PHỤ LỤC I: VẤN ĐỀ ĐẢO BẠCH LONG VĨ
1. Nguồn gốc của vấn đề đảo Bạch Long Vĩ
Tuyến biên giới Việt Nam và Trung Quốc được giải quyết tương đối muộn. Trong thời Pháp thuộc, nhà Thanh và Pháp có kí “Công ước Pháp-Thanh” năm 1887. Sau khi Trung Quốc và Việt Nam cùng bước vào thời đại mới, giống như tất cả biên giới của Trung Quốc với nước ngoài, các hiệp định của thời đại cũ cần phải được thương lượng lại. Nhưng đến cuối thập niên 1990, Trung Quốc và Việt Nam vẫn tranh chấp ở biên giới, và việc thương lượng biên giới chỉ có thể hoãn lại sau này. Năm 1999, hai nước kí kết “Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc”. Năm 2009, hai bên hoàn thành phân giới cắm mốc, kí kết “Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam –Trung Quốc”, cuối cùng biên giới trên đất liền Việt Nam–Trung Quốc đã được xác định.
Trên biển, tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa đến nay vẫn chưa giải quyết được. Ngoài ra, cuối năm 2000 Trung Quốc và Việt Nam đã kí “Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc”, đã giải quyết việc phân định biên giới vùng vịnh Bắc Bộ, trở thành hình mẫu cho việc giải quyết phân định biên giới trên biển thông qua đàm phán giữa hai bên, cho đến nay vẫn thường được Trung Quốc viện dẫn như là một ví dụ thành công.
Tuy nhiên, trong việc phân định biên giới này vẫn có một điểm nghi vấn là đảo Bạch Long Vĩ nằm ở giữa vịnh Bắc Bộ (Hình minh họa 1). Nó là một đảo nhỏ chỉ rộng khoảng 3 km², ở giữa đảo Hải Nam và bờ biển Việt Nam, đều cách đảo Hải Nam và thành phố Hải Phòng 120 km. Dù Việt Nam luôn cho rằng đảo Bạch Long Vĩ thuộc Việt Nam không có nghi vấn gì, đảo này hiện nay cũng nằm dưới sự quản lí của Việt Nam, nhưng sự quy thuộc chủ quyền của nó luôn không được Trung Quốc thừa nhận công khai.
Không giống các đảo nhỏ gần bờ khác ở vịnh Bắc Bộ, đảo này nằm đơn độc ngoài khơi, không có nêu trong hiệp định biên giới đất liền. Trong hiệp định phân định biên giới trên biển năm 2000 cũng không có điều khoản xử lí sự quy thuộc chủ quyền đảo này, còn Trưởng ban Ban Hải dương Vụ Điều ước pháp luật Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tiêu Kiến Quốc khi nhận trả lời phỏng vấn của “International Herald Tribune” thì chỉ ra rằng mặc dù đảo Bạch Long Vĩ thuộc phía Việt Nam trong phân định biên giới trên biển, nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa là đảo Bạch Long Vĩ được quy định thuộc Việt Nam trong hiệp định phân giới này.[1304] Kiểu diễn đạt này đúng về mặt kĩ thuật, nhưng giọng điệu mơ hồ của nó về chủ quyền đối với đảo Bạch Long Vĩ vẫn khiến người ta nghi hoặc. Cũng trong bài báo này, nhà báo còn phỏng vấn Ban Hải dương Vụ Điều ước pháp luật Bộ Ngoại giao, một “quan chức có liên quan” giấu tên thừa nhận “đảo Bạch Long Vĩ thực sự thuộc Việt Nam”.[1305] Đã như vậy thì tại sao không xác nhận một cách quang minh chính đại ?
Hình minh họa 1: Vị trí đảo Bạch Long Vĩ ở vịnh Bắc Bộ
Lịch sử của đảo Bạch Long Vĩ ở Trung Quốc cũng rất mơ hồ, không rõ ràng. Không có nhiều nghiên cứu về nó trong giới học thuật, tài liệu chủ yếu hầu như đều lấy từ bài viết “Bạch Long Vĩ đảo chính danh” (Tên gọi đúng của đảo Bạch Long Vĩ) của Lí Đức Triều.[1306] Sau này trên mạng cũng có chuyên đề lịch sử này.[1307] Nhưng nguồn gốc chủ yếu cũng là bài viết này.
Bài viết này trình bày lịch sử đảo Bạch Long Vĩ như sau: đảo Bạch Long Vĩ vốn tên là đảo Phù Thuỷ Châu hoặc đảo Dạ Oanh, “từ xưa đến nay” là lãnh thổ của Trung Quốc. Nó bị Pháp chiếm đóng năm 1937, và rơi vào tay Nhật Bản năm 1943. Năm 1946 Pháp tái chiếm đảo Bạch Long Vĩ, năm 1954 Pháp chuyển toàn bộ người dân trên đảo vào miền Nam Việt Nam. Năm 1955 Trung Quốc “giải phóng” đảo Bạch Long Vĩ, năm 1957 Trung Quốc “bàn giao” cho Việt Nam đảo này. Bài viết cuối cùng cho rằng: “Đảo Bạch Long Vĩ được người Trung Quốc khai thác từ thời cổ, được người Trung Quốc tới định cư, và thuộc quyền quản lí của Trung Quốc, không thấy có chứng cứ cho thấy bất kì hiệp ước và văn kiện ngoại giao có liên quan nào quy định là lãnh thổ Việt Nam.” Phần về lịch sử đảo Bạch Long Vĩ sau thập niên 1930, đặc biệt là lịch sử sau Thế chiến II trong bài viết đại khái chính xác: năm 1955 Trung Quốc chiếm đóng và kiểm soát thực tế đảo Bạch Long Vĩ, năm 1957 ‘bàn giao’ đảo Bạch Long Vĩ cho Bắc Việt. Tuy nhiên, bài báo viết rất mơ hồ về bản chất của việc Trung Quốc có được đảo Bạch Long Vĩ, và bản chất của việc Trung Quốc “bàn giao” nó cho Việt Nam.
Vì vậy, có mấy cách tường thuật xuất hiện. Phía Việt Nam cho rằng: “Đảo Bạch Long Vĩ từ xưa đến nay là lãnh thổ của Việt Nam.” Sau khi Pháp rút đi sau chiến tranh [Pháp-Việt], Bắc Việt đã nhờ Trung Quốc giúp quản lí, Trung Quốc nhận tạm thời quản lí giúp theo yêu cầu của Việt Nam. Vì vậy, năm 1957 trả lại cho Việt Nam là hợp lẽ. Cách tường thuật này đã bị Lí Đức Triều bác bỏ trong bài viết.
Phía Trung Quốc (dân gian) có hai cách tường thuật. Một cách cho rằng đảo Bạch Long Vĩ bị Trung Quốc “chuyển giao” cho Việt Nam. Trong bài “Ngã quốc dữ lân quốc biên giới hòa hải dương quyền ích tranh nghị vấn đề tư liệu tuyển biên” (Tuyển chọn tư liệu về tranh chấp liên quan đến biên giới và quyền lợi trên biển giữa nước ta với nước láng giềng) viết “việc phân định biên giới vịnh Bắc Bộ liên quan đến một nhân tố quan trọng, tức một đảo ở giữa biển, đảo này vốn thuộc nước ta, tên là đảo Phù Thuỷ Châu hoặc Dạ Oanh, năm 1957 ta chuyển giao cho Việt Nam, Việt Nam đổi tên là đảo Bạch Long Vĩ.”[1308] Sách “Trung Quốc và luật biển quốc tế” do Cao Kiện Quân viết cũng nói “đảo Bạch Long Vĩ... từng là lãnh thổ Trung Quốc trong lịch sử. Tháng 3-1957, nó được chuyển giao cho Việt Nam theo ‘phương thức chuyển giao bí mật’”.[1309] Lí Quốc Cường ở Trung tâm Nghiên cứu Sử địa biên cương nói: “Đảo Bạch Long Vĩ vào thập niên 50 của thế kỉ trước, thông qua đàm phán đã thuộc quyền quản lí của Việt Nam.”[1310] Mặc dù ở đây không giải thích cái gọi là ‘chuyển giao’ và ‘thuộc quyền quản lí của Việt Nam’ có ý nghĩa là gì, nhưng kết hợp cách nói ở trên, hàm nghĩa thực sự chỉ là chuyển giao chủ quyền cho Việt Nam.
Cách tường thuật khác là đảo Bạch Long Vĩ chỉ được cho Việt Nam mượn vào năm 1957. Ví dụ sách “Nam Hải! Nam Hải” của Y Thuỷ, Diêu Trung Tài, Trần Trinh Quốc nói “để chi viện cuộc kháng chiến chống Mĩ của Việt Nam, Chu Ân Lai và Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng đã kí hiệp định cho chính phủ Việt Nam mượn đảo Bạch Long Vĩ của nước ta trong vịnh Bắc Bộ, để họ xây dựng căn cứ ra đa trên đó nhằm báo động trước việc máy bay Mĩ ném bom Hà Nội, đồng thời làm trạm trung chuyển vật tư Trung Quốc viện trợ Việt Nam.”[1311] Đã là cho mượn thì tại sao lại chuyển giao chủ quyền sau đó? Về điểm này lại có hai cách giải thích. Một cách là; cho Việt Nam mượn đảo, nhưng Việt Nam đã chiếm đóng đảo này, sau đó (không biết khi nào) Trung Quốc đành chỉ có thể ‘nương thuyền theo nước’, đã không lấy lại được thì chỉ có thể công nhận chủ quyền thuộc về Việt Nam. Cách giải thích khác thậm chí cho rằng Trung Quốc cho đến hiện nay vẫn chỉ cho Việt Nam mượn đảo Bạch Long Vĩ, chứ không có việc cắt nhượng. Vì vậy, chủ quyền đảo Bạch Long Vĩ vẫn thuộc Trung Quốc hoặc chưa xác định.
Dù hiện nay đảo Bạch Long Vĩ do Việt Nam kiểm soát, hơn nữa cũng dường như có thể khẳng định Trung Quốc đã thực sự công nhận chủ quyền thuộc Việt Nam. Tuy nhiên, vì quá trình này diễn ra rất bí mật và không rõ ràng, khiến đảo Bạch Long Vĩ trở thành một tiêu điểm tranh cãi trong nhân dân. Một loại ý kiến cho rằng việc chính phủ Trung Quốc đem đảo Bạch Long Vĩ “vốn thuộc Trung Quốc” trao cho Việt Nam, là hành vi bán nước; loại ý kiến khác cho rằng Việt Nam đã chiếm được đảo Bạch Long Vĩ từ tay Trung Quốc, rồi lại tranh giành Tây Sa và Nam Sa với Trung Quốc, “được đằng chân lân đằng đầu”, thật chẳng biết điều. Thật ra hai loại quan điểm này không có gì mâu thuẫn nhau, chỉ phụ thuộc vào điểm muốn nhấn mạnh và mục đích của người trình bày mà thôi.
Điều gì đã xảy ra từ năm 1955 đến 1957? Không thể làm rõ điều này khi hồ sơ của chính phủ chưa được giải mật, còn căn cứ vào cách trình bày của Việt Nam cũng không có cách nào để đối chứng. Vì vậy, việc thảo luận nghiên cứu chỉ có thể dừng ở đây. Nhưng một mấu chốt khác của vấn đề chủ quyền đảo Bạch Long Vĩ là: nếu chỉ xem xét lịch sử trước năm 1955 thì đảo Bạch Long Vĩ phải thuộc về ai? Nếu xét về mặt lịch sử và pháp lí thì nó phải thuộc Việt Nam, nên việc nói chính phủ Trung Quốc “bán nước” hay nói Việt Nam “đã được dịp mua hời” đều thiếu căn cứ, vì Trung Quốc chẳng qua là đem lãnh thổ vốn đã thuộc Việt Nam trả lại cho Việt Nam mà thôi.
