V.8 Từ đối kháng quân sự sang đối kháng dân sự
Dân sự hóa việc quản lí ở biển Đông
Sau khi bước sang những năm 1990, biển Đông hầu như không còn xuất hiện những cuộc xung đột vũ trang ác liệt. Cùng với việc tiếp tục tăng cường chiếm đóng quân sự và mở rộng thực lực quân sự, các nước đi theo xu hướng sử dụng các biện pháp dân sự để giải quyết vấn đề biển Đông.
Biểu hiện rõ nhất là lực lượng vũ trang tuần tra và đối đầu hàng ngày ở biển Đông đã dần chuyển từ quân đội sang các đội giám sát nghề cá, chống buôn lậu và cảnh sát biển vốn là các cơ cấu được vũ trang thấp, nặng về quản lí hành chính. Từ giữa những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu thay đổi biện pháp, không còn sử dụng hải quân làm lực lượng đối kháng hàng đầu. Trong Sự kiện đá Vành Khăn lần thứ nhất, Trung Quốc huy động tàu ngư chính bảo vệ các công trình xây dựng trên đá Vành Khăn, thay vì dùng tàu quân sự như năm 1988. Năm 2000, Đài Loan thành lập Cơ quan Cảnh sát biển để thay thế quân đội tiếp tục quản lí đảo Ba Bình. Philippines cũng ngày càng sử dụng nhiều hơn lực lượng bảo vệ ven biển (coastal guarding) thay tàu quân sự để xử lí các vụ đánh bắt cá trái phép.
Mặt khác, các nước cũng ra sức di dân và tiến hành các hoạt động dân sự trên các đảo.
Đài Loan kiểm soát thực tế bằng hoạt động dân sự trên đảo Ba Bình sớm nhất, ngay từ cuối những năm 1950, Đài Loan đã đề ra kế hoạch di dân đến đảo Ba Bình. Nhưng do Đài Loan cách đảo Ba Bình quá xa nên khó tìm được người muốn di cư ra đảo. Vì vậy, cuối những năm 1950, Đài Loan đã đề ra kế hoạch khuyến khích người hết nghĩa vụ quân sự ra đảo khai khẩn. Năm 1963, Hội hưu trí Trung Hoa Dân Quốc thành lập “Nhóm khai thác biển Đông” tại đảo Ba Bình, làm các nghề như thu vớt sắt phế thải và khai thác phốt phát. Năm 1968 mở rộng tổ chức này thành “Sở khai phát tài nguyên biển Đông”. Tuy nhiên, do phốt phát là nguồn tài nguyên quan trọng nhất trên đảo Ba Bình đã bị người Nhật khai thác hết trước khi Thế chiến II kết thúc nên trên đảo không còn tài nguyên gì đáng giá để khai thác. Vì vậy, đợt di dân đó chỉ đạt rất ít người và kết thúc dở dang. Ngày 16/2/1980, Đài Loan giao quyền quản lí đảo Pratas (Đông Sa) và đảo Ba Bình cho quận Kì Tân thuộc thành phố Cao Hùng, thành lập “Trạm công tác ngư nghiệp”, đến năm 1987 đổi tên thành “Trạm dịch vụ ngư nghiệp khu Đài Bành”. Năm 1990, Viện Hành chính phê chuẩn phương thức quản lí Uỷ thác hành chính đối với đảo Pratas và đảo Ba Bình, gộp lại dưới quyền quản lí của quận Kì Tân, Cao Hùng.[978] Ngày 28/1/2000, Đài Loan thành lập Phòng tuần tra ven biển, công tác tuần tra biển Đông được giao dần cho Phòng tuần tra dân sự.[979] Năm 2007, Đài Loan xây dựng khu bảo tồn, nuôi dưỡng rùa biển trên đảo. Cho đến nay, đảo Ba Bình vẫn được định vị là trạm dịch vụ ngư nghiệp và khu bảo tồn, nuôi dưỡng rùa biển, trên đảo chủ yếu vẫn là binh lính và nhân viên chính quyền, không có dân thường.
Khoảng cách xa xôi và giao thông bất tiện là nguyên nhân chính khiến đảo Ba Bình không thể thực hiện được việc di dân. Mãi đến năm 2005, Đài Loan mới Đài Loan mới bắt đầu xây dựng một đường băng (khoảng 1100 mét) dùng cho mục đích quân sự trên đảo Ba Bình.[980] Ngày 2/2/2008, Trần Thuỷ Biển đến đảo Ba Bình bằng máy bay dự lễ khánh thành. Nhưng tháng 10 năm đó, Bộ Quốc phòng Đài Loan lấy lí do không phù hợp với các nguyên tắc kinh tế đã bãi bỏ kế hoạch kéo dài đường băng của sân bay. Năm 2013, các nhà báo đến thăm đảo Ba Bình than rằng trên đảo hầu như không có “bến tàu đúng nghĩa”, “tàu lớn có mớn nước sâu không thể cập bờ, chỉ có thể chuyển hàng hóa xuống các thuyền nhỏ rồi dùng sức người vận chuyển lên bờ”.[981] Đảo Ba Bình vốn là nơi có điều kiện sống tốt nhất ở biển Đông (có nước ngọt), nhưng do ở quá xa đất liền, tiếp tế vô cùng khó khăn, vì thế phát triển thua xa các đảo, bãi đá ngầm khác rất nhiều.
Malaysia là nước thực hiện dân sự hóa trên các đảo, bãi ngầm sớm nhất. Bãi Đạn Hoàn (đá Hoa Lau) vốn là một vành đai san hô hẹp và dài bao quanh một vũng nước nông, có một phần bãi đá nổi trên mặt nước khi triều cao. Năm 1983, khi Malaysia chiếm đá Hoa Lau đã có một số người đã sử dụng nó làm nơi cho các hoạt động lặn. Năm 1991, Malaysia tuyên bố xây dựng đảo nhân tạo và đường băng trên đá Hoa Lau, biến nó thành khu du lịch quốc tế. Ngày 1/9/1993, Thủ tướng Mahathir đến thăm đảo để xem tiến độ xây dựng. Năm 1994, Malaysia chính thức tuyên bố mở cửa đá Hoa Lau. Đến nay, nơi đó đã trở thành điểm du lịch quốc tế nổi tiếng.[982]
Đảo nhân tạo Hoa Lau có diện tích 1 km2, là đảo nhân tạo lớn nhất, (cũng là đảo lớn nhất) ở Trường Sa trước khi Trung Quốc bồi đắp đảo quy mô lớn vào năm 2014. Qua việc khai thác du lịch, Malaysia đã thiết lập vững chắc hình tượng đá Hoa Lau (Pulau Layang Layang) thuộc về Malaysia trong con mắt cộng đồng quốc tế. Có rất nhiều sách báo và trang mạng quốc tế về du lịch nói tới đá Hoa Lau và liệt kê nó dưới tên Malaysia.[983]
Hình 62: đá Hoa Lau trở thành điểm du lịch quốc tế
Trước năm 2002, Việt Nam chỉ đơn thuần chiếm đóng quân sự trên quần đảo Trường Sa. Tháng 2/2001, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Biên phòng, thông qua nghị quyết thành lập cơ quan chính quyền địa phương trên quần đảo, làm cho quần đảo này có chính quyền riêng như các địa phương khác của Việt Nam, giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống và quản lí hành chính của người dân trên đảo. Đây là điểm mốc khởi đầu quá trình “dân sự hóa” quần đảo Nam Sa của Việt Nam. Mặc dù Việt Nam không giàu có về kinh tế, nhưng vẫn ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng Nam Sa qua việc phân bổ kinh phí và quyên góp.
