Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025

Thơ Linh Văn

Một Judas khác

 

"Ai không theo Chúa thời theo quỷ" -

một con quỷ

một ngày nọ đội lốt Chúa và phán.

 

Đây là viễn cảnh hồi chung cuộc:

trời và đất đổi chỗ cho nhau. Không thiên đàng

nghĩa là không địa ngục. Nhân gian bước bằng đầu

và suy nghĩ bằng chân.

 

Một Judas khác vẫn quyết định rời khỏi

vào bữa tối hôm trước. Dù thế nào, tiếng nhơ ấy

vẫn vấy lên tấm áo choàng của ông

từ bấy đến giờ.

 

Và chắc chắn rồi, ông vẫn sẽ tìm mọi cách

để bán Chúa.

 

Những ngày đang sống

 

Sống để quên những ngày đang sống

như biển trôi đi không nhớ nổi chính mình

chữ chỉ còn là muối

ăn rỗng mọi lời thơ.

 

Tôi đứng trên bờ làm kẻ không quê hương

hoặc phải nhảy xuống và sẽ chết rất sâu trong lòng biển

thời gian liên hồi mổ vào cái xác của chính nó

với ngọn dao quá đỗi tinh tường.

 

"Tôi ở đây, ở đây, ở đây"

thơ là tiếng của xương nói bằng ngôn ngữ trắng.

 

Một ví dụ kinh điển

 

Càng ở lâu cùng nhau, tôi càng thấy

xa cách với nó: giữa tôi và đời tôi

một trang trắng giữa bìa và ruột sách

một khoảng vời vợi

giữa bàn chân của kẻ bộ hành và bí mật rừng sâu.

 

Những buổi sáng mở mắt nhìn nhau như khách lạ

như thợ săn vờn giỡn con mồi

nghĩa là diễn cùng nhau viễn cảnh lửa tắt

nước cạn

không khí đông cứng rồi rơi xuống loảng xoảng

thời gian vang lên như thuỷ tinh -

có khi ta chết bởi một mảnh sắc nhọn

đã âm mưu giết ta từ lúc mới chào đời.

 

Tôi sống để chẳng hiểu gì

chẳng thể hiểu thêm gì

sự im lặng vĩnh cửu của đất

tự đào và lấp lấy huyệt sâu

khi di sản quá khứ để lại

cùng một lúc chật chội và rỗng tuếch như mộ gió

sống để làm một khán giả gật gà lên xuống

mấy lượt trong rạp phim

cuốn phim dấm dẳng về đời tôi hay đời một kẻ khác?

gã đạo diễn tài ba lẫn đểu cáng đã nhét vào

sống để biến thành cái bóng của mình

khi nó đã biến thành tôi từ lúc nào không hay biết.

 

Sống để cười một trận kinh thiên

khóc một cơn bát đảo.

 

Đời tôi - một ví dụ kinh điển

về bài thơ hoặc buộc phải thiếu tựa

hoặc buộc phải thiếu nội dung.

 

Châu thổ

 

1

Có bao giờ em về ngôi chợ cũ

thăm hỏi những đoạn đời đã mất

họ ngồi bất động mấy trăm năm sau những sạp hàng

với lũ ruồi vây quanh

không một ai kể với em về tôi

không giọng nào vang lên ngoài những tiếng vo ve

giữa bùn lầy thòi lòi quẫy mãi

trong khi “nước tuột nuộc dây”(1)

thuyền ghe mất dấu

lục bình phân vân ở ngã ba sông

buổi chiều trôi mà làm như không trôi

sình ê mắt con cá ế.

 

2

Hãy đếm những chuyến xe trên lộ vắng

ngang thị tứ buồn thiu

đời như buổi khuya không tìm thấy buổi mai

im lìm rực rỡ

tôi dừng lại một bến quen

với hành lý là cái bóng của ai khác

những tên gọi lẫn vào nhau trong ánh đèn vàng võ:

Ba Tri Gành Hào Rạch Gốc

hay Châu Đốc Mỹ Tho

cho đến khi không còn địa danh nào hiện ra

một mình một chuyến xe không người

từ miền Đông xuôi miền Tây

mấy bận ngắm mặt trời mọc

cùng dăm hành khách đã chết.

