Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2024

Chủ động dân chủ hóa ở Việt Nam

(Phụ lục cho Vì sao Phan Châu Trinh chưa thành công)

Nguyễn Quang A

Bài Vì sao Phan Châu Trinh chưa thành công, Luật khoa Tạp chí 08-02-2024, phác thảo một lộ trình dân chủ hóa ở Việt Nam. Bài này (có thể coi như Phụ lục của bài trước) làm rõ thêm chúng ta có thể chủ động làm việc này trước Trung Quốc không? Do mối quan hệ của hai đảng cộng sản cầm quyền ở hai nước có thể đưa ra hai khẳng định: 1) nếu Trung Quốc dân chủ hóa, thì Việt Nam sẽ dân chủ hóa theo trong thời gian ngắn; và 2) nếu Trung Quốc không dân chủ hóa Việt Nam vẫn có thể dân chủ hóa trước Trung Quốc. Phụ lục này muốn làm rõ hai khẳng định trên và điểm qua tình hình hiện tại, và có lẽ quá trình chuyển đổi dân chủ sắp bắt đầu nên bài này cũng bàn một số việc có thể làm trước mắt để thúc đẩy quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam nhằm làm rõ hơn các quan niệm lý luận, nhận thức về tình hình một cách khách quan, nhằm tránh “sự tuyệt vọng” hay “hy vọng quá mức” một cách thiếu căn cứ.

1. Nếu Trung Quốc dân chủ hóa, Việt Nam sẽ dân chủ hóa ngay sau đó không lâu.

Dân chủ hóa ở một nước có thể bị môi trường quốc tế ảnh hưởng. Hiện tại (2024) đáng tiếc môi trường quốc tế không thật thuận lợi cho dân chủ hóa ở bất cứ đâu và cả ở Việt Nam nữa. Dân chủ trên toàn cầu đang trong suy thoái, các xu hướng dân túy, độc đoán phát triển khắp thế giới, không những chỉ củng cố tại các thành trì truyền thống của chúng như ở Nga, Trung Quốc, và vài nước khác, mà xu hướng dân túy, độc đoán cũng lan rộng hơn ở các nền dân chủ Âu châu và Mỹ mà chúng ta có thể thấy rõ trong vài thập niên qua, nhất là trong cuộc bầu cử quốc hội Âu châu tại Pháp ngày 9-6-2024 vừa qua (nơi đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc RN giành đa số 31,4% hay 30 đại biểu còn liên minh của tổng thống đương nhiệm chỉ được 14,6% hay 13 ghế tức là mất 10 ghế) cũng như cuộc bầu cử quốc hội Pháp đang diễn ra cũng như những phán quyết khiến tiền bạc gây ra bất bình đẳng chính trị nghiêm trọng và làm xói mòn luật trị (nhà nước pháp quyền-rule of law) của Tòa án Tối cao Mỹ (như quyết định về vụ Citizen United vs Federal Election Commision năm 2010 và vụ quyền miễn tố tổng thống ngày 1-7-2024) cũng như diễn biến của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay. Trong bối cảnh như vậy nói về dân chủ hóa ở Trung Quốc là hơi không thực tế.

Tuy vậy, nếu giả như dân chủ hóa xảy ra ở Trung Quốc có thể dễ dàng suy ra là dân chủ hóa cũng sẽ kế sau ở Việt Nam không lâu do ảnh hưởng địa lý, tập quán và quan trọng nhất mối quan hệ khăng khít giữa hai đảng đảng cộng sản cầm quyền ở hai nước. 1) Thứ nhất, nếu Trung Quốc dân chủ hóa thì hoặc a) ĐCSTQ chuyển thành một đảng không cộng sản ủng hộ dân chủ hay b) ĐCSTQ mất quyền lãnh đạo cho các đảng chính trị khác ủng hộ dân chủ. Trong cả hai trường hợp do mối quan hệ mật thiết giữa ĐCSVN và ĐCSTQ điều tương tự cũng diễn ra ở Việt Nam. 2) Thứ hai, chế độ độc tài ở Trung Quốc sụp đổ và các lực lượng ủng hộ dân chủ lên nắm quyền; trong trường hợp này có thể (nhưng chưa chắc) chế độ độc đoán ở Việt Nam cũng sụp đổ, nhưng nếu không sụp đổ thì cũng tạo ra điều kiện vô cùng thuận lợi cho dân chủ hóa. Nói tóm lại nếu dân chủ hóa xảy ra ở Trung Quốc thì cũng xảy ra ở Việt Nam không lâu sau đó.

Trong ngắn hạn giả thuyết nêu trên về dân chủ hóa ở Trung Quốc rất ít có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, câu hỏi lý thú và thực tiễn hơn nhiều là nếu Trung Quốc không có dân chủ hóa thì Việt Nam có thể dân chủ hóa được không?

2. Vì sao Việt Nam có thể chủ động dân chủ hóa trước Trung Quốc

Nếu Trung Quốc không dân chủ hóa, điều kiện bên ngoài cho dân chủ hóa ở Việt Nam khó khăn hơn (bên cạnh khó khăn hiện thời về sự đi lên của các xu hướng dân túy và độc tài khắp thế giới không chỉ ở hai thành trì là Trung Quốc và Nga và xu hướng đi xuống của dân chủ). Nói cách khác, trong ngắn hạn điều kiện quốc tế không thuận lợi cho dân chủ hóa nói chung và dân chủ hóa ở Việt Nam nói riêng.

Tuy vậy, trong dân chủ hóa thì các điều kiện nội bộ (mà chủ yếu là cán cân lực lượng hiểu theo nghĩa rộng giữa các ELITE đương nắm quyền và NHÂN DÂN) là quan trọng nhất, và dân chủ hóa vẫn có thể xảy ra bất chấp điều kiện quốc tế không thuận lợi. Chúng ta hãy so sánh tình hình cán cân lực lượng này ở Việt Nam với tình hình ở Trung Quốc và các nước Đông Âu trước chuyển đổi dân chủ 1989-1990; cũng như với các nước trong khu vực lúc chuyển đổi dân chủ như Philippines (1986), Hàn Quốc (1987), Đài Loan (1987-2000), Indonesia (1998), Malaysia (2018). Tất nhiên chúng ta cũng xem xét tình hình đó ở Trung Quốc để tiện so sánh.

2.1 Việt Nam và Trung Quốc trên Bản đồ văn hóa Inglehart-Welzel

image

Hình 1. Bản đồ văn hóa Inglehart-Welzel 2023

 

Đầu tiên chúng ta hãy so sánh vài giá trị liên quan đến sự phát triển kinh tế xã hội và dân chủ mà Việt Nam và Trung Quốc là rất khác nhau, bất chấp cảm nhận thông thường về sự gần gũi giữa văn hóa Trung Quốc và Việt Nam (ăn bằng đũa, tết nhất, tập quán,…). Donald Inglehart và Christian Welzel dựa vào các giá trị đo được của các nước trên thế giới trong World Values Survey đã phát triển một bản đồ văn hóa với trục thẳng đứng (trục y) thể hiện chỉ số của cặp các giá trị truyền thống vs (đối lại) các giá trị thế tục-duy lý (traditional values vs. secular-rational values), tức là giá trị y càng âm thì các giá trị truyền thống càng áp đảo, bằng 0 khi các giá trị truyền thống cân đối với các giá trị thế tục-duy lý và càng dương thì các giá trị thế tục duy lý càng áp đảo; trục ngang (trục x) thể hiện chỉ số của cặp các giá trị sống sót (survival values) vs. các giá trị tự thể hiện (self-expression values), một cách tương tự trên trục này giá trị x càng âm thì các giá trị sống sót càng áp đảo, ngược lại càng dương thì các giá trị tự-thể hiện càng áp đảo và bằng 0 khi chúng cân bằng nhau. Từ các kết quả đo của WVS tại một điểm thời gian, mỗi nước (i) được đặc trưng trên mặt phẳng (x, y) này bởi điểm (xi, yi) của mình i=1, 2, N, với N là số nước. Các điểm (xi, yi) này cụm lại thành các vùng văn hóa khác nhau. Hình 1 bên trên là bản đồ văn hóa Inglehart-Welzel cho năm 2023.

