Phong Âm Truyện ngắn
Người đến tôi và từ tôi đến người
Cho tôi để lại một dấu chân lún bùn!
Mẹ gõ nhẹ đầu em cười lo lắng
Hai tiếng người ta cất lên tự bao giờ
Rẽ đường cho thời gian lê bước mòn mỏi
Nứt giữa khoảng lặng không gian…
…em thấy chới với, trôi dòng chảy người.
Đứa trẻ, những đứa trẻ cùng trôi
Từ bản làng, ngõ hẻm qua phố thị
Rú căm hờn, cho em cười vẩn vơ
Em rú căm hờn mà cùng người vẩn vơ
Luống quên ngâm ngợi…
…khóe miệng động, chăng em mỉm cười?
Trời ơi! Sao để tôi nhớ, tôi cười tôi
Trời ơi! Cái tôi thứ ba hóa thành người.
Tự em gõ đầu em lơ đãng
Tháng năm chở mẹ bay qua những triền đồi
Khắc khoải biết mấy con ơi,
Chỉ là ẩn hiện một thoáng nơi cõi người
Có quá lắm, một cái tôi
Có quá lắm, run sợ chập chùng bóng tối
Sớm mai nắng đến thiêu rụi buổi chiều hôm
Có quá lắm ôm chầm bao ngọn đuốc
Con cũng chỉ là một con người!
Mẹ ơi, con cũng ngang qua những triền đồi
Giữa lưng chừng con ngước nhìn dãy núi
Hai chiều hướng, gió quạt lòng mát rượi
Sông nơi đâu? Có dòng sông loanh quanh qua đồi.
Trời ơi, lại lặng mỉm cười
Tôi quay ngoắt giận dỗi chính tôi
Hai chiều hướng, thổi tro tàn rực lửa
Tôi mỉm cười, căm hận. Cười cay đắng
…nước gợn sóng, “quên”, nhịp gió
…tôi giật mình, vô thức tôi mỉm cười.
Giữa lưng chừng đồi!
Phong Âm - Hà Nội, 8/12/2023
(Một bài thơ tôi tìm thấy trong cuốn tập của em)
“Ngày hôm nay tôi phát hiện trong căn phòng sạch sẽ của mình có một con gián. Con gián có lẽ đã sống trong ô tủ đóng kín với đống sách vở suốt một thời gian dài. Một tuần qua kể từ ngày tôi phát hiện ra, con gián vẫn còn sống.
Ba tháng nay tôi sống trong căn phòng của mình, khác với con gián tôi thường xuyên phải ra ngoài, hoạt động linh tinh rồi mới trở về, tôi vẫn còn sống.
Bữa nay, thu dọn đồ để mai dời đi, tôi lại nhận ra sự tồn tại phi lí của con gián, không thức ăn, không ánh sáng, nó vẫn còn sống, nhưng chậm chạp hơn bữa trước và tôi có thể dễ dàng tóm lấy nó vứt ra ngoài.
Đã ba tháng kể từ lúc tôi dời đi, không ai mở cánh tủ đóng kín nữa.
Hôm nay, giữa những kẽ hở chồng sách cũ, tôi nhìn thấy vỏ trứng gián trống không.”
Mơ màng ngước lên bầu trời thở, tôi thấy giọt nước mắt của em rỏ xuống khóe miệng mặn chát. Em từng nói với tôi rằng có những ba trăm năm. Chỉ cất bước đi vô hình dưới bóng bằng lăng, em thấy mình cắm rễ ở cái nơi đó, em già nua, rồi em gào khóc khi khoảnh khắc ba trăm năm tan biến vào hư không, ba trăm năm tạc vào thạch bản cho hậu thế biết đến sự tồn tại của cố nhân, nhưng mãi không thấy có ý đi tìm.
Em thích buông thõng hai tay, cho loài thuồng luồng cắn chết mà trôi sông. Em không biết rằng trong giấc mơ của tôi vẫn luôn bị ám ảnh bởi tích chuyện về loài thuồng luồng “nó sắp từ dưới mặt nước ngoi lên rồi đấy”, khi tôi lẫn trong đám trẻ ùa ra ngoài bờ bãi thì dòng sông đã đội hẳn lên, hóa ra nó chính là con thuồng luồng ẩn mình, to lớn đến mức chặn hết lối thoát của chúng tôi. Không biết đã có bao nhiêu người bị cắn chết cho dòng sông trở lại hiền hòa. Bằng một ý chí nào đó, những người còn sống trộm nhìn nhau, khi ấy chúng tôi nhận ra rằng mình là loài thuồng luồng. Tôi sẽ không bao giờ kể lại giấc mơ đó cho em.
Khi em nhìn tôi, trong mắt em tôi thấy đôi con ngươi mình sáng chói, vàng lấp lánh như hạt châu sa. Càng nom càng thấy hiền dịu lạ thực chẳng hợp với khuôn mặt vuông vức có phần dữ tợn của tôi. Hai bên quai hàm bỗng nóng ran ngứa ngáy, em chưa nhìn lại, chỉ thản nhiên xem tôi đang nhai ngấu chính mình.
*
Tôi chỉ đơn thuần là người thầy của em.
Đã bao buổi học trôi qua, lần thứ hai em nhìn sâu vào mắt tôi hình như là lúc tôi nói với những người học trò của mình về cuộc đời: “Cũng trải qua hết rồi”. Vì không có câu chuyện thuộc về quá khứ nên chúng chỉ nghĩ đơn giản là thầy đang nói vu vơ. Liệu em có phải một thái cực khác, khi những người học trò của tôi xôn xao nói về giấc mơ, thì em lại ngồi lặng im và trả lời người bạn xã giao rằng: “Mình không có giấc mơ”.
Ngày hôm nay người bạn xã giao không đến, em chỉ ngồi bên cửa sổ mơ màng bóng em đội mưa ra về. Chẳng ai còn có thể lay gọi em được nữa, bài thơ vẫn được cất lên như thể dòng chữ vô tri từ giác tính trở lại không gian gốc của nó, nơi nó sẽ đến và sống tiếp trong ký ức của bao người khác. Trong em đã có bao người sống, vậy tại sao vẫn còn trống trắng, đối diện với sự tồn tại của tôi, em đáp lại chính mình cũng bằng sự trống trắng.
- Em đọc đi, bài thơ Ba trăm năm.
- Ba trăm năm. – Thể như sự rụng rơi của con chữ, và em theo đà đọc:
Tôi đã ngủ quên
Suốt 300 năm trong rừng già,
Khu rừng đủ mọi loại cây nhưng cằn cỗi và chết rồi.
Tôi đã ngủ quên
Khi tự lẳng mình vào cỗ máy thực hiện giấc mơ,
Suốt 300 năm không ngừng tự đầy ải, nhuốm linh hồn vào hồi ức đã chết của rừng cây.
Ngỡ là ta đã vun đắp cho linh hồn vẻ kiêu sa, nguyên sơ huyền diệu,
Sau cùng ta lại đóng băng giữa rừng cây suốt 300 năm tù đầy.
Trên cao, giọt không trung
Rơi tí tách, vỡ ra linh hồn,
Hình người nhưng mọc rễ loài cây.
Là ta chăng?
- Là ta chăng. – Lũ học trò của tôi reo hò khoái chí. Còn em chỉ ngoái nhìn ra bên ngoài, chẳng buồn bực dọc, “người mọc rễ cây” con chữ đơn thuần loang màu xám đen khắp khu rừng, “mưa bắn giọt cũng vẩy xuống người một màu đen”.
Ba trăm năm ấy là thời gian thuộc về em, giá như em chịu liên tưởng đến ba trăm giọt mưa giáng xuống cho em nát tan, dìm em xuống đầm lầy nhơ nhuốc giữa thành phố… thì em đâu khiến tôi tức giận đến thế, tức giận đến mức tôi thấy thương em nhiều hơn.
- Đứng dậy! – Tôi đã thét lên. – Tôi chưa bảo em ngồi xuống. Hãy đọc bài thơ thêm một lần nữa và nói ra những cảm nhận của em, đó mới là thứ tôi mong muốn. – Tôi hạ giọng, chậm rãi nhắc lại. – Hãy đọc lại một lần nữa, nhưng đừng chỉ đọc ra những con chữ.
