Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

BÀN VỀ TÊN GỌI CUỘC CHIẾN HAI MIỀN VIỆT NAM VỪA QUA


Nguyễn Thanh Giang

“Cần gọi đúng tên cuộc chiến này” là một bài viết hay, đầy tâm huyết và giá trị của nhà văn Phạm Đình Trọng. Tuy nhiên đề xuất của tác giả gọi tên cuộc chiến hai miền Việt Nam vừa qua là “Nội chiến” không được độc giả chấp nhận. Vì sao vây?

Trước hết, gọi như vậy không đúng thực tế. Không ai thấy người dân miền Nam ra đánh Miền Bắc. Cũng không thấy người dân Miền Bắc vào đánh Miền Nam, ngoại trừ những người bị Cộng sản Việt Nam xúi giục/cưỡng bức.

Gọi như vậy sẽ góp phần nuôi dưỡng hận thù Nam Bắc vốn đã ẩn tàng đâu đó.

Đã một thời người ta xem tất cả những người sống ở Miền Nam đều là đang theo giặc, không chỉ xâm lăng Miền Nam mà còn chuẩn bị lấp sông Bến Hải tấn công ra Bắc; xem tất cả những ai bỏ nước ra đi đều là phản động, là phản bội tổ quốc đáng bị lên án, đáng bị trừng trị.

Cũng thật ngạc nhiên khi thấy cho đến bây giờ có những người vẫn xem người Miền Bắc nói chung đều có tội đối với Miền Nam, không trực tiếp cầm súng xông trận nhưng cầy cấy đóng thuế cho chính phủ cũng là tiếp sức cho cuộc Nam tiến; chỉ cầm phấn cũng bị xem là đã góp phần đào tạo nên các cán binh Việt Cộng … Cho nên, có những người từng ở trận tuyến bên này nhưng do thực tâm phản tỉnh đã có những đóng góp rất lớn cho việc cải tạo nhận thức xã hội, đánh giá lại lịch sử, tích cực góp phần tiêu diệt chế độ độc tài đảng trị của ĐCSVN như Trần Độ, Nguyễn Trọng Vĩnh, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên … vẫn bị ai đó coi là tội phạm. Cho đến cả những người trước đây cùng ở phía bên kia, nay đang dấn thân hứng chịu nhiều gian nan để đấu tranh cho những giá trị đúng đắn, chống lại cường quyền Cộng sản như Nguyễn Đan Quế, Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Lũ Phương, Nguyễn Gia Kiểng … cũng bị ném đá, bị thóa mạ một cách hết sức vô lương tâm.

Tuyệt đại đa số người Việt Nam đã ở bên này hay bên kia sông Bến Hải, dù đã từng ôm súng xông lên hàng đầu trong hai trận tuyến đều là những người rất đáng thương, đáng quý. Khi xả súng quyết liệt về phía đối phương họ đều cho rằng họ đang chiến đấu và sẵn sàng hy sinh vì nghĩa vụ cao cả đối với nhân dân, vì lý tưởng thiêng liêng với tổ quốc. Oái oăm ở chỗ người càng biết sống vì lý tưởng, càng nồng nàn yêu nước thì càng dũng mãnh xông lên, càng sắt máu và càng có hành động đáng phải hối hận hơn. Người tiến lên dưới Ngọn cờ Đỏ Sao Vàng thì đinh ninh rằng họ đang xả thân đánh đuổi giặc Mỹ, giữ lấy Miền Nam. Người xông tới dưới Ngọn cờ Vàng Ba Sọc thì đinh ninh rằng họ đang dũng cảm Chống Cộng vì nền Cộng hòa, vì lý tưởng tự do. Tất cả họ đều chân thành, đều đáng tôn vinh. Chín mươi chin phần trăm người Việt Nam đều trong số đó, kể cả các tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa, kể cả các đảng viên ĐCSVN, cả Trần Độ, Nguyễn Hộ, Võ Văn Kiệt … Tất cả họ đều trong sáng và đều đã bị lừa. Họ đều đáng thương ngay cả khi họ đã gây nhiều tội ác ghê rợn, ngay cả khi họ đã từng hăng hái quảng bá những điều họ bị lừa để cùng kéo nhiều người khác đi làm những việc vô nghĩa. Điều đó được suy ra từ chính người đang viết bài này khi anh ta không chỉ đã từng tình nguyện đi bộ đội “Chống Pháp” mà còn làm thơ bốc lửa hô hào chống Mỹ và sẵn sàng xung phong vào Nam đánh giặc.