 

3

Tôi trò chuyện với mấy ông già

khi mưa rơi dày như bèo trên mặt sông

mà đời ở trong này quanh quẩn cái chòi con

trà trơ bã

rượu dăm ly suông

có chi đâu nhiều nhặn

thế sự xoay vần con nước

sông mấy bận đổi dòng

người sống như lúa chết như tôm cá

chữ viết trên bùn trên bãi

trên rìa cỏ bám quanh chân mộ

tôi đi như kẻ lạc thuyền ghe

thương hồ lọt chọt

một bữa hai bữa

dăm ba bữa

chỉ để dò thăm tung tích một người

có khi xuống bưng biền hay ra tận doi đất cuối cùng

vẫn chưa tỏ lòng mình đã là sương hay nắng.

 

4

Rất có thể một đôi lần có thể

tôi đã ghé chỗ em từng ghé

rốt cuộc chúng ta chỉ còn là chuyện vãn

trên môi người đàn bà bên cổng chợ

mà đời nhiều phen ly loạn

đêm qua tôi ngủ mơ thấy sông đổi hướng

chảy ngược về Sài Gòn

đám đông thành cá bơi qua một thi thể dưới chân cầu

nước trôi mặc chúng ta đứng lại

miên viễn lặng câm

trên bờ lau trắng như một đoạn trong bài thơ

tôi đã không viết gì thêm

chỉ xoá bỏ chối từ

em ở đây còn tôi đâu?

 

(1): lời nhạc của Bắc Sơn

 

Khoảng cách

 

Tôi chôn lên trời những thứ không thể vùi xuống đất:

ánh mắt cuối

cái vẫy tay chia biệt

bóng người ngược sáng

nắng hấp háy bao điều không thể nói.

 

Phần còn lại đất sẽ nhận về:

thân thể, tấm vải liệm

gỗ như tay như chân

hoa như mắt như miệng.

 

Những thứ có thể chạm vào và không thể chạm vào

từng làm nên một đời người

giờ đây nằm ở hai nghĩa trang khác nhau

cách biệt bằng dương thế.

 

Người còn sống sẽ phải học cách tin

- không phải vào chính họ -

mà vào sự im lặng kéo dài

của ánh bạch lạp rọi xuống trang kinh trắng.

 

Chữ là vết sẹo đời

tạc lên những văn bia.

 

Từ một tấm ảnh gia đình

 

Tôi nửa muốn đi qua khung ảnh để bước vào

nửa lại không

cần quyền phép của sự trở về

để biến những ngập ngừng thành hiệu ứng

đặt vào phông nền phía sau một thứ không tên

trang trí cho phần vắng im của số phận.

 

Tất cả chỉ là nhát cắt dọc chiêm bao

đổ thời gian xuống bề mặt không gian

còn cách nào ngoài việc khẽ chạm từng hình bóng

để cảm nhận sức nặng kí ức

bám trên đầu mỗi ngón tay như bụi.

 

Mỗi tiếng vọng dài là một ảo giác câm.

giờ đây từ mắt tôi đến mắt họ:

nhịp cầu mờ nhòe của tình thâm và máu mủ

ngôn ngữ lùi xa hơn những lời thầm

tháng năm vây quanh một ánh nhìn sầu khổ

vệt chân chim hằn sâu trên gương mặt cha mẹ

nụ cười xuân sắc của chị gái

sức vóc các anh trai và anh rể

sự ngạc nhiên không thôi về thế giới của đứa cháu lên ba.

 

Không mở lời

tôi sẽ chẳng mở lời -

bổn phận mến thương của cái cây, tảng đá

hay cổng chào ngày cưới đơn sơ -

chúng ta biết nói gì với nhau

những được-mất phi lý về sau

những có-không, biệt ly-đoàn tụ?

 

Nhưng sự thật ở lại và mãi luôn ở đó

trên mặt trái của một chiếc đồng xu:

cuộc trở về cho những kẻ chớm già

đã bắt đầu từ cái nhìn thơ trẻ

đầy háo hức về những khả thể của cuộc đời phía trước.

 

L. V