Tuyến du lịch đến Trường Sa được khai thông vào năm 2004. Sân bay đảo Trường Sa Lớn được xây dựng mở rộng vào năm 2005. Ngày 11/4/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố (Nghị định số 65/2007/NĐ-CP), trong đó có điều chỉnh địa giới hành chính huyện Trường Sa (đơn vị hành chính cấp 2, thuộc Huyện Khánh Hòa); thành lập thị trấn Trường Sa (đơn vị hành chính cấp 3) trên đảo Trường Sa Lớn, được coi như là khu vực thành thị hóa; thành lập “xã” (đơn vị hành chính cấp 3) trên hai đảo Song Tử Tây (TQ gọi là đảo Nam Tử) và đảo Sinh Tồn Tây (TQ gọi là đảo Cảnh Hồng),[984] được coi như là khu vực làng xã hóa. Ba đảo này trở thành công trình “dân sự hóa” mẫu của Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2008, Việt Nam lập kế hoạch di dân tới đảo Trường Sa Lớn, tổ chức cho 7 gia đình đến sinh sống trên đảo này, xây dựng các công trình và cơ sở “thường ngày” trên đảo như trường tiểu học, bệnh viện, nhà văn hóa, trạm phát điện, chùa chiền,...[985] Tổ chức bầu cử “đại biểu quốc hội” trên đảo Trường Sa Lớn. Theo thống kê năm 2009, năm 2009, tổng dân số huyện Trường Sa là 195 người (không kể bộ đội), trong đó dân số thị trấn Trường Sa là 82 người. Theo thống kê, từ năm 2008-2012, tổng vốn đầu tư dân sự của Việt Nam tại huyện Trường Sa là 110 tỉ đồng (khoảng 5 triệu USD), số tiền này không phải nhỏ đối với Việt Nam.[986]
Philippines là quốc gia có quyết tâm dân sự hóa sớm nhất và cũng là nước di dân nhiều nhất đến quần đảo Trường Sa. Cấp độ hành chính của nhóm đảo Kalayaan là Municipaliti (đô thị), là đơn vị hành chính cấp 3 thuộc tỉnh Palawan, dưới Municipality là Barangay, đơn vị hành chính cấp 4, cũng là cấp thấp nhất, trung tâm hành chính nằm ở đảo Thị Tứ (TQ gọi là đảo Trung Nghiệp), người Philippines gọi đó là đảo Pagasa.[987] Ngay từ năm 1980, nhóm Kalayaan đã tiến hành bầu thị trưởng lần thứ nhất. Ngày 18/1/1988, sau khi Marcos bị lật đổ không lâu, Philippines liền tuyên bố “phi quân sự hóa” nhóm đảo Kalayaan. Năm 1992 tiến hành bầu cử chính thức lần thứ nhất, lúc đó toàn bộ Kalayaan chỉ có 50 cư dân. Philippines là nước nằm gần quần đảo Trường Sa nhất, với khoa học kĩ thuật hiện đại không quá khó để di dân đến đảo Thị Tứ. Trong Trong những năm 1990, dân số đảo Kalayaan tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê năm 1995, dân số của nhóm đảo Kalayaan lên tới 349 người. Nhưng sau đó giảm xuống, đến năm 2000 chỉ còn 223 người, chủ yếu là quân nhân, viên chức nhà nước và ngư dân tạm trú. Bắt đầu từ năm 2001, Philippines quyết tâm xây dựng “khu dân cư thực sự” trên đảo Thị Tứ. Ngày 22/9/2002, Philippines đưa 90 người đến định cư thí điểm 3 tháng trên đảo Thị Tứ, nhưng vẫn không thể ngăn chặn sự suy giảm dân số trên đảo. Năm 2005, số người trên đảo giảm tới mức thấp nhất, chỉ còn 114 người. Để thu hút dân di cư, Philippines hỗ trợ 14.000 USD mỗi năm cho một người di cư, đó là khoản tiền lớn đối với Philippines. Năm 2010, dân số trên đảo cuối cùng đã tăng lên 222 người. Năm 2012, Thị trưởng Kalayaan xây dựng trường tiểu học trên đảo Thị Tứ, tạo cơ sở cho việc “bình thường hóa” thêm một bước.
Philippines tuy giàu hơn Việt Nam, nhưng đầu tư hạ tầng trên nhóm đảo Kalayaan không bằng Việt Nam. Khởi đầu, điều kiện sống trên đảo của Philippines tốt hơn so với Việt Nam, song tình hình hiện nay đã hoàn toàn đảo ngược. Bắt đầu từ năm 2012, quân đội hai nước trú đóng trên hai đảo Song Tử, tức là Việt Nam chiếm giữ đảo Song Tử Tây (TQ gọi là Nam Tử), Philippines chiếm giữ đảo Song Tử Đông (TQ gọi là Bắc Tử), tiến hành thi đấu bóng đá và bóng rổ định kì, nhằm thể hiện thiện ý, đồng thời tăng cường hình ảnh “dân sự hóa”. Mỗi lần đến đảo Song Tử Tây, binh lính Philippines không khỏi thở dài trước sự tương phản về chất lượng cuộc sống giữa hai bên.
Kế hoạch di dân của Trung Quốc chủ yếu diễn ra ở quần đảo Hoàng Sa. Cư dân trên đảo chủ yếu là viên chức chính phủ, hải quân, cảnh sát, công nhân xây dựng và và một số lượng lớn ngư dân trên đường ghé qua. Trung Quốc đã thành lập làng Vĩnh Hưng trên đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm), hầu hết dân làng là ngư dân không thường trú từ Hải Nam và một số ít ngư dân thường trú (ngư dân sống đủ nửa năm được trợ cấp sinh hoạt). Năm 2014, Trung Quốc xây dựng trường học và các công trình đi kèm trên đảo Phú Lâm, hi vọng hình thành được khu dân cư đích thực ở đây.[988]
Ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc chỉ chiếm được các bãi ngầm nên trước khi tiến hành bồi đắp đảo quy mô lớn vào năm 2014, Trung Quốc chưa có điều kiện thực hiện việc di dân. Cũng chính vì vậy mà trong số các nước chiếm giữ thực tế các đảo, bãi ở quần đảo Trường Sa thì Trung Quốc là nước có số lượng di dân ít nhất. Nhưng sau khi Trung Quốc tiến hành bồi đắp đảo với quy mô lớn, tình hình tất nhiên thay đổi.