Chúng ta có thể thấy Việt Nam rất xa Trung Quốc trên bản đồ văn hóa này, trong khi lại khá gần với Ba Lan (Poland) hay Bồ Đào Nha (Portugal) của khu vực văn hóa Âu Châu Công giáo, hay với Argentina của vùng văn hóa Mỹ-Latin. Vì bản đồ văn hóa này liên quan đến các giá trị gắn với sự phát triển kinh tế-xã hội và dân chủ nên chúng ta có thể thấy sự khác biệt giữa các giá trị của số đông dân cư. Dân chủ hóa luôn phụ thuộc vào các giá trị thịnh hành trong dân chúng. Có thể suy ra là Việt Nam có thể chủ động dân chủ hóa mà không nhất thiết phải chờ Trung Quốc dân chủ hóa để chúng ta “noi theo.”

Tiếp sau chúng ta đi sâu vào các giá trị mà Christian Welzel gọi là các giá trị giải phóng (emancipative values) và chỉ số các giá trị giải phóng (EVI) mà chúng tôi, Nguyễn Quang A 2017, cho là gắn mật thiết với Dân khí của Phan Châu Trinh.

2.2 Dân chủ và tự do

Dân chủ hiểu theo nghĩa căn bản nhất là một chế độ với các định chế trao quyền cho người dân để theo đuổi tự do, để thực hiện các quyền tự do và chính quyền tạo mọi điều kiện để cho người dân thực hiện các quyền tự do đó [Welzel 2013] (chứ không phải nhấn mạnh đến các thủ tục bầu cử các đại diện – chỉ là những vấn đề kỹ thuật). Khát vọng tự do hay giải thoát (khỏi khổ đau của đạo Phật hay được lên thiên đường của Thiên Chúa giáo) là cổ như bản thân con người và được thể hiện hầu như trong mọi tôn giáo lớn của loài người. Nếu hiểu dân chủ như trên, chúng ta sẽ không ngạc nhiên để thấy mối quan hệ giữa dân chủ và tự do.

Khát vọng tự do, tự chủ, sự cất lên tiếng nói, sự khoan dung có thể được đo bằng chỉ số các giá trị giải phóng (EVI-emancipative values index) [Welzel 2013, p. 322]. Trong một bài viết năm 2017, tôi đã chỉ ra khái niệm dân khí của Phan Châu Trinh liên hệ mật thiết với các giá trị giải phóng, nói cách khác nếu đo được EVI, thì cũng có nghĩa là đo được dân khí.

2.3 Các giai đoạn của quá trình dân chủ hóa: cán cân lực lượng giữa elite đương quyền và nhân dân

Dân chủ hóa là quá trình chuyển từ một chế độ không dân chủ (độc tài, chuyên chế, toàn trị…) sang một chế độ dân chủ. Chuyển đổi dân chủ có thể được áp đặt từ bên ngoài, chẳng hạn do thua một cuộc chiến tranh như Nhật Bản. Dưới đây chúng ta không bàn đến loại chuyển đổi dân chủ được áp đặt từ bên ngoài như vậy.

Trong các trường hợp tự chuyển đổi là chính, các nhà lý luận về chuyển đổi dân chủ thường phân quá trình này thành ba giai đoạn: (1) giai đoạn chuẩn bị là cuộc đấu tranh có thể rất dài của giới elite nắm quyền (các nhà độc tài và những người ủng hộ họ) với những người bị trị và có mong muốn dân chủ hóa gọi chung là nhân dân. Lưu ý rằng Việt Nam ngày nay (2024) vẫn ở trong giai đoạn chuẩn bị. Nếu nhân dân không có khát vọng tự do, dân chủ và cam chịu sự cai trị của tầng lớp thống trị thì chế độ độc tài có thể kéo dài vô tận. Chỉ khi nhân dân có khát vọng tự do và tham gia vào cuộc đấu tranh giành lại hay mở rộng các quyền (từ kinh tế, xã hội đến chính trị) thì mới có thể nói đến giai đoạn chuẩn bị dân chủ hóa. Khi sức mạnh của nhân dân có thể ngang ngửa với sức mạnh của các elite nắm quyền thì quá trình dân chủ hóa bắt đầu chuyển sang giai đoạn (2) là giai đoạn chuyển đổi dân chủ. Giai đoạn chuyển đổi này có thể diễn ra trong thời gian tương đối ngắn (so với giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn củng cố sẽ nói về sau), có thể vài tháng, vài năm hoặc đến cả chục năm như ở Đài Loan (bắt đầu từ 1987 và kết thúc 2000). Sự chuyển đổi có thể diễn ra theo nhiều cách khác nhau: chế độ cũ sụp đổ, elite cầm quyền mới thay thế elite cầm quyền cũ trong chế độ dân chủ; elite cầm quyền cũ thay đổi và trở thành một phần của elite cầm quyền mới của chế độ dân chủ; nó có thể diễn ra một cách bạo lực, một phần bạo lực hay bất bạo lực (bất bạo là cách hay nhất và tạo điều kiện cho giai đoạn củng cố). Trong giai đoạn chuyển đổi này những công việc chính là thiết lập các thể chế của chế độ dân chủ: sửa hay làm lại hiến pháp; sửa hay làm mới các luật mang tính hiến pháp như luật bầu cử; luật về hoạt động của CÁC đảng chính trị; vân vân (nếu đã có chuẩn bị hay thảo luận cho chuyện này ngay trong lòng chế độ độc tài, tức là trong giai đoạn (1) thì sẽ đỡ bỡ ngỡ hơn trong giai đoạn (2)). Sau khi chế độ dân chủ được thiết lập thì (3) bắt đầu giai đoạn củng cố (có thể kéo dài mãi nếu dân chủ đứng vững hay cho đến khi sự thay đổi thụt lùi xảy ra, quay lại chế độ phi-dân chủ mức độ nào đó hay độc tài hoàn toàn). Vài việc chính trong giai đoạn này là củng cố hoàn thiện các thể chế dân chủ, làm cho toàn dân kể cả những người cầm quyền mới thấm nhuần, tuân theo các chuẩn mực dân chủ (sự thay đổi này về văn hóa là rất quan trọng trong việc củng cố tăng cường các giá trị giải phóng, liên tục chấn dân khí). Như thế một chế độ dân chủ hoàn toàn có thể suy thoái thành chế độ độc tài, thậm chí toàn trị nếu người dân không cẩn trọng (ví dụ sự lên của chính phủ Hitler trong chế độ dân chủ Weimar (Đức) 1933 tới chế độ toàn trị 1935 và dẫn đến Chiến tranh Thế giới II kinh hoàng).

image

Hình 2: Các giai đoạn của dân chủ hóa

 

Khát vọng tự do, được EVI đo mà cũng có thể coi là số đo của Dân Khí, là động lực hiệu quả nhất để khiến người dân tham gia vào các phong trào xã hội (họ có thể tham gia vì các lý do khác như các lợi ích), hoạt động của các phong trào xã hội (do elite đối lập lãnh đạo) là lực lượng trực tiếp nhất trong giai đoạn chuẩn bị (1) gây ra thay đổi chế độ (chuyển đổi dân chủ) ở giai đoạn (2) và củng cố dân chủ trong giai đoạn (3). Sự chuyển đổi dân chủ trong giai đoạn (2) luôn là kết quả của thế cân bằng (hay bất cân bằng) lực lượng của các phong trào xã hội này và elite đương quyền hình thành trong giai đoạn (1) và (2).

2.4 Quan hệ giữa các giá trị độc đoán vs giải phóng và chế độ độc đoán vs dân chủ

Có thể mô tả đặc trưng một cách nôm na mối quan hệ này là: các giá trị thịnh hành như thế nào thì chế độ chính trị như thế đó: các giá trị giải phóng càng cao khả năng có chế độ dân chủ càng lớn và, ngược lại, các giá trị độc đoán thịnh hành thì khả năng cao là có chế độ độc đoán. Nói cách khác tương quan giữa chỉ số về các giá trị độc đoán vs các giá trị giải phóng (như một biến) và tính chất của chế độ độc đoán vs dân chủ (như biến thứ hai) diễn biến như thế nào? Christian Welzel tính toán hệ số tương quan của hai biến này cho các năm từ 1960 (vì EVI được đo lần đầu tiên năm 1981, nhưng có thể tính lùi lại một thế hệ để cho các ước lượng EVI một thế hệ trước, tức là 1960) đến 2014, như được sao lại trong Hình 3 dưới đây.

 

image

Hình 3: Hệ số tương quan r giữa chỉ số các giá trị độc đoán vs giải phóng và chỉ số chế độ độc đoán vs chế độ dân chủ theo thời gian từ 1960 đến 2014.

Nguồn: Fig. 8 của Welzel 2021a (OA-Fig.7 của Welzel 2021b)

Có thể thấy hệ số tương quan là cao khoảng 0,7 ≤ r ≤8,5 (thang bên phải) và về cơ bản không thay đổi mấy theo thời gian. Điều này có nghĩa rằng các giá trị giải phóng càng cao thì khả năng xuất hiện chế độ dân chủ càng cao, bất chấp những sự thăng giáng của phong trào dân chủ toàn cầu. Trên Hình 3, N là số nước dân chủ (theo thời gian).

