Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2024

Hãy đưa tôi về nhà

Hoàng Nga

                                                Take me home, country road. To the place I belong…

                                                                                                               John Denver

Chàng bị lọt thỏm vào giữa hai… ông già. Tình cờ. Rất tình cờ.

Tính ra tình cảnh của chàng lúc đó là bị sống giữa một rừng gươm. Vì kể luôn ông hàng xóm ở phía bên kia đường, hoàn toàn đã không có một bông hoa, cho dẫu là hoa dại ven đường ở chung quanh cho vui mắt đi chăng nữa!

Nhưng điều kỳ lạ hơn, là trong thành phố không bao nhiêu đồng hương, dân da vàng từ các xứ khác cũng chẳng có mấy, vậy mà ông già bên trái căn chung cư của chàng lại cùng bọc, cùng bào. Mẹ Âu Cơ trăm trứng.

Khăn gói tới thành phố ấy theo công việc của hãng, lẽ ra chỗ chàng ở phải là khách sạn, nhưng một phần vì ngán không khí khách sạn, phần khác tình cờ thấy có appartment cho thuê ngắn hạn, chàng bèn đổi khẩu vị, dọn tới… rừng gươm. Hành lý của chàng lúc ấy chỉ là một valise quần áo nhỏ, một ít sách vở, một máy điện toán và chiếc cặp đựng hồ sơ, nên chỉ cần hai, ba vòng là chàng đã dọn nhà xong.

Và tuy dẫu thời gian chàng xuất hiện trước sân nhà rất ngắn ngủi, mà có lẽ cái hiệu ứng trăm trứng toả ra mãnh liệt quá nên hàng xóm chàng đã nhận ra ngay người mới dọn tới có thể dính dáng tới mình. Một cách hết sức vội vàng, ông già chạy đến chỗ đậu xe của chàng, run giọng hỏi “China?”, rồi khi thấy chàng lắc đầu và nghe hai chữ Việt Nam, ông liền xổ ra một tràng như đang líu lưỡi:

- Chời, chời, Diệt Nam hả? Chời, chời, thiệt tình! Thiệt tình là Diệt Nam xao chời!!!

Phải nói là ngay lúc ấy chàng đã không biết phản ứng như thế nào. Còn ông già thì bật cười lên rất to:

- Chời ơi. Ngộ thiệt à nha! Ở cái chỗ này mà cũng là Diệt Nam. Chời ơi, Diệt Nam cái gì dầy nè!

Nghe đến đấy thì chàng bèn bật ra cười. Chàng định nói ở châu Phi còn… Việt Nam thì nói gì ở xứ này! Nhưng thấy điệu bộ quýnh quáng mừng rỡ của ông già chàng lại thôi.

Đúng ra vào thời điểm hai người biết nhau như thế, có lẽ chàng không nên gọi ông già là ông già. Vì tính trên giấy tờ ở xứ này, tuổi của ông vẫn chưa được kể là senior, chưa bị liệt vào hàng ngũ người sắp sửa hưu, nên không thể gán cái danh xưng ấy cho ông được. Tuy nhiên không hiểu sao trong trí chàng, thì người ấy vẫn là một ông già.

Như thể cho… xứng đôi xứng cặp với người hàng xóm bên phải.

Người ta thường nói dân Á châu trông trẻ hơn dân da trắng dầu cùng tuổi, tuy nhiên trên thực tế thì không thể nói như vậy được. Vì ngó tới ngó lui cách gì đi nữa, hậu duệ Âu Cơ Hùng Vương vẫn rất quắc cần câu so với hậu duệ Washington. Hẳn nhiên khi so sánh như thế, chàng đã bỏ qua các yếu tố di truyền chủng tộc, nhưng rõ ràng cái dáng cằn cỗi như một cây bonsai nhiều tuổi của đồng hương chàng trông đã quá thảm thiết, cái làn da đen sạm càng thê lương hơn mới là cú sút thủng lưới dành cho ông. Theo lời ông kể thì cho đến lúc đó, dễ chừng đã mười năm không dầm mưa dãi nắng gì ở cái thành phố quanh năm lạnh như cái tủ nước đá này, nhưng thay vì da dẻ phải khác đi, đằng này ông già cứ nhất định trơ như đá, vững như đồng. Từ đầu đến chân, chỉ một màu xin xỉn tối.