Ví dụ về dân sự hóa đảo thành công của Trung Quốc là ở đá Vành Khăn, với việc xây dựng ngư trường do ngư dân Hải Nam tên là Trương Đông Hải đầu tư. Năm 2006, dưới sự trợ giúp của các chuyên gia, Trương Đông Hải đến đá Vành Khăn tiến hành hoạt động thử nghiệm nhân giống cá. Chiều ngày 29/6/2007, ông dẫn đầu đoàn gồm 9 tàu (2 tàu tiếp liệu, 2 tàu câu cá, 3 tàu chiếu sáng và 2 tàu kéo lưới) cùng 85 thuyền viên rầm rộ kéo đến Vành Khăn, thả nuôi 300 000 con cá giống như cá hồng, cá thất tinh, cá đốm Đông Hưng, cá bớp và các loại cá bột quý hiếm khác. Dùng các loại cá tạp khác (mực nang nhỏ, cá pháo nhỏ, v.v.) được đánh bắt tại chỗ ở quần đảo Nam Sa làm thức ăn, các loài cá nuôi dưỡng ở đá Vành Khăn có tốc độ tăng trưởng cao hơn 30% so với các loại cá nuôi ven bờ biển Hải Nam. Ngày 21/11/2007, cơn bão nhiệt đới cực mạnh Hagibis thổi qua bãi Mĩ Tế đã cuốn sạch toàn bộ công trình đầu tư của Trương Đông Hải. Khi đó, 9 thành viên giúp ông trông coi công việc trên đá Vành Khăn bị thiệt mạng, 3 ngư dân khác bị trôi dạt trên biển 7 ngày 8 đêm mới được cứu sống. Tháng 10/2008, Trương Đông Hải đưa 6 thuyền và 43 ngư dân quay lại Vành Khăn, đặt lồng lưới có khả năng chống chọi với gió cấp 9. Lần này ý chí đầu tư và lòng kiên trì của Trương Đông Hải đã được đền bù. Từ năm 2008 đến tháng 7/2012, ông đã liên tục đầu tư hơn 20 triệu NDT cho nuôi cá trên đảo Vành Khăn, thả nuôi gần 10 triệu con cá bột, quy mô đã mở rộng thành 11 nhóm lồng lưới vuông 4m x 4m, với 44 cửa và 10 nhóm lồng lưới hình tròn, bán kính 12m. Việc nuôi thả của ông rất thuận lợi trong 5 năm qua, các loại hải sản nuôi như cá chấm sao (Plectropomus leopardus), cá hổ vằn (Blotchy Rock cod) được tiêu thụ tại Hong Kong, Mao Cao, Nhật Bản và các nơi khác với giá cao. Điều này khiến Vành Khăn có hi vọng trở thành trung tâm ngư nghiệp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Ngày 5/12/2012, “Uỷ ban xã Mĩ Tế, huyện Nam Sa, Thành phố Tam Sa” trương biển thành lập, toàn xã có 53 ngư dân, nhưng hầu hết đều sống trên tàu. Trong số đó, Uỷ ban thôn và 12 ngư dân canh lồng sống trên tàu nuôi cá trọng tải 1000 tấn (tàu cá Quỳnh Phú Hoa 01), số còn lại sống trên hai chiếc tàu chiếu sáng.[989]
Hiệp định song phương giữa các quốc gia ASEAN
Vấn đề biển Đông là một vấn đề đa phương điển hình. Về lí luận, tất cả các nước liên quan phải cùng nhau giải quyết mới là con đường giải quyết triệt để. Nhưng Trung Quốc không muốn đa phương hóa vấn đề biển Đông mà muốn đối thoại trực tiếp với từng nước liên quan, tức là các nước khác đàm phán 1-1 với Trung Quốc. Các nước ASEAN đương nhiên không muốn làm như vậy vì: thứ nhất, thái độ Trung Quốc hết sức cứng rắn, khẳng định các đảo và vùng biển ở biển Đông đều thuộc về Trung Quốc, không có cơ sở để đàm phán; thứ hai, thực lực các nước ASEAN yếu hơn Trung Quốc rất nhiều, tất nhiên ở thế rất yếu khi đàm phán đơn phương với Trung Quốc; thứ ba, vì vấn đề biển Đông về cơ bản có liên quan đến bên thứ ba nên dù đàm phán song phương thành công cũng không thể giải quyết triệt để vấn đề. Trong trường hợp đàm phán đa phương không kết quả, các nước ASEAN có xu hướng áp dụng phương thức khác, đó là tiến hành đàm phán song phương trong nội bộ ASEAN để xác định lập trường chung, trên cơ sở đó tiến hành đàm phán với Trung Quốc với tư cách một khối ASEAN thống nhất. Về mặt sách lược, đây là cách làm lí tưởng và phù hợp thực tế nhất đối với các nước ASEAN. Tuy nhiên, chỉ cần đàm phán song phương giữa các nước ASEAN đụng chạm đến lợi ích của Trung Quốc là Trung Quốc phản đối và kháng nghị. Điều đó cho thấy phương thức “đối thoại trực tiếp với nước liên quan, giải quyết song phương” do Trung Quốc đề xuất là không thực tế.
Đàm phán song phương giữa các quốc gia ASEAN về các vùng biển đã được tiến hành từ lâu và cũng đạt được nhiều kết quả trên tinh thần hợp tác, hiểu biết và nhân nhượng lẫn nhau.[990] Trước 1990, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Myanmar là các nước chủ yếu đạt được Hiệp định. Ngay từ ngày 27/10/1969, Malaysia và với Indonesia đã kí “Hiệp định phân giới thềm lục địa”; ngày 16/11/1971, Indonesia, Malaysia và Singapore đã kí “Tuyên bố về eo biển Malacca”; ngày 21/12/1971, Indonesia, Malaysia và Thái Lan kí kết “Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa nửa phía Bắc eo biển Malacca”; Ngày 3/12/1981, Indonesia và Malaysia kí “Hiệp định về lãnh hải và không phận”, sau đó kí tiếp “Hiệp ước phân định ranh giới Indonesia-Malaysia năm 1982”. Ngày 24/10/1979, Malaysia và Thái Lan kí “Hiệp ước phân định ranh giới lãnh hải giữa hai nước” và “Bản ghi nhớ về phân định ranh giới thềm lục địa giữa hai nước trong vịnh Thái Lan”.[991] Trong số đó, các hiệp ước song phương giữa Indonesia và Malaysia đều đụng chạm đến đường 9 đoạn của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không bày tỏ bất kì sự phản đối nào vào thời điểm đó, điều đó cho thấy khi đó Trung Quốc chưa yêu sách vùng biển bên trong đường 9 đoạn, ít nhất thì đó cũng không phải vấn đề nhạy cảm.
Hình 63: Ranh giới vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia theo hiệp ước 1982
Sau khi thống nhất, Việt Nam đã đề xuất thương lượng phân định ranh giới trên biển với các nước Đông Nam Á. Nhưng những năm 1980, Việt Nam và Campuchia chỉ đạt được “Hiệp ước về vùng nước lịch sử” vào ngày 7/7/1982, đồng ý rằng vùng nước nằm giữa tỉnh Kiên Giang, đảo Phú Quốc đến đảo Thổ Chu của Việt Nam và bờ biển tỉnh Kampot đến nhóm đảo Poulo Wai của Campuchia là vùng nước lịch sử của hai nước theo chế độ nội thuỷ”,[992] nhưng lại chưa phân định rõ hơn ranh giới “vùng nước lịch sử” này mà chỉ quy định tạm thời lấy đường Brévié (Brévié Line) năm 1939 làm đường phân định trước khi đạt được hiệp định.
