Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2024

Agnes Martin

Nguyễn Man Nhiên

imageimage

Nghệ sĩ có trực giác. Họ chờ đợi cảm hứng. Đó chính là ý nghĩa của nghệ thuật, trực giác chứ không phải trí tuệ. Nghệ thuật về ý tưởng sẽ kích thích ý tưởng, nhưng nghệ thuật bắt nguồn từ cảm hứng sẽ kích thích cảm giác hạnh phúc, sự hồn nhiên và vẻ đẹp. - Agnes Martin

 

AGNES MARTIN (1912-2004), họa sỹ người Mỹ gốc Canada, là một nghệ sỹ tiên phong. Bà được biết đến nhiều nhất với những bức tranh vẽ lưới (grid), trong đó các đường bút chì và dải màu lấp đầy các khung vải hình vuông, gợi lên một cách tinh tế nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau.

Hành trình nghệ thuật của Agnes Martin bắt đầu ở thành phố New York, nơi bà đắm mình trong nghệ thuật hiện đại và phát triển niềm yêu thích sâu sắc với sự trừu tượng. Mặc dù thường bị gắn mác là người theo Chủ nghĩa Tối giản (Minimalism), nhưng Martin lại xác định nhiều hơn với Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng (Abstract Expressionism).

Những bức tranh trên vải sáng sủa, thưa thớt của Agnes Martin không dễ dàng được phân loại vì chúng nằm ở ngã tư của một số phong cách khác nhau của thế kỷ 20. Bất chấp sự trừu tượng, đó là sự hồn nhiên và giản dị của cuộc sống thường ngày – đặc biệt là thế giới tự nhiên – mà bà cố gắng nắm bắt trong tác phẩm của mình. Bà viết: "Nghệ sĩ có trực giác. Họ chờ đợi cảm hứng. Đó chính là ý nghĩa của nghệ thuật, trực giác chứ không phải trí tuệ. Nghệ thuật về ý tưởng sẽ kích thích ý tưởng, nhưng nghệ thuật bắt nguồn từ cảm hứng sẽ kích thích cảm giác hạnh phúc, hồn nhiên và vẻ đẹp." Martin chịu ảnh hưởng của Thiền tông và triết lý Đạo giáo, điều này góp phần khiến bà quan tâm đến thiên nhiên. Tranh của Martin khám phá thế giới cảm xúc nội tâm và khát vọng hòa bình, thanh thản của con người. Bà coi nghệ thuật là một trải nghiệm siêu việt. Bà giải thích: "Vẻ đẹp là bí ẩn của cuộc sống. Nó không chỉ ở trong mắt. Nó ở trong tâm trí. Đó là phản ứng tích cực của chúng ta với cuộc sống".

Tác phẩm của Agnes Martin được định nghĩa là một "bài luận tùy ý về tính hướng nội và sự im lặng". Bà có khuynh hướng khổ hạnh hơn cả Philip Guston (1913-1980) hay John Cage (1912-1992), nhưng cũng đã nhận ra trong tiến trình sáng tạo nghệ thuật của mình một thứ gì đó tương tự như tâm thức Thiền mà đại sư Suzuki (1870-1966) thuyết giảng. "Lý trí là một mối nguy trong sáng tạo nghệ thuật", bà viết. "Ý tôi là, có quá nhiều họa phẩm đã trôi xuống cống vì giữa quá trình sáng tạo, người ta đã có một ý kiến." Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào năm 1970, Agnes Martin từng nói: “Rất nhiều người nghĩ rằng sự hiểu biết xã hội hoặc điều gì đó tương tự sẽ dẫn chúng ta đến sự thật, nhưng thực tế không phải vậy. Đó là sự hiểu biết về chính bạn. Và để làm được điều đó, để bắt đầu, bạn phải nhìn vào tâm trí mình và xem bạn đang nghĩ về điều gì. Bởi vì sự thật là bạn vô thức với những suy nghĩ cho đến khi bạn nắm bắt được chính mình.”

Trong những năm 1950 và 1960, tác phẩm của Agnes Martin thường gắn liền với phong cách biểu hiện trừu tượng và tối giản, tuy nhiên, phương pháp lại khác. Trong các tác phẩm nghệ thuật vẽ tay tỉ mỉ của bà, hình học có trật tự và sự không hoàn hảo cùng tồn tại. Như Martin đã nói, "Tác phẩm hướng tới sự hoàn hảo như chúng ta nhận thức được nó trong tâm trí, nhưng những bức tranh còn rất xa mới trở nên hoàn hảo – thực tế đã loại bỏ hoàn toàn – ngay cả chính chúng ta."

Agnes Martin nói rằng nghệ thuật phải bắt nguồn từ cảm hứng, tuy nhiên từ năm 1974 đến năm 1993, bà đã vẽ đi vẽ lại những gì thoạt nhìn có vẻ giống nhau, cùng một cấu trúc cốt lõi nhưng có thể biến đổi vô cùng tinh tế. Lưới là một tập hợp các đường ngang và dọc được vẽ tỉ mỉ bằng thước kẻ và bút chì trên các tấm toan rộng 6 foot vuông bằng màu acrylic. Chúng – những bức tranh tinh tế, dè dặt này – đến như những ảo ảnh, mà đôi khi Martin chờ đợi hàng tuần liền, lắc lư trên ghế, tự trấn tĩnh để nhìn thoáng qua hình ảnh mà bà sẽ vẽ tiếp theo. Thỉnh thoảng bà sáng tác những bức tranh nhỏ, thường có kích thước 1 foot vuông, và cũng vẽ màu nước trên giấy.

“Tôi vẽ lưng với thế giới,” Martin tuyên bố. Loạt tranh With My Back to the World gói gọn thế giới quan của Martin – nghệ thuật nằm ngoài sự quan tâm và băng hoại của thế giới. Thứ bà muốn bắt trong tấm lưới khắt khe của mình không phải là sự tồn tại vật chất, trái đất và vô số hình dạng của nó, mà là những vinh quang trừu tượng của sự tồn tại: niềm vui, vẻ đẹp, sự hồn nhiên, hạnh phúc.

Trong nhiều thập kỷ, Agnes Martin đã phải vật lộn với sức khỏe của mình sau khi được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt ở tuổi 40. Bà cũng có thái độ mâu thuẫn sâu sắc về niềm tự hào và thành công cũng như việc tạo dựng tên tuổi cho bản thân dựa trên cái tôi, đến mức vào mùa hè năm 1967, Martin từ bỏ hoàn toàn thế giới nghệ thuật, rời xưởng vẽ ở New York, cho đi tài liệu của mình và biến mất trong một chiếc xe bán tải, rồi xuất hiện 18 tháng sau trên một vùng đất hẻo lánh ở New Mexico. Tác phẩm mà Martin thực hiện ở đó – với những dải màu rực rỡ – không đưa ra manh mối nào về cuộc đời đầy sóng gió của một nghệ sĩ được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần. Agnes Martin viết: "Hướng tới tự do là hướng đi của người nghệ sĩ. Tác phẩm nghệ thuật đến trực tiếp từ một tâm trí tự do và cởi mở. Tự do tuyệt đối là có thể. Chúng ta dần dần từ bỏ những thứ làm phiền não và che đậy tâm trí mình. Và với mỗi lần từ bỏ, chúng ta cảm thấy tốt hơn."

Khi Agnes Martin trở lại hội họa vào năm 1971, lưới đã biến mất, thay thế bằng các đường ngang hoặc dọc. Bảng màu cũ gồm xám, trắng và nâu nhường chỗ cho các sọc và dải phát sáng có màu hồng, xanh lam và vàng rất nhạt. Nhà phê bình Terry Castle từng gọi những bức tranh này là “Những màu sắc của cốc Sippy [loại cốc có nắp dùng cho trẻ bú (sữa, nước, …) – Văn Việt]”, và tiêu đề của chúng cũng đề cập đến những trạng thái hạnh phúc của trẻ thơ. Tuy nhiên, những hình ảnh bình yên tuyệt đối này không nảy sinh từ một cuộc sống tràn đầy tình yêu hay sự thoải mái, mà là từ sự hỗn loạn, cô độc và khó khăn. Mặc dù truyền cảm hứng nhưng chúng đại diện cho một hành động của ý chí kiên trì và nỗ lực cao độ, và sự hoàn hảo của chúng rất khó đạt được. Martin nói: "Trong tâm trí chúng ta có nhận thức về sự hoàn hảo. Vẻ đẹp nằm trong tâm trí chứ không phải ở đôi mắt. Hạnh phúc là được hòa mình vào cuộc sống – cảm nhận được sức hút của cuộc sống."