Và chân tướng, lý lịch trích ngang của ông già, chỉ cần một câu thôi là… lộ nguyên hình. Ông già kể ngày xưa mình đi biển. Nhưng không phải lính dù đi biển. Mà là nghề chài lưới, ở một vùng duyên hải nhỏ.

- Bị làm nghề cá mới theo tàu đi dầy nè.

Không biết nói gì nên chàng đã dạ. Ông già lại than qua đây rồi nhớ sóng nhớ biển. Chàng lại dạ.

Công việc bận rộn, sáng sáng vừa bảnh mắt là chàng đã phải ra khỏi nhà, đến tối mịt mới về tới. Vào cái thuở internet còn nhiều hạn chế, chuyện lên lịch trình, sắp xếp công việc kế tiếp với khách hàng, viết báo cáo cho công ty làm chàng tối tăm mặt mũi. Nhiều hôm đến tận khuya, chưa kịp ăn, chưa kịp uống xong ly nước, chàng đã ngủ gục ngay trên bàn. Rồi cuối tuần, nhất là vào những long week-end, được nghỉ sớm từ thứ sáu, hoặc không phải đi làm vào thứ hai là chàng lại hối hả chạy về phố cũ.

Nên vì thế mà chàng chẳng bao giờ có dịp nói chuyện lâu với đồng hương. Chỉ dăm ba câu ngắn ngủi là lại phải cáo từ. Tuy nhiên dẫu không rảnh, không có thì giờ để trà dư tửu hậu, chén chú chén anh, vậy mà qua những bày tỏ vội vàng, những câu chuyện gấp gáp, chàng cũng biết ra đồng hương mình không ưa ông già hàng xóm bên phải. Hậu duệ vua Hùng nói:

- Thằng cha đó kỳ thị dữ lắm.

Và như để bảo đảm cho lời nói của mình, ông già đã đưa tay lên y hệt tuyên thệ trước toà:

- Tui nói thiệt á.

Thấy ông già có vẻ khẳng định chắc chắn quá, chàng đành nhỏ nhẹ hỏi:

- Trước đây có đụng chạm gì không bác?

Ông già vội vã lắc đầu:

- Đụng chạm gì đâu! Nhưng ở đời mà, chỉ cần một lần thôi là đủ biết con người ta ra sao rồi.

Chàng phì cười:

- Vậy là bác hay quá.

Ông già lại lắc:

- Hay ho gì chớ… Chỉ là tui làm đồ đem qua cho, mà thằng chả chê không lấy. Thử hỏi tui không đi guốc vô bụng thằng chả chứ sao nữa!

Chàng gãi đầu:

- Có khi nào là vì ổng chưa thử thức ăn châu Á của mình không bác?

Nghe đến đấy, ông già giãy nãy lên như đụng phải ổ kiến lửa:

- Thằng chả có đi lính ở Việt Nam mà chưa thử đồ ăn của mình là sao!!!

Chàng tròn mắt ngạc nhiên. Không hiểu nổi tại sao không trò chuyện, và chỉ một lần mang thức ăn sang biếu đã bị từ chối mà ông già lại biết hàng xóm có đi lính ở Việt Nam. Nhưng không kịp để cho chàng hỏi thêm, ông già nói:

- Để kể cho nghe, là hồi tui mới tới, thằng chả ra bờ rào đứng ngó qua, tui gật đầu chào, thằng chả gật lại, rồi thằng chả hỏi tui Chai na, Diệt Nam, tui nói Diệt Nam. Dậy là thằng chả xổ ra một tràng liền. Mà bị cái là tui có nghe ra gì đâu, nên tui lắc đầu. Tui nói “mi nô nô”, nghĩa là tui không hiểu. Cái thằng chả giơ tay lên như cầm cây em mờ mười sáu, rồi chả lia dô tui, miệng thì la “pằng pằng pằng”, kêu vi xi, vi xi. Chời ơi, tự nhiên cái kêu tui là Vi xi à. Tui hỏi chú em chớ không kỳ thị thì còn là gì! Tui dầy mà thằng chả gán cho tui là vi xi!

Sau đó ông già lầm bầm một cách rõ lớn “Sao chớ, vi xi gì chớ. Vi xi sao đi dượt biên được chớ!”.

