Truyện ngắn Anatole France
Hiếu Tân dịch
“Khi chúng tôi còn là trẻ con, mảnh vườn nhỏ nhà chúng tôi, mà người ta có thể đi từ đầu này đến đầu kia với hai mươi bước chân, là một vũ trụ mênh mông, nơi sinh ra những niềm vui và nỗi sợ khủng khiếp”. Ông Bergerer nói.
“Anh còn nhớ Putois không, Lucien?” Zoé vừa mim cười vừa nói, môi mím lại và mũi vẫn chúi xuống đồ khâu.
“À Putois, tôi nhớ chứ! Không biết đã có bao nhiêu gương mặt người đã qua trước đôi mắt trẻ thơ của tôi, mà sao gương mặt Putois còn lưu lại rõ mồn một trong trí nhớ của tôi. Tôi không hề quên một đường nét nào trên gương mặt, hay trong tính cách của lão ta. Lão có khuôn mặt dài.”
“Một cái trán thấp” Cô Zoé bổ sung.
Rồi cứ như hát đối, bằng giọng đều đều, với vẻ nghiêm trang vờ vịt, hai anh em xướng lên những điểm sau đây trong một bài mô tả lịch sự:
“Một cái trán thấp”
“Mắt lác”
“Cái nhìn lén lút”
“Có vết chân chim trên thái dương”
“Gò má cao, đỏ bóng lên”
“Vành tai lởm chởm”
“ Khuôn mặt vô hồn”
“ Chỉ có qua đôi bàn tay luôn động đậy của lão, người ta mới đoán được lão nghĩ gì”
“Dáng người gầy ngẳng, còng còng, yếu ớt”
“Thật ra lão ta khỏe ghê người”
“Lão có thể bẻ cong một đồng năm frăng bằng ngón cái và ngón trỏ”
“Ngón cái của lão ta to ghê”
“Lão ta nói kiểu kéo dài lè nhè”
“Giọng của lão nhẽo nhợt”
Bỗng nhiên ông Bergeret hăm hở kêu lên:
“Zoé, chúng mình còn quên mớ tóc vàng và bộ râu lưa thưa của lão. Chúng mình phải bắt đầu lại từ đầu”
Nãy giờ Pauline vẫn ngạc nhiên nghe đoạn xướng họa kỳ lạ này. Nó hỏi bố và cô nó làm thế nào mà họ có thể thuộc lòng đoạn văn xuôi trúc trắc ấy, và tại sao họ lại xướng lên như một đoạn kinh cầu nguyện vậy.
Ông Bergeret trả lòi bằng vẻ trang nghiêm:
“Pauline, những gì con vừa nghe là một bài văn linh thiêng, bố có thể nói nó là một nghi lễ trong họ nhà Bergeret. Đúng ra cần truyền nó lại cho con để nó khỏi mất đi khi bố và cô con qua đời. Ông nội con, con gái ạ, ông nội con, Eloit Bergeret, vốn không thich những trò vui vặt vãnh, đã đánh giá rất cao bản văn này, đặc biệt là tính độc đáo của nó. Ông đã đặt tên cho nó là “Giải phẫu của Putois” và ông thường nói rằng về một khía cạnh nào đó ông đặt “Giải phẫu của Putois” cao hơn “Giải phẫu của Quaresmeprenant”. Nếu bản mô tả được viết bởi Zenomanes (1), thông thái và phong phú một cách quý báu và hiếm hoi, thì bản mô tả về Putois xuất sắc hơn về sự dễ hiểu của những ý tưởng và sự trong sáng của phong cách. Những ý kiến ấy của ông con đưa ra khi tiến sĩ Ledouble ở thành Tour vẫn chưa giải nghĩa các chương thứ ba mươi, ba mươi mốt và ba mươi hai của tập bốn trong toàn tập Rabelais(2)”.
“Con chả hiểu bố nói gì”
“Đó là bởi vì con chưa biết Putois, con gái ạ. Con nên biết rằng trong thời thơ ấu của bố và cô Zoé con, không có gương mặt nào gần gũi hơn Putois. Trong ngôi nhà của ông nội Bergeret con, Putois là một từ cửa miệng. Tất cả mọi người đến lượt mình đều tin rằng đã nhìn thấy lão ta”
“Nhưng Putois là ai?” Pauline hỏi.