Chắc chắn em đã hiểu rõ, cũng đứng dậy nhưng chẳng để vào đầu lời nhắc nhở “cảm xúc” của tôi. Lần này, con chữ vẫn như tiếng mưa rơi, trôi hững hờ, dạt vào triền bờ, lại bị gió và cỏ đưa đi, xa mãi, em đọc như thể không còn có thể trở về. Những người học trò ngồi giả như đang chăm chú xem sách, và khi em ngừng lại vẫn không chịu trả lời. Em chỉ bảo rằng bài thơ thật khó hiểu, còn lũ học trò của tôi vươn lên từ cuốn sách chúng nhao nhao thắc mắc:
- Thầy ơi! Đó chẳng phải là tự giam cầm chính mình sao.
Hay như:
- Mặc dù không hiểu, nhưng em rất thích hình ảnh thơ, như thể nó tượng trưng cho sự tạp nhiễm từ chính sự tri nhận của con người, hay đơn giản hơn chỉ là một nỗi cô đơn, em nghĩ nỗi cô đơn nằm ở giữa.
Tôi chắc chắn, em không thể nghĩ được như vậy. Khi hướng mắt về phía người bạn, em nhìn tôi như thể nói rằng em không đủ sâu sắc để hiểu, và cũng không đủ can đảm để nói lên một điều sáo rỗng tương tự.
Thật tệ!
- Bài thơ này đã ố màu trong cuốn tập của em, có một vài thời điểm sự im lặng chính là biểu hiện của thái độ không tôn trọng người đối diện. - Tôi chán nản chỉ đành nhìn em buông lời trách móc tựa như vậy. - Khi những người học trò ra về, tôi gắng đã hỏi thêm em: Có phải không còn cảm nhận được sự tồn tại nữa hay không? Tái tạo làm sao ngay giữa khoảng trống? Tôi đã cố tạo ra những người để buộc em lại và sẽ vẫn còn người của hiện thực để giúp em tìm về. Mưa phùn mùa Đông nặng trĩu, tôi biết rằng em đang hối hận, dưới làn mưa buốt giá, chiếc áo khoác gió màu vàng mỏng manh đang tự hỏi người được nó chở che sao không thấy lạnh. Còn em thì đang tự nhủ: thật dễ dàng để nhớ lại một chuyện gì đó, nhưng cũng thật dễ dàng để quên đi, ắt bởi đã phớt lờ quá nhiều lần. Cơn mưa buổi chiều tối, giáng xuống mảnh đất khô cằn cho hạt mần nảy nở, em đã đưa mình trở về hiện thực. Người lướt qua nhiều phần khắc khổ, trong con mắt đầy thâm tình, em đón nhận chẳng chút hoài nghi, nhưng vẫn không có ý định hồi đáp. Ánh mắt mong chờ, thất vọng xuất hiện trong trái tim nứt nẻ của em, từng giọt mưa tuôn rơi, sắc nhọn như những mũi dao, em hối hận và đã tự nhủ: mình nên nói một lời gì đó, ôi người ấy thật trân quý. Khi đem lời chôn kín nói với người tồn tại phía trong, em chợt nhận ra sự bất tương xứng: trở về hiện thực mất rồi, làm sao có thể đứng chung trong một thế giới. Em mỉm cười, sự chênh lệnh của những thế giới, sự chênh lệch ấy có khi nào chỉ ở riêng em.
“Thôi, cũng chẳng sao, phải vắt óc tìm kiếm lời để nói, hoặc ngấp ngứ giữa chừng, hoặc chẳng được hồi đáp. Tự mình sẽ thấy hối hận và day dứt, phải rồi chẳng có gì tệ vị trí chủ thể tham gia, cái vai trò chết tiệt đấy, nghiệm từ mọi hướng đều thấy rõ nó chỉ đơn thuần là một cơn say”. Những bọng bong bóng rơi lạch cạch nơi nền đất, những bọng bong bóng bay hững hờ trên không trung, giữa mênh mang mà không sao tìm được không gian để cùng tồn tại. Em đã nghĩ như vậy. Hãy nhắm mắt lại, không còn cơn mưa, giấu trong đôi tay con dao cắt xẻ thế giới, không còn cơn mưa, hãy đem những bọng bong bóng vào thế giới riêng tư, cất giấu tình thế không tương xứng giữa chúng. Tự em đã làm mình thoải mái hơn.
Em có thể trở về nhà, hoặc tìm đến một quán trọ nào đó, chỉ cần có ô cửa sổ dù cho không gian em đang sống là cái chuồng lợn hoặc phòng giam, em vẫn có cho mình được sự dễ chịu. Đừng nghĩ rằng em trốn tránh, chỉ là em đang thực hiện việc sống rõ ràng và thái quá hơn, cắt đi những làn ranh giới, để em chạm đến đáy thèm khát của bao người chính thời điểm họ rơi vào tình thế khổ sở: người. Hãy cứ hình dung em, đôi mắt không chớp từ trên cao hướng xuống một cách hững hờ, bóp méo không gian, rằng đây cũng chẳng phải sự ám ảnh mà là tôi để mọi người sống tiếp trong tôi.
- Đó cũng là một cách sống, dẹp bỏ đi mọi sự thận trọng.
Em vẫn sống cùng người của hiện thực và sống cùng người của em. Đừng hỏi tại sao, em không còn muốn phân tách xem đâu là sự thật.
Vì không chịu đi ngủ, nên ngày hôm nay của em mãi không thể kết thúc. Những người em gặp không nhiều, khoảng chừng một tốp bốn hoặc năm người, bồng bềnh trong những bọng bong bóng và được kiến tạo liên tục. Bằng việc bám víu vào một mảng ký ức, em tạo ra đồng thời sự lương thiện ở người này và tội ác ở người kia, gắng nhào nặn sự khác biệt để phân biệt với em, nhờ vậy em có cho mình sự tồn tại, trong khi tập thể người kia rất ít khi để ý và nói chuyện với em, bởi vậy chẳng có lí do gì để bảo em rằng nên coi tập thể người sống ngoài kia là hiện thực: những người ấy trong tôi đầy chân thật, tôi có cảm xúc với họ, tại sao cứ nhất quyết nói rằng họ là ảo tưởng. Cứ như thế, em đặt cảm xúc của mình lên trên tất thảy, và trôi đi như những bọng bong bóng, dù có va đập vào nhau cũng không hề xây xát hay vỡ nát.
Người khác nhìn thấy điều gì ở em?
Ảo tưởng, đặc biệt những ảo tưởng đau khổ chính là sự viêm mạc cảm xúc, nghe thật thô bỉ, nhưng thứ suy nghĩ này đã được xác tín. Bọng bong bóng chẳng khác gì nguồn sống của em, yêu chiều con người sống cùng ảo tưởng, thực ra em đang ăn ảo tưởng để sống. Em không hề nhốt họ, em ăn chính mình từ những khao khát và ám ảnh về sự tồn tại của họ - đó là sự tham lam tha nhân mà cả tôi cũng có. Vì không thích những câu chuyện, nên thật khó để kể về em, thật khó để hình dung một cá thể người chỉ như một chiếc bóng.
Em lưng chừng như dòng sông chảy ngang đồi, ẩn hiện rồi lại mất tích. Tự em thích vậy, và tôi biết tự em cũng căm gét điều đó.
**
“Tại sao phải cố gán ghép, nhồi nhét các sự kiện vào một nhóm đặc trưng trong khi cuộc đời của chúng ta vốn chẳng có câu chuyện nào”.
Tôi cũng lấy vợ như bao người đàn ông khác trên đời, hai đứa con trai kháu khỉnh cũng đã lớn, chúng khôn ngoan và tỉnh táo đến mức nàng không cần phải lo lắng bất cứ điều gì ngoài bữa ăn sáng. Khi người em trai của tôi đột nhiên biến mất khỏi thế gian, cảm giác trống vắng chẳng còn nhìn thấy người nói nói cười cười, hoặc ngồi yên một chỗ cho người ngang qua biết rằng nó còn tồn tại… tôi không thể câm lặng, đã nhào tới ôm lấy đứa con cả của mình khóc nức lên như một đứa trẻ.
- Đời người mỗi lần như vậy thật mênh mang. – Và tôi đã hồ nghi rằng con tôi không thể hiểu câu nói đó.