Mối quan hệ giữa dân khí và dân chủ có thể thấy trong Hình 4.

Hình 2002-2012 bên trên trong Hình 4 cho thấy sự tương đồng (congruence) giữa các giá trị và chế độ; hình bên dưới 1970-1980 cũng có sự tương đồng, nhưng có sự vênh (misfit, sự không tương đồng) giữa các giá trị và chế độ của các nước trong hình oval có dân trí quá cao năm 1970 so với chế độ họ có trong 1980.

Chúng ta có thể thấy trên Hình 4 mối quan hệ giữa các giá trị độc đoán vs giải phóng (năm 2002) trên trục x và chỉ số độc đoán vs dân chủ trên trục y trong năm 2012 (tức là tính đến tác động sau của các giá trị lên chế độ hình thành với độ trễ 10 năm). Có thể thấy mối quan hệ mạnh giữa giá trị và chế độ. (Dân khí càng cao khả năng dân chủ càng lớn). Đấy là sự tương đồng (congruence) giữa giá trị và chế độ.

Tuy vậy cũng có trường hợp (các nước trong hình oval) có sự vênh, sự bất tương đồng giữa các giá trị và chế độ (độ vênh giữa cầu và cung tự do được phân tích dưới đây) như được thể hiện trong hình 1970-1980 của Hình 4.

 

image

Hình 4: Sự tương đồng (congruence) văn hóa (các giá trị) và chế độ

Nguồn: Fig.3 của Welzel 2021a (OA Fig.3 của Online Appendix của Welzel 2021b)

Có thể dùng ẩn dụ cung-cầu tự do khi coi dân khí là cầu đối với các quyền tự do (dân khí thấp - các giá trị độc đoán cao; dân khí cao - các giá trị giải phóng cao) trên trục x còn cung tự do là các thể chế dân chủ cung cấp các thể chế khuyến khích và bảo vệ nhân dân thực hiện các quyền tự do đó. Đấy là điểm chính của lý thuyết văn hóa về chế độ-chuyên quyền vs chế độ dân chủ của Welzel (Welzel 2021a, p.6). Trong hình 2002-2012 của Hình 4 có sự tương đồng, sự phù hợp giữa cung-cầu; còn trong hình 1970-1980 nói chung cũng có sự phù hợp giữa cung và cầu, nhưng có những sự vênh, những không phù hợp (misfits) của các nước trong đường oval. Chính sự vênh cung-cầu này gây căng thẳng xã hội và dẫn đến sự hiệu chỉnh cung cầu sao cho sự tương đồng được khôi phục đối với các nước đó (các nước trong hình oval của hình 1970-1980 gồm Argentina, Chile, Czechoslovakia, Đông Đức, Hungary, Ba Lan, Philippines, Nam Phi và Uruguay) muộn hơn đều chuyển sang dân chủ.

Cũng có thể có trường hợp cung vượt cầu, thí dụ do áp lực phải gia nhập EU nên nhiều nước Đông Âu đã thiết lập các định chế dân chủ (bên cung của các quyền tự do) vượt quá mức cầu (dân khí) của dân chúng và điều này giúp chúng ta hiểu vì sao có các nhà lãnh đạo dân túy khôn ngoan lợi dụng sự vênh cung-cầu này làm lợi cho mình như sụ thụt lùi dân chủ tại Hungary, Ba Lan và Slovakia.

2.5 Dân khí ở Việt Nam và Trung Quốc và so sánh quốc tế

Chúng tôi lấy các dữ liệu sau đây từ WVS cho sự so sánh giữa Việt Nam, Trung Quốc, vài nước Đông Âu và một số nước láng giềng:

 

image  

Bảng 1. EVI, dân khí, so sánh Việt Nam-Trung Quốc và một số nước láng giềng và Đông Âu đã chuyển đổi dân chủ. Giá trị EVI là giá trị trung bình (mean) của phân bố giá trị giải phóng của một nước (online analysis/select wave/select countries/survey questions/built-in indices/RESEMAVAL)

Thí dụ, chọn w7/Vietnam/…/ RESEMAVAL cho ta kết quả mean = 0.41 với 1.200 người Việt được phỏng vấn năm 2020 trong đợt wave 7.

Nguồn: WVS, wave 1: 1981-1984; wave 2: 1990-94; wave 3: 1995-98; wave 4: 1999-2004; wave 5: 2005-2009; wave 6: 2010-2014; wave 7: 2017-2022

Có thể thấy gì từ Bảng 1?

Thứ nhất dân khí Việt Nam (năm 2001) là 0,34 tương tự như EVI của Đài Loan năm 1998 (tức 11 năm sau sự khởi đầu chuyển đổi và 2 năm trước sự kết thúc chuyển đổi 2000); EVI của Việt Nam hiện nay 0,41 bằng của Hàn Quốc 1982, năm năm trước chuyển đổi dân chủ, xấp xỉ mức của Malaysia (0,42) lúc chuyển đổi 2018, bằng với mức của Philippines sau chuyển đổi 4 năm (1990: 0,41) nhưng sau đó luôn ngang hay hơn mức của Philippines; EVI của Việt Nam hiện nay 0,41 là cao hơn mức EVI của Hungary (0,37 năm 1982 tứ là 7 năm trước chuyển đổi, cao hơn mức 0,38 của Rumani, không có trong bảng 1, năm 2005 (tức 16 năm sau chuyển đổi) bằng mức 0,41 của Bulgaria năm 1997 (7 năm sau chuyển đổi, không có trong bảng trên). Có thể kết luận một cách chắc chắn từ các số liệu này rằng ít nhất trong 20 năm qua cầu dân chủ ở Việt Nam đã vượt quá cung, tức là có sự vênh (misfit như các nước trong vòng oval của hình 197-1980 của Hình 3). Lẽ ra Việt Nam đã phải chuyển đổi dân chủ rồi, nói cách khác điều kiện xã hội cơ bản khách quan cho chuyển đổi dân chủ ở Việt Nam đã có sẵn. Cản trở duy nhất đối với sự chuyển đổi dân chủ ở Việt Nam là sự đàn áp của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với các lực lượng dân chủ.

2.6 Đàn áp có hiệu quả?

Dân khí cao sẽ thúc đẩy người dân tham gia các phong trào xã hội, nhưng elite đương quyền có thể dùng các biện pháp đàn áp để ngăn chặn người dân tham gia các phong trào xã hội. Cuốn sách Donatella della Porta, 2014 là một chuyên khảo về huy động cho dân chủ và có một chương riêng cho sự đàn áp của các chế độ độc đoán (tr. 136-152), “sự đàn áp tàn bạo là một nguyên nhân của sự sống sót của chế độ áp bức, nhưng cũng là một nguyên nhân của sự phát triển của các phong trào dân chủ hoá. Các mức cao của sự đàn áp làm tăng sự sợ hãi, nhưng các mức đàn áp cao cũng tạo ra sự phẫn nộ.”

Welzel 2013 dành cả một chương (tr. 215-246) cho hoạt động tập thể (phong trào xã hội) và phân tích tích kỹ hai chiến lược của các chế độ độc tài để cắt mối liên kết giữa các giá trị và hành động: tuyên truyền và đàn áp (tr. 219). Các chiến lược này có hiệu quả khi các giá trị giải phóng thấp. Tuy nhiên, cả hai chiến lược đều không hiệu quả nếu dân khí cao.

Tác động mức cá nhân của dân khí (EVI) lên sự phản kháng ôn hòa trong bảy đợt khảo sát giá trị của WVS (1981-83) đến (2017-2020) trên toàn thế giới có thể thấy trên Hình 5.

 

image

Hình 5. Tác động phản kháng ôn hòa của các giá trị giải phóng theo mức đàn áp chuyên chế

Nguồn: Welzel, 2021b, (OA-Figure 14)

Có thể thấy trừ một nhúm nước (Ghana, …, Azerbaijan là các nước có tác động mức cá nhân âm) còn tác động của các giá trị giải phóng đều dương, và với mức đàn áp chuyên chế tăng lên thì tác động có chiều hướng giảm (đường hồi quy dốc xuống) nhưng ngay cả ở các nước chuyên chế với sự đàn áp mạnh như Trung Quốc, Việt Nam, Nga (với giá trị trên trục x gần bằng 1) thì tác động cũng vẫn (dương) đáng kể (tuy không cao như Hàn Quốc hay Nam Phi thời còn độc tài).

Tác động của dân khí lên sự tham gia các phong trào xã hội (tức là sự liên kết giữa các giá trị giải phóng và hành động) có thể thấy rõ nhất qua hình sau của Welzel 2015 (Hình 7.4, tr. 242).

 

image Hình 6. Tác động của sự thay đổi của các giá trị giải phóng lên sự thay đổi về các hoạt động phong trào xã hội.

Nguồn: Hình 7.4. của Welzel 2013

Có thể thấy sự tăng lên của dân khí có vai trò quyết định đến sự tham gia các phong trào xã hội, làm tăng cầu đối với các quyền tự do và tăng độ vênh (misfit) giữa cung và cầu và đòi hỏi dân chủ hóa để hiệu chỉnh độ vênh đó để lặp lại sự cân bằng cung cầu (làm thay đổi chế độ). Các nước ngoại lệ (sự thay đổi EVI dương trên trục x nhưng hoạt động phong trào xã hội dân sự lại giảm (âm ở trục y), là Đông Đức, Ba Lan, Lithuania, Chile, Argentina, và Nam Phi. Các xã hội này cho thấy một sự giảm nhẹ hay đáng kể về các hoạt động phong trào xã hội bất chấp một sự tăng đáng kể về các giá trị giải phóng. Trong tất cả các xã hội này, cuộc điều tra sớm nhất đã xảy ra trong một chuyển đổi sang dân chủ, mà trong mỗi xã hội này đã đi cùng với một chu kỳ đi lên lạ thường về huy động quần chúng. Các mức hoạt động phong trào, do đó, là cao một cách khác thường và đã sụt xuống mức bình thường sau chuyển đổi.

Trong giai đoạn 2012-2024 sự đàn áp của chính quyền Việt Nam đã gia tăng đáng kể, chứng tỏ hoạt động phong trào xã hội lên cao và các nhà chức trách sợ và tiến hành tuyên truyền chống và đàn áp mạnh.

3. Tình hình hiện thời (2024)

Lưu ý là Việt Nam hiện nay vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị (1) được nêu nêu trong Hình 2. Dưới đây chỉ nêu vài hiện tượng đáng chú ý nhất.

3.1 Chiến dịch “đốt lò” đã tiết lộ quá nhiều cán bộ ĐCSVN từ cấp cơ sở đến cấp chóp bu đã vi phạm pháp luật, bị kỷ luật, làm cho ĐCSVN mất uy tín nghiêm trọng. Không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Trung Quốc các chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” hay “đốt lò” là những phản ứng của chế độ cộng sản với sự tha hóa bẩm sinh của chính chế độ, muốn “khôi phục” lại uy tín của đảng cầm quyền, nhưng càng đốt thì càng sinh ra nhiều củi gộc và dù được che giấu nhưng đã lộ ra các vụ bê bối tham nhũng ngày càng lớn và đụng đến các nhân vật càng cao tại cốt lõi của hệ thống. Dồn dập nhất là hai Chủ tịch nước bị cho về vườn, rồi đến Chủ tịch Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư kiêm Trưởng ban tổ chức trung ương và Bí thư thành ủy Hà Nội, rồi đến sự “kiện toàn” cán bộ chủ chốt Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội nhưng còn trống quá nhiều chỗ (nhất là Bộ trưởng Bộ Công an) và những tin đồn dồn dập (thường hóa ra chính xác) về các phe này phe nọ, về hội nghị cán bộ chủ chốt của Bộ Công an đề nghị Bộ Chính trị (BTC) bổ sung một Thứ trưởng làm Bộ trưởng và một Thứ trưởng khác làm Chánh văn phòng Trung ương Đảng (một nước đi chưa từng có tiền lệ và có thể nói rất rất nhiều điều). Tin đồn đã trở thành hiện thực khi thượng tướng, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Trung ương Đảng CSVN ngày 3/6/2024 và ngày 6/6/2024 thượng tướng Thứ trưởng Lương Tam Quang được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Công an theo đề nghị của Thủ tướng (mà mười lăm ngày trước, tức ngày 22/5/2024 đã quyết định giao cho thượng tướng Trần Quốc Tỏ điều hành Bộ Công an nên người ta có thể hỏi vì sao lúc đó không giao luôn cho thượng tướng Lưu Tam Quang để đảm bảo sự liên tục?). Rồi đến ngày 15/6/2024 Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng CSVN đã công bố kỷ luật đối với hàng loạt cán bộ của Bộ Tài chính liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát và vụ AIC, trong đó có cựu Bộ trưởng, đương kim Bí thư thành ủy Hà Nội, ủy viên Bộ Chính trị Đinh Tiến Dũng (ngày 19/6/2024 BCT của ĐCSVN đã đồng ý cho ông Dũng “thôi” tất cả các chức vụ trong đảng và nhà nước để về hưu). Như thế trong một thời gian tương đối ngắn đã có 7 ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, trong số 18 ủy viên ban đầu (chiếm đến gần 39%!) của BCT đã “dính chàm” và bị cho “thôi” mọi chức vụ để về hưu (nếu “đốt lò” tiếp tục số nhúng chàm có thể lên đến 50% hoặc hơn). Một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử ĐCSVN làm mất uy tín của ĐCSVN một cách trầm trọng như chính thông báo của ban lãnh đạo chóp bu của ĐCSVN và cho thấy sự thối nát của toàn hệ thống.

Năm 1971 Leszek Kolakowski nhà triết học Ba Lan, một cán bộ cao cấp của ĐCS Ba Lan bị đuổi ra khỏi đảng trước đó và phải sang Pháp lưu vong, đã viết một tiểu luận ngắn “Luận đề về Hy vọng và Tuyệt vọng” được cho là nền tảng tư tưởng của phong trào Đoàn Kết Ba Lan nói riêng và dân chủ hóa ở các nước Đông Âu nói chung. Các bạn đọc Việt Nam cũng vẫn rất nên đọc tiểu luận này vì cứ như nó nói về tình hình Việt Nam năm 2024! Theo cách hiểu của tôi tiểu luận “Hy vọng và Tuyệt vọng” phân tích chế độ cộng sản được cho là vững như bàn thạch, không thể cải tạo nổi, “dân chủ hóa là không thể hình dung nổi,” và theo quan điểm đó thì quả là Tuyệt vọng; nhưng tác giả cho rằng quan điểm đó là sai. Chế độ cộng sản không thống nhất, vững như tảng đá nguyên khối (bàn thạch) như nó tuyên truyền và người ngoài tưởng là thế mà như một tường đá gồm nhiều hòn đá, giữa chúng có nhiều kẽ hở, và các khuyết tật và mâu thuẫn nội tại hay tác động bên ngoài có thể làm cho những kẽ hở đó rộng ra và dẫn đến sụp đổ (các khuyết tật nội tại là “sự tràn ngập của sâu bọ,” “sự phá hủy các liên kết xã hội,” “sự tập trung tuyệt đối quyền quyết định”,… và “cục ung thư” ý thức hệ gây bối rối của chế độ cộng sản), nói cách khác chế độ có thể sụp đổ hay có thể cải tổ được qua cải cách, nhìn thế chúng ta có Hy vọng.

ĐCSVN từ trước đến nay cũng tuyên truyền về sự thống nhất, yêu cầu các đảng viên giữ sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình, chế độ sẽ trường tồn vì “dân chủ hóa là không thể hình dung nổi.” Nhưng như Kolakowsky phân tích về “sự tràn ngập của sâu bọ” (40 năm sau chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang cũng than thở “Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này.” Đáng tiếc cả ông Sang và ông Trọng sau này chắc đã không đọc Kolakowski và không hiểu rằng chính chế độ này là lò đẻ ra bầy sâu đó! Ông phân tích về “sự phá hủy các liên kết xã hội,” về “sự tập trung tuyệt đối quyền quyết định,” về “cục u ung thư” ý thức hệ gây bối rối, vân vân. Cứ như Kolakowski viết về Việt Nam 2024. Soi vào tình hình hiện nay của ĐCSVN chúng ta thấy những kẽ hở của các hòn đá đã được chính ĐCSVN xói rộng ra đến thế nào, và chúng ta thấy rõ điều đó qua chiến dịch đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng mà trên đây chỉ nêu vài con sâu bự và bạn đọc có thể thấy bầy sâu từ từng làng từng xã đến tận gần 40% sâu bự “bị lộ” trong Bộ Chính trị của ĐCSVN, do chính ĐCSVN tiết lộ, khiến người dân nghi ngờ tính chính đáng của họ, có hại cho bản thân ĐCSVN. Nếu ĐCSVN thực hiện nghiêm ngặt việc đốt lò thì chắc ĐCSVN sẽ chẳng còn một mống đảng viên cao cấp nào không nhúng chàm. Nhìn dưới con mắt của Kolakowsky Hy vọng át hẳn Tuyệt vọng.

