Lê Hồng Lâm
“Tại sao thế giới đầy bạo lực và đớn đau.
Mà thế giới vẫn tươi đẹp đến thế?”
– trích dẫn trong diễn từ nhận giải Nobel văn chương 2024 của nhà văn Hàn Quốc Han Kang.
Chiều nay tôi đọc Trắng, cuốn thứ ba của Han Kang mà tôi đọc. Không gây ấn tượng mạnh mẽ như Người ăn chay hay Bản chất của người; Trắng như một hợp tuyển những đoản văn giàu nhịp điệu và đậm chất thơ đưa ta qua những phút chốc của đời người. Xuyên suốt cuốn sách là một màu trắng, màu trắng của tã quấn, áo sơ sinh, bánh trăng tròn, sương mù, thành phố trắng… Màu trắng của sữa mẹ, của sương giá, tuyết, những bông tuyết, mưa tuyết, bão tuyết, tuyết vĩnh cửu. Màu trắng của tro, muối, trăng, khói miệng, chim trắng. Màu trắng của vải liệm, áo tang, khói, im lặng, chia biệt…
“Và cô thường xuyên quên,
rằng cơ thể cô (cơ thể rất cả chúng ta) chỉ là một lâu đài cát,
đã sụp đổ và vẫn đang sụp đổ,
không ngừng rơi qua các kẽ ngón tay.”
(Cát)
“Cô từng phải chụp X-quang toàn thân vì chứng đau nhức. Giữa tấm ảnh Roentgen trông như lòng biển màu xanh xám, đứng nổi bật một bộ xương trắng. Trong cơ thể con người lại có một loại vật chất rắn chắc như đá chống đỡ, cô không khỏi ngạc nhiên trước điều ấy.
Từ lâu trước đó, hồi mới chớm dậy thì cô cũng đã bị mê hoặc bởi những cái tên đa dạng của xương. Xương mắt cá chân. Xương gối. Xương quai xanh. Xương sườn. Xương lồng ngực. Xương đòn. Con người không chỉ được làm thành bởi thịt và cơ bắp, điều này khiến cô cảm thấy may mắn một cách kỳ lạ.”
(Xương trắng).
Xuyên suốt cuốn sách mỏng này, cái chết luôn hiện hữu, nhưng sự sống vẫn ngập tràn.
Con người chào đời với chiếc tã quấn, áo sơ sinh, sữa mẹ màu trắng và chết đi trong áo liệm màu trắng và tan đi vào hư không với tro bụi màu trắng. Sự sống và cái chết tiếp nối nhau, không dứt.
Tại sao thế giới đầy bạo lực và đớn đau.
Mà thế giới vẫn tươi đẹp đến thế?