Mỗi người lựa chọn cho mình một cách dời đi khác nhau, và sau này những đứa con của tôi cũng sẽ nếm trải cảm giác đó, khi có gia đình của riêng mình, nỗi mất mát phần nào được sẻ chia sẽ vơi bớt đi, nơi ấy tôi gọi là sự bám víu khác, nhưng làm sao có thể vơi đi hoặc lấp đầy một khoảng trống giữa vô vàn vết nứt. Đó có phải là tiến trình của đời người không cha? Tự tôi đã hóa thân thành đứa con và hỏi chính mình như vậy. Con đang đọc một cuốn truyện, với những mảnh lát cắt được xâu chuỗi đan chồng lên nhau, con có nghĩ đó là câu chuyện của cuộc đời mình không. Đấy là câu trả lời khiến tôi phân vân, trạm thời gian, nơi diễn ra câu chuyện nhưng lại chẳng phải là câu chuyện.
Tôi không biết mình tìm gặp em từ bao giờ, khác với tất cả những người học trò của tôi, lời khiến em chú tâm lắng nghe không phải là kể lại một câu chuyện. Em dường như biết nhiều hơn thế khi nghe loáng thoáng chỉ đôi dòng như: Trải qua rồi, chẳng biết nhờ nguồn sức mạnh nào mà vượt lên, sống tiếp được như vậy. Nghe có vẻ sáo rỗng, con người của hiện tại đã quá chán tai với kiểu nói chuyện về sự cố gắng, nỗ lực vượt lên hoàn cảnh vì họ đọc được trên khắp các trang mạng, nhan nhản cả ở những tờ báo tấm gương về “người” và sự vượt lên “người”. Một cái người là của chung, khiến chúng ta sục máu, và một cái người thuộc về nhìn nhận riêng, khiến chúng ta mệt mỏi.
Dù có nán lại bao lâu đi nữa thì cũng không thể tìm được điểm giao cắt giữa tôi và em, tôi đang thở trong cơn đau, một cơn đau mà không có bất kỳ loại thuốc nào thuyên giảm được. Ngoài kia họ gọi cơn đau này là căn bệnh trống rỗng, vì chẳng đóng kín nên chẳng có lỗ hổng nào cả, vài người bác sĩ tâm lý bảo với tôi rằng, họ bất lực trong cách tìm ra thuốc chữa bệnh. Họ lấy một ví dụ liên tưởng khá đúng rằng cậu ngang qua tất cả những cuộc đời và tất cả những cuộc đời dừng chân nơi chính cậu, nhưng thực ra cậu chẳng để ai ngang qua cuộc đời của mình, những bước chân vẫn không ngừng dời đi, đi mãi… Thật sự rất tệ, tôi không dám cãi họ và cũng không dám bảo họ rằng những gì họ nói nếu xảy ra trong tôi thì nó là di chứng của em, như vậy lý thuyết của họ thực sự có vấn đề.
Họ chưa từng gặp em, nên không hề biết trong em tồn tại rất nhiều người. Khi gặp được em rồi họ sẽ tìm ra đủ loại lý do, mà trước hết họ coi những người đó là do chính em tạo ra, vì vậy họ sẽ không chấp nhận, nghiên cứu ra một loại thuốc chữa trị cho những người đó ở trong em.
“Những người thuộc về ảo tưởng của một người thì đâu phải thực thể?”
Hôm nay, trên đường đến trường, ngồi trong ô tô tôi đã nhìn thấy em. Chậm rãi từng bước dắt đôi vợ chồng già qua đường. Cầu thang bộ đặt ngay phía trước chừng năm mươi bước chân, mà bà cụ lưng đã còng thể như cúi gập xuống một tay cầm gậy, tay kia buông thõng để ông lão bước bên cạnh níu giữ mà dẫn đi. Xe cộ băng qua, thấy người sang đường hoặc phóng nhanh hoặc liệng sang để tránh, đến đoạn phân tách giữa hai chiều thì xe ô tô của tôi chạy gần đến. Thật kỳ lạ, trôi trên dòng chảy đó, chỉ có tôi ngừng lại nhìn em ngập ngừng chưa biết nên bước tiếp hay lui xuống chờ đợi, ngồi trên xe tôi lặng mỉm cười rồi ra hiệu nhường cho em đi trước. Đôi vợ chồng già thấy bước chân đứa trẻ dịch chuyển cũng rụt rè tiến bước theo. Dõi theo em từ gương chiếu hậu, tôi thấy đứa trẻ lại chạy lên cây cầu trở về điểm bắt bus cũ. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy em.
Đến cơ quan, tôi kể lại sự việc cho người đồng nghiệp của mình. Anh ta chỉ mỉm cười nói rằng hệt như trên truyền hình. Thời điểm đó, em biết gì không? Một tiểu tiết tái sinh thành câu chuyện, em hóa thành giao lộ giữa ngã rẽ cuộc đời, và buổi chiều của hôm nay em đột ngột bỏ lớp học ra về, bà của em đã yếu lắm rồi! Đôi tay em run rẩy nắm lấy bàn căng phù của bà. Đôi vợ chồng già trở thành nhân vật chính trong câu chuyện của tôi, em nhớ về họ mà khóc cho cái chết của người ông vào mười bảy năm trước. Sống mũi tôi cay xè, mười bảy năm bà lại nuôi thêm em khôn lớn. Người già còn lại, em mất đi người già của mình, rồi em nhìn từ xa xăm nhìn về phía tôi mà run sợ sự trống trắng xa vời của những người đã sinh ra tôi chợt biến mất. Ngày hôm nay là lần đầu tiên tôi gặp em, dù chẳng biết gì về em nhưng trong tôi đã có nửa phần chân dung rõ ràng, là em, qua một giao lộ.
Dù không ghé qua đám tang, nhưng nhìn nghiêng qua khung cửa sổ tôi cũng thấy em buồn, không biết vì người dời đi hay vì không còn người ở lại. Trạm thời gian liệu có phải là giao lộ, nơi ấy chúng ta đều phải ngừng lại một chút trước khi tiếp tục dịch chuyển.
***
Dịch chuyển đâu có nghĩa là dời đi.
Cho đến hôm nay, tôi vẫn không sao lý giải được những người đó sống trong em là như thế nào, em sẽ nuôi dưỡng họ bao lâu. Khi ngồi lại phân định, tôi hiểu rằng không thể gọi đó là trí tưởng tượng được nữa.
Tôi sống trong em đã trở thành hình dạng nào? Liệu khi nhìn vào kẻ xưng “thầy” đó tự tôi có choáng váng, rồi bị y làm cho biến dạng hay không? Loài thuồng luồng hoành hành dưới dòng sông thực cũng chỉ như đang nhốt mình trong bọng bong bóng. Thêm lần nữa nhìn vào mắt em, tôi thấy một điều mà thảy cả dân làng đều không biết, có bóng thuồng luồng lướt qua bụi lau sậy.
Không biết có phải là do con quái đói ăn, hay nó đang lén trốn chính mình. Tôi nghe thấy tiếng gào của em khi bọng bong bóng rạn vỡ, những người ở trong em đang bị bệnh mà không sao có thể tìm được thuốc cứu chữa, không một ai, riêng em cũng không thể tìm ra cách đưa họ trở lại bọng bong bóng lành lặn. Khoảng cách của sự chênh vênh, trong em và hiện thực ngày càng xa lệch nhau, rõ ràng không thể tái tạo một con người hoàn thiện dù ngày qua ngày em vẫn có sự tương tác với thực thể sống của họ. Vì không thể chấp nhận họ là ảo ảnh tưởng tượng nên những con người trong em tồn tại rất mong manh. Hóa ra loài thuồng luồng chỉ lên bờ khi đã canh chừng được một thoáng nào đó có thể bảo toàn tính bất khả xâm phạm của nó. Nhìn sâu vào trong mắt em thêm lần nữa, tôi không còn có thể tìm được cơ hội thứ hai để xem bóng dáng đó là hình người hay dạng quái.
