Thứ Năm, 3 tháng 7, 2025

Tóc sương say tàn

 Tru Sa

 

Đặng Thơ Thơ cùng thế hệ với ông bác, em ruột mẹ tôi, sống trong thời Việt Nam Cộng hòa và cũng như ông bác tôi, Thơ Thơ xa xứ cùng gia đình, người bác theo ngành y còn chị ngành giáo dục, viết văn, sáng lập trang Da Màu như cách để giữ gìn bản sắc và ngôn ngữ Việt. Xa quê mới nhớ nhà, rời nhau mới ngẩn ngơ căn nhà cắt rốn, sợ mất tiếng mất giọng, ngôn ngữ bay tro nên việc người Việt tha hương lập ra các trang Văn Hải Ngoại là cách đại đoàn kết khỏi cảnh nhớ nhà, đồng thời đấy cũng là sân chơi, thư viện lưu trữ bản thảo, để người trẻ muốn tìm tòi giai đoạn 20 năm miền Nam, muốn thử sức mà không cần phải trình bày thành tích đăng báo, in sách chung sách riêng đều có thể liên lạc. Xác ta hồn ta trên đất tây phải đối mặt với nghịch cảnh khách ngoại vi, phải học nhuyễn ngoại ngữ, văn hóa tây để sinh nhai, tiếng Việt chỉ có thể nói với đồng hương hoặc tự thầm trên trang giấy. Bạn văn mỗi người một phương, kẻ sang Mỹ, người đi Đức, sang Pháp, mỗi người ở một tiểu bang, ai nấy trong tình trạng mai một tiếng Việt nếu không viết. Mang trên vai nỗi đau thời binh chiến, ra đi, vỡ vụn trong dư chấn văn hóa ngoại, nhập quốc tịch, sống lõi nửa đời nhưng vẫn là khách trọ.

Viet Thanh Nguyen, Ocean Vuong được phương tây ca ngợi bởi thực lực, bởi họ là những người Việt mất giọng, ngoài chút ký ức mỏng tanh như nắng sớm thì mọi thứ họ viết, những cuốn sách họ đọc, văn hóa họ hấp thụ đều phù hợp với căn cước một người ngoại quốc gốc Việt. Linda Lê là một nhà văn giỏi nhưng bà đã muốn trở thành một nhà văn Pháp, nói, viết bằng tiếng Pháp, sách đọc cũng là ngoại văn, đến những địa điểm, trích dẫn trong sách cũng rặt là sử Pháp, Tây Ban Nha, không thể thấy chút dấu vết nào của người Việt, ảnh hưởng của Thommas Bernhard dàn trải khắp tác phẩm khiến bà như một phiên bản rút gọn của Bernhard, tôi không hài lòng cái tinh thần đồng hoá mình thành người Pháp để thành danh trên đất Pháp. Cũng thân thế nhà văn gốc Việt và đều nổi danh, Viet Thanh Nguyen tìm đến thư viện, lục tung những tư liệu về cuộc chiến tranh miền Nam rồi hơ lửa, đốt nóng từng tế bào, đặt vụn hiện thực thành những mảnh bột, ván nếp nặn ra cuốn tiểu thuyết lịch sử cho riêng mình, Ocean Vuong, trong thơ luôn vương vấn hình ảnh đạn và mẹ, cuốn tiểu thuyết Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian viết bằng tiếng Anh và được dịch lại bằng tiếng Việt, phát hành trong nước là sự trọn gói những hồi ức thơ ngây của tác giả với đất mẹ, chưa bàn đến đánh giá của thế giới, nội việc khắc sâu chữ V trong tim thì người viết đã thành công trong việc trung thực với bản thân, hiểu dân tộc mình hẵng bước ra thế giới, qua thế giới ta mới thấm vị thế của dân tộc và tìm thấy tính nhân loại.