Không biết trả lời cách nào, chàng bèn mỉm cười lần nữa, nói chắc có hiểu lầm gì đấy và hứa để có dịp sẽ nói chuyện với bên phải cho rõ. Ông già bĩu môi:

- Thôi đi, tui bảo đảm thằng chả nghe chú em là Diệt Nam như tui là ghét liền cho coi. Ở đó mà nói chuyện!

Chàng hứa vậy, nhưng như hứa… bừa, vì ngay sau đó chàng quên bẵng đi. Phần khác do chàng chỉ có dịp “say hi” mỗi khi chạm mặt với hậu duệ Washington, chứ chưa thật sự có lời chào hỏi, giới thiệu cách tử tế. Hẳn nhiên là không phải tại chàng sợ hàng xóm ghét Diệt Nam, nhưng tất bật túi bụi, chàng hoàn toàn không có thì giờ để xây dựng một quan hệ hữu nghị lâu dài và bền vững.

Mãi cho đến hết mùa đông, hết những ngày tuyết giá lạnh lẽo, một hôm khi đang chân trong chân ngoài ở cổng, chàng bỗng khựng lại vì một giọng hát rất ấm với tiếng đàn Ukulele vang lên từ hiên nhà hàng xóm. Bài hát của John Denver đã lâu ngày không còn nghe ai hát khiến chàng vừa ngạc nhiên vừa bồi hồi. Có thể nói đó là bài hát từng làm chàng chảy nước mắt nhiều lần và ray rứt nhớ nhà vào những năm mới định cư tại xứ sở này.

Những lời ca tha thiết “Almost heaven, West Virginia. Blue Ridge Mountains, Shenandoah River. Life is old there, older than the trees. Younger than the mountains, growin' like a breeze. Country roads, take me home. To the place I belong…”, đã khiến chàng thổn thức, khát khao thèm được một lần trở về. “Đời sống cũ kỹ nơi ấy, già hơn những hàng cây. Trẻ hơn núi, lớn lên tựa như hơi gió nhẹ. Ôi những con đường, hãy đưa tôi trở lại quê hương, nơi mà tôi thuộc về…”.

Hôm ấy chàng đã đứng yên như thế cho đến lúc ông già chợt ngẩng lên, thấy chàng và mỉm cười chào. Chàng gật đầu chào lại. Khi nghe chàng nói đã lâu lắm rồi mới được nghe lại bài ấy, ông già tròn mắt lên ngạc nhiên:

- Trẻ như cậu mà cũng biết bài này sao?

Chàng đáp vâng và nói thêm:

- Tôi cũng được nghe từ một người hàng xóm cỡ độ tuổi của ông. Bài hát này có những câu gợi tôi nhớ đến quê hương mình.

Người đàn ông gật gù và cười hiền. Chuyện trò qua lại một hồi, cuối cùng chàng hỏi mình có thể mang ít bia sang uống và nghe ông hát được không. Ông già mừng rỡ đồng ý ngay. Hôm ấy hai người đã ngồi đến tận khuya. Trao đổi với nhau vô số chuyện về cuộc sống hiện tại của hai người. Nhắc lại bao điều về nơi chàng sinh ra và lớn lên.

Ông già có thời từng đi lính ở Việt Nam thật. Hai năm. Ông nói con số hai năm có thể nói không dài so với đời sống của một con người, nhưng đã không quá ngắn khi người ấy phải đi qua những tang tóc và thương đau ở lứa tuổi lẽ ra là được ngồi trong giảng đường, hay làm việc tại một công, tư sở nào đó. Ông già bảo hai năm không quá nhiều để những chuyển biến, thay đổi hay bể dâu xảy đến trong đời một chàng thanh niên tuổi chớm hai mươi, nhưng ngược lại cảnh đồng đội mình ngã xuống, cảnh người bản xứ từ cả hai bên chiến tuyến bỏ mình trên chiến trường, cảnh chém giết ác liệt tưởng chỉ được xem trên phim ảnh bỗng trở thành chuyện hằng ngày, chuyện phải chứng kiến tận mắt khiến người lính viễn chinh trẻ đau đớn lẫn hãi hùng.