Họ sẽ bảo em bị điên, sống trong sự hoài nghi, dần chính kẻ hoài nghi cũng lãng quên mình trong sự hoài nghi đó, nhiều người gọi đó là sự “biến dạng”, còn tôi chỉ nghĩ đơn thuần đó là sự “mất dạng”, mất dạng trong cách hiểu của tôi là em còn có thể quay trở lại chính em tại một thời điểm nào đó, họa chăng còn có thể khôi phục được bức chân dung mà họ muốn. Hôm nay tôi cũng gặp em trên đường, giữa đông đúc người qua lại tôi tự hỏi sao có thể đinh ninh đó là em. Sự hững hờ mách bảo tôi như vậy, là sự hững hờ của cả tôi và em - đứa trẻ bước đi chậm rãi phía trước. Xe tôi lăn bánh phía sau, cùng giáng xuống con chuồn chuồn tre sự tan nát. Không hiểu vì sao, bản thân tôi chỉ nhìn bâng quơ không chút ân hận, phải chăng đứa trẻ của tôi đã thoái hóa, là thoái hóa chứ không phải biến đi đâu đó. Không chút cảm xúc, còn em vì sao sải bước chậm rãi trên dải đường vẫn cứ thản nhiên dẫm đạp xuống con chuồn chuồn tre mà đi.
Họ vẫn sẽ bảo em bị điên, còn tôi là người bình thường. Họ coi tôi như kẻ dung túng và bao biện cho em. Sống trong chính mình, tôi chọn cách sống ít hơn và dĩ nhiên là phải sống ẩn đi, em còn quá non nớt để hiểu rằng sự thật chân của cá nhân công khai rất dễ bị chỉ trích, và với em không thể gọi tên một thứ bản năng rồ dại, họ sẽ tìm cho em một căn bệnh. “Điên” trong nó có cả huyễn ảo và sự tôn kính, họ không biết rằng điên vốn là một mầm bệnh.
Khi em trở nên khác lạ, ngày nào với em cũng sẽ là cuộc chơi, không phải họ cố tình lấy em ra làm trò vui để cười đùa và hối hận mà thực ra chính sự khác biệt của em phiền nhiễu đến cuộc đời đang sống của họ. Ngày hôm nay, tiếng chuông hết giờ vừa gõ leng keng trên đoạn cầu thang, em đã lao ra khỏi đám bạn như một kẻ say khướt, em đang say – ngay chính thế giới sống. “Chạy như điên, nó chạy bạt mạng”. Mấy đứa nhóc ấy còn nói thêm rằng em chạy đi vì một lý do nào đó, dĩ nhiên chúng đã ngầm đồng tình với nhau rằng đơn giản chỉ là em muốn chạy trốn vậy thôi. Tôi bỏ lại chúng với nhau mà nhìn về em khi thực hiện cuộc chạy trốn đó, có phải mỗi bước em đạp xuống lại vỡ ra một cơn cảm giác căm gét chính mình, cảm giác ăn mòn cả suy nghĩ của em. Người và những người, đến sau cùng đối diện với bóng lưng xa dần của em tôi lại nhớ đến mình. Tôi là người bình thường, chạy ra khỏi cuộc im lặng, chạy ra khỏi bầu không khí nực mùi người… tôi chưa bao giờ làm được.
Hôm nay em lại chạy trốn, em chưa bao giờ ưng ý với hôm nay. Trong không gian, trong cơn mưa buốt lạnh bọng bong bong sẽ đem lại cho em cảm tưởng dễ chịu, ở trong đó ấn định và chờ đến trạm thời gian, em có thể dự trù cho mình một sự trở lại đầy đủ, em vẫn luôn thèm khát được thoát thai. Hôm nay trời vẫn mưa, nước đổ đầy bọng bong bóng, em đã trở về, căn phòng ngập nước. Bọng bong bóng ứa đầy nước vẫn trôi nổi trong chính căn phòng nơi em sống. Tại sao chỉ còn lại em, những người của em vẫn ngủ, nếu như em còn ở lại lâu hơn họ sẽ chết đuối mất. Họ mờ dần, mờ dần, có lẽ là sắp biến mất. Ánh sáng chấm đáy, tấm ánh sáng cho em soi chiếu khao khát rất đỗi người, đáng ra em phải thành thực hơn với bản thân, đừng để thứ ảo tưởng đó xâm lấn khi em thoái lui trở lại.
Trong bọng bong bóng của riêng em, bọng bong bóng trôi nổi trong không gian quen thuộc.
Hiện tại, lại có người gõ cửa căn phòng của em, trôi đến tay nắm cửa, em nhìn thấy trong mắt người chiếc bình thủy tinh chứa đầy nước, hình như có thứ gì đang trôi nổi trong đó…một con gián và nó đã chết.
Khi đóng cánh cửa phòng lại em mới kịp nhận ra sự tồn tại của chiếc bình thủy tinh, mấy cây thủy sinh vẫn xanh tốt, chỉ là nay có thêm sự hiện diện của một con bọ, không biết là loại bọ gì, từ đâu bay tới, nó đang náu trong đám cây, nó cũng ngoi lên mặt nước ngớp không khí. Có vẻ như đến nay đã tròn một tháng, dịch chuyển, con bọ đang chuẩn bị ngoi lên, miệng em lẩm nhẩm đếm, chắc chắn em hiểu rất rõ về hoạt động sống của con bọ – một thực thể sống vô tình bay ngang qua và mắc kẹp trong bình nước. Thạch sùng, xén tóc, chuồn chuồn, ong…đôi lúc cả đám dế con cùng ghé qua phòng em, chen chúc nhau rúc vào những góc khuất nhỏ hẹp. Trời đất, những vị khách không tên không tuổi và đặc biệt không có lấy một chút nhận thức nào về chủ nhân căn phòng, vẫn cứ song song tồn tại, vừa khiến em cảm thấy khó chịu lại vừa gây nên ở em sự thắc mắc: vẫn hiển nhiên là vậy. Kỳ lạ, dịch chuyển khỏi căn phòng, hôm nay ngồi đối diện với tôi em lại thích thú phát ra thứ âm thanh rít rít, xẹt xẹt.
Nhìn ngược vào trong, trạm thời gian ư, quá lâu để em lãng quên phép đếm. Bọng bong bóng rơi lạch lạch trên nên đất, rơi đến không trung cho những ám ảnh về tháng năm ở lại.
****
Điền những vần thơ lên trang giấy trắng, hôm nay trong cuốn tập của em lại có thêm hai bài thơ mới về đôi cánh của bướm trắng và đôi cánh của chuồn chuồn.
Phía dưới bài thơ về đôi cánh bướm trắng tôi thấy em điền thêm một lời cám ơn.
Của ngày hôm nay trên ngàn cánh béo tấm nõn xanh, kiếp ngắn ngủi rụng xuống câm lặng, một màu xanh dịch chuyển lại như thể bọc lấy cái chết, một màu trắng bất chợt lại như thể đẩy sự sống ra xa. So đo làm sao, đôi kiếp ngắn ngủi. Em không viết gì nhiều, chỉ mô tả sự sống và cái chết như một bức tranh. Cánh bướm trắng còn nguyên vẹn, chừng như mới lột xác được ít lâu, có lẽ người không biết, nhưng cái chết này thật đẹp trong mắt kẻ ngang qua, lần đầu tiên tự trong em thổn thức mà cảm thán, tồn tại cùng nhận thức sẽ chẳng có điều gì là vô nghĩa. Em đã quên mất sự tồn tại của dòng nước sóng sánh phía dưới, sự sống - thật khó để cảm nhận trọn vẹn, cánh bướm sẽ chỉ đẹp giữa ngày hôm nay. Cái chết cũng thật mênh mông, khi quay trở lại bèo tấm đã leo lên gậm nhấm, cánh trắng trầy xước và phân hủy trong chính hôm nay. Nằm xuống, em thấy có cánh bướm bay lên bầu trời, mong manh.
Thăm thẳm xanh
Rập rờn trắng
Hai bầu trời
Cánh bướm nhỏ
Trên bèo tấm.
Tôi viết về một sinh linh, cảm ơn đã ngang qua cuộc đời tôi, mỏng manh nhưng đẹp lắm, ngày hôm nay khi quay đi tôi có thấy bèo tấm nở hoa.