3.2. Hiện tượng Thích Minh Tuệ đẩy chính quyền và giáo hội phật giáo quốc doanh vào thế rất khó xử và thực sự là một hiện tượng xã hội đáng chú ý, thức tỉnh nhiều triệu người. Và hệ thống đã viện việc “gây ùn tắc giao thông” nên thầy Minh Tuệ đã tự nguyện “ẩn tu,” có lẽ ở vùng cao hẻo lánh, đường sá tồi tàn, giao thông không tấp nập và cái cớ “gây ùn tắc giao thông” không thể đứng vững. Hà Nội, TP Hồ Chí Minh luôn ùn tắc giao thông mà không có mặt của Thầy Minh Tuệ, càng làm cho người dân thấy cớ “ùn tắc giao thông” và việc nói Thầy Minh Tuệ “tự nguyện ẩn tu” là khả nghi. Thầy Minh Tuệ chỉ hành động một mình, thực hiện quyền tự do tôn giáo của mình, thực hiện các khát vọng giải thoát theo đúng lời dạy của Bụt (Buddha), đó cũng là khát vọng giải phóng, là dân khí; thầy Minh Tuệ không vận động bất cứ ai, không nhận đệ tử, không lập giáo phái nào cả. Chỉ bằng hành động và những lời nói thật, mộc mạc và khiêm tốn của mình thầy đã thức tỉnh (nâng cao dân trí) và chấn dân khí cho rất nhiều người, làm cho họ hoài nghi uy quyền của Giáo hội Phật giáo chính thống. Quyền tự do tín ngưỡng là một quyền tự do hết sức quan trọng và hiện tượng Thích Minh Tuệ thức tỉnh hàng triệu người Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng của mình, và cũng phải kiên trì đấu tranh gian khổ để giành lấy quyền tự do tín ngưỡng cũng như các quyền tự do khác, chứ không chỉ than vãn phải có tự do tôn giáo cứ như xin chính quyền cho chúng ta quyền tự do ấy. Không! Người dân phải đấu tranh để giành lấy quyền tự do hợp pháp đó của mình và cách hiệu quả nhất là thực hiện quyền tự do đó như thầy Minh Tuệ.

Tương phản hoàn toàn với hành động theo khát vọng tự do, sự chân thật, sự khiêm tốn của thầy Minh Tuệ được hàng triệu người ca ngợi là hành động dối trá, nhảm nhí, mê tín dị đoan, ngược với truyền thống Phật giáo của một số tu sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà điển hình là hoạt động của thượng tọa Thích Chân Quang của chùa Phật Quang và đại đức Thích Trúc Thái Minh của chùa Ba Vàng. Thích Chân Quang tự nhận là Hồ Chí Nghĩa, cháu ruột của Hồ Chí Minh, được Gs. Hoàng Chí Bảo, từng là ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương của ĐCSVN, luôn ca ngợi Hồ Chí Minh khi ông đương nhiệm và sau đó, hết lời ca ngợi. Các hành động và phát ngôn của Thích Chân Quang, nhất là bê bối học vị tiến sĩ của ông khiến cả một lô giáo sư tiến sĩ của Đại học Luật Hà Nội cũng như nhiều người và báo đã từng ca ngợi công trình của ông hết lời, lộ ra là những người thiếu hiểu biết đến mức nào và làm mất uy tín của hệ thống giáo dục Việt Nam được ĐCSVN lãnh đạo toàn diện. Trong luận văn tiến sĩ của mình, thượng tọa Thích Chân Quang đã đặt sai vấn đề, đã hiểu sai hoàn toàn và lẫn lộn vấn đề quyền công dân với quyền con người, gắn các quyền con người với “các nghĩa vụ con người” (lẽ ra nếu đặt vấn đề các quyền công dân đối lại các nghĩa vụ công dân thì có lý hơn), như thế vô hình trung bắt các quyền con người phổ quát phải chịu các điều kiện trái hoàn toàn với luật pháp quốc tế và thậm chí với “tư tưởng Hồ Chí Minh” (mà trong câu đầu tiên của Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945 Hồ Chí Minh đã trích Tuyên ngôn Độc lập Mỹ “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”) Đáng tiếc bộ máy tuyên truyền của ĐCSVN luôn chủ trương “học tập tư tưởng Hồ Chí Minh” lại cũng nhấn mạnh đến “nghĩa vụ” giống thượng tọa Thích Chân Quang khi nói đến nhân quyền!

Sự tương phản rành rành này đã thức tỉnh nhiều người bị hệ thống Phật giáo có phương châm “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội” mê hoặc. Đấy là những chuyển động xã hội-tôn giáo rất đáng chú ý, góp phần để người dân thấy rõ sự thật, nâng cao dân trí và chấn hưng dân khí.

3.3. Việc đàn áp các nhà bất đồng chính kiến xảy ra từ hơn mười năm nay vẫn tiếp tục và lan sang cả các lãnh đạo NGO có đăng ký, rồi đến những người có tư tưởng cải cách trong chế độ, như việc bắt các ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Lao động và Thương binh Xã hội cũng như ông Vũ Minh Tiến Trưởng ban Chính sách-pháp luật của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng như việc bắt nhà báo Huy Đức và luật sư Trần Đình Triển gần đây. Việc này một mặt cho thấy sự đàn áp gia tăng nhưng cũng cho thấy sự yếu, sự thiếu tự tin của chế độ và sự lớn mạnh của các tiếng nói phản biện (xem ví dụ Benedict J. Tria Kerkvliet 2019). So sánh hoạt động các phong trào xã hội trong giai đoạn (1), giai đoạn chuản bị, ở Việt Nam trong 20 năm qua so với các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu lúc đó, chúng ta thấy phong trào xã hội ở Việt Nam không hề kém nếu không nói là nổi hơn. Nhìn qua lăng kính này chúng ta có thể không quá bi quan về các hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam mà nhiều người thường nghĩ. ĐCSVN cần hiểu rằng sự tuyên truyền và đàn áp này không có tác dụng, thậm chí phản tác dụng trong dài hạn như đã thảo luận ở trên (Hình 5). Cũng có nhiều người nói “lấy đâu ra những người lãnh đạo?”. Về các nhà lãnh đạo đương thời chúng ta không cần nhắc lại, hãy chỉ nhắc đến gần 200 tù nhân chính trị đang bị giam giữ (một con số có thể so sánh với số ủy viên trung ương của ĐCSVN) đó là chưa nói đến rất nhiều lãnh đạo các phong trào xã hội buộc phải “di tản” ra nước ngoài. Theo tôi trong số khoảng 250 người đó cũng như những người có tư tưởng cải cách trong bản thân ĐCSVN (mà tôi nghĩ là không ít) nhân dân có thể lựa ra một ban lãnh đạo đất nước tốt hơn ban lãnh đạo hiện thời!

3.4 Công cuộc đốt lò góp phần dẫn đến những khó khăn về kinh tế-xã hội.

Một hậu quả không lường trước của công cuộc đốt lò là sự thui chột các sáng kiến, sự đổi mới, sự thử nghiệm của các địa phương; sự co cụm, “an toàn hóa” của bộ máy nhà nước do các quan chức “sợ trách nhiệm”, “né trách nhiệm”, “sợ sai,” “đùn đẩy, né tránh” đã trở thành căn bệnh (vì sợ bị coi là củi và bị tống vào lò) mà các lãnh đạo Việt Nam không dám trực tiếp thừa nhận nhưng được nêu lên khá sôi nổi trong diễn đàn Quốc hội và trong ý kiến của một số lãnh đạo cấp cao. Tại Việt Nam không có những tính toán hay ước lượng về sự tê liệt này làm giảm bao nhiêu phần trăm GDP (tại Trung Quốc, theo những nghiên cứu của Bank of America Merrill Lynch, chiến dịch chống-tham nhũng làm giảm 1 phần trăm trong tăng trưởng GDP trong 2014, còn BNP Paribas ước lượng sự chậm lại ở dải 1–1,5 phần trăm. Daokui Li 2024, p. 95). Tuy nhiên, báo chí quốc tế nêu rõ vì sự tê liệt này của bộ máy do đốt lò, nên Việt Nam đã bỏ lỡ mất ít nhất 2,5 tỷ USD tiền viện trợ quốc tế.