Không hẳn như chàng, nhưng ông già kể bài hát Take Me Home, Country Roads với những lời ca buồn bã, nhịp điệu chậm, ra đời ngay vào những ngày ông sắp sửa mãn hạn quân dịch cũng đã làm ông khóc rất nhiều. “Take me home to the place I belong…”, hãy cho tôi về quê hương, nơi mà tôi thuộc về…, cũng là những lời nói lên tiếng lòng ông thuở ấy. Ông kể:

- Nó thành bài ca kỷ niệm của tôi. Sau này già hơn, khi tâm tư thư thái, và nhớ những ngày vui vẻ tại quê cậu, nhớ những cảnh đẹp của phố phường, của thôn quê nơi ấy, tôi thường hay hát lại bài này. Nhưng hôm nào lòng bão tố vì những câu chuyện trong quá khứ hiện về, thì tôi đã phải đi tìm một công việc gì đó, cuốn mình vào những chuyện gì đó để quên đi những cảm xúc ghê rợn đó.

***

Sự lọt thỏm của chàng là một tình cờ. Giữa hai người đàn ông cùng đi qua những cơn đau thương của nơi chàng sinh ra, lớn lên và lìa bỏ. Tuy nhiên vì không ở lại nơi đó lâu, chàng đã chẳng chia sẻ được gì nhiều. Chỉ trừ một điều là trước ngày từ giã, chàng mời được cả hai ông già sang nhà, uống với nhau vài chai bia, ăn vài món đồng hương chàng nấu. Rồi chàng làm nhịp cầu, dịch qua dịch lại cho hai ông già. Chuyện thời chiến tranh. Chuyện vượt biên của hàng xóm bên trái và của chàng. Cả chuyện ông bên phải từng muốn kể mình đã từng đánh nhau với Việt Cộng…

Và chàng gần như chẳng có dịp nào trở lại thành phố đầy tuyết trắng. Nhưng không hiểu sao thỉnh thoảng cái khung cảnh nơi chàng trú ngụ chỉ vài tháng ấy lại hiện ra với chàng. Kể cả những khi chàng du lịch qua vùng ôn đới. Khi lên núi cắm trại. Khi xuống biển câu cá. Thậm chí khi nhìn thấy vệt mây xám như những mảng màu được tô trên nền trời xanh lơ tương tự như lời bài hát Take Me Home… Đến nỗi có lúc chàng đã phải tự hỏi phải chăng vì nơi chàng hiện đang sinh sống vô cùng ấm áp, khí hậu vô cùng ôn hoà nên thành phố có thời tiết khắc nghiệt ấy bỗng dưng trở thành đậm nét trong trí chàng. Hay nơi ấy tựa như một bức tranh, một khuôn mặt người đặc biệt nào đó đã để lại những ấn tượng khó quên dẫu chỉ được nhìn thấy qua một lần.

Chàng không bao giờ nghĩ chính mình cũng đã để lại ấn tượng khó quên với người hàng xóm. Giữa phố xá đông đúc vừa mới được mở cửa sau cơn đại dịch, giữa một thành phố cách xa vùng tuyết trắng đến hàng giờ bay, trong một khu chợ nhiều đồng hương, một ông già đã nhận ra chàng. Khi ấy chàng vẫn phải mang khẩu trang theo yêu cầu của thành phố, nhưng ông già đã xác định ngay tức khắc chàng chính là người hàng xóm năm cũ. Ông run giọng y hệt ngày gặp chàng lần đầu tiên:

- Cậu ở gần nhà tui hồi cậu đi công tác cho hãng phải không?

Chàng tròn mắt. Sững sốt. Bởi chàng không thể nào tưởng tượng nổi gặp lại cố nhân ở một nơi như vậy, sau một khoảng thời gian dài đến vậy. Ông già nói:

- Chỉ cần thấy ánh mắt của cậu là tui nhận ra liền.

Chàng vô cùng kinh ngạc, nhưng lại đùa:

- Bộ ánh mắt con dữ dằn lắm sao mà bác nhìn ra được ngay?

Ông già lắc đầu:

- Không đâu. Chỉ là lần đầu tiên gặp cậu hồi đó, tui thấy yên tâm y như mình là chòm xóm lâu năm… Mà chòm xóm lâu năm thì dễ gì quên được. Cậu đi rồi, tui buồn cả năm trời.