Người đàn bà như vén tấm màn mưa, bà ta rũ chiếc nón lá tả tơi rồi biến mất. Sau bóng đáng người, con chuồn chuồn ướt cánh đã đậu lại trên bờ giậu. Giọt nước lăn xuống vết gậm nhấm mài mòn không đồng đều ở hai bên cánh, ô trống có những ô trống đã mất đi tấm giấy bóng. Còn đâu sự lấp lánh pha lê, trên bờ giậu chỉ là cánh chuồn chuồn thấm nước hệt người đàn bà hao gầy, gắng dịch chuyển, chập choạng ẩn vào ô trống cũ kỹ. Rùng mình sợ hãi, em không còn giữ được bản thân tránh khỏi những suy nghĩ cực đoan, trời ơi, em nhìn vào cuộc đời mình kinh hãi hình ảnh người đàn bà đứng lặng gậm nhấm đôi cánh chuồn chuồn tả tơi. Hãy còn ở trong căn phòng, bấm ngón tay vào trái tim dường như em đang cố giữ lấy cho mình nửa phần đau đớn,
Bài thơ thứ hai hóa vào cuộc đời tôi
Đôi cánh chuồn chuồn của năm tháng rách rưới, thực ra hôm nay tôi đã nhìn thấy trong cuốn sổ tay của em một đoạn dẫn đường, ngắn ngủi và vụt mất. Nhờ có nó tôi chợt nhớ ra câu nói vu vơ tựa như bông đùa của em với đám bạn, “Làm sao chúng ta có thể giữ lấy hoặc chìm đắm quá lâu trong một trạng thái cảm xúc”. Đừng nói đến thời tiết, em bảo rằng con người hãy cứ đứng đấy rồi ngước trông hình dạng và màu sắc của mây trời. “Chính bởi sự biến đổi thoáng qua, vượt quá chừng mực khiến con người lao đi tìm cái chết”. Bởi thế mà em dời đi, không nói với ai một lời nào. “Năm 22 tuổi những người lái buôn đưa tôi trở về”. Trang giấy ố vàng màu bụi đường. Em có viết rằng:
Tôi thấy mình cứ chìm mãi trong chính hôm nay. Có một cánh chim nâu liệng dưới tòa chung cư, đảo cánh mỏi mòn mãi đến tận hàng cây lạ ngoài bờ hồ và theo gót tôi không biết mệt cứ chới với quanh bụi ắc óc ngoài khung của sổ, cánh chim bay dọc suốt chuyến lưu trình.
Không thể như vậy!
Tại sao lại không thể như vậy?
Đã vài ngày trôi qua tính từ thời điểm tôi viết cho đời mình một câu hỏi. Cánh chim hóa thành vô hình liệng đến bao ngày và đang thét gọi như tìm thấy đồng loại thời điểm nó lượm đôi cánh bay lên.
Con chim không còn chí chóe với chiếc bóng của nó. Đó có phải lý do khiến tôi đặt ra câu hỏi hay khiến tôi dời đi. Trở lại những ngày, hôm nay tôi cuốn theo thể xác dời khỏi khối không gian. Thật khó để ra khỏi lòng thành phố khi chỉ có một mình, chẳng biết nên đi theo ai vì cuối con đường của họ đều là chốn để trở về. Thế là cứ đi, đi không dự định, trong cơn điên dại cứ thế mà lao đi, thật ra cũng không cần phải lo lắng vì giờ ở đâu cũng đóng bảng hiệu ghi rõ địa chỉ. Sau cùng ngày hôm nay chớm tàn thì tôi vừa kịp ra khỏi trung tâm thành phố. Ngoặt rồi lại rẽ, lúc dừng lại chợt nhận ra lòng bàn tay trống trơ, chiếc điện thoại có lẽ đã để quên trên bậu cửa sổ, may thay màn hình xe máy có đồng hồ, trời điểm tối lúc này là 19:05, không còn kịp để trở lại. Nhìn con đường tối om trước mặt lại thấy hẫng hụt, lâu lắm rồi mới có lại cảm giác này, dụi mắt để nhìn về phía con đường thêm lần nữa, vẫn là bóng đêm nhưng không thấy ứa động mà dường như mênh mang sự cô quạnh. Ở bên cạnh tôi lúc này, con chim có đôi cánh màu nâu cứ thế lao xuống bụi ắc ó.
Xe tôi chạy trên dải đê ngắt khúc, xe chạy từng hồi cầm chừng đến canh năm thì chìm vào khoảng lặng.
Tôi gục đầu ngủ quên đâu đó hơn chục phút. Giấc ngủ ngắn ngủi cho trí não ngẩn ngơ mà ra sức đục khoét vùng đất trống để rồi trí não sực tỉnh lại nhận ra đôi bàn tay bỏ không đau như muốn rụng rời trũng xuống mà chẳng có mặt đất trống đỡ. Là sự kiệt quệ của một thể xác thiếu ngủ, dạ dày tôi quặn thắt muốn nôn mửa. Hôm nay vẫn còn, vặn chìa khóa mở máy, hai mắt nheo lại cay xè thấy nhòe mờ bốn con số, hình như vẫn chưa đến năm giờ. Phải đợi thêm một chút, song hành cùng thời gian…chợt tôi thấy sợ, rằng sẽ lạc. Vẫn chưa đến năm giờ, ánh sáng mờ trắng hắt lên từ màn hình xe máy nhạt dần là lúc con chim nâu đâm vút lên từ bụi ắc ó, tôi quay người ngoái theo cánh chim mà giật mình…nửa bán cầu bên kia ắt hẳn đã chớm chiều, sau lưng tôi là cả bầu trời rực đỏ đổ xuống dòng sông ứa đầy. Vậy là sáng nay lũ đã thoát bùn quấn từng lớp quanh đám nghể răm rìa bờ. Vẫn chưa đến năm giờ, dòng sông đỏ ửng… con chim nâu. Có phải vì vậy mà con chim nâu giã cánh rơi xuống bờ bụi bùn đóng vẩy và cứ thế lặng đi.
Tại sao lại vậy, một cánh chim luẩn quẩn mãi trong vòng bay của nó?
Tại sao lại không thể như vậy.
Trước mặt tôi lúc này lại lẻ một cánh chim bay trên dòng sông, chập choạng một cánh chim theo sau, rồi thêm một cánh lẻ loi nữa, người cũng tựa bóng vụt qua khi đồng hồ vừa tròn năm giờ sáng. Người trên chiếc xe của họ cũng giống như chim, rời rạc nhưng sau cùng vẫn ghé vào và ở lại một bầy nào đó. Giá như thời gian biến mất!
Tôi đang đứng ở thành phố nhưng chẳng còn nhớ được điều gì đã xảy ra, bám theo những người lái buôn từ tỉnh ngoại lùa về phía thành phố hay là do cánh chim chết ẩn mình buổi sớm hôm nay?
Ấm ức, sao tôi lại chiều chuộng bản thân mình như thế?
Tệ thật!
Ngày hôm nay tôi tìm thấy trong cuốn sổ của mình những nét chữ đã ố nhòa bởi năm tháng và không biết bằng cách nào chúng lại tiếp tục thuộc về hôm nay.
Không có sự kết thúc! Đúng hơn không hề có sự chấm dứt hoàn toàn.
9 giờ tối, tôi không biết mình đang ở đâu, tôi phải tìm đường trở về. Mưa, đôi mắt đẫm nước cay xè, tôi chỉ còn thấy mưa dưới hàng đèn đường nhòa đêm thẳng tắp. Xe, trong những chiếc xe vụt qua ắt hẳn có người và dĩ nhiên họ cũng đang trở về. Tôi tìm đường, tôi không cần phải tìm đường, đúng hơn tôi đang chờ đợi một tiếng cứng nhắc từ tai nghe truyền đến: đi thêm 300m rồi rẽ trái, chếch hướng Tây Nam rẽ vào đường quốc lộ 3… đại loại là như vậy. Xe tôi vẫn cứ lao đi, đã hơn chín cây số, trên màn hình xe máy ngay cạnh ba cột xăng đồng hồ đếm đến 21 giờ 10 phút. Người dừng lại bất chợt, chỉ còn tôi và chiếc điện thoại cố hắt lên sáng đèn chút nhòa trắng yếu ớt.