Tất cả các hiện tượng chính trị-xã hội nêu trên có thể được hiểu dễ hơn theo khuôn khổ của sự vênh cung-cầu tự do được bàn ở trên và đều làm tăng sự nghi ngờ của dân chúng vào quyền uy nên đều có hại cho toàn bộ hệ thống.

Nếu những người cầm quyền hiện tại ở Việt Nam nhận ra điều này họ có thể có những chính sách, cách hành xử thích hợp để giảm bớt độ vênh cung-cầu dân chủ này thì có lợi cho bản thân họ và nhất là có lợi cho dân tộc Việt Nam. Họ nên chấp nhận và nên thúc đẩy (cùng nhân dân) để Việt Nam có thể sớm bước sang giai đoạn (2) của dân chủ hóa, giai đoạn chuyển đổi dân chủ. Điều này có lẽ không gây ngạc nhiên nếu chúng ta đọc những phần trước của bài này. Nếu đúng vậy thì sẽ có rất nhiều việc cấp bách cần phải làm để hoặc đẩy nhanh sự chuyển sang giai đoạn (2) và/hay để cho nó diễn ra một cách yên bình, suôn sẻ nhất có thể.

Chúng ta không thể biết biến cố nào sẽ kích động quá trình chuyển đổi đó, và khi nào nó sẽ xảy ra, nhưng từ những bài học quốc tế suốt hơn nửa thế kỷ qua chúng ta thấy sự chuẩn bị càng kỹ càng tốt, phải để ý đến nó và thậm chí thúc đẩy cho quá trình đó nhanh hơn. Dưới đây, trên cơ sở những bài học quốc tế về dân chủ hóa, tôi chỉ phác họa một vài điều mà tôi nghĩ là quan trọng cho ĐCSVN, các lực lượng chính trị khác và dân chúng nói chung để mọi người tham khảo, thảo luận và thật tuyệt vời nếu biến chúng thành hành động.

4. Một vài việc cần chuẩn bị càng kỹ càng tốt

Trong thời gian tới giai đoạn (2), giai đoạn chuyển đổi dân chủ, cuộc đấu tranh, mặc cả, thương lượng (mà kinh nghiệm Bàn Tròn Ba Lan, Bàn Tròn Dân tộc Hungary, đàm phán ở Nam Phi,… là những bài học quý) sẽ diễn ra giữa các elite đương quyền (lãnh đạo ĐCSVN) và elite đối lập (các lãnh đạo của các lực lượng chính trị khác, các tổ chức xã hội dân sự, những người cộng sản cải cách,…) để thiết lập chế độ dân chủ và các thể chế cơ bản của nó (tất nhiên vẫn dưới áp lực nền của quảng đại quần chúng), nhưng vai trò của elite đối lập trong giai đoạn chuyển tiếp này có tầm quan trọng trực tiếp và đặc biệt. Chính vì thế sự hình thành elite đối lập là cần thiết (tức là các lực lượng chính trị, các tổ chức khác nhau cần có một liên minh để đòi sự hoạt động hợp pháp, để thống nhất các chính sách, chiến lược chung trong giai đoạn chuyển đổi tương đối ngắn này). Dưới đây tôi chỉ nêu sơ vài bài học quốc tế có thể rút ra để các lực lượng chính trị-xã hội và dân chúng ở Việt Nam tham khảo, thảo luận nhằm chuẩn bị càng kỹ càng tốt cho sự chuyển đổi dân chủ.

4.1 Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam

Chính sách khôn ngoan nhất của ĐCSVN là tìm hiểu, thảo luận tình hình hiện tại, tình hình quốc tế, các bài học phát triển của các nước khác có điều kiện gần giống Việt Nam (về thể chế chính trị, kinh tế) để có các chính sách và ứng xử thích hợp. Theo tôi ĐCSVN có thể noi theo cách làm của Quốc Dân Đảng ở Đài Loan trong cuối các năm 1980. Quốc Dân Đảng và ĐCSVN khá giống nhau về mặt tổ chức vì chúng đều là các đảng Leninist (QDĐ không phải là đảng Marxist nhưng là đảng Leninist điển hình trong một nền kinh tế thị trường).

Như thế Việt Nam bây giờ và Đài Loan khi đó khá giống nhau về hai mặt cốt yếu: Cả hai đều có nền kinh tế thị trường (và điểm này cho thấy sự khác biệt lớn giữa Việt Nam bây giờ và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu thời 1989-1990: Việt Nam về cơ bản không cần quá bận tâm đến chuyển đổi kinh tế nữa như các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu thời đó đã vô cùng vất vả và phạm nhiều sau lầm không đáng có; và đấy là một điều kiện tốt hơn nhiều cho Việt Nam để chuyển đổi dân chủ so với các nước Đông Âu khi đó). Cả hai nước đều do các đảng Leninist độc tài cai trị. Với hai sự giống nhau cơ bản này Việt Nam có thể học được rất nhiều bài học từ chuyển đổi Đài Loan (1987-2000).

QDĐ đã tự do hóa dần dần về mặt chính trị, để yên (không ai có thể kỳ vọng nó thúc đẩy, giúp đỡ) cho các phong trào xã hội phát triển. Chính sự khôn ngoan của Quốc Dân Đảng nên ngày nay trong nền dân chủ Đài loan chín muồi Quốc Dân Đảng vẫn là một Đảng mạnh và có vai trò trong sự phát triển của Đài Loan thay cho bị lịch sử vứt vào sọt rác.

Khôn ngoan hơn nếu ĐCSVN không chỉ để yên cho các lực lượng chính trị khác phát triển mà tạo điều kiện thuận lợi cho chúng phát triển một cách ôn hòa, yên bình và suôn sẻ.

Tất nhiên, ĐCSVN cũng có thể học kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa trước kia, kể cả Mông Cổ (nơi những người Cộng sản đã tổ chức lại thành các đảng mang tính dân chủ xã hội và đã nắm quyền trong vài nhiệm kỳ ở vài nước như tại Ba Lan (như Aleksander Kwaśniewski cựu Ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Ba Lan và Bộ trưởng trong chính phủ Cộng sản đã trúng cử tổng thống năm 1995 và là Tổng thống đầu tiên giữ được hai nhiệm kỳ đến 2005), Hungary (Horn Gyula cựu Ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Hungary, cựu Bộ trưởng Ngoại giao thời Cộng sản, đã cùng những người Cộng sản cũ lập ra Đảng Xã hội chủ nghĩa và liên tục được bầu vào Quốc hội từ 1990 và đã làm Thủ tướng từ 1994-1998) và Mông Cổ (Đảng Cộng sản đã đổi thành Đảng Nhân dân và đã nắm quyền 7 trong số 13 nhiệm kỳ kể từ 1992 đến nay), cũng như kinh nghiệm của các nước láng giềng khác như Hàn Quốc, Philippines mà vài trong số những tài liệu kinh nghiệm đó cũng được tôi và một số người khác dịch ra tiếng Việt trong 20 năm qua).

Ngược lại nếu ĐCSVN tiếp tục chính sách đàn áp, thì như phân tích ở trên, sự vênh cung-cầu tự do sẽ chỉ tiếp tục tăng và chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi dẫn đến những sự căng thẳng xã hội và thậm chí đến náo loạn xã hội mà tôi hy vọng những người Cộng sản Việt Nam cũng không muốn. ĐCSVN không thể cưỡng lại những thay đổi về văn hóa-xã hội cơ bản dẫn đến những đòi hỏi phải đổi mới chính trị. Chính việc trả lại quyền tự do kinh tế cho nhân dân đã có sự phát triển kinh tế khá ngoạn mục của Việt Nam trong hơn 30 năm qua. Nếu muốn Việt Nam giàu mạnh, nhân dân được tự do, hạnh phúc, đất nước có nguồn lực để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, gìn giữ hòa bình, phát triển các mối quan hệ tốt với các nước khác, ĐCSVN phải khôn khéo để đổi mới về mặt chính trị.

4.2 Đối với các đảng phái chính trị khác

Hiện nay chưa có các lực lượng chính trị đối lập hợp pháp nào ở Việt Nam. Nhưng từ những kinh nghiệm quốc tế chúng ta thấy việc thiếu các lực lượng đối lập (hợp pháp) là phổ biến và phải đấu tranh để giành được tính hợp pháp đó. Ví dụ phong trào Đoàn Kết là một ví dụ tốt. Gần chúng ta hơn, Phong trào Đảng Ngoại (Ngoài Đảng) của Đài Loan cũng đã bất hợp pháp trước 1987. Từ phong trào Đảng Ngoại đó Đảng Dân chủ Tiến bộ (Dân Tiến) được chính thức thành lập năm 1986 (thực ra cũng bất hợp pháp khi đó nhưng chính quyền Quốc Dân Đảng để yên cho Dân Tiến hoạt động và được hợp pháp hóa từ từ).