Văn chương của Đặng Thơ Thơ phôi thai từ những vết thương hằn sâu, với đủ sắc màu, từ chính trị, giới tính, màu da; chủ đề và tư tưởng viết của chị chưa cần lập ngôn đã áng thấy ở phần title Literature Without Borders, chủ trương làm việc của Da Màu. Văn của Thơ Thơ là tạng văn lạnh, câu đơn nghĩa kép, không bóng bẩ̉y màu mè, tiết chế cảm xúc, đôi lúc là tự truyện, đối thoại mà như độc thoại; đôi lúc văn phong chị như ống kính ngắm quan sát từ bóng tối; cách kể, tả dửng dưng, nhấm nháp sự di chuyển hình thể, sự rung cảm của cảm xúc và nội tâm từ nhiều chiều, nhiều góc độ. Mỗi truyện ngắn của Thơ Thơ thiên về thiết lập cấu trúc, khảo sát và khảo cứu chủ đề hơn là kể một câu chuyện đầy đủ lớp lang. Tập sách Phòng triển lãm mùa đông là những khảo nghiệm sơ khởi, trải đều từ phòng tranh, nhà trẻ, vườn lan, sự sáng tạo, mỗi truyện là một mệnh đề bỏ ngỏ, mọi thứ đều trôi đi chỉ có nỗi đau, sự day dứt đâm gai vào người đọc, đây là Nhân.

Khả t̉ đa thể loại và khó đọc hơn, những truyện ngắn với tôi là ưu tú chia tập sách làm bốn thể loại: Tôn giáo (Đi tìm bản Kinh Thánh cuối), Lịch sử (Mở tương lai, Cấy óc, Lịch sử nhìn từ âm bản), Kỳ thị (Lý lịch hoang tưởng của tôi, Ký ức của người loạn tính – hai truyện này cùng bổ trợ cho nhau, một truyện nhìn từ ngoài, một truyện thì nhìn từ trong, chia nhỏ một bản thể thành nhiều bản thể, thể nghiệm cái nhìn song song dưới hình thức viết nhật ký) và Giả định (Con yêu tinh thứ 108, Cấy óc, Mở tương lai). Việc khảo nghiệm mệnh đề triết học thông qua sáng tác đã có ở Jean-Paul Sartre, Albert Camus, họ viết tiểu thuyết dưới góc nhìn triết học, con người văn học là đối tượng hiện sinh. Đặng Thơ Thơ học hỏi ở các tiền bối nhưng không mượn nghệ thuật để luận triết học, chị lấy văn học làm nền tảng rồi trồng ý tưởng lên đó, sau đó khái quát, đặt giả thiết bằng những tình huống giả định, từ đó tăng sức nặng của mạch văn, đẩy người đọc phải tham gia vào bản viết để cân nhắc về một lối đi khả thể cho câu chuyện. Khả thể là một tập sách tham vọng trong chủ đề và tư tưởng; và đấy là Kết.