Tôi đang tìm đường trở về, nếu cứ đi mãi thẳng con đường này mà đi, liệu tôi có thể về đến nơi tôi phải trở về không. Hình như đã quá lối rẽ, giọng nói cứng nhắc trong tai nghe chuyển sang tiếng thông báo rồi tiếng thông báo lại đổi về giọng nói: đi thêm 600m nữa rồi rẽ sang trái…300m nữa rẽ vào lối rẽ thứ nhất. Trời mãi không ngừng mưa, trên đường cao tốc chỉ còn mình tôi – một chiếc xe máy len lỏi giữa những chiếc ô tô và trong những chiếc ô tô ắt hẳn có người cũng đang trở về. Có lạc đường hay không nếu như tôi vẫn không chịu rẽ sang, thẳng đường cao tốc tôi tìm kiếm cho mình một chiếc xe máy khác, không biết để làm gì nhưng chắc chắn không phải là sự kiếm tìm một đồng loại hiện hữu, một số phận tương đương trong cơn mưa đang đổ vào đêm sâu thẳm. Thêm 5 phút nữa trôi qua, thêm ba phút nữa trôi qua, thời gian như mưa không ngừng đổ xuống, giữa tầng không mưa không thể lẫn lộn vào nhau, thời gian hóa thành dòng chảy đổ ra con suối ra sông và tới biển cả, nhưng thời gian không thể là nước cũng chẳng thể là mưa, tôi sẽ chẳng thể trở về trong ám ảnh thời như thế. Luân lưu và bất tận.
Không còn kịp, tôi không thể về tới nơi vào lúc 21 giờ 30.
Thẳng đường mà đi, tôi có cảm tưởng rằng cứ đi mãi như vậy rồi tôi sẽ đến nơi trở về. Thế nào lại như vậy? Trở về hệt như một khoảng trống, một không gian hay một vòng tròn? Tại sao trời lại mưa? Tại sao trong đầu tôi lại vẩn vơ quá nhiều câu hỏi ngớ ngẩn? Tại sao tôi không tự hỏi mình có sợ không, có đang lạc đường không, có buồn không…nhưng tại sao tôi lại phải hỏi mình như vậy? Của hiện tại tôi lơ lửng.
Nước dẫm trong mắt tôi cay xè. Ngoặt vào lối rẽ, tôi thấy tốp người ướt át, họ đứng chờ người đúng hơn chờ sự ban phước từ cơn mưa đêm, một cây cột đèn cháy bóng giữa hàng đèn bọc trong bóng cây già. Tôi đang trở về, tôi đang nhớ ra, chỉ chút nữa tôi sẽ đi qua… từ tai nghe lại vọng đến âm thanh: đi thêm 6km nữa, à đúng rồi… tôi sẽ nhìn thấy dãy nhà 332 nơi có các tấm áp phích nối tiếp nhau giới thiệu sơ qua về ngành học của trường mà bất cứ cô cậu sinh viên năm ba năm tư nào cũng cảm ngao ngán. Tôi sắp về tới nơi, 15 phút nữa sẽ là 22 giờ.
Trạm thời gian, hay chăng bởi sự va đập của cái quen thuộc hiện hữu hay bởi cái định mức do chính tôi đặt ra, qua một tòa nhà vứt ngổn ngang ngoài cửa những bức tượng xi măng không ai cần đến rồi rẽ vào con hẻm, hay là một phút nữa đã trôi qua và chỉ còn 14 phút là đến 22 giờ. Trạm thời gian gõ xuống như định mức của cuộc đời, phải trở về…tôi không thể đi trên con đường thẳng tắp nữa, đi đến khi xe hết xăng, đi đến khi đôi chân của tôi rã rời và tôi kiệt sự. Tôi kiệt sức, nhưng không phải là sự suy kiệt hoàn toàn, xe tôi dừng lại đúng lúc 22 giờ trước cánh cổng đã đóng, cánh cổng nằm giữa khoảng trống của sự trở về.
*****
Một năm cho đến hôm nay! Em lại ngồi trước mặt tôi, dù nhìn thẳng vào đôi mắt của người đối diện nhưng em vẫn không chịu nghe họ gọi, vì chẳng màng đến người khác bởi vậy khi ai đó nhắc đến một vấn đề nào đó em đều nghĩ và thở phào nhẹ nhõm rằng đó không phải chuyện của mình. Chỉ còn em và một người bạn trong căn phòng cuối giờ học, khi người bạn quay xuống, em từ cửa sổ quay sang nhìn người đối diện một cách chăm chú, sau cùng người bạn đó vẫn phàn nàn rằng em cứ mãi ngơ ngác như nai tơ giữa rừng.
- Em gọi rõ tên, em có hỏi mà bạn ấy chỉ cười. Ừ! Em không biết tiếng ừ ấy là như thế nào. Mà thầy có nghĩ, ngay cả bây giờ bạn ấy có mặt trong phòng hoặc ngồi cạnh thầy hoặc bạn ấy có mở tai lắng nghe thì cũng sẽ nghĩ rằng: chắc chuyện hai người ấy nói chẳng liên quan gì đến mình.
Tôi cũng ừ ừ ào ào cho qua. Thật tệ, rồi họ sẽ quên mất sự tồn tại của em trong chính không gian chật ních. Đây đâu phải điều em muốn. Băng qua, chớm đến trạm thời gian, em có thấy hài lòng không, hơn một năm trôi qua con người vẫn ở trong căn phòng của họ, liệu em có ở trong em trọn cuộc đời không? Có lẽ em cũng đang tìm kiếm câu trả lời, hoặc tự bắt ép mình thực hiện sự cứu rỗi đầy bất hạnh.
Tôi nghĩa rằng bản thân biết rõ về người như em, những người như em và dĩ nhiên trên đời này sẽ có rất nhiều những người tương đương hoặc hệt như tôi. Thứ tôi muốn nói đến không phải ngoại hình, không phải tính cách, càng không phải tư tưởng hoặc trạng thái tồn tại, mà nó là ý niệm về chính mình vào thời điểm vấp ngã nơi bậu cửa. Tôi thích dùng từ kỳ lạ khi diễn giải mọi thứ, bởi ta không thể nào hiểu được hoàn toàn đúng một điều gì đó, vậy nên nói về em tôi cũng sẽ dùng từ này: kỳ lạ, tại sao đã một năm trôi qua mà con người vẫn giữ mình ở nguyên trong trạng thái đó. Liệu em có biến đổi?
Cơn sốt mùa thu khiến em không thể trở lại lớp học, em đang chịu đựng một cơn bạo bệnh đã được dự đoán từ trước - nỗi buồn mùa thu sẽ giết chết em, gió và hoa cỏ may sẽ găm vào trái tim của em đau nhức, trái tim của mùa thu mong manh hơn trước những làn khí lạnh. Thật dễ để chết đi, em sợ mình không qua khỏi. Chỉ cần chớm đến đông thôi, buốt giá sẽ chườm lên trái tim, suy nghĩ và cảm xúc của em với chính mình hoặc sẽ được ngủ trong sâu thẳm hoặc sẽ trốn chạy mùa đông tại một xó xỉnh nảo đó… chỉ cần qua mùa thu.
Có phải em vừa sặc ho?
Ngày hôm nay, một người trong em ốm chết, người ở hiện thực cũng không còn nữa. Mùa thu khiến trái tim em vỡ một mảnh, em không thể tìm một số phận khác đắp vào, thêm một lần kiếm tìm là thêm một lần em thấy bản thân như đang tự lừa đối. Bọng bong bóng, em cùng vòng quay đưa nhau loanh quanh, bọng bong bóng chùng chình lăn lóc, va đập, em mỉm cười cay đắng, xót xa…chết trong mùa thu!
Không chấp nhận họ hay em chẳng thể thuộc về ai, nghe chăng đã thấy sự bấp bênh. Dời khỏi căn phòng, sau cùng những chuyến đi cũng chẳng đem lại sự tỉnh thức, đến với người khác em chao đảo trong em và mãi không thể tìm thấy điểm tựa. Ngoại hai mươi thật khó để tìm được câu trả lời cho sự thoát thai.
Nhưng, em biết đấy, cuộc đời không hề dừng lại. Khi là thầy của em tôi lại mơ thấy con thuồng luồng cuộn mình và nuốt lấy chính nó, hình như cũng là vào mùa thu, đêm trôi trên sông, tiếng vạc canh ba canh tư, đôi bờ lá tre quện gió và quện nhau xào xạc. Em biết gì không? Đâu phải chỉ như vậy, tại sao con thuồng luồng lại nuốt lấy mình?
…
Đường mây kia sao vẫn chưa tan biến… lọn tóc em bay!