Sau 1990, với việc Việt Nam gia nhập ASEAN, việc phân giới cắm mốc liên quan đến Việt Nam ngày càng đạt được nhiều kết quả. Ngày 9/8/1997, Việt Nam kí với Thái Lan “Hiệp ước phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên vùng vịnh Thái Lan”, vùng đặc quyền kinh tế và và thềm lục địa được chia đồng thời bởi một đường thẳng, từ điểm C (tức là điểm cực bắc của vùng khai thác chung giữa Malaysia và Thái Lan) đến điểm K (tức là đến đường ranh giới mà Việt Nam và Campuchia đạt được qua đàm phán).[993]
Hình 64: Ranh giới biển giữa Việt Nam và Thái Lan theo Hiệp định 1997
Đàm phán về biên giới trên biển giữa Việt Nam và Indonesia lần đầu tiên diễn ra vào năm 1971 dưới chính quyền miền Nam Việt Nam. Cả Việt Nam và Indonesia khi đó đều giữ nguyên tắc trung tuyến, nhưng đã có những tranh cãi về việc có nên sử dụng quần đảo Natuna để xác định điểm bắt đầu của đường trung tuyến hay không. Việt Nam cho rằng nên vẽ đường trung tuyến giữa đất liền Việt Nam và đảo Kalimantan, còn các đảo nhỏ ngoài khơi (như quần đảo Natuna) không tính trong đó; nhưng Indonesia lại cho rằng đảo Natuna được quyền phân định ranh giới,và đề nghị trung tuyến giữa Natuna và Côn Đảo của Việt Nam cũng phải được đưa vào trong phân định, điều này có lợi hơn cho Indonesia. Sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam đề xuất phương án mới, cho rằng ở bờ biển phía bắc đảo Pulao Sipitung, đảo cực bắc của quần đảo Natuna, có một rãnh sâu tự nhiên, hai nước nên căn cứ theo nguyên tắc “phần mở rộng tự nhiên của thềm lục địa”, lấy đó làm đường phân giới, nhưng Indonesia kiên quyết giữ nguyên tắc trung tuyến. Cho đến cuối những năm 1970, đàm phán giữa hai nước ngưng ngang.[994] Sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN, quan hệ hai nước được cải thiện và đàm phán được nối lại. Ngày 26/6/2003, Việt Nam và Indonesia kí kết “Hiệp định phân định thềm lục địa”,[995] phân định ranh giới thềm lục địa tại phía Bắc đảo Natuna. Đường ranh giới được xác định bằng 5 đoạn thẳng nối liền 6 điểm cơ sở với nhau. Điểm cơ sở thứ nhất ở cực Đông (point 25) là điểm cực Bắc của đường ranh giới thềm lục địa giữa Indonesia và Malaysia. Điểm này cùng với điểm cơ sở thứ hai (point X1) đều nằm bên trong đường 9 đoạn của Trung Quốc.
Hình 65: Đường phân giới biển giữa Việt Nam và Indonesia theo hiệp định 2003
Điều đáng chú ý là việc phân định thềm lục địa giữa hai nước không ảnh hưởng đến việc phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước sau này. Nghĩa là, không giống với đường phân giới giữa Việt Nam và Thái Lan, đường phân giới thềm lục địa và đường phân giới vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Indonesia có thể không là một.
Việt Nam và Malaysia đều có yêu sách biển chồng lấn ở Vịnh Thái Lan lẫn ở biển Đông. Do tính chất phức tạp của tình hình (các yêu sách chủ quyền chồng lấn với Thái Lan ở Vịnh Thái Lan và thậm chí phức tạp hơn ở biển Đông) nên đến nay, Việt Nam và Malaysia chưa đạt được thỏa thuận về ranh giới biển. Nhưng hai nước đều nhất trí quan điểm “gác tranh chấp, cùng khai thác”, và không có điều kiện tiên quyết “chủ quyền thuộc về ta”. Ngày 5/6/1992, hai nước kí kết “Bản ghi nhớ (MoU) giữa Việt Nam và Malaysia về thăm dò và khai thác dầu khí tại khu vực xác định ở thềm lục địa hai nước”, xác định khu vực có diện tích 1 350 km2 (PM-3 CAA) để cùng khai thác dầu khí (không nằm trong đường 9 đoạn). Khu vực này đã bắt đầu được khai thác dầu từ năm 1997. Hai nước còn cùng tiến hành khảo sát chung các khu vực đáy biển ở biển Đông để xác định giới hạn thềm lục địa ngoài. Điều này đã dẫn đến một vòng tranh chấp mới về biển Đông năm 2009 (xem phần VI.3).
Hình 66: Phân định biển Việt Nam – Malaysia theo MoU 1992
Ngoài tranh chấp về vùng biển, đến những năm 1980, giữa Malaysia, Indonesia và Singapore còn đột nhiên xảy ra tranh chấp về lãnh thổ. Malaysia và Indonesia tranh chấp về hai đảo nhỏ trên vùng biển Sulawesi gần Sabah thuộc Kalimantan: đảo Sipadan (Pulau Sipadan) và Ligitan (Pulau Ligitan). Trước tranh chấp, vùng này do Sabah quản lí. Năm 1982, Indonesia đột nhiên tranh chấp hai đảo với lí do là Anh và Hà Lan đã kí hiệp định phân định ranh giới Borneo năm 1891. Chiểu theo Hiệp định này, hai đảo nhỏ nằm trong vùng biển Indonesia. Tranh cãi bế tắc nên tháng 5/1997 hai nước chính thức kí kết hiệp ước đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền cho Tòa án quốc tế phân xử. Trong thời gian diễn ra tố tụng, Philippines đã đưa ra phản đối do có tranh chấp về Sabah (Philippines và Malaysia có tranh chấp về chủ quyền đối với Sabah mà hai đảo này lại thuộc quyền quản lí của Sabah trong lịch sử) nhưng đã bị Tòa bác bỏ. Ngày 17/12/ 2002, Tòa trọng tài ra phán quyết trao hai đảo nhỏ đó cho Malaysia. Căn cứ chủ yếu là do Malaysia đã thực quản lí hai đảo hơn 150 năm không có tranh chấp trong một thời gian dài. Hai nước đều tuân thủ phán quyết.[996]
Singapore và Malaysia tranh chấp về rạn Pedra Branca (Malaysia gọi là Pulau Batu Puteh). Pedra Branca nằm ở cửa Đông eo biển Singapore, cách Singapore 25,5 hải lí về phía Đông, cách Johor của Malaysia 7,7 hải lí, diện tích chưa đến 10 000 m². Khởi đầu, nó được Sultan Johor cai trị, nhưng đến năm 1840, Anh chiếm Pedra Branca, xây đèn biển trên đảo, giao cho Singapore quản lí. Năm 1953, Bí thư thuộc địa Singapore của Anh đã gửi một bức thư tới Quốc vương Johor, hỏi về chủ quyền của Pedra Branca. Quyền Bí thư của Sultan Johor phúc đáp, cho rằng chính quyền bang Sultan không có chủ quyền đối với Pedra Branca. Sau khi giành độc lập, Singapore tiếp tục thực hiện quyền quản lí đối với Pedra Branca. Từ năm 1962-1975, Malaysia xuất bản ít nhất 6 tấm bản đồ có ghi chú đảo này là của Singapore. Nhưng đến năm 1979, Malaysia lại đột nhiên khẳng định Pedra Branca thuộc Malaysia trong bản đồ “Ranh giới thềm lục địa và lãnh hải Malaysia” (bản đồ mà Malaysia dùng để khẳng định chủ quyền một số đảo trong quần đảo Trường Sa), Singapore lập tức phản đối. Tranh cãi không kết quả, năm 1994 hai bên đồng ý đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền đảo cho Tòa án quốc tế phân xử, và chính thức nộp đơn cho Tòa vào năm 2003. Ngày 13/2/2008, Tòa quốc tế phán quyết rằng Pedra Branca thuộc về Singapore. Lí do chủ yếu là do Singapore quản lí trên thực tế đảo và do Malaysia cũng công nhận tình trạng này trong lịch sử. Cả hai nước đều chấp nhận phán quyết.[997]
Tranh chấp lãnh thổ và vùng biển giữa Malaysia và Brunei cũng diễn ra từ lâu. Tranh chấp chủ quyền trên đất liền chủ yếu là vấn đề Lâm Mộng (Limbang). Limbang thuộc Sarawak, phía Đông và phía Tây của Limbang đều là lãnh thổ của Brunei. Brunei khẳng định chủ quyền đối với Limbang. Về vùng biển, Brunei chủ trương vùng đặc quyền kinh tế cách bờ biển 200 hải lí, còn thềm lục địa kéo dài xa hơn. Nhưng Malaysia lại cho rằng, chiểu theo hiệp định đã kí trước kia giữa hai nước thì giới hạn vùng nước cách bờ của Brunei chỉ kết thúc bên ngoài đường đẳng sâu 200 foot (đơn vị đo lường Anh) 3 hải lí. Theo phương án của Brunei thì Brunei có chủ quyền đối với bãi Louisa (TQ gọi là Nam Thông) đã bị Malaysia tuyên bố chủ quyền, đồng thời tuyên bố có chủ quyền đối với bãi chìm Vũng Mây (TQ gọi là Nam Vi) trên thềm lục địa mở rộng. Bãi này nằm bên ngoài thềm lục địa mà Malaysia yêu sách, Malaysia không đòi chủ quyền đối với nó.
