Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2024

Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương - Yết Kiêu (15)

Đông Ngàn Đỗ Đức

 

TÀI NĂNG VÀ ĐỨC ĐỘ

(Về họa sĩ Lê Thanh Đức)

 

Tôi quen tranh ông trước khi quen người.

Đó là bức tranh Ngày tiếp quản Thủ đô mô phỏng cảnh bộ đội về tiếp quản thủ đô năm 1955 được in trong sách, được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật. Bối cảnh trong tranh là phố Hàng Đào, đoàn quân chiến thắng đang diễu hành, người dân vẫy cờ hoa chào mừng. Cờ đỏ cắm dài hai bên hai hè phố. Để cho dễ hiểu các bạn cứ tưởng tượng đến phố phường hôm nay vào ngày lễ thì y chang. Có điều màu cờ hồi ấy có vẻ thiêng liêng hơn màu cờ hôm nay…

Sau bức tranh ấy thì không thấy ông vẽ nữa.

Ông là người mê sách. Có thể tưởng tượng thế này: Lúc nào, bất cứ lúc nào rỗi việc là lại thấy ông hí húi với một cuốn sách. Ông học ở Nga về trang trí điện ảnh (?) nhưng từ khi quen biết ông, chẳng thấy ông can dự vào điện ảnh.

Còn nhớ năm 1982 đi cùng nhóm họa sĩ lên vẽ thủy điện sông Đà, trong phòng nghỉ có ba người là tôi, Lê Thanh Đức và họa sĩ Hoàng Hoan thì mỗi người một lối làm việc. Tôi như một nông dân cần cù, thường đầu tiên bước ra khỏi phòng đi vẽ sớm. Lê Thanh Đức thì nằm dài trên giường hấp háy đọc sách. Tôi có cảm giác ông đọc triền miên… Còn Hoàng Hoan thì có tài vò khăn mặt trong toilet. Ông có thể xả vòi nước và hai tay vò bóp cái khăn mặt đến quá nửa giờ chưa xong. Bởi vậy không may được ở cùng ông, phải nhớ dậy sớm vào toilet trước làm vệ sinh, chứ để ông Hoan vào trước thì ông ấy cố thủ quá nửa buổi sáng trong ấy, gọi cũng không ra.

Còn Lê Thanh Đức thì gà vịt ngày nghỉ ngày ra công trường. Ông thường cầm cuốn sổ tay nhỏ đi lui tới rồi rút lúc nào không biết. Nhưng buổi chiều bỗng dưng được xem một bức thuốc nước trong veo trên giấy Canson. Thì ra quan sát kĩ rồi ông vẽ ở nhà!

Người ta một tiếng Việt chưa thạo, còn ông thì tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Anh làu làu…

Lúc rỗi ông kẻ chuyện tuổi thơ. Ông có người cha khắc nghiệt, dạy con theo kiểu quân phiệt, lười học ham chơi là ăn đòn dã man luôn: con hai tay đặt lên bàn, ông dùng roi quất cho rớm máu.

Ông bảo lúc ấy tôi căm thù bố tàn ác. Nhưng sau này thì biết ơn.

Bởi cái cách dạy dỗ phát xít đó mà ông biết chơi đàn, có đến hai ngoại ngữ Anh Pháp thông thạo và thêm tiếng Nga khi đi học ở Liên Xô. Một mình ông có ba cửa sổ để ngắm nghía thế giới.

Ông bảo đọc sách bằng ngôn ngữ gốc mới thấy hết cái hay cái tài của nhà văn, nhiều sách dịch chỉ chuyển được ý mà mất sạch văn chương.

Sau này còn biết thêm ông còn là thợ cơ khí giỏi, từng biết sửa chữa súng đạn. Còn lần đi sông Đà vẽ cùng ông, có hôm tôi thấy ông ngồi tỉ mẩn dùng chiếc giũa tăm, giũa và đánh bóng một chữ o nhỏ bằng một phần tư hạt sen để gắn vào chiếc đài Orionton ông đang sở hữu, có chữ o bị bong rơi lúc nào không biết.

