Mai Quỳnh
.
Trên bộ salon bọc nỉ trắng toát trong căn phòng sang trọng tràn đầy ánh sáng, anh chị Vũ Thư Hiên - Kim Ân nắm chặt tay tiễn khách. Chị bị nặng tai, ít nói, ánh mắt dịu hiền nhìn Mai Hậu, vợ tôi. Anh, nở nụ cười tươi, rung rung đôi bàn tay tôi, rồi nói vừa đủ nghe: “Anh viết về buổi gặp gỡ này đi”. Ngừng một giây, anh bảo: “Một giờ với cố nhân!”. Tôi đem câu khích lệ của Nhà văn lớn suốt dọc đường về. “Một giờ với cố nhân”, tựa đề gợi cảm này, bản quyền thuộc về Vũ tiên sinh, không phải của tôi, Mai Quỳnh.
Còn một giờ ư? Hai con người lịch thiệp ấy đều đã thượng thượng thọ, người 92, người 89 tuổi rồi; không còn sức ngồi tiếp khách được lâu, nên chúng tôi giữ đúng hẹn với cháu Vũ Hoài Thu, con gái thứ anh chị, ngồi chơi đúng một giờ trong buổi chiều chỉ còn dăm ba hôm nữa là đến lễ Giáng sinh 2024.
Cố nhân! Cố hương! Cố quốc! Âm hưởng những con chữ ấy luôn luôn gợi trong tôi một nỗi u hoài! Trông về cố quốc. Nỗi nhớ cố hương. Ôi! Còn đâu nữa cố nhân ơi! Tôi tìm trong Vườn thơ Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, người đồng hương Nam Định với Nhà văn Vũ Thư Hiên bài Gặp lại cố nhân[1]:
Xa xôi lòng những ước ao
Trăng ai rèm gấm, hoa nào vườn xuân
Người xưa, này vẫn cố nhân
Mà ôi thôi! đã phong trần cả hai
…
…Thôi thì thôi nhé tri âm
Lỡ thanh xuân ấy còn tâm sự này.
.
Lỡ thanh xuân ấy… Gần một thế kỷ đã qua
Năm 1946-1947, cách nay đã 77, 78 năm trường, toàn dân sục sôi chuẩn bị kháng chiến trường kỳ chống Pháp. Cụ Vũ Đình Huỳnh, thân sinh Nhà văn Vũ Thư Hiên nhận trọng trách Bí thư riêng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày đêm không rời Phủ Chủ tịch một bước. Mẫu thân anh, cụ Phạm Thị Tề, từ Hà Nội đưa gia đình tản cư về quê huyện Trực Ninh, Nam Định. Anh, con trai trưởng, 13-14 tuổi đành bỏ học theo gia đình. Cùng năm đó, ông chú tôi (phu quân em ruột mẹ tôi), cụ Vũ Thế Mục, Luật gia, Biện lý thời Pháp thuộc, sớm theo cách mang được cử giữ chức Chủ tịch huyện Xuân Trường, huyện kế bên. Xuân Trường có trường Trung học. Chú tôi cho hai con trai đầu, Vũ Bội Kiếm, Vũ Minh Kính, cũng độ tuổi 13, 14 đi cùng. Do là chỗ quen biết ở Hà Nội, cụ Tề gửi anh Hiên ở nhà chú tôi để tiếp tục học hành. Thế là, ba anh em Kiếm, Kính, Hiên vừa đồng tuế, vừa đồng môn từ thuở ấy. Ngoài giờ học, ba bạn cùng đội viên thiếu niên phố huyện hăng hái tới các thôn làng tham gia hát, múa, diễn kịch cổ vũ cho phong trào yêu nước đang lên hừng hực. Một thời trẻ trung, vô tư không dễ gì quên. Được hơn năm, chiến sự lan rộng, lệnh trên điều chú tôi lên Việt Bắc nhận công tác ở Bộ Tư pháp. Hai con đi theo, tiếp tục học ở trường trung học kháng chiến Phú Thọ, Tuyên Quang. Năm 1950, biên giới khai thông; là con cán bộ, Bội Kiếm, Minh Kính được gửi sang Khu Học xá