Thứ Năm, 26 tháng 12, 2024

Thế nào là một tác phẩm "điên rồ"?

 Dương Thắng

1. Một điểm chung làm tắc nghẽn đồng thời dòng chảy của cả lịch sử văn học và nghệ thuật, tắc nghẽn trầm trọng đến mức nó đã được xem như là một nghịch lý của tính hiện đại, đó là trường hợp của những sáng tạo “điên rồ”. Đã có rất nhiều những điểm tham chiếu dẫn về hiện tượng này: từ Friedrich Hölderlin và Gérard de Nerval đến Antonin Artaud. Có thể vòng qua ngả của Van Gogh, Dostoievsky, Rimbaud, Saussure và những bức tranh của các bệnh nhân tâm thần, các tác phẩm có sức thu hút mãnh liệt với những nhà nghệ thuật tiền phong hồi đầu thế kỷ XX. Ở đất nước Việt Nam này, trong số những người làm thơ, ai có thể điên hơn Bùi Giáng và ai có thể viết ra những vần thơ trác tuyệt hơn cái ông tự xưng là đười ươi thi sĩ, suốt ngày đeo mấy cái bị rách và đứng nhảy múa ở ngoài chợ như ông (...Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau...).

Từ chỗ bị chối từ và phải sống bên lề xã hội, bị nhốt trong các trại tâm thần hay trong các cơ sở chăm sóc y tế đặc biệt, giờ đây điên loạn dường như đã trở thành một dấu hiệu tiệm cận với thiên tài. Từ những chuyên gia thần kinh học, phân tâm học đến các nhà xã hội học, mỹ học, thông qua những phương pháp nhận thức luận đa dạng (đa phần là đối chọi và cạnh tranh nhau), đã cố gắng đến tuyệt vọng để giải mã mối liên hệ bí ẩn giữa sự điên rồ và tính sáng tạo.

2. Cách tiếp cận “tiểu sử học” đặt vấn đề xem xét các phẩm tính điên rồ trong tác phẩm như là sự phản ánh khí chất điên rồ của con người thực của tác giả. Tác phẩm của họ, dưới con mắt của các nhà nghiên cứu được “chuyển đổi” thành những tài liệu nghiên cứu lâm sàng, chỉ còn duy trì một mối liên hệ thứ cấp với những vấn đề nghệ thuật. Với Max Nordau và các môn đệ của ông, những vết sưng trên hộp sọ và đặc điểm sinh lý của Verlaine đã giải thích cho những phẩm chất điên cuồng trong thơ ông. Những phong cách độc đáo của Monet và Titian được gán cho nguyên nhân từ bệnh đục thủy tinh thể, cái nhìn mang đậm sắc vàng của Van Gogh được xem là có nguyên nhân từ chứng bệnh xanthopsia [chứng thấy sắc vàng}.

3. Adolf Hitler trong cuốn Mein Kampf (Cuộc chiến đấu của tôi – 1924) đã phát triển các luận điểm của Nordau khi công kích sự suy đồi của nghệ thuật hiện đại, bắt nguồn từ sự sa sút trí tuệ của các nghệ sĩ, sự thoái hóa và suy đồi của các giá trị nghệ thuật và đạo đức, điển hình nhất là các nghệ sĩ theo trường phái Lập thể và Dada. Thủ lĩnh của phong trào Nazi đã nhắc đến “Một sự sụp đổ của Nghệ thuật Đức hiện đại”. Trong con mắt của Hitler các tác phẩm nghệ thuật này “là ảo giác của những gã đàn ông hoặc những kẻ tội phạm bị rối loạn tinh thần” và rằng những người nghệ sĩ này là “những kẻ thoái hóa về trí tuệ”, khi thể hiện sự điên rồ như là một sức mạnh nghệ thuật họ đã làm “ô nhiễm” công chúng và làm cho nền phê bình nghệ thuật rơi vào trạng thái điên rồ, hỗn loạn. Kết tội gay gắt nghệ thuật hiện đại như một hiện tượng “phân hủy văn hóa” và chính trị, Hitler đã viết trong Mein Kampf: “Những biểu hiện băng hoại này bắt đầu xuất hiện trong phạm vi văn hóa, sự sụp đổ về chính trị ngay sau đó càng ngày càng rõ nét hơn”. Hitler đã so sánh nghệ thuật hiện đại với căn bệnh giang mai và thiết lập mối tương đồng giữa căn bệnh tính dục này với những căn bệnh của nền văn minh. Trong học thuyết Nazi, sự thoái hóa của nghệ thuật là “hệ quả của một căn bệnh về những bản năng đạo đức, xã hội và chủng tộc” và đòi hỏi phải được “thanh tẩy” trong mọi lĩnh vực văn hóa: “Sân khấu, nghệ thuật, văn học, điện ảnh, báo chí, áp phích, các triển lãm phải được làm sạch khỏi những dấu vết của một thế giới đang suy tàn, để sẵn sàng phục vụ cho một ý tưởng đạo đức, những nguyên tắc của một nhà nước mới và một nền văn minh mới” (Adolf Hitler, Mein Kampf).

Âm nhạc cũng đã được đưa vào danh sách các sản phẩm văn hóa bị kết án này. Trong bài diễn văn khai mạc triển lãm “Âm nhạc thoái hóa” (Entartete Musik) vào năm 1938 ở Düsseldorf, Hans Severus Ziegler, lý thuyết gia của chủ nghĩa Nazi đã khẳng định rằng âm nhạc cần phải được chữa trị khỏi căn bệnh mất tính cách “Sản phẩm của một tâm hồn Do Thái”, “Một căn bệnh khủng khiếp, ai tiêu hóa nó sẽ chết” – ông ta nhấn mạnh.

4. Trường hợp gây ra cho các nhà nghiên cứu, phê bình văn học hay hội họa những lúng túng và bối rối nhiều hơn cả, đó là trường hợp những phẩm tính “điên rồ” xuất hiện trong các tác phẩm của những nhà văn hoàn toàn khỏe mạnh và sáng suốt về mặt lý trí. Không có bất cứ tuyên bố nào về chứng rối loạn tâm thần của tác giả được công bố nhưng trong con mắt xã hội, tác phẩm của anh ta bị coi là điên, thực sự là “điên rồ”. Với những người quen tư duy theo hướng nhân-quả, quá trình truy tìm nguồn gốc của sự điên rồ trong tác phẩm có xu hướng quay về tìm nguồn gốc ở nơi tác giả của nó: Một người “bình thường” không thể viết hay vẽ theo theo một cách thức “điên rồ” như thế này được! Rembrandt, El Greco, Comte de Lautréamont, Henri Michaux... thậm chí là Dostoievsky hay Kafka đều hứng chịu những xét đoán đầy ngờ vực về sức khỏe tâm thần của họ, những xét đoán bắt nguồn từ những phẩm tính đầy “điên rồ” mà người đọc đã bắt gặp trong các tác phẩm của họ.

5. Thế nhưng khi đặt ra câu hỏi: “Thế nào là một tác phẩm điên rồ”, chúng ta đã (ngầm) tách biệt tác giả ra khỏi tác phẩm của ông ta và cái chúng ta nhắm đến là “một tác phẩm điên rồ” chứ không phải “một tác giả điên rồ”. Nói chính xác hơn “điên rồ” ở đây là một “phạm trù đánh giá nghệ thuật”, trong quan niệm đó thì bản sắc của một tác phẩm không được phép tách rời khỏi cái diễn ngôn mà nó khơi dậy và ngược lại. Sự “điên rồ” của một bài thơ hay một bức tranh, ngoài việc hàm chứa trong nó các diễn ngôn hay những nét vẽ còn liên quan đến khả năng tiếp nhận của công chúng đối với nó, liên quan đến cái ranh giới phân chia mong manh giữa “tính hợp pháp/ đúng đắn hay không hợp pháp/ sai lệch” trong định nghĩa về một con người và rộng hơn nữa là về “một tình trạng người”.