Tại Việt Nam cũng có các đảng và phong trào chính trị như vậy dù bị ĐCSVN coi là bất hợp pháp và đàn áp như Đảng Dân chủ Việt Nam (do cụ Hoàng Minh Chính cựu Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam phục hoạt ngày 1/6/2006), Hội Anh Em Dân chủ do luật sư Nguyễn Văn Đài làm Chủ tịch,…, có nhiều đảng đã hoạt động tại Việt Nam trước 1975, nhưng đã buộc phải lưu vong và hoạt động ở nước ngoài, đó là chưa nói đến nhiều đảng chính trị mới được thành lập sau 1975 của người Việt ở nước ngoài.

Trong cuộc Hội luận của Đài VOA ngày 18-6-2024 ông Nguyễn Tiến Trung, một nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ mới sang Đức tị nạn, cho rằng đã đến lúc tất cả các đảng và phong trào chính trị nên lập một liên minh. Đấy là một sáng kiến hay phù hợp với các bài học quốc tế nhưng chắc chắn không được ĐCSVN hoan nghênh, nhưng ĐCSVN khó có thể ngăn cản họ vì họ đều phải lưu vong ở nước ngoài rồi (như Nguyễn Tiến Trung và Nguyễn Văn Đài hiện đều ở Đức) và họ có thể thảo luận kín giữa họ với nhau và tôi nghĩ họ nên tuyên bố công khai các thỏa thuận của họ và tôi nghĩ sẽ khôn ngoan hơn nhiều nếu ĐCSVN để yên cho họ lập liên minh vì sớm muộn họ cũng sẽ là các đối tác mà ĐCSVN cần thương lượng, nếu ĐCSVN đặt lợi ích dân tộc, lợi ích của đất nước lên trên lợi ích riêng của họ như họ từng tuyên bố.

Theo những bài học quốc tế, Bàn Tròn Ba Lan và nhất là Bàn Tròn Đối lập Hungary và Bàn Tròn Dân tộc Hungary và để bớt những bỡ ngỡ trong những vấn đề xây dựng thể chế dân chủ cụ thể, Liên minh này cần thống nhất những quan điểm chính về tổ chức hệ thống dân chủ (hiến pháp, theo mô hình nào, đại nghị hay tổng thống; các vấn đề phân quyền, tổ chức bộ máy,… các luật cơ bản,…) và nếu có thể huy động các chuyên gia để (a) thiết kế chi tiết các luật cơ bản đó; một cách tiếp cận khác là (b) chuẩn bị sửa các điểm chính của hiến pháp và một số luật hiện hành quan trọng (ví dụ, bỏ điều 4 của Hiến pháp, xóa bỏ các điều vi hiến của luật hình sự như 117, 331, sửa điều 109; sửa đổi luật bầu cử), cách này có thể dễ làm hơn và dựa vào đó để đòi ĐCSVN yêu cầu Quốc hội hiện hành sửa hiến pháp và vài luật cơ bản đó để mở đường cho sự chuyển đổi dân chủ và để Quốc hội mới hoàn tất các vấn đề nêu trong (a) ở trên. Những vấn đề này cần thảo luận rộng rãi để nhân dân thấy có những lựa chọn thay thế (alternatives) khả dĩ, để nâng cao dân trí, tạo ra nhũng lựa chọn chính trị tương lai.

Liên minh cũng nên thống nhất những đòi hỏi trước khi đàm phán với elite đương quyền (trả tự do cho các tù nhân lương tâm; sửa đổi vài luật quan trọng để không đàn áp những người đối lập đàm phán với họ…, đây là một kinh nghiệm gần như của tất cả các nước Đông Âu, nổi bật nhất là Hungary) và tạo điều kiện để các lãnh đạo phải đi lưu vong về nước tham gia hoạt động chính trị. Đấy có lẽ phải là yêu cầu đầu tiên đòi ĐCSVN phải làm trước khi có bất kể thương lượng hay đối thoại nào (và thương lượng hay đối thoại không nhất thiết phải là gặp nhau mặt-đối-mặt trong giai đoạn đầu).

Thậm chí liên minh cần thống nhất một chính sách đối ngoại (nhất là với Trung Quốc: khẳng định sự hữu nghị với Trung Quốc: đảm bảo các lợi ích của Trung Quốc tại Việt Nam như lợi ích của các nước khác; không kỳ thị, phát huy các mối quan hệ văn hóa; vấn đề người Hoa tại Việt Nam [coi họ là người Việt và không phân biệt đối xử],… và công khai chính sách đó để làm yên lòng chính quyền Trung Quốc) cũng như các nước khác.

Kể cả chính sách đối với bộ máy công chức để họ (hay chí ít 99,999 % số họ) yên tâm về công ăn việc làm (kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và các nước trong khu vực là việc giữ hoạt động liên tục của bộ máy công chức là cực kỳ quan trọng), không có những xáo trộn đột ngột trong bộ máy công chức, việc cải cách, đào tạo lại bộ máy công chức để cho họ thấy (nếu làm việc đúng như công chức thì) họ có tương lai tươi sáng hơn chế độ hiện hành rất nhiều. Theo kinh nghiệm dân chủ hóa ở các nước khác, vấn đề hòa giải dân tộc, khoan dung, không truy cứu những người của chế độ cũ (trừ những kẻ phạm pháp theo luật hình sự của chế độ cũ); không có việc truy lùng những người cộng sản (hãy tính đến 5 triệu đảng viên và gia đình họ, giả sử với 3 người liên quan, thì có đến ít nhất 15 triệu người liên quan; họ đều là các đồng bào Việt Nam của chúng ta và chính sách hòa giải dân tộc là một mệnh lệnh sao cho các đảng viên Cộng sản và những người liên quan có thể phát huy tài năng của họ đóng góp cho sự phát triển một Việt Nam dân chủ, tự do).

Thậm chí cũng phải phác họa các chính sách quân sự và an ninh (để cho những người trong các lực lượng vũ trang hiện thời không sợ mất sổ hưu, và tuyệt đại bộ phận trong số họ yên tâm rằng họ vẫn được đảm bảo công ăn việc làm và sự cải cách hay đào tạo lại sẽ từ từ như với các công chức hành chính…); tăng cường đầu tư quốc phòng.

Rất may là về kinh tế Việt Nam đã chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường trong gần bốn mươi năm qua, nên không gặp khó khăn như các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu hay các nước thuộc Liên Xô cũ đã phải vật lộn vô cùng cam go với “cải cách kép” trong hệ thống chính trị và hệ thống kinh tế. Tuy nhiên cũng nên thống nhất một số điểm lớn để đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững: khẳng định bảo vệ các quyền tài sản của người dân, doanh nghiệp; khuyến khích đầu tư; tạo mọi điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp ở Việt Nam phát triển.

Cũng nên phác họa vài chủ trương lớn về các chính sách xã hội như tăng cường hệ thống phúc lợi xã hội, tăng cường đầu tư cho giáo dục đào tạo, cải thiện hệ thống y tế, bảo vệ môi trường, đối phó hiệu quả với biến đổi khí hậu,… vân vân.

Liên minh cũng phải tính đến nếu elite đương quyền sụp đổ từ bên trong (tức là không có sự thương lượng nào) thì phải ứng xử ra sao (những việc nêu trên nếu được bàn kỹ thì sẽ không bị động). Có những vấn đề có thể bàn luận mà không phụ thuộc vào việc có các cuộc thương lượng hay không.

Nếu sự chuẩn bị nêu trên được làm kỹ, được thảo luận rộng rãi sẽ tạo điều kiện cho thời kỳ (2) chuyển đổi dân chủ diễn ra nhanh hơn Đài Loan rất nhiều nhưng vẫn ôn hòa và suôn sẻ và không có sự đứt gãy pháp lý.

4.3 Đối với dân chúng nói chung

Trước tiên tôi muốn nêu vài điều về người dân nói chung có thể và nên làm gì trong giai đoạn chuẩn bị (1) hiện nay trước khi chuyển sang những việc trong giai đoạn chuyển đổi (2).