clip_image002

Lúc hay tin Đặng Thơ Thơ ra tiểu thuyết, tên Ai, tôi nghĩ đến AI, thứ đang phủ hết mọi nền tảng từ công nghệ Chat GPT, app chỉnh sửa, ghép mặt cho đến những series phim đình đám như Black Mirror. Cuốn sách viết về kỷ nguyên máy móc hóa, nhân tính giả, người là máy - máy là người chăng, tôi ngờ thế và nỗi nghi của tôi sai bét khi cầm cuốn sách trên tay. Là Ai chứ không phải AI. Với Ai, chữ cái I trong bảng ngoại ngữ và cái tôi bị trừ đi (Ai-I) từ chủ thành khách, từ quen thành lạ, từ bản gốc hiện hữu thành phó bản mơ hồ, tương tự như mỗi lần nghe số lạ ta luôn phải rào trước bằng câu hỏi: Ai vậy! Cùng là người viết, tôi luôn trăn trở câu nói “Tôi là ai ngoài cái mẹ đặt, thân xác phối từ mẹ từ cha!” mỗi khi viết cái gì đó, là truyện ngắn đơn hoặc liên truyện, vẫn câu nói đó được khoét rộng trong từng lớp truyện, tôi viết về tôi nhưng cái tôi họa trên giấy không phải là tôi những cũng là tôi hoặc ai đó. Hư vô hóa bản thân, tự khước từ hoặc buộc phải khước từ đã có từ thời Kafka, Joyce, trong nước thì có Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh…, Đặng Thơ Thơ cũng ảnh hưởng từ lớp tiền bối, đàn anh nhưng đó chỉ là phụ lục mỏng, lối đi của chị vừa quen vừa khác, quen vì mệnh đề Ai mang thuộc tính âm bản gốc phân bào, khác vì nằm ẩn sau chuyện người mẹ và đứa con là câu chuyện lớn của thời đại. Khi con thơ thì nó là của mẹ, chỉ mẹ sở hữu còn khi con lớn, con trở thành người khác, không còn của mẹ, người mẹ mất con khi không thể tỉ tê, gần gũi, ẵm trong lòng, cõng trên lưng. Người viết về Ai đã nhiều, với đủ góc nhìn, còn với tôi, Ai là cuốn sách về sự đứt gãy của lịch sử và ngôn ngữ. Hai thế hệ, mẹ Việt, con Việt trên đất tây, chính sử là mẹ, giả sử là những thứ ngoại biên, ngoại ngữ xâm thực tiếng Việt, đây không phải nỗi sầu riêng của người Việt mà là bi kịch của mọi sắc tộc lưu lạc trên xứ người. Với những gì tôi đọc của Đặng Thơ Thơ thì Ai là cuốn sách hoàn hảo từ thể loại đến bút pháp,  Ai  là  Quả  chứng được trên ngọn núi viết tên Thơ Thơ.

Nhà văn là những người tạo ra chữ, họ đi tới bằng cách viết. Với họ, viết là một hành động khẳng định. Tôi đi ngược lại, xóa từng chữ, từ cuối lên đầu. Nếu gọi nhà văn là I đi, thì tôi là –i. Nhà văn có tiếng tăm, tôi là hạng vô danh. Nhà văn là hình ảnh để ngưỡng mộ, tôi là kẻ vô hình. Nhà văn sẽ bất tử, còn tôi sẽ mất tích” (tr.92-93). Đấy là lời tự thuật cũng là mảnh khóa bước vào thế giới của tiểu thuyết. Vũ trụ của Ai là sự trừ đi, phủ nhận hiện hữu bằng việc mất tích. Nhưng mất tích không có nghĩa là trốn vào hư vô, mà là bước đi, đi đến đâu cũng là mất tích. Hiện hữu như mất tăm diễn ra trong sự quan sát từ người mẹ, từ hình ảnh người mẹ mải mê trang điểm trên ghế nhựa khước từ lời van nài “nhìn con một chút” của đứa bé, đến tờ thông cáo nhận thưởng 200 quan Pháp của tòa soạn với lời ghi chú nhớ dẫn con theo. Nhưng làm sao dẫn người đang mất tích đến báo để nhận diện đứa trẻ đã lạc khỏi tầm tay? Loạt ảnh “bí mật về những đứa trẻ mất tích” chỉ là trò ăn tiền ác ý giữa nhiếp ảnh và tòa soạn, họ bóp méo sự hiện diện của những đứa trẻ, hất chúng vào vùng sương mù, tạc thù một án bắt cóc, mất tích vốn nhan nhản trên mặt báo; và những người mẹ tuy biết con mình vẫn ở bên, vẫn dẫn con đến lĩnh thưởng. Đứa trẻ bị kẹt giữa sự gian trá của người lớn, một phe bán được báo, một phía có tiền, thứ tiền bán con trong tâm tưởng, hay như chính đứa con trai bắt mẹ mình phải clone chính nó… Không khí truyện như nghẽn lại, đặc sánh, nghẹt thở; chỉ một câu nói, một hình ảnh là khiến người đọc mơ hồ không biết là mơ hay thực.

