Thứ Ba, 24 tháng 12, 2024

Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương – Yết Kiêu (24)

Đông Ngàn Đỗ Đức

 

NGƯỜI KHÔNG BIẾT XIN

(Về họa sĩ Nguyễn Bích)

 

Bây giờ thì họa sĩ nhiều như châu chấu, chứ thuở tôi mới vào nghề ít lắm. Ít đến nỗi chúng tôi kể tên vanh vách từng bác khóa Đông Dương, khóa Tô Ngọc Vân trong kháng chiến và những khóa 1, 2, 3 sau hòa bình lập lại 1955.

Họa sĩ Nguyễn Bích tự học, chả khóa nào nhưng tôi cũng biết.

Biết ông qua Bảo tàng Mỹ thuật.

Ông chủ yếu vẽ lụa, minh họa báo chí và vẽ tranh truyện.

Mình cá trắm đậm, khuôn mặt đẹp phúc hậu, ông lại ít nói. Tuy vậy có lần ông khoe: "Ngày xưa mình từng là tay bốc-xơ đấy".

Năm 1985, lúc 40 tuổi, do hoạt động nghề tích cực nên tôi được Hội Mỹ thuật chọn cho đi dự trại sáng tác ở Krasnodar Liên xô. Nhận được giấy mời của Hội, tôi lên gặp họa sĩ Đặng Đức Sinh, Thường trực Ban Chấp hành của Hội, xin hoãn sang năm sau, vì lúc ấy cô con gái út 2 tuổi của tôi bệnh thập tử nhất sinh, nằm Viện Nhi Thụy Điển 6 tháng vừa mới ra viện, người mềm như bún và tiền trong nhà hết sạch. Nhưng ông Sinh bảo: “Năm nay Hội chọn cậu cử đi Liên Xô vì cậu có đóng góp xuất sắc, nếu cậu không đi thì năm sau người ta chọn người khác thì sao? Tiêu chuẩn hàng năm không để dành được”. Ông bảo tôi sang gặp Nguyễn Bích, Chánh văn phòng Hội làm giấy tờ đi đường. Đó là lần đầu tiên gặp ông. Trước đó chỉ biết ông qua những minh họa trên tờ Văn Nghệ của Hội Nhà văn và tác phẩm Sát Thát lẫy lừng.

Tôi đưa giấy triệu tập của Hội, ông cầm giấy rồi nheo nheo mắt nói ngắn gọn, để đây mình làm cho.

Hôm sau ông bảo tôi: “Cậu mua cho hai bao A Lào, loại thuốc lá có vỏ màu vàng…” – loại cao cấp lúc bấy giờ, chỉ kém thuốc ba số. Ông nhẹ nhàng giải thích, để đi làm giấy tờ mời người ta. Sau đấy một tuần, ông đưa tôi sang nhà ông Trần Dũng Tiến trình diện. Trước khi đi ông bảo cậu mang theo bức khắc gỗ làm quà tặng để ông ấy chạy giấy tờ cho nhanh. Tôi nhất mực làm theo lời ông dặn, mang theo bức tranh khắc Bạn già mà bản số một Bảo tàng nhà nước đã mua.

Một tuần chờ dài dằng dặc.

Mãi không lấy được chữ kí quan trọng cuối cùng của ông Huy Cận, ông ấy làm ở Ban Tư tưởng nắm văn nghệ sĩ ấy. Ông Cận ở miền Nam mãi không ra. Chuyến đi ấy sang Liên Xô tôi chậm mất 5 ngày thành ra không được đi thăm Saint Petersburg và bảo tàng lớn ở đó.

Ấn tượng gặp ông và công việc của chánh văn phòng cho tôi cảm nhận ông là người thạo việc và chu đáo trong công việc, tận tụy hết lòng với công việc văn phòng Hội và hội viên.

Lần thứ hai gặp là công việc khác: Mời ông vẽ truyện tranh cho Nhà xuất bản.

Cũng như những lần gặp trước, khi tôi ngỏ ý mời vẽ, ông im lặng chút rồi bảo được. Tôi mừng quá, được họa sĩ vẽ truyện tranh Sát Thát nổi tiếng nhận lời hợp tác với nhà xuất bản thì còn gì vinh dự bằng.

Ba tháng sau, một buổi chiều hè muộn, nghe tiếng gọi cửa, bất ngờ là ông tìm đến nhà tôi. Ông và vợ trên chiếc Honda 82 đỗ trước cửa. Chưa kip chào thì ông chào trước. Tôi mời ông bà vào trong nhà pha ấm trà. Giờ cũng không nhớ là hai bên nói những gì, chỉ nhớ là ông rút từ túi ngực ra chiéc phong bì đưa tôi và bảo: “Mình có tí quà cho các cháu”. Tôi giãy nảy: “Sao thế được anh, em không nhận đâu”. Ông nhẹ nhàng: “Mình theo đạo Phật, luôn luôn nghĩ đến sự chia sẻ, uống nước không ai uống cả cặn”. Đây là chút quà từ nhuận bút cuốn truyện tranh đầu tiên ông vẽ cho Nhà xuất bản.

Sau này có mấy lần trò chuyện, tôi áy náy nhuận bút vẽ truyện tranh quá thấp và mấy lần anh nhắc lại: “Đức ơi, cậu nhớ mình vẫn là bộ đội cụ Hồ đấy nhá”.

