Đông Ngàn Đỗ Đức
NHỚ MÃI TRIỂN LÃM ĐẦU TIÊN
Những năm 80 thế kỉ trước là những năm đời sống khó khăn nhất của cuối thời bao cấp. Biên giới Campuchia thì Polpot quấy nhiễu gây đổ máu, biên giới phía Bắc thì Trung Quốc tiếp tục lấn chiếm sau khi tấn công tàn phá cướp bóc sáu tỉnh vùng biên. Chả hiểu sao thời thế ấy, không khí ấy mà tôi vẫn vẽ, vẫn khắc được và còn đăng ký triển lãm.
Trước đó, những năm 60 thì cũng có triển lãm riêng một số họa sĩ bày ở nhà số 10 Hàng Đào. Các ông Văn Giáo, Lưu Công Nhân, Lê Lam đã bày ở đấy và tôi đã được vào xem.
Nhưng rồi sau ngày thống nhất, nhà triển lãm chuyển về 16 Ngô Quyền, Hà Nội thì lại không thấy Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm cá nhân nữa. Tất cả chỉ có các triển lãm chung của các hội viên. Lúc ấy hội viên ít, tranh vẽ cũng ít nên chỉ có thể làm triển lãm nhóm là thuận lợi.
Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1985 có họa sĩ Đặng Đức Sinh, Nguyễn Quân, Đặng Thị Khuê. Không nhớ bác Trần Văn Cẩn có làm Chủ tịch không. Cũng năm đó, Hội Mỹ thuật tổ chức triển lãm lớn đồ họa toàn quốc tại Bảo tàng Mỹ thuật, tổng kết 10 năm ngành đồ họa sau ngày thống nhất do họa sĩ Phan Kế An trưởng ngành chủ trì. Triển lãm ấy, tôi được tặng giải B, họa sĩ Trần Nguyên Đán được tặng giải A.
Hứng khởi bởi khí thế đó, chúng tôi rủ rê đăng kí triển lãm nhóm tranh đồ họa ba người, đó là hai họa sĩ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Cao Trọng Thiềm, Trần Nguyên Đán và tôi, Đỗ Đức. Hai tháng trước triển lãm, Cao Trọng Thiềm bất ngờ xin rút, còn một tháng nữa thì Trần Nguyên Đán thông báo là chuẩn bị không kịp, cũng xin thôi! Còn lại mỗi mình tôi.
Kế hoạch của Hội cho triển lãm nhóm thế là đổ bể. Lấy gì thay thế bây giờ? Họa sĩ Đặng Đức Sinh hỏi tôi: Mình cậu làm được không? Tôi bảo: Mời các anh vào xem tranh rồi cho ý kiến, chứ em chuẩn bị thấy cũng đầy đặn rồi. Thế rồi một buổi cuối thu còn nóng nực, Đặng Đức Sinh, Nguyễn Quân, và Đặng Thị Khuê cùng kéo xuống căn nhà một gian 18 mét vuông tôi đang ở tại khu văn công Cầu Giấy để xem tranh. Nhà tối om, chật chội. Mọi người xem tranh trong ánh sáng điện 110kv nhập nhoạng, rồi cùng thống nhất: Tranh bày được.
Trước đó tranh khắc của tôi trong nhiều năm đã tham gia liên tục các triển lãm chung của Hội với các nước trong khối xã hội chủ nghĩa như Cộng hòa dân chủ Đức, Bulgaria, Ba Lan, Rumani, Tiệp Khắc, Liên Xô, Cu Ba, Trung Quốc... đã có tín nhiệm. Các vị trong Ban Chấp hành yên tâm, xong việc mọi người uống chén trà rồi về. Tôi cũng chẳng có gì đãi đằng cả. Năm 1985 vừa bị cấm vận, vừa bị đổi tiền 10 còn 1, cả nước như Ông già và biển cả của Hemingway, ai cũng rách rưới như xơ mướp. Nghèo đói đến cùng cực. Thế mà lần đầu tiên tôi được làm triển lãm cá nhân do Hội tổ chức cho chỉ vì kế hoạch bày nhóm bị vỡ. Triển lãm này Hội lo cho từ A đến Z. Từ tờ giấy bo tranh, khung kính vào tranh, Hội xuất kho không thiếu tí gì. Tôi chỉ việc mang tranh ra nhà 16 Ngô Quyền là tròn trách nhiệm.
Buổi duyệt tranh ở 51 Trần Hưng Đạo cũng độc đáo có một không hai. Chỉ có họa sĩ Trần Văn Cẩn và tôi.
Tranh đem ra rải xuống mặt sân trụ sở Hội. Bác Cẩn đứng chống ba toong, tôi rải tranh dưới đất. Bác chỉ bức nào được thì để sang một bên, cái không được bỏ ra một bên. Cuối cùng bác chọn được trên 70 tranh giấy và tranh khắc, cùng mấy sơn dầu nhỏ đảm bảo chất lượng trưng bày. Cuộc duyệt tranh cho triển lãm thật kì lạ, có một không hai: Không biên bản, không hội đồng, không người chứng kiến, chỉ có mỗi mình bác với tôi. Việc cũng chóng vánh chỉ chừng một giờ đồng hồ là xong.