6. Vậy nếu người nghệ sĩ, người sáng tạo ra một tác phẩm “điên rồ” không bị điên lâm sàng, điên bệnh lý thì ai hay cái gì điên ở đây? Gérard Dessons, giáo sư ngôn ngữ và văn học Pháp tại Đại học Paris VIII, trong cuốn sách La Manière folle. Essai sur la manie artistique et littéraire (Cách điên. Tiểu luận về hưng cảm trong nghệ thuật và văn chương, 2010) đã khẳng định đó là “CÁCH” (manière), một khái niệm kinh điển và đã bị lãng quên từ rất lâu. Vậy thế nào là “CÁCH” trong sáng tạo nghệ thuật, theo GS Dessons, nó không chỉ đơn giản là là một cách vẽ tranh, một cách viết, một cách soạn nhạc, một cách suy ngẫm... “CÁCH” sẽ đồng nhất một chủ đề nghệ thuật với một cá nhân trải nghiệm. Theo ông, phương thức “cá nhân hóa” này được chúng ta xem như là “nghệ thuật” khi mà cách vẽ một bức tranh, cách trình diễn một vở kịch, một bản nhạc trở thành một giá trị tập thể. Trong trường hợp này cách vẽ tranh, cách viết, cách sáng tác đồng thời cũng trở thành cách suy nghĩ, cách quan niệm về hội họa, về văn học, về âm nhạc.

7. Khi một cách vẽ tranh trở thành “CÁCH” của hội họa, nó sẽ ngừng đóng vai trò cách vẽ tranh mà trở thành “lịch sử tính” của hội họa. Dessons cũng lưu ý rằng, trong cách hiểu này, việc tìm ra một cái nhìn không thể tách rời khỏi việc phát minh ra cách nhìn, cũng giống như việc tìm ra một tư duy không thể tách rời khỏi việc tìm ra phương pháp tư duy. Nếu “CÁCH” trong hội họa bị nhầm lẫn, bị đánh đồng với một cách vẽ tranh, khi đó nó có thể bắt chước được, nhưng trong trường hợp đó nó chỉ còn là một sản phẩm mô phỏng, một bức tranh vẽ “theo cách của họa sĩ X...”.

7. Một phần quan trọng trong cuốn sách của Dessons dành để phân tích về mối quan hệ giữa “Sự điên rồ và triết học” thông qua việc phân tích các tác phẩm triết học đậm đặc phẩm tính điên rồ của Nietzsche. “Triết học của Nietzsche được viết như một bài thơ và phải đọc nó như đọc một bài thơ. Một nhà tư tưởng, chỉ viết ra những điều thuần túy lý trí thì anh ta chỉ giống như một kẻ điên loạn nhịp điệu, chính vì thế các suy tư của ông thấm đẫm chất thơ”. Và đây cũng chính là những suy nghĩ của chính Nietzsche về sự điên rồ: “Hầu như ở mọi nơi, sự điên rồ mở đường cho những ý tưởng mới, phá bỏ những cấm kỵ, hạ bệ các ngẫu tượng đang được tôn thờ”.

Tài liệu tham khảo:

1. Gérard Dessons, 2010. La Manière folle. Essai sur la manie littéraire et artistique. (Cách điên. Tiểu luận về sự hưng cảm văn chương và nghệ thuật). Houilles: Éditions Manucius.

2. Arnaud Bernadet, 2012. Qu’est-ce qu’une œuvre folle (Thế nào là một tác phẩm điên rồ). POLART – poétique et politique de l’art, http://polartnet.free.fr/textes/textes_polart/Qu%27est-ce_qu%27une_oeuvre_folle.pdf

3. Chloé Laplantine, 2011. Le poème est le nom de la folie dans le langage (Thi ca là tên của cơn điên trong ngôn ngữ). Acta fabula, vol. 12, n° 3,  https://www.fabula.org/revue/document6187.php

4. 2012. Dossier: Ce que la littérature sait de la folie (Chuyên đề: Văn học cho chúng ta biết gì về chứng điên). Le magazine littéraire, n° 525.