Cái kĩ lưỡng của ông càng lộ rõ khi ông làm thiết kế cuốn Tranh dân gian Việt Nam. Ông dịch bản tiếng Anh-Pháp và dựng maquette. Ông tình nguyện sửa bản in không công để cho việc sắp xếp của ông không bị đảo lộn xê dịch sai thiết kế, mà đâu có ít, sửa đến ba lần, chọn đúng con chữ cỡ chữ ông yêu cầu.

Như ông từng kể chuyện thì ông với họa sĩ Nguyễn Viết Châu ở Cục Xuất bản rất quan tâm đến kĩ thuật sách, muốn đem qui thức sách các nước tham khảo vào dựng những cuốn sách chuẩn mực. Nhưng rồi chẳng có mấy nhà xuất bản quan tâm đến nên kĩ thuật sách, nên càng ngày càng hỏng. Bây giờ thì mạnh ai nấy làm. Sách Việt Nam giờ giống như kiến trúc tự phát làng xã phố huyện, chắp vá linh tinh.

Tôi làm thiết kế và dựng sách từ lối học lỏm nên hay quan tâm và lắng nghe ông, hỏi han những gì chưa biết để bổ sung. Bởi thế dù cách nhau một thế hệ nhưng tôi thành bạn vong niên của ông. Hai anh em rất hay ngồi đàm đạo mọi chuyện về văn chương nghệ thuật.

Trong lớp họa sĩ khóa bỏ dở cuối cùng của Trường Mỹ thuật Đông Dương, Lê Thanh Đức là người nhiệt huyết với nghề cho đến khi từ giã cõi đời.

Ông thuộc diện những người cấp tiến, từng là người đầu tiên nghĩ đến soạn giáo trình đưa vi tính vào trường nghệ thuật trong môn đồ họa, trong khi người của hệ thống giảng dạy còn lừng khừng.

Ông say mê nhiếp ảnh, viết sách về nhiếp ảnh, kĩ thuật máy móc thành thạo, nhưng cho đến khi nằm xuống ông chỉ có được cái máy ảnh Nikon G8.

Ông ham hiểu biết nhiều thứ có lẽ vì ông có đến ba cửa sổ ngoại ngữ để nhòm ra thế giới. Nhưng tôi ngờ rằng chính lợi thế mà làm cho tài năng của ông tản mác vào chữ nghĩa vào lí luận, mỗi thứ một tí, tranh có sách có, đồ họa thiết kế có, cơ khí cũng có khiến cái gia tài kiếm được của ông dàn hàng ngang mà không có đỉnh cao.

Ông tham gia trong nhóm biên soạn bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam với khá nhiều mục từ.

Nhưng công trình ông đổ nhiều tâm huyết vào là mười năm cuối đời, “ông dành toàn bộ sức lực, chút tiền bạc ít ỏi từ đồng lương hưu để biên soạn cuốn Từ điển Nghệ thuật, bao gồm cả nghệ thuật thế giới lẫn Việt Nam. Ông đặc biệt dành sự cân đối viết về nghệ thuật Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản và phương Đông nói chung, vốn ít được biết đến trong sách nghệ thuật phương Tây. Tuy nhiên, thật đáng tiếc công trình đồ sộ này chưa kịp ra mắt thì ông đã ra đi” (Phan Cẩm Thượng).

Khi làm cuốn sách này ông không có tiền. Hàng loạt cộng sự yêu ông xúm vào làm chay như Đức Hòa, Phan Cẩm Thượng… mà ông là người cầm cái, chủ biên. Cô con gái đầu lòng của tôi học vẽ, có chút vốn liếng ngoại ngữ lo dịch cho ông phần Anh ngữ, ông băn khoăn: “Bao giờ ra sách thì bác mới có tiền trả nhuận bút”. Tôi bảo con gái: “Được làm việc với ông là hạnh phúc, là được học hỏi thêm bao nhiêu kiến thức mà không mất tiền học phí đó con ạ”.

