Nam Dao
Ngày 30-4,
ngày nếu có một triệu người vui, cũng là ngày có một triệu người buồn. Câu nói
trong quá khứ của ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng chủ trương chính sách Đổi Mới,
được lặp đi nhắc lại nhưng liệu có còn chính xác với tình thế hiện tại của đất
nước? Ngày nay, kinh tế tụt hậu, hàng xuất là lao động giá bèo, cái đinh vít
cũng không làm được mà nhập hàng ngoại tuốt tuột, nợ chồng chất. Rồi tham nhũng
lên đỉnh cao, đạo đức xã hội xuống cấp, bạo hành từ nơi công quyền đến lề đường
xó chợ, dân oan mất nhà mất đất vẫn chỉ biết kêu thất thanh trên khắp ba miền,
và nhất là hiểm họa mất biển mất đất vào tay những ‘’đồng chí đàn anh‘’ phương
Bắc ngày một trầm trọng. Nên nếu có một triệu người vui, số người buồn chí ít
cũng phải vài chục triệu. Thế nhưng guồng máy quyền bính đương thời đang chuẩn
bị các loại lễ hội, xây dựng một lô tượng đài, chắc hẳn những từ ngữ như chiến
thắng, giải phóng… sẽ lại phô trương đến bị bào mòn để lẩn vào vô thức một
dân tộc mà sự phân hóa có khả năng trở thành phân liệt chia rẽ dài hạn. Trong
trường hợp này, người Việt chúng ta không tập hợp được nội lực dân tộc lẽ ra phải
có, đất nước tụt hậu dài dài, chủ quyền bị gậm nhấm rồi và chẳng thế nào tránh
được thân phận nô thuộc ngoại bang.
Ngày
30-04-1975 là ngày kết thúc một cuộc chiến tranh, có người gọi là chiến tranh
giải phóng, người cho là chiến tranh ủy nhiệm của hai khối Tư bản và Cộng sản đối
đầu trong thời Chiến tranh lạnh… Dù gì, khí giới là khí giới Nga, Tàu, Mỹ… và
xác người, xác Việt Nam mà con số tử trận và thương vong lên đến cả chục triệu.
Năm nay, năm 2015. Sau 40 năm hò reo chiến thắng và vinh quang, lẽ ra những người
đang nắm quyền lực phải nghĩ, dẫu muộn, đến vấn đề hóa giải hận thù trong lòng
người Việt Nam trong nước cũng như ở hải ngoại. Ngược dòng lịch sử nước ta,
ngay sau khi chiến thắng quân Nguyên xâm lăng hơn 800 năm trước, Vua Trần Nhân
Tông, một minh quân kiệt xuất, đã đốt hết thư tịch làm bằng chứng tố cáo đám
người theo giặc, tránh trả thù, không truy bứcđể yên lòng dân. Trong cuộc nội
chiến Nam-Bắc ở Mỹ, điều kiện đầu hàng mà tướng Grant phía Bắc- quân (Union) viết
cho tướng Lee phía Nam – quân (Confederate) ghi rõ chỉ tịch thu khí giới, cho
phép binh lính Nam-quân về làm ăn sinh sống bình thường trong đời sống dân sự.
Nhưng năm 75, chính quyền gọi là chính quyền Cách mạng, tiếp tục dùng chữ ngụy-quân,
ngụy-quyền để chỉ những người thua trận, và sau đưa ra chính sách học tập cải tạo
mà mục đích là cầm tù hành hạ họ, ra oai để yên dân bằng sự sợ. Chính sợ hãi là
yếu tố khiến hàng trăm ngàn thuyền nhân liều mạng phiêu lưu trên biển cả, đánh
cược mạng sống của mình và gia đình, hậu quả là số bỏ mạng lên tới trên dưới
500 ngàn người. Đào sâu, đục rộng sự phân hóa nhưng leo lẻo chuyện hoà hợp hòa
giải dân tộc chỉ là mảnh vải thưa, làm sao che mắt ai trong thời buổi thông tin
bừng nở của thiên niên kỷ này.