Năm 2003, công ti dầu khí quốc gia của Malaysia Petronas trao quyền khai thác hai lô ngoài khơi trong khu vực chồng lấn cho công ti MurphiOil, nhưng năm 2000, Brunei đã lần lượt trao quyền khai thác hai lô đó cho 3 công ti dầu khí do công ti Royal Dutch Shell Plc đứng đầu và 3 công ti dầu khí do công ti Total S.A. đứng đầu.[998] Vì thế mâu thuẫn giữa Malaysia và Brunei ngày càng tăng lên. Brunei đưa tàu chiến truy đuổi tàu quan trắc của công ti Murphy. Malaysia đáp trả bằng việc điều tàu chiến ra ngăn cản tàu của Công ti Total S.A. tiến vào khu vực này. Cuối cùng, hai bên đều dừng khai thác ở đó. Ngày 16/3/2009, Malaysia và Brunei kí kết một thỏa thuận trọn gói (Exchange of Letters) giải quyết vấn đề trên bộ và trên biển, đồng thời quy định rằng hai nước sẽ hợp tác khai thác dầu khí và tài nguyên thiên nhiên tại khu vực tranh chấp ngoài ranh giới lãnh hải, vì thế hiệp định này được gọi là “đổi chủ quyền lấy dầu”.[999] Để làm yên lòng dân hai nước, các chi tiết của thỏa thuận không được công bố ngay lập tức mà được hé lộ nhỏ giọt thông qua các quan chức phụ trách thông tin. Về đất liền, dù Limbang không được đề cập trong hiệp định nhưng Brunei đã công nhận 5 hiệp ước liên quan đến Sarawak trong lịch sử, điều đó có nghĩa là Limbang thực sự được công nhận là thuộc Malaysia.
Còn về biển thì tin tức rất ít ỏi khiến còn khó hiểu hơn. Trong cuộc họp báo sau khi Hiệp định được kí kết, hai bên tuyên bố đã đạt được Hiệp định phân giới biển.
Both Leaders noted the agreement of their respective Governments on the key elements contained in the Exchange of Letters, which included the final delimitation of maritime boundaries between Brunei Darussalam and Malaysia, the establishment of Commercial Arrangement Area (CAA) in oil and gas, the modalities for the final demarcation of the land boundary between Brunei Darussalam and Malaysia and unsuspendable rights of maritime access for nationals and residents of Malaysia across Brunei's maritime zones en route to and from their destination in Sarawak, Malaysia provided that Brunei's laws and regulations are observed.
(Hai nhà lãnh đạo đã ghi nhận thỏa thuận của Chính phủ hai nước về các điểm mấu chốt trong Thư trao đổi, trong đó có việc phân định ranh giới biển cuối cùng giữa Brunei Darussalam và Malaysia, việc thành lập Khu vực Thoả thuận thương mại (CAA) về dầu khí, phương thức phân định ranh giới đất liền cuối cùng giữa Brunei Darussalam và Malaysia, và quyền đi vào biển không bị ngưng lại (un-suspendable rights) đối với công dân và cư dân Malaysia khi đi qua các vùng biển của Brunei để tới Sarawak của Malaysia, với điều kiện phải tuân thủ luật pháp và quy định của Brunei.[1000]
Thỏa thuận cụ thể không được công bố. Năm 2010, Brunei tuyên bố, căn cứ vào thỏa thuận năm 2009, Brunei có chủ quyền đối với hai lô nói trên, nhưng không nhắc đến khu vực khác. Do hai lô này nằm ở giữa khu vực tranh chấp nên có vẻ có thể suy luận ra là thỏa thuận quy định rằng Brunei sở hữu toàn bộ khu vực tranh chấp. Năm 2009, Malaysia và Việt Nam nộp đơn chung cho Liên Hiệp quốc về phương án phân định thềm lục địa mở rộng. Theo phương án này, thềm lục địa phía Đông Malaysia vẫn giữ nguyên cách vẽ năm 1979. Nhưng trong phương án ban đầu do Brunei nộp đã ghi rõ “phân giới biển trong vòng 200 hải lí của Brunei và Malaysia đã được phân chia theo hai hiệp định: thứ nhất, lãnh hải và thềm lục địa bên trong đường đẳng sâu 100 fathom (fathom = 1,8 m -ND), đã được phân định bởi hai pháp lệnh của Hội đồng Anh năm 1958 (British Orders in Council); thứ hai, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vòng 200 hải lí đã được phân định theo Hiệp định 16/3/2009. Brunei còn nhấn mạnh là có quyền yêu sách chủ quyền đối với thềm lục địa ngoài 200 hải lí.[1001] Theo ẩn ý của Brunei thì hai bên đã đạt được thỏa thuận thừa nhận vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo yêu sách chủ quyền ban đầu của Brunei. Malaysia tỏ ra đã buông bỏ yêu sách chủ quyền đối với đá Louisa).[1002]
Đồng thời, Trung Quốc và Việt Nam đã đạt được Hiệp định phân giới Vịnh Bắc Bộ vào năm 2000. Một loạt hiệp định và trọng tài này đều là những ví dụ đáng tham khảo đối với vấn đề chủ quyền và phân giới biển Đông.
Hợp tác thăm dò Trung Quốc-Philippines-Việt Nam chóng tan
Trung Quốc luôn đề xướng “gác tranh chấp, cùng khai thác”, đặc biệt là cùng khai thác tài nguyên dầu mỏ. Nhưng, các nước không nhiệt tâm lắm với việc này, bởi khẩu hiệu mà Trung Quốc đưa ra ngầm chứa ý “chủ quyền thuộc về ta”. Hợp tác với Trung Quốc sẽ bị Trung Quốc tuyên truyền là thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc. Ngoài ra, những khu vực mà Trung Quốc đề xuất cùng khai thác đều là những khu vực thềm lục địa ven biển mà các nước khác đã dày công khai thác trong nhiều năm. Với các nước, đó là cái gọi là “Cái gì của tôi là của tôi, cái gì của bạn là của chúng ta” (我的是我的, 你的是我們的: ngã đích thị ngã đích, nhĩ đích thị ngã môn đích). Vì vậy, phần lớn các nước này hợp tác khai thác dầu khí với phương Tây hoặc các nước ngoài khu vực mà không chọn hợp tác với Trung Quốc.
