Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2024

Một Hồ Anh Thái vừa quen vừa lạ

 Tuấn Duy

Trong tập truyện ngắn Trượt chân trên tầng cao do NXB Phụ nữ VN ấn hành gần đây, độc giả sẽ thấy lại một Hồ Anh Thái vừa quen vừa lạ với những góc nhìn đặc biệt về hiện thực đương thời.

"Tình" và "Rác"

Trong số những nhà văn VN đương đại, Hồ Anh Thái vẫn đang cho thấy sức viết mạnh mẽ khi gần đây năm nào ông cũng giới thiệu một tác phẩm mới về cả đề tài cũng như thể loại. Từ tập tiểu luận Bắt đầu cất lên tiếng cười (2021), tiểu thuyết Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu (2022), tập Truyện ngắn về Ấn Độ (2023) và đến nay là Trượt chân trên tầng cao. Tuy vậy, tác phẩm mới này không quá xa lạ với những độc giả đã quen thuộc với phong cách Hồ Anh Thái, khi vẻ châm biếm, giễu nhại, phản ánh xã hội của những tác phẩm làm nên tên tuổi nhà văn như Mười lẻ một đêm, SBC là Săn bắt chuột… được trở lại một cách bất ngờ.


Nhà văn Hồ Anh Thái. ẢNH: T.L

Không chỉ thế, xen lẫn giữa nhiều truyện ngắn xoáy sâu vào một góc đời sống đô thị hiện đại còn nhiều nhiễu nhương, ô trọc, ta cũng thấy được suy tư riêng của nhà văn, qua những chia sẻ điềm tĩnh, có khi bước ra từ các nhân vật người thật việc thật đã từng xuất hiện trong các tác phẩm khác, nhưng cũng có khi từ những tréo ngoe được lấy bối cảnh giai đoạn dịch Covid-19. Mở đầu tác phẩm bằng 2 truyện ngắn Rác và yêu, Trạng Hít, mùi, và đêm, cộng với cấu trúc chia đôi tác phẩm như đã nói trên, Hồ Anh Thái không khỏi khiến người đọc liên tưởng đến cuốn tiểu thuyết Tình và Rác của Ivan Klíma – một trong những tên tuổi nổi bật của văn chương Czech bên cạnh Franz Kafka hay Milan Kundera.

Trong cuốn sách ấy, ta thấy một người đàn ông xuất hiện xen kẽ giữa 2 cấu phần: "tình" – đại diện cho những ngổn ngang của cuộc đời không như ý, và "rác" – điển hình cho sự thanh sạch và làm mới lại những tàn dư cũ. Áp vào tác phẩm của Hồ Anh Thái, phần "rác" như đại diện cho nét châm biếm của ông, để ẩn sau những nụ cười là cái chua chát, xót xa của cuộc đời đảo lộn, còn "tình" chính là những gì bước ra từ ông, để từ khoảng cách của những dòng chữ, ta biết thiện lương vẫn luôn tồn tại dù có đôi khi ẩn mình trong muôn hình vạn trạng.

Ở 2 truyện đầu, Hồ Anh Thái sử dụng mô típ không quá xa lạ khi nói về người phụ nữ và sự nhạy bén của mình để phát hiện ra những cái giấu giếm của người đàn ông, dù là một cô nhân tình hay là những gì anh ta đã ăn, đã uống, đã làm và đã hiện diện. Cũng như nhân vật chính trong Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu có thể nhìn thấy những việc đằng sau bức tường, có phải tác giả muốn nói con người không còn tin tưởng nhau, dẫn đến cơ thể phải tự tiến hóa để một giác quan thật nổi bật hơn những thứ còn lại, qua đó phản ánh những ràng mối lỏng lẻo, cô đơn, khi chính người ta đầu ấp tay gối nhưng bất khả hiểu và phải vời đến năng lực khác thường?