Trong ánh sáng khắc nghiệt của sa mạc New Mexico, Agnes Martin tìm thấy giọng nói của mình trong sự vắng lặng của tiếng ồn. Những bức tranh của bà, những mạng lưới tinh tế với màu nhạt và đường nét mảnh, nói lên nhiều điều trong sự im lặng và thanh thản của chúng. Sự tĩnh lặng ẩn chứa trong tranh của bà, nắm bắt được bản chất của những khoảng trống giữa ngôn từ và ánh nhìn.

Những bức tranh bao gồm những dải màu nằm ngang, được phân chia bằng những đường bút chì tinh tế. Các dải ban đầu có vẻ đồng nhất, nhưng khi kiểm tra kỹ hơn, các nét vẽ mờ và vệt sơn xuất hiện. Những dấu hiệu này mang lại cho tác phẩm nghệ thuật cảm giác được vẽ bằng tay, làm suy yếu hình học cứng nhắc của bố cục. Martin đã trải một lớp sơn nền mờ đục bằng acrylic màu trắng cho tác phẩm. Trên lớp nền lót, bà vẽ các sọc sơn màu xanh và hồng đào pha loãng. Việc ứng dụng nhiều lớp vật liệu tạo ra lớp hoàn thiện trong mờ và phản chiếu ánh sáng. Các dải màu không chạm tới các cạnh của khung vải. Những khoảng trống nhỏ tạo ấn tượng rằng các vệt màu xanh và hồng đào nổi trên nền trắng sáng.

Agnes Martin đã sử dụng lưới làm yếu tố tổ chức trong các bức tranh tràn ngập màu sắc, do đó kết hợp liền mạch những gì trên bề mặt là hai phong cách nghệ thuật rất khác nhau: Chủ nghĩa tối giản (Minimalism) và Trường màu (Color Field).

Các tác phẩm của Martin không mang tính đại diện, tuy nhiên tiêu đề các bức tranh cũng như diễn ngôn của chính bà về nghệ thuật và cuộc sống cho thấy rằng bà chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ thiên nhiên – thiên nhiên tượng trưng cho một nơi ẩn náu yên tĩnh, có trật tự.

Việc Martin sử dụng lưới cùng với sự tập trung vào việc không thể hiện đã giúp nghệ sĩ thoát khỏi gánh nặng về chủ đề truyền thống, đồng thời cho phép bà khám phá vô số biến thể của màu sắc tinh tế. Kết quả là sự tự do trong tác phẩm của Martin mâu thuẫn với sự hạn chế của sự khổ hạnh trong cuộc sống hàng ngày của bà.

Cuộc sống của Martin, giống như nghệ thuật, được thúc đẩy bởi sự theo đuổi không ngừng sự đơn giản và công việc của bà trở thành sự suy ngẫm về con người của chính mình. Là một người cực kỳ kín đáo, bà đã sống một cuộc sống khắc khổ và đơn độc ở vùng New Mexico xa xôi. "Trong những khoảnh khắc đẹp nhất của mình, tôi nghĩ “Cuộc đời đã trôi qua tôi” và tôi hài lòng. Đi bộ dường như che phủ thời gian và không gian nhưng thực tế chúng ta luôn ở ngay nơi chúng ta bắt đầu. Tôi bước đi nhưng thực ra tôi đang tay trong tay với sự hài lòng ngay trên bậc cửa... Tôi ước gì ý tưởng về thời gian sẽ rút chảy ra khỏi tế bào của tôi và để tôi yên tĩnh ngay trên bờ biển này."

