Nguyễn Khắc Mai
Độc lập thống nhất rồi, mà dân không hưởng được hạnh phúc tự do thì cũng vô nghĩa thôi (ý của Hồ Chí Minh).
Như thế là đất nước thống nhất đã được 40 năm!
Thống nhất dân tộc, thống nhất đất nước là nguyện vọng, là ý chí, là sứ mệnh lịch sử của dân Việt chúng ta từ ngàn đời. Chỉ kể ngàn năm trước, nhà Đinh nhờ khắc phục được tình trạng cát cứ 12 sứ quân, mà đặt nền móng cho một nhà nước Đại Việt. Sau đó, biết bao phen tổ tiên chúng ta đã phấn đấu xây dựng cho được nền thống nhất đất nước. Vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh, sau hơn hai trăm năm, rồi chúa Trịnh Sâm cũng đem quân vượt sông Gianh, thực hiện cuộc thống nhất. Nhưng chẳng bao lâu, đất nước lại bị chia cắt. Nhà Tây Sơn dẫu có công đánh đuổi quân Xiêm ở phía Nam, đập tan quân xâm lược Mãn Thanh ở ngoài bắc, rồi cũng chia đất nước thành ba triều đình nhỏ. Cho đến khi vua Gia Long, nhân nhà Tây Sơn suy thoái mới thực hiện được cuộc thống nhất, mà cũng chỉ được hơn 50 năm, rồi bị thực dân Pháp xâm lược, áp đặt nền đô hộ, và chia đất nước làm ba Kỳ. Sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám, đất nước vẫn còn phân ly. Rồi hiệp định Geneve lại chia đôi đất nước. Nửa miền Bắc theo chế độ XHCN. Nửa miền Nam theo chế độ Cộng Hòa.
Từ 30 tháng Tư năm 1975, nước nhà đã được thống nhất.
Cần phải khẳng định rằng, thống nhất đất nước là một thành quả lịch sử. Nó tất yếu phải xảy ra. Chính Việt Nam Cộng Hòa cũng muốn điều ấy, có điều họ đã không thể thực hiện.
Điều đầu tiên, chúng ta phải nhớ là đã có hàng triệu người Việt Nam của cả hai phe đã hy sinh trong cuộc chiến để có nền thống nhất hôm nay. Các triều đại xưa của Việt Nam đã rất nhân nghĩa, khi ngay sau chiến tranh đều làm lễ tế cầu siêu độ cho tất cả những tử sĩ, dân thường đã mất trong chiến tranh, để lại một dấu ấn nhân văn của văn hóa Việt, đã không để cho sự thù hận nhỏ nhen làm hoen ố đạo lý cao thượng của dân tộc Việt. Hãy đốt một nén hương tâm linh cầu cho sự siêu thoát, hóa giải, cho tất cả mọi con dân Việt đã ngã xuống trong cuộc thống nhất đất nước.
Rồi chúng ta sẽ còn phải tốn nhiều bút mực nữa để lý giải cặn kẽ, tìm cho ra bài học lịch sử, trả lời cho đặng một câu hỏi lớn, chớ để như Huy Cận suy nghĩ rằng “một câu hỏi lớn không lời đáp”. Cớ sao dân tộc Việt lại đã lựa chọn phương cách dùng gươm đao để thống nhất. Mà không dùng được phương sách hòa bình như nhiều dân tộc trong thời hiện đại để thực hiên công cuộc thống nhất của mình. Đã có quá nhiều yếu tố đan xen. Cả những nhân tố chính trị, cả yếu tố thời cuộc (không phải là thời đại), sự xung đột của một cuộc chiến tranh lạnh giữa hai phe Dân chủ và Cộng sản trên thế giới, mà Việt Nam vướng vào rồi không thể vùng thoát ra được. Người ta còn nghĩ đến một yếu tố văn hóa đã được cường điệu. Đó là cái cách nghĩ đã hằn sâu trong tâm lý xã hội Việt, dường như người ta quá quen với một nếp nghĩ của văn minh du mục Hán tộc, “ngồi trên ngựa để giành lấy nước”, rồi về sau Mao tổng kết đề xướng tư duy “chính quyền ở trên đầu ngọn súng.” Phải ăn gan uống máu quân thù, phải da ngựa bọc thây. Phải xây đường vinh quang bằng xác quân thù v.v. Văn hóa Việt chưa đủ sức tài bồi cho một tư duy mới, nhân văn, hòa bình. Tôi nhớ đến câu nói nổi tiếng của Xanh Xi Mông (Saint Simon, nhà tư tưởng nhân văn xã hội vĩ đại của Pháp) “Nhân loại đã chuyển từ tư tưởng chinh chiến sang hòa bình. Ngày nay người ta biết rằng công nghiệp hóa sẽ đem lại giàu có gấp mười so với chiến tranh.” (Trích tác phẩm Bàn về Công nghiệp hóa, S.Simon). Tất nhiên, lịch sử luôn có cái lý của nó. Nhưng liệu người ta có thể học hỏi được gì từ lịch sử. Đây là câu hỏi, nhân dịp này xin thưa với thế hệ Việt mới. Nếu chúng ta không có đủ văn hóa, chắc chắn không thể tạo ra phương sách văn minh để tạo dựng lịch sử mới. Lịch sử thì đã xảy ra. Nhưng nghiên cứu là để biết tại sao dân Việt không thể tránh làm chiến tranh để thống nhất đất nước?