Thay vì trả lời, ông bố bắt đầu cười, và cô Bergeret cũng cười, mặc dầu môi cô vẫn mím.
Pauline nhìn hết người nọ đến người kia. Hình như nó thấy cô nó cười hả hê như vậy thật là kỳ cục, càng kỳ cục hơn ở chỗ cô cười đúng cái chuyện mà anh trai cô cười, vì lạ là trí óc của hai anh em thường đi theo hai hướng khác nhau.
“Bố nói cho con biết Putois là ai đi, bố. Vì bố muốn con biết, bố hãy nói đi”
“Con gái ạ, Putois là một người làm vườn. Đó là con của một gia đình lương thiện, ở Artois. Ban đầu anh ta làm người nuôi trẻ ở Saint-Omer. Nhưng anh ta không thể làm vừa lòng khách hàng nên làm ăn thất bại. Anh ta bỏ nghề nuôi trẻ và ra ngoài làm việc vào ban ngày. Những người chủ thuê anh ta không phải bao giờ cũng vừa ý.”
Đến câu đó cô Zoé vẫn đang cười, nhận xét:
“Anh có nhớ không, Lucien, khi cha không tìm thấy lọ mực, hộp keo dán hay cái kéo trên bàn, thế nào cha cũng bảo “Lại cái thằng Putois vào đây rồi”
“Ờ,” ông Bergeret nói “Putois không được tiếng tốt.”
“Chỉ có thế thôi à?” Pauline hỏi.
“Không, con ạ, không phải chỉ có thế. Ở Putois có những điều kỳ cục lắm, mọi người biết hắn, quen thuộc với hắn nhưng ...”
“…hắn không tồn tại” Zoé nói.
Ông Bergeret nhìn cô trách móc.
“Zoé, thế mà cũng nói. Sao tự nhiên làm cho câu chuyện vô duyên vậy. Putois không tồn tại! Cô dám nói vậy à, Zoé? Cô có chứng minh được điều đó không? Trước khi khẳng định rằng Putois không tồn tại, rằng Putois không bao giờ có, cô phải xem xét điều kiện hiện hữu và phương thức tồn tại. Putois có tồn tại, em ạ. Nhưng đúng là một dạng tồn tại đặc biệt.”
“Con càng lúc càng chẳng hiểu gì cả” Pauline nói, giọng hoang mang.
“Sự thật được rút ra trực tiếp từ con, con gái ạ. Biết rằng Putois sinh ra vào thời gian thích hợp. Lúc đó bố còn là một cậu bé, cô của con còn là một cô bé con. Mọi người sống trong một căn nhà nhỏ ở ngoại ô Saint-Omer. Bố mẹ của bố sống một cuộc sống ẩn dật lặng lẽ, cho đến khi được một bà quý tộc già ở Saint-Omer phát hiện ra, phu nhân Cornouiller, bà ấy sống trong một điền trang ở Monplaisir, cách thành phố khoảng mười hai dặm, và hóa ra bà ấy là bà cô của bà nội con. Mỗi tuần, vào Chủ nhật, bà ấy lấy tình thân hữu mời ông bà nội vào dùng bữa tối với bà ấy ở Monplaisir. Ở đó họ buồn chán muốn chết. Nhưng bà phu nhân nói họ hàng phải ăn tối với nhau vào ngày chủ nhật mới là hợp lẽ, và chỉ những người kém giáo dục mới xao nhãng việc tuân theo phong tục cổ truyền này. Ông nội con cảm thấy khổ sở. Nỗi khổ của ông nhìn thấy mà thương tâm. Nhưng bà Cornouiller không nhìn thấy thế. Bà ấy chẳng thấy gì cả. Bà nội con chịu đựng tốt hơn. Bà cũng khổ như ông, có lẽ còn khổ hơn, nhưng bà cố gắng mỉm cười”
“Đàn bà sinh ra để chịu khổ”. Cô Zoé nói.