Bây giờ nhớ lại, tôi thấy đó là công trình quá đồ sộ và rất cần thiết cho giới Mỹ thuật. Vậy mà cho đến nay không biết số phận nó ra sao, cũng không ai nhắc tới. Mà cũng không ai có đủ khả năng và nhiệt huyết như ông để tổ chức tiếp cho hoàn chỉnh tâm nguyện ông.

Nói chuyện về ông bạn bè vẫn khen thời trẻ ông là con người lịch thiệp và ga-lăng lắm. Đi chơi với bạn gái bao giờ cũng có chiếc mùi xoa trắng sẵn trong túi để lót chỗ ngồi cho bạn! Đặc biệt ông chơi đàn guitar rất tuyệt. Nhiều gái đẹp mê ông… Là nghe bạn bè bảo thế chứ từ ngày quen ông tôi chưa bao giờ thấy ông cầm đến cây đàn.

Những năm cuối đời ông hay đến ngồi với tôi vào những buổi sáng. Nghe reng reng điện thoại, bên kia đầu dây ông hẹn mười rưỡi qua thì mười giờ hai nhăm đã nghe tiếng chân ông lọc cọc ở cầu thang. Về giờ giấc làm việc chưa bao giờ ông lỡ hẹn và sai giờ.

Khi hai anh em nói chuyện, có vấn đề khúc mắc mà ông quyết liệt bảo vệ, nhưng tuần sau ông quay lại gặp chỉ để nói một câu ngắn gọn: “Vấn đề hôm trước tranh luận ấy, tớ nghĩ lại rồi, cậu đúng!”.

Năm 2001 tôi có phòng triển lãm tranh mini tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội, ông đến chăm chú xem những tiểu họa bày theo lối sắp đặt, gạt gù tán thưởng. Ông bảo: “Tranh có chất thiền ở trong, dung dị và trầm lắng lắm, đáng khen Đức ạ”. Khi quay lại lần thứ ba, ông chìa cho tôi tờ A4 bản viết tay về phòng tranh. Ông bảo: “Cậu vẽ mà để lão già này phải đến xem lần thứ ba là không vừa đâu nhá. Còn bài viết này, tặng cậu, cậu đưa đâu in thì đưa.”

Ông sống nhanh và nghiêm khắc với bản thân.Từng là đảng viên, rồi quyết liệt xin ra khỏi Đảng vì không chịu được tay bí thư giám đốc đã dốt lại thích dạy dỗ. Ông bảo ra rồi, nhẹ cả người. Tôi tin là ông nói trung thực.

Ông ra đi vào tháng 7/2004 ở tuổi 79, lúc tôi đang ở Pháp, không có mặt để đưa tiễn.

Nhà phê bình nghệ thuật Phan Cẩm Thượng nói về ông bằng bốn từ mà tôi rất tâm đắc, ông là một “họa sĩ trí thức”.

Một người tâm huyết với nghề, sống thanh bạch và tận tụy với công việc, có tác động khá lớn đến nhiều người trong giới cũng ra đi mà không có một sự ghi nhận gì ngoài sự ngưỡng mộ của bạn bè. Ông đúng là Thanh Đức!

 

18/9/2013

 

 

 

Họa sĩ Lê Thanh Đức sinh năm 1925 tại Hà Nội. Năm 1943 Lê Thanh Đức theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nhưng học được hơn hai năm thì ông phải nghỉ học vì trường giải thể. Sau đó trường Mỹ thuật Việt Nam mới hình thành, ông học tại trường Mỹ thuật năm 1946 và trở về thành phố cùng đoàn quân giải phóng thủ đô.

 

 

Thủ đô ngày tiếp quản - 1955

 

 

Đào hầm ở sông Đà - 1982