2. Đảo Bạch Long Vĩ trong sử liệu phương Tây
Dù theo quan điểm của Trung Quốc (về cơ bản toàn bộ đều bắt nguồn từ bài viết của Lí Đức Triều), đảo Bạch Long Vĩ “từ xưa đến nay” thuộc về Trung Quốc, nhưng kiểu lí luận này không hề có căn cứ vững chắc. Có rất nhiều nội dung trong bài viết “Bạch Long Vĩ đảo chinh danh” (Tên gọi đúng của đảo Bạch Long Vĩ), nhất là loại liên quan đến lịch sử Cổ đại và Cận đại của đảo Bạch Long Vĩ, không có xuất xứ. Có thể tin một phần nội dung của bài viết: thời Cận đại, chính xác sau năm 1870, đảo Bạch Long Vĩ thực sự trở thành khu căn cứ của ngư dân Trung Quốc (thời gian sớm nhất được chỉ ra trong bài viết của ông ta là năm 1877). Các chi tiết khác kiểu như “hàng trăm, hàng nghìn năm nay” ngư dân Trung Quốc nghỉ ngơi lấy lại sức ở đây đều là phỏng đoán. Người viết tra xem cách tường thuật của phía Việt Nam, người Việt Nam cũng nói đảo Bạch Long Vĩ là nơi ngư dân của mình đánh cá “từ bao đời nay”. Rốt cuộc ai sớm hơn? Thế thì không biết bắt đầu từ lúc nào. Huống chi, theo luật quốc tế, hành vi của ngư dân không đủ để chứng minh một quốc gia có chủ quyền đối với một đảo nào đó hay không. Hoạt động của người dân chỉ sinh ra “quyền ban đầu”, chỉ có hành vi của chính phủ mới có thể sinh ra chủ quyền thực sự. Vì vậy, muốn nghiên cứu thêm cơ sở pháp lí của đảo Bạch Long Vĩ, còn phải tìm kiếm manh mối từ trong tài liệu lịch sử.
Theo quan điểm của Lí Đức Triều, mãi đến thập niên 1930 tên gọi Bạch Long Vĩ mới được đặt khi Pháp chiếm đảo này, tên gọi trước đó là đảo Phù Thuỷ Châu hoặc đảo Dạ Oanh. Trong đó, đảo Phù Thuỷ Châu là cách gọi của ngư dân Trung Quốc ở khu vực vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, trong các hồ sơ sách vở, cái tên này chỉ có thể bắt đầu có sau khi Trung Quốc chiếm đảo này vào năm 1955, mới có tên gọi kiểu như “Biện sự xứ Phù Thuỷ Châu” (trên mạng có người nói vào những năm 1920, ở đó có một thôn gọi là thôn Phù Thuỷ Châu, người viết không tìm ra được xuất xứ từ sách vở đáng tin cậy). Ông ta còn nói: đảo Bạch Long Vĩ vốn tên là đảo Dạ Oanh, “từ thời Minh Thanh, cho đến thời Dân quốc, đầu thời nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, cách gọi trong sách vở chính thức của Trung Quốc luôn là đảo Dạ Oanh. Tuy nhiên, bài viết của Lí Triều Đức không dẫn tài liệu lịch sử nào để chứng minh cho hai điểm này.
Khẳng định của Lí Triều Đức về tên gọi đảo Bạch Long Vĩ là sai. Thứ nhất, đảo Dạ Oanh không phải cách gọi có nguồn gốc từ Trung Quốc mà từ người phương Tây. Từ “Dạ Oanh” này có bản chất rất xa lạ, đại khái là bắt đầu từ cuối thời Thanh Trung Quốc mới có từ tiếng Trung này. Không chắc từ đầu thời Minh, Trung Quốc đã dùng từ này để đặt tên một đảo nhỏ ở miền Nam. Thực ra, cái tên đảo Dạ Oanh xuất phát từ người phương Tây. Trên bản đồ phương Tây, cái tên sớm nhất của đảo Bạch Long Vĩ có gốc gác từ người Tây Ban Nha, trên các bản đồ do người Tây Ban Nha xuất bản trong thế kỉ 17 đến thế kỉ 18 nó được gọi là “Is. De Mejo” (đảo Tuyệt Hảo). Đến thế kỉ 18, người phương Tây (có thể là người Anh) đặt cho hòn đảo này cái tên là “Nightingale” (trên bản đồ khác do phương Tây xuất bản có một số biến thể nhưng cách viết vẫn tương tự), tức là Dạ Oanh.
Hình minh họa 2: Đảo Dạ Oanh trong bản đồ của Pháp xuất bản (1771)
Có thể khẳng định vào thế kỉ 18 tên gọi đảo Dạ Oanh đã xuất hiện rồi, bởi vì trên bản đồ vịnh Bắc Bộ năm 1771 nó được đánh dấu tên gọi này (Hình minh họa 2). Đến nửa sau thế kỉ 19, đảo này cũng có tên gọi là Merryman’s Island (đảo Người Vui Vẻ). Tên gọi này có nguồn gốc chưa rõ, nhưng không được sử dụng phổ biến bằng tên đảo Dạ Oanh. Đáng chú ý là mặc dù trên nhiều bản đồ phương Tây vào thời điểm đó rất khó phân biệt việc quy thuộc chủ quyền của đảo bằng màu sắc (đảo nhỏ không được tô màu), nhưng trên bản đồ có thể phán đoán được quy thuộc nước nào, đảo này phần lớn được đánh dấu là đảo của Việt Nam. Ví dụ trên “Bản đồ vịnh Bắc Bộ” năm 1795 (Hình minh họa 3), đảo này được đánh dấu màu vàng, cùng màu với Việt Nam nhưng khác với màu đỏ của Trung Quốc. Điều này cho thấy, vào cuối thế kỉ 18 đã có quan điểm cho rằng đảo này thuộc Việt Nam rồi.
Hình minh họa 3: Đảo Dạ Oanh trong bản đồ của Pháp xuất bản (1795)
Lí Đức Triều cũng nói tên gọi của đảo Bạch Long Vĩ là do Pháp đặt vào thập niên 1930 nhằm xâm lược đảo này, mưu đồ làm “nhiễu loạn thông tin”. Quan điểm này cũng là sai lầm.
Trong sách “The China Sea Directory” (Chỉ nam biển Trung Quốc) do Cục Thuỷ văn nước Anh xuất bản năm 1879 đã có tên gọi Bạch Long Vĩ (Nightingale Is.) này rồi[1312] (Hình minh họa 4). Điều này cho thấy muộn nhất vào nửa sau thế kỉ 18 tên gọi Bạch Long Vĩ đã được xác lập. Mặc dù “Chỉ nam biển Trung Quốc” chỉ thuần túy là một cuốn sách hướng dẫn thuỷ văn, không được coi là tư liệu để phán đoán về quy thuộc chủ quyền, nhưng trong “Chỉ nam biển Trung Quốc” cách viết tên đảo Bạch Long Vĩ (BACHT-LONG-VI) hoàn toàn khác với cách viết tên bán đảo Bạch Long Vĩ (Cape PAKLUNG). Vì vậy, cách viết này có nguồn gốc từ Việt Nam.
Hình minh họa 4: Đảo Bạch Long Vĩ trong “The China Sea Directory” bản 1879
Đảo Bạch Long Vĩ nói chung vẫn tiếp tục sử dụng tên gọi Nightingale Is. trên bản đồ khi đó, nhưng đến đầu thế kỉ 20, cái tên Bạch Long Vĩ (hoặc biến thể khác) cũng được dùng đồng thời và bắt đầu phổ biến để đánh dấu đảo Bạch Long Vĩ. Ví dụ trong “Complete Atlas of China” (Tập bản đồ Trung Quốc) do Anh xuất bản năm 1917 đã có đánh dấu tên đảo Bạch Long Vĩ (Nightingale Is.) (Hình minh họa 5).
Hình minh họa 5: Đảo Bạch Long Vĩ trong bản đồ của Anh xuất bản (1917)
Một bản đồ khác của Đức năm 1925 cũng đã cho thấy điều này (Hình minh họa 6). Bản đồ khi đó đã rất chú ý dùng màu sắc của đảo để biểu thị sự quy thuộc chủ quyền của chúng. Trong hai tấm bản đồ trên, đảo Bạch Long Vĩ đều được đánh dấu rất rõ ràng là lãnh thổ Việt Nam. Điều này cho thấy khi đó quan điểm rằng đảo Bạch Long Vĩ thuộc về Việt Nam đã có và ngày càng trở nên phổ biến. Điều này xảy ra rất lâu trước khi Pháp đưa quân chiếm đóng đảo Bạch Long Vĩ năm 1937, cũng trước khi Pháp bắt đầu chuẩn bị “xâm lược” đảo này thập niên 1930 như Lí Đức Triều nói.
Hình minh họa 6: Đảo Bạch Long Vĩ trong bản đồ của Đức xuất bản (1925)
3. Lịch sử quản lí của Việt Nam đối với biển Bạch Long Vĩ
Vậy ghi chép của phía Trung Quốc như thế nào? Dựa theo vị trí của đảo Bạch Long Vĩ, nơi có thể tìm thấy các ghi chép này là phương chí Quảng Đông (khu vực ven biển vịnh Bắc Bộ mà hiện nay thuộc Quảng Tây thì thời đó thuộc Quảng Đông, và do đó Quảng Đông tiếp giáp Việt Nam) cùng với phủ chí các địa phương lân cận như Khâm Châu, Liêm Châu và Quỳnh Châu. Người viết đã giở xem tỉnh chí Quảng Đông cùng với bản đồ và phương chí địa lí khu vực Khâm Châu, Liêm Châu, Quỳnh Châu từ thế kỉ 19 đến đầu thế kỉ 20 đều không có dấu tích của đảo Bạch Long Vĩ (bản đồ thậm chí không bao gồm vùng nước của đảo Bạch Long Vĩ trong đó). Ví dụ bản đồ Khâm Châu trong “Quảng Đông dư địa toàn đồ” từ giữa đến cuối thế kỉ 19 không có bao gồm đảo Bạch Long Vĩ (dù có bao gồm một số đảo ven bờ). Có thể thấy, ngay cả đến cuối thời Thanh, khó có thể nói đảo Bạch Long Vĩ là lãnh thổ thuộc quyền quản lí chính thức của chính phủ Trung Quốc. Trong bản đồ Trung Quốc xuất bản thời kì Dân quốc, đảo Bạch Long Vĩ cũng không được đưa vào. Vì vậy, vào cuối thời Thanh và thời Dân quốc, đảo Bạch Long Vĩ đều không là một bộ phận của Trung Quốc.
Đương nhiên, nếu như tra đọc phương chí cũ của Việt Nam, ví dụ “Đại Nam nhất thống chí”, cũng không thấy có đảo Bạch Long Vĩ trên bản đồ. Đây là tình trạng giống như ở Trung Quốc. Vì vậy, rất khó để đưa ra kết luận chắc chắn từ các bản đồ cổ (cả Trung Quốc lẫn Việt Nam): liệu đảo này có thực sự không được ai quản lí, hay cách vẽ truyền thống đã bỏ qua đảo này hay không.
Thực ra, tìm trong sử liệu cổ đại của Trung Quốc vẫn có thể phát hiện một số manh mối khác giúp cho việc làm rõ “sự quy thuộc truyền thống” của đảo Bạch Long Vĩ. Trong tác phẩm địa lí “Lĩnh ngoại đại đáp” của Chu Khứ Phi thời Tống có nhắc đến một nơi gọi là Thiên Phân Dao:
欽江南入海,凡七十二折。 南人謂水一折為遙,故有七十二遙之名。 七十二遙中,有水分爲二川,其一,西南入交址海。 其一東南入瓊廉海。 名曰天分遙。 人雲,五州昔與交址定界於此,言若天分然也。 令交址於天分遙已自占,又於境界數百余里吳婆灶之東以立界標,而採捕其下,欽人舟楫少至焉.[1313]
(tạm dịch: Khâm Giang về phía Nam đổ vào biển 72 phần [lượng nước]. Người phía Nam gọi một phần (折: chiết) của lượng nước là một dao, vì vậy nó có tên là 72 dao. Trong 72 dao nước, phân thành hai mảng (川: xuyên) nước, một mảng chảy vào biển Giao Chỉ ở phía tây nam, mảng kia chảy vào biển Quỳnh Liêm ở phía đông nam. Chỗ đó được gọi là Thiên Phân Dao. Người ta nói xưa kia Ngũ Châu và Giao Chỉ phân định ở đây, như là lẽ tự nhiên. Giao Chỉ hiện nay một mình độc chiếm Thiên Phân Dao, và lập một cột mốc ranh giới ở phía đông của Ngô Bà Táo khu vực có phạm vi khoảng hơn vài trăm lí, còn thuyền người Khâm Châu rất ít.)