Bên dưới vẻ ngoài bình thản, Martin phải vật lộn với căn bệnh tâm thần. Cuộc chiến thầm lặng của bà chuyển thành nghệ thuật là sự thanh thản, minh chứng cho sức mạnh tinh thần vượt qua nghịch cảnh của con người. Di sản về sự thách thức thầm lặng của Martin nhắc nhở chúng ta rằng trong một thế giới ồn ào – có một vẻ đẹp nằm trong im lặng, sự rõ ràng trong sự đơn giản và sự bình tĩnh ngoài sự hỗn loạn.

Agnes Martin đã vẽ khoảng 450 bức tranh, hay đúng hơn là còn lại khoảng 450 bức tranh. Khi phát hiện ra lưới vào năm 1960, bà đã phá hủy mọi thứ mình làm trước thời điểm đó. Mặc dù thích sự cô độc và sống một mình, Martin vẫn hoạt động tích cực hơn trong thế giới nghệ thuật, đi du lịch nhiều nơi và trưng bày tranh ở Canada, Hoa Kỳ và quốc tế. Năm 1993, Martin chuyển đến sống ở Taos, New Mexico. Bà đã từ bỏ trung tâm nghệ thuật New York để sống đơn độc ở bên kia lục địa. Trớ trêu thay, cuộc sống ẩn dật lại khiến danh tiếng của bà tăng vọt; nhiều tín đồ đã mạo hiểm đến New Mexico để tìm kiếm Martin.

Là người bắt đầu muộn, Martin vẫn tiếp tục sáng tác hội họa và viết lách cho đến tận những năm 80; một dáng người chắc nịch với đôi má táo và mái tóc bạc cắt ngắn, mặc áo liền quần và sơ mi kiểu Ấn Độ, trở thành phép ẩn dụ cho việc bà tìm kiếm sự yên bình. Bà đã vẽ bức tranh cuối cùng của mình vài tháng trước khi qua đời vào năm 2004, ở tuổi 92.

Agnes Martin muốn được chôn cất trong khu vườn của Bảo tàng Harwood ở Taos, gần căn phòng trưng bày những bức tranh bà đã tặng, nhưng luật pháp New Mexico không cho phép. Vì vậy vào mùa xuân sau khi Martin qua đời, một nhóm bạn bè đã tập hợp lúc nửa đêm và trèo lên những bức tường bằng gạch nung với một cái thang. Đó là một ngày trăng tròn, họ đào một cái hố dưới rễ cây mai, đặt tro của bà vào chiếc bát Nhật Bản có lót lá vàng trước khi rải chúng xuống đất. Một khung cảnh đẹp, như Martin đã từng viết, “vẻ đẹp không bị ràng buộc, đó là nguồn cảm hứng”.

Tác phẩm của Agnes Martin hiện diện trong các bảo tàng và bộ sưu tập trên khắp thế giới, bao gồm Viện Nghệ thuật Chicago, Trung tâm Pompidou, Quỹ Nghệ thuật Dia, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA), Tate Modern cùng nhiều nơi khác, và đã được bán với giá lên tới 10 triệu USD trên thị trường thứ cấp. Mức giá kỷ lục của nghệ sĩ này trong cuộc đấu giá tại Sotheby's New York vào năm 2023 là 18.718.500 USD cho bức tranh Grey Stone II.

image

Grey Stone II

clip_image001

clip_image002

clip_image004

clip_image069

clip_image075

clip_image006

clip_image007

clip_image009

clip_image011

clip_image013

clip_image015

clip_image017

clip_image021

clip_image023

clip_image019

clip_image025

clip_image091

clip_image027

clip_image029

clip_image031

clip_image033

clip_image035

clip_image044

clip_image045

clip_image046

clip_image048

clip_image050

clip_image052

clip_image054

clip_image056

clip_image058

clip_image060

clip_image062

clip_image064

clip_image066

clip_image068

clip_image070

clip_image072

clip_image074

image

clip_image078

clip_image082

clip_image084

image

clip_image087

clip_image089

clip_image093

clip_image095

clip_image097

clip_image099

 

clip_image102

clip_image104clip_image043clip_image038

clip_image040

clip_image041

clip_image106

clip_image108

clip_image110

clip_image112

image

image

clip_image101

clip_image118

clip_image120

clip_image121

clip_image123

clip_image124clip_image128

clip_image126