Năm 2019, Jordan Peele xuất xưởng bộ phim Us (Chúng Ta), với chủ đề thay thế bản gốc bằng bản sao. Cái tên Us còn mang nghĩa viết tắt từ USA và bộ phim ẩn ý cho sự tàn bạo của chính phủ Mỹ với những người tỵ nạn, phải sống bên lề, trong phim là tầng hầm. Mỗi người đều có một phiên bản giống hệt mình, dàn diễn viên chính có nhiều người là dân tỵ nạn rồi đây sẽ bị thay thế bởi bản sao, vừa là người Mỹ chính quy sẽ bị thay thế bởi phiên bản được tạo ra từ chính phủ. Us là phim kinh dị, bạo lực và máu me còn Ai là tiểu thuyết văn học. Nếu phim của Peele triển khai sự mất tích vì bị thay thế thì tác phẩm của Thơ Thơ là sự mất tích khi vẫn hiện hữu, mất tính ở thể chủ động. Mất tích trong chuyến đi xa, mất tích trong ký túc xá, mất tích tạm thời, mất tích vĩnh viễn, mất tích ở bất cứ đâu và với mọi giả định có thể nghĩ ra… Sự mất tích này không mang tính tự hủy hay bị diệt như của Kafka. Mất tích là để khai phá, nên đi đến đâu, biết đến nơi nào là liền tự coi như đã và đang mất tích, tự xóa dấu vết mình, hư ảo hóa cuộc đời thay vì đến đâu là tụ tập, chụp ảnh, ghi tên như cách sở hữu một nơi chốn đã thuộc về mình trong chuyến đi. Lịch sử trong tiểu thuyết Ai là lịch sử của sự mất tích. Nhân vật người mẹ là một người Việt sống ở Mỹ, bà đối lập với người con, thế hệ lớn lên ở Mỹ, dùng hai ngoại ngữ nhưng không thật sự thạo tiếng nào. Tiếng Anh là ngôn ngữ để sinh tồn ở ngoài còn tiếng Việt là tiếng nói khi về nhà, bởi đứa trẻ là người Việt và chỉ khi nói tiếng Việt thì hai mẹ con mới tìm thấy nhau. Ai rồi cũng sẽ già, rồi lú lẫn, quên dần mọi thứ bao gồm cả tiếng nói. Ngôn ngữ thứ hai sẽ là thứ bị mờ đi đầu tiên, rồi đến ký ức, hình ảnh, tiếng nói. Nếu ngay cả tiếng mẹ đẻ cũng ứ nghẹn, tiêu tan trong phổi thì mình sẽ nói gì, điều gì sẽ luyến lưu trong mình? Tôi ngờ rằng căn nguyên của ý niệm muốn mất tích nảy mầm từ sự đứt gãy giữa hai thế hệ cùng chung huyết thống.

“Mẹ của con đã chết rồi. Đây là một người khác nhập vào mẹ.” (trang 116)

“Thơ Thơ!”

Một giọng lạnh lẽo trả lời:

“Gì đó?”

“Mẹ nói dối, mẹ vẫn là mẹ. Mẹ biết tên mình là Thơ Thơ” (trang 117)