Tự mình liệu có thể cứu rỗi lấy mình hay không? Tôi không rõ, nhưng vì làm sao phải cứu rỗi lấy mình, làm sao lại loay hoay và khổ sở mãi thế? Ngoại hai mươi tuổi mà cuộc đời hệt như đã hoàn thiện, hoặc do tôi tự đẩy cuộc đời ra khỏi cảm quan của chính tôi xa xăm quá.
Là cuộc đời, là về chính tôi!
Con người lại trở về chính điểm đến của họ, con đường ấy vốn mãi là tư thế nghiêng, bởi nghiêng mà dễ dàng tuột xuống. Mùa thu, tôi không thể từ chối cảm xúc của mình, những cảm xúc như rong rêu đã mọc lên hình hài linh hồn nhưng không có đôi mắt và trong nó hoàn toàn rỗng tếch. Họ thường bảo rằng, cảm xúc tồn tại để con người giấu mình khỏi chính bản thân. Xem nào, tôi không thấy buồn, tôi chỉ ngồi lặng nhìn qua canh năm một người trong tôi nằm phía xa đã trắng xóa, người trong tôi thực đã chết. Canh năm của mùa thu trời chưa thể hửng sáng.
- Alo, ai thế nhỉ? Alo.
Người ấy nơi hiện thực vẫn còn sống. Run sợ, vui vẻ hay lặng câm?
Và tôi cúp máy. Người trong tôi chết liệu có phải sự giải thoát chính họ ra khỏi cảm nhận của tôi.
Chiều kích không gian, tựa như không còn hiển hiện sau cuộc gọi ấy. Không truy tìm chính mình, không bám theo sự kết nối đặc biệt, và…đã lãng quên quá khứ hoặc chẳng có chút nhận thức nào về quá khứ. Hôm nay của tôi cứ như ngọn gió tan trên cánh đồng hoang, có đứa trẻ ngồi soi lấy mình nơi vũng nước trong veo giữa mênh mông cỏ heo may và cỏ chỉ ông chỉ bà trổ bông trắng toát trên nền thăm thẳm xanh. Tôi sẽ không đi đâu nữa.
…
Đứa trẻ ngủ quên trên đồng nội, ngớp lấy miếng không khí lấp lóa tự em sẽ tỉnh giấc rồi vươn mình cất lên đôi cánh tự do, ngây thơ…than ôi hoang dại. Tôi đang chờ đợi để lắng nghe em kể về cô gái ngoại hai mươi tuổi – đó là người rì rào những câu chuyện nhưng chẳng có chút liên quan đến chính mình. Tôi không thể quên đi hình ảnh ấy, cảm giác nhẹ nhàng của sự sống cỏ cây men đến và chạm tới mép của bờ vực mênh mông, ngày hôm nay tôi đang thoái trào. Thoái trào đến dáng hình của một đứa trẻ. Trạm thời gian vẫn còn ở đó, chính nó cũng đang trôi tuột trong cảm quan vĩnh cửu về thời gian.
Thật đau đớn!
Của hôm nay, tôi sợ những điều quen thuộc và cả điều mới lạ. Bắt đầu và kết thúc cũng đang mắc kẹp trong vòng quay của chính nó. Ngày hôm nay thu hẹp mọi thứ để rồi mãi không tìm thấy và không thể chạm tới.
Người đàn ông chỉ nhìn tôi rồi nói rằng:
- Như thế không đủ.
Là không đủ để bám trụ lại mảnh đất này. Nhưng đến chính tôi còn không biết rõ mình có muốn ở lại hay không?
- Cậu không muốn hay là cậu từ bỏ. Đã cố gắng suốt một năm qua rồi, thêm vài ba năm nữa khi đam mê biến thành công việc, và công việc biến thành một cái nghề, đại loại như thế cậu sẽ có được cuộc đời mà bao người thèm khát, thêm một danh xưng sau tên tuổi của cậu, được không?
Tôi biết rõ về điều được gọi là danh xưng, thuộc về hôm nay nó như cái ghẻ khiến linh hồn tôi mưng mủ vì đâm gãi quá lâu. Còn về bao giờ đạt được điều ấy, trải qua một quá trình ra sao, sự cảm của tôi không đi xa đến mức như vậy.
- Hiện tại vẫn đang chờ.
Chỉ vậy, làm sao tôi có thể nói cho ông ta hiểu được về một con người đang sống nhưng không có ý niệm về quá khứ và tương lai.
Ngày hôm nay của tôi thật tệ!
Xe tôi vẫn dịch chuyển, băng qua những ngày tháng không việc làm. Trời đã sẩm tối, dòng sông hắt lên thứ ánh sáng yếu ớt mà nó nuôi dưỡng bằng những chuyển động của nước, óng ánh. Một người đàn ông trắng xóa ngồi trên cột mốc ven đường…một cột mốc cao bất thường hay người đàn ông lặng thing? Tôi đã quên mất, và hôm nay tôi lại đi, số 1 ngay giữa đỉnh dốc xuống cánh đồng là mộ ông, 21 đã đến mộ bà, 121, 167…455 người đàn ông vẫn ngồi ở đó. Hôm nay từ cột mốc 432 tôi thấy sự đội lên bất thường, và bất động trên cột mốc 455, tôi không biết ông ta còn sống hay không, tôi không thể dừng lại hỏi, giấu đôi mắt trong bóng đêm liệu ông ta có cuốn mình xuống dòng sông để tìm kiếm một khoảng khắc của sự sống nào đó. Hôm nay gặp lại ông ta tôi đã có một giấc mơ ban ngày, những giấc mơ ban ngày kéo dài triền miên, giấc mơ chỉ đơn thuần ghi lại quá trình con thuồng luồng rũ cả thân thể đẫm nước trên cỏ sương, một chiếc đầu người nhô lên trên đầu nó rồi đến tay chân, cả cơ thể người già nua lom khom trên tấm áo da giấu kín giữa đêm. Ông ta dò dẫm từng bước theo lối mòn từ cột mốc tách lớp cỏ dại xuống dòng sông mà gắng sức bám vào cột mốc…không biết bằng cách nào, tôi không mơ được nữa, hiện thực là ông ta cứ ngồi tại đó dáng người thẳng tắp như một cây cột cao bất thường.
Phải chẳng chính ông ta cũng mắc kẹp nơi hiện tại, sao không lùi lại về phía con đường tôi khởi hành, như một sự thoái trào của cuộc đời tôi?
Cột mốc tựa như một định mức thời gian, bởi vậy mà tôi biết rằng người đàn ông đó không phải tương lai cũng chẳng phải ảo ảnh. Tại sao con thuồng luồng ấy lại lên cạn, trạm thời gian vốn là định mức của cuộc đời, lại hệt như một điểm để tựa vào, trạm thời gian liệu có giống nhau đến mức sẽ trùng lặp như dải cột mốc trên làn đường, nhưng dải cột mốc đó là vật chất hữu hình chỉ bị phá hủy khi con đường chứa nó có sự thay đổi… tôi đã dừng xe để hỏi người đàn ông và để hướng mắt về dòng sông nơi ông ta sẽ trở về.
- Rồi ông sẽ chết, sẽ biến mất, hay ông là vị thần bất tử của con sông và ông sẽ mãi ngồi đây?
- Cây cột người. Ông ta chỉ trả lời tôi ngắn gọn kiểu vậy.
- Trạm thời gian và cây cột người, cuộc đời ông nằm ở đâu? Tôi không hỏi thêm ông ta bất cứ điều gì nữa, lúc này tôi chợt nhận ra xe mình đã lăn bánh xa tách cây cột người cả chục mét, chỉ còn lại cảm giác mơ hồ về những câu hỏi hệt cái ngoái đầu nhìn lại rồi lặn tăm như thoáng ý thức của chính tôi về người đàn ông đó. Không ai khác, giống em, và giống cả chính tôi đang tách ra trườn bò trên cuộc đời mình.
******
Tôi là em, là người khác trong em.
Hóa ra là chính ta nhô ra khỏi cuộc đời mình.
