc Syria phải chạy đến bám vào cái lưng khòm rệu rã của ông chủ nhà không biết còn trụ được bao lâu nữa, kẻ hết thời này hẳn rất khổ tâm, rất nhục nhưng ông ta biết làm gì hơn? Với con số nạn nhân lên đến hàng trăm ngàn người trong cuộc chiến phi nhân kéo dài gần 13 năm bằng đủ loại tội ác – tù đày, tra tấn, sát nhân, kể cả bằng vũ khí hóa học mà thế giới văn minh cấm tuyệt – Bashar giờ biết bấu víu vào đâu ngoài ông trùm từng bảo kê cho cuộc chiến ấy? [1]
Phần Bashar, sau gần một phần tư thể kỷ cầm quyền đã từ vị trí “ngoại lệ” xoay chuyển thành bằng chứng sống cho “bài học ẩn khuất trong lịch sử” mà giới độc tài hiếm khi nhận ra: họ không nên có con trai, lỡ có thì hãy... siết cổ, vặn họng, hay bóp mũi!
Tháng Hai năm 2011, thời điểm bùng phát của “Mùa Xuân Ả Rập” và là “đêm trước” của nội chiến Syria, Stephen Kinzer – một nhà báo, một tác gia và một giảng viên đại học Mỹ – đã nêu ra lời cảnh cáo này trong bài viết Dictators’ Sons, From Egypt to Libya, Are Doomed trên The Daily Beast:
“Con cái của những bạo chúa thường góp phần gia tốc tiến trình sụp đổ của bố mình. Chỉ cần hỏi Mubarak. Tổng thống Hosni Mubarak ở Ai Cập mất sạch quyền lực trong ô nhục phần nào là do ông ta không lưu ý đến một bài học ẩn khuất trong lịch sử, đó là các nhà độc tài không nên có con trai. Nhưng phần lớn đám độc tài này lại có. Điều này lại góp phần thúc đẩy việc họ mất hết quyền lực hay đất nước họ bị sụp đổ.
Người Ai Cập có thể dằn lòng cam chịu thêm một thời gian nữa nếu như ông Mubarak già nua không huỵch toẹt rằng ông ta muốn trao quyền lại cho con trai, Gamal Mubarak. Trong toàn bộ những hành vi ngạo mạn của ông Mubarak, không có gì sỉ nhục người Ai Cập hơn bằng cách cho rằng trong 80 triệu dân chỉ có Gamal Mubarak mới xứng đáng để lãnh đạo đất nước. Chỉ đơn giản vì ông ta muốn nên Gamal sẽ lên cầm quyền, chả cần đến lá phiếu của người dân.
Chưa đầy một tuần sau các vụ phản đối ở Ai Cập, Tổng thống Ali Abdullah Saleh ở Yemen phải ra mặt thề thốt là, có ra đi, ông ta sẽ không đưa con trai mình, Ahmed, lên làm tổng thống. Cùng lúc, Quốc vương Abdullah ở Jordan, mới vừa kế vị bố mình, đã ra tay giải tán chính phủ trong nỗ lực củng cố chế độ. Nay thì, xem ra, triều đại Abdullah này có vẻ vững chãi cũng giống như ở Saudi Arabia, thế nhưng càng ngày quan niệm cho rằng con trai có quyền thừa kế quyền hành hầu như tuyệt đối của bố mình càng đánh mất sự ủng hộ.