Dưới đây sẽ chứng minh hầu hết người Việt Nam đều bị lừa, ngoại trừ một nhúm nhỏ đầu xỏ ở hai phía.

Tên gọi “Nội chiến” của nhà văn Phạm Đình Trọng không thỏa đáng và nên được bàn thảo, nhưng tên gọi “Cuộc kháng chiến Chống Mỹ Cứu nước”, “Cuộc chiến Giải phóng Miền Nam” chắc chắn không đúng. Tuyệt đại đa số người Việt Nam đều tưởng rằng ta đã anh dũng Chống Pháp 9 năm, đã ngoan cường chống Mỹ 20 năm. Tất cả đều bị lừa. Tất cả đều hiểu sai. Chỉ một nhúm nhỏ: Hồ Chí Minh và thuộc hạ thân cận nhất của ông gồm Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng … biết mục đích cuộc chiến 1945-1954 không phải để chống Pháp. Chỉ một nhúm nhỏ: Hồ Chí Minh và thuộc hạ thân cận nhất của ông gồm Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ … biết mục đích cuộc chiến 1955-1975 không phải để Chống Mỹ.

Trong khi Trung Quốc rõ ràng là đối thủ trực tiếp của cả dân tộc ở cuộc chiến 1979 thì Pháp và Mỹ không phải là mục tiêu đích thực ở hai cuộc chiến vừa nhắc đến.

Hồ Chí Minh không hề coi Pháp là kẻ thù. Ngày 6 tháng 7 năm 1911, tại Marseilles, Nguyễn Ái Quốc đã viết thư đến Tổng thống Pháp, xin được nhập học vào Trường Thuộc địa (École Coloniale), với mong muốn được "giúp ích cho Pháp".       

Ngày 16 tháng 2 năm 1946, Hồ Chí Minh cùng ông Hoàng Minh Giám đã bí mật gặp Sainteny tại Hà Nội cho biết ông đang chuẩn bị thương lượng trên nền tảng làm thành viên của Liên Hiệp Pháp. Trước đó tướng Leclerc cũng từng thông báo rằng ông ta được nghe HCM nói bằng lòng rằng Việt Nam không càn độc lập.
Chiều ngày mồng 6 tháng 3 năm 1946 Hiệp định Sơ bộ đã được ký kết giữa chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Vũ Hông Khanh và đại sứ Pháp Sainteny tại căn nhà số 38 phố Lý Thái Tổ, Hà Nội, chấp nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nằm trong Liên Hiệp Pháp,
Trong khoảng thời gian này cụ Hồ tranh thủ gặp các nhà báo Pháp để trả lời khoảng 10 cuộc phỏng bày tỏ rằng Việt Nam không muốn phá vỡ những mối quan hệ đã gắn bó chặt chẽ giữa hai dân tộc”, Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận người Pháp như là bạn, chứ không phải là thù.
Trong Hiệp định 6 tháng 3 có điều khỏan “Chính phủ Việt Nam cam kết thân thiện đón tiếp quân đội Pháp vào Việt Nam theo các Hiệp định quốc tế”.

Hiệp định 6/3 được ký kết khi nước Pháp đang do thủ tướng Felix Gouin (Đảng Xã Hội) và phó thủ tướng Maurice Thorez (Đảng Cộng Sản) lãnh đạo. Điều này bảo đảm rằng chính phủ Hồ Chí Minh sẽ được thừa nhận.

Hiệp định Sơ bộ 6 tháng 3 không được thực hiện, cụ Hồ dấy lên cuộc kháng chiến chống Pháp chỉ khi Đảng Xã hội Pháp và Đảng Cộng sản Pháp không còn nắm được chính quyền, trong khi nhiều thế lực chính trị ở Việt Nam lúc ấy có khả năng được Pháp thừa nhận như Bảo Đại, Trần Trọng Kim, Việt Nam Quốc dân Đảng …

Hãy đọc đoạn sau trong hồi ký “Một cơn gió bụi” của Trần Trọng Kim:

