Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2024

Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương – Yết Kiêu (27)

Đông Ngàn Đỗ Đức

 

NGƯỜI VẼ NGỰA

(Viết tặng họa sĩ Lê Trí Dũng – Viết 9 năm trước, giờ mà viết chắc sẽ khác)

 

Một đêm, đã lâu lắm, có một cú điện thoại dựng tôi dậy:

- Này Đỗ Đức, còn thức không đấy?

- Ai đấy, có việc gì vậy.

Tôi giật mình vì khuya quá, ngỡ là có hung tin.

Đầu dây kia giọng nói nhanh:

- Lê Trí Dũng đây, này, nói nhanh một câu thôi nhé, còn để ông còn ngủ.

- ....

- Này, tôi phục ông vẽ cây thôi chứ không phục ông vẽ ngựa đâu đấy nhé.

Rồi buông máy.

Hà Nội thời điểm này, Hội Mỹthuật Việt Nam có ba người hay viết. Đó là tôi và Đỗ Phấn viết tản văn; Phấn ngoài tản văn còn viết truyện ngắn và tiểu thuyết. Lê Trí Dũng viết nhiều nhất về kỉ niệm chiến trường. Anh là lính tăng, rong ruổi qua nhiều chiến trường nhiều năm, bao nhiêu bom đạn lướt qua đầu mà rồi cuối cùng vẫn là người may mắn trở về nguyên vẹn, ít nhất là cái vỏ ngoài!

Ở Hội nhưng chỉ gặp nhau khi triển lãm chứ chưa lần nào ngồi bia rượu nhậu nhẹt cả.

Dũng cũng là người tiếc thời gian. Có lần tôi được nghe một người bạn bình phẩm:

- Đang ở quán, thấy nó gọi vào, nó nể ngồi được một tí rồi rút cục tiền dúi vào tay và bảo: “Xin lỗi, bận quá...”. Nói xong là biến nhanh như tên lủa.

Tôi nghe thông cảm ngay. Tôi cũng thuộc dạng tham công tiếc việc, không thích chuyện lè nhè quán rượu, chả đem lại cái ích gì mà rồi lời rượu có khi thành chuyện cãi cọ chẳng ra gì!

Dũng có khí phách của một người lính. Cái khí phách đó anh đã giữ mãi đến thời hậu chiến. Đó là tình đồng đội bền vững, đó là sự chia sẻ với ai từng là lính chứ không riêng đồng đội của mình, đó là lối ứng xử nhanh, rành mạch, hào sảng, thẳng như kẻ chỉ. Người lính đâu có nhiều thời gian.

Tôi biết có lần tranh anh gửi triển lãm bị dẹp. Đó là hình ảnh mất mát chiến tranh, cả hai bên người lính, chả ai nào được lợi! Có vẻ không hợp hơi chính trị lắm! Tôi đọc thấy trong tâm khảm một người lính như anh, anh không chấp nhận chữ “ngụy” với lính đối phương thì phải. Trong nhận thức của anh thì người lính chỉ là một công cụ. Họ không có lỗi.

Chắc anh đọc Tam Quốc cũng nhớ đến chuyện tướng của Viên Thiệu từng bắn đứt dải mũ của Tào Tháo trong một trận chiến. Tháo ôm đầu chạy chí chết. Khi Viên Thiệu thất thủ, viên tướng đó bị bắt giải đến trước mặt Tào Tháo. Tháo trông thấy cả giận rút gươm mắng rằng : “Ngươi biết tội chăng? Hôm nay ta sẽ lấy mạng ngươi”. Viên tướng bình thản bảo: “Tào công có thể lấy tính mạng ta, ta không oán hận gì. Ta chỉ là mũi tên trên cây cung, mũi tên theo đích của người bắn. Ta ăn lộc Viên Thiệu thì ta chỉ biết ông ấy, ta cần gì biết đến Tào công”. Nghe đến thế, Tào Tháo bừng tỉnh, ném gươm xuống đất gọi tả hữu đến cắt dây trói rồi cúi xuống đỡ viên bại tướng, miệng xin lỗi và bảo: “Ta đùa thôi, ông là tướng giỏi của ta, sao ta lại ngược đãi được”. Sau đấy viên tướng nọ luôn là tướng tiên phong lập bao nhiêu công trạng để TàoTháo dựng nên nghiệp lớn.

Thế mới biết Tào Tháo là người sắc sảo linh hoạt. Nghĩ Lê Trí Dũng mê Tam Quốc, chắc không thể bỏ qua đoạn đối thoại tuyệt vời này và giúp anh có những nhìn nhận công bằng về chiến tranh...

Không gặp nhau không có nghĩa là không thèm biết đến nhau. Lê Trí Dũng hóa ra vẫn âm thầm biết tôi hay vẽ ngựa. Nhưng con ngựa của tôi là con ngựa của bản làng, quanh quẩn ở xóm bản, lầm lũi ngựa thồ nhẫn nhịn... nó chẳng thể theo được những con ngựa trong tinh thần văn hóa cổ đại mà mỗi con đều gắn với điển cố văn hoá, với những nhân vật lịch sử lừng danh trong cổ sử Trung Hoa!

Vậy mà anh vẫn gọi cho tôi như một sự ganh đua... Nhưng tôi hiểu ra đó là lời khích tướng của những người cầm bút yêu nhau, để ý đến cách làm việc của nhau lắm mới có những cú điện thoại xóc óc như vậy.

Xem ngựa của Lê Trí Dũng vẽ, tôi từng nhận xét: “Lê Trí Dũng vẽ như là nói chuyện, một câu chuyện không ngừng nghỉ... Lại như người viết chữ (nho), gấp tranh lại rồi vẫn thấy nét bút lay động... Những nhát bút như đang trong hành trình và được lập trình như tên lửa đang bay. Chỉ có xem tranh ngựa Lê Trí Dũng vẽ mới cho ta cảm giác ấy”.

Sống đủ ngũ hành (một hoa giáp) cho anh đầy đặn sự uyên bác. Hàng ngày Dũng vẫn vẽ vẫn viết, vẫn bói dịch tiêu dao với bạn bè và kết nối với đồng đội một thời, mà chẳng quên ai. Cái chất lính chắc chắn đeo đẳng vĩnh cửu trong con người Lê Trí Dũng.

Mỗi người có một quá khứ để sống. Tôi có một đồng quê mượt mà xanh sắc núi. Lê Trí Dũng có đồng đội và chiến trường mãi ám mùi thuốc súng và mùi bùn vữa kiếm miếng ăn sau ngày chinh chiến. Anh vẫn khắc khoải với tâm thái người lính, nhìn thấy cuộc sống với những cảm nhận bất an. Giống như những con ngựa anh vẽ, nó luôn di chuyển, nó đâu đã được dừng lại để nghỉ ngơi.

Nhật Tân, 10.10/2015