Một số ít con cái các nhà độc tài vẫn tiếp tục giữ được quyền lực kế thừa từ bố ông, như Bashar al-Assad ở Syria và Kim Jong Il ở Bắc Hàn. Nhưng đa số chế độ khác thì thất bại thê thảm. Đặc biệt là Phi châu với rất nhiều thí dụ. Con trai của Idi Amin, Daniel Arap Moi, và Jomo Kenyatta không thể giữ quyền lực mà bố họ cố trao lại. Gần nước Mỹ hơn, Jean-Claude ‘Baby Doc’ Duvalier, nhậm chức Tổng thống Haiti sau khi bố qua đời nhưng không thể nào giữ được; các nỗ lực giành lại chính quyền của ông ta trong thời gian qua đã bị ngăn cản rất nhiều vì trí nhớ người dân không chỉ in hằn sự tham nhũng và tàn bạo dưới thời ông ta mà cả của thời của bố ông ta nữa. […]
Các nhà độc tài phải làm gì để thoát khỏi lời nguyền này? Có ba chọn lựa. Một là ‘sợi dây lụa’ từng được các giáo vương của Ðế quốc Ottoman ưa chuộng. Họ cho giết con trai của mình – siết cổ bằng sợi dây lụa để tránh đổ máu vì máu hoàng tộc quá thiêng liêng – để trừ hậu hoạ. Trông thì tàn bạo thật nhưng giới ủng hộ truyền thống này cho rằng số người chết vì nó quá nhỏ so với số người thiệt mạng trong các cuộc chiến giành ngôi ở Âu châu.
[…] Giải pháp thứ hai là không có con. Ðó là con đường của George Washington – theo một số sử gia thì việc mắc bệnh đậu mùa lúc thiếu thời khiến ông tuyệt tự – và điều này có thể có một ảnh hưởng lớn lao với lịch sử Mỹ. Tư tưởng quân chủ vẫn rất mạnh trong thời Washington và ông nhận được sự sùng bái của công chúng đến nỗi nếu có con trai, có thể sẽ có nhiều áp lực để đưa người con lên làm tổng thống. Ðiều đó có thể đã đẩy nước Mỹ theo một hướng đi hoàn toàn khác.
Khi thắc mắc là tại sao Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia thịnh vượng nhất trong thế giới Hồi giáo tại Trung Ðông, chúng ta không nên bỏ qua sự thể là lãnh tụ khai quốc, ông Kemal Ataturk, cũng không có con. Cũng giống như Washington, ông được cả nước ngưỡng mộ và có thể dễ dàng cho con trai mình kế nghiệp. Thay vào đó, cũng như Washington, ông ta nhẹ nhàng rút lui khỏi quyền lực để dân chủ rộ nở trên đất nước mình.
Còn có giải pháp thứ ba: đẻ con gái thay vì con trai. Lịch sử cho thấy rằng con gái của các nhà độc tài có khuynh hướng trở thành những nhà lãnh đạo giỏi, nhiều khả năng. Trong số này, chúng ta có thể kể bà Megawati Sukaroputri ở Indonesia, bà Benazir Bhutto ở Pakistan, bà Sheikh Hasina ở Bangladesh, và bà Indira Gandhi ở Ấn Ðộ. Có vẻ như họ thừa hưởng được khả năng lãnh đạo và vận dụng quyền lực của bố mình, và dẫu không vượt qua thói tham nhũng, họ có khuynh hướng cởi mở hơn, dễ dàng chấp nhận thoả hiệp hơn và không bị lôi kéo vào những trò chơi đầy kích thích tố như đua xe, ma túy và tra tấn.
Ðáng tiếc cho Mubarak là đã quá trễ để dùng đến ‘sợi dây lụa’ và ông ta cũng không có con gái”. [2]
Quá trễ cho Mubarak và cực kỳ trễ cho bố của Bashar, ông Hafez al-Assad, nhà độc tài giảo quyệt đã cai trị Syria bằng bàn tay sắt từ năm 1971 cho đến khi qua đời vào năm 2000 nhưng, đã hơn tuần nay, lại vật vờ như một cô hồn không ai hương khói bởi lăng mộ nguy nga của mình đã bị công chúng phẫn uất đập phá, thiêu rụi. Syria từng là thuộc về đế quốc Ottoman và nếu Hafez am tường lịch sử, hiểu được “bài học ẩn khuất” nói trên mà sử dụng giải lụa mềm của các giáo vương Ottoman, có lẽ bây giờ, âm phần và dương thế, hai cha con đã không đau đớn trong cảnh vật vờ này.