“ …tôi bảo ông Phan Kế Toại đi tìm một vài người Việt Minh đến nói chuyện, vì lúc ấy tôi còn tưởng đảng Việt Minh dù theo chủ nghĩa cộng sản, nhưng chắc cũng nghĩ đến tương lai nước nhà. Hôm sau ông Toại đưa một thiếu niên Việt Minh đến, tôi nói ‘chúng tôi ra làm việc chỉ vì nước mà thôi, chứ không có ý cầu danh lợi gì cả, tôi chắc đảng của các ông cũng vì nước mà hành động. Nếu vậy chúng ta tuy đi con đường khác nhau, nhưng cũng cùng một mục đích như nhau, các ông thử xem ta có thể hợp tác với nhau, kẻ ở trong người ở ngoài để cứu nước được không?
      Người ấy nói: – Sự hành động của chúng tôi đã có chủ nghĩa riêng và có chương trình nhất định để đem nước đến chỗ hoàn toàn độc lập. Chúng tôi có thể làm lấy được.
      – Sự mưu cầu cho nước được độc lập cũng là mục đích của chúng tôi nhưng vì đi đường thẳng có nhiều sự khó khăn, nên chúng tôi phải uyển khúc mà đi từ từ có lẽ chắc chắn hơn.
       – Chúng tôi chỉ có một con đường thẳng để đi đến hoàn toàn độc lập chứ không có hai.
       – Theo như ý của các ông như thế, tôi sợ rất hại cho dân, mà chưa chắc đã thành công được.
       – Chúng tôi chắc thế nào cũng thành công. Nếu có hại cũng không cần, có hại rồi mới có lợi. Dù trong nước mười phần chết chín, chúng tôi sẽ lập một xã hội mới với một thành phần còn lại còn hơn với chín phần kia.
       Rồi người ấy đọc một bài hình như đã học thuộc lòng để kể những công việc của đảng Việt Minh. Tôi thấy thái độ người ấy như thế tôi biết không thể lấy nghĩa lý nói chuyện được.
        Tôi nói: – Nếu các ông chắc lấy được quyền độc lập cho nước nhà, các ông vào chính phủ làm việc, cần gì phải đánh phá cho khổ dân?
        - Chúng tôi sẽ cướp quyền để tỏ cho cả nước đồng minh biết chúng tôi mạnh, chứ không chịu nhường cho ai”.

Đủ thấy rằng người ta đánh Pháp chủ yếu không phải vì nhất thiết phải đuổi Pháp mà để “cướp lấy chính quyền” giữa những người Việt Nam! 

Nên nhớ rằng báo chí và các văn liệu của Đảng luôn luôn nói rằng người Pháp đã phá không cho thực hiện Hiệp định Sơ bộ mồng 6 tháng 3, và Tạm ước 14 tháng 9 chứ không phải Việt Minh. Điều đó chứng tỏ cụ Hồ vẫn trung thành với ước nguyện được nằm trong Khối Liên Hiệp Pháp.

Hồ Chí Minh cũng thừa hiểu Hoa Kỳ không có ý đồ xâm chiếm Việt Nam. Cụ đã từng chủ trương liên kết với Cơ quan Tình báo Chiến lược Mỹ OSS - tiền thân của CIA - nhằm củng cố sức mạnh Việt Minh. Tháng Bảy 1945 Trung Tá Allison Thomas cầm đầu “Toán Con Nai” (Deer Team) đã được mời nhảy dù xuống Tân Trào để huấn luyện cho khoảng hai trăm cán bộ chỉ huy bộ đội Việt Minh về cách sử dụng những vũ khí mới nhất và chiến thuật du kích chiến.

Cho nên đối thủ chủ yếu của Hồ Chí Minh là chính quyền Việt Nam Cộng hòa, chứ không phải Mỹ. Chủ trương “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguy nhào” để rồi “Sẽ trải chiếu hoa đón Mỹ trở lại” của Hồ Chí Minh chứng tỏ điều đó.

Dan díu với cuộc chiến Việt Nam là sai lầm của Mỹ. Song, cũng thật tai hại khi Hồ Chí Minh ngoắc Chủ nghĩa Cộng sản vào vấn đề dân tộc Việt Nam. Sao lại bắt trẻ con cũng phải yêu Chủ nghĩa Xã hội? Sao lại đưa xe tăng Liên Xô và ùn ùn chở súng đạn Trung Quốc vượt sông Bến Hải? …

 Nhẽ ra các cuộc công kích của không lực Hoa Kỳ ra Miền Bắc đã không xẩy ra hoặc nhanh chóng chấm dứt. Tổng Thống Johnson rất dè dặt trong việc để cho phi công Hoa Kỳ tham chiến. Ngay cả sau khi phi trường Biên Hoà bị Cộng sản pháo kích, phá hủy một số máy bay vừa đưa từ Philíppin qua và gây thương vong cho một số quân nhân Mỹ và VNCH, Johnson vẫn không hạ lệnh trả đũa trên lãnh thổ Bắc Việt. Ông chỉ đồng ý cho các phi cơ từ các hàng không mẫu hạm oanh tạc những đường xâm nhập của cộng sản ở Nam Lào.

