Thứ Ba, 24 tháng 12, 2024

Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông (kỳ 28)

Tác giả: Lê Oa Đằng

Việt dịch: Phan Văn Song

This image has an empty alt attribute; its file name is image-61.png

VI.12. Đảo nhân tạo và tự do hàng hải

Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn

Ngày 14/5/2014, đúng lúc thế giới đang dồn mắt vào sự kiện Giàn khoan HD 981 và bạo động chống Trung Quốc nổ ra ở Việt Nam thì Philippines công bố một tin sửng sốt hơn: Trung Quốc đang ‘lấp biển làm đồng’ quy mô lớn trên đá Gạc Ma (đảo Xích Qua), đồng thời xây dựng đường băng, với ý đồ xây dựng căn cứ quân sự mô hình lớn tại biển Đông.[1217] Khác với nhà giàn do các nước quanh biển Đông xây dựng trên các bãi đá trước đây, quy mô xây dựng của Trung Quốc trên đá Gạc Ma lớn chưa từng thấy trước đây, sau khi hoàn thành nó sẽ trở thành đảo nhân tạo có diện tích 30 ha (0,3 km2). Philippines cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị xây đường băng trên đảo này.[1218]

Tháng 4, Philippines đã phát hiện hành vi xây đảo của Trung Quốc và đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc.[1219] Philippines chỉ rõ rằng hành vi của Trung Quốc vi phạm “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông” năm 2002. Về mặt kĩ thuật, cáo buộc này không có cơ sở. Trong “Tuyên bố” chỉ quy định các nước “không được cư trú trên các đảo, bãi đá, bãi ngầm, cồn cát hoặc cấu tạo tự nhiên hiện không có người ở.” Do đá Gạc Ma đã có nhà giàn từ trước nên hành vi của Trung Quốc không được tính là vi phạm. Tuy nhiên, xét đến việc chưa từng có nước nào xây dựng đảo nhân tạo với quy mô lớn như vậy ở biển Đông, hành vi của Trung Quốc đã gây kích động đến các nước.

Thực ra, việc xây dựng đảo ở Trường Sa không phải ý đồ nhất thời của Trung Quốc. Ngay từ năm 2012, trang mạng tàu thuyền Trung Quốc (China Shipping Network) đã có mời thầu qua “thư tỏ ý muốn hợp tác vận chuyển cung cấp cát cho công trình lấp biển tại quần đảo Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa”.[1220] (Hình 79). Khi đó, quy hoạch xây đảo tại Trường Sa đã cơ bản hoàn thành. Theo ước tính, công trình xây dựng đảo của Trung Quốc đã tiến hành khoảng 9 tháng trước khi bị Philippines tiết lộ.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-141.png

Hình 79: Thông báo mời thầu của Trung Quốc – Hình tải từ trên Mạng Tàu thuyền Trung Quốc

Ngày 5/6, Philippines lại phát hiện Trung Quốc chuẩn bị xây đảo trên đá Gaven (Nam Huân) và đá Châu Viên (Hoa Dương). Hơn thế, các nước nhanh chóng phát hiện ra Trung Quốc hầu như đã xây đảo quy mô lớn đồng thời trên hầu hết các bãi đá và bãi triều thấp mà họ đang kiểm soát thực tế. Qua quan sát các hình ảnh vệ tinh của Google Earth, gần như cứ sau một khoảng thời gian lại có những thay đổi mới về hình dạng của các đảo và rạn san hô liên quan.

Việc xây dựng đảo ở biển Đông thể hiện năng lực công trình đáng kinh ngạc của Trung Quốc. Công nghệ được Trung Quốc sử dụng là thổi cát lấp biển hoặc san lấp mặt bằng,[1221] tức là dùng phương pháp thổi cát xung quanh điểm lấp biển để cát tích tụ tạo ra mặt bằng. Nó khác với cách vận chuyển đất hay cát lấy được từ chỗ khác mang đến theo truyền thống mà là dùng máy bơm (có nơi dùng ống dài) trên tàu hút nước lẫn bùn hay nước lẫn cát dưới đáy biển từ bên ngoài thổi vào nơi cần san lấp. Nước biển chảy đi, cát còn đọng lại, mặt biển trong vùng cần san lấp dần dần được lấp đầy bởi lượng cát không ngừng thổi tới. Những nơi cần san lấp có khoảng cách gần thì không cần dùng vòi thổi, những nơi xa thì tùy cự ly mà dùng vòi dài hay ngắn, vòi thổi dài nhất có thể lên tới hơn 500 m. Sau khi lấp thành mặt bằng lại tiếp tục dùng máy đầm nện chặt.[1222] Công cụ quan trọng nhất trong công trình là tàu nạo vét hút cắt có tên “Thiên Kình”, do Công tuy hữu hạn Cục Đường thuỷ Thiên Tân đầu tư, liên kết với trường Đại học Giao thông Thượng Hải và Công ty VOSTA LMG của Đức tiến hành thiết kế, được đóng tại Công ty hữu hạn Cục công nghiệp nặng (Thâm Quyến), công suất và khả năng nạo vét đứng đầu Châu Á, thứ ba thế giới.[1223]

Trong vòng chưa đầy hai năm, Trung Quốc đã xây xong 7 đảo nhân tạo quy mô lớn ở biển Đông, bao gồm: đá Gạc Ma [Xích Qua] (từ mùa đông năm 2013 đến mùa hè năm 2014), đá Gaven [Nam Huân] (từ mùa đông 2013 đến 11/2014), đá Tư Nghĩa [Đông Môn] (mùa đông năm 2013 đến 1/2015), đá Châu Viên [Hoa Dương](khoảng 1/2014 đến 4-/2015 hoàn thành việc phun cát), đá Chữ Thập [Vĩnh Thử] (khoảng 1/2014 đến 5/2015), đá Subi [Chữ Bích] (1-6/2015), đá Vành Khăn [Mĩ Tế] (1-6/2015). Trong số các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ, chỉ có bãi Én Đất [An Đạt] là chưa bồi đắp. Đến tháng 6/2015, Trung Quốc tuyên bố ngừng thổi cát lấp biển, 7 đảo nhân tạo hình thành dưới dạng 3 lớn, 4 nhỏ. Bốn đảo nhân tạo nhỏ bao gồm: Gạc Ma (0,102 km2), đá Gaven (0,18 km2), Tư Nghĩa (0,08 km2), Châu Viên (0,28 km2). Ba đảo lớn gồm: Chữ Thập (2,8 km2), Subi (4,1 km2) và Vành Khăn (5,6 km2). Diện tích 3 đảo nhân tạo này đều lớn hơn rất nhiều so với hòn đảo tự nhiên lớn nhất là đảo Ba Bình (Thái Bình)[1224] ở Trường Sa, diện tích đảo Ba Bình chưa bằng 1/10 đảo nhân tạo Vành Khăn.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-142.png

Hình 80: So sánh diện tích các đảo nhân tạo của Trung Quốc

This image has an empty alt attribute; its file name is image-143.png

Hình 81: Sự biến đổi của đá Chữ Thập

This image has an empty alt attribute; its file name is image-145.png

Hình 82: Sự biến đổi của đá Vành Khăn (bên trái) và đá Xubi (bên phải)

Ba đảo nhân tạo lớn được bố trí theo hình chữ “phẩm” (品), đều có sân bay lớn. Ngày 2/1/2016, máy bay dân dụng tiến hành bay thử trên đảo hoàn thành sớm nhất là đá Vĩnh Thử (Chữ Thập). Trên đảo có đường băng dài 3 000m, chất lượng ngang với đường băng sân bay Bắc Kinh, máy bay hành khách, máy bay chở hàng và máy bay quân sự đều có thể lên xuống. Sân bay trên hai đảo lớn khác cũng có quy mô tương tự. Đá Chữ Thập được cho là sẽ trở thành trung tâm quân sự của Trường Sa,[1225] đá Subi sẽ trở thành trung tâm chính trị,[1226], đá Vành Khăn sẽ trở thành trung tâm quản lí nghề cá.[1227] Một bến tàu đã được xây dựng ở phía đông đá Chữ Thập, tàu chở dầu cỡ lớn và tàu hải quân có thể neo đậu ở đó.

Từ khi việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc bị phanh phui, các nước đều hết sức quan tâm và cho rằng Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát thực tế, từng bước làm thay đổi hiện trạng ở biển Đông, đây cũng là bước chuẩn bị để thiết lập ADIZ ở biển Đông. Nhờ có 3 sân bay lớn nên tầm kiểm soát của Trung Quốc có thể mở rộng tới 2 000 hải lí, về cơ bản máy bay quân sự có thể bao quát toàn bộ khu vực đường 9 đoạn, đủ điều kiện vật chất để thiết lập ADIZ. Điều đó sẽ làm biến đổi căn bản tình hình biển Đông.