Chảng nhận ra ông già không còn gọi chàng là chú em mà là “cậu”. Giọng nói của ông cũng trầm xuống, chậm rãi hẳn đi so với ngày ấy. Lúc hai người đã vào quán nước, ông già kể đang đi thăm bạn bè ở thành phố này, và ngày nào cũng ra chợ Việt Nam nhìn ngó đồng hương đi mua sắm. Nghe chuyện, chàng đoán ông già vẫn còn định cư nơi cũ nên hỏi ông có còn ở khu nhà chỉ có gươm không có hoa đó chăng. Ông già gật đầu:

- Chỗ đó yên ổn. Ở riết, quen, thì cũng đâu có muốn dọn đi đâu. Mà lúc cậu đi rồi, tui với ông Mike hay qua lại, ổng dạy tui nói tiếng Anh, còn tui thì lâu lâu nấu cho ổng ăn, có hai người cũng vui nên dọn đi làm gì.

Chàng “ồ”:

- Vậy chắc giờ bác giỏi tiếng Anh lắm phải không?

Ông già cười:

- Tui quơ nhiều hơn nói. Ổng dạy riết chắc mệt nhưng quơ quơ vậy mà cái gì thằng chả cũng hiểu. Còn bắt tui nấu món nọ món kia cho chả nữa chớ. Sau này chả ăn đồ ăn mình nhiều hơn tui nữa à nha.

Rồi ông già vui giọng kể chuyện mình đi làm part-time một tuần vài bữa. Kể chuyện ông Mike rủ đi câu cá mà không biết ông già làm nghề biển, nên bày đặt chỉ vẻ nọ kia. Chen lẫn giữa những câu chuyện là những tiếng cười tươi như trẻ con. Chàng cũng cảm thấy ấm áp và vui theo. Chàng hỏi:

- Rồi bác có dẫn ổng xuống đây không?

Đang vui, bất ngờ ông già bỗng đổi sang giọng bùi ngùi, não nề:

- Chời ơi, ổng đi sao nổi cậu?

Ông già chớp chớp mắt:

- Già rồi, bịnh tùm lum cậu ơi. Bữa ổng nằm liệt, tưởng ổng Cô-vít, tui chạy qua chạy lại nấu nước xông, nấu cháo cho ổng cả tuần lễ, lo chết lên chết xuống, cuối cùng bên sở xã hội cho người tới chở ổng vô nhà thương… Thiệt tình, bữa đó tui buồn muốn đứt ruột luôn. Cứ sợ ổng đi là đi luôn…

Không để cho chàng chen vào, ông già nói nhanh:

- Bị không con cái, không người thân gì nên sợ người ta tự quyết định… Nội cái chuyện không cho mình đi thăm, không được thấy mặt ổng lần cuối là tui hoảng rồi.

Chàng ngồi lặng. Hình ảnh nơi chốn cũ hiện ra. Trước mắt chàng như đang giăng đầy những cụm tuyết trắng. Hàng hiên nhỏ với chiếc ghế gỗ. Dáng ông Mike ngồi chơi đàn và hát bài Take Me Home. Đôi mắt người đàn ông thật buồn. Và tiếng đàn Ukulele trong thanh… Chàng không dám nói cũng không dám hỏi thêm điều gì. Ông già im, xoay xoay ly cà phê trong tay một hồi, mãi sau mới nói:

- Cũng may rồi cuối cùng người ta cũng đưa ổng về. Không đi luôn… Tui mừng gần chết. Đợi cho ổng yên, tui nói với ổng là tui xuống đây chơi vài bữa, mà thiệt ra tui muốn mua mấy thứ về ăn Tết với ổng. Chỗ đó, cậu biết rồi không có nhiều đồ đạc như ở đây. Năm nào qua nhà tui ăn Tết, ổng cũng nhắc chuyện Mậu Thân, tui la hoài mà ổng cứ nhắc. Không biết ổng nhớ cái gì. Nhưng nhớ gì thì… thây kệ ổng, phần tui, tui đi mua mấy thứ thiệt là Tết xứ mình đem về, ăn với ổng, đền ơn hồi đó ổng đánh giặc giùm mình.

Chàng ngước nhìn ông già. Lòng bồi hồi. Tấm chân tình của ông già làm chàng xúc động. Chàng nhớ giọng ông Mike trầm trầm. Dark and dusty, painted on the sky. Misty taste of moonshine, teardrop in my eye…

Chưa Tết, mà chàng có cảm giác Tết đang rất gần. Nước mắt chàng rưng đầy.

Chàng gọi thầm, hàng xóm tôi ơi!

H. N