Nguyễn Đức Tùng
Trịnh Y Thư có ý thức mãnh liệt về ảnh hưởng của quá khứ lên hiện thực hôm nay. Anh tái hiện năng lượng của các chi tiết đời sống, sự cô đơn, lòng thương tiếc, hối hận, những sai lầm. Thơ tự do của anh có nhạc tính. Có lẽ vì anh là người biết chơi dương cầm. Và mặc dù không hay xuất hiện trước công chúng, Trịnh Y Thư đã dùng một ngôn ngữ có yếu tố giao tiếp, đối thoại.
Cơn gió mùa hè thổi qua thành phố
Vắng bóng những đôi tình nhân
Tôi là người về từ đại dương trầm tích
Thời gian tuyệt vọng đòi hỏi những phương pháp tuyệt vọng. Tính phức tạp và đa giá trị của thơ đương đại muốn người đọc không ngừng thiết lập và thiết lập trở lại mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa hiện tại và quá khứ. Sau cuộc chiến tranh Việt Nam, lịch sử bạo động, những dối trá và giết người, thơ ca có thể làm được điều gì? Không nhiều lắm.
Gió tây bắc hốt hoảng bữa cơm chiều đạm bạc
như một kẻ dại khờ tìm ánh lửa khoan dung
làn tóc rối che giấu niềm cảm thông vội vã
rồi vụng trộm khép lại ước vọng thuở đầu đời.
Tập thơ "Phế tích của ảo ảnh" gồm nhiều bài Trịnh Y Thư viết trong những khoảng thời gian khác nhau, nhan đề là tên của phần đầu tiên của tập thơ gồm ba phần: Phế tích của ảo ảnh, Trong bóng tối ta chẳng tìm thấy nhau, Con nước vô danh (*). Có những bài thơ dài, những bài lục bát, thể haiku, thơ có vần và thơ tự do, thơ năm chữ và thơ tân hình thức, như vậy trong một cuốn sách khoảng một trăm năm mươi trang, người đọc có thể nhìn thấy gần như tất cả những thể thơ Việt phổ biến trong mấy chục năm nay.
Bao nhiêu năm ở nơi đây
Tôi yêu bóng tối phủ đầy quanh tôi
Thơ của Trịnh Y Thư hoài niệm nhưng không dừng ở đó, như một người vừa ra khỏi căn nhà cũ, ngước nhìn bầu trời, lắng nghe tiếng động của cuộc sống hiện tại, ghi nhớ với một cảm quan sắc bén bất ngờ của người từ xa mới tới. Mọi vật trở nên sắc sảo hơn, đường nét đậm hơn, mùi vị trở nên mạnh mẽ hơn đối với một người như thế. Đó là sự chú ý vượt ra ngoài ngôn ngữ. Trịnh Y Thư giống với nhiều nhà thơ thuộc thế hệ của anh, một nửa là Việt nam, một nửa là đời sống xứ người, đôi khi họ tự gọi mình là kẻ lưu vong.
Thốt nhiên tôi quay về hướng mặt trời
một ngày thoát thân – xác quạ lót đường đi
những đám mây tích vô tích sự
Trịnh Y Thư cũng có những câu thơ cũ, rõ ràng chịu ảnh hưởng của người khác:
Hồn ai rụng giữa giang hà
Tình xanh quyến niệm trên tà áo mơ
Tuy nhiên bài thơ của anh thường có khả năng vượt qua sự lẫn lộn giữa một bên là các yếu tố lịch sử, bằng chứng, và một bên là ký ức, trí tưởng tượng. Công chúng đọc thơ ngày càng nhỏ lại nhưng không chịu biến mất. Sự sống sót của họ, công chúng đọc thơ, là sự sống sót của tác giả, của tâm hồn nhân loại. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ an ủi chúng ta.
Tôi trở về đây vòng quay của đất trời tê tái
thăm hỏi những con người bị lãng quên nằm chen chúc
dưới đám ruộng chiêm trũng lúc giao mùa phất phơ.
Herbert Marcuse từng viết rằng, sau thảm kịch Auschwitz mà còn làm thơ thì thật là có tội. Thảm kịch Auschwitz của dân tộc Việt Nam đã đến từ lâu, không phải ai cũng đều nhận ra.