Do đó, mỗi lần giới truyền thông phát hiện Trung Quốc mở rộng xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa là mỗi lần dẫn đến sự phản đối và quan ngại của các nước. Nhưng lần nào Trung Quốc cũng phản bác: xây dựng đảo nhân tạo trên các đảo đá là công việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, các nước không có quyền can thiệp. Mãi đến ngày 9/4/2015, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới nói rõ lần đầu tiên tình hình Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở biển Đông: “Công việc xây dựng có liên quan thuộc phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, là việc làm hợp tình, hợp lí, hợp pháp, không gây ảnh hưởng, cũng không nhằm vào bất kì quốc gia nào, không thể trách cứ được.” “Sau khi mở rộng, các đảo / đá ở Nam Sa sẽ có chức năng mang tính đa diện, tổng hợp, ngoài việc đáp ứng nhu cầu phòng vệ quân sự, tất yếu còn phục vụ nhiều nhu cầu dân sự khác nhau.” Đáp lại cáo buộc của các nhóm môi trường rằng các đảo nhân tạo phá huỷ môi trường tự nhiên, người phát ngôn nêu rõ: “Các công trình mở rộng đảo / đá của Trung Quốc đã trải qua quá trình đánh giá khoa học và luận chứng nghiêm túc, coi trọng cả xây dựng lẫn bảo vệ, có các tiêu chuẩn và yêu cầu môi trường nghiêm ngặt, có tính toán đầy đủ đến các vấn đề như môi trường sinh thái và bảo vệ nghề cá, và không gây tổn hại đến môi trường sinh thái của Nam Hải.” Sau cùng, Trung Quốc còn cáo buộc lại Mĩ và các nước sử dụng tiêu chuẩn kép, vì “Chúng tôi thấy một số quốc gia không hề lên tiếng đối với hành vi xây cất lớn nhiều năm nay trên đảo / đá ở Nam Sa mà họ xâm chiếm trái phép của Trung Quốc, nhưng lại đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về các hành động bình thường, do Trung Quốc tiến hành trên lãnh thổ của mình, đây hoàn toàn là đang sử dụng tiêu chuẩn kép, không công bằng, không có tính xây dựng.”[1228]

Tại sao đảo nhân tạo lại gây tranh cãi như vậy

Rõ ràng, như Trung Quốc phản bác, lấp biển tạo đảo không phải việc một mình Trung Quốc làm. Trước khi Trung Quốc lấp biển, Malaysia đã xây đảo nhân tạo trên bãi Swallow (đá Hoa Lau), biến nó thành điểm du lịch quốc tế, một trong những đảo nhân tạo lớn nhất. Philippines, Việt Nam, thậm chí Đài Loan cũng là những tiền lệ bồi lấp biển tại các đảo đang chiếm đóng. Vậy tại sao việc lấp biển tạo đảo của Trung Quốc lại bị phản đối mạnh mẽ như vậy?

Bởi vì, việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc khác về bản chất với việc xây dựng đảo nhân tạo của các nước khác:

Thứ nhất, mặc dù Philippines, Việt Nam và Đài Loan có lấp biển tạo đảo, nhưng là trên nền các đảo tự nhiên, không làm thay đổi đáng kể địa hình của đảo. Hơn thế, đó chỉ là mở rộng diện tích chút ít nhằm đáp ứng nhu cầu của một số công trình. Trước khi tiến hành xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn, Trung Quốc cũng tiến hành các công trình lấp biển như vậy. Do những chỗ Trung Quốc chiếm lấy đều là các bãi đá hoặc bãi triều thấp, thậm chí là các bãi ngầm, nếu không lấp biển thì làm sao có chỗ đóng quân? Có thể thấy, lấp biển với quy mô nhỏ thì sẽ không bị phản đối mạnh như vậy.

Ngược lại, trong một thời gian rất ngắn, Trung Quốc tiến hành xây dựng đảo nhân tạo với quy mô cực lớn, vượt xa các nước khác. Chẳng hạn, Việt Nam chỉ bồi đắp 60 mẫu Anh trên đảo Trường Sa Lớn (Nam Uy) trong 5 năm; Malaysia bồi đắp 60 mẫu Anh trong thời gian 30 năm. Nhưng Trung Quốc bồi đắp 3 000 mẫu Anh (hơn 12 km2) chỉ trong 18 tháng.[1229] Hơn nữa, nền móng xây dựng của một số đảo nhân tạo thậm chí không liên quan đến kiến trúc nhân tạo ban đầu. Những đảo nhân tạo mới này đã thay đổi hoàn toàn diện mạo ban đầu của những cấu trúc này. Chúng hoàn toàn khác với việc lấp biển của Trung Quốc trước đây và việc lấp biển của các nước khác. Vì thế, đây không phải là vấn đề lấp biển nhiều hay ít mà là sự khác biệt về bản chất giữa việc bồi đắp nhỏ trên nền vốn có với việc xây dựng đảo hoàn toàn mới.

Thứ hai, lực lượng quân sự trên đảo của các nước khác rất ít, cơ bản chỉ để phòng thủ, thậm chí chỉ là trú đóng tượng trưng. Đá Hoa Lau của Malaysia chỉ thuần túy là một khu du lịch . Đảo Trường Sa Lớn - Việt Nam, đảo Thị Tứ - Philippines và đảo Thái Bình - Đài Loan, mặc dù đều có một số nhất định quân trú đóng và cũng có đường băng trên đảo, nhưng quy mô sân bay rất nhỏ, đường băng 1 500m, chỉ có thể sử dụng cho máy bay loại nhỏ. Còn ba đảo nhân tạo lớn của Trung Quốc đều có thể trở thành trung tâm tấn công quân sự, không thể không khiến các nước lo ngại.

Thứ ba, yêu sách của các nước đối với biển Đông về cơ bản đều tuân thủ luật quốc tế, mục tiêu ở biển Đông có hạn và có thể đoán được. Chỉ có Trung Quốc ngầm yêu sách “kiểm soát” toàn bộ vùng biển trong đường 9 đoạn (mặc dù Trung Quốc không thừa nhận, nhưng cũng chưa từng phủ nhận điều này với bên ngoài). Những năm gần đây, sách lược bành trướng ở biển Đông của Trung Quốc bị thế giới hình dung là “tằm ăn lá dâu” (salami slicing tactics), tức là từng bước tiến tới đạt mục tiêu chiến lược kiểm soát toàn bộ biển Đông là điều vô cùng đáng lo ngại.

Thứ tư, Sau khi xây dựng sân bay trên 3 đảo nhân tạo lớn, Trung Quốc có thể hiện thực hóa ADIZ giám sát toàn bộ biển Đông, gây ra mối đe dọa lớn đối với tự do hàng hải ở biển Đông. Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh, thậm chí đích thân Tập Cận Bình cũng nói rằng “tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông xưa nay không có vấn đề gì, sau này cũng không có vấn đề gì.”[1230] Nhưng, đó là cách nói che đậy bản chất vấn đề: tự do hàng hải là quyền tự do được luật pháp quốc tế bảo đảm chứ không phải do bất kì quốc gia nào ban phát. Theo Công ước Luật biển Liên Hiệp quốc, hầu hết các khu vực của biển Đông là vùng biển chung (high seas) hoặc là vùng đặc quyền kinh tế của một nước nào đó. Về vấn đề tự do hàng hải thì vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển chung là như nhau (điều 56, 58 và 87). Vì thế, không có nước nào có quyền kiểm soát đối với hầu hết các khu vực của biển Đông. Điều này và việc Trung Quốc có quyền kiểm soát mà không ai được can dự là hai việc khác nhau về bản chất. Nếu ADIZ ở biển Đông giống như ở biển Hoa Đông, trước khi bay vào máy bay nước ngoài phải thông báo trước và được sự đồng ý của Trung Quốc, đồng thời phải chịu sự quản lí của Trung Quốc. Khi đó, đúng như Mĩ đã chỉ ra, tự do hàng hải mà các nước được hưởng xưa nay bỗng biến thành thứ “tự do” do Trung Quốc “bố thí”, tuyệt nhiên không phải là tự do hàng hải đích thực. Bởi vì Trung Quốc ban phát “tự do” này thì cũng có thể lấy nó lại.

Thứ năm, hành vi của Trung Quốc ở biển Đông vi phạm “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông”, làm gia tăng tình trạng căng thẳng trên biển. Mặc dù nói một cách nghiêm túc, việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên các đảo đá đã có các kiến trúc nhân tạo không vi phạm điều 5 trong “Tuyên bố chung”. Nhưng xây dựng với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử thì thực sự làm tình hình biển Đông thêm căng thẳng.