Quan trọng hơn, giải lụa ấy sẽ giúp Syria tránh khỏi cuộc nội chiến 13 năm với những tổn thất kinh hoàng, cả của, cả người. Xét như thế thì, nếu ngày xưa Hafez siết cổ con trai để ngày nay Syria chịu cảnh tang thương, hành vi vô nhân này có thể hiện những ý nghĩa cứu độ hay Phật tính theo triết lý “Sát nhấtt miêu, cứu vạn thử”?
Nhưng ai có quyền để hành xử như là nhân vật viễn tưởng Terminator, nhân danh tương lai để sát hại một đứa bé sơ sinh vô tội? Mà, những hướng đi tương lai như thế, lại phát sinh từ chính người lớn, như chính trường hợp của Bashar. Syria có thể sẽ không lâm cảnh nội chiến và Bashar có thể sẽ tiếp tục cuộc sống an lành tại Anh với công việc của một bác sĩ nhãn khoa nếu, năm 1994, Hafez không gọi về để, nói theo diễn ngôn của Hà Nội, “cơ cấu” vào guồng máy quyền lực như là người sẽ kế vị mình, thay thế ông anh Bassel. Được bố “quy hoạch” từ đầu với những bước đào tạo “bài bản, chính quy” nhằm kế tục mình, trưởng nam Bassel này đã chết vô duyên như một đứa trẻ trâu do phóng xe quá tốc độ trong thời tiết sương mù, lại không thắt dây an toàn.
Nghĩa là Hafez sẽ không bị đào mồ và Syria sẽ không bị nội chiến tàn phá nếu, từ đầu, ông ta không “quy hoạch” hay “cơ cấu” con trai mình vào vị trí ngồi xổm trên đầu dân tộc mình. Lỗi, do đó, không thuộc về những đứa trẻ sơ sinh vô tội. Lỗi là ở những “đứa già” với những toan tính “quy hoạch” và “cơ cấu”, với những kiểu đào tạo “bài bản, chính quy” để biến những đứa trẻ như thế thành những người lớn trẻ trâu và, sau này, những lãnh tụ độc tài vô nhân và, nhiều khi, bạo dâm.
Như một trùng hợp thú vị, đâu chỉ mới ba tháng trước thôi, nguyên Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cũng bỏ trốn bằng máy bay để đến nương nhờ láng giềng Ấn Độ. Thoạt trông thì cũng giống như hoàn cảnh của Bashar nhưng, từ góc nhìn của “bài học ẩn khuất trong lịch sử” trên, họ đã trái ngược nhau đến 180 độ khi Hasina từ vị trí của một thí dụ kinh điển quay ngoắt thành “ngoại lệ” của “bài học” ấy.
Từng được Kinzer nêu tên như thí dụ cho việc các nhà độc tài nên có con gái thay vì con trai, Sheikh Hasina lại bỏ chạy như một tên đàn ông thất bại mà nguyên nhân thực sự, cũng là do “cơ cấu” và “quy hoạch”. Bà ta không bị đảo chính mà Bangladesh cũng không bị nội chiến. Bà ta bỏ chạy là do áp lực của làn sóng biểu tình ngày càng lan rộng, càng bị đàn áp càng phản ứng dữ dội hơn, mà khởi nguồn là vụ xuống đường của sinh viên Đại học Dhaka nhắm phản đối chính sách tuyển dụng lỗi thời và bất công, ở đó những công việc ổn định của bộ máy chính quyền luôn là phần thưởng dành cho những thành phần “có công với cách mạng”.