Khâm Giang ở đây là một con sông ở thành phố Khâm Châu, tỉnh Quảng Tây, cửa sông ở biển Mao Vĩ của Khâm Châu. Nó là một vịnh biển nhỏ trong vịnh Bắc Bộ, ở phía Đông điểm giáp giới Trung-Việt trên vịnh Bắc Bộ, cũng ở phía Đông của bán đảo Bạch Long Vĩ. Ở phía Nam địa điểm này trong vịnh Bắc Bộ có một nơi gọi là “Thiên Phân Dao”, được người thời đó coi là điểm giáp giới trên biển của Trung Quốc và Việt Nam (xưa kia Ngũ Châu với Giao Chỉ phân định biên giới ở đây). Từ bản đồ có thể biết từ Khâm Giang ra cửa biển vẽ một đường thẳng xuống phía Nam, đảo Bạch Long Vĩ ở phía Tây đường này, thuộc phía Việt Nam. Có thể thấy, vào thời Tống, phía biển ở chỗ đảo Bạch Long Vĩ rất có thể là phạm vi truyền thống của Việt Nam.
Hầu như sử liệu của Trung Quốc thời nhà Thanh không đề cập trực tiếp đến đảo Bạch Long Vĩ (càng không nhắc đến đảo Phù Thuỷ Châu), mà đề cập đến một địa danh có tên là biển Bạch Long Vĩ. Trong “Thanh thực lục” có sự tích về việc Trung Quốc và Việt Nam cùng chống cướp biển, trong đó đã có ghi chép về “biển Bạch Long Vĩ”. Trong “Cao Tông thực lục” có chép rằng năm Càn Long 15 (1750), Tổng đốc Lưỡng Quảng Trần Đại Thụ ghi trong tờ tấu : “廣東欽州,龍門帶,界連安南國之白龍尾海面”[1314] (Khu vực Khâm Châu, Long Môn của Quảng Đông tiếp giáp phía biển Bạch Long Vĩ của nước An Nam). Điều này cho thấy biển Bạch Long Vĩ thuộc quyền quản lí của Việt Nam. Trong “Tuyên Tông thực lục” (1833) cũng có viết:
“廉州瓊州二府所屬外洋,毗連越南處所,聚有盜船······據稱廉州府知府張堉春稟報,探得越南紅螺沙口白龍尾洋面有匪船三十余,只盜匪類百人肆劫。越南現有師船緝捕·…”[1315]
(tạm dịch: Hai phủ Liêm Châu, Quỳnh Châu ở ven biển, tiếp giáp với Việt Nam, có nhiều thuyền cướp... Theo trình báo của tri phủ Liêm Châu Trương Du Xuân, trên biển Bạch Long Vĩ ở cửa Hồng Loa Sa có hơn 30 thuyền cướp, với chỉ hơn trăm tên phỉ làm chuyện cướp bóc. Việt Nam đang cho thuyền chiến truy bắt…)
Hai đoạn văn này cho thấy giữa Trung Quốc và Việt Nam đã sớm có phân định biên giới trên biển ở vịnh Bắc Bộ, và biển Bạch Long Vĩ thuộc vùng biển do Việt Nam quản lí.
Biển Bạch Long Vĩ này chỉ nơi nào? Có hai khả năng. Một khả năng là biển Bạch Long Vĩ chỉ vùng biển xung quanh đảo Bạch Long Vĩ. Như vậy đảo Bạch Long Vĩ tự nhiên thuộc sự quản lí của Việt Nam. Khả năng khác là khi đó có một bán đảo tên là bán đảo Bạch Long gần bờ biển Phòng Thành thuộc Khâm Châu, Quảng Đông (hiện thuộc Quảng Tây), mũi bán đảo này được gọi là Bạch Long Vĩ. Biển Bạch Long Vĩ ở đây có thể được đặt tên theo bán đảo Bạch Long Vĩ, trong trường hợp đó, biển Bạch Long Vĩ có bao gồm đảo Bạch Long Vĩ hay không thì cần phân tích thêm một bước.
Hai khả năng này đều có điểm nghi vấn. Theo tư liệu có được, người viết thấy rằng trong thời Thanh cái tên đảo Bạch Long Vĩ này không hề xuất hiện, cũng không phát hiện miêu tả về đảo nhỏ này (ngoại trừ tên Nightingale Is. được dùng trong tài liệu tiếng Anh của Hải quan, ví dụ hồ sơ lưu trữ của Hải quan Quỳnh Châu (Hải Nam), (xem phần sau). Vì vậy, khó có thể đứng vững khi nói rằng vào thế kỉ 18, đầu thế kỉ 199 Trung Quốc đã đặt tên “biển Bạch Long Vĩ” theo tên đảo nhỏ này.
Còn về mũi Bạch Long Vĩ của bán đảo Bạch Long, tên gọi này đã có vào thời Thanh. Vì vậy, theo tập quán đặt tên trong sách địa lí thời Thanh, có nhiều khả năng là biển Bạch Long Vĩ được đặt tên theo của [mũi] bán đảo Bạch Long [Vĩ]. Nhưng điểm nghi vấn ở chỗ, hiện nay Trung Quốc luôn nói bán đảo Bạch Long Vĩ “xưa nay” đều là lãnh thổ của Trung Quốc , vậy tại sao có thể coi biển Bạch Long Vĩ là Di dương (biển của bọn Di) ? Một khả năng là bán đảo Bạch Long Vĩ là của Trung Quốc, còn biển Bạch Long Vĩ là của Việt Nam. Cách giải thích này khá gượng gạo. Khả năng khác là khi đó ngay cả bán đảo Bạch Long Vĩ cũng của Việt Nam. Bán đảo Bạch Long Vĩ nằm gần biên giới Trung -Việt hiện nay, trong lịch sử vốn là một khu vực Trung Quốc và Việt Nam trộn lẫn. Thời Đạo Quang nhà Thanh, Bạch Long Vĩ được miêu tả là “biên giới của biển bọn Di”.[1316] Trên thực tế, bờ đối diện của Bạch Long Vĩ là nhóm ba đảo tộc Kinh (Vu Đầu, Vạn Vĩ và Sơn Tâm, hiện nay đều nối liền với lục địa qua việc lấn biến). Trong lịch sử, ba đảo tộc Kinh từ thời Tống đã liên tục do Việt Nam kiểm soát, đó cũng là lí do vì sao người trên đảo đều thuộc dân tộc Kinh (người Việt Nam). Khi đàm phán Trung-Việt năm 1887, ba đảo này mới được phân định thuộc Trung Quốc. Trong đàm phán Trung-Pháp, bán đảo Bạch Long Vĩ vốn là nơi Pháp muốn giành lấy, Pháp cho rằng mình có chứng cứ rất mạnh mẽ. Trong thư của Dillon, đại diện đàm phán phía Pháp, gửi Công sứ Pháp tại Trung Quốc có nêu:
Sách địa lí của Trung Quốc xác nhận cương giới An Nam đến Long Môn, và bởi vì không nói rõ, nhưng có lí hơn khi nói nó bao gồm cả Bạch Long Vĩ. Cho đến gần 20 năm nay, tình hình đích thực như vậy. Sau này, khu vực giữa Bạch Long Vĩ và Long Môn bị cướp biển Trung Quốc chiếm cứ. Vì thế khu vực đó mới không phải của An Nam. Quyền lợi chúng ta có từ Bạch Long Vĩ (kể cả Bạch Long Vĩ) không ai có thể làm lay chuyển được.[1317]
Đến cuối đàm phán, Pháp mới đồng ý bán đảo Bạch Long Vĩ và ba đảo tộc Kinh thuộc về Trung Quốc. Điều này cho thấy Việt Nam ngay từ đầu đã có chứng cứ nhất định đối với bán đảo Bạch Long Vĩ. Ở đây không thảo luận sâu về vấn đề này. Tóm lại, những sử liệu này cho thấy khi đó vùng biển ngoài khơi bán đảo Bạch Long Vĩ được gọi là biển Bạch Long Vĩ, và biển Bạch Long Vĩ thuộc khu vực do Việt Nam quản lí.
Vậy rốt cuộc vùng biển của bán đảo Bạch Long Vĩ này có bao gồm đảo Bạch Long Vĩ không? Từ sử liệu phía trên thấy rằng, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển của Trung Quốc và Việt Nam tiếp nối nhau và phân bố liên tục dọc theo bờ biển. Vùng biển của hai bên lấy khu vực phụ cận bán đảo Bạch Long Vĩ làm giao giới. Theo quan điểm thông thường thấy rằng, cái gọi là vùng biển của một nơi nào đó, là để chỉ vùng biển bắt đầu từ bờ biển kéo dài ra theo đường thẳng vuông góc với bờ biển. Lấy biển Bạch Long Vĩ làm ví dụ, nếu như để chỉ vùng biển ngoài khơi bán đảo Bạch Long Vĩ, thì nhất định phải lấy đường vuông góc bờ biển của vùng biển bán đảo Bạch Long Vĩ làm trung tâm để phân chia ranh giới với vùng biển lân cận. Ở đây giả định giao giới của biển Bạch Long Vĩ và vùng biển Khâm Châu nằm ở bán đảo Bạch Long Vĩ, nếu từ đó vạch một đường thẳng vuông góc với đường bờ biển kéo dài ra biển, thì không khó để phát hiện đảo Bạch Long Vĩ ở phía của Việt Nam. Và ngay khi giả định đường này không vuông góc với đường bờ biển mà dùng đường kinh tuyến để phân định ranh giới (càng có lợi đối với Trung Quốc), thì đảo Bạch Long Vĩ vẫn nằm về phía Việt Nam.
Đương nhiên, ở đây còn có một vấn đề khác, đó là trong ngữ cảnh của Trung Quốc mỗi một biển nào đó có khoảng cách [tối đa] tới đường bờ biển bao xa. Nếu khoảng cách rất gần thì sẽ không có cách nào kéo dài ra đến đảo Bạch Long Vĩ, còn nếu như khoảng cách rất xa thì sẽ có thể bao gồm đảo Bạch Long Vĩ. Đáng tiếc, hiện nay không hề tìm thấy chứng cứ thích hợp để làm rõ điểm này. Cái gọi là biển của Trung Quốc, có khi cách đường bờ biển rất xa, cũng có khi có thể rất gần. Nhưng từ góc độ phân tích thấy rằng, nói đảo Bạch Long Vĩ ở trong biển Bạch Long Vĩ thì cũng cho qua được. Trong một tư liệu khác có thể tìm thấy chứng cứ ủng hộ thêm một bước.
Trong “Dương phòng tập yếu”, quyển 14 Quảng Đông hải phòng lược của Nghiêm Như Dục thời Đạo Quang đời Thanh có ghi:
又自烏雷正南二日經湧淪周整而至交趾永安州,曆大小麻墩恩勒隘茅頭少東則曰龍尾海,東府界至南大海外抵交趾占城二國界.[1318]
(tạm dịch : Từ Ô Lôi đi thẳng theo hướng Nam khoảng hai ngày đường qua Dũng Luân, Châu Chỉnh đến châu Vĩnh Yên của Giao Chỉ, qua ải Ma Đôn, Ân Lặc lớn và nhỏ, đi về phía Đông tới chỗ đầu hình cái mâu nhỏ thì chính là biển Long Vĩ [Long Vĩ hải],[biển này] chạy từ ranh giới phủ Đông đến ngoài biển lớn phía Nam [Nam đại hải] cho đến biên giới của hai nước Giao Chỉ và Chiêm Thành.)
Biển Long Vĩ ở đây chính là biển Bạch Long Vĩ [Bạch Long Vĩ dương], được cho là từ giao giới của Quảng Đông với Việt Nam kéo liên tục về phía Nam cho đến “biển lớn phía Nam” ở Giao Chỉ và Chiêm Thành. Điều này cho thấy đường ranh giới của biển Bạch Long Vĩ kéo dài đến bán đảo Đông Dương.