Thứ sáu, trước khi xây dựng đảo quy mô lớn, Trung Quốc không tính đến tác động đối với môi trường. Ngay cả xét theo thủ tục trong nước của Trung Quốc, việc xây dựng đó đã vi phạm quy định của “Luật đánh giá tác động môi trường”. Điều 3 trong Luật này quy định: “Mọi quy hoạch thuộc phạm vi quy định trong điều 9 của Luật này, khi xây dựng các công trình có ảnh hưởng đến môi trường trong lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và trong vùng biển do nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kiểm soát thì đều phải được đánh giá theo quy định của Luật này.”[1231] Bộ Bảo vệ môi trường phải công bố kết quả thẩm định và phê duyệt đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, công trình tạo đảo trên một vùng biển lớn như vậy nhưng lại không công khai việc đánh giá tác động môi trường trước, dư luận không có cách nào giám sát và phán xét. Đó là chưa kể việc đánh giá môi trường của Trung Quốc còn chịu sự can thiệp chính trị và kinh tế.[1232]

Tổ chức Môi trường cho rằng, Trung Quốc xây dựng đảo với quy mô lớn sẽ gây ra tác động thảm khốc đối với các rạn san hô.[1233] Tuy vào ngày 10/6/2015, Cục Hải dương Trung Quốc đã ra văn bản[1234] để phản bác rằng họ đã “thực hiện tất cả các biện pháp đối phó trong quá trình xây dựng để đảm bảo giảm thiểu tác động của việc nạo vét đối với môi trường sinh thái của san hô”, nhưng cũng thừa nhận rằng sau công trình cũng cần “triển khai biện pháp bổ trợ môi trường sinh thái và khôi phục quần thể các rạn san hô… thực hiện việc khôi phục quần thể các rạn san hô”, trong tiến trình này, “đối với các khu vực rạn san hô đã bị hư hại nghiêm trọng do thiên nhiên hoặc nhân tạo, nếu có những biện pháp hữu hiệu để khắc phục thì khoảng 5-10 năm có thể khôi phục sơ bộ, và 50-100 năm có thể khôi phục hoàn toàn một hệ sinh thái ưu việt, phức tạp và hoàn chỉnh.” Văn bản còn nêu, trước khi tạo đảo thì rạn san hô đã ở trong trạng thái “dưới mức mạnh khoẻ”, nhưng sau khi đảo được làm xong, nó vẫn ở trạng thái “dưới mức mạnh khỏe”. Ý đồ là cố lập luận rằng việc làm tổn hại đến san hô là không lớn. Cần chỉ ra rằng, khi văn bản trên được đưa ra thì việc tạo đảo của Trung Quốc chưa hoàn thành, hơn nữa tác động phá hoại rạn san hô có thể diễn ra chậm chạp.

Kế hoạch tự do hàng hải của Mĩ

Sau khi công khai thừa nhận việc xây dựng đảo nhân tạo, các nước Đông Nam Á cũng như Mĩ, Nhật Bản, Australia… đều gây áp lực với Trung Quốc, mong Trung Quốc ngừng xây dựng đảo nhân tạo và không gây bất ổn ở biển Đông. Nhưng Trung Quốc luôn giữ thái độ cứng rắn. Thêm vào đó là một loạt sự kiện xảy ra trên biển giữa Trung Quốc và Mĩ từ năm 2014-2015, Mĩ ngày càng cảm thấy quyền tự do hàng hải ở biển Đông bị đe dọa..

Đồng thời với việc xây đảo nhân tạo, Trung Quốc còn tăng cường kiểm soát thực tế đối ở biển Đông. Ngày 5/12/2013, khi đang thu thập thông tin về cuộc diễn tập của tàu sân bay hải quân Liêu Ninh Trung Quốc ở khoảng cách gần, tàu tuần dương tên lửa Mĩ USS Cowpens (CG-63) đã bị một tàu chiến đổ bộ của Trung Quốc “chặn mặt”. Tàu chiến Trung Quốc phát tín hiệu cảnh báo yêu cầu tàu Cowpens dừng lại, tàu Mĩ từ chối lệnh dừng và tiếp tục hành trình. Sau đó, một tàu chiến đổ bộ của Trung Quốc liền lao lên trước chặn tàu Cowpens lại, buộc tàu Mĩ phải đổi hướng đột ngột, khoảng cách của hai tàu có lúc chỉ 76 m. Quan chức Mĩ gọi đây là “hành động nguy hiểm”, còn phía Trung Quốc thì cho rằng tàu Mĩ đi vào vùng diễn tập đã được thông báo trước của tàu sân bay Trung Quốc nên không thể không buộc tàu Mĩ dừng lại.[1235]

Ngày 19/8/2014, một chiếc máy bay tuần tra P-8 của Mĩ bay đến vùng trời cách phía đông đảo Hải Nam 220 km tiến hành trinh sát gần. Một máy bay tiêm kích hải quân Trung Quốc J-11b áp sát và lộn nhào khi chặn đầu máy bay Mĩ, phô trương trang thiết bị tên lửa trước máy bay Mĩ. Khoảng cách giữa hai máy bay có lúc chỉ khoảng 6m. Sau sự việc, quan chức Lầu 5 góc cho biết: “Máy bay chiến đấu Trung Quốc đã thực hiện động tác táo tợn, thân máy bay nghiêng 90° khi luồn qua đầu máy bay tuần tra của Mĩ, nhằm phô trương vũ khí dưới thân máy bay. Sau đó, máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay kèm bên hông máy bay Mĩ, cánh máy bay hai bên có lúc chỉ cách nhau 30 Ft (9,1 m).” Lầu 5 góc còn cho biết thêm, sau đó máy bay chiến đấu Trung Quốc làm động tác nhào lộn một vòng phía trên chiếc máy bay tuần tra của Mĩ, khi nó bay qua, hai chiếc máy bay chỉ cách nhau 45 Ft (13,72 m). Bộ Quốc phòng Mĩ nói, động tác của máy bay Trung Quốc rất không chuyên nghiệp, nguy hiểm và vi phạm quy định quốc tế. Phó Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Rhodes gọi hành động của máy bay chiến đấu Trung Quốc là “khiêu khích rất đáng lo ngại”, và Mĩ đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc t qua kênh ngoại giao.[1236]

Tối 23/8, trang mạng chính thức của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đăng tuyên bố của người phát ngôn Dương Vũ Quân. Tuyên bố nêu rõ, lúc 9:00 sáng ngày 19, một máy bay chống tàu ngầm P-3 và một máy bay tuần tra P-8 của Mĩ bay vào vùng trời cách đảo Hải Nam 220 km về phía đông để tiến hành hoạt động trinh sát gần. Máy bay tiêm kích hải quân Trung Quốc J-11b cất cánh tiến hành công việc nhận dạng, xác minh thông thường. Thao tác liên quan của phi công Trung Quốc là chuyên nghiệp và giữ khoảng cách an toàn với máy bay Mĩ.

Có nhà bình luận quân sự cho rằng: sự việc xảy ra như một phiên bản của cuộc va chạm giữa máy bay Trung Quốc và máy bay Mĩ năm 2001, chỉ khác là “lần này không xảy ra sự cố”. Hành vi này của Trung Quốc gần như một sự phô trương, vượt quá giới hạn cần thiết cho việc xua đuổi, nguy hiểm khó chấp nhận.[1237]

Ngày 11/5/2015, khi tàu chiến USS Fort Worth (LCS-3) chạy đến gần đảo Trường Sa Lớn thì bị tàu hộ vệ hải quân Trung Quốc Diêm Thành bám theo.[1238] Đây là lần đầu tiên tàu chiến Mĩ đi vào gần đảo Trường Sa Lớn do Việt Nam kiểm soát, việc tàu chiến Trung Quốc bám đuôi như vậy không khỏi làm người ta chú ý. Quân đội Mĩ cho biết hai bên tuân thủ “quy tắc ứng xử khi gặp nhau ngoài ý muốn”, tiến hành trao đổi mang tính chuyên nghiệp, không tạo thành xung đột.

Ngày 3/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh, để ứng phó với mọi hành vi xâm phạm chủ quyền và đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc, phía Trung Quốc tiếp tục giám sát tình hình trên biển và trên không có liên quan . Dưới tác động đồng thời của nhiều nhân tố, đầu tháng 5/2015, Bộ Quốc phòng Mĩ công bố “Báo cáo về quân sự Trung Quốc và tình hình phát triển an ninh”, nêu rõ do năm 2015 Trung Quốc tăng cường xây đảo tại biển Đông,[1239] nên Mĩ phải tính đến phương thức khác để đối phó với Trung Quốc.

Ngày 20/5, một quan chức dấu tên Bộ Quốc phòng Mĩ tiết lộ rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mĩ Carter yđã yêu cầu xem xét các phương án ứng phó bao gồm: điều máy bay trinh sát hải quân đến các đảo / đá đang tranh chấp của Trung Quốc ở biển Đông, và phái tàu chiến tuần tra trong phạm vi 12 hải lí của các đảo / đá có liên quan.[1240] Ngày 16/5, trước ngày thăm Trung Quốc, Kerry tuyên bố cần cho Trung Quốc “hiểu cặn kẽ” mức độ nghiêm trọng của vấn đề này. Tuy nhiên, trong suốt chuyến thăm, sau khi gặp mặt Lí Khắc Cường và Phó Chủ tịch Quân Uỷ Trung ương Phạm Trường Long, ông còn nghe tuyên bố cứng rắn của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị: “việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và lãnh thổ của Trung Quốc vững như hòn đá tảng, không hề lay chuyển.”[1241] Trung Quốc không hề nhượng bộ. Ngày 20/5, máy bay trinh sát P-8A của Mĩ tuần tra tại khu vực gần đảo Hải Nam, chở theo nhà báo Erin Burnett hãng CNN. Nhà báo CNN ghi lại toàn bộ quá trình tuần tra, đồng thời chụp hình lại toàn bộ hiện trạng công trình trên các đảo của Trung Quốc.[1242] Các cuộc tuần tra như vậy của Mĩ diễn ra thường xuyên nhưng rất ít công khai, hơn nữa việc mời nhà báo đưa tin mới chỉ là lần đầu tiên trong suốt mấy năm qua. Hành động của Mĩ vẫn còn chừa chỗ, chẳng hạn không đi vào khu vực cách đảo 12 hải lí, điều đó dường như đã được Kerry và lãnh đạo Trung Quốc ngầm thỏa thuận. Tuy nhiên sau đó, phía quân đội Mĩ cũng tuyên bố: không loại trừ sau này sẽ tiến vào phạm vi 12 hải lí. Tuyên bố đó lại vấp phải sự phản kháng quyết liệt của Trung Quốc.

