Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2024

Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương – Yết Kiêu (28)

 Đông Ngàn Đỗ Đức

TIỄN BIỆT ANH LÊ LAM

Họa sĩ Lê Lam, tác giả bức tranh nổi tiếng Dừng lại, đã qua đời vào ngày 28/3/2022 tại Hà Nội. Với tôi, ông mãi mãi là người anh thân thiết, dù ra đi ở tuổi ngoài 90, theo lễ nghĩa Việt Nam thì phải được gọi cụ! Tôi gọi thế vì Lê Lam qua nhiều lần tiếp xúc, trong tôi, ông luôn là người anh hiền hậu, trung thực với bạn với nghề, kể cả khi anh tức giận với ai điều gì đó.

1. Lần đầu tiên tôi được xem tranh Lê Lam ở tại Nhà triển lãm 10 Hàng Đào, Hà Nội vào khoảng trước sau năm 1961, trong một dịp nghỉ hè về quê, lúc ấy tôi đang học phổ thông. Còn nhớ, tên triển lãm của ông mang tên Từ tuyến đầu Tổ quốc vẽ về cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam. Trong triển lãm ấy, một nửa là những phác thảo đen trắng về miền Nam, chống càn, chống lập ấp chiến lược…, còn nửa kia là những tranh khắc gỗ minh hoạ thơ Hồ Xuân Hương.

Ấn tượng về những phác thảo đen trắng bằng than thì không mấy rõ ràng, nhưng những khắc gỗ minh hoạ thơ Hồ Xuân Hương lúc ấy với tôi là tuyệt vời, khiến tôi nhớ mãi đến sau này. Cứ mong lúc nào đó được xem lại.

Lần triển lãm sau của ông ở tầng Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội) sau ngày đất nước thống nhất, tôi không nhớ năm nào nhưng có những tranh sơn dầu về tháp Angkor, Bayon đẹp khoẻ khoắn nhưng không ấn tượng bằng những kí hoạ màu nước tuyệt vời của ông về cuộc sống sinh hoạt cùng những kí họa chiến trường thời ông ra trận. Ông kí hoạ rất hoạt, hình ảnh sống động hiện ra chỉ sau vài nét phác. Những bức vẽ bút sắt đệm màu nước lung linh. Khả năng bắt hình hình của ông tuyệt hảo do hình hoạ vững, và ông vẽ chân dung cũng rất tuyệt. Tôi nhớ Lê Lam rất kĩ bởi những kí hoạ chiến trường miền Nam vì ít ai vẽ đẹp và chuẩn xác được như ông.

2. Con người nhiệt huyết và tay nghề vững vàng Lê Lam sau ngày đất nước thống nhất được Bộ Văn hóa cất nhắc vào vị trí Giám đốc Xưởng Mỹ thuật quốc gia. Xưởng lúc ấy có rất nhiều họa sĩ danh tiếng như Mai Văn Nam, Đỗ Xuân Doãn, Việt Hải, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế, Lưu Danh Thanh..., có các xưởng làm điêu khắc, hội họa... thực hiện các công trình về mỹ thuật trên toàn quốc. Giám đốc Lê Lam đã năng nổ xây dựng chương trình và hướng hoạt động của xưởng rất rộng mở, được mọi người hân hoan chờ đón. Đấy là thời bao cấp.

Xin nói thêm về bao cấp, đó là những đơn vị sản xuất trực thuộc Bộ và đều là đơn vị hạch toán có thu, sản xuất kinh doanh được bao nhiêu nộp hết lên Nhà nước. Còn Nhà nước có trách nhiệm chi trả tiền lương và các chi phí quản lý và sản xuất cho đơn vị. Do cách quản lý ấy mà sự phát triển ì ạch, làm được đến đâu hay đến đấy, còn ngân sách vẫn trả lương đều đều.

Nhưng năm 1982 có một bước ngoặt mới về quản lý. Đơn vị phải tự hạch toán kinh doanh, tự quản lý vốn, tự làm đủ trả lương... một hướng quản lý kinh tế mới bắt đầu. Mọi việc trở nên quá mới lạ và ngỡ ngàng đối với Lê Lam, một người nhiệt huyết, nhưng vai trò giám đốc quản lý đơn vị hoạt động theo thị trường là một việc quá khó đầy áp lực đối với họa sĩ chỉ quen với sáng tác. Chẳng biết xoay xở thế nào, ông làm đơn xin thôi giám đốc. Bộ thuyết phục sao cũng không được. Với ông, cái gì không làm được thì cương quyết dứt bỏ.

Tính cách ấy của Hoạ sĩ Lê Lam chắc anh giữ trọn đời. Vì anh là thế, một người lính đi trường kì cùng chiến tranh, gắn chặt với thể chế, nhưng khi cần, những quyết định cá nhân cũng mang tính dứt khoát của người lính!

3. Tôi viết mấy dòng này để tưởng nhớ anh và cũng thay lời đưa tiễn. Tôi gặp anh lần cuối ở triển lãm chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Bảo tàng Phụ Nữ cũng hơn chục năm nay rồi. Lúc ấy thấy anh đã yếu, đi không vững, phải có người đỡ. Nhưng giọng anh vẫn khoẻ, đầu vẫn tinh tường, nói chuyện về nghề mắt anh sáng rực và như trẻ lại. Hai anh em còn trò chuyện hỏi thăm nhau. Anh động viên tôi: “Em vẽ hay lắm, vẽ đi và vẽ nhiều vào”.

Anh yêu nghề, luôn quan tâm đến nghề và luôn yêu quý bạn bè với cả lớp đàn em.

Anh Lam ơi, anh đi nhé, anh đã hết mình cho nghề, nặng tình cho đất nước. Anh đã sống đủ, đầy đặn và một đời trong sáng trong sự nghiệp của mình. Thương nhớ anh! Kính cẩn tiễn đưa anh!

Cuộc đời và sự nghiệp họa sĩ Lê Lam

Họa sĩ Lê Lam tên thật là Vũ Quốc Ái, sinh năm 1931 tại xã Hải Bối, từng học trường Mỹ thuật kháng chiến, rồi Đại học Mỹ thuật quốc gia Kiev - Liên Xô (từ 1958-1964). Ông công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam từ 1965-1976, sau đó chuyển sang làm tại Xưởng Mỹ thuật quốc gia.

Giải thưởng: Giải Nhì - Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (1955); Huy chương Đồng - Triển lãm Đồ họa và Minh họa sách Quốc tế ở Tiệp Khắc (1976); Giải Khuyến khích châu Á - Thái Bình Dương NoMa (1995); Giải Nhất - Tranh cổ động Thập kỉ Văn hóa UNESCO (1988-1998) năm 1998; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2016.

Họa sĩ Lê Lam

Tranh cổ động Dừng lại

Má Bến Tre


Tranh cổ động Bảo vệ chính quyền nhân dân