Cách mạng đây là cuộc chiến giành độc lập, tách Bangladesh ra khỏi Pakistan vào năm 1971 mà lãnh tụ chính là ông Sheikh Mujibur Rahman, bố bà Hasina. Chúng ta làm những việc tốt bởi đó là việc… đáng làm, nên làm; nhưng khi chúng ta làm việc tốt với mục đích nào đó – để kiếm danh, để làm đẹp resumé xin việc, để dọn đường ra ứng cử hay, thậm chí, để dọn đường lên thiên đường – thì đó lại là một sự đầu tư. Cái lỗi của những kẻ thừa kế thành quả cách mạng là xem đó như một cuộc đầu tư, phải trả lời cho những ai trả giá hay góp vốn đầu tư,
Sinh viên Bangladesh ồ ạt xuống đường là để bày tỏ sự bất bình với cái chương trình lỗi thời này. Bangladesh 170 triệu dân và trong con số này có đến 32 triệu thanh niên thất nghiệp và họ phải giành giật nhau chỉ 20% vị trí trong bộ máy công quyền khi 80% kia được “quy hoạch” và “cơ cấu” cho những cựu chiến binh cách mạng, những phụ nữ bị hãm hiếp trong thời chiến hay dân cư “vùng sâu vùng xa”. Nhưng đâu đơn giản là 20% cho 32 triệu thanh niên thất nghiệp? Mức độ cạnh tranh khốc liệt này còn biến nó thành một thị trường của những giao dịch cửa sau hay, nói thẳng, là mua bán, hối lộ. [3]
Nhưng bất công còn chồng chất bất công. Nếu ông bố khai quốc Rahman từng mơ tưởng xây dựng đất nước theo con đường “xã hội chủ nghĩa” thì, để thích nghi sau khi đã rõ trắng đen vào 1990, Hasina đã hướng Bangladesh theo kiểu mẫu Trung Quốc và, bây giờ, cũng như Trung Quốc hay Việt Nam, Bangladesh hình thành nên một nền kinh tế “tư bản thân hữu” ở đó, dẫu chỉ chiếm 10% dân số, giới “tư bản thân hữu” lại kiểm soát đến 41% lợi tức quốc gia . Kinh tế phát triển bao nhiêu đi nữa thì phần lớn lợi tức đều vào tay người giàu và cái hố cách biệt ngày càng khơi rộng. Sinh viên Dhaka xuống đường vì bị đối xử bất công, rồi cả nước cũng ồ ạt xuống đường để chống bất công, và bà thủ tướng phải bỏ trốn. [4]
Như thế, từ Sheikh Hasina cho đến Bashar al-Assad, sự thể đều nhất quán khi toàn bộ rắc rối có thể quy vào mấy ý niệm “quy hoạch”, “cơ cấu” và “đào tạo bài bản, chính quy”. Nó không hề “ẩn khuất” mà rất rõ ràng bởi đất nước là của toàn dân, và cách mạng là phải xóa bỏ sự bất công chứ không phải thay đổi cán cân của sự bất công, là xóa bỏ bất công này để thiết lập nên một bất công khác. Bài học thì rất rõ ràng nhưng, thường, giới trong cuộc chỉ hiểu ra khi đã quá muộn, lúc sự báo ứng đã đổ ập xuống đầu.
Sẽ là một thiếu sót rất lớn nếu không nêu ra một bài học rành rành khác, khi lăng tượng của Hafez al-Assad bị đập phá, bị sỉ nhục, giống như tượng của bao nhiêu nhà độc tài gian ác khác, Đông hay Tây. Sao cứ phải phí phạm tiền bạc xây lăng dựng tượng bằng bê tông, bằng đá hay bằng đồng, mà không dựng bằng niềm tin? Cứ thản nhiên dẫm đạp lên niềm tin và đời sống của người dân để xây lăng và dựng tượng thì, cuối cùng, cũng có ngày chúng cũng bị đập đổ, bị dẫm đạp như cái quả báo nhãn tiền hãy còn nóng hổi, với Hafez.
Dẫu đã đổ ra bao nhiêu tiền của để chăm chút đời sống ở thế giới bên kia với một lăng mộ nguy nga, đồ sộ, cuối cùng thì kẻ từng cai trị tuyệt đối đất nước Syria trong suốt 30 năm cũng chỉ là một cô hồn không ai hương khói!
Tài liệu tham khảo:
2. https://www.thedailybeast.com/dictators-sons-from-egypt-to-libya-are-doomed/
4. https://thediplomat.com/2024/11/hasinas-failed-pursuit-of-the-china-model/