“Tất cả mọi người trên thế gian này sinh ra để chịu khổ, Zoé ạ. Ông bà nội con muốn từ chối lời mời khủng khiếp ấy nhưng vô ích, mỗi chiều chủ nhật xe ngựa của bà Cornouiller đến tận nơi để đón đi. Ông bà buộc phải đến Monplaisir, đó là một nghĩa vụ không thể thoái thác. Đó là một trật tự đã được sắp đặt từ trước mà chỉ có nổi loạn mới có thể làm cho nó rối lên. Cuối cùng ông nội đã nổi loạn thật sự và thề rằng ông sẽ không chấp nhận thêm một lần nào nữa lời mời của bà Cornouiller. Ông giao cho bà nội nhiệm vụ tìm ra những cái cớ hợp lẽ, và những lý do đủ kiểu để từ chối những lời mời lặp lại, đó là một nhiệm vụ mà bà không thích hợp chút nào, vì bà không biết vờ vĩnh bao giờ.
“Lucien, anh nên nói rằng bà không sẵn lòng để giả vờ. Bà muốn giá mà bà có thể bịa đặt dễ dàng như nhiều người khác”
“Đúng là khi bà có những lý do tốt, bà thích dùng chúng hơn là bịa ra những lý do tồi hơn. Cô còn nhớ không, Zoé, có lần ở bàn ăn bà nói “Không may cháu Zoé nhà chúng tôi bị ho gà, nên chúng tôi không thể đến Cornouiller trong một thời gian dài”
“Đúng, điều đó đã xảy xa”.
“Nhưng lúc đó cô đã khỏi rồi, Zoé. Rồi một hôm phu nhân Cornouiller đến nhà và nói với bà ‘Cháu thân mến, cô đợi vợ chồng cháu chủ nhật này đến Monplaisir ăn tối đấy nhé’ Bà nội lúc đó bị ông kèm chặt để nói ra một cái cớ khéo léo để chối từ. Trong lúc cùng quẫn, lời xin lỗi duy nhất bà có thể nghĩ đến lại là điều tuyệt đối không có khả năng xảy ra:
‘Dạ thưa bà, tôi vô cùng xin lỗi, nhưng không thể được. Chủ nhật này tôi phải đợi người làm vườn’
“Nghe những lời ấy phu nhân Cornouiller nhìn qua cửa đóng băng của phòng khách ra cảnh hoang vu của mảnh vườn nhỏ, trong đó chỉ có những cây cối mọc thẳng vút lên và những cây tử đinh hương, như thể chúng chưa hề có và chưa hề biết đến một chiếc kéo tỉa cây. ‘Chị đợi người làm vườn à? Để làm gì? Để làm việc trong cái ..vườn kia ấy à?’
“Lúc đó bà nội vừa vô tình đưa mắt liếc qua mảnh cỏ dại và những cây cối gần như hoang dã, mà bà vừa gọi là cái vườn, thì giật mình nhận ra rằng lời xin lỗi của bà vừa rồi hiện rõ ràng chỉ là một điều bịa đặt. ‘Tại sao người ấy không đến vào thứ Hai hay thứ Ba để làm việc trong cái ..vườn của chị? Ngày nào trong hai ngày ấy cũng tốt hơn. Sao lại phải làm việc vào ngày chủ nhật? Ngày thường anh ta bận hay sao?’
“Bố đã luôn luôn nhận thấy rằng lời nói hỗn xược nhất và lý do vô lý nhất luôn luôn gặp phản đối ít nhất, vì nó làm cho đối phương bối rối. Phu nhân Cornouiller nài nỉ ít hơn sự chờ đợi của người cố làm cho người ta chán để phải nhượng bộ. Bà ta đứng lên khỏi ghế và hỏi ‘Người làm vườn của chị tên là gì?’