Trước phản kháng từ phía Trung Quốc, ngày 28/5, dự lễ nhậm chức Tư lệnh mới của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mĩ Harris tại Hawaii, bộ trưởng quốc phòng Mĩ Carter hối thúc: “Trung Quốc và các nước liên quan lập tức ngừng hoạt động lấp biển xây đảo ở biển Đông, đồng thời kêu gọi các quốc gia liên quan ngừng xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo tranh chấp và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Và Mĩ sẽ tiếp tục tiến hành tuần tra tại biển Đông theo quy định luật pháp quốc tế.”[1243] Đây là lần đầu tiên Mĩ nêu rõ yêu cầu Trung Quốc dừng xây đảo. Trong Đối thoại Shangri La sau đó ít lâu, Trung Quốc lại trở thành tiêu điểm tranh cãi. Carter một lần nữa yêu cầu Trung Quốc dừng các công trình xây dựng đảo và nói: Mĩ không có ý quân sự hóa tranh chấp biển Đông, nhưng cũng đảm bảo “không ai có thể ngăn cản” quyền tự do hàng hải của tàu bè Mĩ tại biển Đông.[1244] Trước dư luận và áp lực quốc tế, cuối cùng, ngày 16/6 Trung Quốc thông báo: “Trung Quốc sẽ hoàn thành các công trình bồi đắp trên các đảo có trú đóng tại quần đảo Nam Sa vào thời gian tới.” Sau đó lại tuyên bố: “Sau khi hoàn thành việc bồi đắp, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng các cơ sở đáp ứng các chức năng liên quan trong giai đoạn tiếp theo”[1245] Rốt cục, liệu Trung Quốc dừng xây đảo do áp lực từ phía Mĩ hay Trung Quốc đã hoàn thành việc xây đảo theo kế hoạch, đó vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Đương nhiên, có khả năng Trung Quốc và Mĩ đã đạt được thỏa thuận ngầm: Mĩ chỉ yêu cầu Trung Quốc ngừng xây dựng đảo khi dự án sắp hoàn thành, nhằm giữ thể diện cho nhau.

Nhiều người cho rằng bước đi tiếp theo của Trung Quốc sau xây dựng đảo là tiến hành quân sự hóa và tuyên bố thiết lập ADIZ ở biển Đông với ý đồ củng cố “chủ quyền” đối với đường 9 đoạn.[1246] Nhưng, sau khi tuyên bố ngừng xây đảo, Trung Quốc có tiến hành quân sự hóa hay không đã trở thành tiêu điểm gai góc với các bên.

Ngày 4/8, trong thời gian diễn ra Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Kuala Lumpur, Ngoại trưởng các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mĩ, Nga, Triều Tiên và Australia cũng được mời tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN. Việc Trung Quốc xây đảo ở biển Đông vẫn trở thành tiêu điểm của Hội nghị. Các nước dự Hội nghị tuy không phê phán đích danh Trung Quốc, nhưng đều lần lượt chỉ ra rằng, hành vi lấp biển xây đảo đã phá hoại sự ổn định ở biển Đông. Nước chủ nhà Malaysia phê phán “bên xây đảo không chịu thảo luận và giải quyết vấn đề gai góc này với các nước láng giềng”; Mĩ đề xuất “đồng thuận 3 dừng” ở biển Đông: dừng lấp biển, dừng xây dựng cơ sở, dừng hành động uy hiếp, đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của Philippines; Australia biểu thị sự quan ngại cao độ trước tình trạng leo thang ở biển Đông. Cuối cùng, Tuyên bố chung Diễn đàn khu vực ASEAN bổ sung thêm các từ ngữ như: “quan ngại về vấn đề xây dựng đảo ở biển Đông”; “thúc giục kiềm chế các hành động đơn phương”...[1247]

Ngày 5/8, Ngoại trưởng Mĩ Kerry trực tiếp đề nghị Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dừng xây dựng cơ sở trên các đảo nhân tạo ở biển Đông,[1248] nhưng bị Vương Nghị phản bác là “không thực tế”.[1249]

Sau đó, quân đội Mĩ đề xuất lại kế hoạch đưa tàu tuần tra vào trong phạm vi 12 hải lí của các đảo / đá do Trung Quốc kiểm soát ở biển Đông, nhưng nội bộ Chính phủ Mĩ có ý kiến tranh cãi về vấn đề này. Phái cứng rắn do quân đội đứng đầu nhiều lần thúc giục đưa tàu tuần tra. Nhưng phái ôn hòa do Obama đứng đầu lại trù trừ, không quyết tâm. Cuối tháng 9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Mĩ và hội kiến với Obama, đem đến cơ hội cuối cùng.

Theo hãng Thông tấn Kyodo của Nhật Bản, trước bữa tiệc công khai vào tối 25/9, Obama đã bố trí bữa tiệc tối riêng. Để có thể thảo luận cởi mở về mọi vấn đề giữa Hoa Kì và Trung Quốc, chỉ có một số rất nhỏ những người thân tín của hai nhà lãnh đạo tối cao của Hoa Kì và Trung Quốc tham dự. Các nguồn tin cho biết ngoài hai nguyên thủ quốc gia, phía Mĩ có Phó Tổng thống Biden, Ngoại trưởng Kerry, Trợ lí an ninh quốc gia Rice và Đại sứ Mĩ tại Trung Quốc Baucus; về phía Trung Quốc có Uỷ viên Quốc vụ viện phụ trách công tác ngoại gia Dương Khiết Trì, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng nghiên cứu chính sách Trung ương Đảng Vương Hỗ Ninh và Đại sứ Trung Quốc tại Mĩ Thôi Thiên Khải. Trong bữa tiệc tối kéo dài ba tiếng đồng hồ, vấn đề biển Đông được Obama nói tới nhiều nhất.[1250]

Obama nhiều lần nhấn mạnh: “Mĩ tuyệt đối không thể chấp nhận việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo và cơ sở quân sự ở biển Đông”, đồng thời kêu gọi Trung Quốc “dừng lại ở đó”. Nhưng Tập Cận Bình nói: “Những nơi đó là lãnh thổ của Trung Quốc”. Hai bên đã tranh luận gay gắt nhưng không đạt được bất kì kết quả nào về vấn đề biển Đông. Ngày 25/9, hai bên họp báo chung, so với danh mục đàm phán mà hai bên đưa ra từ trước, có thể nói vấn đề an ninh biển Hoa Đông và biển Đông không đạt được tiến triển nào. Các nguồn tin cho biết sau bữa tối, trong cơn tức giận, Obama đã yêu cầu những người thân tín của mình liên lạc với Harris, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kì, và nói ngay tại chỗ rằng ông ta "phê chuẩn hoạt động tác chiến ở biển Đông”. Sự thật đúng sai cụ thể thế nào không thể xác định được, nhưng về mâu thuẫn giữa Nhà Trắng và quân đội về vấn đề này, và về quyết định cuối cùng được đưa ra sau chuyến thăm Hoa Kì của Tập Cận Bình thì được các báo cáo khác hậu thuẫn.[1251]

Bắt đầu từ đầu tháng 10, Mĩ liên tục tuyên bố mạnh mẽ sẽ “sớm bắt đầu” tiến hành hoạt động tuần tra trong phạm vi 12 hải lí quanh các đảo do Trung Quốc chiếm đóng nhằm thể hiện lập trường “không thừa nhận lãnh hải có được từ các đảo nhân tạo”, nhưng hành động cụ thể được giữ bí mật. Thiếu tướng hải quân Trung Quốc đã đăng một bài trên “Báo Hoàn Cầu”, nói rằng Trung Quốc sẽ “đối đầu đáp trả.”[1252] Ngày 17/10, Mĩ lên giọng tuyên bố răng tàu khu trục USS Lassen đã tiến vào phạm vi 12 hải lí của đá Subi, không thông báo trước và cũng không vấp phải sự ngăn cản nào của phía Trung Quốc.

Kế hoạch tự do hàng hải

Mặc dù lần này Mĩ thực hiện kế hoạch tự do hàng hải tại biển Đông (Freedom of Navigation Program), mục đích là không thừa nhận các đảo nhân tạo tại biển Đông, nhưng điều cần chỉ ra là, kế hoạch tự do hàng hải của Mĩ không phải chỉ nhằm cụ thể vào Trung Quốc mà từ năm 1979, Mĩ bắt đầu thực thi các kế hoạch mang tính pháp lí, ngoại giao và quân sự nhằm vào “yêu sách biển quá mức” của các nước ven biển, và duy trì truyền thống tự do hàng hải trên biển. Kể từ Chính phủ Carter, các chính phủ kế tiếp đều đã kế thừa và thực hiện kế hoạch này. Hàng năm, Mĩ căn cứ vào nhận định của mình về “yêu sách biển quá mức” của các nước và khu vực để triển khai hoạt động tự do hàng hải, thách thức các nước và khu vực đó bằng luật pháp, ngoại giao hay quân sự. Về mặt luật pháp, mỗi lần hành động theo kế hoạch tự do hàng hải đều tạo ra một ví dụ mới về tự do hàng hải trong khu vực đó, nhằm thể hiện Mĩ không thừa nhận về mặt ngoại giao “yêu sách biển quá mức”, đồng thời quyết tâm sử dụng biện pháp quân sự để bảo vệ và duy trì tự do hàng hải.