Ngày hôm nay em vẫn ngồi chăm chú nghe tôi nhắc lại câu chuyện cuộc đời mình: “Đã trải qua hết rồi”. Để rồi tôi nhìn thấy trong mắt em, cũng là hôm nay tôi ngồi lại trong lớp học nghe hai người thầy của mình nói về cuộc đời ngoại bốn mươi, hai số phận, hai câu chuyện khác nhau, đều đớn đau cả… nhưng sau cùng họ vẫn giữ được ở hiện tại một khoảng bình lặng, xa xôi nào đó mà họ không rõ, chỉ tựa hồ như “đã trải qua hết rồi”. Trong ánh mắt em, tôi nhìn rõ thấy ánh mắt người thầy đang nhẹ mỉm cười, ánh mắt dịu nhẹ ấy làm sao có thể giấu đi – tàn tích của nỗi đau vẫn hiện hình trong thầy, đã trở thành một phần của cuộc đời thầy.
Chìm đắm mãi như vậy chính tôi cũng thấy mình được bảo vệ. Người khác trong em là gì, người khác trong em cứ ở mãi nơi bọng bong bóng, họ thật đơn thuần.
Chìm mãi trong chính tôi, con thuồng luồng đang nuốt lấy mình, nó vẫn còn tỉnh táo. Ánh mắt hướng về phía tôi ứa tràn nỗi đau, còn đau, bởi đau mà không thể tự cắn xé lấy mình. Khi nhìn lại, tôi thấy trong ánh mắt quần quại ẩn giấu cơn sợ sệt, con thuồng luồng cũng run rẩy trước khoảng điên dại của chính nó. Ăn chính mình vốn là một bản năng nguyên thủy, và con thuồng luồng phải nuốt lấy mình để sống giữa dòng sông. Nhưng con thuồng luồng ấy lại là tôi, sẽ có một ngày nó ăn chính mình một cách ngấu nghiến, trong miệng nó là xác thịt tanh tưởi và ngọt ngào còn trong tim nó là sự va chạm, xây xát và đắng chát. Khốn nạn, sao lại chọn ăn lấy mình như thế?
Em đừng cười lặng nữa? Ngoại hai mươi tuổi cái chết đã biến mất khỏi cuộc đời của em. Làm sao đây, liệu còn lấy một sự lựa chọn khác, là xoay ra ngoài là thích nghi mà sống, cuộc đời sẽ đối xử với em dễ dãi hơn. Vô lý quá, em ngây dại, một sự ngây dại mà bất cứ kẻ dễ thích nghi nào cũng căm gét. Họ nhìn về phía em, trong ánh mắt nhăn nhó mở căng ra ẩn chứa một câu hỏi, hướng về phía em sự thích nghi giúp câu hỏi ấy không bị ứa trào ra ngoài: Sao không như bao người? Hạnh phúc đối với em khó khăn đến thế sao?
Em đang hạnh phúc! Hiện tại thứ hai, một sự tái xác nhận lại hiện tại trong em. Những con người sống nơi em, thực ra em cũng yêu thương lấy họ, cứ lặng ngoái nhìn khi bóng lưng em dời đi, em yêu cái sự trầm tĩnh, cô đơn của một con người, ông lão ấy đứng ngắt lá bên vệ đường, em thấy yêu cái ánh mắt cùng nụ cười ngần ngại của ông ta khi nhìn về phía người khác. Nhưng thế đâu phải yêu thương con người, em phải yêu lấy mọi dáng vẻ của họ nữa chứ. Bóng lưng em dời đi, em quay đầu nhìn lại một bóng người đang trầm tư nuốt lấy thứ suy nghĩ hướng về em, và khi đó hóa ra tôi lại nghĩ về mình nhiều hơn, một cái tôi náo loạn. Sau cùng em chỉ bảo rằng: khi ấy họ hướng vào trong, họ trở về với mình.
Người của hiện thực, có còn thân quen?
- Chỉ ngày hôm nay thôi, anh sẽ lái thẳng xe trên con đường này nhé.
- Anh bị điên à, cứ đường này mà đi thì đi đến bao giờ, đi đến đâu. Sáng sớm mẹ đã gọi em phải về gấp, không biết có chuyện gì nhưng nghe giọng mẹ hoảng loạn lắm, mình phải về anh.
- Hôm nay thôi, chỉ hôm nay em sẽ đi cùng anh chứ. Đi không mục đích, đi không đến đâu, đi ngược chiều với nỗi lo sợ với đích đến của ngày hôm nay.
- Anh bị điên rồi.
Người trong hiện thực, tôi thấy mình được nhô ra nơi chuyến hành trình ấy.
Cô ấy không nói, ngồi lọt thỏm giữa đôi bàn tay mân mê chiếc điện thoại, cô ấy vẫn còn lo sợ cho một cuộc gọi.
- Nhưng, nhỡ có chuyện gì xảy ra thì sao. Em sợ, sợ phải tiếc nuối, phải hối hận.
Tôi lặng câm. Cô ấy đang khóc.
- Nếu có chuyện gì mình sẽ là người chịu nỗi đau đúng không anh… thế em không sợ nữa, đau vì người khác…chỉ là. Cô ấy lịm đi tiếng khóc, không còn chờ đợi cái vuốt ve hay câu trả lời.
- Đau, người hãy còn ở lại. Em không biết người ấy sẽ sống sao, sau này anh đi trước, day dứt bởi nỗi đau một thoáng nào đó rồi em vẫn sống. Những đứa con không biết em sống sao…chà hai ngón tay trên màn hình điện thoại, lần này cô ấy chờ đợi sự lặng đi từ tôi.
Bọng bong bóng đâu thể giữ con người trong khoảng không gian trắng tinh, dấu tích của nỗi đau tựa lớp màng bọc lấy không gian, nỗi đau em biết không tạo nên hình hài bọng bong bóng. Nơi ấy sao em được ẩn mình, chỉ thoát thai mà nhìn em trong sự tồn tại đau đớn hơn. “Đã trải qua hết rồi”, tôi vẫn nhớ câu nói ấy. Sự trải qua và cả sự lắng nghe, hóa ra em chưa từng sống lấy một mình nhưng em phải cô đơn nhiều hơn thế.
Mẹ sẽ gọi, cô ấy không khỏi day dứt, con người của hiện thực đang cùng tôi rong đuổi chuyến hành trình không đích đến, chuyến hành trình mà điểm kết thúc sẽ là ngày mai, đến sau cùng chúng ta vẫn luôn chịu sự ám ảnh về thời gian tựa như thế. Khi cơ thể kiệt sức, ngày hôm nay của em sẽ kết thúc để rồi sự cảm về hôm nay không bao giờ biến mất bởi nó là tồn tại chân thật nhất, tồn tại giữa hôm qua và ngày mai. Em sẽ mãi quẩn quanh trong ý niệm về nó, có phải em đang đếm từng nhịp thở của mình?
- Anh cứ đi, hướng về trống trắng. Bao lâu, bao nhiêu? Là vô số lần không ý nghĩa. Thu gom, anh có từng nghĩ sẽ thu gom một điều gì đó cho mình từ những ngày hôm nay không? Dấu tích sẽ trở thành điểm dừng của cuộc đời anh, dấu tích sẽ kết thúc hôm nay.
Ngồi vào những dấu tích, cô ấy không biết rằng dấu tích khiến hôm nay tồn tại sâu sắc hơn. Ngồi vào những dấu tích, trạm thời gian giữ lấy em trong cảm thức về nó. Màu trắng hoa chỉ ông chỉ bà, làn sóng hoa hóa thành hình hài của gió.
Chúng tôi vẫn đi, ngày mai là điểm hẹn nhưng ngày mai ấy lại tồn tại trong cảm thức của hôm nay.
*******
Con gián và con bọ đều đã dời bỏ, mùa của thứ cỏ úa những loài côn trùng ghé thăm phòng tôi cũng ít hơn. Tôi vẫn thường xuyên dời khỏi căn phòng, bọng bong bóng thực ra trong nó đã có một phần dấu tích, một năm, hai năm…đều thuộc về hôm nay cả, đôi bàn chân trần của em đặt trên dấu tích cho loài cỏ dại trổ bông, cây dây leo, bụi xấu hổ gai góc đều quấn lấy dáng người ngồi ôm chính mình, là em và là cả tôi trong chuyến hành trình ấy.
Hôm nay tôi bắt gặp em trên đoạn đường đến trường, em đứng lặng hình như đang tìm cách nói chuyện với những người trong mình. Trở về hiện thực mất rồi, em thả ánh nhìn vào trống không, em mờ trắng.
P. Â