Nam Ninh Trung Quốc học tiếp. Anh Hiên qua Ninh Bình rồi vào Thanh Hóa, vừa tiếp tục học vừa gia nhập Đội Tuyên truyền xung phong đem hết khả năng văn nghệ phục vụ bộ đội, đồng bào. 16 tuổi, anh xung phong tòng quân làm lính cụ Hồ, tham gia chiến trận rồi được Đạo diễn gạo cội Phạm Văn Khoa chọn vào đoàn làm phim mới thành lập, đi đây đi đó. Trong đoàn quân tiếp quản Thủ đô năm 1954 có tên anh. Cùng thời gian này, chú tôi cũng có mặt tiếp quản Tòa án Hà Nội. Nhà nước thành lập Tòa án Tối cao; chú tôi rời Bộ Tư pháp chuyển qua làm Bí thư riêng ông Chánh án từ đó đến ngày nghỉ hưu. Bội Kiếm học ngành Khí tượng ở Trung Quốc, lần lượt nhận học vị Tiến sĩ rồi học hàm Phó Giáo sư trong những đợt phong học hàm đầu tiên. Minh Kính, theo ngành Sư phạm, giáo viên Toán, Trường cấp III Hoàn Kiếm. Gia đình chú dì tôi, một gia đình công chức không khác xưa là mấy, túm tụm sống chung trong mấy phòng căn nhà 27 Hàng Khoai Hà Nội.
Anh Vũ Thư Hiên học Điện ảnh ở Liên Xô cũ rồi về nước làm báo, viết văn.
Sống nghĩa tình, lúc nào rảnh việc một chút, anh đến thăm chú dì tôi. Một lần hiếm hoi, vào khoảng đầu năm 1967, tôi có mặt đúng lúc, được chú tôi cho phép ngồi nghe câu chuyện giữa hai người. Vốn hiểu biết rộng, đi nhiều, từng trải, quan hệ xã hội đa chiều, anh được các vị cao niên nể trọng, tâm sự thật lòng về những lĩnh vực mà chúng tôi, dân kỹ thuật đơn thuần không mấy quan tâm. Lần gặp gỡ ấy, tôi ngồi phía sau nghe chú tôi và anh nói nhiều về nền tư pháp, về công việc xét xử. Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên kia xung quanh những uẩn khúc thời đó, không hiểu sao vẫn còn lưu giữ trong ký ức tôi đến hôm nay.
Nội dung một phần câu chuyện anh đã kể lại trung thực trong Hồi ký của mình. Những cố nhân anh nhắc tới đều đã mất cả rồi. Quả thật, như có lần anh nói, chỉ còn anh và tôi là nhân chứng sống.
.
Còn tâm sự này… Trọng CHỨNG hay Trọng CUNG?
Câu chuyện tâm sự giữa chú tôi và anh hôm ấy, anh viết rõ ràng minh bạch trong Hồi ký[2]:
“Nhiều nhà chuyên môn tư pháp đã đề đạt với Đảng xây dựng một nền tư pháp đàng hoàng rất lâu trước đó. Lãnh đạo Đảng thẳng tay gạt bỏ những đề nghị đúng đắn của họ. Đảng không cần đến thứ pháp lý tư sản. Luật gia cộng sản Trần Công Tường, mà tôi được biết từ năm 1946, nói với tôi: “Không hiểu sao mấy chả sợ pháp luật đến thế? Pháp luật làm ra là để bảo vệ chính mấy chả mà”. Tôi nghĩ ông thừa hiểu tại sao. Pháp luật, dù cho đó là pháp luật của họ, do họ đặt ra, nếu được tôn trọng, sẽ tước bỏ sự tùy tiện, sẽ bó tay họ trong việc thực hiện chuyên chính. Đối với họ pháp luật không thể là cái gì hơn một vật trang sức. Khi một Đảng đặt mình cao hơn nhân dân, đứng trên dân tộc, thì mọi việc làm của các lãnh tụ Đảng phải được coi là hiển nhiên đúng.