Tuy nhiên, năm 2004 bỗng xuất hiện sự kiện “cùng khai thác” với Trung Quốc. Nhân vật chính của sự kiện này là Philippines, nước xưa nay luôn đối đầu với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Sở dĩ Philippines đột nhiên chuyển hướng như vậy là vì có một nhóm nhỏ quan chức cao cấp của Philippines luồn lách qua cơ cấu quyết sách đã định, làm trái với sách lược của đất nước và của ASEAN, trong đó có người còn dính dáng đến tham nhũng liên quan tới Trung Quốc.[1003]
Sau khi Tổng thống Arroyo lên nắm quyền, đúng vào lúc Mĩ bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố, giảm quan tâm đến Đông Nam Á. Đồng thời, Trung Quốc cũng bước vào thời kì phát triển tốc độ cao, dồn tâm sức nhiều hơn cho việc thúc đẩy việc “cùng khai thác” ở biển Đông. Khi đó, Chủ tịch Hạ viện Philippines, Jose de Venecia Jr đã đóng một vai trò quan trọng trong giai đoạn này. Ông ta là người thu lợi nhiều nhất trong cao trào dầu mỏ lần thứ nhất của Palawan, có sức ảnh hưởng rất lớn trong giới dầu mỏ Philippines. Ông cũng là nhân sĩ trong phe thân Trung Quốc trên diễn đàn chính trị, khởi xướng thành lập Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á, và đảm nhận chức vụ Hội trưởng Hiệp hội tìm kiếm hòa bình Châu Á, liên hệ rất mật thiết với các diễn đàn chính trị Trung Quốc.
Một nhân vật quan trọng khác của Philippines là Eduardo Manalac, làm việc một thời gian dài trong ngành dầu mỏ, từng là giám đốc thăm dò của Công ti Dầu khí Philips của Hoa Kì tại Trung Quốc trong 7 năm và có mối quan hệ thân thiết với ngành công nghiệp Trung Quốc. Năm 2003, sau khi nghỉ hưu, ông ta ông tham gia chính phủ đảm nhận chức Thứ trưởng Bộ tài nguyên năng lượng.
Trong việc thu hút đầu tư vào các mỏ dầu ở Philippines, do tình hình chính trị khu vực biển Đông phức tạp cùng hiệu suất thăm dò trước nay yếu kém và nhiều nguyên do khác nên các công ti dầu khí quốc tế ít khi quan tâm. Vì thế Eduardo Manalac muốn hợp tác với các công ti Trung Quốc và đã thuyết phục được Arroyo, tìm sự giúp đỡ của Jose de Venecia Jr vốn có quan hệ thân thiện với Trung Quốc.
Tháng 9/2003, Uỷ viên trưởng Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội – ND) Trung Quốc Ngô Bang Quốc thăm Philippines, vào thời điểm đó ngân hàng trung ương của hai nước vừa đạt được thỏa thuận hoán đổi tiền tệ. Trong bài phát biểu của mình, Ngô Bang Quốc nhắc đến chủ trương cùng khai thác ở Trường Sa. Chủ tịch Hạ viện Jose de Venecia Jr phụ trách tiếp đón Ngô Bang Quốc tán thành lời phát biểu này ngay. Ngày 10/11, Công ti dầu khí Quốc gia Philippines và Công ti dầu khí Trung Quốc kí thư tỏ ý định, đồng ý thăm dò chung trên một vùng biển nào đó thuộc biển Đông.
Manalac tin rằng nếu Philippines có thể thăm dò dầu mỏ ở đó và thu được một số lợi ích thì tốt hơn là không có gì cả, nhưng ông ta không có đủ hiểu biết về an ninh quốc gia và lợi ích của ASEAN. Arroyo xem xét toàn bộ tình hình và có hơi do dự. Nhưng tháng 7/2004, bà bất đồng với Mĩ đối với việc rút quân khỏi Iraq nên quay sang Trung Quốc. Dưới sự sắp xếp của Jose de Venecia Jr, bà bất ngờ đi thăm Trung Quốc vào tháng 8. Sau đó bà đổi thái độ do dự, điều Eduardo Manlalac về làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ti dầu khí Quốc gia Philippines, đồng thời ngày 1/9 kí “Thỏa thuận cùng thực hiện khảo sát địa chấn biển” (Joint Seismic Marine Undertaking, JSMU) với Công ti Dầu khí Trung Quốc.
Việc kí kết Thỏa thuận này được giấu kín đối với các đối tác ASEAN, đã phá hoại nguyên tắc thống nhất hành động của ASEAN, đồng thời đi ngược giải pháp đa phương cho vấn đề biển Đông do chính Philippines đề xướng. Trước khi đi đến quyết định, Arroyo thậm chí cũng không bàn bạc với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines. Sau khi biết sự việc, Bộ Ngoại giao Philippines lập tức lên tiếng phản đối nhưng đã quá muộn.[1004] Hành động đơn phương này của Philippines làm kinh động ASEAN. Việt Nam rất không hài lòng và đưa ra kháng nghị, vì trên lí thuyết thì bãi Lễ Nhạc (bãi Cỏ Rong/ Reed Tablemount) nằm trong phạm vi yêu sách của Việt Nam. Tuy nhiên, trong tình huống phản đối không hiệu quả, Việt Nam buộc lòng phải tham gia, hình thành cuộc khảo sát chung 3 bên.
Hình 67: Khu khảo sát chung JSMU giữa Trung Quốc, Philippines và Việt Nam[1005]
Ngày 14/3/2005, Tổng Công ti dầu khí Hải Dương Trung Quốc, Công ti dầu khí Quốc gia Philippines và Công ti dầu khí Việt Nam kí “Thỏa thuận ba bên về khảo sát địa chấn biển chung trong khu vực thỏa thuận tại biển Đông” có thời hạn 3 năm. Ba bên sẽ nghiên cứu đánh giá tình hình tài nguyên dầu mỏ trong khu vực khảo sát chung có tổng diện tích 140 000 km².
Thỏa thuận giữa Trung Quốc và Philippines có vẻ xuất phát từ mong muốn tốt đẹp, nhưng thực tế sở dĩ nó đạt thành không phải không có dính dáng tới quan hệ lợi ích của tham nhũng. Eduardo Manalac có lẽ là một người tương đối trong sạch thời kì đó, ông đã nghỉ việc vào cuối năm 2006 vì “không chịu đựng được nạn tham nhũng”. Tháng 6/2007, trước thềm cuộc bầu cử quốc hội, vụ gian lận ZTE-NBN, gây chấn động chính trường, đã nổ ra ở Philippines liên quan đến một hợp đồng xây dựng mạng băng thông rộng trị giá 3,3 tỉ USD được kí vào tháng 4 giữa vụ Công ti Trung Hưng Trung Quốc (ZTE) và Công ti mạng băng thông rộng Philippines (BNB). Giới truyền thông tiết lộ rằng hợp đồng đã biến mất một cách bí ẩn vài giờ sau khi được kí kết.[1006] Sau một hồi rùm beng trên báo chí, nội dung bản hợp đồng trở thành tiêu điểm bàn luận, chính phủ Philippines viện đủ lí do để không công khai nội dung bản hợp đồng.
Jose de Venecia Jr hứng chịu búa rìu dư luận khi đó, con trai ông là Jose de Venecia III đang cạnh tranh với Công ti Trung Hưng Trung Quốc cuối cùng đã trở thành bên thua cuộc. Một nghị sĩ chỉ ra rằng, vốn liếng Công ti AHI của Jose de Venecia III thấp đến mức chỉ đủ mở một “cửa hàng tạp hóa”. Từ khi thành lập năm 2002 đến đó nó không hoạt động thực sự và chỉ có một vài nhân viên. Vậy làm sao nó có thể tham gia một dự án lớn như vậy?