Hóa giải hận
thù, điều kiện cần
Trong hầu hết
mọi tôn giáo – ở nước ta chủ yếu là Phật giáo và Thiên Chúa giáo – hận thù là
cái phải cởi, không nên buộc. Hoá giải hận thù là điều kiện cần khiến hòa giải
mới có khả năng thành hiện thực. Hòa giải giữa nạn nhân và những kẻ tác nghiệp
chỉ khả thi khi những bên đối tác cùng có tâm thế nhân ái bao dung, đồng thời
tôn trọng sự thật, công lý, và cố gắng xua đi những bồng bột cảm tính. Nếu hai
bên có tinh thần đối thoại, lắng nghe và tìm hiểu lý lẽ chứ không khăng khăng
xác quyết chân lý của riêng mình, sự tháo gỡ hoặc giảm thiểu tính đối đầu ăn
thua có khả năng hiện thực, và từ đó một lộ trình hòa giải mới có thể thành
hình.
Sau ngày một
phía gọi là ngày mất nước, phía bên kia gọi là ngày giải phóng, chính sách học
tập cải tạo (HTCT) đã đưa vào cảnh tù tội khổ sai cả trăm nghìn người. Nạn nhân
là người trong guồng máy chính quyền VNCH, các quân nhân, trí thức văn nghệ sĩ…
bị tập trung và giam giữ trung bình từ 2,3 cho đến 12, 13 năm. Những nạn nhân
đó có quyền đặt một số vấn đề, chẳng hạn HTCT do đâu nếu không đơn thuần là trả
thù; thời hạn giam giữ dài ngắn là vì sao, có hợp lý hợp tình không; và những hậu
quả liên quan đến bản thân (bệnh tật) và gia đình họ (chia ly, phân tán…) phải
được bù đắp bồi hoàn thế nào, vv… Về phía tác nghiệp, lẽ tất nhiên họ phải nhận
trách nhiệm và trả đáp những câu hỏi trên. Trách nhiệm cao nhất là trách nhiệm
chính trị thuộc về những người làm ra chính sách, sau mới đến trách nhiệm những
người điều hành ở các cấp trung, cao.
Kèm vào tác
động khủng bố tâm lý của chính sách HTCT, chiến tranh với Campuchia và sau là
chiến tranh biên giới với Trung Quốc, kẻ ‘’dạy’’ Việt Nam một bài học, sự hoảng
sợ lan rộng trong nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là ở thành thị ngày một ngột ngạt
vì không còn được sinh hoạt tự do như trước đây. Đồng thời, phong trào đánh tư
sản mại bản và hai lần đổi tiền khiến nhiều người mất hết cơ nghiệp. Dẫu biết đầy
bất trắc hiểm nguy đến tính mạng, họ đánh liều vượt biển nhân dịp người gốc Hoa
‘’được’’ ra đi chính thức hoặc bán chính thức. Thảm kịch thuyền nhân, với nhữngcon
thuyền đuôi tôm hai blốc đầy ắp người lênh đênh tìm đường sang Phi, Mã Lai,
Thái Lan, Nam Dương… chết chìm trong lòng Thái Bình Dương là một vết nhơ cho
chính quyền đã không giữ nổi con dân trên xứ sở của mình mà lại còn xua đuổi và
nhân cơ hội cướp trắng. Ban đầu, giá chính thức cho một đầu người là 16 cây
vàng. Sau, vàng cạn, giá tuột xuống 12, rồi 8, 6 và cho đến giữa thập niên 80
thì chỉ còn 2 cây, số cây tỉ lệ nghịch với độ rủi ro phải chấp nhận. Theo những
ước lượng của Liên Hiệp Quốc, số người chết trên biển khoàng 4 đến 5 trăm ngàn
người. Đã thế, khi những người tị nạn – nay là người gốc Việt sinh sống ờ hải
ngoại – dựng tượng tưởng niệm nạn nhân vượt biển trên những hòn đảo ở Mã Lai,
Nam Dương… những kẻ nắm quyền ở Việt Nam làm áp lực lên chính quyền các nước
ASEAN nói trên yêu cầu triệt hạ những bức tượng đó! Đồng thời, họ leo lẻo ‘’Việt
kiều là khúc ruột ngàn dặm’’, và mới đây vài năm ra ‘’Nghị quyết 36’’ kêu gọi
lòng yêu nước, hô hào góp tay xây dựng quê hương qua điều vốn đầu tư (và cả, dĩ
nhiên, qua cả cách gửi tiền về giúp bà con, hiện lượng tiền gửi về nay trên dưới
10 tỷ USD mỗi năm).
