Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương – Yết Kiêu (25)

Đông Ngàn Đỗ Đức

 

MUA BÁN TRANH

Họa sĩ vẽ tranh, bán tranh tưởng là chuyện thường, nhưng là cả vấn đề đấy ạ.

Mười người bán có một người mua. Chuyện bán tranh nó mênh mông như biển cả, kể bao nhiêu cũng không hết chuyện, vì trên thế giới có hẳn thị trường tranh của giới đấu giá buôn tranh và người sưu tập, giá cả phi thường, có bức tranh của những danh họa lên tới trên trăm triệu đô la trên các sàn đấu giá danh tiếng từ Hồng Công đến Mỹ. Chúng ta chỉ biết chuyện đó trên truyền thông chứ còn “mục thị sở thị” thì mấy ai từng.

Cũng như ở Việt Nam giá tranh vài triệu Việt Nam đồng là thường, Còn họa sĩ bán tranh vài chục ngàn đô cũng có. Nhưng nó tranh đắt thế mới chỉ dừng lại ở tai nghe, nhưng mắt thấy thì chưa. Vì có ai chứng kiến người mua đếm tiền và họa sĩ nhận tiền bao giờ đâu. Nên chuyện bán tranh thì có thực nhưng giá tranh thì có thể ảo diệu cũng nhiều.

Những tranh bán vài nghìn đô la đến vài chục nghìn ở ta thì có thật rồi và không phải là hiếm. Bây giờ Việt Nam cũng bắt đầu hình thành giới sưu tập mạnh dạn vào nghề. Một số nhà sưu tập có số má mà nhiều người biết. Đó là tín hiệu mừng cho giới sáng tác mĩ thuật.

Đầu tư sưu tập tranh là đầu tư mạo hiểm. Sưu tập tranh để cất giữ tiền, để sinh lợi chứ ít ai để chơi không... Nó đòi hỏi người sưu tập có khả năng thẩm mĩ tốt và dự đoán xu thế đi của thị trường. Chẳng dễ tí nào với thị trường tranh thời sơ khai, người bán thì dò dẫm giá, người mua thì chắc chưa tinh khôn. Người sưu tập mua tranh tinh tường đã đành, nhưng rồi PR như thế nào cho tốt để tăng giá trị bộ sưu tập còn khó hơn cả mua tranh. Đó là tìm đường đi trong rừng rậm để không mua nhầm tác giả tác phẩm. Cũng không thể bàn ở đây. Còn những đại gia mua tranh nghệ thuật về chơi, không cần tính toán cũng có nhưng không phải là nhiều

Còn họa sĩ định giá tranh thế nào?

Chơi tranh là chơi ảo, giá tranh lại càng ảo, rất khó vì tranh không phải đồ dùng vật dụng thông thường. Giá cả không thể tính ki lô, đo bằng diện tích, dù nó cũng là một phần giá trị tham khảo để mua bán.

Những họa sĩ thành danh, lớp họa sĩ Đông Dương thì có thị trường đấu giá đặt giá cho rồi, vì tranh phần nhiều trong tay giới buôn tranh. Với lại, phần lớn lớp họa sĩ này phần nhiều đã qua đời, tranh cũng ít. Tranh của họ giờ thành di sản. Có những họa sĩ lớp ấy danh tiếng mà suốt đời nghèo đói, nhưng nay tranh của họ còn lại trên thị trường được định giá rất cao. Cũng có cái lý của nó. Đó là những tác giả đã định danh, có giá trị như một thương hiệu tin cẩn. Số lượng tranh của các tác giả cũng không nhiều nên thành quý hiếm. Các tác giả Đông Dương nhìn chung được đào tạo kĩ, năng lực nghề cao, có tín nhiệm cao trong nghề.

Thời gian mấy chục năm gần đây, giới họa sĩ trẻ cũng có một số kĩ năng nghề khá vững, vẽ tranh từ hiện thực đến trừu tượng, siêu thực đều giỏi, có nhiều tranh đẹp và to vật vã so với lớp tiền bối. Cũng vì vậy, có những họa sĩ quát rất to. Người mua nghe ù tai luôn. Cũng có người bán được, cũng có người không. Bán tranh là câu cá đại dương mà. Những con cá khôn ngoan đâu dễ mắc câu.

Vẽ tranh, bán tranh là việc khó. Đặt giá tranh là sự đánh giá giá trị của tác phẩm mình làm ra lại càng khó. Định giá tranh, ngoài cái chủ quan họa sĩ tự đánh giá mình, còn phải tính đến cái khách quan của phía người mua. Đặt giá tranh là sự tôn trọng mình, đồng thời tôn trọng người mua chứ không phải muốn hét thế nào thì hét. Khi hai bên đồng nhất ý kiến thì tạm coi đó là giá thị trường. Mà đó cũng chỉ là tương đối, vì thực tế có lúc nó thấp hơn nhiều với giá bán, cũng có khi nó cao hơn nhiều lần khi đi vào thị trường trao đổi tùy thời điểm và tùy hoàn cảnh. Nhất là khi họa sĩ đã được định danh thì đó là giá trị một “thương hiệu” và tác phẩm lúc đó dần hình thành những khung giá. Khung giá đó là sự tín nhiệm của thị trường với tác giả.

Nhưng để định hình thì cần một thời gian dài mới có thể khẳng định. Cho nên nghề vẽ là nghề thử thách nghiệt ngã. Như đoàn người vượt qua sa mạc, hàng mấy chục ban đầu mà đến đích may ra có một hai, có khi không còn ai. Một là gục ngã trên đường đi, hai là không thể bước chân vào sa mạc mà quay xe sớm.

Tôi cũng có lúc bán tranh, nhưng không bao giờ hối thúc người mua, mà luôn muốn họ nghĩ nẫu ra trên khoản tiền bỏ ra. Mua tranh không phải mua đồ vật, mà là mua một giá trị. Giá trị đó phải được bảo đảm như một tài sản, có lúc cần còn trao đổi được, chứ không phải vứt bỏ để che chuồng gà. Để nghĩ mua nhầm, người mua sẽ ấm ức là điều hoàn toàn không họa sĩ nào mong đợi. Tôi cũng vậy. Nên luôn nhắc người mua tranh phải cẩn trọng và phải tin ở mình. Bởi mười người xem một tranh sẽ có mười sự yêu thích khác nhau hoặc sự ghét bỏ chê bai. Không có thống nhất cả trong thưởng thức nghệ thuật đâu, mua bằng mắt và nhận biết giá trị từ đó, chứ mua rồi thẩm định bằng tai thiên hạ thì dễ chết. Đó là chưa kể đến sự đố kị vốn như là thứ không bao giờ hết trên thị trường phải cạnh tranh để tồn tại. Chỉ có điều, sự thực bao giờ cũng có sự thuyết phục, nên mới hình thành tác giả, có cái tên trong lòng người yêu nghệ thuật. Còn không có thực chất thì dù được công kênh một thời rồi sớm hay muộn cũng sẽ mất hút con mẹ hàng lươn. Đó cũng là sự thật.

Trên đây là những ý nghĩ của tôi về tranh và giá trị của nó qui ra thóc. Ai chia sẻ hay phản đối cũng được vì chỉ là trao đổi vui vẻ về một việc đang có. Vui thôi mà. Còn về chuyện giá tranh, bán tranh là chuyện chui vào rừng đại ngàn, hoặc ra biển lớn, biết bao giờ cho hết.

27/3/2022