4.3.1 Làm gì cho dân chủ hóa trong lòng chế độ độc tài

Quá trình hiện đại hóa mang lại cho quảng đại dân chúng các nguồn lực hành động (vật chất, trí tuệ, kết nối) và trên cơ sở đó dẫn đến những thay đổi về giá trị trên tầng văn hóa trong đó có các giá trị giải phóng (dân khí). Dân khí tăng, cầu về tự do (và dân chủ) tăng lên. Và dân khí thúc đẩy người dân tham gia vào các hoạt động phong trào xã hội gây áp lực đòi các quyền tự do (dân chủ) và đó là động lực mạnh mẽ nhất dẫn đến dân chủ hóa. Đấy là một quá trình khách quan, không ai hay thế lực nào có thể chặn được. Theo khuôn khổ lý luận này, người dân bình thường có thể tích cực tham gia vào quá trình dân chủ hóa bằng các việc làm bình thường, hàng ngày của họ mà nhiều khi họ không nghĩ đó là tham gia vào quá trình dân chủ hóa ngay trong lòng chế độ độc tài. Chỉ nêu vài ví dụ: cố gắng làm giàu chính đáng, làm kinh tế, tạo công ăn việc làm (tức là nâng cao nguồn lực vật chất của mình và của toàn xã hội (hậu dân sinh), một việc làm mà chế độ hiện hành cũng khuyến khích); cố gắng học hành, đọc sách, góp phần đẩy mạnh giáo dục, tìm kiếm thêm tri thức hiểu biết, trao đổi thông tin, tranh luận với mọi người khác, tuân thủ luật giao thông, cố gắng gìn giữ vệ sinh tăng cường sức khỏe, bảo vệ môi trường (nâng cao dân trí) về cơ bản việc nâng cao dân trí (tạo ra nguồn lực trí tuệ) cũng được chế độ hiện hành khuyến khích; chấn dân khí (nâng cao khát vọng tự do, cất lên tiếng nói của mình, cố gắng khoan dung, tự chủ,…) là những việc chẳng thế lực nào có thể cản được; tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng, các phong trào xã hội, nói lên sự thật, … việc này nhiều khi bị chính quyền cản trở nhưng nó đa dạng, uyển chuyển đến mức mỗi người có thể tìm ra cách thích hợp để tham gia. Người dân bình thường làm những công việc TỬ TẾ nho nhỏ như vậy CHÍNH LÀ THAM GIA vào quá trình dân chủ hóa. Ai, thế lực nào có thể cản chúng ta làm những việc tử tế, có ích cho chính mình, cho cộng đồng, cho xã hội trong muôn vàn hoạt động hàng ngày (văn nghệ sĩ trong sáng tác, giáo viên trong dạy học, chủ doanh nghiệp trong phát triển doanh nghiệp của mình để chúng hoạt động có hiệu quả, người dân trong lao động sản xuất, học sinh trong việc học,…). Những việc làm tử tế hàng ngày đó của hàng chục triệu người là đóng góp VĨ ĐẠI cho dân chủ hóa. Chúng ta không chờ đợi lãnh tụ dẫn dắt, các lãnh tụ sẽ tự nổi lên trong quá trình đó và do chính chúng ta tạo ra. Chúng ta cũng không nên chờ ai đó giương ngọn cờ để chúng ta đi theo (vì tâm trí chờ lãnh tụ, chờ người giương ngọn cờ thực sự là tâm lý của những kẻ nô lệ, chúng ta hãy tự giải phóng mình, đó là phần của chấn dân khí) và chúng ta hãy giương ngọn cờ nho nhỏ của chúng ta trong mọi hành động hàng ngày để giành lấy các quyền tự do (kể cả quyền tự do tín ngưỡng) của mình. Đấy là cốt lõi của tư tưởng Phan Châu Trinh, nếu làm thế dân chủ sẽ sớm đến. Nếu làm thế thì dân chủ sẽ ngày càng được củng cố sau khi nền dân chủ được thiết lập. Không có hoạt động như vậy của quảng đại quần chúng, sẽ không có các elite đối lập, không có các lãnh đạo của các đảng chính trị hay các phong trào xã hội mà sẽ đóng vai trò trực tiếp hơn trong giai đoạn (2), giai đoạn chuyển đổi. Thực ra, như đã nói trong mục 3.3, hoạt động phong trào xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn chuẩn bị không thua kém hoạt động phong trào xã hội ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trong giai đoạn chuẩn bị.

4.3.2 Làm gì trong giai đoạn chuyển đổi

Theo kinh nghiệm quốc tế, trong giai đoạn (2), giai đoạn chuyển đổi dân chủ, vai trò của công chúng vẫn hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ, ủng hộ các elite đối lập để đàm phán, thương lượng với elite đương quyền trực tiếp thiết lập nền tảng của chế độ dân chủ hay để khiến chế độ phi-dân chủ sụp đổ. Sự huy động quần chúng trong giai đoạn chuyển đổi thường lên đỉnh điểm để (1) ủng hộ phe đối lập (như ở Ba Lan), để (2) giải quyết những vấn đề còn bế tắc trong đàm phán với elite đương quyền (như trưng cầu dân ý ở Hungary về những vấn đề cốt lõi chưa thống nhất được trong đàm phán chuyển đổi), để (3) dẫn tới sự sụp đổ của chế độ hiện hành (như các cuộc biểu tình ở Đức và Tiệp Khắc), để (4) biến các cuộc biểu tình ủng hộ chế độ do nhà đương cục tổ chức thành các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ (như ở Đông Đức và Rumani). Và những người xuất chúng trong giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn chuyển đổi sẽ nổi lên và có thể tạo thành một phần của elite đối lập đó.

Sau chuyển đổi dân chủ, các elite đối lập trước kia và một phần elite cũ có tư tưởng cải cách, sẽ trở thành elite mới. Và quảng đại dân chúng lại phải giám sát elite mới, bắt họ chịu trách nhiệm giải trình trong quá trình củng cố dân chủ, trong giai đoạn (3).

Dân thế nào thì chế độ thế đó! Đó là lựa chọn của chính chúng ta không phải của ai khác. Dân chủ hóa là quá trình gian khổ, lâu dài, và nó thành công hay thất bại là do hành động, tiếng nói của chính chúng ta để giành lấy các quyền tự do của mình. Nếu chúng ta hiểu được quyền của mình, được ghi long trọng trong các luật quốc tế, như Công ước về các quyền Chính trị và Dân sự mà nước Việt Nam đã tham gia từ hơn 40 năm qua và chính quyền Việt Nam PHẢI thi hành, PHẢI tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện các quyền đó, và các quyền đó cũng được ghi trong Hiến pháp hiện hành.b”Quyền ta ta cứ làm” một cách xây dựng và ôn hòa. Bất kể kẻ nào hay thế lực nào cản trở chúng ta thực hiện các quyền chính đáng, hợp hiến của mình, để biến các quyền “trên giấy” thành các quyền trong thực tế, đều là bọn vi phạm pháp luật, bọn cản trở đất nước phát triển, bọn phản động. Những người dân bình thường, thấp cổ bé họng, “không có quyền lực” lại có sức mạnh chính nghĩa vô địch, việc thực hiện các quyền tự do thiêng liêng đó của mình một cách ôn hòa, xây dựng mọi lúc, mọi nơi, và không sợ hãi để nói lên sự thật, đó chính là sức mạnh của những người không có quyền lực mà Vaclav Havel đã chủ trương. Dân chủ hay độc tài, tự do hay nô lệ là lựa chọn của chính chúng ta, là kết quả của sự cất lên tiếng nói và hành động của chính chúng ta.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Welzel 2013, Freedom Rising, Cambridge University Press (Tự do đang lên, NXB Dân Khí, 2016)

Welzel 2021a, Democratic Horizons: what value change reveals about the future of democracy, Democratization, DOI: 10.1080/13510347.2021.1883001, pp. 1-25

Welzel 2021b, Why the future is democratic, Journal of Democracy, Vol. 32, No.2, April 2021, pp. 132-144 (Online appendix)

Leszek Kolakowsky 1971, Hy vọng và Tuyệt vọng (https://tapchidantri.org/hy-vong-va-tuyet-vong/)

Benedict J. Tria Kerkvliet 2019, Speaking Out in Vietnam: Public Political Criticism in a Communist Party-Ruled Nation, Cornell University Press

Donatella della Porta 2014, Mobilizing for democracy, Oxford University Press, Huy động cho Dân chủ, NXB Dân khí, 2019.

Daokui Li 2024, China’s World View, W. W. Norton & Company (Thế giới quan của Trung Quốc, NXB Dân Khí, 2024)

Vaclav Havel, Quyền lực của những Kẻ Không quyền lực

Nguyễn Quang A 2024, Vì sao Phan Châu Trinh chưa thành công, Luật Khoa Tạp Chí, February 08 2024

Nguyễn Quang A 2017, Phan Châu Trinh và Thuyết Hiện đại hóa Mới, Tạp Chí Dân Trí