Sau bầu cử Quốc hội, Jose de Venecia Jr lại tiếp tục đảm nhận chức Chủ tịch Hạ viện. Thượng viện đã yêu cầu Tòa án Tối cao xem xét lại hợp đồng. Tòa án đã phát lệnh tạm ngưng hiệu lực hợp đồng. Jose de Venecia III phải ra hầu tòa vào tháng 10, báo chí lại một phen dậy sóng: thứ nhất, giá trị hợp đồng bị đẩy lên quá cao, vượt quá 19,7 tỉ USD so với chính dự toán của anh ta (công ti AHI của anh ta đặt thầu 240 triệu USD, Công ti AI của Mĩ đặt 135 triệu USD); thứ hai, khi tham gia đấu thầu, đầu tiên anh ta bị một người trung gian (Chủ tịch Uỷ ban bầu cử, Abalos) ra giá 10 triệu USD và yêu cầu anh từ bỏ đấu thầu, nhưng sau đó Abalos bị Mike, chồng của Tổng thống Arroyo, gây áp lực, yêu cầu không được ra tranh thầu.[1007] Các cuộc điều tra sau đó chỉ ra rằng chồng của Arroyo đã thu được ít nhất vài triệu USD từ ZTE trong giao dịch này. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng làm chứng rằng Abalos đã hối lộ cho ông 5 triệu USD để phê duyệt thỏa thuận.[1008] Tháng 1/2008, Thượng viện đưa ra kiến nghị bất tín nhiệm đối với Jose de Venecia. Tháng 2, Jose de Venecia bị buộc từ chức. Sau đó, ông tiết lộ rằng Arroyo đã cử ba sĩ quan quân đội cấp cao đến nhà ông để đe dọa ông và con trai ông không được lên tiếng về vấn đề này. Cuối cùng, do áp lực của nhiều cấp, Arroyo ra lệnh dừng thỏa thuận với Công ti Trung Hưng.[1009]
Sau đó lại có người tố cáo, hành vi tham nhũng của Arroyo không chỉ dừng ở công trình mạng băng thông mà còn có liên quan rất rộng. Trong rất nhiều dự án xây dựng hạ tầng mà Philippines tham gia cùng các công ti và tổ chức viện trợ nước ngoài của Trung Quốc, chẳng hạn dự án đường sắt trên đảo Luzon, họ đã hợp tác với Arroyo và gia tộc thông qua các phương pháp giảm giá tương tự để có được hợp đồng.[1010] Jose de Venecia cũng là một quan chức cao cấp nằm trong nhóm tham nhũng này, có điều lần này là cắn xé lẫn nhau mà thôi. Ngoài ra còn có tạp chí công kích rằng trong JSMU tồn tại một “điều khoản bán nước” bí mật.[1011] Nói cách khác, những vụ hối lộ này cũng do chính Trung Quốc thực hiện để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược của họ, việc khảo sát chung giữa Trung Quốc và Philippines cũng liên quan đến điều đó. Sở dĩ Trung Quốc và Philippines đạt được thỏa thuận khảo sát chung cũng là do nó liên quan đến những hợp đồng thương vụ theo phương thức giảm giá mà Trung Quốc cung cấp cho gia tộc Arroyo.[1012]
Bằng cách này, vụ bê bối tham nhũng do Trung Hưng hối lộ ngày càng lớn hơn. Mặc dù Arroyo kiên quyết phủ nhận nhưng ngày càng có nhiều người Philippines công kích hành vi “bán nước” của bà. Người tiền nhiệm Estrada của Arroyo bị hạ bệ vì tai tiếng tham nhũng, đến lượt Arroyo bây giờ cũng lún sâu vào tai tiếng. Trong bối cảnh đó, tháng 7/2008, sau khi giai đoạn khảo sát đầu tiên hoàn thành vào tháng 7 năm 2008, thỏa thuận khảo sát đánh giá dầu mỏ chung giữa Trung Quốc, Philippines, Việt Nam đã không được gia hạn.[1013] Hoạt động khảo sát qua mấy năm không thu được kết quả gì đáng kể.
Do thỏa thuận JSMU trước sau không được công khai hóa, không thể biết rõ các điều khoản cụ thể nên không thể đoán định đây có phải hiệp định “bán nước” hay không, chẳng hạn “cùng khai thác” có phải hàm chứa hay ngầm thừa nhận tiền đề về quy thuộc chủ quyền hay không. Nhưng xét đến việc Việt Nam cũng tham gia hiệp định này thì khả năng xảy ra tình huống này không lớn, vì đối với vấn đề này Việt Nam nhạy cảm hơn Philippines nhiều. Tác giả cho rằng, ngay cả khi có những nghi ngờ về hối lộ ở Trung Quốc trong thỏa thuận này thì cũng không thể phủ nhận rằng bản thân điều này là một nỗ lực có lợi. Tuy nhiên, do quy trình không theo chuẩn mực, có bóng dáng của hối lộ và phớt lờ lập trường chung của ASEAN nên thử nghiệm này không thành công. Hậu quả lớn hơn của vụ việc này là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở Philippines đã chính thức chống lại Trung Quốc kể từ năm 2009. Còn Trung Quốc thì từ bỏ ý niệm cùng khai thác, tìm biện pháp mạnh hơn để mở mang thế lực tại biển Đông.
V.9. Kết luận: Sự hình thành tình trạng hiện nay
Sau Chiến tranh lạnh, hòa bình và phát triển trở thành tiếng nói chủ đạo trong quan hệ quốc tế. Trung Quốc và các nước ở biển Đông vừa có nhu cầu tăng cường hợp tác kinh tế, chính trị, vừa có mâu thuẫn về vấn đề biển Đông, nhưng vế sau không đóng vai trò chủ đạo. Bước tiến của Trung Quốc ở biển Đông ban đầu chỉ giới hạn ở phía Tây quần đảo Trường Sa. Nhưng sau khi Mĩ rút quân khỏi Philippines và quan hệ Trung Quốc – Việt Nam được cải thiện, Trung Quốc lại đổi hướng bành trướng sang đá Vành Khăn ở phía Đông biển Đông, lực lượng ngư chính trở thành công cụ lợi hại để Trung Quốc tiến xuống biển Đông. Mặc dù lực lượng các nước quanh biển Đông đều yếu hơn Trung Quốc, nhưng hợp nhau lại ASEAN có đủ sức mạnh chống lại Trung Quốc. Năm 1992, tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN, các nước thành viên đã ra “Tuyên bố của ASEAN về biển Đông”, đề xuất thương thảo với Trung Quốc xây dựng bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông. Việc Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995 có ý nghĩa cực kì quan trọng đối với ASEAN và cục diện phát triển ở biển Đông. Từ đó, các nước có lập trường gần nhau tại khu vực biển Đông bắt đầu hình thành ASEAN như một khối giữ thế đối đầu với Trung Quốc. Bị khống chế bởi nhiều yếu tố khác nhau, sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông bị hạn chế và Philippines cũng có thể chống chọi với áp lực của Trung Quốc tại bãi Cỏ Rong và bãi cạn Scarborough. Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN kí “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông”, đánh dấu việc hình thành “hiện trạng” biển Đông được các bên thừa nhận.