Luận điểm này cũng được sự ủng hộ từ nguồn gốc tên gọi đảo Bạch Long Vĩ . Theo cách hiểu của Việt Nam, đảo Bạch Long Vĩ có nghĩa là đảo ‘đuôi rồng trắng’. Ở ven biển vịnh Bắc Bộ chỗ biên giới Trung-Việt phía Việt Nam có một nơi gọi là Hạ Long loan, người Việt Nam gọi là vịnh Hạ Long. Nơi này có hơn 2 000 đảo đá vôi, tạo thành một mê cung trên biển, phong phú hùng vĩ, là điểm du lịch nổi tiếng, cũng là di sản thế giới được Liên Hợp Quốc công nhận. Nguồn gốc tên gọi này là tương truyền thời xưa có một con rồng hạ xuống biển, nhả ra đá quý, để lại nhiều hòn đảo, tạo thành hàng rào ngăn quân xâm lược, giúp người Việt Nam bảo vệ đất nước. Còn đảo Bạch Long Vĩ chính là chỗ đuôi rồng lúc rồng hạ xuống biển. Câu chuyện này rất đẹp đẽ nhưng rất có thể không có liên quan gì đến tên gọi của đảo Bạch Long Vĩ. Trong sách “Chỉ nam biển Trung Quốc” của Anh không thấy có tên gọi vịnh Hạ Long này, nhưng đã có tên gọi đảo Bạch Long Vĩ, và bán đảo Bạch Long Vĩ (Cape Paklung) cũng được ghi trong đó. Điều này cho thấy tên gọi đảo Bạch Long Vĩ rất có thể đã xuất hiện trước tên gọi vịnh Hạ Long.
Vì vậy, người viết cho rằng tên gọi đảo Bạch Long Vĩ này được đặt theo biển Bạch Long Vĩ, còn tên gọi của biển Bạch Long Vĩ thì từ tên bán đảo Bạch Long Vĩ mà ra. Như vậy, biển Bạch Long Vĩ không phải được đặt tên theo đảo Bạch Long Vĩ, mà ngược lại, đảo Bạch Long Vĩ được đặt tên theo biển Bạch Long Vĩ. Sở dĩ đảo Bạch Long Vĩ được đặt tên như vậy, chính là vì nó nằm trong biển Bạch Long Vĩ. Nếu như cách lí giải này đứng vững được thì biển Bạch Long Vĩ bao gồm đảo Bạch Long Vĩ là hợp lí. Kết hợp sử liệu thời Thanh, do đảo Bạch Long Vĩ được đặt tên dựa theo biển Bạch Long Vĩ nên rất có thể phải thuộc khu vực quản lí của Việt Nam.
Vậy thì có bằng chứng đáng kể nào về hoạt động của người Việt trên đảo trước giữa thế kỉ 19? Người viết không tìm ra được tư liệu nào. Miêu tả về đảo Bạch Long Vĩ trong “Chỉ nam biển Trung Quốc” năm 1879 có lẽ phản ánh tình hình giữa thế kỉ 19, về cơ bản nó là một đảo hoang, chỉ có ở phía Đông Nam của đảo, do địa thế bằng phẳng, có một vài ngôi nhà nhỏ tạm bợ đơn sơ (hut). Có thể thấy rằng đảo này không có người ở thường xuyên, chỉ có thể dùng làm điểm dừng chân tạm thời trong các chuyến đi biển. Trong sách không nói tường tận hơn về đặc điểm của các ngôi nhà nhỏ tạm bợ này, do đó không có cách nào xác định rốt cuộc những ngôi nhà nhỏ đó do ai xây dựng, người phương Tây, người Việt Nam hay là người Trung Quốc.
Vì vậy có thể tin chắc rằng thời kì thế kỉ 19 người Việt Nam không thường xuyên lên đảo. Nhưng có lẽ không phải không có lí do khi phần lớn phương Tây coi đảo này là một phần của Việt Nam vào thế kỉ 19: phải có hoạt động nào đó của Việt Nam tại đây mới khiến phương Tây có quan điểm này. Người Anh sau đó dùng cách đọc tên Bạch Long Vĩ trong tiếng Việt để viết tên đảo này theo phát âm, cách đọc kiểu này chắc chắn là từ người Việt Nam mà ra, chứ không phải từ người Trung Quốc. Kết hợp với kiến giải rằng biển Bạch Long Vĩ thuộc vùng biển Việt Nam theo sử liệu Trung Quốc cùng với phỏng đoán rằng tên gọi đảo Bạch Long Vĩ bắt nguồn từ biển Bạch Long Vĩ trong phân tích trước, càng có thể nhận định tương đối chắc chắn rằng từ thế kỉ 18 đến đầu thế kỉ 19, mặc dù vẫn là một đảo hoang chỉ có tàu thuyền tạm ghé qua, nhưng Việt Nam đã cho thấy sự hiện diện của mình trên đảo này, thậm chí có thể Việt Nam đã thể hiện chủ quyền đối với đảo này một mức độ nhất định,
4. Lịch sử đảo Bạch Long Vĩ nửa cuối thế kỉ 19
Người Trung Quốc bắt đầu đến đảo Bạch Long Vĩ khi nào ? Theo cách giải thích của Lí Đức Triều là “đời này sang đời khác”, nhưng bài viết cũng thừa nhận chỉ khoảng 100 năm là có bằng chứng có thể kiểm tra (bài viết của ông ta công bố vào năm 1995). Một trong những bằng chứng mà ông nói đến là vào năm 1955, trên đảo có một miếu thờ Mã Viện, trong miếu có một cái chuông sắt do người Hải Nam đúc vào năm Quang Tự thứ ba (1877). Cần phải chú ý rằng thời gian đúc chuông sắt có thể khác với thời gian xây miếu, vì có thể chuông sắt mới được chuyển đến sau đó. Nhưng cũng không loại trừ giả định là vào nửa sau thế kỉ 19 người Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động trên đảo này.
Theo báo cáo của người Pháp năm 1944:[1319] “trước đó”, thuyền cá Việt Nam cũng thường đến đảo này hoạt động, người Trung Quốc cũng cập bến ở đây. Nhưng vì trước đây không có nước ngọt (do đó người Việt Nam còn gọi đảo này là đảo Vô Thuỷ), nên không ai có thể sinh sống trên đảo được. Mãi đến khoảng thập niên 1920 mới phát hiện được giếng nước ngọt đầu tiên, từ đó mới có thể sinh sống trên đảo. Vì vậy có thể suy đoán, mặc dù ở nửa sau thế kỉ 19 hoạt động của người Trung Quốc ở đảo Bạch Long Vĩ tăng lên, nhưng trước thập niên 1920, nó chủ yếu vẫn được dùng như điểm cập bến tạm thời, không phải chỗ định cư.
Vậy tại sao trong nửa sau thế kỉ 19 người Trung Quốc lại hoạt động thường xuyên hơn trên đảo này? Điều này có thể liên quan với sự suy yếu của Việt Nam. Khi nhà Nguyễn thành lập vào đầu thế kỉ 19, thực lực thuỷ quân Việt Nam lớn mạnh (xem I.2). Trong Chiến tranh thuốc phiện, khi “tàu to súng lớn” của Anh khiến Hoàng đế Đạo Quang lo lắng, ông thậm chí còn từng có ý nhờ thuỷ quân Việt Nam giúp đỡ chống lại Anh. Nhưng thuỷ quân Việt Nam bị thiệt hại trong chiến tranh Pháp-Việt 1858-1862, không thể khôi phục được sức mạnh cũ. Kể từ đó, Việt Nam không còn đủ khả năng kiểm soát vùng biển truyền thống. Ví dụ, thập niên 1870, cướp biển hoành hành ở vịnh Bắc Bộ, Việt Nam phải nhờ Hải quân Trung Quốc sang địa phận Việt Nam giúp tiểu trừ. Còn Cửu Đầu Sơn và Lão Thử Sơn được ghi chép rõ ràng trong thời Càn Long, Đạo Quang là thuộc Việt Nam cũng bị “Quảng Đông địa dư đồ thuyết” nửa cuối thế kỉ 19 ghi là:
“西迄防城外海 之大洲、小洲、老鼠山、九頭山皆粵境也.”[1320]
(tạm dịch: Phía Tây đến Đại Châu, Tiểu Châu, Lão Thử Sơn, Cửu Đầu Sơn ở ngoài biển Phòng Thành đều thuộc địa phận của Quảng Đông.)
Lịch sử quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cho thấy trước giữa thế kỉ 19 việc kiểm soát các vùng biển và đảo xa của Việt Nam là do chính quyền thúc đẩy, chứ không phải do dân gian thúc đẩy. Sau khi chính quyền mất đi khả năng này, động lực khai thác của dân gian với các đảo xa hoàn toàn không đủ bù vào khoảng trống, vì vậy các đảo xa này vốn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền đã trở thành địa bàn của ngư dân Trung Quốc. Ngược lại, việc khai thác ngoài biển của Trung Quốc là do dân gian thúc đẩy, và chính quyền không khuyến khích kiểu khai thác này. Cố nhiên khi quyền lực chính quyền Trung Quốc suy yếu thì việc khai thác của dân gian sẽ được đẩy mạnh. Chính do hai kiểu mô hình khai thác khác nhau này mà khi chính quyền Trung Quốc và Việt Nam đều lâm vào tình huống cùng suy yếu thì hai bên sẽ đổi chỗ cho nhau trong việc khai thác các đảo xa. Tình cảnh này cũng đúng với đảo Bạch Long Vĩ.
Năm 1887, Trung-Pháp kí hiệp ước biên giới và sau đó phân định ranh giới. Ngày 26-6, tại Bắc Kinh hai nước Trung-Pháp kí “Trung- Pháp tục nghị giới vụ chuyên điều” (Công ước Pháp-Thanh, Công ước Constans), Điều 3 quy định:
廣東界務,現經兩國勘界大臣勘定邊界之外,芒街以東及東北一帶,所有商論未定之處均歸中國 管轄。 至於海中各島,照兩國勘界大臣所劃紅線,向南接劃,此線正過茶古社東邊山頭,即以該線為界 (茶古社漢名萬注,在芒街以南竹山西南 ),該線以東,海中各島歸中國,該線以西,海中九頭山(越 名格多)及各小島歸越南.[1321]
(Tạm dich: Về biên giới tỉnh Quảng Đông, hiện các đại thần phân định biên giới của hai nước xác định dải đất từ phía Đông cho đến phía Đông Bắc Móng Cái, chưa thương thảo được đều đưa về cho Trung Quốc quản. Đối với các đảo ngoài biển, chiểu theo đường vạch đỏ được các đại thần phân định biên giới hai nước vẽ, về phía Nam, đường này chạy qua mỏm núi ở rìa phía Đông xã Trà Cổ, cả đường này lấy làm ranh giới (Xã Trà Cổ tên Hán là Vạn Chú, nằm ở Móng Cái đến phía Tây Nam núi Nam Trúc). Từ đường đó về phía Đông, các đảo trên biển đều thuộc về Trung Quốc, từ đường đó về phía Tây, núi Cửu Đầu (tên Việt là Cách Đa) cho đến các đảo nhỏ trên biển đều thuộc về Việt Nam.)