Tôi vừa chia tay một linh hồn
Tôi vừa gieo vào một đôi mắt
Tôi vừa ôm ấp một mái đầu
Tôi vừa giẫm nát một con sâu
Tôi vừa dụi mắt giấc mơ nào
Có những giây phút chuyển hóa siêu việt, khi anh đi tìm sự mới mẻ, tìm một tương lai khác và do đó một hoài niệm kiểu khác. Sự giao cảm, đồng cảm của tác giả với người đọc qua những thời gian khó khăn, đã đồng hóa tác giả với số phận của những nhân vật. Tâm lý học của một cộng đồng hay một dân tộc có lẽ chi phối tâm lý một cá nhân ở mức sâu xa đến nỗi trong một số trường hợp chúng chỉ là một.
Tôi nhìn thấy gì trong đôi mắt lá răm
ở nơi có ánh chiều tháng Chạp
và những quả ổi mơn mởn xanh
rầu rầu liếp mía con dẻ cùi phụ họa
lời ru mái nhà nâu hiu hắt à ơi.
Liệu các nhà thơ có trách nhiệm gì đối với xã hội hay không? Thật khó trả lời. Tôi nghĩ nhà thơ chỉ có trách nhiệm trong chừng mực mà đề tài của một bài thơ cụ thể hướng về các vấn đề xã hội, chính trị hay luân lý. Ngoài ra, anh ta là một kẻ hát rong, một người đi lang thang trên đường, một người viết không thuộc vào một hệ tư tưởng nào, không phục vụ cho một thể chế nào. Việc nhà thơ bầu cho một chính khách hay chính thể trong đời thực không can hệ gì đến tiếng nói của nhà thơ ấy trong tác phẩm. Chính nhờ thế mà văn chương trở nên nhẹ nhõm, và sự an ủi, là cái nhìn trong sáng đối với sự thật.
Bóng ma quá khứ không làm cô sợ hãi
Miệng bom cắm trên hương thờ trở thành linh thiêng
Trịnh Y Thư là một nhà thơ quan tâm đến sự chính xác, lối tiết kiệm chữ, nhưng anh cũng tỏ ra nhạy cảm với mặt trái của xã hội, sự tra tấn, nỗi đau khổ do người khác gây ra. Anh ý thức rõ ràng về sự hữu hạn của kiếp người, thứ sự thật tương đối, về cái chết, mặt tối đen của số phận, các ảo tưởng. Trịnh Y Thư thuộc về những nhà thơ hiện đại, tiến rất xa tới gần các biên giới, trở thành một người lạ, đôi khi. Có những bài thơ của anh như lời độc thoại, như một người đứng trên sân khấu nhưng quay lưng lại với khán giả, tự nói với mình, nhắc đến những kỷ niệm và những ấn tượng mà chỉ mình hiểu được. Khi đó bài thơ của anh đóng kín, sự cảm thông giữa người đọc và tác giả bị tối thiểu hóa. Tuy nhiên giữa những độc thoại như thế, cảm giác cô quạnh, giận dữ làm ta ngạc nhiên:
That stupid duplicitous body
I just want to throw away
Cái thân thể trắc nết ngu xuẩn này
Tôi muốn vứt cho xong(**)
Là sự giải thích dịu dàng:
But listen. I also hear the pipes clanking
Nhưng nghe này. Tôi còn nghe tiếng ống sắt rộn rảng(**)
Như mở ra một cánh cửa, bạn tưởng đã hoàn toàn đóng kín. Sự chuyển hóa tâm linh trong thơ Trịnh Y Thư là sự thay đổi của những tình huống bên ngoài, nội tâm hóa chúng. Cảnh vật trong thơ anh không còn là sông núi, phố phường, hàng xóm nhưng chính là chiều sâu của tâm thức, là tâm cảnh. Giọng điệu trong thơ anh là một thứ giao hòa giữa thế giới riêng tư, bí ẩn và thế giới công cộng, bên ngoài, xã hội.
Họ là ai tôi tự hỏi những bản văn tự không ấn dấu
xung quanh một bến nước có tiếng hát phù trầm
quay quắt một đêm mưa hàng cau đánh sập
sân từ đường vỡ vụn những viên gạch khép nép nghìn thu.
Đôi khi không phải là anh trò chuyện với quá khứ mà là quá khứ trò chuyện với anh, không phải anh trở lại căn nhà cũ, mà chính tình yêu cũ trở về với anh, trong giấc mộng, bên kia tường, trên chiếc bàn ở đầu giường, dưới ngọn đèn. Những hình ảnh phát ra tiếng nói của chúng mạnh mẽ đến nỗi những bày tỏ của anh chính là tự biểu hiện của sự vật, những dàn xếp hóa ra là ngẫu hứng, hiện thực chẳng qua là sự phản chiếu của chính nó.
