Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

Dịch giả Nguyễn Bích Lan – Người sống mãnh liệt thứ 21

 Nguyễn Thị Hồng

 

Chiều qua, 21/12 tại Trung tâm văn hoá Đông Tây 79 Ngụy Như Kon Tum đã diễn ra cuộc ra mắt sách, cuốn SỐNG MÃNH LIỆT của dịch giả Nguyễn Bích Lan (dịch chung với dịch giả trẻ Tô Yến Ly là cháu của chị).

Điều đặc biệt là cuộc ra mắt sách này có Tiến sĩ Rainer Zitelmann, nhà nghiên cứu tâm lý xã hội học người Đức, là tác giả của cuốn sách cùng dự.

Đây là cuốn sách dịch thứ 60 của dịch giả Nguyễn Bích Lan. Và nếu tính đến thời điểm này, kể cả cuốn sách dịch GEISHA dày hơn 600 trang khổ lớn của chị đang chờ nộp lưu chiểu, số sách chị dịch đã lên tới 62 cuốn.

Điều đáng lưu ý là tất cả những cuốn sách chị dịch hầu như đều được tái bản nhiều lần, điển hình là cuốn CÂY CAM NGỌT ra đời cách nay khoảng dăm năm, đến nay số lượng in đã lên tới 200.000 bản.

Mảng sách viết cũng vậy. Riêng cuốn tự truyện KHÔNG GỤC NGÃ ra đời đến nay khoảng hơn chục năm, đã tái bản đến lần thứ 12, số lượng in là 60.000 bản.

Nhưng điều đáng nói hơn là tại sao trong buổi ra mắt sách chiều qua hầu như những người tham dự đều đồng lòng đề nghị ông tác giả người Đức đưa dịch giả Nguyễn Bích Lan vào danh sách người thứ 21 trong cuốn sách SỐNG MÃNH LIỆT của ông.

Là vì cuốn SỐNG MÃNH LIỆT của ông mà dịch giả Nguyễn Bích Lan – Tô Yến Ly dịch, nội dung viết về 20 gương mặt nổi tiếng của thế giới, họ đều là những người bệnh tật hoặc khuyết tật, nhưng với nghị lực phi thường của mình, họ đã vượt qua giới hạn của bản thân để làm nên những kỳ tích phi thường. Họ là những tinh hoa của nhân loại, đã đóng góp cho cộng đồng nguồn văn hoá tinh thần và cả vật chất rực rỡ, đem đến nguồn năng lượng tích cực vô tận cho cộng đồng. Họ là những Ludwig van Beethoven, là Vincent van Gogh, là Stephan Hawking, là Nick Vujicic... đã quá nổi tiếng mà cả thế giới biết đến.

Còn dịch giả Nguyễn Bích Lan của chúng ta, kỳ tích của chị đạt được không chỉ là số lượng và chất lượng sách chị đã dịch và đã viết hơn 20 năm qua như đã nói ở trên. Với một dịch giả Việt Nam khoẻ mạnh bình thường và có điều kiện theo trường lớp đến nơi đến chốn đó đã là điều không tưởng. Đằng này chị bị bệnh từ năm 13 tuổi, phải nghỉ học từ năm lớp 8 vì một chứng bệnh nan y là loạn dưỡng cơ mà đến bây giờ thế giới cũng chưa có thuốc chữa. Tất cả là tự học, là nhờ ở ý chí nghị lực phi thường ở con người nhỏ bé lúc nào cũng chỉ cân nặng 27, 28 kg và cầm bát cơm ăn cũng khó khăn, bước đi thì lệt xệt, lại ở một làng quê đặc sệt quê, ngày ấy chưa có đô thị hoá như bây giờ.

Như lời tự sự của chị: "Tôi không đặt mục tiêu trở thành người nổi tiếng. Nhưng sự sắp đặt của số phận đã đưa tôi đi theo hành trình này, và tôi biến việc không thể tự đi hơn 100m của mình thành cơ hội tự học, viết sách và dịch sách. Việc trở thành người nổi tiếng cho tôi cơ hội được hỗ trợ nhiều người trong xã hội, đặc biệt là những người khuyết tật có khát vọng vươn lên".

Và đó là lý do chiều qua trong buổi ra mắt cuốn sách SỐNG MÃNH LIỆT hầu như tất cả những người có mặt ở đó đều đề nghị hoặc ủng hộ những ý kiến đề nghị ông tác giả người Đức đưa dịch giả Nguyễn Bích Lan vào danh sách những nhân vật trong cuốn SỐNG MÃNH LIỆT của ông.