Hai dòng đối thoại ở hai trang, thuộc về dòng in nghiêng của hồi ức hé mở rất nhiều điều. Người con víu lấy câu chuyện về một đứa trẻ sáu tuổi sống bên trong mình, là hai thực thể có cùng một bộ nhớ, và lấy đó làm lý do để mất tích. Người mẹ chết nhưng vẫn không quên được tên mình – thứ định danh sự tồn tại của một con người sau khi cắt rốn. Hiểu ở mạch nghĩa khác thì đứa trẻ 6 tuổi bên trong là phần ký ức bị chôn sâu, đó cũng là phần mỏng manh, yếu đuối và trong sáng nhất của mỗi người, Hãy để trẻ em đến với Ta và đừng xua đuổi chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai nên giống như chúng. Ta bảo các ngươi, ai không đón nhận Nước Trời như một trẻ em thì sẽ không được vào trong Nước ấy Lời chúa Jesus được thánh sử ghi lại trong Phúc âm. Đứa trẻ 6 tuổi trong phần nhật ký gửi chuyên viên tâm lý và được Thơ Thơ hình dung lại có là phần thiên thánh, ngây dại đã bị vấy bẩn nên nằm mãi bên trong, hay đó là chấn thương ghì nặng lớn lên cùng mình, mang trọng lượng, diện mạo của mình nhưng vẫn chỉ là 6 tuổi? Làm sao để thoát được nếu không rời đi, mất tích; mất tích để quên sự hiện hữu của cái tôi, trở thành ai, không còn là người Việt cũng chẳng mang quốc tịch Mỹ. Nhưng có đi đến đâu, ở đâu, mất tích ở vị trí nào thì tôi (I) vẫn chỉ thấy I (tôi), thứ bản thể không thể dứt, không thể buông; bởi khi ta tìm cách vô hiệu hóa sự tồn tại một cách quyết liệt và liên tục là đã gián tiếp khẳng định nó không thể biến mất. Không ai có thể phủ nhận sự dối trá mà chỉ có thể làm rõ, khiến mặt thật lộ khỏi mặt nạ. Không ai phủ nhận, xóa bỏ được sự thật bởi sự thật luôn ở đó, càng vùi lấp thì vải thưa bị rách sẽ gây ra một vụ nổ chấn động đất trời.