Theo bản dịch tiếng Pháp là:
Tại Quảng Đông, hai bên thỏa thuận rằng những địa điểm tranh chấp nằm về phía Đông và phía Đông Bắc Móng Cái, ở phía bên kia của đường biên giới đã được Uỷ ban phân giới xác định, được giao cho Trung Hoa. Những đảo ở về phía Đông của đường kinh tuyến Paris 105° 43’ Đông, có nghĩa là đường thẳng Bắc Nam đi qua mũi phía đông đảo Trà Cổ hay Vạn Chu và tạo thành đường biên giới, cũng được giao cho Trung Hoa. Các đảo Cô Tô và những hòn đảo khác ở phía Tây kinh tuyến này thuộc về An Nam.[1322]
Trong bản đồ [phần cực Đông biên giới hai nước Trung-Việt] đính kèm Công ước có vẽ một đường thẳng màu đỏ theo hướng Bắc Nam (Hình minh họa 7), và chú thích rõ “ bắt đầu từ biên giới phía Bắc do đại thần phân giới của hai nước phân định và chạy xuống phía Nam, đường thẳng đỏ này đi qua phía Đông Sơn Đầu xã Trà Cổ, lấy đường này làm ranh giới”.[1323] Đường đỏ này nằm ở kinh tuyến 105° 43’ Đông Paris, hay 108° 3’13” Đông Greenwich. Đảo Bạch Long Vĩ nằm ở phía Tây phần kéo dài của đường phân giới này, tức phía Việt Nam. Về khả năng áp dụng của ranh giới này (sau đây gọi tắt là đường phân giới), do sự mơ hồ về câu chữ nên có 4 cách diễn giải sau đây : (1) đường phân giới chỉ là đường phân giới cho các đảo nhỏ ven bờ, không bao gồm đảo Bạch Long Vĩ; (2) đường phân giới và đường kéo dài của nó là đường phân giới của tất cả các đảo nhỏ trong toàn bộ vịnh Bắc Bộ, bao gồm đảo Bạch Long Vĩ; (3) đường phân giới và đường kéo dài của nó là đường phân giới toàn bộ vùng nước của vịnh Bắc Bộ, chứ không chỉ là các đảo nhỏ trong vịnh, và sau này hình thành đường phân giới “vùng nước lịch sử”; (4) đường phân giới và đường kéo dài của nó là đường phân giới cho tất cả các đảo giữa Trung Quốc và Việt Nam, thậm chí bao gồm các đảo ở biển Đông.
Hình minh họa 7: Bản đồ đính kèm “Trung-Pháp tục nghị giới vụ chuyên điều”
(Công ước Pháp-Thanh, Công ước Constans) năm 1887
Sau khi kí hiệp ước phân giới, toàn bộ Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp (Nam Kì là trực thuộc, Trung Kì và Bắc Kì là nước bảo hộ). Do vịnh Bắc Bộ gần trung tâm thống trị của Việt Nam thuộc Pháp là Hà Nội, Pháp rất chú ý đến nó, tích cực hơn nhiều so với quần đảo Hoàng Sa. Sau năm 1887, Hải quân Pháp thường tuần tra ở vịnh Bắc Bộ, trong báo cáo năm 1944 có viết: Pháp thỉnh thoảng sẽ đến tuần tra đảo Bạch Long Vĩ.[1324] Dễ nhận thấy khi đó Pháp không có ý thức chủ quyền rõ ràng đối với đảo Bạch Long Vĩ.
Năm 1895, tàu chống buôn lậu Khai Biện (開辦: Kaipan) của Trung Quốc cũng đã tiến hành hoạt động chống buôn lậu trên đảo Bạch Long Vĩ ít nhất một lần. Khi đó Hải quan Trung Quốc do người Anh quản lí, thuyền trưởng tàu chống buôn lậu đều là người Anh. Lộ trình bắt buôn lậu lần đó xuất phát từ Hải Khẩu, đến đảo Vi Châu và núi Cửu Đầu của Việt Nam trước, rồi chuyển hướng Tây Nam, qua đảo Dạ Oanh (đảo Bạch Long Vĩ) cập bến và kiểm tra tàu cá, cuối cùng quay trở về Hải Khẩu.[1325] Từ phân tích này, khó có thể nghĩ rằng hành động này chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Bạch Long Vĩ vì tàu tư nhân cũng đã đến các đảo thuộc Việt Nam.
Thông thường mà nói, trong tình huống ý đồ chủ quyền rõ ràng, tuần tra và chống buôn lậu có thể xem là chứng cứ thực thi chủ quyền, nhưng điều này vẫn cần được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố tổng hợp. Theo tình huống khi đó, dù đối với Pháp hay Trung Quốc, đảo Bạch Long Vĩ nói chung đều là một điểm về buôn lậu, cần phải đến tuần tra bất chợt, nhưng không bên nào xem đó là lãnh thổ của mình. Thế là đảo Bạch Long Vĩ tiếp tục trở thành điểm cập bến của ngư dân Trung Quốc, Việt Nam, tội phạm buôn lậu thậm chí cướp biển, Trung Quốc có thể là bên vượt trội về số người.
5. Pháp xác lập chủ quyền đối với đảo Bạch Long Vĩ
Khoảng năm 1920, trên đảo Bạch Long Vĩ có nguồn nước ngọt được phát hiện, khiến đảo này vốn chỉ có thể cập bến trong một thời gian ngắn trở thành nơi có thể định cư. Điều này làm sự quan tâm của Pháp tăng thêm đáng kể, và họ bắt đầu tăng cường quản lí với đảo Bạch Long Vĩ. Năm 1921, Pháp phái một quan chức đến đảo điều tra. Khi đó, trên đảo đã có các di dân Trung Quốc, họ nộp cho quan chức điều tra người Pháp một đơn xin viết tay, yêu cầu Pháp cho phép họ phát triển nông nghiệp trên đảo. Đơn này và bản báo cáo điều tra của quan chức người Pháp được chuyển giao cho cấp trên vào tháng 8-1921, đơn được phê chuẩn. Quan chức Pháp cũng đồng thời yêu cầu quân Pháp tăng cường tuần tra ở đảo Bạch Long Vĩ, từ tuần tra bất chợt không định kì nâng thành ít nhất mỗi năm một lần.[1326]
Trong vụ việc này của người Pháp có 3 hành vi đủ thể hiện sự quản lí của họ đối với đảo Bạch Long Vĩ. Thứ nhất, việc quan chức người Pháp lên đảo điều tra thuộc dạng ý thức về chủ quyền rõ ràng. Thứ hai, việc người Hán trên đảo nộp đơn đề xuất Pháp cho phép khai thác, và việc Pháp lại đồng ý đơn xin này là đã thực thi chủ quyền, thuộc quản lí hữu hiệu. Thứ ba, trước đó, Pháp và cả Trung Quốc dù có ghi chép về việc bắt buôn lậu ở đây, nhưng đều mang tính ngẫu nhiên; sau này, mật độ tuần tra của Pháp mỗi năm một lần dù không cao, nhưng từ hành vi có tính ngẫu nhiên trở thành hành vi có “tính thông lệ”, đã thể hiện thêm một bước ý thức chủ quyền rõ ràng và sự kiểm soát hữu hiệu của Pháp đối với đảo Bạch Long Vĩ.
Có tài liệu cho rằng, cái tên “Phù Thuỷ Châu” được dùng để gọi đảo Bạch Long Vĩ xuất hiện vào thập niên 1920,[1327] khẳng định này đáng ngờ. Năm 1921, khi doanh nhân Hà Thụy Niên nộp đơn cho chính quyền tỉnh Quảng Đông xin khai thác quần đảo Hoàng Sa (xem II.2) có đề xuất xin tiếp quản “Phù Thuỷ Châu”, trong đó có ghi:
Hôm đó khi các doanh nhân đi thăm dò điều tra, trên đường đi qua biển ngoài cảng huyện Xương Giang, đã phát hiện một đảo hoang tên Phù Thuỷ Châu, vị trí của nó cũng ở phía Tây Nam vùng biển Quỳnh Nhai, vốn là nơi phải đi ngang qua khi lui tới quần đảo Tây Sa, diện tích rộng khoảng hơn 300 dặm vuông. Tuy nhiên, xung quanh có rất nhiều phù sa, nhưng bề mặt đảo thì bằng phẳng, có lẫn bùn cát, ở giữa đá bùn chất thành đống cao, có cây cọ, nhìn chung không khác với quần đảo Tây Sa. Dân địa phương gọi là Phù Thuỷ Châu, từng có một ngôi miếu cổ thờ Xương Da được dựng trên đảo, vì vậy thuộc quyền quản lí của huyện Xương Giang.[1328]
“Phù Thuỷ Châu” ở đây rất có thể không là đảo Bạch Long Vĩ. Về vị trí, dù đảo Bạch Long Vĩ đúng là ở ngoài biển huyện Xương Giang, nhưng vị trí của nó không ở phía Tây Nam vùng biển Quỳnh Nhai, mà ở phía Tây Bắc, cũng không trên đường phải đi ngang qua khi lui tới quần đảo Hoàng Sa; về diện tích, “Phù Thuỷ Châu” có diện tích 300 dặm vuông, tương đương với 70 km², lớn hơn rất nhiều so với đảo Bạch Long Vĩ; về địa hình, đảo Bạch Long Vĩ là đảo núi lửa, có dạng bình đài (nền phẳng) cao hơn 50 mét so với mặt biển, không phải đảo san hô “không khác với quần đảo Tây Sa”. Có khả năng khi đó có hai nơi này đều gọi là Phù Thuỷ Châu, cũng có khả năng người đời sau áp dụng tên gọi Phù Thuỷ Châu cho đảo Bạch Long Vĩ.
Bộ Nội vụ có ghi nó vào hồ sơ, và yêu cầu Uỷ viên huyện Xương Giang lập tức cùng Hà Thụy Niên lên đảo khảo sát, nộp báo cáo, sau đó mới thẩm định quyền khai thác của ông ta.[1329] Nhưng hai nhân viên đo vẽ bản đồ Hà Thụy Niên thuê ở Hồng Kông đều tạm thời bận việc nên không thể đến, do đó việc khảo sát “Phù Thuỷ Châu” bị đình trệ không thể thực hiện được. Năm 1923, khi Hà Thụy Niên đảm nhận khai thác Hoàng Sa lần thứ hai, Hà Thụy Niên cũng muốn tìm người khác đến “Phù Thuỷ Châu” khảo sát, huyện Xương Giang đồng ý phái người đi cùng, nhưng huyện Xương Giang không mấy quan tâm tới việc này, nói không tìm được người cùng đi. Hà Thụy Niên đành phải báo cáo lên trên, đợi xây dựng xong cơ sở khai thác ở Hoàng Sa rồi cùng khai thác “Phù Thuỷ Châu” luôn. Cuối cùng, Hà Thụy Niên lại bị huỷ bỏ quyền khai thác Hoàng Sa một lần nữa, và việc khai thác “Phù Thuỷ Châu” chỉ còn là lời rỗng không.[1330] Nếu như “Phù Thuỷ Châu” đúng là đảo Bạch Long Vĩ, và nếu như cả quan chức lẫn doanh nhân đều tích cực hành động dù thời điểm mà Hà Thụy Niên đề xuất việc khai thác (tháng 9-1921)[1331] có muộn hơn một chút so với lúc quan chức Pháp đến đảo, thì không chừng đảo Bạch Long Vĩ có thể đã rơi vào tay Trung Quốc rồi.
Chứng cứ bản đồ lúc bấy giờ cũng có lợi cho Việt Nam. Theo người viết xem được, bản đồ Trung Quốc thời đó đều không vẽ đảo Bạch Long Vĩ thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Bản đồ châu Á do Trung Quốc xuất bản, dù có vẽ “đảo Dạ Oanh”, nhưng không coi nó là lãnh thổ của Trung Quốc. Còn bản đồ của các nước khác xuất bản lại đánh dấu tương đối thống nhất đảo Bạch Long Vĩ thuộc lãnh thổ của Việt Nam. Ví dụ như, “Bản đồ Trung Quốc” của Anh xuất bản năm 1917 và “Bản đồ châu Á” của Đức xuất bản năm 1925 nói ở trên.
Năm 1937, Pháp phái quân đến đóng giữ đảo Bạch Long Vĩ, và thành lập một trạm gác và chính quyền địa phương, nâng cấp thêm một bước quy cách quản lí của họ, cũng đã xác định rõ thêm một bước ý thức chủ quyền và sự quản lí hữu hiệu của Việt Nam thuộc Pháp đối với đảo Bạch Long Vĩ.
Trung Hoa Dân quốc nói chung biết rõ sự kiểm soát của Pháp đối với đảo nhỏ này, nhưng không hề phản đối; họ cũng không phản đối việc Pháp đóng quân ở đảo Bạch Long Vĩ. Nghe nói, năm 1934 chính quyền tỉnh Quảng Đông có phái chuyên viên đến thị sát đảo Bạch Long Vĩ.[1332] Người viết không tra tìm được tư liệu có liên quan nên chưa biết điều đó đúng hay sai. Nhưng theo thái độ của Trung Hoa Dân quốc (xem phần sau), ngay cả khi có việc này, Dân quốc cũng khó có thể coi nó là lãnh thổ của mình.