Điều đáng nói là, kế hoạch tự do hàng hải của Mĩ không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, điều nó nhằm tới là “yêu sách biển quá mức” chứ không nhằm vào các nước đối địch với Mĩ. Ngay cả các nước bạn bè nhưng chỉ cần Mĩ thấy rằng họ thể hiện “yêu sách biển quá mức” thì cũng bị áp dụng hành động đối kháng. Mĩ đã từng thực thi kế hoạch tự do hàng hải đối với Canada, Philippines và Hàn Quốc, thách thức các “yêu sách biển quá mức”. Kế hoạch tự do hàng hải cũng không liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, đồng thời cũng không thiên vị hay giúp đỡ các nước có yêu sách chủ quyền các đảo ở biển Đông.

Cũng cần chỉ ra rằng, mặc dù Mĩ không kí “Công ước Luật biển Liên Hiệp quốc” nhưng không có nghĩa là Mĩ không tuân thủ hoặc không có quyền thực hiện “tự do hàng hải” được Công ước quy định. Ngược lại, kế hoạch tự do hàng hải của Mĩ có đầy đủ căn cứ luật quốc tế và mỗi lần thực hiện đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của luật quốc tế.

Trước hết, Trước hết, tự do hàng hải là một nguyên tắc quốc tế được thiết lập từ thế kỉ 15 và không phải là thứ do Công ước ban tặng. Ngược lại, trong chừng mực nhất định, Công ước đã hạn chế quyền tự do này, Chẳng hạn, lãnh hải từ 3 hải lí theo thông lệ lúc đầu được mở rộng đến 12 hải lí, quy định nguyên tắc “đi qua vô hại”... Do đó, ngay cả Mĩ không kí kết Công ước thì vẫn có tự do hàng hải theo thông lệ quốc tế, hơn thế, thậm chí về mặt lí thuyết còn được hưởng tự do hàng hải nhiều hơn, vì nói một cách nghiêm túc, những hạn chế này của Công ước không có hiệu lực đối với Mĩ.

Thứ hai, tuy Mĩ không kí Công ước nhưng năm 1958 đã kí 4 công ước lớn như “Công ước về lãnh hải và khu vực tiếp giáp” hay “Công ước về các vùng biển chung”. Các công ước này hiện vẫn còn hiệu lực cho đến nay, hơn nữa Công ước 1982 thực ra là kế thừa các công ước này. Tự do hàng hải không phải do Công ước 1982 ban cho mà là điều vốn có từ xưa, hơn nữa còn được quy định thành văn trong các công ước năm 1958. Các quy định liên quan đến tự do hàng hải trong đó không mâu thuẫn với Công ước 1982. Hơn nữa, kế hoạch tự do hàng hải của Mĩ còn tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Công ước 1982 và 1958. Vì thế, không chấp nhận quyền tự do hàng hải của Hoa Kì chỉ vì nước này không kí Công ước 1982 là không hợp lí..

Thứ ba, Mĩ là nước có một hệ thống luật biển. Theo truyền thống luật pháp của Mĩ, các điều ước đa phương không được Hoa Kì kí kết vẫn có thể được áp dụng trực tiếp vào hệ thống pháp luật của Hoa Kì nếu chúng được coi là đã trở thành luật tập quán quốc tế. Ở Mĩ có nhiều vụ kiện áp dụng thành công loại luật quốc tế này, và đã thắng kiện trước chính phủ Mĩ. Vì vậy, ngay cả khi Mĩ chưa kí Công ước 1982, nếu kiện chính phủ Mĩ tại tòa án Mĩ về hành vi vi phạm Công ước 1982 trong một vụ kiện liên quan thì vẫn có nhiều khả năng thắng kiện.

Tự do hàng hải nhìn từ góc độ luật quốc tế

Hành động tự do hàng hải của Mĩ nhằm vào đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông phải đối mặt với nhiều vấn đề luật pháp phức tạp, vì vậy cũng cần xử lí một cách hữu hiệu và chính xác.[1253] Muốn thể hiện mục đích “không thừa nhận đảo nhân tạo, đảo nhân tạo không có tư cách có được lãnh hải”, Mĩ cần làm được hai việc:

Thứ nhất, lựa chọn đảo nhân tạo nào để đi đi vào phạm vi 12 hải lí? Điều 121 “Công ước Luật biển quốc tế” quy định: “Đảo là vùng đất hình thành tự nhiên, có biển bao quanh và nhô lên khỏi mặt nước khi triều cao”; hơn nữa, “những đảo đá không đảm bảo cho việc cư trú hay duy trì đời sống kinh tế cho con người thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”. Những đảo / đá do Trung Quốc chiếm không thỏa mãn điều kiện có vùng đặc quyền kinh tế. Chúng được chia làm hai loại: một loại là bãi đá thường xuyên nhô khỏi mặt nước (như đá Chữ Thập), được hưởng lãnh hải 12 hải lí nhưng không có vùng đặc quyền kinh tế; một loại khác là bãi triều thấp, tức là những bãi đá chỉ nhô khỏi mặt nước khi thuỷ triều xuống thấp (như đá Vành Khăn), ngay đến cả lãnh hải cũng không có nói chi đến có vùng đặc quyền kinh tế, dù có xây đảo nhân tạo trên thì cũng chỉ được có khoảng cách an toàn 500m.

Nếu như Mĩ tiến vào vùng lãnh hải đá Chữ Thập thì sẽ không thể hiện được ý đồ của mình, vì rằng lãnh hải của đá Chữ Thập có được là dựa vào trạng thái tự nhiên của nó chứ không phải dựa đảo nhân tạo trên đó. Do đó, đá Vành Khăn vốn là bãi thuỷ triều thấp mới là lựa chọn cho hành động của Mĩ: bãi Vành Khăn vốn chưa có tư cách hưởng lãnh hải 12 hải lí thì dù có xây đảo to đến mấy cũng không được hưởng.

Thứ hai, tiến vào phạm vi 12 hải lí theo phương thức nào? Điều 17 Công ước quy định, các nước có quyền “đi qua vô hại” trong vùng biển 12 hải lí của các nước ven biển. Điều 18-33 Công ước quy định cụ thể việc đi qua vô hại. Do đó, dù tàu chiến mặt nước của Mĩ có đi qua trong vùng 12 hải lí của đá Vành Khăn thì việc này cũng có thể giải thích là đi qua vô hại trong “lãnh hải của đá Mĩ Tế (Vành Khăn)”. Vì thế, Mĩ buộc phải thực hiện hành động “đi qua có hại” trong khu vực 12 hải lí của đá Vành Khăn thì mới có thể thể hiện được quan điểm vùng biển này không phải là lãnh hải của đá Vành Khăn.

Đối với Mĩ, các lựa chọn đơn giản cho “việc đi qua có hại” trong phạm vi 12 hải lí quanh Đá Vành Khăn gồm:

một là, dừng lại lâu trong vùng biển này, việc này không thỏa mãn định nghĩa về đi qua, nhưng thời gian dừng bao lâu mới là đủ có thể vẫn còn tranh cãi, hơn nữa có thể dẫn đến nguy cơ đối đầu;

hai là, vào ra nhiều lần vùng biển này nhưng điều này tỏ rõ ý khiêu khích nên không phù hợp với ý định ban đầu của Mĩ;

ba là, dùng tàu ngầm, nhưng nếu tàu ngầm nổi trên mặt nước khi di qua một khu vực nào đó thì sẽ là “đi qua vô hại” (xem điều 20 Công ước). Vì vậy chỉ cần tàu ngầm đi qua dưới mặt nước trong phạm vi 12 hải lí thì có thể coi như “không là đi qua vô hại”. Trong thời gian thực hiện, tàu không nổi lên, nhưng tính khả thi của nó bị hạn chế bởi thuỷ văn;

cuối cùng, cho máy bay lên thẳng cất cánh từ tàu chiến. Căn cứ vào quy định 2e điều 19 Công ước, phương thức này không phải là đi lại vô hại, hơn thế còn tương đối thuận tiện và nhanh chóng.

Tóm lại, nếu Mĩ muốn đạt được ý định thì vận dụng hai phương thức sau là phù hợp nhất.

Thông tin nhiễu loạn về tuần tra của Mĩ tại biển Đông

Trong cuộc tuần tra tại biển Đông ngày 27/10, tàu USS Lassen không tiến vào vùng biển đá Vành Khăn mà lựa chọn bãi Subi vốn chỉ nổi khi triều thấp. Tuy nhiên,trong quá trình tuần tra đã gặp rất nhiều vấn đề.

Thứ nhất, phía chính quyền Mĩ lúc đầu không công bố chi tiết tuần tra, chỉ nói một cách mập mờ là sẽ tiến vào phạm vi 12 hải lí, cũng không hề nói sẽ làm những gì ở đó. Nhưng những chi tiết đó rất quan trọng để phán đoán hành động tiến vào phạm vi 12 hải lí là “đi qua vô hại” hay “đi qua có hại”.