“Công ước Luật biển Liên hiệp quốc” có hiệu lực vào năm 1994 có ảnh hưởng rất sâu rộng. Sự cạnh tranh ở biển Đông đã mở rộng từ việc tranh giành các đảo sang tranh giành các vùng biển. Đường 9 đoạn trước đây bị bỏ quên bắt đầu trở thành một công cụ mới cho sự bành trướng của Trung Quốc. Đài Loan đi đầu trong việc cố gắng xác định đường 9 đoạn là vùng nước lịch sử, nhưng đã xếp lại trước sự phản đối; Trung Quốc sau đó đã cố gắng đưa ra khái niệm về quyền lịch sử để hợp lí hóa yêu sách của mình đối với vùng nước bên trong đường 9 đoạn. Cần chỉ ra rằng yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng nước bên trong đường 9 đoạn vẫn chưa rõ ràng và giới học thuật vẫn còn đang thảo luận. Nhưng điều khiến các nước quanh biển Đông lo ngại là Mĩ nhấn mạnh trở lại tầm quan trọng của tự do hàng hải. Đường 9 đoạn dẫn đến tranh cãi, nhưng “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông” đã làm dịu tranh cãi.
Trong giai đoạn này, các bên ở biển Đông đã đạt được không ít thỏa thuận phân định vùng biển và lãnh thổ ở biển Đông và xung quanh. Sau khi “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông” được kí kết, các bên đã tích cực chuyển từ “quân sự hóa” sang “dân sự hóa” biển Đông trong khuôn khổ “Tuyên bố”, củng cố chủ quyền thông qua việc di dân hoặc thành lập đơn vị hành chính tại các đảo, bãi. Điều này khiến Trung Quốc không vừa ý, mặc dù chính Trung Quốc cũng làm như vậy. Trung Quốc, Philippines và Việt Nam thử nghiệm hợp tác thăm dò dầu khí chung ở biển Đông, nhưng đã kết thúc ngang do các vụ bê bối tham nhũng. Điều này đánh dấu sự kết thúc của chính sách biển Đông của Trung Quốc trong giai đoạn này. Ngay sau đó, Trung Quốc đã triển khai cuộc tấn công mới vào biển Đông.
[978] “Tuyển tập sử liệu”, tr.97. Có thể việc thay đổi đơn vị quản lí được nêu vào năm 1980, đến năm 1990 mới được Viện Hành chính phê chuẩn.
[979] “Tuyển tập sử liệu”, tr.98.
[980] Lâm Chính Nghĩa: Hàm ý chiến lược của Đài Loan trong việc xây dựng đường băng trên đảo Thái Bình thuộc Nam Sa, Nghiên cứu chiến lược an ninh, số 30, tháng 2/1998.
[981] “Đảo và ngôn ngữ đảo, Đảo Thái Bình ở phía Nam và khó khăn”, Kinh điển, số 174, tháng 1/2013, http://www.rhythmsmonthly.com/?p=13520
[982] http://www.wonderfulmalaysia.com/layang-layang-island-malaysia.htm
[983] Ví dụ: VirtuaTourist.com
[984] Đơn vị hành chính cấp 2 và cấp 3 của Việt Nam có nhiều tên gọi khác nhau, dịch nghĩa sang tiếng Trung có chút lộn xộn. Huyện Trường Sa là một trong 6 đặc khu đảo của Việt Nam, trong đó có những tên gọi được các nhà báo Trung Quốc dùng để gọi “huyện Trường Sa” trước đây. Có đơn vị hành chính cấp 2 được gọi là Town (thành phố), tiếng Trung Quốc dịch là “huyện”, nhưng cũng có đơn vị hành chính cấp 3 được gọi là Township (thị trấn), tiếng Trung Quốc cũng dịch là “huyện”. Điều này không tránh khỏi sự lộn xộn. Thị trấn Trường Sa trên đảo Trường Sa là đơn vị hành chính cấp 3 thuộc huyện Trường Sa, http://www.webcitation.org/6BxYoOw6H
[985] Xóm dân sinh trên đảo Trường Sa, http://www.webcitation.org/6BxYoOw6H
[986] Toàn bộ câu chuyện Việt Nam cố tình thành lập “huyện Trường Sa” trên quần đảo Trường Sa của Trung Quốc, http://news.ifeng.com/mil/4/detail_2010_05/19/1531678_0.shtml
[987] http://www.kalayaanpalawan.gov.ph/about_the_municipality/municipal_background.html
[988] http://baike.baidu.com/view/28617.htm
[989] http://baike/baidu.com/view/50366.htm
[990] Triệu Vĩ: Vũ khí thực tiễn từ hiệp định giải quyết tranh chấp phân định lãnh hải của các quốc gia xung quanh Biển Nam Trung Hoa – bài học với Trung Quốc, Bình luận về Luật biển Trung Quốc, số 1 năm 2013.
[991] Quân Thủ Tự: Sưu tập điều ước luật. Điều ước liên quan đến Myanmar không liên quan đến biển biển Đông nên không được nhắc tới ở đây.
[992] Sưu tập điều ước luật, tr.244-245
[993] Nguyen Hong Thao, Vietnam's First Maritime Boundary Agreement, IBRU Boundary and Security Bulletin, Vol.5, Autumn 1997, p.77.
[994] “Bão táp Nam Hải”, tr. 43-46.
[995] The Law of the Sea Bulletins, no.67, p.39. http://www.un.org/Depts/los/doalos_publications/los_bult.htm
[996] http://www.un.org/press/en/2002/ICJ605.doc.htm
[997] http://www.icj.cij.org/docket/files/130/14490.pdf
[998] http://www.bt.com.bn/home_news/2007/12/19/is_bruneis_offshore_block_j_area_really_ours_or_malaysias.
[999] http://finance.sina.com.cn/world/gjjj/20090318/06545990384.shtml
[1000] Tuyên bố chung trong cuộc họp báo của các Lãnh đạo trong chuyến thăm và làm việc của Ngài Abdullah Haji Ahmad Badawi, Thủ tướng Malaysia, tới Brunei Darussalam ngày 15-16/3/2009, xem nội dung tuyên bố ở đây http://bn.chineseembassy.org/eng/wlxw/t542877.htm
[1001] http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/preliminary/brn2009preliminaryinformation.pdf.
[1002] J. Ashley Roach, Malaysia http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submission_files/preliminary/brn2009preliminaryinformation.pdf and Brunei: An Analysis of their Claims in the South China Sea, A CNA Occasional Paper, Aug 2014.
[1003] 242 SFPIA ~ p.130-135.
[1004] Barry Wain, Manila, s Bungle in The South China Sea, Far Eastern Economic Review, January/February 2008, Vol. 171.2008,1, p.45-48.
[1005] “Gác tranh cãi cùng khai thác, Trung Quốc, Philippines, Việt Nam liên hợp thăm dò dầu khí”, Nhân dân nhật báo, 16/3/2004. http://world.people.com.cn/GB/1029/42354/3246614.html
[1006] ZTE-NBN scandal triggers political crisis in the Philippines, http://www.wsws.org/en/articles/2008/03/phil-m07.html
[1007] Arroyo accused of influencing state deal (By Roel Landingin in Manila), 2007/09/19
https://www.ft.com/content/d6e4fd52-65f6-11dc-9fbb-0000779fd2ac[1008] ZTE-NBN scandal triggers political crisis in the Philippines.
[1009] ZTE-NBN scandal triggers political crisis in the Philippines.
[1010] ZTE-NBN scandal triggers political crisis in the Philippines.
[1011] Barry Wain, Manila's Bungle in The South China Sea, Far Eastern Economic Review, January/February 2008, p. 45-48
[1012] https://wikileaks.org/plusd/cables/08MANILA1838_a.html
[1013] SBDW, p.66.