Có thể lí giải thái độ của chính phủ Dân quốc từ hai phương diện. Một mặt, từ lịch sử thấy rằng, dù người Trung Quốc có đóng góp quan trọng đối với việc khai thác đảo Bạch Long Vĩ, nhưng đảo Bạch Long Vĩ xưa nay chưa từng thuộc sự quản lí của Trung Quốc, do đó chính phủ Dân quốc không có căn cứ. Mặt khác, và quan trọng hơn là vào thập niên 1930, sau khi bắt đầu cuộc tranh chấp Hoàng Sa giữa Trung Quốc và Pháp, để chứng minh Hoàng Sa thuộc Trung Quốc, trong công hàm ngoại giao chính phủ Dân quốc gửi cho Pháp tháng 4-1937 có nhắc đến:
(1) Theo Điều 3 của“Trung-Pháp tục nghị giới vụ chuyên điều”: “...Đối với các đảo ngoài biển, chiểu theo đường vạch đỏ được các đại thần phân định biên giới hai nước vẽ về phía Nam... Từ đường đó về phía Đông, các đảo trên biển đều thuộc về Trung Quốc...... Tây Sa cách xa ở phía Đông của đường này, phải thuộc về nước nào, chỉ nhìn thì biết.”
Trung Quốc cho rằng đường phân định biên giới Trung-Pháp năm 1887 có hiệu lực đối với tất cả các đảo có tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam (cách diễn giải 4 trong Tiết 4), và do đó cho rằng theo hiệp ước, toàn bộ các đảo của Hoàng Sa đều thuộc Trung Quốc.
Yêu sách này rất khó đứng vững được, vì đường kinh tuyến này chạy xuyên qua bán đảo Đông Dương. Nếu quả đúng như vậy thì tất cả các đảo nhỏ gần bờ của Việt Nam cũng đều trở thành lãnh thổ của Trung Quốc. Nhưng khi đó, hai nước Trung-Pháp chỉ vẽ ra đường này để mở rộng hiệp ước về ranh giới trên bộ giữa Việt Nam và Quảng Đông ra vùng biển ở vịnh Bắc Bộ, nếu giải thích rộng ra như vậy rõ ràng khó có thể đứng vững được. Khả năng áp dụng của đường phân giới này đã được tranh luận một lần nữa trong các cuộc đàm phán Trung-Việt về phân định ranh giới vịnh Bắc Bộ vào những năm 1990 (xem Tiết 7), hai bên đều không ủng hộ cách diễn giải của chính phủ Dân quốc trong thập niên 1930. Bởi vì về mặt pháp lí, cách nhìn của phía Dân quốc là hoàn toàn sai lầm.
Tuy nhiên, lập trường này của Dân quốc khi đó lại có thể rất xứng hợp trong việc xác nhận quyền sở hữu của Việt Nam đối với đảo Bạch Long Vĩ. Bởi vì đảo này ở phía Tây của đường phân giới. Theo diễn giải của Dân Quốc, đường này kéo dài đến biển Đông, nên đương nhiên cũng có thể áp dụng cho đảo Bạch Long Vĩ trong vịnh Bắc Bộ. Còn diễn giải của Pháp là đường này chỉ áp dụng ở vịnh Bắc Bộ (sau khi đường kinh tuyến chạm vào bán đảo Đông Dương thì không thể lại tiếp tục kéo dài xuống phía Nam, vì vậy không thể làm căn cứ để phân định ranh giới biển Đông). Dù dùng cách diễn giải của Dân quốc hay của Pháp vào lúc đó, đảo Bạch Long Vĩ đều được xác định là một phần của Pháp. Cho nên, theo lập trường của Dân quốc, đảo Bạch Long Vĩ thuộc Pháp (Việt Nam) là không thể tranh cãi. Đây cũng là lí do vì sao Trung Quốc không có ý kiến khác đối với việc Pháp quản lí đảo Bạch Long Vĩ. Kiểu thái độ này dẫn đến việc Pháp cuối cùng xác lập được chủ quyền đối với đảo Bạch Long Vĩ, vì đã có được sự công nhận của bên duy nhất có thể tranh chấp là Trung Quốc rồi.
Tóm lại, bắt đầu từ khoảng năm 1920, sau khi phát hiện nước ngọt trên đảo Bạch Long Vĩ, trên đảo bắt đầu có người định cư và tiến hành sản xuất nông nghiệp. Khi đó trên đảo có thể có đông người Trung Quốc hơn, nhưng Pháp đã xác lập chủ quyền vào năm 1921, và càng củng cố chủ quyền thêm sau năm 1937. Còn chính phủ Trung Quốc, để tìm kiếm chứng cứ cho cuộc tranh chấp Hoàng Sa, lại cho rằng đường phân giới năm 1887 là đường phân giới của tất cả đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam. Lập trường này càng ủng hộ việc Pháp (Việt Nam) có chủ quyền đối với đảo Bạch Long Vĩ.
6. Đảo Bạch Long Vĩ thời kì sau Thế chiến II
Sự kiểm soát của Pháp đối với đảo Bạch Long Vĩ mới tạm thời chấm dứt từ năm 1944 khi Nhật phát động tấn công Việt Nam. Sau Thế Chiến II, năm 1946 Pháp nhanh chóng quay trở lại đảo Bạch Long Vĩ. Trung Quốc cũng không có ý kiến gì khác về việc này.
Năm 1947, Trung Quốc đưa ra đường chữ U do 11 đoạn tạo thành, đây là tiền thân của đường 9 đoạn (xem Tiết III.4), nhưng không rõ phạm vi đường này có bao gồm đảo Bạch Long Vĩ hay không. Trong “Nam Hải chư đảo vị trí lược đồ” (Lược đồ vị trí các đảo biển Đông) không có vẽ đảo Bạch Long Vĩ (Hình minh họa 8), và cũng khó xác định tọa độ của đường đứt đoạn, đảo Bạch Long Vĩ có vẻ nằm đúng ngay khoảng trống giữa hai đường đứt đoạn, khó mà xác định đảo Bạch Long Vĩ có nằm bên trong đường 11 đoạn hay không. Trên bản đồ khác của Dân quốc khi đó cũng như bản đồ Trung Quốc do Đài Loan xuất bản sau đó, hầu hết đều không thể hiện đảo Bạch Long Vĩ. Điều này có thể bao gồm mấy tình huống: (1) Bản đồ quá nhỏ, không có đánh dấu; (2) Vị trí của đảo Bạch Long Vĩ bị khung vuông hiển thị dữ liệu khác che phủ; (3) Bản đồ vừa không nhỏ lại không có khung vuông, nhưng ở vị trí đảo Bạch Long Vĩ hiển thị một khoảng trống. Trong một số rất ít bản đồ có hiển thị đảo Bạch Long Vĩ, cũng cũng không có cách nào dựa vào đường đứt đoạn để xác định sự quy thuộc của đảo Bạch Long Vĩ. Ngược lại, trong bản đồ Việt Nam hoặc Đông Nam Á do Dân quốc hoặc Đài Loan xuất bản, thì thường vẽ có đảo Bạch Long Vĩ, nhưng đều không vẽ đường đứt đoạn. Cho nên không thể có được giải đáp chính xác cho vấn đề này. Có một điểm đáng chú ý: trên bản đồ xuất bản trong thập niên 1920, đảo này được ghi nhãn là đảo Dạ Oanh; trên bản đồ sau chiến tranh, đảo này được ghi nhãn là đảo Bạch Long Vĩ. Điều này có thể giải thích được phần nào từ lập trường của Dân quốc tiếp tục công nhận đảo Bạch Long Vĩ thuộc về Việt Nam.
Hình minh họa 8: Bản đồ vị trí các đảo ở biển Đông
Năm 1950, sau khi Quốc Dân đảng thất bại ở Đại lục, có số ít quân lính (hơn 40 người) rút ra đảo Bạch Long Vĩ, nhưng đảo Bạch Long Vĩ vẫn nằm dưới sự kiểm soát hữu hiệu của quân Pháp. Năm 1954, hai bên Pháp và Việt đạt được “Hiệp định Geneva”, trong đó quy định bắc vĩ tuyến 17 thuộc Bắc Việt, đảo Bạch Long Vĩ vì vậy cũng phải thuộc Bắc Việt. Tháng 8 cùng năm, quân Pháp rút khỏi đảo Bạch Long Vĩ, cùng rút đi còn có 71 hộ cư dân người Việt trên đảo, gồm 269 người; tàn dư quân đội Quốc Dân đảng và 64 hộ người Hoa trên đảo, gồm 249 người tiếp tục ở lại trên đảo.[1333] Vì vậy, những người còn lại trên đảo, như Lí Đức Triều nói, đều là ngư dân từ Trung Quốc đến, do tàn quân Quốc Dân đảng kiểm soát.
Thực ra, ngay từ năm 1953, thậm chí trước khi Trung Quốc chiếm đảo Bạch Long Vĩ, Bắc Kinh đã bỏ đi hai đoạn ở vịnh Bắc Bộ khỏi đường 11 đoạn, đường 11 đoạn trở thành đường 9 đoạn. Các tài liệu lưu trữ về sự kiện này cũng không hề được công khai, nhưng hầu như có thể khẳng định rằng việc bỏ đi hai đoạn này khi đó có liên quan đến thái độ của Bắc Việt đối với vịnh Bắc Bộ và đảo Bạch Long Vĩ. Có thể Bắc Việt cho rằng hai đoạn này mâu thuẫn với đường phân giới năm 1887: ngay cả ở gần bờ, đoạn thứ nhất của đường 11 đoạn rõ ràng cũng đã vượt quá đường phân giới năm 1887 xâm lấn vào phía Việt Nam. Cũng có thể phía Bắc Việt cho rằng đường 11 đoạn thấy có vẻ đã phân đảo Bạch Long Vĩ vào lãnh thổ Trung Quốc. Do đó, có thể theo yêu cầu của Bắc Việt, để dàn xếp ổn thỏa, chú ý toàn cục, thực sự cầu thị, Trung Quốc đã bỏ đi hai đoạn này.
Tháng 7-1955, Quân Giải phóng phát động cuộc tấn công đảo Bạch Long Vĩ, đã “giải phóng” đảo Bạch Long Vĩ, thành lập đơn vị hành chính cấp khu ở trên đảo – biện sự xứ (trụ sở hành chính) Phù Thuỷ Châu thuộc chính quyền nhân dân huyện Đàm, cũng lập các cơ quan như Uỷ ban công tác đảng Phù Thuỷ Châu thuộc huyện Uỷ huyện Đàm của Đảng Cộng Sản Trung Quốc và đại đội phòng thủ Phù Thuỷ Châu của quân trú đóng thuộc phân khu quân đội Hải Nam của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc thiết lập sự kiểm soát ở đảo Bạch Long Vĩ. Xét từ việc Trung Quốc đặt tên có quy củ như thế này, có vẻ hành động này khó thể được xem là hành động tiếp quản thay theo yêu cầu của Bắc Việt.
Vậy tại sao Trung Quốc lại chuyển giao đảo Bạch Long Vĩ cho Việt Nam chứ? Không thể trả lời dứt khoát khi hồ sơ lưu trữ chưa được công khai. Người viết ước đoán có hai lí do. Thứ nhất, có chứng cứ Việt Nam đã thực sự kiểm soát đảo này, và chính phủ Dân quốc cũng đã xác nhận điều đó, vì vậy Trung Quốc không có cách nào từ chối yêu cầu của Bắc Việt. Đây có thể là lí do khiến các quan chức không muốn công khai tư liệu: vì mặc dù chứng cứ của Việt Nam rất đầy đủ, nhưng Trung Quốc rốt cuộc đã kiểm soát thực tế đảo này và thành lập cơ quan hành chính, người trên đảo khi đó đều là người Trung Quốc; giao cho Việt Nam khó tránh khỏi bị chỉ trích. Trên thực tế, người trong cuộc cũng khó hiểu về việc này, ví dụ Mã Bạch Sơn, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Hải Nam, đại diện toàn quyền công tác chuyển giao khi đó cũng cho rằng mình đã làm một việc sai lầm lớn.[1334]
Thứ hai, khi đó có thể cũng có nguyên nhân về việc chi viện cho Bắc Việt, đảo Bạch Long Vĩ sau đó trở thành nơi xây dựng trạm ra đa và trạm trung chuyển tồn trữ vật tư của Bắc Việt. Nhưng sau này nhìn lại thấy rằng từ góc độ có lợi cho chiến tranh, việc cứ để đảo này trong tay Trung Quốc có tác dụng nhiều hơn là giao đảo lại cho Bắc Việt. Vì Mĩ không muốn mở rộng chiến tranh, kiêng dè việc ném bom vào lãnh thổ Trung Quốc. Trong thời chiến, đảo Bạch Long Vĩ bị Mĩ ném bom, hầu hết mọi người rời khỏi đảo. Nhưng mặt khác, nếu như đảo Bạch Long Vĩ luôn được “nương nhờ” dưới danh nghĩa Trung Quốc thì Việt Nam sẽ không dễ dàng lấy lại đảo Bạch Long Vĩ sau này.