Theo một quan chức giấu tên của Mĩ, sau khi tiến vào phạm vi 12 hải lí, tàu của Mĩ đã tắt radar, và không có máy bay bay lên hay đáp xuống.[1254] Nhưng Mĩ lại tiết lộ, khi đó có tàu Trung Quốc đi theo phía sau, hai bên trao đổi bằng tiếng Anh qua vô tuyến điện, không khí thân thiện, thậm chí nói năng như với người nhà. Nếu đúng như vậy thì cuộc tuần tra lần này giống như thực hiện quyền “đi qua vô hại”. Bộ Ngoại giao Mĩ tuyên bố “không phải đi qua vô hại” nhưng thực tế Bộ Quốc phòng là bên thực hiện thì lại không thể hiện rõ ràng. Mấu chốt vấn đề là nếu tàu Mĩ đúng là “đi qua có hại” thì phải đưa bằng chứng về việc đi qua có hại đó.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, đa số các chuyên gia khác và khách mời đều không hiểu lắm vấn đề này. Chẳng hạn, khách mời của hãng CNN đều viện lí do “đi qua vô hại” để hợp lí hóa hành vi của Mĩ, thậm chí bình luận đồng thời việc này với hành vi “đi qua vô hại” của tàu chiến Trung Quốc xuyên qua quần đảo Aleutian trước đó.[1255] Tuy nhiên, một số chuyên gia luật của Mĩ đã nhanh chóng chú ý đến vấn đề này. Sau cuộc tuần tra của tàu Mĩ, hai chuyên gia Think Tank là Adam Klein và Mira Rapp-Hooper đã đăng nhiều bài phát biểu trên mạng Lawfare để thảo luận vấn đề này và chất vấn thái độ ôn hòa của Chính phủ Mĩ: hành động này rốt cục là “đi qua vô hại” hay “đi qua có hại”? Nếu đúng là đi qua vô hại thì chẳng phải đó là một dạng thừa nhận Trung Quốc có quyền lãnh hải đối với đảo nhân tạo trên đá Subi sao? Chẳng phải đó là đi ngược với ý định ban đầu của Bộ Quốc phòng hay sao?[1256]

Những tranh luận đó đã truyền tới giới chính trị. Ngày 11/11, Thượng nghị sĩ có uy tín McCain gửi thư đến Bộ Quốc phòng yêu cầu làm rõ ý nghĩa pháp lí của việc tuần tra. Cuối cùng, ngày 7/1/2016, Bộ Quốc phòng đã trả lời câu hỏi của McCain, công khai các chi tiết và căn cứ pháp lí của việc tuần tra.[1257] Một là, tàu USS Lassen khi đó tiến vào vùng 12 hải lí tại 5 đảo đá gồm: bãi Subi (Subi Reef), đảo Song Tử Đông (Bắc Tử / Northeast Cay), đảo Song Tử Tây (Nam Tử / Southwest Cay), rạn đá Gạc Ma (Xích Qua / South Reef) và đảo Sơn Ca (đá Đôn Khiêm / Sand Cay), những đảo / đá này do Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Philippines chiếm đóng hoặc yêu sách, tất cả các nước đều không được thông báo trước. Hai là, khi đó tàu USS Lassen chạy liên tục ngang qua các vùng biển này, cách làm đó thuộc hành vi “đi qua vô hại”, tức là có thể thực hiện ở lãnh hải hay ở vùng biển chung. Ba là, tại sao Subi vốn là bãi triều thấp mà vẫn “đi qua vô hại”, lí do là dù bản thân bãi đá Subi không thể có lãnh hải nhưng nó lại nằm trong phạm vi 12 hải lí của đảo Sơn Ca có quyền có lãnh hải. Vì vậy bãi Subi cũng có quyền được dùng làm đường cơ sở phân định lãnh hải. Đảo Sơn Ca tuy do Việt Nam chiếm đóng nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền ở đây, vì vậy Mĩ không thể xác định được Subi có thể có lãnh hải hay không.

Lập luận này dựa trên Điều 13 về “bãi triều thấp” trong điều 13 Công ước:

1. Bãi triều thấp là vùng đất tự nhiên, có biển bao quanh, khi thuỷ triều xuống thấp thì lộ ra, khi thuỷ triều lên lên thì bị ngập nước. Nếu khoảng cách giữa toàn bộ hay một phần bãi đó với lục địa hoặc một đảo không vượt quá chiều rộng của lãnh hải thì ngấn nước triều thấp nhất trên các bãi này có thể được dùng làm đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải.

2. Nếu khoảng cách giữa toàn bộ bãi triều thấp với lục địa hoặc một đảo vượt quá chiều rộng của lãnh hải thì nó không có lãnh hải riêng.

Về mặt pháp lí, tình trạng của đá Subi rất phức tạp. Đá Subi là bãi triều thấp nên tự nó không có quyền có lãnh hải, tuy nhiên nó lại nằm nằm phạm vi 12 hải lí của đảo Sơn Ca / đá Hoài Ân (Sandy Cay), đều có quyền có lãnh hải. Do đó, theo điều 13, ngấn nước triều thấp của Subi có thể dùng để vẽ đường cơ sở lãnh hải cho Sơn Ca / Hoài Ân. Nói cách khác, dù bản thân đá Subi không có lãnh hải, nhưng nếu phụ thuộc vào đảo Sơn Ca / Hoài Ân thì nó sẽ được quy thuộc chủ quyền và địa vị pháp lí theo đảo Sơn Ca / Hoài Ân. Dù trên thực tế thì hiện nay đảo Sơn Ca do Việt Nam kiểm soát, đá Subi do Trung Quốc, còn Hoài Ân chưa ai kiểm soát nhưng cả hai [và cả Philippines] đều tuyên bố có chủ quyền đối với Sơn Ca và Hoài Nhơn. Và do đó, dù thuộc về Trung Quốc, Việt Nam [hay Philippines] thì Subi vẫn nằm nằm bên trong đường cơ sở lãnh hải của Sơn Ca / Hoài Nhơn. Hơn nữa, theo phán quyết của Tòa án quốc tế năm 2001 thì bãi triều thấp nói chung thuộc chủ quyền của nước có lãnh hải bao quanh nó, còn phán quyết năm 2012 nó không phải là đối tượng để sở hữu (appropriate). Phán quyết Tòa trọng tài năm 2016 lập lại kết luận phán quyết 2012 và nói thêm nó được coi như là một phần của đáy biển tương ứng, nếu nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế. Chính vì tính phức tạp pháp lí này mà tàu Lassen đã thực hiện “đi qua vô hại” chứ không phải “đi qua có hại”. [đoạn này ko theo sát bản chính, có chỉnh lại theo các nghiên cứu khác - ND]

Nói tóm lại, mặc dù cuộc tuần tra của tàu Lassen chứng tỏ quyền tự do hàng hải của Mĩ, nhưng lại không có tác dụng thể hiện ý định ban đầu là “đảo nhân tạo không có lãnh hải”; do tính phức tạp pháp lí của đá Subi nên đã tránh bị chỉ trích là “ngầm thừa nhận đảo nhân tạo của Trung Quốc có lãnh hải”.

Phân tích cuộc tuần tra của tàu USS Lassen

Mặc dù vấn đề luật pháp của hành trình tàu Lassen đã rõ ràng, nhưng vấn đề chính trị vẫn còn tồn tại. Mĩ có thể dễ dàng lựa chọn đá Vành Khăn vốn là bãi đá tương đối độc lập (nó không nằm trong phạm vi 12 hải lí của bất cứ đảo hay rạn đá nào), nhưng tại sao lại nghiêng sang chọn đá Subi có tình trạng pháp lí phức tạp?

Tác giả cho rằng, đó là vì Trung Quốc và Mĩ đã có thỏa thuận ngầm.

Một là, Mĩ cố tình không chọn đá Vành Khăn là nơi có thể thể hiện rõ ràng lập trường mà lại chọn đá Subi là nơi có tính pháp lí phức tạp, sử dụng phương thức “đi qua vô hại” chứ không phải “đi qua có hại” nhằm chừa chỗ cho sự việc.

Hai là, sau sự việc, Mĩ trì hoãn công bố chi tiết, cũng là để tạo sự mơ hồ trong sự việc.

Ba là, trong khi quân Mĩ hành động, Trung Quốc không phái tàu ra đối đầu. Mĩ dùng tàu khu trục tốc độ chậm chứ không dùng tàu chiến ven biển tốc độ cao, tức là muốn đàng hoàng tiến vào vùng 12 hải lí. Trong điều kiện rất đầy đủ thông tin, nếu Trung Quốc muốn ngăn chặn, họ có thể thực hiện tương tự như với USNS Impeccable và USS Cowpens.

Bốn là, tháng 9, Trung Quốc “vô cớ” tiến vào vùng biển 12 hải lí của quần đảo Aleutian thuộc Alaska của Mĩ, đối với sự việc này Mĩ cư xử phù hợp với luật quốc tế. Mĩ đã nhượng bộ Trung Quốc một bước để Trung Quốc có bước lùi sau hành động của quân đội Mĩ.