Bìa sách Trượt chân trên tầng cao. ẢNH: NXB PHỤ NỮ VN

Sự hoài nghi ấy rồi sẽ xuyên suốt tập sách, khi hơn nửa tác phẩm là những vấn đề vô cùng nhức nhối của xã hội ngày nay được phản ánh, từ quy hoạch đất đai, thế hệ cuồng công việc, thời đại tin giả, sự quá tải thơ ca, nghệ thuật lẩn khuất trong vị nghệ thuật…, cho đến những suy tư sâu trong lòng mỗi người, về tình cảm không được đền đáp, về tình anh em, về bình đẳng, công bằng cũng như sự thật có đạt được nó? Có thể nói muôn vị nhân gian đã được mang vào trong những truyện ngắn, để đằng sau nụ cười bàng bạc mà ta bắt gặp, là những xấu xí và sự ô trọc không thể tránh khỏi của cõi người trước thời rung chuông tận thế.

Nghệ thuật viết độc đáo

Bên cạnh khả năng quan sát thấu đáo, Hồ Anh Thái cũng cho ta thấy lối viết điêu luyện để dẫu trong phạm vi giới hạn của một truyện ngắn, thì tính văn chương cũng như thời sự đều được đảm bảo. Có câu "chửi cha không bằng pha tiếng", ở tác phẩm này, tác giả cho thấy bản thân là "người pha chế" đích thực, để từ những thuật ngữ Tây phương, những câu cửa miệng, những câu thơ tình, những tục ngữ, thành ngữ… đều được pha lẫn, nói chệch, nói lái… mang đến tiếng cười nhưng lại đậm đà tính chất thị dân. Nghệ thuật dẫn chuyện cũng đầy biến báo, khi ông sáng tạo thành công từ mạch truyện đến các nhân vật vô cùng cuốn hút, để độc giả không thể biết được bản thân sẽ được dẫn đến đâu, chuyện gì rồi sẽ xảy ra để rồi cuối cùng là tiếng cười giòn không thể tránh né.

Nhà văn cũng không ngại ngần dấn vào thử nghiệm, khi biến nội dung trở thành hình thức và việc trải nghiệm truyện ngắn cũng đồng thời là một trò chơi văn chương ấn tượng. Chẳng hạn, trong Sắp đặt, từ những chi tiết được chọn ngẫu nhiên, ông đã viết nên một truyện ngắn có chứa đồng thời những mảnh ghép ấy. Haruki Murakami từng có tập Sau động đất viết theo kiểu này. Hay trong Xuống dòng, việc anh giao hàng nhận một cuốn sách không có một dấu chấm nào cũng được nhà văn triển khai tương tự trong tác phẩm của mình, khi toàn truyện ngắn là một đoạn văn được kéo dài mãi nhưng rất hấp dẫn khiến cho độc giả đôi khi quên mất điểm đặc biệt này, để chỉ đến khi cái nhìn tổng thể kéo ta về lại, thì mới nhận ra mình vừa bị dẫn vào cơn mê dụ.

Không dừng ở đó, việc sử dụng hình tượng đa tầng nghĩa cũng cho thấy khả năng tưởng tượng độc đáo của tác giả. Chẳng hạn chỉ một hành động trượt chân rút từ truyện ngắn được lấy làm tựa mà ông nói được biết bao nhiêu chuyện, từ "trượt vỏ chuối" ở trường của những đứa trẻ, thái độ ích kỷ của người hiện đại hay những câu chuyện "thâm cung bí sử" chốn quan trường… Và khi đã đến cuối sách, tác giả bỗng lật ngược trở lại, khiến cho người đọc không khỏi suy tư và được chậm lại với những câu chuyện đậm tính cá nhân hướng về quá khứ, cũng như các truyện cho thấy tình người vẫn luôn còn đó sau bao khó khăn…

Có thể nói Trượt chân trên tầng cao tiếp tục cho thấy sự sáng tạo và không ngừng đổi mới của Hồ Anh Thái để không chỉ phản ánh hiện thực xã hội, mà còn đi sâu, từ đó phơi bày bản chất con người một cách khác lạ.

Hồ Anh Thái (64 tuổi) được xem như một hiện tượng trong thế hệ văn nhân giai đoạn hậu chiến. Ông đồng thời là nhà ngoại giao, từng làm phó đại sứ cũng như tham tán công sứ tại nhiều quốc gia. Ông đã cho ra đời hàng chục tác phẩm thuộc nhiều thể loại. Sách của ông thường được phát hành với số lượng lớn, được dịch ra hơn 10 ngôn ngữ. Năm 2000, ông được bầu là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho đến năm 2010. Ông từng được nhận nhiều giải thưởng văn chương lớn.