Nạn nhân của
chính sách ‘’thu vàng đuổi người’’ nếu đã chôn thây dưới đáy biển thì vẫn còn
những người thân trong gia đình họ. Như chứng nhân, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp,
họ có quyền hỏi đâu là công lý, tại sao có cái chính sách đó, và toàn thể nhân
dân có lý do thắc mắc số vàng thu được đi đâu, vào tay ai, được xử dụng như thế
nào cho đất nước. Công khai bạch hóa những vấn đề này là một bước không nhỏ góp
phầnvào triển vọng ổn định lòng người.
Biểu hiện
tinh thần hóa giải hận thù nhân ngày 30-04 lần thứ 40
Nếu thực sự
chính quyền đương nhiệmkhông chỉ đề cập đến bốn chữ Hòa hợp Hòa giải như một
chiêu bài ‘’đánh bùn sang ao’’, ồn ào rỗng tuếch, thì hy vọng họ sẽ gọi ngày
30-4 là Ngày Hóa Giải Hận Thù. Và trong tương lai họ sẽ cho dựng ở những địa
phương từ Bắc chí Nam:
1- Tượng đài
Thương tiếc những người lính hy sinh trong chiến tranh, không phân biệt
Bắc – Nam, Quốc- Cộng.
2- Tượng đài
Ghi Ơn mẹ Việt Nam, không cần thêm chữ anh hùng, chữ được hiểu là mẹ những
người hy sinh cho chế độ độc trị hiện hành.
3- Đàn Giải
oan cho những nạn nhân bỏ mạng trên biển cũng như đất liền ở mọi nơi.
Đề nghị thế,
nhưng trước mặt chúng ta chẳng hy vọng gì vào chính quyền đương nhiệm. Theo thiển
ý, 22 tổ chức Xã Hội Dân Sự Độc Lập hiện đang hoạt động trong nước có thể cổ vũ
ý kiến nêu trên, thậm chí dựng tượng đài một cách tượng trưng, không cần
‘’hoành tráng’’, cái chính là trong lòng dân. Mặt khác, vào ngày 30-4, chúng ta
có thể vận động người ra đường với áo kẻ chữ hai chữ Hóa Giải, hoặc Ghi ơn Mẹ
Việt Nam, hoặc Thương Tiếc Các Anh, như thông điệp gửi đến toàn thểđồng bào.
Hội đồng Hòa
giải Dân tộc
Trên thế giới,
sau những cuộc đổi đời trong những quốc gia từng có những bất công, bạo hành,
và những vi phạm quyền con người… thì nhiều nướcđã thành lập nhữngHội đồng hòa
giải dân tộc (Commission for National Reconciliation, hoặc Commission for Truth
and Reconciliation). Có thể kể Nam Phi khi Mandela lên nắm chính quyền,
Pakistan dưới thời Musharraf, rồi Palestine, Liberia, Algeria… Ở Á châu, có
Đông-Timothy sau khi ly khai với Nam Dương. Mỗi quốc gia, vấn đề một khác. Nơi
thì chủ yếu khác biệt sắc tộc, nơi khác biệt tôn giáo… đã là nguồn gốc của hận
thù và sự phân liệt cần được hóa giải.