Năm là, điều đáng ngạc nhiên là dù Mĩ lớn tiếng công bố sẽ tiến hành hoạt động này, Trung Quốc lại không chỉ trích với “giọng điệu gay gắt”; mà ngược lại, Phạm Trường Long còn phát biểu trong Hội nghị Hương Sơn rằng ngay cả khi “liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ thì Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ không dùng đến vũ lực”; còn Ngoại trưởng Vương Nghị thì không dùng từ “cảnh cáo” mà dùng từ “khuyên nhủ” ít khi sử dụng, hy vọng Mĩ “suy nghĩ kĩ trước khi hành động”.

Sáu là, sau khi xảy ra sự việc, tờ “Thời báo Hoàn Cầu” đăng bài “Lời khuyên tàu chiến Mĩ rời khỏi phạm vi 12 hải lí các đảo ở Nam Hải”. Lời lẽ bài viết ôn hòa một cách kì lạ, nói cho người Mĩ nghe thì ít mà “xoa dịu” các phần tử dân tộc chủ nghĩa trong nước nhiều hơn: “vấn đề tuần tra của Mĩ không lớn”.

Bảy là, trả lời về sự kiện này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng tàu Trung Quốc “giám sát, bám theo và cảnh cáo” nhưng không sử dụng biện pháp “truy đuổi” như vẫn thường dùng trong trường hợp tương tự, cũng không nói rằng Mĩ xâm phạm lãnh hải Trung Quốc mà chỉ nói Mĩ uy hiếp “lợi ích chủ quyền và an ninh Trung Quốc, đe dọa an toàn về người và cơ sở trên đảo, làm tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực”.

Cuối cùng, trong bài viết của tờ “Thời báo Hoàn Cầu” còn có một chi tiết ít thấy trong đại đa số truyền thông Trung Quốc trước đây, đó là thừa nhận “các đảo và đá tại Nam Sa do Trung Quốc kiểm soát đều thuộc loại 2 và loại 3”, tức là “(2) đá, nổi chút ít trên mặt nước, có lãnh hải 12 hải lí, không có vùng đặc quyền kinh tế” ; và “(3) bãi triều thấp, khi thuỷ triều rút mới lộ trên mặt nước, khi thuỷ triều lên bị chìm dưới mặt nước, không có lãnh hải 12 hải lí”. Điều đó có nghĩa “Thời báo Hoàn Cầu” cũng thừa nhận đá Subi và đá Vành Khăn do Trung Quốc chiếm không được hưởng lãnh hải và các rạn đá như Chữ Thập không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế (và thềm lục địa).

Những sự việc tiếp sau cũng chứng tỏ có thỏa thuận ngầm nào đó giữa Mĩ và Trung Quốc. Ngày 13/11, Lầu 5 góc tuyên bố có 2 máy bay ném bom B52 bay gần quần đảo Trường Sa trong tuần đã bị nhân viên quản lí không phận của Trung Quốc cảnh cáo, đồng thời nói rằng máy bay chưa tiến vào phạm vi 12 hải lí trên các đảo/đá có tranh chấp.[1258]

Ngày 10/12, một máy bay ném bom B52 lại bay vào phạm vi 12 hải lí của đá Châu Viên (Hoa Dương). Châu Viên là một bãi đá nhô khỏi mặt nước, có quyền có không phận 12 hải lí. Điều 17 Công ước quy định: đi qua vô hại chỉ áp dụng cho tàu thuyền mà không phải cho máy bay.[1259] Điều 5 “Công ước hàng không dân dụng quốc tế” quy định: “Các nước kí kết thỏa thuận rằng tất cả máy bay của các nước kí kết thực hiện các chuyến bay quốc tế không theo định kì, tuân thủ quy định của Công ước này, có quyền bay vào hoặc bay qua lãnh thổ nước mình mà không hạ cánh, hoặc hạ cánh không vì mục đích thương mại, không cần phê chuẩn trước, nhưng phải phụ thuộc vào lệnh hạ cánh của quốc gia mà máy bay bay qua.”[1260] Tuy nhiên, điều đó chỉ áp dụng với máy bay dân dụng chứ không phải máy bay quân sự. Do đó, hành động lần này của Mĩ có đi ngược với luật quốc tế nhưng hai bên đã bưng bít thông tin trong suốt 9 ngày, đến khi giới truyền thông phanh phui sự việc thì Mĩ mới giải thích rằng máy bay đã bay lạc vì lí do thời tiết và việc đó không nằm trong kế hoạch tự do hàng hải. Trung Quốc bày tỏ ý kiến cho rằng việc này không được làm thành lệ, với lời lẽ ôn hòa.[1261]

Những điểm nêu trên cho thấy, dù vấn đề biển Đông rất quan trọng, nhưng nó còn xa mới là toàn bộ quan hệ Mĩ - Trung. Việc tuần tra của tàu USS Lassen được thúc đẩy bởi những cân nhắc chính trị hơn là những cân nhắc về mặt pháp lí. Thay vì chọn cách tuyên bố thẳng thừng rằng “đảo nhân tạo không có lãnh hải” mà chọn cách duy trì khả năng leo thang hành động (triển khai thêm một bước kế hoạch tự do hàng hải), vừa có thể kết giao với đồng minh và các nước đối tác trong khu vực, vừa có thể hòa hoãn xung đột trong quan hệ với Trung Quốc, chừa chỗ để khai thông và thỏa hiệp.

Ngoài ra, hành vi đó cũng có vẻ khích lệ Trung Quốc tiến gần tới luật quốc tế hơn. Điều đáng chú ý là, thái độ của Trung Quốc về tự do hàng hải trong những năm gần đây đang có dấu hiệu thay đổi. Như phần VI.2 đã nêu, trong sự kiện tàu USNS Impeccable năm 2009, Trung Quốc cho rằng tàu chiến nước ngoài không được hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc khi chưa được phê chuẩn, điều này trái với “Công ước luật biển quốc tế”. Nhưng trong sự kiện tàu USS Cowpens năm 2013, Trung Quốc đã không kiên định cái gọi là nguyên tắc “tàu thuyền nước ngoài phải đi qua vô hại trong vùng đặc quyền kinh tế”, thái độ rất khác so với sự kiện tàu USNS Impeccable.

Thực ra, trong những năm gần đây, cùng với việc chuyển mình thành một cường quốc hải quân, ngày càng có nhiều trường hợp Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác. Việc Trung Quốc thường xuyên có các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản ở biển Hoa Đông, hạm đội của họ thường xuyên ra vào Miyako Kaido và tàu ngầm hoạt động dưới nước đã không còn là điều mới lạ. Hoạt động của hải quân Trung Quốc còn mở rộng hơn tại vùng đặc quyền kinh tế của đảo Guam và Hawaii của Mĩ. Tháng 9/2015, hạm đội Trung Quốc còn chạy qua tuyến đường biển quần đảo Aleutian của Mĩ. Đối với các hoạt động của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế, Mĩ đánh giá là phù hợp với luật quốc tế, thậm chí còn thể hiện thái độ hoan nghênh. Cùng một tiêu chuẩn, Trung Quốc không có lí do gì để ngăn cản hoạt động của Mĩ tại vùng đặc quyền kinh tế Trung Quốc tại biển Đông.

Về vấn đề biển Đông, việc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế sẽ là sự lựa chọn phù hợp và đúng đắn. Lí do là:

Thứ nhất, Trung Quốc tham gia trong suốt quá trình xây dựng Công ước, sau đó đã kí kết và Quốc hội Trung Quốc cũng đã phê chuẩn Công ước. Đó không phải là nguyên tắc do nước ngoài đặt ra và áp đặt vào Trung Quốc, không có chuyện “Trung Quốc không phải tuân thủ quy tắc do nước khác đặt ra” ở đây.

Thứ hai, Công ước đến nay đã trở thành quy chuẩn về hành vi trên biển của cộng đồng quốc tế. Nếu Trung Quốc ngang nhiên vi phạm Công ước sẽ gặp bất lợi về mặt đạo đức và pháp lí, để lại hình ảnh “không tuân thủ luật lệ” trong con mắt thế giới, gây phương hại nghiêm trọng đến mục tiêu trở thành “nước lớn có trách nhiệm” và mong muốn đóng vai trò đặt ra luật lệ cho thế giới.