Hôm sau treo tranh, một mình anh Bình, nhân viên Nhà triển lãm lụi cụi một mình cả ngày từ sáng đến tối. Khoảng 5 giờ chiều, bác Cẩn lại lò dò chống ba toong nhập phòng tranh. Lặng lẽ đi một vòng, rồi bác gọi anh Bình ra, bắt treo lại gần nửa phòng tranh. Phòng tranh gần như được mi lại! Anh Bình toát mồ hôi hột. Bác Cẩn khi ấy như một thủ lĩnh đơn độc, tận tình đến từng chi tiết, chu đáo cho triển lãm cá nhân của tôi. Lúc ấy tôi đâu biết gì. Một chén trà cốc nước mời cụ, một lời cảm ơn cũng không biết nói! Với anh Bình cũng vậy!
Chỉ cách đây gần 40 năm thôi, cơ sở vật chất Hội rất nghèo nàn, văn phòng Hội cũng chỉ vài mống, nhưng Ban Chấp hành Hội và người đứng đầu như bác Cẩn săn sóc cho triển lãm chu đáo như một sự kiện quan trọng, thật cảm động. Bác động viên, khen tôi vẽ hay. Ông bảo những tranh nhỏ của tôi, mặt nhân vật nhỏ tí mà vẫn nhận ra caracté dân tộc!
Triển lãm khi ấy bán vé vào cửa, chỉ một hào, nhưng vẫn nhiều người mua vé vào xem.
Ảnh triển lãm lưu lại có mặt đủ các thầy cao tuổi như Lương Xuân Nhị, Phạm Văn Đôn, Huỳnh Văn Thuận. Các họa sĩ Quang Phòng, Lê Thanh Đức, lão thành nhiếp ảnh - cụ Võ An Ninh, biên đạo Cầm Kỉ, thủ trưởng cũ Nguyễn Trọng, cô giáo thời tôi học phổ thông Lê Thị Kim Cương và nhiều tên tuổi khác cùng rất nhiều bạn bè đồng nghiệp đều có mặt. Nhưng đặc biệt có hai vị khách quan trọng cũng đến khai mạc đó là ông Hà Xuân Trường, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nông Quốc Chấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Bây giờ Triển lãm Toàn quốc năm 2020, hàng Thứ trưởng còn không có ai đến dự.
Triển lãm ấy, tôi bán được khá nhiều tranh. Còn nhớ Bảo tàng mua liền mấy tranh khắc gỗ và màu nước. Một nhà báo Nhật mua đến 8 tranh. Tranh sơn dầu chủ yếu chuyên gia Thụy Điển trên nhà máy giấy Bãi Bằng mua. Kết thúc triển lãm không nhớ bán được bao nhiêu, nhưng có tiền mua được cái Babetta thế mạng cho chiếc xe đạp. Sau triển lãm ấy, họa sĩ Mạnh Đức, bạn cùng học nói lại: Hai thầy Huy Oánh và Nguyễn Thụ lên Tuyên Quang, bảo lạ thật, có mấy cái sơn dầu chưa hay lắm, bảo cậu ấy đừng bày, nó không nghe, cứ bày mà bán hết cậu ạ!
Nghệ thuật phải biết tin vào mình là thế.
Thời ấy chưa xa, khó khăn vô cùng nhưng tôi vẫn làm bằng được triển lãm với suy nghĩ, có là que diêm thì cũng phải tự cháy lên chứ đừng chờ ai đốt hộ. Tất nhiên còn có thiên thời, địa lợi, nhân hòa trợ giúp thì mới thành. Năm 1986 là năm Bính Dần, một năm đáng nhớ của tôi. Thế là đã 36 năm rồi.
19/6/2022
Mẹ cháu và con gái Thiên Hương (5 tuổi) được theo ra triển lãm
Họa sĩ Phan Kế An (trái) đọc lời khai mạc
Trái sang: Nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh, họa sĩ Quang Phòng (sau), họa sĩ Lương Xuân Nhị, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, họa sĩ Trần Đình Thọ, họa sĩ Phạm Văn Đôn, nhà văn Tô Hoài, họa sĩ Dương Viên
Trái sang, từ thứ ba: Nhà thơ Lữ Huy Nguyên, họa sĩ Trần Long, họa sĩ Thành Đàm, nhà thơ Trúc Cương, cháu Quế(đứng sau), nhà báo Nguyễn Trọng (sếp cũ hồi ở báo Việt Nam Độc Lập)
Họa sĩ Quang Phòng, họa sĩ Lê Thanh Đức và Thứ trưởng Bộ Văn hóa Nông Quốc Chấn
Trái sang: Họa sĩ Cường, Cao Trọng Thiềm, Trần Khánh Chương, (quên tên), Phạm Văn Đông, Lê Thiệp, Đỗ Đức, Nguyệt Nga, Trần Nguyên Đán, Đinh Lực
Trái sang: Đỗ Đức, thầy Lương Xuân Nhị, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, họa sĩ Trần Đình Thọ, họa sĩ Phạm Văn Đôn
Trái sang: Phu nhân Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Phó Ban Tuyên giáo Hà Xuân Trường, lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh.