Tác giả: Lê Oa Đằng
Sự kiện đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough)
Sau sự kiện đá Vành Khăn lần thứ nhất, cục diện biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines trở nên hết sức căng thẳng. Tuy vậy, tình trạng đó gần như không liên quan trực tiếp đến đảo Scarborough vốn nằm cách xa quần đảo Trường Sa. Các sự kiện trực tiếp châm ngòi cho cuộc tranh cãi bắt đầu từ các tổ chức phát thanh nghiệp dư. Trước khi giao lưu mạng thịnh hành thì liên lạc qua sóng vô tuyến là một cách để kết bạn với người ở xa, không quen nhưng có chung sở thích trên khắp thế giới, và luôn được được những người yêu thích ưa chuộng.
Liên lạc đường dài (distant communication hoặc DX) qua đài phát sóng ngắn là một loại hoạt động truyền thống của những người yêu thích sử dụng sóng vô tuyến. DXCC là một tổ chức quốc tế của những người yêu thích sóng vô tuyến nghiệp dư, tổ chức này chia thế giới thành nhiều “quốc gia DXCC” (DXCC country). Những “quốc gia” này không nhất thiết là quốc gia thực mà có thể chỉ là một quốc gia ảo, mô phỏng. Chẳng hạn như Mĩ có 4 “quốc gia” DXCC (Đất liền, Hawaii, Midway và Alaska). Cả thế giới có hơn 300 “quốc gia” DXCC. Nếu như một người ưa thích (hoặc một hiệp hội) nào đó liên lạc được với 100 “quốc gia” DXCC qua vô tuyến thì có thể đăng kí xin chứng nhận và được xếp hạng từ nhà quản lí của Hiệp hội vô tuyến nghiệp dư Mĩ. Càng liên lạc được nhiều “quốc gia” thì thứ hạng càng cao. Đến những năm 1990, quy tắc này đã trở nên “bão hòa”, chỉ có phát triển thêm “quốc gia” DXCC mới thì thứ hạng mới được nâng lên.
Do đó, việc thiết lập các đài phát thanh ở những nơi xa hơn rồi yêu cầu công nhận “quốc gia” DXCC mới đã trở thành một xu hướng nóng được những người ưa chuộng vô tuyến theo đuổi lúc bấy giờ. Đảo Scarborough vì thế đã lọt vào tầm ngắm của người say mê vô tuyến. Do Scarborough là vùng đất xa xôi hẻo lánh, lại chưa từng thiết lập trạm phát sóng vô tuyến nên nếu thiết lập trạm vô tuyến tại đó thì sẽ có tư cách để trở thành “quốc gia” DXCC mới. Nhưng muốn thiết lập trạm vô tuyến thì phải tiến hành “viễn chinh” đến đó. Đây chính là bối cảnh của cuộc Dxpedition (viễn chinh DX) tại đảo Scarborough.
Chú ý đến đảo Scarborough sớm nhất không phải người say mê vô tuyến Trung Quốc. Dieter, một người Đức thuộc Tổ chức DX Châu Âu, có lẽ là người có hành động thực tế đầu tiên. Năm 1990, ông đã thăm dò Lãnh sự quán Trung Quốc và Philippines về vấn đề chủ quyền đảo Scarborough và việc thiết lập trạm vô tuyến. Nghe nói, đại sứ Philippines tại Đức, Bỉ an Phất Cát Ni (比安弗吉尼: Bienvenido Tan?), đã viết thư cho Dieter vào ngày 5 tháng 2 năm 1990, nói rằng:
“Theo bản đồ quốc gia và Bộ Thông tin Tài nguyên Philippines thì đảo Scarborough không thuộc phạm vi chủ quyền lãnh thổ của Philippines”.[919] Còn Đại sứ quán Trung Quốc phê chuẩn đơn xin lập trạm vô tuyến của Dieter, nhưng rốt cục Dieter không thực hiện được chuyến đi.
Khi đó, Dieter không phải là người duy nhất nghĩ đến việc thiết lập trạm vô tuyến trên đảo Hoàng Nham. Một người Đức say mê vô tuyến khác là Hans, đã gửi đơn đề nghị đến Hiệp hội vô tuyến điện nghiệp dư Mĩ ngày 6/10/1993, yêu cầu liệt kê đảo Scarborough là một ‘quốc gia’ DXCC mới. Tháng 3/1994, Dieter lại một lần nữa đệ đơn tới Đại sứ quán Trung Quốc và nhận được phê chuẩn. Nhưng, đối thủ cạnh tranh khác là Martti (Martti, OH2BH/VR2BH), người Phần Lan đã đi trước một bước, thuê máy bay tại Manila đến đảo Hoàng Nham quan sát từ trên không vào tháng 4/1994, ảnh chụp cho thấy các tảng đá lộ trên mặt nước quá nhỏ, việc tác nghiệp hết sức khó khăn. Dieter vì thế đã nản lòng. Nhưng Martti không thối chí, ông tìm gặp và hợp tác với Mizoguchi, một người Nhật có quan hệ rất thân thiết với giới vô tuyến Trung Quốc. Nhờ sự móc nối của ông này, tháng 5/1994, hai người đã đến thăm Hiệp hội vô tuyến Trung Quốc.
Khi đó, hoạt động vô tuyến nghiệp dư của Trung Quốc mới trong trạng thái khởi đầu, trong nước hầu như không có người am hiểu về những việc liên quan đến DXCC, đương nhiên cũng không biết gì về việc chạy đua xây dựng trạm vô tuyến trên đảo Hoàng Nham. Mặc dù mối giao tiếp giữa Martti và Mizoguchi đem lại cảm hứng cho phía Trung Quốc, nhưng theo Hiệp hội phong trào vô tuyến Trung Quốc thì “người nước ngoài không thể độc lập thiết lập các trạm vô tuyến nghiệp dư ở Trung Quốc”. Vì vậy hai bên quyết định thành lập đội viễn chinh DX Liên hiệp quốc tế. Sau khi biết việc này, giới lãnh đạo Trung Quốc đã có phản ứng hết sức tích cực. Chủ nhiệm Uỷ ban Thể thao Ngũ Thiệu Tổ đã khẩn trương phê duyệt phương án (Hiệp hội hoạt động vô tuyến trực thuộc Uỷ ban Thể thao), Ban quản lí vô tuyến phê chuẩn việc thành lập và sử dụng trạm vô tuyến nghiệp dư tại đảo Scarborough, có số hiệu là BS7H. Đồng thời Bộ Ngoại giao cũng phê chuẩn đơn xin đến đảo Scarborough của các thành viên người nước ngoài[920] (xem hình 60). Toàn bộ quá trình phê duyệt chỉ mất hai tuần lễ.[921] Chủ nhiệm Hiệp hội vô tuyến Trung Quốc Trần Bình là người Trung Quốc duy nhất tham gia trong đội Liên hiệp viễn chính, và cũng là đội trưởng. Để có thể xây dựng mặt bằng trên rạn đá phù hợp với tiêu chuẩn trở thành “quốc gia” DXCC, một người Nhật có kinh nghiệm xây dựng trạm vô tuyến trên rạn đá Okinotori được mời tham gia thực hiện.[922] Cuối cùng, đội Liên hiệp viễn chinh bao gồm 8 thành viên của 6 nước: Trung Quốc, Phần Lan, Mĩ, Đức, Nhật Bản, Philippines. Điều thú vị là, họ không xuất phát từ Trung Quốc, cũng không sử dụng tàu Trung Quốc mà thuê tàu quan trắc của Papua New Guinea (M/V Tabibuga, với thuyền trưởng là người Úc), tháng 6/1994 xuất phát từ Subic Philippines, đến đảo Scarborough vào 25/6, xây dựng trạm vô tuyến và liên lạc với điện đài trụ sở Hiệp hội vận động vô tuyến Trung Quốc BY1PK, hoàn thành chuyến viễn chinh.[923]
Hình 60: Văn kiện của Trung Quốc phê chuẩn việc đổ bộ lên bãi cạn Scaborough
Nhưng khi xây dựng trạm vô tuyến điện ở Scarborough, bốn cột của sàn trạm không nằm trên đá mà ở dưới nước biển, không được coi là thao tác trên mặt đất, vì thế đảo Scarborough không được liệt vào danh sách “quốc gia” DXCC. Vì vậy đội Liên hiệp viễn chinh lại chuẩn bị chuyến viễn chinh lần thứ hai, được Uỷ ban Thể thao quốc gia, Ban quản lí vô tuyến và Bộ Ngoại giao Trung Quốc phê chuẩn như lần trước (xem hình 60). Tháng 4/1995, Đội Liên hiệp viễn chinh lại đến Scarborough, vẫn sử dụng tàu M/V Tabibuga lần trước, xuất phát từ Philippines.[924]
Lần này họ thiết lập sàn trạm rất cẩn thận, đáp ứng yêu cầu của Hiệp hội vô tuyến Mĩ. Tuy nhiên, thiết bị thông tin lại gặp sự cố (điện áp máy phát điện quá thấp), khiến các đài nghiệp dư ở bờ biển phía đông nước Mĩ, nơi đặt trụ sở của Hiệp hội vô tuyến nghiệp dư Mĩ, không thể nhận được tín hiệu. Thêm vào đó, Hiệp hội vô tuyến nghiệp dư Mĩ lại mới thông qua “nguyên tắc lãnh thổ nhỏ nhất”, tham chiếu với quy định 121 “Công ước Luật biển quốc tế” thì chỉ những đảo nào có thể duy trì sự sống của con người mới đủ tư cách trở thành quốc gia DXCC. Quy định mới này đã loại trừ đảo Scarborough ra ngoài.
Tuy nhiên, do đơn xin của đảo Scarborough gửi trước khi có quy định trên nên quy định này có áp dụng đối với Scarborough hay không vẫn là diều tranh cãi. Thoạt đầu, đơn xin trở thành quốc gia DXCC của Scarborough bị từ chối. Tháng 1/1996, phái đoàn Trần Bình đến Mĩ, ra sức tranh cãi trong Hội nghị DX tại Mĩ. Cuối cùng, sau khi thẩm tra các đơn liên quan và các tài liệu về chủ quyền nêu trên do giới vô tuyến nghiệp dư Trung Quốc gửi tới, ngày 23/1, Hiệp hội vô tuyến điện nghiệp dư Mĩ ra thông báo, chính thức đưa đảo Hoàng Nham – đại diện cho Trung Quốc, là quốc gia DXCC.[925]
Trong miêu tả của phía Trung Quốc (chủ yếu là lời Trần Bình), có không ít điểm mơ hồ về chuyến viễn chinh 1994, chẳng hạn như tại sao lại có sự tham gia của các thành viên Mĩ và Philippines (Tim và KJ4HV)?[926] Tại sao lại xuất phát từ Philippines? Việc giao lưu với Philippines như thế nào?
Việc Ban Quản lí vô tuyến, Uỷ ban Thể thao Quốc gia và Bộ Ngoại giao của Trung Quốc đã phê duyệt các đơn liên quan hai lần,[927] cho thấy ý định chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Scarborough, phù hợp với thái độ của Trung Quốc đối với đảo Hoàng Nham, và cũng trở thành chứng cứ cho việc Trung Quốc quản lí đảo Scarborough. Hơn nữa, trong những vấn đề liên quan đến chủ quyền Scarborough, Trần Bình tuyên bố rằng ông đã thu thập rất nhiều tư liệu có liên quan vào lúc đó. Ba trong số đó có giá trị đặc biệt và có thể được coi là bằng chứng cho thấy Philippines đã phủ nhận chủ quyền của mình đối với đảo Scarborough.
Tư liệu thứ nhất là bức thư do Đại sứ Philippines tại Đức viết gửi cho Dieter ngày 5/2/1990, trong đó nói rõ: “Theo bản đồ và Bộ Thông tin tài nguyên Philippines, đảo Scarborough không nằm trong phạm vi chủ quyền lãnh thổ của Philippines”.
Tư liệu thứ hai là thư xác nhận của Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường Philippines gửi Hiệp hội vô tuyến nghiệp dư Mĩ ngày 28/2/1994: “Biên giới lãnh thổ và chủ quyền Philippines được quy định theo khoản 3 Điều ước Paris, kí ngày 10/12/1898, đảo Scarborough nằm ngoài biên giới lãnh thổ của Philippines”.
Tư liệu thứ ba là thư của Hiệp hội vô tuyến nghiệp dư Philippines gửi Hiệp hội vô tuyến nghiệp dư Mĩ: “Với tinh thần vô tuyến nghiệp dư, ủng hộ việc coi đảo Scarborough là một thực thể DXCC mới của Trung Quốc”.[928]
Trung Quốc nhấn mạnh hai tư liệu đầu đều có thể chứng minh Philippines không có chủ quyền đối với đảo Scarborough.[929] Việc Hiệp hội vô tuyến nghiệp dư Mĩ coi đảo Scarborough là “quốc gia DXCC” của Trung Quốc cũng được một số người coi là một căn cứ về việc quốc tế công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Scarborough.[930] Nhưng trên thực tế, dù Hiệp hội vô tuyến nghiệp dư Mĩ hay Philippines thì cũng chỉ là hiệp hội mang tính nghiệp dư, không phải là bộ máy nhà nước, mọi quyết định đều không có hiệu lực chính thức.
Thư do Đại sứ Philippines tại Đức viết gửi Dieter và thư xác nhận của Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường Philippines gửi Hiệp hội vô tuyến điện nghiệp dư Mĩ là chứng cứ rất chắc chắn và có hiệu lực pháp lí mạnh mẽ. Nhưng, có điều khó lí giải là cả hai tư liệu đó không quá xa xưa, lại có hiệu lực pháp lí đến mức như vậy, và dù giới ưa chuộng vô tuyến có tuyên bố là đã thu thập được hai lá thư đó vào năm 1994,[931] nhưng lại chưa hề được đưa ra công khai. Không những thư gốc mà ngay cả bản tiếng Anh gốc cũng chưa được công khai. Thông tin liên quan chỉ là từ báo chí Trung Quốc tường thuật lại. Vì thế, hai bức thư đó có tồn tại hay không vẫn còn là điều nghi vấn.[932]
Hai lần viễn chinh đầu không gây tranh cãi, thuyền viên cũng không gặp cản trở nào từ Philippines khi đổ bộ lên đảo Scarborough. Nhưng lần đổ bộ thứ ba đã gây ra tranh chấp đối với đảo Scarborough.
Lí do là, dù đảo Scarborough đã được thừa nhận là “quốc gia” DXCC nhưng thiết bị trạm điện trong lần đổ bộ thứ hai lên đảo lại gặp trục trặc, do vậy mới có chuyến đổ bộ thứ ba. Khi đó, Martti người Phần Lan đã nhụt chí lên đảo, vì thế mà công tác tổ chức viễn chinh lần thứ ba mới chuyển sang tay người Trung Quốc. Thành viên trong đoàn viễn chinh này có 3 người Trung Quốc, 3 người Mĩ và 2 người Nhật Bản. Trần Bình không đích thân tham gia viễn chinh mà chỉ đảm nhận vai trò người tổ chức. Điểm xuất phát lần này đổi sang Quảng Châu và sử dụng tàu hải giám Trung Quốc.
Theo tường thuật của người tổ chức Trần Bình thì lí do của cách sắp xếp như vậy là vì xuất phát từ Trung Quốc sẽ có ý nghĩa hơn nên đã tìm người quen liên lạc với Cục Hải dương quốc gia.[933] Mâu thuẫn ở chỗ, ông ta cảm thấy tàu hải giám sức chứa 45 người là quá lớn, không phù hợp (thành viên đội vô tuyến chỉ có 11 người), nhưng Cục Hải dương đã điều hai chiếc tàu hải giám (số 74 và 72) đến đảo Scarborough trước. Với một thế trận như vậy, thật khó để không cảm thấy rằng chuyến đi này không có sự sắp đặt sẵn.
Tháng 4/1997, đội viễn chinh xuất phát từ Quảng Châu, và cố gắng thiết lập một trạm vô tuyến trên đảo Scarborough lần thứ ba. Chỉ hai ngày trước khi xuất phát (28/4), Philippines thông báo phát hiện thấy 3 chiếc tàu hải quân Trung Quốc trên đá Vành Khăn và nêu kháng nghị với phía Trung Quốc. Tình hình biển Đông lại trở nên căng thẳng.
Đoàn tàu đến đảo Scarborough vào ngày 30/4. Ngay khi lên đảo lắp đặt thiết bị thì hai chiếc máy bay Philippines bay đến trinh sát ở độ cao rất thấp, “tựa như rà sát trên đầu các thành viên trong đoàn viễn chinh”. Thành viên đội vô tuyến không để tâm và vẫn tiếp tục tiến hành lắp đặt thiết bị. Nhưng, theo lời kể của họ, tất cả đều không hề chuẩn bị tâm lí trước tình huống căng thẳng đó nên cảm thấy vô cùng bất ngờ.[934]
Ngày 1/5, một tàu tuần tra của hải quân Philippines đến đảo. Quân lính Philippines đã lên cả 3 bãi đá xây dựng trạm vô tuyến để kiểm tra thiết bị và hỏi mục đích đến đảo của đội viễn chinh. Theo lời kể của một người có mặt trên đảo thì thái độ của người Philippines hết sức thiện chí, thậm chí còn phát thuốc cho những người không quen sóng gió ngoài đảo. Sau khi trao đổi với đội vô tuyến và đội tàu của Cục Hải dương Trung Quốc, người chỉ huy quân Philippines tuyên bố, nơi đó là vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Thuyền viên tàu Hải dương Trung Quốc phản bác, cho đó là lãnh thổ của Trung Quốc, vùng phụ cận 12 hải lí là lãnh hải Trung Quốc. Chỉ huy quân Philippines không đồng tình với lí giải của phía Trung Quốc. Điều đáng nói là, theo lời kể của các thành viên đội viễn chinh lên đảo, sĩ quan chỉ huy Philippines thừa nhận Philippines chưa từng có chủ trương chủ quyền đối với đảo đá này.[935] Đồng thời, sĩ quan chỉ huy này tỏ ra quan tâm nhiều hơn đến việc liệu những thiết bị được đưa đến đảo có ảnh hưởng tới hoạt động ngư nghiệp hay không. Sau khi hải quân Philippines tiến hành kiểm tra thiết bị và xác nhận không ảnh hưởng đến hoạt động ngư nghiệp, quân lính Philippines đã rời khỏi đảo. Tuy nhiên, trước khi rời đi, họ đã nhắc lại, khu vực đó là vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, tàu bè Trung Quốc có thể đi qua, nhưng không được phép dừng lại quá lâu tại bất cứ điểm nào.[936] Mặc dù tàu Philippines rời khỏi, nhưng không đi xa mà vẫn tiến hành tuần tra tại vùng biển đó. Ngày thứ hai, tàu Philippines đến nhiều hơn, thậm chí còn có cả thợ lặn xuất hiện. Mặc dù hai bên không xảy ra xô xát trong suốt quá trình tiếp cận nhưng chỉ huy tàu của Cục Hải dương vẫn quyết định quay về, kế hoạch hành động theo dự kiến ban đầu 7 ngày (có thông tin nói là 6 ngày) bị rút xuống chỉ còn 3 ngày là kết thúc. Trước khi quay về, đội tàu đã cắm cờ Trung Quốc trên đảo.[937]
Chuyến viễn chinh lên đảo lần thứ ba vấp phải sự can thiệp của tàu Philippines, dẫn đến tranh chấp về chủ quyền đảo Scarborough. Điều này cho thấy Philippines thực sự kiểm soát vùng biển xung quanh đảo Scarborough, đồng thời nó cũng phản ánh những lí do khiến Philippines có thái độ khác nhau đối với hai lần lên đảo trước so với lần thứ ba, có thể liên quan đến quốc tịch và điểm xuất phát của các tàu.
Vài hôm sau, ngày 9/5/1997, Trường Sa lại “dậy sóng”. Ba nghị viên Philippines đáp máy bay ra thị sát đảo Trung Nghiệp (đảo Thị Tứ), khiến quan hệ Trung Quốc – Philippines trở nên căng thẳng, không khác gì đổ thêm dầu vào lửa trong sự kiện Scarborough.
Ngày 13/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa kháng nghị đến Philippines. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines D. Siazon, Jr. đã phản bác: đó vốn là vùng nước của chúng tôi. Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng tuyên bố đảo Scarborough thuộc Philippines vì nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí của Philippines. Trung tuần tháng 5, hai nghị viên Quốc hội Philippines lên đảo Scarborough nhổ cờ Trung Quốc, cắm cờ và cột mốc Philippines trên đảo.[938] Ngày 20/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Thẩm Quốc Phóng tuyên bố: “Đảo Hoàng Nham từ xưa đến nay đều là lãnh thổ của Trung Quốc, điều đó đã được xác định từ rất lâu rồi”.[939] Ngày 21/5, Tổng thống Philippines Ramos đã thể hiện lập trường cứng rắn trong cuộc họp báo rằng: “Philippines có chủ quyền để thăm dò và khai thác tài nguyên trên đảo Scarborough, nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi.”[940] Kể từ đó, cuộc tranh giành đảo Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines chính thức mở màn.
Ngày 20/5, hải quân Philippines bắt giữ tàu đánh cá Đài Sơn “62098” của Trung Quốc tại vùng biển gần đảo Scarborough, bắt giữ 21 ngư dân Trung Quốc, cáo buộc những người này xâm nhập lãnh thổ trái phép. Hai nước sau đó đã lao vào cuộc đấu ngoại giao về vấn đề ngư dân. Khi đó, Philippines nghĩ tới Mĩ, quan chức và chính khách đều hô hào tăng cường Điều ước quân sự Mĩ - Philippines. Tuy nhiên, Mĩ còn rất bực tức trước việc nước này vừa bị trục xuất khỏi căn cứ ở Vịnh Subic, cho rằng đã rất hài lòng với Điều ước, sẽ không thực hiện sửa đổi, đồng thời thể hiện việc khuyến khích các bên giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình.[941] Cuối cùng, tòa án Philippines không thể đưa ra phán quyết “nhập cảnh trái phép” vì ngư dân (Trung Quốc) bị bắt trong vùng đặc quyền kinh tế chứ không phải trong lãnh hải, do đó không cấu thành tội “nhập cảnh trái phép”. Sự việc kết thúc trong quên lãng.
Trước năm 1997, tình trạng của đảo Scarborough thu hút nhiều sự chú ý. Trung Quốc thản nhiên nhận đảo Hoàng Nham (Scarborough) thuộc lãnh thổ của mình không hề thắc mắc, và Philippines cũng coi khu vực xung quanh đảo Scarborough là vùng biển riêng do mình quản lí. Trong tranh chấp đảo Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines, Trung Quốc thường chỉ ra rằng Bộ trưởng Ngoại giao Philippines thừa nhận “đảo Hoàng Nham là vấn đề mới xuất hiện giữa Trung Quốc và Philippines”, điều này cho thấy yêu sách của Philippines đối với đảo Hoàng Nham là “mới”. Nhưng, ý của Ngoại trưởng Philippines lại là trước kia Philippines chưa bao giờ nhận thấy Trung Quốc có chủ trương về lãnh thổ đối với Scarborough, trong khi Scarborough luôn nằm trong sự kiểm soát của Philippines, vì vậy đây là một tranh chấp chủ quyền “mới”.
Từ đó, Scarborough trở thành chiến trường mới giữa Trung Quốc và Philippines. Philippines tăng cường hoạt động tuần tra và quản lí ngư nghiệp tại vùng đảo này. Ngày 11/1/1998, hải quân Philippines bắt giữ tàu cá Quỳnh Hải “00372” và “00472” cùng 22 thuyền viên trong vùng biển đảo Scarborough. Ngày 11/3, Philippines bắt giữ thêm tàu cá Trung Viễn “311” và “313” cùng 29 thuyền viên tại vùng biển gần đảo Scarborough. Ngày 23/5/1999, tàu Quỳnh Hải “03091” và “03082” bị tàu chiến Philippine “47” xua đuổi, truy đuổi, đâm vào trong 2 giờ đồng hồ. Sau 3 lần va đập, tàu cá Quỳnh Hải “03091” bị đâm chìm, tàu chiến Philippines bắt giữ 3 ngư dân Trung Quốc bị rơi xuống biển. Ngày 19/7/1999, hải quân Philippines lại xua đuổi, truy đuổi và đâm chìm tàu Quỳnh Hải “03061” tại vùng biển gần đảo Scarborough, khiến hơn 10 thuyền viên rơi xuống nước, được tàu cá khác của Trung Quốc vớt được. Ngày 3/11/1999, Philippines điều tàu chiến truy đuổi 3 tàu cá Quỳnh Hải của Hải Nam đang trú bão trên đảo Scarborough. Sau khi đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đàm phán khẩn cấp, tàu hải quân Philippines mới dừng truy đuổi. Ngày 6/1/2000, tàu Hải quân Philippines tiến hành xua đuổi 6 tàu cá Trung Quốc trong vùng biển gần đảo Scarborough. Ngày 15/1, tàu chiến Philippines “11” lại xua đuổi tàu cá Quỳnh Hải “01008” và “02022” gần đảo Scarborough. Ngày 25/1, 4 tàu cá trong đó có Quỳnh Hải “09097" bị nhân viên tàu hải quân Philippines “70” lên tàu kiểm tra và thu giữ tài sản. Ngày 5/2, tàu hải quân Philippines bắn cảnh cáo tàu cá Trung Quốc đang hoạt động tại vùng biển gần Scarborough, buộc tàu cá Trung Quốc phải cho nhân viên tàu lên kiểm tra và thu giữ sản phẩm đánh bắt của ngư dân Trung Quốc.[942] Ngày 14 tháng 3 năm 2000, Philippines đổ bộ lên đảo lục soát 10 tàu đánh cá của Trung Quốc, thu giữ một số lượng lớn trai khổng lồ cùng kíp nổ và thuốc nổ dùng đánh nổ san hô.[943] Ngày 1/9/2002, tàu hải quân Philippines bắt giữ 4 tàu cá và 14 ngư dân Trung Quốc trên đảo Scarborough.
Tàu chiến Philippines còn tiến hành hoạt động quân sự trên vùng biển gần đảo Scarborough. Ngày 3/11/1999, tàu chiến Philippines lấy lí do “mắc cạn” để “neo đậu” tại Scarborough, nói ước chừng 1 tháng sau mới rời đi (xem phần sau).[944] Ngày 28/3/2001, pháo hạm Philippines đóng tại đảo Scarborough.[945] Ngoài ra, nghị sĩ Philippines còn lên đảo với tư cách thành viên quốc hội.[946] Trong những sự kiện kể trên, mặc dù Trung Quốc đều có phản đối bằng lời, nhưng không có hành động thực tế. Trước năm 2012, không hề có một tàu công vụ hay tàu hải quân nào tiến vào vùng biển đảo Scarborough. Chính Trung Quốc cũng thừa nhận, trước năm 2012, Philippines kiểm soát thực tế đảo Scarborough.
Tháng 5/1999, Philippines xuất bản bản đồ mới, vẽ đảo Scarborough trong biên giới của Philippines. Năm 2009, Philippines thông qua luật số 2699 của Thượng viện và luật số 3216 của Hạ viện, chính thức đưa đảo Scarborough vào bản đồ lãnh thổ theo luật pháp.
Sự kiện bãi rạn Mĩ Tế (đá Vành Khăn) lần thứ hai
Sau tranh chấp về đảo Scarborough, giữa Trung Quốc và Philippines lại xảy ra sự kiện đá Vành Khăn lần thứ hai. Trung Quốc không thỏa mãn với việc xây dựng nhà giàn dân dụng trên đá Vành Khăn. Năm 1995, Trung Quốc xây dựng nhà giàn thế hệ hai, dùng làm chỗ trú đóng đơn giản cho người canh gác nhằm kiểm soát đảo chứ không thể sử dụng được cho mục đích quân sự. Tiếp đó, Trung Quốc có ý muốn xây dựng đá Vành Khăn thành tiền đồn quân sự. Bắt đầu từ năm 1998, Trung Quốc tiến hành xây dựng trên đá Vành Khăn “nhà giàn” thế hệ ba, được coi là “lô cốt bãi cạn” – một kết cấu xi măng cốt thép lớn trên bãi ngầm.
Hành động của Trung Quốc gây sự chú ý của Philippines. Tháng 10/1998, trong một lần trinh sát đá Vành Khăn, Philippines chụp ảnh được công trình đang xây dựng. Ngày 5/11, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Kadai (卡戴: Ca Đái) triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Quan Đăng Minh để phản đối việc tàu vũ trang Trung Quốc xâm chiếm đá Vành Khăn. Cùng ngày, người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines phát biểu trong một cuộc họp báo:
Chúng tôi biết Trung Quốc đang tiến hành xây dựng một số công trình trên đá Vành Khăn, đồng thời phái một số tàu hải quân đến đó, bao gồm 2 tàu hải quân có bãi đỗ cho trực thăng. Bộ trưởng Bộ quốc phòng Philippines cho rằng việc Trung Quốc tăng cường các công sự trên đá Vành Khăn vượt quá hoạt động mang tính chất kinh tế, thể hiện rõ sự uy hiếp của Trung Quốc đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Philippines. Philippines yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các công trình đang xây dựng.[947]
Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines trả lời: “Do các yếu tố tự nhiên không thể chống lại được 1995 các cơ sở trú ẩn nói trên đã bị hư hại nghiêm trọng, và cơ quan quản lí ngư nghiệp địa phương của Trung Quốc đã phải tiến hành việc sửa chữa và củng cố cần thiết cho các cơ sở ban đầu.”. “Việc Trung Quốc sửa chữa và củng cố các cơ sở trú ẩn cần thiết và thích hợp trên rạn Mĩ Tế nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, và nó hoàn toàn vì mục đích sử dụng hòa bình.” Thái độ của Trung Quốc kể từ đó cũng tương tự như tuyên bố này, khẳng định rằng việc xây dựng mới chỉ là các biện pháp dân sự.
Trung Quốc cũng đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao, trong đó có cuộc gặp của Ngoại trưởng Đường Gia Triền với Ngoại trưởng Philippines Siazon trong Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Kuala Lumpur; cuộc hội kiến của Chủ tịch Giang Trạch Dân với Tổng thống Philippines Estrada tại Kuala Lumpur vào ngày 17/11. Hai bên đạt được thỏa thuận gác tranh chấp cùng khai thác. Ngày 25/11, Tổng thống Philippines Estrada biểu thị rằng đối với các công trình do Trung Quốc xây dựng trên quần đảo Trường Sa, Philippines nhân nhượng cho phép hoàn thành nhưng không được xây thêm.[948]
Tranh chấp về đá Vành Khăn lắng xuống một thời gian, nhưng ở Philippines Tổng thống không thể khống chế hết mọi thứ, và quốc hội cũng có thể có một tác động nào đó. Dân biểu Julius, người gốc Palawan, nhạy cảm với hoạt động của Trung Quốc ở Trường Sa hơn Tổng thống vốn xuất thân ở đảo Luzon. Trước tình huống Tổng thống tỏ ra ôn hòa, ông đã trực tiếp mời Dana Rohrabacher - thành viên Uỷ ban Quan hệ quốc tế thuộc Hạ nghị viện Mĩ đáp máy bay trực thăng không quân bay đến đá Vành Khăn để quan sát từ trên không vào ngày 1/12. Dana Rohrabacher rút ra kết luận: việc xuất hiện chiến hạm của Trung Quốc tại đá Vành Khăn là hành động uy hiếp đối với Philippines vốn đang yếu kém về quân sự, đồng thời kêu gọi Mĩ gây áp lực ngoại giao và quân sự với Trung Quốc, buộc Trung Quốc rút lui chiến hạm và phá bỏ các các công trình xây dựng.[949] Thực ra, chính phủ Mĩ cũng hi vọng các bên giữ hòa khí, trước đó đã nhiều lần tìm cách ngăn cản hành động của Dana Rohrabacher với lí do là không có cách để đảm bảo an toàn.[950] Nhưng Chính phủ Mĩ cũng không thể ngăn cản được hành động của nghị sĩ Quốc hội.
Được Quốc hội Hoa Kì khuyến khích, Quốc hội Philippines lại lên giọng một lần nữa. Ngày 12/1/1999, tại Hội nghị hàng năm Diễn đàn quốc hội Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức ở Lima, Peru, lần đầu tiên Philippines đưa vấn đề Trường Sa đối đáp công khai với Trung Quốc. Đại biểu Philippines, Phó Chủ tịch Thượng viện Hồ Bích Lễ (胡碧禮) đề xuất dự thảo nghị quyết 15, chỉ trích các hành động của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa là đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. Đại biểu Trung Quốc yêu cầu rút lại bản dự thảo, nổ ra cuộc đấu khẩu gay gắt giữa hai bên tại cuộc họp.
Estrada, người có thái độ thân Trung Quốc đành xoa dịu lần nữa. Ngày 21/1, ông triệu tập Hội nghị an ninh quốc gia, bao gồm đại diện của Chính phủ, Bộ ngoại giao và Quốc hội. Công thức đồng thuận cuối cùng đạt được là giải quyết vấn đề qua đàm phán ngoại giao. Estrada còn kiên định rằng người Mĩ không nên can dự vào vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đồng thời bác bỏ ý kiến phát động dân chúng leo thang sự kiện với chủ nghĩa dân tộc.[951]
Đồng thời với sự kiện đó, Philippines đáp trả với việc tiến hành mở rộng công trình quân sự trên đảo Thị Tứ (đảo Trung Nghiệp), dẫn đến kháng nghị của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 3/3/1999. Điều này đã dẫn tới phản đối từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 3 tháng 3 năm 1999, nhưng đã bị Philippines bác bỏ. Ngày 22/3, trong cuộc họp Nhóm công tác Trường Sa Trung Quốc – Philippines tại Manila, hai bên đã đạt được thỏa thuận, ra “Tuyên bố chung Trung Quốc – Philippines”, biểu thị quan điểm “giữ thái độ kiềm chế, không sử dụng hành động làm phức tạp tình hình” ở Nam Sa.[952] Sự kiện đá Vành Khăn lắng xuống. Trong sự kiện đá Vành Khăn lần thứ hai, Trung Quốc đã thành công trong việc nâng cấp các nhà giàn, từ chỗ ban đầu chỉ là nơi khiêm tốn cho người đến ở thành căn cứ kiên cố có thể chuyển đổi thành pháo đài quân sự bất cứ lúc nào.
Mặc dù đã có tuyên bố chung Trung Quốc- Philippines, nhưng Philippines vẫn không cam chịu. Ngày 30 tháng 3, Estrada ngay lập tức thông qua thư kí báo chí của mình cho biết rằng Philippines sẽ tiếp tục đấu tranh cho chủ quyền của đá Vành Khăn, đồng thời chuẩn bị đưa vấn đề này ra Tòa án quốc tế về Luật biển thuộc Liên hiệp quốc.[953] Tuy nhiên, điều đó vấp phải sự bài bác của Trung Quốc. Ngày 20/4, Đại sứ mới của Trung Quốc tại Philippine, Phó Oánh nói rằng hai bên có thể ngồi lại để đàm phán song phương, Trung Quốc kiên quyết phản đối đưa vấn đề ra quốc tế.[954] Đây là lần đầu tiên Philippines đề nghị đưa sự việc biển Đông ra cơ quan trọng tài quốc tế. Kể từ đó trở đi, việc giải quyết vấn đề thông qua đàm phán song phương hay đa phương, hoặc thông qua các phán quyết của tòa án quốc tế đã trở thành một trọng tâm ngoại giao mới cho vấn đề biển Đông. 15 năm sau, việc đưa vấn đề ra cơ quan trọng tài quốc tế đã trở thành sự thật (xem phần VI.1, VI.15).
Sự kiện mắc cạn trên bãi Nhân Ái (bãi Cỏ Mây) và Hoàng Nham (bãi Scarborough)
Sau sự kiện đá Vành Khăn lần thứ hai, Malaysia lặng lẽ chiếm đóng Erica Reef (Erica Reef, Terumbu Siput) và bãi Investigator, Malaysia gọi là Terumbu Peninjau nghĩa đen là Đá ngầm quan sát) và xây dựng trạm gác hải quân trên đảo.[955] Cả Trung Quốc và Philippines đều không có năng lực để ngăn chặn các hành động của Malaysia. Theo cách này, Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn, Việt Nam chiếm đá Tiên Nữ (Pigeon Reef/bãi Vô Khiết) và Malaysia chiếm bãi Én Ca (Erica Reef), dọc theo đảo Palawan tính từ Bắc đến Nam. Philippines vừa lo chậm tay trong vòng tranh chấp mới ở Trường Sa, vừa lo an ninh quốc gia nên tìm cách thực hiện các biện pháp đối phó – chiếm bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) đối diện với đá Vành Khăn, nối với đá đá Công đo (Commodore Reef) ở phía Nam thành một dải, nhằm ngăn chặn nước khác áp sát đảo Palawan.
Philippines biết tận dụng cơ hội tốt. Ngày 8/5/1999, Mĩ và Nato “ném bom nhầm” vào Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư.[956] Trung Quốc bận rộn với những khúc mắc trong quan hệ với Mĩ nên không còn thời gian để tâm đến phía Nam. Ngay ngày hôm sau, Philippines ra lệnh cho tàu chở đầu BRP Sierra Madre đang chạy trong khu vực này tiến về bãi Cỏ Mây, rồi lập tức “gặp nạn” mắc cạn tại đó. Tàu chiến đó này do Mĩ chế tạo trong thời kì Thế chiến II, sau đó chuyển cho Philippines, khi đó về cơ bản đã mất khả năng chiến đấu, thích hợp với việc thực thị nhiệm vụ mắc cạn.
Trung Quốc kháng nghị Philippines. Philippines thông báo, đáy tàu bị rò nên không thể chạy được, đành phải để mắc cạn. Ngay lập tức, Trung Quốc và Philippines tiến hành nhiều vòng đàm phán, nhưng Philippines cứ trì hoãn, rốt cục không đi tới đâu. Philippines để lại 7 lính trên tàu, thay phiên theo định kì. BRP Sierra Madre dài 100m, trên tàu đầy đủ phương tiện sinh hoạt, thậm chí có phòng karaoke. Điều kiện sống còn tốt hơn nhà giàn trên các đảo khác. Bằng cách này, Philippines đã kiểm soát thực tế bãi Cỏ Mây. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử có một quốc gia quản lí thực tế bãi Cỏ Mây. Kể từ đó, Philippines thường xuyên bổ sung vật tư và luân chuyển binh lính đóng trên bãi Cỏ Mây, số lượng binh lính đóng ở đó khoảng 10 người.
Sau khi chiếm được bãi Cỏ Mây, Philippines có ý muốn lặp lại thủ đoạn này ở đảo Scarborough. Ngày 23/5, tàu cá Quỳnh Hải 03091 của Trung Quốc đang đánh bắt ở vùng biển gần đảo Scarborough thì bị tàu chiến số 47 của Philippines xua đuổi. Tàu va chạm nhau, 11 ngư dân rơi xuống nước được cứu, trong đó có 3 người bị Philippines bắt giữ đưa về Manila.
Đại sứ Trung Quốc Phó Oánh liên hệ với Philippines, và gặp gỡ các ngư dân bị bắt. Ngư dân Trung Quốc cho biết, tàu chiến Philippines đã truy đuổi trong 2 giờ đồng hồ, đâm vào cá tàu 3 lần, cố ý đâm hỏng tàu cá. Nhưng, Philippine giải thích việc va chạm nhau là sự cố ngoài ý muốn. Ngày 2/6, Philippines thả 3 ngư dân bị bắt giữ.[957] Sóng gió vẫn chưa dừng lại. Ngày 5/6, trong một cuộc tọa đàm, Phó Oánh đưa ra tấm bản đồ Philippines xuất bản năm 1967, thể hiện đảo Scarborough nằm ngoài biên giới Philippines,[958] vì thế Scarborough không thuộc về Philippines. Nhưng, ngày 10, người phát ngôn Philippines Barrigan đã trả lời rằng Philippines liên tục thực thi chủ quyền tại đảo Scarborough theo Luật quốc tế, ngăn chặn buôn lậu từ mấy chục năm trước và cũng đã xây dựng đèn biển tại đây.[959]
Đồng thời với các tiếp xúc ngoại giao, Philippines tìm cách kiểm soát hơn nữa bãi Scarborough. Ngày 20/10, Philippines phái đội xây dựng và lực lượng đặc biệt đến tiến hành thi công trên đảo Scarborough. Ngày 3/11, tàu chiến 507 của Philippines tiến vào đảo Scarborough từ lối vào phía Đông Nam, neo đậu trên bãi biển phía Bắc, và cho mắc cạn trên đảo để làm trạm quan sát. Đồng thời, hai tàu khu trục nhỏ và pháo hạm tuần tra bên cạnh. Ngày 4/11, máy bay do thám Trung Quốc phát hiện thấy hoạt động của Philippines nên Trung Quốc đã ra kháng nghị ngoại giao. Ngày 5/11, trợ lí Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nêu sự việc tàu chiến của Philippines“mắc cạn” trên đảo Scarborough với Đại sứ Philippines tại Trung Quốc. Ngày 8/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Chương Khải Nguyệt nêu rõ : “Đảo Hoàng Nham là lãnh thổ Trung Quốc từ xưa đến nay. Phía Trung Quốc yêu cầu phía Philippines thừa nhận thực tế này, lập tức dừng ngay mọi hành động xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc tại đảo Hoàng Nham.” Philippines viện cớ “ buồng máy bị nước vào” để trì hoãn.
Đúng dịp cuối tháng 11, cuộc họp không chính thức thứ hai giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (10+3) và cuộc họp không chính thức giữa các nước ASEAN với Trung Quốc (10+1) dự kiến tổ chức tại Manila, thủ đô của Philippines. Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ sẽ tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo nói trên và thăm chính thức Philippines. Khi đó, Philippines rất coi trọng việc liệu một loạt hội nghị cấp cao ASEAN và chuyến thăm Philippines của Thủ tướng Chu Dung Cơ có được tổ chức thành công tại Manila hay không. Các bộ ngành hữu quan của Trung Quốc và Philippines gấp rút chuẩn bị cho chuyến thăm của Chu Dung Cơ. Vì thế ý đồ chiếm Scarborough bằng cách cho tàu chiến “mắc cạn trên bãi” của Philippines trở thành vấn đề rất nhạy cảm ảnh hưởng đến chuyến thăm này. Trung Quốc đã gây sức ép ngoại giao mạnh mẽ với phía Philippines, yêu cầu phía Philippines cam kết lập tức rút tàu chiến “mắc cạn” ra khỏi đảo Scarborough.
Ngày 24/11, trợ lí Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tháp tùng Thủ tướng Chu Dung Cơ sang thăm Philippines và gặp Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, yêu cầu Philippines thực hiện cam kết rút tàu chiến càng sớm càng tốt. Ngày 26, trong chuyến tháp tùng Chu Dung Cơ sang Philippines, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Chu Bang Tạo đã tổ chức một cuộc họp báo. Khi phóng viên đặt câu hỏi về sự kiện tàu quân sự Philippines mắc cạn tại đảo Scarborough, Chu Bang Tạo trả lời, Trung Quốc đã tiếp xúc với Philippines về vấn đề này, phía Philippines cũng đã nhiều lần hứa sẽ rút tàu chiến mắc cạn đi. “Hi vọng phía Philippines giữ lời hứa, đây là một khảo nghiệm về việc Philippines có giữ lời hay không”. Ngoại trưởng Philippines Siazon buộc phải công khai phủ nhận kế hoạch chiếm Scarborough của hải quân Philippines, đồng thời tuyên bố: “Chúng tôi đã hứa. Chúng tôi sẽ rút tàu chiến khỏi khu vực đó”.[960] Ngày 29/11, trong lúc Chu Dung Cơ bước lên chuyên cơ kết thúc chuyến thăm Philippines, tàu chiến “ mắc cạn” gần một tháng đã rút đi khỏi đảo Scarborough vào 5:15 chiều hôm đó. Sự kiện mắc cạn tại đảo Scarborough kết thúc, kế hoạch dựng nhà giàn trên đảo của Philippines cũng bị gác lại.
Việc hai sự kiện mắc cạn trên bãi Cỏ Mây và đảo Scarborough có kết quả không giống nhau liên quan đến yếu tố then chốt là thời gian và địa điểm.
Về mặt thời gian, sự kiện Cỏ Mây xảy ra vào thời điểm Mĩ ném bom nhầm Sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư nên Trung Quốc không có thời gian quan tâm đến bãi Cỏ Mây Còn sự kiện đảo Scarborough xảy ra khi Trung Quốc đã giải quyết xong xung đột với Mĩ, hơn thế Philippines lại là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị 10+3 nên có những lo ngại lớn về mặt ngoại giao. Sự khác biệt về vị trí của hai nơi có thể là nhân tố quan trọng hơn. Đảo Scarborough cách Trung Quốc gần hơn nhiều so với bãi Cỏ Mây. Dù khi đó Trung Quốc chưa đủ sức duy trì hoạt động tuần tiễu thường xuyên tại Scarborough, nhưng nếu quyết tâm thì vẫn có khả năng truy đuổi Philippines từ Hoàng Sa hoặc từ Hải Nam. Sự thật thì từ năm 1995, Trung Quốc đã đơn phương quy định “cấm đánh bắt cá theo mùa” từ vĩ tuyến 12° N về phía Bắc ở biển Đông, điều này cho thấy Trung Quốc có ý định và năng lực kiểm soát khu vực này. Nhưng bãi Cỏ Mây cách Trung Quốc xa hơn nhiều, hơn thế căn cứ Vành Khăn cũng chưa được định hình, đối phó với hành động của Philippines, Trung Quốc cũng giống như roi dài chưa đủ tầm.
Trước sức ép đẩy mạnh của Trung Quốc tại biển Đông, Philippines cuối cùng mới vỡ lẽ là không thể ứng phó nổi nếu không có sự trợ giúp quân sự của Mĩ. Vì vậy, năm 1999 Philippines đã lập lại quan hệ với Hoa Kì, đồng ý nối lại quan hệ quân sự giữa hai bên.[961]
V.7. Từ Hội nghị biển Đông đến “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông”
Hiện nay, Đông Nam Á đã trở thành cái tên quen tai, nhưng thực ra chỉ bắt đầu từ Thế chiến II thì khu vực này được gọi là Đông Nam Á, mục đích chính khi đó là để phân định các khu vực tác chiến chống Nhật. Trước đó, Đông Nam Á chưa có tên gọi thống nhất. Chính cách phân chia và cách gọi tên này đã khởi động ý thức xây dựng khu vực Đông Nam Á.
Sau chiến tranh, nhiều tổ chức quốc tế khu vực ra đời. Châu Âu thành lập Cộng đồng kinh tế Châu Âu (tiền thân Liên minh Châu Âu - EU ngày nay) vào năm 1958; Châu Phi thành lập Tổ chức thống nhất Châu Phi (tiền thân Liên minh Châu Phi ngày nay) vào năm 1961. Philippines và Thái Lan tham gia “Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á” (SEATO) vào năm 1955, nhưng đó là tổ chức mang tính chất quân sự là chính, trong 8 nước thành viên chỉ có 2 quốc gia Đông Nam Á (6 quốc gia khác là Mĩ, Anh, Pháp, Pakistan, Australia và New Zealand). Tổ chức này không trở thành một phiên bản của NATO ở Đông Nam Á như mong đợi, cũng như không đóng vai trò gì lớn. Trên thực tế, nó đã bị giải thể năm 1977, sau Chiến tranh Việt Nam (trên lí thuyết, hiệp ước này cho đến hiện nay vẫn chưa bị huỷ bỏ).
Đồng thời với việc thành lập tổ chức bán quân sự không thành công này, Malaysia, Philippines và Thái Lan đã thành lập Hiệp hội Đông Nam Á (Association of Southeast Asia, ASA) vào năm 1961. Đây là tổ chức mang tính chất kinh tế, là tiền thân của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Ngày 8/8/1967, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore và Malaysia ra “Tuyên bố Bangkok” tại Bangkok, chính thức tuyên bố thành lập Hiệp hội các nước Đông Nam Á, mục đích chính vẫn là thúc đẩy tự do thương mại ở Đông Nam Á. Năm 1976, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ nhất kí kết “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Đông Nam Á” (Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia), đánh dấu bước khởi đầu của sự phát triển ASEAN theo hướng thành một tổ chức chính trị. Năm 1984, sau khi độc lập, Brunei cũng tham gia vào tổ chức này. Sáu nước này được gọi là ASEAN cũ. Nhưng, trong khung cảnh của Chiến tranh lạnh, ASEAN khi đó chưa có sức ảnh hưởng lớn về chính trị. Năm 1987, ASEAN sửa đổi “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Đông Nam Á”, cho phép các nước ngoài Đông Nam Á tham gia Hiệp ước, điều này càng thể hiện mong muốn của ASEAN phát triển thành một tổ chức chính trị.[962] Nhưng phải sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, ASEAN mới hình thành lực lượng chính trị không thể xem thường. Có rất nhiều nguyên nhân khiến ASEAN chuyển mục đích từ kinh tế sang chính trị, trong đó vấn đề biển Đông là một khâu cực kì quan trọng.
Trước năm 1988, tình thế biển Đông tuy có lúc căng thẳng, nhưng nổ ra xung đột thì chỉ có cuộc chiến Hoàng Sa năm 1974 giữa Trung Quốc và Việt Nam, địa điểm cách xa 6 nước ASEAN cũ. Trung Quốc chỉ phản đối hành động bành trướng của Philippines và Malaysia ở biển Đông bằng lời, không tạo thành bất kì xung đột nào trong quan hệ giữa hai bên. Các bên khác liên quan đến biển Đông cũng chỉ giới hạn trong tiếp xúc ngoại giao, và tất cả đều có thể được giải quyết ổn thỏa. Vì vậy, trước năm 1988, các nước ASEAN cũng chưa coi vấn đề biển Đông là thách thức cần chung tay giải quyết.
Cuộc hải chiến tại đá Gạc Ma (Xích Qua) năm 1988 giữa Trung Quốc và Việt Nam diễn ra tại địa điểm cách quần đảo Hoàng Sa hơn 400 hải lí về phía Nam, Trung Quốc giành được cứ điểm trọng yếu trong khu vực trung tâm của Trường Sa, thậm chí là của biển Đông. Các nước ASEAN đều lo ngại không biết Trung Quốc có bành trướng thêm về phía Nam hay không. Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Indonesia Hasjim Djalal đề xuất rằng các quốc gia xung quanh biển Đông cần lập ra chính sách ngăn ngừa và phòng chống xung đột phát sinh trong khu vực, đồng thời biến điều này thành khả năng hợp tác khu vực.[963] Năm 1989, Djalal xin được kinh phí của “Viện Nghiên cứu biển Canada” (The Ocean Institute of Canada) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada (The Canadian International Development Agency), đồng thời được sự trợ giúp của các bộ ngành hữu quan của Chính phủ Indonesia đã tổ chức “Hội thảo nghiên cứu xử lí xung đột tiềm ẩn trong khu vực biển Đông” (gọi tắt là Hội nghị biển Đông) lần thứ nhất tại Bali từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 1 năm 1990.[964] Lí do xin tài trợ từ các tổ chức của Canada thay vì các tổ chức của Mĩ không chỉ vì Canada cũng rất quan tâm đến vấn đề này mà còn vì muốn ảnh hưởng của các cường quốc bên ngoài khu vực giảm bớt đi để được nhiều nước trong khu vực dễ dàng chấp nhận hơn. Trong lời chào mừng khai mạc, Ngoại trưởng Indonesia Alatas bày tỏ hi vọng hội nghị sẽ đi lên cấp độ chính thức sau đó và đạt được những kết quả thực chất, có lợi cho việc hoạch định chính sách liên quan đến biển Đông của chính phủ các nước.[965] Năm 1990, Trung Quốc đề ra chính sách “gác tranh chấp cùng khai thác”. Vì thế, Indonesia mời Trung Quốc tham gia Hội nghị về biển Đông, Trung Quốc đồng ý tham gia nếu không dính líu đến vấn đề chủ quyền, đồng thời cũng đồng ý để Đài Loan cùng tham gia Hội nghị. Vì vậy, bắt đầu từ Hội nghị biển Đông tiếp theo, những bên liên quan đến tranh chấp là Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều được mời tham gia Hội nghị. Kể từ đó, Hội nghị tổ chức định kì hàng năm, tính đến nay đã được tổ chức 24 lần, trở thành hội nghị quốc tế lâu đời nhất về vấn đề biển Đông.
Tại Hội nghị lần thứ hai, các bên đã ra tuyên bố chung, đồng ý kiến nghị với Chính phủ (nước mình) các vấn đề: (1) Dưới tiền đề không cản trở đến chủ quyền và quyền chủ quyền, tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác tại biển Đông (bao gồm an ninh giao thông, tìm kiếm và cứu nạn, chống cướp biển, môi trường biển, khảo sát khoa học biển và chống buôn bán ma túy); (2) Các bên có thể suy tính đến khả năng hợp tác tại các khu vực có yêu sách lãnh thổ chồng lấn; (3) Mọi tranh chấp về lãnh thổ và quản lí ở biển Đông cần được tiến hành thông qua đối thoại và đàm phán, giải quyết theo phương thức hòa bình, không sử dụng vũ lực; (4) Các nước liên quan phải tự kiềm chế, tránh làm phức tạp hóa vấn đề biển Đông. Tuyên bố này trở thành hình thức phôi thai của Tuyên bố biển Đông sau này.
Năm 1992 nảy sinh 3 sự kiện: Mĩ rút khỏi biển Đông, các nước Đông Nam Á lần lượt tăng cường quân sự; Trung Quốc công bố “Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp”, nhắc lại tuyên bố lãnh thổ đất liền Trung Quốc bao gồm Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa, Nam Sa và “tất cả các đảo khác thuộc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” đã thu hút sự chú ý của các nước; Công ti Dầu khí Hải dương Trung Quốc kí thỏa thuận với Công ti Crestone của Mĩ phát triển khu vực hợp đồng “Vạn An Bắc – 21”. Khu vực này chồng lấn với các vùng biển mà Việt Nam cũng như Malaysia và Indonesia tuyên bố chủ quyền. Tranh cãi lãnh thổ biển đột nhiên nóng trở lại.[966]
Ngày 28/1/1992, Hội nghị thượng đỉnh các nước ASEAN nhóm họp tại Singapore đã kí “Tuyên bố Singapore”, hoan nghênh các nước Đông Nam Á kí “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác”. Hội nghị biển Đông lần thứ 3 được tổ chức từ ngày 28/6 đến ngày 2/7. Trong bối cảnh nhiệt độ ở biển Đông nóng lên, Phó Vụ trưởng Vụ Hiệp ước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc Đường Thừa Nguyên tham dự cuộc họp, đã nêu phương châm 12 chữ “主權歸我, 擱 置爭議, 聯合開發” (chủ quyền quy ngã, các trí tranh nghị, liên hợp khai phát: chủ quyền thuộc về chúng tôi, gác tranh chấp, cùng khai thác) một cách không hợp thời,[967] tức là thêm 4 chữ “chủ quyền quy ngã” vào phương châm 8 chữ “các trí tranh nghị, liên hợp khai phát” trước đây, khiến các bên cảm thấy bất an. Chủ trì Hội nghị là Ngoại trưởng Indonesia đã nhắc lại Tuyên bố chung 1991, các đại biểu tham dự Hội nghị liên tiếp chất vấn và chỉ trích Trung Quốc, lập trường của các nước ASEAN có xu hướng thống nhất. Tiếp đó, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 25 tổ chức tại Manila vào tháng 7 đã thông qua đề nghị của Tổng thống Philippines Ramos, lần đầu tiên đưa vấn đề an ninh vào nghị trình Hội nghị, vấn đề biển Đông trở thành tiêu điểm thảo luận. Đây là lần đầu tiên các nước ASEAN thảo luận ở cấp cao về vấn đề an ninh, cũng trở thành khởi đầu cho việc các nước ASEAN đoàn kết, đồng lòng đối thoại với Trung Quốc bằng tiếng nói chung.
Ngoại trưởng sáu nước ASEAN đã thông qua “Tuyên bố của ASEAN về biển Đông” (The 1992 Manila Declaration on the South China Sea, 22/7/1992),[968] đưa ra chủ trương 5 điểm : (1) giải quyết tranh chấp chủ quyền và quyền chủ quyền biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không dùng vũ lực; (2) kêu gọi các bên liên quan tự kiềm chế, tạo bầu không khí thuận lợi để giải quyết tranh chấp; (3) với điều kiện không tổn hại đến chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước có lợi ích liên quan trực tiếp, các nước tiến hành thương thảo khả năng hợp tác trên các lĩnh vực hàng hải, hàng không, an ninh giao thông, bảo vệ môi trường biển, chống cướp biển, chống ma túy, buôn lậu,... (4) đề nghị các bên liên quan vận dụng các nguyên tắc trong “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác” làm cơ sở để xây dựng bộ quy tắc ứng xử quốc tế ở biển Đông (a code of international conduct over the South China Sea); (5) mời các bên liên quan kí Tuyên ngôn trên. Về cơ bản, “Tuyên bố của ASEAN về biển Đông” nhắc lại nội dung Tuyên bố chung tại Hội nghị công tác biển Đông lần thứ hai, điểm đột phá chủ yếu nhất là đề xuất xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông, vốn trở thành điểm tranh cãi giữa Trung Quốc và các nước ASEAN suốt hơn 20 năm sau đó.
Hội nghị Bộ trưởng ASEAN cũng đề xuất mời Việt Nam gia nhập ASEAN. Đây là điều có ảnh hưởng sâu xa tới lịch sử ASEAN. Việt Nam là nước cộng sản có chế độ chính trị khác với 6 nước ASEAN cũ, hơn thế còn là phía thù địch trong thời kì Chiến tranh lạnh. Nhưng Việt Nam là quốc gia mạnh nhất trên bán đảo Đông Dương, nếu Việt Nam không gia nhập ASEAN thì ASEAN không thể đại diện cho toàn bộ Đông Nam Á. Hơn nữa, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tranh chấp chính ở các đảo ở biển Đông. Sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN, các nước Đông Nam Á mới có thể trở thành một khối thống nhất làm đối trọng với Trung Quốc. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, khi Tổng thống Indonesia Suharto đến thăm Việt Nam với tư cách cá nhân vào năm 1990, Thủ tướng Việt Nam Đỗ Mười đã biểu thị nguyện vọng gia nhập ASEAN, nhưng đến năm 1992 vẫn chưa chính thức nộp đơn cho Hội nghị Bộ trưởng ASEAN. ASEAN chủ động ra lời mời là một cử chỉ hết sức tích cực.
Tại Hội nghị, đại biểu Việt Nam (và Lào) lần đầu tiên được đặc cách mời đã kí “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác”, trở thành nước quan sát viên của ASEAN, tiến thêm một bước trong việc gia nhập ASEAN. Vài năm sau, các nước Việt Nam (1995), Lào (1997), Myanmar (1997) và Campuchia (1999) lần lượt gia nhập ASEAN. ASEAN trở thành tổ chức đại diện cho lợi ích chính trị và kinh tế của một khối thống nhất các nước ASEAN, với tổng diện tích các nước thành viên là 4,5 triệu km², tổng dân số gần 600 triệu người và trở thành một lực lượng không thể xem thường. Sau này, ASEAN tiếp tục mời Australia, Canada, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Mĩ và Hàn Quốc làm đối tác đối thoại.
Trung Quốc cũng lần đầu tiên được đặc cách mời tham gia Hội nghị. Ngoại trưởng (Trung Quốc) Tiền Kì Tham đã nhắc lại chính sách “gác tranh chấp, cùng khai thác”, mong muốn giải quyết vấn đề biển Đông bằng phương thức hòa bình, cho rằng các nguyên tắc cơ bản của “Tuyên bố của ASEAN về biển Đông” phù hợp với chủ trương của Chính phủ Trung Quốc. Vì vậy, mặc dù Trung Quốc chưa kí “Tuyên bố của ASEAN về biển Đông”, nhưng được coi là đã chấp nhận Tuyên bố của ASEAN về biển Đông.[969]
Các nước ASEAN cũng thúc đẩy “Tuyên bố của ASEAN về biển Đông” trong mọi hoạt động quốc tế. Chẳng hạn: tại Hội nghị thượng đỉnh các nước ASEAN không liên kết tổ chức tại Jakarta vào tháng 9 sau đó, Indonesia cùng các nước đã đưa vấn đề biển Đông vào nghị trình Hội nghị. Trong Văn kiện cuối cùng có ghi: “Người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ hoan nghênh ‘Tuyên bố của ASEAN về biển Đông’”.[970]
Điều đáng chú ý là, tuy Indonesia không có tranh chấp trực tiếp tại Trường Sa, nhưng lại tích cực nhất trong việc thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề biển Đông. Indonesia là nước sớm nhất tham gia vào vấn đề tranh chấp biển Đông với tư cách người hòa giải. Vì Indonesia cho rằng tranh chấp biển Đông chủ yếu diễn ra tại Hoàng Sa và Trường Sa, không liên quan đến mình nên thúc đẩy quá trình giải quyết tranh chấp với tư cách “trung lập” sẽ có sức mạnh hơn. Chủ yếu hơn, Indonesia là quốc gia có diện tích lớn nhất, dân số đông nhất ở Đông Nam Á, luôn xem địa vị quốc tế của mình là lãnh tụ khu vực và lãnh tụ phong trào không liên kết ở Đông Nam Á: Văn phòng thư kí ASEAN được đặt ở Jakarta, Tổng thống Indonesia Suharto là một trong những người đề xướng phong trào không liên kết. Ông hi vọng sẽ phát huy ảnh hưởng lớn hơn ở Đông Nam Á, và ông cũng biết rằng ảnh hưởng của mình chỉ có thể phát huy tối đa khi ASEAN là một khối thống nhất, vì vậy ông hết sức tích cực trong các vụ việc của Đông Nam Á. Vấn đề biển Đông là vấn đề quan trọng, có thể cho thấy ảnh hưởng chính trị của ông.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, Indonesia phát hiện ra rằng họ cũng là một bên có liên quan trong tranh chấp biển Đông. Điều này bắt nguồn từ một tấm bản đồ vẽ sai của Trung Quốc. Bản đồ Trung Quốc do Trung Quốc ấn hành đều vẽ theo tiêu chuẩn của nhà nước, và sau khi được nhà nước phê duyệt mới xuất bản. Dạng của đường 9 đoạn trên hầu hết các bản đồ đều tương đối thống nhất. Nhưng bản đồ xuất bản năm 1993 lại đưa quần đảo Natuna vào phạm vi đường 9 đoạn. Điều không may hơn là, khi tham gia Hội nghị công tác biển Đông năm 1993, chuyên gia Trung Quốc lại phân phát bản đồ vẽ sai này cho các đại biểu. Ngay lập tức, điều đó khiến Indonesia không hài lòng và đề cao cảnh giác. Mặc dù chuyên gia Trung Quốc đã phát hiện và giải thích ngay về sai sót này, nhưng ấn tượng “Trung Quốc muốn chiếm đoạt quần đảo Natuna” đã in đậm trong trí óc của các đại biểu Indonesia. Hơn nữa, bản đồ đường chín đoạn “chính xác” do Trung Quốc xuất bản, tuy không đưa quần đảo Natuna vào trong vùng biển của Trung Quốc, nhưng đường này lại rất gần với Natuna, bao gồm cả các mỏ khí đốt tự nhiên ở phía bắc Natuna. Hơn thế, đường chín đoạn của Trung Quốc không có tọa độ và phần đối diện với Natuna để trống thay vì một đường đứt khúc. Cách Trung Quốc nối các đoạn liền kề của đường đứt khúc sẽ quyết định liệu Natuna có bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hay không: nếu nối lỏng tay vừa phải thì nó có thể chỉ đi ngang qua rìa của quần đảo Natuna; nếu nối nhô thêm ra ngoài thì nó sẽ bao gồm cả Natuna (xem hình 61).[971] Điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Indonesia.
Indonesia lập tức trở thành một bên phản đối quyết liệt chủ trương đường 9 đoạn của Trung Quốc. Theo tìm hiểu, trong chuyến thăm Indonesia năm 1995, Giang Trạch Dân đã đảm bảo bằng miệng với Tổng thống Suharto, rằng Trung Quốc không tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Natuna, nhưng điều này chưa bao giờ được Trung Quốc công nhận công khai. Cho mãi đến năm 2015, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới thừa nhận quần đảo Natuna thuộc Indonesia.
Hình 61: Cách nối hai đoạn liền kề của đường 9[10] đoạn trong vùng phụ cận quần đảo Natuna trên bản đồ Trung Quốc
Với sự trỗi dậy của ASEAN và tình hình nóng lên của vấn đề biển Đông, tại các hội nghị chính thức (Hội nghị thượng đỉnh Đông Nam Á, Hội nghị Bộ trưởng Đông Nam Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN [ASEAN Regional Forum],...), vấn đề biển Đông ngày càng liên tục được xem là chủ đề chính của nghị trình. Mặt khác, bên cạnh các hội nghị về biển Đông, nhiều diễn đàn Đông Nam Á bán chính thức và phi chính phủ đã lần lượt xuất hiện rầm rộ. Chẳng hạn, bán chính thức có Đối thoại Shangri-La (IISS Asia Security Summit: The Shangri-La Dialogue, được tổ chức tại Singapore bắt đầu từ năm 2002). Phi chính phủ có Hội thảo về biển Đông (South China Sea Workshop), đó là một hội thảo không chính thức về biển Đông do Think Tank Mĩ CSIS/Pacific Forum (Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế/ Diễn đàn Thái Bình Dương) và Think Tank Philippines ISDS (Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược) phối hợp tổ chức.[972] Ngoài ra còn có các hội nghị của Nhóm Công tác hợp tác quân sự biển CSCAP và của Hội Nghiên cứu giao thông đường biển quốc tế SLOC v.v... Các cuộc gặp này là cơ hội để các bên trao đổi, tranh luận về vấn đề biển Đông, đóng góp quan trọng vào việc tăng cường hiểu biết giữa các bên, giảm leo thang va chạm và quản lí khác biệt.
“Tuyên bố của ASEAN về biển Đông” đề cập đến mục tiêu xây dựng một bộ quy tắc ứng xử (Code of Conduct), trở thành định hướng cho các nỗ lực ngoại giao của các nước ASEAN. Tại Diễn đàn ASEAN lần thứ hai tổ chức năm 1995 tại Brunei, Ngoại trưởng Philippines đề nghị “trước khi giải quyết xong vấn đề chủ quyền cơ bản ở biển Đông, các nước liên quan cần cố gắng đạt được một thỏa thuận không chính thức, thỏa thuận tạm thời hay quy tắc ứng xử nào đó”.[973] Tháng 7/1996, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, các ngoại trưởng đã ủng hộ đề xuất của Philippines về việc đạt được một bộ quy tắc ứng xử trong khu vực biển Đông. Hội nghị biển Đông tháng 10/1996 đã tiến hành thảo luận về việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử. Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng 12, người đứng đầu các nước nhất trí xúc tiến việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử. Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN (ASEAN SOM) tháng 5/1999 đề nghị Philippines nhận trách nhiệm đề xuất dự thảo quy tắc ứng xử ở Biển Đông tại hội nghị tiếp theo. Dự thảo do Philippines soạn thảo, chuyển cho Việt Nam sửa chữa. Tháng 11/1999, bản dự thảo do hai nước chỉnh sửa được các nước ASEAN thảo luận và nhất trí thông qua (phương án ASEAN) trước ngày tổ chức Diễn đàn khu vực ASEAN. Đồng thời, tháng 10/1999, Bắc Kinh cũng xây dựng phương án của mình (phương án Bắc Kinh). Tuy nhiên, tại Diễn đàn khu vực ASEAN, giữa hai bên đã có nhiều khác biệt.
Thât ra, đạt được một bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông là nguyện vọng của các bên liên quan. Qua tuyên bố song phương và các phương thức khác, một số nước đã liên tục đạt được đồng thuận cơ bản. Chẳng hạn, năm 1995, sau sự kiện đá Vành Khăn lần 1, Trung Quốc và Philippines đã đạt được một tuyên bố chung (Joint Statement RP-PRC Consultations on the South China Sea and on Other Areas of Cooperation) vào tháng 8, trong đó có nêu rõ nguyên tắc cơ bản về cách ứng xử ở biển Đông. Tháng 11/1995, Philippines và Việt Nam cũng đạt được bộ quy tắc ứng xử song phương (Joint Statement on the Fourth Annual Bilateral Consultations between Vietnam and the Philippines).[974]
Phương án ASEAN và phương án Bắc Kinh có một số điểm chung, chẳng hạn như giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình không dùng vũ lực, mở rộng hợp tác giữa các bên, xây dựng cơ chế tin cậy,... Tuy nhiên, Trung Quốc và ASEAN lại có những điểm bất đồng lớn trong một số vấn đề chính yếu.[975]
Thứ nhất, Bắc Kinh giới hạn phạm vi tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, còn ASEAN xác định phạm vi tranh chấp trên toàn bộ biển Đông. Trên thực tế, nội bộ các nước ASEAN cũng có những tranh cãi về việc quy định phạm vi như thế nào. Ví dụ như Malaysia đề xuất phạm vi áp dụng chỉ giới hạn ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đề xuất không mở rộng tranh chấp đến quần đảo Natuna; Việt Nam cho rằng cần phải phân biệt tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa với vấn đề quốc phòng trên biển Đông và thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền quản lí của Việt Nam.[976] Nói chung, quan niệm của ASEAN (đặc biệt là Việt Nam) là phạm vi bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phiên bản sau cùng của ASEAN sử dụng cách diễn đạt mơ hồ, không chỉ ra cụ thể quần đảo Hoàng Sa mà dùng cách nói phạm vi địa lí biển Đông chung chung. Vì vậy, theo lập luận trên, đảo Scarborough cũng nằm trong sự miêu tả của ASEAN, nhưng tranh chấp về đảo Scarborough lại không phải là tiêu điểm thảo luận lúc đó.
Thứ hai, Trung Quốc nhấn mạnh rằng vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa nên do các nước có chủ quyền liên quan giải quyết qua tham vấn và đàm phán song phương.Nhưng ASEAN chủ trương giải quyết qua tham vấn song phương và đa phương..
Thứ ba, ASEAN yêu cầu tất cả các nước có yêu sách không chiếm đóng các đảo chưa có người ở trong khu vực tranh chấp, nhưng Trung Quốc thể hiện thái độ nhùng nhằng, chỉ chấp nhận tránh sử dụng hành vi dẫn đến tình trạng mở rộng hoặc làm phức tạp tranh chấp.
Thứ tư, phương án Trung Quốc nêu rõ: không tiến hành “diễn tập quân sự với các nước bên ngoài nhằm chống lại nước thứ ba” tại các khu vực tranh chấp, không thực hiện bất kì hoạt động trinh sát quân sự nguy hiểm và tuần tra quân sự nào trên biển. Điều này ám chỉ các cuộc tập trận quân sự của quân đội Hoa Kì với các đồng minh như Philippines. Phương án của ASEAN không đề cập đến vấn đề này. Đề xuất của Trung Quốc rõ ràng nằm ngoài phạm vi có thể chấp nhận được của ASEAN, bởi vì Hoa Kì và Philippines có liên minh quân sự, còn Malaysia, Singapore với Anh, Australia và New Zealand là đồng minh quân sự, diễn tập chung trên biển Đông là việc không thể tránh khỏi. Hơn nữa, các hoạt động trinh sát quân sự và tuần tra quân sự do Trung Quốc nêu ra đều nhằm vào Mĩ, ASEAN đương nhiên không thể chủ động hạn chế hành động của Mĩ.
Thứ năm, trong phương án của mình, Trung Quốc yêu cầu các nước không được thực hiện các biện pháp cưỡng chế như bắt và giam giữ tàu cá hoạt động trong vùng tranh chấp. ASEAN không nêu nội dung này trong phương án của mình. Khi đó, ngư dân Trung Quốc đánh bắt cá trên biển Đông ngày càng nhiều, phần lớn đánh bắt trái phép động vật được bảo vệ. Nếu làm theo đề xuất của Trung Quốc, ngành ngư nghiệp ở biển Đông sẽ đi vào tình trạng không người quản lí, ASEAN đương nhiên sẽ không chấp thuận.
Thứ sáu, Trung Quốc không muốn đạt tới một “Bộ quy tắc ứng xử” ràng buộc về mặt pháp lí (mặc dù tên trong phiên bản tiếng Trung cũng là một bộ quy tắc ứng xử, nhưng về sau dường như Trung Quốc đã nhận ra rằng từ này có nghĩa là ràng buộc về mặt pháp lí). Trung Quốc chỉ mong muốn đạt tới một tuyên bố về ý hướng, không có hiệu lực ràng buộc.
Qua nhiều lần thảo luận, tháng 7/2000, Philippines soạn thảo một văn bản mới, xóa đi những chỗ miêu tả phạm vi địa lí đề cập trong bộ quy tắc.[977] Nhưng Trung Quốc vẫn kiên quyết không kí “Bộ Quy tắc ứng xử” mang tính ràng buộc. Tháng 7/2002, tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 25, Malaysia đưa ra phương án thỏa hiệp,[978] đề xuất một dạng tuyên bố không ràng buộc pháp lí để đổi lấy sự nhượng bộ của Trung Quốc trong việc đi đến một hiệp nghị mang tính chính trị, được Trung Quốc đồng ý. Trung Quốc đã nhượng bộ các vấn đề 3, 4, 5 nêu phía trên. Cuối cùng, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ngày 4/11/2002, đại biểu Trung Quốc và các nước ASEAN đã kí “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông”:[979]
Điều 1: Các bên tái khẳng định cam kết của mình đối với các mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác khu vực Đông Nam Á (TAC), năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình (của Trung Quốc) và những nguyên tắc được thừa nhận phổ biến khác của luật pháp quốc tế được coi là quy tắc căn bản điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước với nhà nước.
Điều 2: Các bên cam kết tìm kiếm những cách thức xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau phù hợp với những nguyên tắc nêu trên và trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
Điều 3: Các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hàng hải và bay trên vùng trời biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
Điều 4: Các bên liên quan tiến hành giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và về quyền thực thi luật pháp bằng các phương tiện hòa bình mà không viện đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua các cuộc tham vấn thân thiện và những cuộc đàm phán bởi các quốc gia có chủ quyền có liên quan trực tiếp, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận phổ quát của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Điều 5: Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, trong đó có việc kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những đảo, rạn đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những cấu trúc tự nhiên khác hiện không có người sinh sống và phải được xử lí những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng.