Thứ ba, vào lúc Công ước đang xây dựng, Trung Quốc vẫn còn là quốc gia biển yếu ớt, và đứng trên lợi ích của các quốc gia ven biển để xem xét. Nhưng đến nay, Trung Quốc đã trở thành cường quốc biển, nên càng mở rộng biển càng có lợi cho sự phát triển của Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc cần “vươn ra ngoài”, tự do hàng hải là cực kì quan trọng. Dưới sự kiên định và cố gắng của các cường quốc biển như Mĩ, Công ước đã giữ được rất nhiều lợi ích có lợi cho các cường quốc biển, rõ nét nhất, và cũng dễ nhận thấy nhất chính là tự do hàng hải. Vì thế, xuất phát từ lợi ích thực tế, quyền lợi biển của Trung Quốc và Mĩ hiện nay đi cùng một hướng chứ không phải đi ngược nhau. Nếu có thể, Trung Quốc có lẽ vừa muốn mình có quyền tự do hàng hải, vừa không sẵn lòng để nước khác có quyền lợi này. Nhưng điều đó vừa không phù hợp đạo lí chung, vừa không sát thực tế. Trong tình trạng lợi ích toàn cầu và lợi ích cục bộ mâu thuẫn nhau, Trung Quốc phải đưa ra lựa chọn. Về phương diện này, Trung Quốc đã có lợi ích thực tế từ một vài đảo nhân đảo tại biển Đông, nếu tiếp tục khăng khăng đòi hỏi những yêu cầu không phù hợp với luật quốc tế thì hậu quả sẽ chỉ làm tổn hại đến lợi ích toàn cầu lâu dài của Trung Quốc. Xã luận “Thời báo Hoàn Cầu” hầu như cũng thể hiện ý nguyện chuyển theo hướng này của Trung Quốc. Một số chuyên gia Trung Quốc chỉ ra rằng, Trung Quốc thật sự đã thay đổi lập trường về vùng đặc quyền kinh tế.[1262]

Tiểu kết về sự kiện đảo nhân tạo

Sau sự kiện tự do hàng hải, Obama tiếp tục kêu gọi Trung Quốc dừng xây dựng đảo nhưng Trung Quốc vẫn kiên quyết tiếp tục các công trình trước đây. Tháng 1/2016, Trung Quốc ngang nhiên tiến hành bay thử lần thứ nhất trên đá Chữ Thập nhưng sử dụng máy bay dân dụng chứ không phải máy bay quân sự. Hành vi đó bị Việt Nam phản đối. Việt Nam còn trình lên Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO): đá Chữ Thập nằm trong khu vực thông tin bay của Việt Nam, máy bay dân dụng Trung Quốc bay vào khu vực này lại không thông báo với cơ quan quản lí bay của Việt Nam theo quy định. Tuy nhiên, tranh chấp “vô thưởng vô phạt” này đã không ngăn được Trung Quốc tiếp tục xây đảo nhân tạo theo kế hoạch ban đầu.

Xây dựng đảo nhân tạo là kế hoạch được Trung Quốc nung nấu từ lâu. Sử dụng năng lực kĩ thuật công trình lớn làm chỗ dựa, lấy sức mạnh quân sự làm hậu thuẫn, lấy “chủ quyền quốc gia” làm cơ sở pháp lí, chỉ trong hai năm ngắn ngủi, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã xây dựng một số đảo và đá nhỏ thành những “quái vật khổng lồ” ở biển Đông. Điều đó đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo vùng biển quần đảo Trường Sa, và đặt nền tảng vật chất và quân sự vững chắc để Trung Quốc tiếp tục kiểm soát biển Đông thêm một bước, cũng tạo điều kiện cho Trung Quốc thiết lập ADIZ ở biển Đông.

7 đảo nhân tạo được Trung Quốc xây dựng trên các đảo đá mà Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền và đã kiểm soát thực tế trước năm 2002 và do đó cũng đã có người cư trú trước năm 2002, nên về lí thuyết không vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Tuy nhiên, không nghi ngờ gì rằng động thái này có tác động nghiêm trọng đến tình hình ở biển Đông và cũng vi phạm tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở ở biển Đông.

Hoạt động lấp biển ở các đảo của các quốc gia tuyên bố chủ quyền lãnh thổ tại biển Đông không thể sánh kịp với việc xây đảo nhân tạo của Trung Quốc về quy mô và chức năng, vì thế họ phản đối gay gắt là điều hợp tình hợp lí. Tuy nhiên, ngoài việc phản đối, có lẽ không còn cách nào khác. Vì không có luật quốc tế nào có thể ngăn cản những hành động của Trung Quốc, áp lực ngoại giao cũng không có tác dụng với chiến lược “cắt lát salami” (chiến thuật tằm ăn dâu) của Trung Quốc. Bản thân các nước ASEAN không đủ mạnh để đối đầu với Trung Quốc, vì vậy họ chỉ có thể từng bước dựa vào các lực lượng bên ngoài như Mĩ, Nhật, Ấn Độ, Australia… Đối với các nước lớn này cách duy nhất là tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự thực tế (ví dụ như tuần tra), và thậm chí thiết lập lại các căn cứ quân sự ở biển Đông, biến can thiệp quân sự thành trạng thái “bình thường mới”, điều này sẽ chỉ biến dần biển Đông thành “thùng thuốc súng”.


[1217] http://www.reuters.com/article/2014/05/14/us/philippines-china-reefidUSBREA4DOOK2014514

[1218] http://www.reuters.com/article/2014/05/14/us/philippines-china-reefidUSBREA4DOOK2014514

[1219] http://cn.nytimes.com/asia-pacific/20140617/cl7islands/

[1220] http://cnshipnet.com/buy/77/buy_info_384539.html, 06/02/2015

[1221] Thông tin báo chí đều gọi “đảo nhân tạo” là “lục địa bồi lấp”.

[1222] http://baike.baidu.com/view/935841.htm

[1223] http://baike.baidu.com/subview/3188709/15795909.htm

[1224] Tư liệu dẫn từ baidubaike.

[1225] http://baike.baidu.com/item%E6%B0%B8%E6%9A%91%E5%B2%9B

[1226] http://baike.baidu.com/view/314580.htm

[1227] http://baike.baidu.com/view/50366.htm

[1228] http://news.xinhuanet.com/politics/2015-04/09/c_1114920500.htm

[1229] Andrew S. Erickson & Kevin Bond, South China Sea, and Beyond Why China’s Huge Dredging Fleet Matters, http://nationalinterst.org/blog/the-buzz/south-china-seabeyond-why-chinas-huge-dredging-fleet-13562

[1230] Phát biểu của Tập Cận Bình ngày 7/11/2015 tại trường Đại học Quốc gia Singapore, http://news.xinhuanet.com/politics/2015-11/07/c_117071632.htm

[1231] http://baike.baidu.com/view/414736.htm

[1232] Ví dụ cuốn phim tư liệu “Dưới bầu trời” của nhà báo Trung Quốc Sài Tĩnh, năm 2015 đã dùng nhiều ví dụ minh họa “việc đánh giá môi trường” này cơ bản đều vô ích.

[1233] http://foreignpolicy.com/2015/05/15/dredging-for-disaster-china-land-reclamationsouth-china-sea-spratly

[1234] “Công trình mở rộng đảo Nam Sa không ảnh hưởng đến hệ sinh thái rạn san hô”. http://www.soa.gov.cn/xw/dfdwdt/jgbm_155/201506/t20150610_38318.html

[1235] http://thediplomat.com/2013/12/uss-cowpens-incident-reveals-strategic-mistrustbetween-u-s-and-china

[1236] http://hk.apple.nextmedia.com/international/art/20140824/18842730

[1237] http://hk.apple.nextmedia.com/international/art/20140824/18842730226

[1238] http://www.navyrecogntion.com/index.php?option=com_content&task=view&id=2715227

[1239] http://www.bbc.com/zhongwen/simp/world/2015/05/150508_us_southchinasea

[1240] http://www.bbc.com/zhongwen/simp/world/2015/05/150513_pentagon_military_challenge_china_sea_claim

[1241] http://www.bbc.com/zhongwen/trad/world/2015/05/150516_kerry_china

[1242] http://cnn.com/2014/05/20/politics/south-china-sea-navy-fligth/.

[1243] http://www.bbc.com/zhongwen/simp/world/2015/05/150528-usa_china_asia_south_chinaa_sea

[1244] http://www.bbc.com/zhongwen/trad/world/2015/06/150601_world_us_asia_carter_pivotal

[1245] http://politics.people.com.cn/2015/06/c70731-2716200.html

[1246] http://www.voachinese.com/content/voa-news-south-china-sea-20150723/2875874.html

[1247] http://theinitium.com/article/20150805-dailynews-intl-3/

[1248] http://www.bbc.com/zhongwen/trad/world/2015/08/150805_asean_kerry_south_china_sea

[1249] http://cn.nytimes.com/world/20150806/c06diplo/zh-hant/

[1250] http://www.letscorp.net/archives/96971

[1251] http://www.ftchinese.com/story/001064254?full=y

[1252] http://www.ftchinese.com/story/001064399

[1253] Lê Oa Đằng: Mĩ sẽ hành động thế nào ở Biển Nam Trung Hoa, Báo Quả táo, http://hk.apple.nextmedia.com/news/art/20151016/19335467

[1254] http://www.ftchinese.com/story/001064947

[1255] Xuyên qua quần đảo Aleutian còn có khả năng dẫn đến vấn đề luật pháp về sử dụng eo biển, cũng không thể nêu ra đồng thời. Điều này không được nói rõ ở đây.

[1256] Tham khảo ý kiến thảo luận của giới luật học Mĩ tại Zack Bluestone, Water Wars: A Week of Fon Fallout 0 http://www.lawfareblog.com/water-wars-week-fon-fallout

[1257] http://www.lawfareblog.com/secretary-carter-illuminates-south-china-sea-fonop

[1258] http://www.ftchinese.com/story/001064825

[1259] http://www.un.org/zh/law/sea/article2.shtml

[1260] http://www.caac.gov.cn/PHONE/XXGK_17/XXGK/GJGY/201510/P020151103354121925630.pdf

[1261] http://www.bbc.com/zhongwen/trad/world/2015/12/151218_us_china_sea_b52

[1262] Tiết Lực, Danh sách lợi ích nổi lên trên biển của Trung Quốc – tại sao Mĩ lo sợ việc xây dựng trên đá Vĩnh Thử (đá Chữ Thập), http://www.21ccom.net/html/2016/zlwj_0012/663.html, truy cập tháng 8/2016.