Trong thực hành tư pháp những nhà lãnh đạo i tờ chủ trương không cần có chứng cứ. Chỉ cần lời khai là đủ. Nguyên tắc trọng chứng hơn trọng cung trong công tác xét xử mặc nhiên bị coi là nguyên tắc tư sản. Bị phản bác, họ lui bước, bắt các nhà tư pháp phải coi chứng hay cung cũng là chứng cả. Ông Vũ Văn Mục[3] biện lý thời thuộc Pháp, khi kể cho tôi nghe một số vụ án oan cũng như cách xử án của các quan tòa cách mạng chưa hề qua trường lớp chuyên môn, đã kêu lên: “Xử án mà cung với chứng coi ngang nhau thì người dân thấp cổ bé họng sống làm sao nổi hở trời? Quan trên bảo tôi: “Không có chứng thì dựa vào cung mà xử, nghĩ ngợi lôi thôi làm gì!”. Khinh mạng dân đến thế là cùng. Tôi đem chuyện này than phiền với một ông rất to thì ông ta còn dạy tôi: “Các anh học luật thời trước là lôi thôi lắm! Phải nhớ rằng tòa án của ta là tòa án chuyên chính vô sản, vì lợi ích của giai cấp vô sản và nhân dân lao động mà làm. Với bọn phản cách mạng các anh cứ theo đường lối chính sách của đảng mà xử.”
Như thế đấy, câu chuyện cách nay đã 57 năm liệu có còn tính thời sự?
…
Xin trở về với “Gặp lại cố nhân”:
Bao năm vị đắng mùa cay
Lênh đênh thân thế cầm tay nghẹn ngào
Những cố nhân ở 27 Hàng Khoai đều đã đi về miền Tây phương cực lạc cùng song thân anh. May sao còn Mai Quỳnh và vợ đến thăm anh chị tại căn nhà bề thế nằm trong con hẻm trung tâm quận Tân Bình, TP. HCM này. Kiến trúc sư Đặng Kim Ân tu nghiệp tại Ba Lan xã hội chủ nghĩa (cũ) cùng Kiến trúc sư Vũ Hoài Thu, con gái thứ anh chị vẽ kiểu, trang trí nội thất, trực tiếp chỉ đạo thi công. Mà Vũ Hoài Thu tuổi con Khỉ - Mậu Thân ấy là ai, xuất hiện nơi thế gian này như thế nào, bài này chỉ cho ta[4].
Chị lớn Vũ My Lan có cơ ngơi rất đẹp ven Hồ Tây, nơi họ hàng, bạn bè thân quý đến mừng anh chị khi anh từ phương trời Tây xa vời suốt ba mươi năm trở về cố hương.
Bài học nào rút ra từ quá trình sức sống luôn vượt qua những mưu toan vùi dập trong gia đình nhỏ bé này, một gia đình gần 40 năm vắng người đàn ông trụ cột?
Câu chuyện “lênh đênh thân thế…” khi gặp lại cố nhân cần nhiều giờ hàn huyên, một giờ sao đủ, anh Hiên nhỉ!
Sài Gòn, Giáng sinh 2024
[1] https://www.thivien.net/V%C5%A9-Ho%C3%A0ng-Ch%C6%B0%C6%A1ng/G%E1%BA%B7p-l%E1%BA%A1i-c%E1%BB%91-nh%C3%A2n/poem-il2-xU_Q-nIFla-ypApHCA
[2] Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, kỳ 9, Văn Việt 23.5.2022: https://vanviet.info/van/dm-giua-ban-ngy-ky-9/
[3] Cụ Vũ Thế Mục.
[4] Vũ Thư Hiên, Ngày về, Văn Việt 31.5.2021: https://vanviet.info/van/ngy-ve-2/