Bắc kinh lúc đầu có lẽ do thấy trên đảo chỉ có người Trung Quốc cũng như quân đội Quốc Dân đảng đồn trú, nên không muốn đảo này thuộc về Việt Nam, cũng có thể lúc đó Trung Quốc có tâm lí cầu may, cứ chiếm lấy đảo trước rồi tính sau. Tóm lại, cho đến năm 1955, Trung Quốc không hề từ bỏ ý định chiếm lấy đảo Bạch Long Vĩ, hi vọng cuối cùng rồi sẽ có được đảo Bạch Long Vĩ thông qua chiếm đóng thực tế. Nhưng Bắc Việt sau đó đã tiến hành thương lượng, và Trung Quốc cũng đã giao nó lại cho Bắc Việt vào năm 1957. Hiện nay lưu truyền các kiểu lí do giải thích vì sao giao lại cho Bắc Việt, rất có thể đây chỉ là việc tìm một lối thoát chấp nhận được để giữ thể diện cho cả hai bên.
Sau đó, Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam đã đánh bại Mĩ và Việt Nam Cộng hòa, Nam và Bắc Việt Nam hợp nhất trở thành nước Việt Nam mới thống nhất. Tuy nhiên, do tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các nguyên nhân quan trọng khác, Trung-Việt quay lưng lại thành thù địch nhau, xung đột vũ trang, sau chiến tranh quy mô lớn lại tiến hành chiến tranh biên giới trong thời gian dài, mãi đến thập niên 1990 mới bắt đầu đàm phán biên giới.
7. Đàm phán phân giới vịnh Bắc Bộ và cái kết cuối cùng của đảo Bạch Long Vĩ
Vào thập niên 1990, hai nước Trung-Việt đã mở ra tranh luận kịch liệt về vấn đề phân định biên giới ở vịnh Bắc Bộ. Tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam trong việc phân định biên giới vịnh Bắc Bộ chủ yếu tập trung vào ba vấn đề: Thứ nhất, nhìn nhận và giải quyết “biên giới biển truyền thống” và “vùng nước lịch sử” như thế nào? Thứ hai, xử lí hiệu lực phân định biên giới ở đảo Bạch Long Vĩ như thế nào? Thứ ba, phân chia công bằng tài nguyên nghề cá ở vịnh Bắc Bộ như thế nào?
Phía Việt Nam thì cho rằng đường này [đường theo công ước Pháp-Thanh- ND] là dường phân giới cho toàn bộ vùng nước vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo nhỏ) (cách diễn giải 3). Việt Nam thậm chí còn viện dẫn “Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc”, cho rằng đường này hình thành “vùng nước lịch sử” của hai bên Trung-Việt. Trong “Tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam” công bố vào ngày 12/11/1982 có nêu :
3. vịnh Bắc Bộ là vịnh nằm giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh này đã được quy định trong Công ước về hoạch định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc do Pháp và nhà Thanh kí ngày 26/6/1887. Phần vịnh thuộc phía Việt Nam là vùng nước lịch sử theo chế độ nội thuỷ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đường cơ sở từ đảo Cồn Cỏ đến cửa vịnh sẽ được công bố sau khi vấn đề cửa vịnh được giải quyết.[1335]
Để tránh vịnh Bắc Bộ bị Việt Nam chiếm phần lớn từ đường phân định biên giới, Trung Quốc kiên trì cho rằng đường phân giới chỉ là đường phân định ranh giới về chủ quyền các đảo nhỏ ven bờ, không thể coi là đường phân giới đối với toàn bộ vùng nước vịnh Bắc Bộ, thậm chí cũng không thể coi là phân định ranh giới cho sự quy thuộc tất cả các đảo trong vịnh Bắc Bộ (cách diễn giải 1). Ngày 28-11-1982, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố về công bố trên của Việt Nam:
“Ngày 12/11/1982, chính phủ Việt Nam trong “Tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam”, trong đó có tuyên bố không có căn cứ rằng hiệp định biên giới Trung-Pháp năm 1887 đã “quy định” đường biên giới trên biển ở vịnh Bắc Bộ...... Cần phải chỉ ra là, hiệp định biên giới Trung-Việt mà Trung Quốc và Pháp kí năm 1887 căn bản không phân định ranh giới vùng biển vịnh Bắc Bộ. Vì vậy ở vùng biển vịnh Bắc Bộ xưa nay không tồn tại biên giới trên biển nào.”[1336]
Lí lẽ của chuyên gia Trung Quốc là:
Hiệp ước này chỉ quy định sẽ cùng phân định ranh giới ở nơi giáp giới giữa Trung Quốc với Bắc Kì, chứ không có chữ nào nhắc đến phân định ranh giới vùng biển của vịnh Bắc Bộ, do đó trong quá trình phân định ranh giới, đại thần phân định ranh giới của hai nước căn bản không có ý đồ phân định ranh giới vùng biển nào, càng không nói tới việc định ra phương án phân định ranh giới vùng biển nào. Ngay cả “Trung Pháp giới vụ chuyên điều” (Công ước Pháp Thanh) năm 1887 hoặc “Bản đồ đính kèm hiệp ước biên giới Quảng Đông Việt Nam Trung Pháp” năm 1954 hình thành sau khi khảo sát biên giới, cũng chỉ là nhắc đến “đường đỏ” đi qua Trà Cổ, cho biết các đảo trên biển phía Đông đường này thuộc Trung Quốc, núi Cửu Đầu và các đảo nhỏ trên biển ở phía Tây thuộc Việt Nam, căn bản không đề cập đến việc phân định ranh giới vùng biển vịnh Bắc Bộ. Vì vậy có thể nói, đường đỏ trong Công ước Pháp Thanh ngày 26/6/1887 chỉ là đường quy thuộc của các đảo trên biển gần Móng Cái, chứ không phải đường biên giới của vịnh Bắc Bộ. Ở vùng biển vịnh Bắc Bộ, hai nước Trung-Việt chưa hề phân định đường biên giới.[1337]
Ý kiến của Bắc Kinh và phía Việt Nam đều có phần đúng đắn. Điều này chủ yếu dựa trên sự mơ hồ về phạm vi của "biển" của "các đảo trên biển" được đề cập trong hiệp ước. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu tỉ mỉ, từ quá trình đàm phán thấy rằng trên thực tế Trung Quốc và Pháp đã xác định rõ phạm vi của “biển” là để chỉ toàn bộ vịnh Bắc Bộ. Theo công hàm trả lời của Dillon, đại biểu phía Pháp, gửi cho Đặng Thừa Tu, đại biểu phía Trung Quốc ngày 11/4/1887 :
Dưới đây là nội dung cốt lõi trong Hiệp định khảo sát biên giới bằng lời của Uỷ ban vấn đề biên giới hai nước về các quần đảo này: Uỷ ban vấn đề biên giới hai nước nhất trí cho rằng: phàm những đảo nằm trong vịnh Bắc Bộ do Paris nắm giữ, và ở về phía Tây kinh tuyến (Trung Quốc gọi là đường Bắc Nam) 105°43’ đi qua mũi Đông đảo Trà Cổ, đều thuộc về Việt Nam. Uỷ viên Vấn đề biên giới Trung Quốc yêu cầu, các đảo nằm ở về phía Đông kinh tuyến này (đường Bắc Nam) thuộc về Trung Quốc. Uỷ ban Vấn đề biên giới Pháp tuyên bố, do công tác khảo sát Giang Bình và những địa điểm khác chưa hoàn thành nên vấn đề này sẽ do Công sứ và Thủ tướng nước Cộng hòa Pháp thương lượng giải quyết tại Bắc Kinh, đây cũng là nội dung đã được thương thuyết và nhất trí với Uỷ ban Vấn đề biên giới Trung Quốc. Xin đặc biệt ghi lại tại đây.[1338]
Do đó, việc phân giới toàn bộ đảo vịnh Bắc Bộ bằng đường phân giới này là một thỏa thuận đã đạt được. Cho nên, lập luận rằng đường này là đường quy thuộc cho toàn bộ các đảo trong vịnh Bắc Bộ (tức cách diễn giải 2) là phù hợp với thực tế nhất.
Có thể tin rằng, trong đàm phán Trung-Pháp, đảo Bạch Long Vĩ hoàn toàn không có trong suy nghĩ của hai bên. Nhưng từ toàn bộ quá trình thấy rằng theo quy định trong hiệp ước thì kết quả thực tế là đảo Bạch Long Vĩ thuộc Việt Nam. Điều này đối với Việt Nam là một niềm vui ngoài ý muốn. Bất luận như thế nào, Trung Quốc và Việt Nam đã kí “Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc” cuối năm 2000, đạt được thỏa thuận phân định biên giới vịnh Bắc Bộ, trên thực tế cũng đã dựa theo cách diễn giải thứ hai, chiết trung hơn: thừa nhận đảo Bạch Long Vĩ thuộc Việt Nam đồng thời cũng khiến Việt Nam từ bỏ lập trường lấy đường phân giới làm ranh giới biển cho toàn bộ vùng nước vịnh Bắc Bộ.
Đối với Trung Quốc thì lại càng có lợi vì Việt Nam còn đồng ý giảm bớt hiệu lực đảo Bạch Long Vĩ trong phân giới vùng nước. Theo “Công ước”, đảo Bạch Long Vĩ là một đảo có thể duy trì cuộc sống của con người (luôn có người trên đảo), nên ngoài có lãnh hải và vùng tiếp giáp ra, nó còn có thể được hưởng vùng đặc quyền kinh tế lên đến 200 hải lí. Nhưng trong hiệp định, vùng đặc quyền kinh tế của đảo Bạch Long Vĩ chỉ có 3 hải lí. So với đường phân giới năm 1887, đường phân giới vùng đặc quyền kinh tế hai bên cuối cùng đạt được, ở phía Bắc phình ra một chút về phía Trung Quốc, khu vực ở phía Nam phình ra phía Việt Nam lớn hơn, Trung Quốc được lợi với diện tích lớn hơn.
Vậy Trung Quốc đã công nhận đảo Bạch Long Vĩ thuộc Việt Nam chưa? Thực tế là trong hiệp định không có quy định rõ ràng, từ lập trường ban đầu của chính phủ Trung Quốc đối với đường phân giới năm 1887 thấy rằng có vẻ đảo Bạch Long Vĩ không được họ công nhận thuộc Việt Nam. Nhưng trên thực tế, chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Bạch Long Vĩ không chỉ đơn thuần bắt nguồn từ đường phân giới năm 1887, mà quan trọng hơn là chính phủ Dân quốc xác nhận rằng đảo Bạch Long Vĩ thuộc Việt Nam, cũng như thực tiễn chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam thuộc Pháp trong khoảng thời gian 1942-1954, và việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với đảo Bạch Long Vĩ sau năm 1957.
Vì vậy, chứng cứ cho thấy đảo Bạch Long Vĩ thuộc về Việt Nam là rất chắc chắn về mặt luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ công khai và chính thức tuyên bố chủ quyền đối với đảo Bạch Long Vĩ. Từ hiệp định năm 2000 cũng có thể rút ra kết luận chủ quyền đảo Bạch Long Vĩ thuộc Việt Nam: trong phân định biên giới đảo Bạch Long Vĩ thuộc phía Việt Nam. Nếu đảo Bạch Long Vĩ thuộc Trung Quốc thì nó là một “phi địa”, có quyền yêu sách lãnh hải 12 hải lí. Theo “Tuyên bố về lãnh hải” năm 1958 của Trung Quốc: “Chiều rộng lãnh hải nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lí. Quy định này áp dụng cho tất cả lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Nếu đảo Bạch Long Vĩ là lãnh thổ của Trung Quốc thì 12 hải lí xung quanh nó sẽ tất nhiên là lãnh hải của Trung Quốc, không thể giao cho Việt Nam. Nhưng thực tế trái ngược, nên chỉ có thể lí giải là Trung Quốc xác nhận đảo Bạch Long Vĩ không thuộc nước họ.