J. Blair Seaborn, trưởng đoàn Canada trong Ủy ban Giám sát Quốc Tế từng chuyển cho thủ tướng Phạm Văn Đồng một thông điệp của Tổng thống Johnson cho biết “Hoa Kỳ không có ý định tìm cách lật đổ chế độ cộng sản ở miền Bắc và cũng không có ý định duy trì các căn cứ quân sự ở miền Nam, mà chỉ muốn giới lãnh đạo Hà Nội giữ quân của họ trong lãnh thổ Bắc Việt và chấm dứt việc tiếp tế quân sự cho miền Nam theo tinh thần các hiệp định Genève 1954 và 1962. Nếu đề nghị này được chấp thuận, Hoa Kỳ sẽ viện trợ kinh tế cho tất cả các nước trong vùng, kể cả Bắc Việt”.

Hoa Kỳ cũng đã từng tạm ngưng ném bom Miền Bắc nhưng Hà Nội lại lợi dụng thời gian này để ồ ạt chuyển quân và vũ khí vào miền Nam, “tấp nập như xa lộ New Jersey vào những ngày cuối tuần”.

Rõ ràng Mỹ có cút nhưng “Ngụy” chưa nhào thì vẫn cứ đánh. “Ngụy” nhào rồi thì lại rước Mỹ trở lại để cùng hưởng vinh hoa phú quý. Thế mà là “Chống Mỹ cứu nước” ư? “Giải phóng Miền Nam” khỏi sự chiếm đóng của ai? Tại sao lại cứ phải là Hồ Chí Minh với ĐCSVN thống trị toàn đất nước, nếu không thì đốt cháy cả dải Trường Sơn đi, giết hết chin phần mười dân tộc đi. Ghê sợ thật. Dã man quá! Tàn bạo quá!

Để tránh ngộ nhận, xin đề nghị gọi cuộc chiến thảm khốc vừa qua là “Cuộc chiến Hai miền Việt Nam Thế kỷ Hai mươi”

Phải thêm chữ “Thế kỷ Hai mươi” là để phân biệt với hai cuộc Nam Bắc phân tranh trước. Vào thế kỷ thứ XVI, sau khi Mạc Đăng Dung giết vua Lê Chiêu Tông lập ra nhà Mạc, một số cận thần nhà Lê chạy vào Thanh Hóa lập người con út của Chiêu Tông lên kế vị và mở cuộc chiến tranh chống nhà Mạc. Cuộc chiến khôi phục nhà Lê kéo dài 52 năm (1540-1592) với lằn ranh không rõ rệt là Thanh Hóa. Cuộc nội chiến Trịnh Nguyễn phân tranh lấy sông Gianh, Quảng Bình làm giới tuyến thì kéo dài 45 năm, cho đến khi Nguyễn Huệ nổi lên đánh chúa Nguyễn, diệt nhà Trịnh, lập ra triều đại Tây Sơn năm 1788.

Tôi đã từng lên án Lê Khả Phiêu về tội cắt nhượng hàng nghìn mét vuông lãnh thổ phía bắc, hàng vạn mét vuông lãnh hải Vịnh Bắc Bộ; lên án Nông Đức Mạnh về tội rủ Trung Quốc vào khai thác Bauxite Tây Nguyên; lên án Nguyễn Phú Trọng về tội đưa nước mình lún sâu vào ách đô hộ mềm của Đại Hán. Vì sự nghiệp hòa hợp hòa giải dân tộc, nay lại phải đụng đến cụ Hồ. E rằng sinh mệnh sẽ khó an toàn? Dẫu thế nào đi nữa tôi cũng không thể lẩn tránh lương tâm, thoái thác cái nghĩa vụ thiêng liêng của một công dân chân chính.

Do tuổi cao, trình độ hạn chế, lại đang bận tranh thủ hoàn thành gấp gáp vài việc trong tình trạng quỹ thời gian còn lại eo hẹp nên bài viết sơ sài chưa đủ sức thuyết phục. Mong các học giả trẻ quan tâm tiếp tay làm sáng rõ những luận điểm được phác ra trên đây để lịch sử được phán xét đúng đắn, làm cơ sở chỉ đạo hành động đích đáng cần thiết trong thực tiễn nhiễu nhương hiện tại. Tôi xin cảm ơn.

Hà Nội 27 tháng 4 năm 2015                                                                                             

Nguyễn Thanh Giang                                                                                                                     

Số nhà 5, ngõ 341 đường Trung Văn                                                                                  

Quận Nam Từ Liêm – Hà Nội                                                                                                  

Mobi: 0984 724 165