Điều đáng nói bây giờ là câu hỏi: Làm sao lấp đầy nội hàm của Thống Nhất. Vì thế câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh cần được nghiền ngẫm. (Tôi nương theo một câu nói rất sâu sắc của người xưa: “Bất vị nhân phế ngôn”, nghĩa là chớ vì thành kiến với con người mà bỏ đi lời nói, tư duy của họ.) Dẫu chưa được như ý, hạnh phúc không đầy đủ, tự do không đến nơi đến chốn. Nhưng công việc cả dân tộc đã làm trong 40 năm qua, kể cả người Việt ở nước ngoài hàng năm cũng gởi về một lương đô la không nhỏ,nên cũng đã làm đổi thay bộ mặt của xã hội, của đất nước. Đừng kể công, khoe khoan thành tích. Điều ấy vô nghĩa so với sự hy sinh mất mát to lớn của Dân của Nước để đạt tới thống nhất.
Bốn mươi năm là chỉ là một nhoáng thời gian lịch sử. Nhưng trong thế giới hiện đại, thì thiên hạ đời nay đã làm được những việc thần kỳ. Hàn Quốc cũng chỉ 40 năm đã làm đổi thay số phận của mình. Họ tiêu phí thời gian ít hơn chúng ta. Cũng tiêu phí công sức và tiền của đầu tư ít hơn rất nhiều so với chúng ta tiêu phí trong 40 năm qua. Nhưng họ đã làm đâu vào đấy, đưa một giang sơn nghèo nàn sau chiến tranh chia cắt để bước lên đài vinh quang sánh vai với cường quốc năm châu, điều mà chính chúng ta từng mong ước vào năm 1945, sau tổng khởi nghĩa tháng Tám. Đã gấp đôi thời gian của cuộc thống nhất, mà mong ước ấy nay ta vẫn chưa hoàn thành.
Cái đặc điểm của thời đại này là tốc độ. Ai còn giữ kiểu tư duy lạc hậu của thế kỷ 19, 20, còn cố níu giữ phương thức hành xử “cũ kỹ hư hỏng”, lạc hậu chắc sẽ không thể đáp ứng yêu cầu lich sử của đất nước trong thời đại mới. Liệu dân tộc Việt có cam chịu mãi sự trì trệ lạc hậu, cam chịu kiếp gia công lệ thuộc và nguy cơ đánh mất chủ quyền, biên giới, hải đảo hay không. Người xưa nói, con người khi sắp chết, lời nói tốt lành (nhân chi tương tử kỳ ngôn dã thiện). Hồ Chí Minh để lại câu nói rất hay về nội dung của thống nhất, trước khi mất còn nói (đại ý) “cần một cuộc chiến đấu để chống lại những hư hỏng cũ kỹ, để tạo ra những tốt tươi đẹp đẽ”.
Thống nhất đất nước phải đi cùng thống nhất dân tộc. Ai cũng biết dân tộc Việt Nam bao gồm 54 tộc người anh em. Trong đó có nhiều giai cấp, nhiều tầng lớp, nhiều tôn giáo khác nhau. Lại có cả một cộng đồng phong phú đa dạng những người Việt sinh sống ở ngoại quốc. Vì thế nền thống nhất của VN phải là nền thống nhất trong đa dạng. Sự cố kết dân tộc vừa phải biết tôn trọng cái “Một” - sự thống nhất dân tộc, lại phải biết coi trọng cái “Đa”, coi trong từng cái riêng, những thành tố làm nên cái chung, cái thống nhất. Phải biết xây dựng cái năng lượng, cái sức mạnh để cố kết nên sự thống nhất dân tộc.Vào năm Ất Mùi này chúng tôi nghiệm ra rằng tổ tiên ta đã có một ý niệm rất chí lý: Sự cố kết con người và lòng người. (xin xem bài thơ Thần Năm Ất Mùi, đã đăng trên trang Thonminhtriet.com, và trên Văn Việt ngày 6 tháng Giêng Ất Mùi.) Chúng tôi không muốn dùng chữ đoàn kết, nó đã sáo mòn, hơn nữa người ta chỉ nói đến đoàn kết một chiều, nghĩa là anh hãy đoàn kết với tôi, mà quên rằng đoàn kết là phải ở cả hai chiều. Làm sao cho “bỉ - thử” (ta với người hòa hợp, người đoàn kết với ta mà ta cũng đoàn kết với người). Để cố kết dân tộc phải khắc phục dị đồng, xây dựng đồng mà còn biết tôn trọng dị. Giải quyết cho được khuynh hướng chia rẽ ý thức hệ, vốn đã làm suy yếu, chậm trễ tiến trình phát triển của đất nước. Nền thống nhất sẽ không trọn vẹn, không vững vàng, nếu chúng ta không biết giải quyết những tồn dị, khác biệt, vốn đã chia rẽ dân tộc cả thế kỷ qua.
Nói đến thống nhất mà chỉ nói về không còn chia cắt lãnh thổ là không đủ. Phải có một nền chính trị thật sự của dân của nước,để tôn vinh con người, thăng hoa văn hóa, làm an lòng người, theo lý tưởng “văn trị”, “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” của người xưa, thì mới làm đầy được nội hàm của Thống Nhất.
Lịch sử sẽ xóa bỏ mọi hư hỏng cũ kỹ để tạo ra những tốt tươi đẹp đẽ, làm đầy nội dung của một nền thống nhất xứng đáng cho dân tộc.