Hệ quả khác của đàm phán năm 2000 là Trung Quốc đã xác nhận đường phân giới năm 1887 chỉ là nguyên tắc có hiệu lực với các đảo ven bờ, nên không thể dùng nó làm lí do trả lại Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc theo cách diễn giải của Dân quốc, nếu không thì sẽ vi phạm nguyên tắc “không được nói ngược”. Hiện nay, chính phủ Trung Quốc đã không coi đây là bằng chứng khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, vẫn có một số “chuyên gia”, không biết nội tình, không đếm xỉa đến lập trường của chính phủ, tiếp tục dùng đường phân giới này làm chứng cứ pháp lí đối với Hoàng Sa và Trường Sa để viết đường hoàng trong chuyên khảo, thật đáng tiếc.
8. Kết luận
Qua một loạt phân tích, manh mối cơ bản về lịch sử đảo Bạch Long Vĩ đã được sáng tỏ. Đảo Bạch Long Vĩ xưa kia là một đảo hoang không người ở. Trong tư liệu lịch sử, nó được người phương Tây ghi chép sớm nhất, và từ thế kỉ 18 đến nay, được đặt tên là đảo Dạ Oanh. Từ thế kỉ 19 đến giữa thế kỉ 19 (trước năm 1860), trong cái nhìn phổ biến của phương Tây, đảo này có mối liên hệ với Việt Nam, được xem là lãnh thổ của Việt Nam, được gọi theo tên Việt Nam là Bạch Long Vĩ. Từ thời Càn Long nhà Thanh, Việt Nam đã bắt đầu xác lập sự kiểm soát đối với biển Bạch Long Vĩ, và điều đó được nhà Thanh thừa nhận. Tên gọi của đảo Bạch Long Vĩ có thể bắt nguồn từ biển Bạch Long Vĩ, điều này cũng ủng hộ lập luận cho rằng Việt Nam đã có chủ quyền đối với đảo này khi đó.
Sau năm 1860, do Hải quân Việt Nam suy yếu, Việt Nam đánh mất sự kiểm soát đối với các đảo xa. Đảo Bạch Long Vĩ thời kì này trở thành chỗ chân không về quyền lực, khiến cho mức độ hoạt động của người Trung Quốc trên đảo này vượt qua người Việt Nam. Nhưng cho đến trước năm 1920, do chưa có nguồn nước ngọt nên không có dân số cố định trên đảo.
Trong Công ước Pháp-Thanh năm 1887, đảo Bạch Long Vĩ được phân cho Pháp, nhưng có thể hai bên đều không có ý thức đến điều này vào lúc đó. Nước Pháp trong một thời gian rất dài không có ý định chủ quyền đối với đảo Bạch Long Vĩ. Đảo Bạch Long Vĩ dần trở thành khu vực hoạt động của người Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc cũng thiếu ý định chủ quyền. Ngoài việc bắt buôn lậu và tuần tra mang tính ngẫu nhiên ra, hai bên đều không thể hiện ý đồ chiếm cứ đảo này.
Vào khoảng năm 1920 sau khi phát hiện ra nước ngọt trên đảo, số người đến định cư trên đảo Bạch Long Vĩ bắt đầu tăng lên, người Pháp liền thay đổi thái độ trước đây. Bắt đầu từ năm 1921 với việc phái người đến điều tra, Pháp đã thể hiện và củng cố chủ quyền của mình đối với đảo này thông qua nhiều hình thức khác nhau, còn Dân quốc vẫn không có ý thức chủ quyền đối với đảo này. Thập niên 1930, sau khi Trung Quốc và Pháp bắt đầu tranh chấp Hoàng Sa, để làm mạnh thêm căn cứ pháp lí cho Hoàng Sa, chính phủ Dân quốc chủ trương rằng đường phân giới 1887 là thích đáng để áp dụng cho tất cả các đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam, tương đương với thừa nhận đảo Bạch Long Vĩ là một bộ phận của Việt Nam. Năm 1937 Pháp đóng quân trên đảo, củng cố thêm một bước sự kiểm soát. Năm 1944, Nhật Bản xâm chiếm đảo Bạch Long Vĩ. Sau khi Thế chiến II kết thúc, năm 1946 Pháp quay lại đảo Bạch Long Vĩ, cho đến khi rút khỏi đảo này năm vào 1954 theo Hiệp định Geneva.
Từ năm 1920 đến năm 1954, ngoài thời gian ngắn bị Nhật Bản xâm lược ra, chủ quyền của nước Pháp đối với đảo Bạch Long Vĩ là rất toàn vẹn: có cả ý đồ chủ quyền lẫn có sự quản lí hữu hiệu (đóng quân và hình thành chính quyền địa phương), lại còn được Trung Quốc công nhận. Do đó, khi quân Pháp rút khỏi đảo Bạch Long Vĩ vào năm 1954, nơi đây đã là lãnh của thổ Việt Nam.
Sau khi quân Pháp rút lui, tàn dư của Quốc dân đảng [TQ] nắm quyền kiểm soát đảo Bạch Long Vĩ trong một thời gian ngắn, rồi Bắc Kinh chiếm đảo vào năm 1955. Năm 1957, Trung Quốc trao đảo Bạch Long Vĩ lại cho Bắc Việt Nam. Từ năm 1954 đến năm 1957, hiện thời không có nhiều tư liệu để biết có chuyện gì đã xảy ra. Tuy nhiên, theo những phân tích ở trên, việc Trung Quốc giao đảo Bạch Long Vĩ cho miền Bắc Việt Nam, cần được hiểu theo nghĩa là “trả lại”, chứ không phải “bán nước”, vì nó vốn là lãnh thổ của Việt Nam. Cùng lí do đó, dù miền Bắc theo lí cần biểu thị lòng cảm tạ đối với việc Trung Quốc trả lại đảo, nhưng điều này không được xem là phải “đền đáp công ơn”. Năm 2000 Trung-Việt giải quyết phân định biên giới vịnh Bắc Bộ cũng đã giải quyết suôn sẻ vấn đề quy thuộc cuối cùng của đảo Bạch Long Vĩ.
[1304] http://news.sina.com.cn/c/2004-08-05/14403937262.shtml
[1305] Như trên.
[1306] Lí Đức Triều “Tên gọi đảo Bạch Long Vĩ”, “Thế giới hải dương”, số 9 năm 1996.
[1307] http://view.news.qq.com/zt2012/blwd/index.htm
[1308] Ban Nghiên cứu khoa học Đại học Quốc phòng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc “Tuyển chọn tư liệu về tranh chấp liên quan đến biên giới và quyền lợi trên biển giữa nước ta với nước láng giềng”, 1992.
[1309] Cao Kiện Quân “Trung Quốc dữ quốc tế hải dương pháp”, Nxb Hải dương, 2004, tr.130.
[1310] “Phân định biên giới vịnh Bắc Bộ có thể làm hình mẫu, đảo Bạch Long Vĩ phân định thuộc về Việt Nam”, http://big5.xinhuanet.com/gate/news.xinhuanet.com/herald/2004-08/05/content_1717827.htm
[1311] “Nam Hải! Nam Hải”, tr.199.
[1312] The China Directory, Vol.II, Second Edition, 1879, p.381.
[1313] Chu Khứ Phi biên soạn, Dương Vũ Tuyền hiệu chú, “Lĩnh ngoại đại đáp hiệu chú”, Bắc Kinh, Trung Hoa thư cục, 1999, tr.35.
[1314] Viện Nghiên cứu Lịch sử Vân Nam, Thanh thực lục: trích sao sử liệu Việt Nam, Myanmar, Thái Lan, Lào, Côn Minh, Nxb Nhân dân Vân Nam, tr.52.
[1315] Như trên, tr.300.
[1316] Như trên, tr. 303, “theo phó tướng Lí Nguyên, du kích Lí Phượng Nghi... chỉ huy binh thuyền, đi qua Bạch Long Vĩ ở giao giáp biển bọn Di”.
[1317] Hoàng Tranh, Tiêu Đức Hạo, Tuyển tập tư liệu lịch sử biên giới Trung-Việt, quyển hạ, Nxb Văn hiến Khoa học xã hội, năm 1993, tr. 680.
[1318] Nghiêm Như Dục “Dương phòng tập yếu”, Đài Bắc, Đài Loan Học sinh thư cục, năm 1975, quyển 3, tr. 1040-1041.
[1319] Indonesia Weekly, Saigon. 06/29/1944.
[1320] Liêu Đình Thần... “Quảng Đông địa dư đồ thuyết”, bản in lại năm Tuyên Thống thứ nhất (1908), Trung Quốc phương chí tùng thư 107, Đài Bắc, bản chụp của nhà xuất bản Thành Văn, 1967, tr.8. Thực ra trong phân định biên giới năm 1887 giữa Trung Quốc và Pháp, những nơi này đã được xác định lại thuộc Việt Nam, nhưng việc biên soạn bản đồ có thể lạc hậu.
[1321] Vương Thiết Nhai biên soạn: Trung ngoại cựu ước chương hối biên, quyển 1, Tam liên thư điếm, 1982, tr. 513.
[1322] Tiếng Pháp là: Au Kouang-tong, il est entendu que les points contestés qui sont situés à l’est et au nord-est de Monkaï, au delà de la frontière telle qu’elle a été fixée par la commission de délimitation, sont attribués à la Chine. Les îles qui sont à l’est du méridien de Paris 105°43’ de longitude est, c’est - à- dire de la ligne nord-sud passant par la pointe orientale de l’île de Tch’a-kou ou Ouan -chan (Tra-co) et formant le frontière sont également attribuées à la Chine. Les îles Go-tho et les autres îles qui sont à l’ouest de ce méridien appartiennent à l’Annam.
[1323] Miêu tả này xem Thẩm Cố Triều: Về vùng nước lịch sử của Vinh Bắc Bộ, Nghiên cứu Sử địa biên cương Trung Quốc, 2000, quyển 10, số 4, tr. 44-59.
[1324] Indonesia Weekly, Saigon. 06/29/1944.
[1325] “Loại hồ sơ lưu trữ tiếng Anh của Hải quan Hải Nam”, Trung tâm lưu trữ tỉnh Quảng Đông lưu trữ, số 678, tr. 176-184.
[1326] Indonesia Weekly. Saigon, 06/29/1944.
[1327] Vũ Mãnh “Ngọn nguồn của đảo Phù Thuỷ Châu” ,http://zugaozha.blog.163.com/blog/static/13014161820125146626846/, truy cập lần cuối tháng 8/2015.
[1328] Trần Thiên Tích “Tổng hợp hồ sơ vụ việc đảo Tây Sa”, tr. 34-35.
[1329] Như trên.
[1330] “Tuyển tập hồ sơ vụ việc đảo Tây Sa”, tr.64.
[1331] Annex 14, SOPSI, p.199.
[1332] Vũ Mãnh, “Ngọn nguồn của đảo Phù Thuỷ Châu”.
[1333] Lí Đức Triều “Tên gọi đúng của đảo Bạch Long Vĩ”, “Thế giới hải dương”, số 9 năm 1996.
[1334] Mã Đại Chính “Tìm kiếm xưa và nay nơi góc biển”, Nxb Nhân dân Tân Cương, 2000.
[1335] “Tuyển tập điều ước pháp luật”, tr. 247-248.
[1336] “Nhân dân nhật báo”, ngày 29/11/1982, xem “Đại sự kí”, tr.94.
[1337] Lí Kim Minh: Đấu tranh phân định biên giới và phân giới vùng biển vịnh Bắc Bộ Trung-Pháp, Nghiên cứu vấn đề Nam Dương, số 2, 2000.
[1338] Hoàng Tranh, Tiêu Đức Hạo: Tuyển tập tư liệu lịch sử biên giới Trung-Việt, quyển hạ, Nhà xuất bản Văn hiến khoa học xã hội, 1993, tr. 1146.