Trong khi chờ đợi sự dàn xếp hòa bình cho các tranh chấp về lãnh thổ và quyền thực thi pháp luật, các bên liên quan tiến hành tăng cường những nỗ lực nhằm tìm kiếm các phương cách xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau trong tinh thần hợp tác và hiểu biết, [bao gồm:
a. tổ chức đối thoại và trao đổi quan điểm khi thích hợp giữa các quan chức quốc phòng và quân đội;
b. bảo đảm đối xử công bằng và nhân đạo với tất cả những người gặp nguy hiểm hoặc gặp nạn;
c. thông báo, trên cơ sở tự nguyện, cho các Bên liên quan khác về bất kì cuộc tập trận chung/kết hợp nào sắp diễn ra; và
d. trao đổi, trên cơ sở tự nguyện, thông tin liên quan.
Điều 6. Trong khi chờ đợi một giải pháp toàn diện và bền vững cho tranh chấp, các bên liên quan có thể thăm dò hoặc thực hiện các hoạt động hợp tác. Chúng có thể bao gồm những điều sau đây:
a. bảo vệ môi trường biển;
b. nghiên cứu khoa học biển;
c. an toàn hàng hải và thông tin liên lạc trên biển;
d. nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn; và
e. chống tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm nhưng không giới hạn ở buôn bán ma túy bất hợp pháp, cướp biển và cướp có vũ trang trên biển, và buôn bán trái phép vũ khí.]
Điều 7: Các bên liên quan sẵn sàng tiếp tục các cuộc đối thoại và tham vấn về những vấn đề liên quan, thông qua các thể thức được các bên đồng ý, kể cả các cuộc tham vấn thường xuyên theo quy định của Tuyên bố này, nhằm tăng cường sự minh bạch và quan hệ láng giềng tốt, thiết lập sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau một cách hài hòa, và thúc đẩy quá trình giải quyết tranh chấp giữa các bên theo phương thức hòa bình..
Điều 8: Các bên có trách nhiệm tôn trọng những điều khoản của Tuyên bố này và hành động phù hợp với sự tôn trọng đó.
Điều 9: Các bên khuyến khích các nước khác tôn trọng các nguyên tắc bao hàm trong Tuyên bố này.
Điều 10: Các bên liên quan tái khẳng định rằng việc chuẩn nhận bộ quy tắc về ứng xử trên biển Đông sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn hòa bình và ổn định trong khu vực và nhất trí làm việc trên căn bản đồng thuận để tiến tới hoàn thành mục tiêu này.
Tuy văn kiện này chưa có tính ràng buộc về pháp lí, nhưng đã nhận được sự cam kết chính trị của các nước nên sẽ phát huy tác dụng rất lớn đối với cục diện biển Đông sau này. Cục diện biển Đông bước vào thời kì ổn định. Trong số đó, nội dung điều 5 “không đưa người đến sinh sống trên các đảo, rạn đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những cấu trúc tự nhiên khác hiện đang không có người sinh sống” là thành quả lớn nhất của bản Tuyên bố, vì lời lẽ hết sức rõ ràng, làm cơ sở cho việc ngăn chặn hành vi bành trướng của các bên ở biển Đông. Dù sau này Trung Quốc có bồi đắp đảo với quy mô lớn thì cũng chỉ xây dựng trên những bãi đá, bãi cát ngầm đã chiếm đóng, nhưng không thể chiếm đóng các đảo hay bãi ngầm mới.
[919] “Bước sóng vô tuyến trên đảo Hoàng Nham”, Tuần báo Đời sống Tam Liên, http://www.duwanjuan.cn/huang-yan-dao-shang-de-wu-xian-dian-bo
[920] “Sóng vô tuyến trên đảo Hoàng Nham”.
[921] http://baike.baidu.com/item/BS7H
[922] Khởi đầu và kết thúc “viễn chinh” đảo Hoàng Nham của những người đam mê vô tuyến điện nước ta.
[923] “Sóng vô tuyến trên đảo Hoàng Nham”.
[924] http://www.n4gn.com/sr95/sr06.html
[925] “Sóng vô tuyến trên đảo Hoàng Nham”
[926] http://www.n4gn.com/sr95/sr04.html
[927] Trung Quốc có đầy đủ chứng cứ pháp lí về chủ quyền đối với đảo Hoàng Nham,
Nhân dân nhật báo, 9/5/2012. http://paper.people.com.cn/rmrb/html/2012-05/09/nw.D110000renmrb_2012_05_09_1-03.htm
[928] Bước sóng vô tuyến của đảo Hoàng Nham.
[929] Khương Hồng Minh, Đường Văn Chương: Phân tích chủ quyền đảo Hoàng Nham, Tung hoành Khoa học xã hội, 9/2012, số 9, quyển 27, tr.51
[930] Khương Hồng Minh, Đường Văn Chương: Phân tích chủ quyền đảo Hoàng Nham
[931] Bước sóng vô tuyến của đảo Hoàng Nham
[932] Tác giả đã nhiều lần viết thư và gọi điện đến Hiệp hội quản lí vô tuyến nghiệp dư Mĩ để hỏi về vấn đề này nhưng đều không nhận được hồi âm.
[933] Bước sóng vô tuyến của đảo Hoàng Nham.
[934] Bước sóng vô tuyến của đảo Hoàng Nham.
[935] BS7H1997 Bulletin 13.
[936] BS7H1997 Bulletin 13.
[937] Bước sóng vô tuyến của đảo Hoàng Nham.
[938] Bước sóng vô tuyến của đảo Hoàng Nham.
[939] Nam Hải ba đào, tr.361-362.
[940] Mưa gió Nam Hải, tr.364.
[941] Mưa gió Nam Hải, tr.367.
[942] Những dẫn chứng trên được lấy từ: Giang Chuẩn, “Nhớ lại việc Philippines thu giữ vật phẩm chưa được chia tại đảo Hoàng Nham”, Tri thức thế giới, số 10 năm 2012, http://www.lwlm.com/Military/201205/652826.htm
[943] “Nam Hải phong vân”, tr.414
[944] Giang Chuẩn, “Nhớ lại việc Philippines thu giữ vật phẩm chưa được chia tại đảo Hoàng Nham”, Tri thức thế giới, số 10 năm 2012.
[945] “Nam Hải phong vân”, tr.412.
[946] “Vô tuyến điện trên đảo Hoàng Nham”
[947] “Nam Hải phong vân”, tr.376.
[948] “Nam Hải phong vân”, tr.378.
[949] “Nam Hải phong vân”, tr.378.
[950] STATE DEPARTMENT REPORT, JANUARY 4, 1999, http://www.usembassyisrael.org.il/publish/press/state/archive/1999/january/sd1105.htm
[951] “Nam Hải phong vân”, tr.385.
[952] “Nam Hải phong vân”, tr.385.
[953] “Nam Hải phong vân”, tr.392.
[954] “Nam Hải phong vân”, tr.394.
[955] Mold Nizam Basiron, The search for sustainability and security, fromJoshua Ho & Sam Bateman (Ed.) Maritime Challenges and Priorities in Asia: Implications for Regional Security, Routledge, 2012, p.74.
[956] Khi đó, Mĩ tham gia hoạt động quân sự cùng Nato tại Nam Tư. Ba quả đạn đạo đã rơi trúng Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Tư làm 3 người chết. Cách lí giải nguyên nhân không thống nhất. Mĩ giải thích là bắn nhầm do sử dụng bản đồ cũ không chính xác, nhưng nguyên nhân thực có thể là do Đại sứ quán Trung Quốc lượm được mảnh máy bay quân sự F117 bị rơi, giữ lại để thu thập kĩ thuật và bí mật quân sự của Mĩ. Do vậy Mĩ cố ý phá huỷ mảnh vỡ đó.
[957] http://globalnation.inquirer.net/36003/scarborough-shoal-standoff-a-historicaltimeline
[958] Đường biên giới ở đây có thể coi là đường biên giới theo Điều ước.
[959] “Nam Hải phong vân”, tr.399.
[960] Giang Chuẩn, “Nhớ lại việc Philippines thu giữ vật phẩm chưa được chia tại đảo Hoàng Nham”, Tri thức thế giới, số 10 năm 2012.
[961] CRS:PHILIPPINE-U.S.SECURITY RELATIONS, Otober10, 2000, https://file.wikileaks.org/file/crs/RS20697.txt
[962] Nhưng ngoài Papua New Guinea gia nhập vào năm 1989 thì phải đến năm 2003 mới có các nước khác ngoài khu vực gia nhập, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước ngoài khu vực gia nhập sớm nhất (8/10/2003).
[963] Hasjim Djalal, Managing potential conflicts in the South China Sea. 1st SCS Workshop, p.64.
[964] Workshop on Managing Potential Conflicts in the South China Sea.
[965] Tống Yến Huy “Hội nghị biển Đông”với sự tham gia của Trung Hoa Dân quốc: nhìn lại và triển vọng, Vấn đề và nghiên cứu, số 2 quyển 35, năm 1996.
[966] Lí Kim Minh: Từ Tuyên bố biển Đông ASEAN đến Tuyên bố về hành vi các bên ở biển Đông, Đông Nam Á, số 3 năm 2004, tr.31-36.
[967] Trần Hân Chi: Các nước ASEAN với “Thuyết đe dọa của Trung Quốc”: Quan điểm và phản ứng, Vấn đề và nghiên cứu, số 11, quyển 35, tháng 11/1996, tr.15-33.
[968] https://cil.nus.edu.sg/wp-content/uploads/2017/07/1992-ASEAN-Declaration-on-the-South-China-Sea.pdf
[969] Trần Hân Chi: Các nước ASEAN với “Thuyết đe dọa của Trung Quốc”: Quan điểm và phản ứng.
[970] Trần Hân Chi: Các nước ASEAN với “Thuyết đe dọa của Trung Quốc”: Quan điểm và phản ứng.
[971] http://thediplomat.com/2014/10/is-indonesia-beijings-next-target-in-the-south-china-sea
[972] Lưu Phục Quốc: Nghiên cứu định vị an ninh quốc gia, an ninh biển và phương án chính sách biển Đông của Đài Loan, Vấn đề và Nghiên cứu, số 4, quyển 39, năm 2000, tr.1-16
[973] Tống Yến Huy: Thương thảo giữa ASEAN và Trung Cộng quy tắc ứng xử ở Nam Hải và tác động đến chúng ta, Vấn đề và Nghiên cứu, số 4, quyển 39, năm 2000, tr.17-40.
[974] Văn bản dự thảo của các bên: xem tài liệu trên, Phụ lục 1-6.
[975] Xem tài liệu trên.
[976] Bão táp Nam Hải, tr.146.
[977] Lí Kim Minh: Từ Tuyên bố của ASEAN về biển Đông đến Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông, Đông Nam Á, số 3 năm 2004.
[978] “Nam Hải phong ba”, tr.144.
[979] Mạng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, http://www.fmprc.gov.cn/web/wjb_673085/zzjg_6730183/yzs_673193/dqzz_673197/nannhai_673325/t848051.shtml [theo tác giả chỉ có 9 điều, thiếu điều 6 và một phần điều 5, không truy cập được. Trên https://www.mfa.gov.cn/nanhai/chn/zcfg/200303/t20030304_8523439.htm có đủ 10 điều – ND]