Cha là trời, một Titan cao ngút như trụ kình thiên. Mẹ là đất, cũng là mùa màng. Con người khởi nguyên từ cuộc hôn phối giữa trời và đất. Nghệ thuật ưu ái hình ảnh của mẹ nhiều hơn với cha, nhất là người Việt. Ở Phạm Duy, là hình ảnh bà mẹ Gio Linh áo quần nâu sòng, mặt mũi nhăn nhúm như lịch sử nước Nam từ lúc thành hình luôn chìm trong khói lửa và chia lìa; ở Dương Nghiễm Mậu, là bà mẹ trong căn nhà xơ xác, yêu con quên mình, ngày về đám con xin chia của nhưng gia tài của mẹ là nước Việt buồn. Còn ở tiểu thuyết Ai, bà mẹ trong mắt tôi tóc sương say tàn, người mẹ trong sách, tên Thơ Thơ vỡ òa khi người con dịch lại bài thơ tiếng Anh thành tiếng Việt, thứ ngôn ngữ uyển chuyển thoát khỏi lớp vỏ ngoại văn đơn nghĩa để thoát thai thành hồn bướm, cũng bà mẹ đó say tàn trong những chuyến mất tích, tóc sương suy tưởng về sự mất giống của tiếng Ais, của tiếng Việt sau hàng trăm hàng ngàn năm bị lai tạo bởi quyển lực kẻ mạnh. Người mẹ riêng của đứa con trai – vừa là chủ thể riêng vừa là phó bản róc ra từ xương thịt mẹ, đang lớn lên tiến vào cộng đồng ngoại quốc, nơi có giấc mơ của nó và giấc mơ đó là sự mất tích với nước Việt, dù đứa trẻ vẫn nói được tiếng nước ta nhưng chính thứ tiếng đó đã nghiền nát tâm hồn trẻ nhỏ, United States of America vừa là vòng tay nhân ái vừa là lò xay nhuyễn sắc tộc, họ chấp nhận mọi tộc người và đó phải là người sõi tiếng Anh, sành văn hóa Mỹ. Hàng năm, có bao nhiêu người da đen, da vàng bị mất tích, xác nằm hoang ngoài rừng nhưng chỉ cần một người da trắng vắng mặt 24 giờ là báo chí sẽ loạn lên, đã bao nhiêu thành tựu nghệ thuật của người Phi Châu bị Picasso chiếm dụng, đạo nhái thành tác phẩm riêng, ngay cả khi ông thừa nhận chuyến viếng thăm bảo tàng ở Trocadero đã thay đổi tư duy hội họa của mình nhưng không bao giờ thừa nhận nền nghệ thuật Châu Phi, câu nói Nghệ sĩ giỏi thì sao chép, Nghệ sĩ vĩ đại thì ăn cắp sẽ thành tấm gương tày liếp với bất cứ ai và là sấm ngôn sáng tạo chỉ bởi cái tên Picasso. Hội họa Châu Phi vẫn ở đó nhưng mọi dấu ấn đã bị đánh cắp và mất tích trong tranh vị họa sĩ thiên tài người Tây Ban Nha. Lưu vong. Lạc lối. Sống cả đời vẫn chỉ là khách. Cùng với thủ pháp chơi chữ, cắt dán, kết hợp với cái hiện thực đương đại, là những công nghệ điện tử, nền tảng mạng xã hội, thứ hổ lốn kéo gần con người đến kiến thức và tách hồn khỏi xác, tách người khỏi người. Những cái tên như Ais, trang mạng trienlam.mattich.ai, I, Ai… nhấn mạnh cái lạ, cái khác, sự khách thể trong thế giới tiểu thuyết. Bất cứ ai bất cứ đâu cũng có người mất tích, cá thể đại diện cho dân tộc của họ trong sự mất tích chung và riêng, khi ngôn ngữ gốc, bản tướng sinh tiền của quốc tộc dần bị sửa chữa, rút gọn, hiệu đính thành thứ ngôn ngữ hợp thời. Bảo tàng về sự mất tích trong Ai là sự mở rộng của Phòng triển lãm mùa đông, người mẹ trong Ai là phần trưởng thành của nhân vật trong truyện Mở tương lai và hai mẹ con trong Ai là phiên bản hoàn hảo từ tùy bút 30/4 và một ngày ở phía tương lai. Chỉ với một chữ Ai, Đặng Thơ Thơ đã suy tưởng được sự khủng hoảng giữa chủ thể và khách thể, chị khái quát và khái thác đến tận cùng những ngờ vực, day dứt, đau đớn của những số phận những kiếp người của thế hệ, tấn bi kịch cáo chung của các dân tộc chịu lời nguyền lưu vong trong lịch sử.

Khởi thủy từ những nhát cắt ứa tim trong Phòng triển lãm mùa đông, khơi mở biên bộ và cấu trúc, bút pháp bằng Khả Thể và tổng lược, đại kiện toàn với Ai, Đặng Thơ Thơ đã thành tựu trong quá trình viết và sáng tạo những gì của thế hệ mình với thế hệ đang sống và sẽ ra đời trong tương lai. Ai là cuốn tiểu thuyết cắt lớp, đa ngôn, là bản giao hưởng đêm đen, thứ phúc âm âm-dương của thời đại. Đọc Ai vừa là đọc tinh cốt của nhà văn cũng là đọc chính mình, tự khám phá, tìm hiểu ngã thể trong mỗi người. Sự phai máu, mờ đi của ngôn ngữ của mỗi thế hệ, đó là mối họa, mối lo hay sự cảnh giác về mặt tối của sự giao thoa, hội nhập thế giới – muốn hòa nhập thì phải thay đổi, biến đổi tới mức không còn nhận ra mình trong quá khứ, thấy lạ lẫm thân mình ở hiện tại, lịch sử đời người bị đứt đoạn và mất tích từng nấc từng nấc, và với tôi, Ai là một trải nghiệm lý thú, một chuyến mất tích để thấy mình mất và còn những gì.

3.2025