Theo tinh thần
chủ đạo là Hòa giải dân tộc nên, như một hệ luận, phương thức tiến hành của Hội
đồng tóm gọn là:
1/ Tìm hiểu sự
thật lịch sử, xác minh ai tác nghiệp (gọi là tác nhân), và dựa trên sự xâm
phạm quyền con người, ai là nạn nhân, ai là chứng nhân. Hội Đồng có trách vụ tạo
điều kiện cho họ đối thoại, giải trình, biện minh và đả thông mọi mâu thuẫn, vướng
mắc…
2/Yêu cầu
nói trênphải thực hiện với tiêu chuẩn thông tin công khai, minh bạch
của mọi tác nhân, nạn nhân, và chứng nhân trướccông luận.
3/Hội đồng
có ý kiến về vấn đề qui trách nhiệm cho những tác nhân. Cần phân biệt a-
Trách nhiệm chính trị (là trách nhiệm hoạch định chính sách); b- Trách nhiệm điều
hành chính sách cấp cao và trung; và c-Trách nhiệm dân sự.
4/Trong một
số quốc gia, Hội đồng có thẩm quyền điều tra những lũng đoạn kinh tế, thất
thoát kinh tế, tham nhũng, hối lộ cửa quyền… và đề đạt lên cơ quan có thẩm quyền
thuộc ngành Tư pháp những mức độ xử lý, từ ân xá đến yêu cầu truy tố, và tùy
trường hợp cụ thể, quaToà án quốc gia hay Tòa án quốc tế.
Chỉ khi có một
Hội đồng Hòa giải hoạch định ở cấp quốc gia vào một ngày sẽ tới thì chúng ta mới
hội được điều kiện đủ để thực sự hoàn thành công cuộc hóa giải oán thù và từng
bước đi đến mục tiêuhòa giải dân tộc. Con đường không ngắn, nhưng cũng không buộc
là dài. Và trong bất cứ trường hợp dài ngắn thế nào đi chăng nữa, chúng ta rồi
thì cũng sẽ đối mặt với nhiệm vụ này như một nhiệm vụ lịch sử. Hy vọng từ đó
chúng ta sẽ không dẵm lên những lối mòn đầy tai ương, để thẳng tiến trên con đường
đến tương lai mà không bị xảo ngôn của những lý thuyết huyễn hão sập bẫy như từ
bao nhiêu năm nay.
Để tạm kết,
xin chép lại 4 câu thơ của Cao Tần:
Nếu mai mốt
có đổi đời phen nữa/Ta đi về ta cứu lấy quê hương/Ta sẽ mở ra nghìn lò cải tạo/Lùa
cả nước vào học tập yêu thương.
và thành tâm
mong sao các vị ‘’lo trước cái lo của thiên hạ’’, các chuyên gia, trí thức
trong những ngành như Triết, Sử, Luật… và tất cả những Tổ chức Dân Sự Độc Lập
góp tay vào sửa soạn nhằm thực hiện những đề đạt trình bày trong bài viết này.
Tài liệu tham khảo ghi dưới đây có thể tạm dùng trong những bước sơ khởi[i]. Tất cả, vì con
em, và cho con em chúng ta. Có thế, ta mới ‘’vui sau cái vui của thiên hạ‘’ được.
12-04-20
N.D.
[i]Tham khảo:
edoc.vifapol.de/opus/volltexte/2011/2521/pdf/br14e.pdf
by D
Bloomfield – 2006
iilj.org/courses/documents/MendezArticle.pdf
by JE Méndez
3- Vérité,
Reconciliation, Ouvrage Collectif ( Barbara Cassin, Jacques Derrida, Paul
Ricoeur…), Edition Seuil, Nov 2004, ISBN 2020028864.
4- Ammistier l’Apartheid: Travaux de la Commission Vérité et
Reconciliation, Mgr Tutu, prix Nobel de la Paix, Edition Seui, Nov 2004, ISBN
202068604X.