Những mái nhà nâu
Những chiếc cầu lung linh bóng nước
Sẽ tan biến cả và còn lại
Chỉ là phế tích của ảo ảnh - rớt rơi
Nơi Trịnh Y Thư, thơ ca đến gần sự kết hợp giữa Tây phương và Đông phương. Anh ít nói về mình, thường không tự bày tỏ, dưới một vẻ ngoài song sáo là một tâm hồn nhạy cảm, có lúc yếu đuối, có khi mặc cảm, bên dưới sự kiềm chế, một hình thức gần như kỷ luật tinh thần là sự sôi nổi phóng khoáng, mặc dù không hoàn toàn hoang dại. Bên cạnh một cố gắng kết nối với dĩ vãng và trền thống là tâm thức chia lìa, tự tách rời của một người ngày càng đi xa nguồn cội, không hẳn là hạnh phúc nhưng tự bằng lòng với chọn lựa của mình. Tham vọng của thơ trữ tình là chinh phục tâm hồn của người khác, và do đó lịch sử kiến tạo nên họ. Trịnh Y Thư không viết về chính trị nhưng sự bày tỏ của anh đều có thể đưa đến những diễn dịch, xa hay gần. Hoài niệm chỉ là hình thức khổ đau mới, Charles Baudelaire, mà Trịnh Y Thư ghi trong phần dẫn đề nói đúng tâm trạng của người đọc và người viết hôm nay, xa xứ hay lưu vong trên chính đất nước mình.
Trăm lần như một tôi không có chọn lựa nào
Trịnh Y Thư viết ít các bài thơ không dài lắm nhưng anh không phải là người quá tiết kiệm chữ và như nhiều người khác, gọt giũa câu văn. Sự phát triển hay sự trương nở, tôi thiết nghĩ, trong một số trường hợp mang lại nhiều ích lợi hơn cho văn chương. Ở những người viết có tài năng sự phóng túng, sự buông lỏng mang lại niềm vui thú khó sánh được.
Người con lịch sử khuôn mặt ngươi ở đâu
sau tấm biển quảng cáo nịt vú đàn bà
hay bên kia rừng trảng thâm u
bên dưới những nấm mồ oan khốc
Đó là một bài thơ xuất sắc. Một bài thơ có thể thở được. Nó chứa đựng trong đó những số phận, những bi kịch, quang cảnh của một đất nước, của một tâm trạng. Hơn thế nữa nó mang lại nhịp điệu, như một làn sóng nước liên tục có thể đi qua những nhát cắt, trong quá khứ, đổ máu hay trong hiện tại, hệ ý thức. Tôi tin là người nào có dịp đọc thơ Trịnh Y Thư sẽ yêu mến anh hơn, như một nhà thơ, như một người cùng chia sẻ số phận, đằng sau vẻ ngoài lặng lẽ và tiết chế, một tâm hồn nồng nhiệt và sự phán xét trong sáng.
*Phế tích của ảo ảnh, NXB Văn học, 2017, 149 trang có đánh số, tranh bìa Nguyễn Đình Thuần, kí họa chân dung và thiết kế bìa: Ái Lan, phụ bản Thái Tuấn, Đinh Cường, Nguyên Khai, Hoàng Xuân Sơn.
**Bắc Phong dịch từ nguyên tác tiếng Anh.
PHỤ LỤC:
TIỂU SỬ
Trịnh Y Thư sinh năm 1952, tại Hà Nội.
Theo gia đình di cư vào Nam rồi du học Hoa Kỳ 1970.
Từng giữ chức chủ biên tạp chí Văn Học thời kỳ sau Nguyễn Mộng Giác và Hoàng Khởi Phong tại California.
Viết văn, làm thơ, dịch.
Trịnh Y Thư thuộc thế hệ tiếp nối thế hệ dịch giả Phùng Thăng, Phùng Khánh, Vũ Kim Thư, Trần Thiện Đạo, Trần Phong Giao, Võ Lang… từng vun bồi tiểu thuyết dịch miền Nam, Trịnh Y Thư xem công việc dịch là một thao tác nhằm tái tạo “thần” của tác phẩm trong một tính thể khác.
Tác phẩm đã xuất bản:
- Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, tạp chí Văn Học xuất bản, 2002;
- Căn phòng riêng (A Room of One’s Own), lí luận văn học của nhà văn nữ Virginia Woolf, Tri Thức xuất bản, 2009.
- Jane Eyre - Charlotte Bronte, Nhã Nam xuất bản, 2016.
- Người đàn bà khác, tập truyện, Thế Giới xuất bản, 2010.
- Chỉ là đồ chơi, tạp bút, Hợp Lưu xuất bản, 2012.
Hiện định cư tại tiểu bang California, Hoa Kì.