Chưa có bản thống kê nào nhưng tôi chắc đời ông vẽ vài nghìn minh họa cho báo Thiếu niên và nhi đồng, hàng trăm cuốn tranh truyện cả màu và đen trắng, trong đó nhiều nhất là nhà xuất bản Kim Đồng. Đó là chưa kể về tranh áp phích rất đẹp, tranh lụa vẽ cũng nhiều.

Ông lầm lì ít nói vậy mà lại vui tính. Một hôm ông đến chơi với tôi ở phòng làm việc, ông bảo: “Các cậu có biết tại sao mổ bệnh nhân phải gây mê không?”. Một người bảo để tránh đau. Ông lắc đầu: “Không phải, để tránh góp ý. Đang mổ mà bệnh nhân góp ý thì…”. Một lần khác, ông kể kinh nghiệm làm việc: Nhiều thủ trưởng không biết vẽ nhưng lại luôn tỏ ra nhiều hiểu biết hay góp ý, mà chữa theo góp ý thì coi như vẽ lại. Có lần làm minh họa truyện ngắn có đoạn thương binh gãy tay, mình vẽ băng đầu. Thủ trưởng thấy ngay, vừa góp ý vừa được uốn nắn cấp dưới về tính cẩn thận. Mình đem về sửa rất nhanh! Chuyện hay thế!

Đến 70 tuổi, ông vẫn cặm cụi vẽ truyện tranh. Ông còn minh hoạ cho báo Nhi đồng và báo Thiếu niên tiền phong. Cuộc đời làm nghệ thuật của ông dành tất cả cho trẻ thơ cho đến ngày buông bút.

Có lần nghe ông khoe: “Hồi trẻ mình chơi bốc-xơ”. Đúng vậy, ông có một thể hình rất vững chắc. Tuổi bảy mươi mà chưa cần dùng đến kính lão, hàng ngày ông vẫn cặm cụi với cục tẩy và cây bút chì, nắn nót từng tí một. Ông bảo vẽ cho trẻ con phải vẽ đẹp và vẽ rõ tính cách nhân vật. Ông vẽ theo lối đơn tuyến bình đồ, nghĩa là chỉ vẽ nét đặt mảng chứ không vờn chi tiết, đó là lối vẽ rất khó. Tôi đã được ông cho xem mấy trang bản gốc truyện tranh Sát Thát, thật tinh tế và kì công. Cuốn truyện tranh màu nước Bác về Pác Bó là cuốn truyện tranh màu duy nhất anh vẽ cho nhà xuất bản tôi, mỗi trang như một bức tranh độc lập, ông vẽ mất nửa năm. Ông tâm sự: “Cuốn này mình đầu tư kĩ vì mình là bộ đội cụ Hồ, mình vẽ với tấm lòng yêu kính Cụ”.

Phòng làm việc, ông treo khá nhiều những tranh nhỏ, vẽ đen trắng. Nhiều bức nhìn xa tưởng sơn mài. Những mảng đen không biết ông làm thế nào mà có những vết rạn li ti như dát trứng. Có lần tôi hỏi: “Sao anh không gửi tranh bán?”. Thời gian ấy thị trường tranh rất hot, nhìn tranh ông tôi biết nếu bán rất đắt khách. Ông nheo mắt nhìn tôi nói nhỏ: “Này đừng nói chuyện bán tranh nhé, kẻo bà nhà tôi lại sốt lên. Mình minh họa báo, vẽ tranh truyện cộng với lương hưu là thừa sống rồi”.

Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên ông vẽ xong, khi duyệt ai cũng khen đẹp nhưng có ý kiến chen ngang: Nhưng tác giả họa sĩ không có bằng cấp! Rồi cuối cùng họ yêu cầu phải ghép thêm tên họa sĩ Mai Văn Hiến là họa sĩ Cao đẳng Đông Dương đồng tác giả rồi mới yên chuyện. Ông bảo tôi vậy, kì cục thế đấy.

Mấy năm rầm rộ xét giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước cho giới nghệ sĩ, tôi hỏi ông: “Sao anh không làm hồ sơ xin giải?”. Ông lặng lẽ một lúc rồi hỏi lại: “Sao phải xin nhỉ? Mình vẽ có phải để xin giải đâu”.

Có lần tôi hỏi Chủ tịch Hội Mỹ thuật Trần Khánh Chương: “Ông Bích sao không được trao giải? Chỉ riêng cuốn Sát Thát đã đáng giải Hồ Chí Minh rồi, nó tác động đến mấy thế hệ. Đó là chưa kể đến Huy hiệu chiến thắng Điện Biên và những áp phích về Bác Hồ vào loại đẹp nhất”, thì được trả lời: “Tại ông ấy không làm hồ sơ xin giải”.

Sau mấy năm ông mất, gia đình làm hồ sơ gửi xin xét giải. Mọi người thì xuôi, nhưng đến ông lại vướng: Trong hồ sơ ông không có giải nhất nhì nào ở những triển lãm toàn quốc. Dư luận ồn ào. Cuối cùng mọi người nhận ra những quy định phi lý và sự cứng nhắc của hội đồng xét duyệt và cả sự thiếu trách nhiệm của Ban Chấp hành Hội. Rồi 8 năm sau ngày ông mất, giải thưởng nhà nước cũng được trao cho ông khi con cái trong nhà làm hồ sơ trình báo.

Nguyễn Bích là vậy, một họa sĩ hiền hậu sống mẫu mực ít ai bằng, mà đường đời có lúc cũng chẳng thuận buồm xuôi gió.

5-2020