TÊN GÌ CHO NGÀY 30/4?
Càng gần đến ngày 30/4/2015, ý kiến
trên các diễn đàn của người Việt khắp năm châu càng sôi nổi xung quanh ý nghĩa
của ngày 30/4 trong lịch sử dân tộc. Và tất
nhiên, xuất phát điểm của nó là ý nghĩa cuộc chiến tranh 1954-1975. Cái
tên “Chiến tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam” ngày càng bị phản bác,
tuy một số lớn người ở “bên thắng cuộc” vẫn muốn giữ, kể cả một số người đã
“chia tay ý thức hệ (Cộng sản)” cũng còn lưu luyến, ít ra là trên khía cạnh nào
đó vì lý do nào đó. Không chấp nhận tên ấy, vậy phải gọi đó là: “Chiến tranh ủy
nhiệm”? “Chiến tranh ý thức hệ” hay “Nội chiến Bắc-Nam”? Xuất phát điểm trên, cộng
thêm thực tế diễn ra trên đất nước 40 năm sau cái ngày chấm dứt cuộc chiến 30
năm, khiến càng khó đặt tên cho ngày 30/4. “Ngày Giải phóng miền Nam” bị rất
nhiều người phản bác, “ngày Thống nhất” cũng chưa dễ chấp nhận vì sự thống nhất
mới trông thấy được trên bề mặt lãnh thổ, mà “ngày Hòa hợp dân tộc” thì còn quá
xa vời. Cũng có người muốn gọi là “ngày Hòa bình” nhưng thực tế sau đó vẫn là
chiến tranh khốc liệt ở phía Tây Nam và phía Bắc, chưa nói đến đám mây đen chứa
lửa đang ngày càng tích tụ trên biển Đông…
Văn Việt không phải một diễn đàn
chính trị xã hội, tuy nhiên trong 36 bài viết gửi đến cho số Đặc biệt này, không ít bài trực
tiếp bàn thảo những câu hỏi trên; bên cạnh đó, qua nhiều thể loại văn học khác
nhau, các nhà văn đã bày tỏ suy tư của mình về cuộc chiến 1954-1975 và ý nghĩa
ngày 30/4. Sau những đau thương và cả những oái oăm đầy hệ lụy của lịch sử suốt
một thế kỷ qua, muốn gì thì ngày 30/4 trước tiên cần phải là ngày Hóa giải hận
thù và Hòa hợp lòng người để cả dân tộc hướng tới dựng xây một xã hội dân chủ
tương lai, và Văn học không thể không đi đầu trong công cuộc xem ra còn lắm
gian nan ấy.
Bạn đọc có thể cảm nhận tinh thần nói
trên trong những tiểu luận của Nguyễn Khắc Mai, Phạm Đình Trọng, Tiêu Dao Bảo Cự,
Trần Kiêm Đoàn, Trần Kỳ Trung…, những hồi ức lần đầu công bố của nhà thơ Thanh
Thảo, các nhà văn Ngô Thế Vinh, Lê Minh Hà, Trần Mộng Tú..., truyện ngắn của Trần
Đĩnh, Dạ Ngân, kịch của Nam Dao… hay các bài nghiên cứu văn thơ của Đặng Tiến, Đỗ
Quyên, Nguyễn Trọng Bình, Nguyễn Thanh Văn… Một bài đặc biệt trong số đặc biệt:
bài mở đầu về 40 năm Thơ Việt Hải ngoại của nhà thơ & nhà nghiên cứu Nguyễn
Đức Tùng, sẽ kéo dài 5 kỳ, để chuẩn bị cho một sưu tập Thơ Việt Hải ngoại sẽ ra
mắt trên Văn Việt nay mai.
Để bạn đọc có thì giờ thưởng thức hết
các văn phẩm, Số Đặc biệt 30/4 xin được đăng tải trong 4 ngày từ 28/4 đến 1/5/2015.
Các bài mục thường lệ sẽ trở lại từ 2/5/2015.
Cũng xin kính báo với bạn đọc: Nhân dịp
“Thôi nôi” Ban Vận động VĐ ĐL và Văn Việt, nhiều anh chị em trong BVĐ và CTV
Văn Việt đã đề nghị đổi khẩu hiệu của Văn Việt từ “Vì một nền văn học VN đích
thực” thành “Vì một nền văn học VN tự do, nhân bản”. “VH Đích thực” là mục tiêu
lâu dài rốt ráo mà Văn Việt hướng tới và nguyện góp phần xây dựng, còn trong
hoàn cảnh thực tế của đất nước, một nền “VH Tự do, Nhân bản” vẫn là mục tiêu phấn
đấu trước mắt, còn nhiều thử thách với giới cầm bút, đặc biệt là những người sống
trong nước. Trong vài ngày tới, bạn đọc sẽ thấy logo của Văn Việt đi kèm với khẩu
hiệu “Vì một nền văn học VN tự do nhân bản”.
Văn Việt