‘Putois’
“Putois có một cái tên. Từ đó trở đi anh ta tồn tại. Phu nhân Cornouiller vừa đi ra vừa lầm bầm ‘Putois! Hình như mình biết cái tên này. Ờ đúng rồi, tôi có biết anh ta mà. Nhưng tôi không sao nhớ được. Anh ta sống ở đâu? Ban ngày anh ta ra ngoài đi làm. Khi người ta cần, người ta gọi anh ta đến làm vài giờ. À đúng như tôi nghĩ, anh ta là người lang thang, một ma cà bông, một kẻ vô tích sự…Phải cảnh giác với anh ta đấy, chị nhé’
“Từ đó Putois có một tính cách.”
II
Ông Goubin và ông Jean Marteau đến chơi.
Ông Bergeret nói với họ về chủ đề của câu chuyện.
“Tôi đang nói về một người mà một ngày kia mẹ tôi đã làm cho tồn tại, người làm vườn được sáng tạo ra ở Saint-Omer. Mẹ tôi đã cho anh ta một cái tên. Từ đó anh ta hoạt động.”
“Xin lỗi ông” ông Goubin lau kính. “Ông có thể kể lại lần nữa cho chúng tôi nghe được không?”
“Rất sẵn lòng” Ông Bergeret nói “Chẳng có người làm vườn nào cả. Người làm vườn không tồn tại. Mẹ tôi bảo: ‘Tôi đợi người làm vườn’. Lập tức người làm vườn tồn tại, và hoạt động.”
“Nhưng thưa Giáo sư” - Goubin thắc mắc “Làm thế nào anh ta hoạt động nếu anh ta không tồn tại?”
“Theo cách nào đó, anh ta có tồn tại” Ông Bergeret trả lời.
“Ông muốn nói anh ta tồn tại trong tưởng tượng?” Ông Goubin vặn lại một cách coi thường.
“Và tồn tại không phải là tưởng tượng sao, tồn tại ấy?” Giáo sư giải thích. “Những nhân vật huyền thoại không có khả năng ảnh hưởng tới con người sao? Xin hãy nghĩ về huyền thoại, ông Goubin, và ông sẽ nhận thấy rằng không phải những tính cách thực, mà đúng ra là những tính cách huyền thoại đã có một ảnh hưởng sâu xa và dài lâu lên trí óc chúng ta. Trong mọi thời đại và trên mọi miền đất, những thực thể không thực hơn Putois đã tạo hứng cho các dân tộc bằng tình yêu và căm ghét, bằng khiếp sợ và hy vọng, chúng răn đe bọn tội phạm, chúng nhận lãnh những hiến tặng, chúng đưa vào khuôn phép các phong tục và luật lệ. Vị thần nửa người nửa dê thô lỗ thường ngồi ăn chung bàn với những nông dân phương Bắc của chúng ta, được coi là xứng đáng xuất hiện trong những bức họa tuyệt tác của Jordaens (3) và trong những ngụ ngôn của La Fontaine (4) . Đứa con lông lá của Sicorax được đưa vào thế giới siêu phàm của Shakespeare.
Putois, không may mắn bằng, sẽ vĩnh viễn bị các nhà thơ và các họa sĩ khinh bỉ. Anh ta thiếu vẻ uy nghi và huyền hoặc, anh ta không có bản sắc, không có tính cách. Anh ta là con đẻ của những đầu óc quá lý trí, anh ta được tạo nên bởi những người biết đọc biết viết và thiếu óc tưởng tượng bay bổng để cho ra đời những truyền thuyết, ngụ ngôn. Thưa các ngài, tôi nghĩ rằng tôi đã nói đủ để bộc lộ cho các ngài thấy bản chất thật của Putois.”
“Tôi hiểu” Ông Goubin nói.
Ông Bergeret tiếp tục:
“Putois có tồn tại. Tôi khẳng định thế. Putois hiện hữu. Xin các ngài hãy xem xét kỹ, và các ngài sẽ kết luận rằng điều kiện của hiện hữu không hề bao hàm vật chất, nó chỉ có nghĩa là sự liên hệ thuộc tính với chủ thể, nó chỉ biểu hiện một quan hệ.”
“Chắc chắn là thế rồi.” Ông Jean Marteau nói. “Nhưng hiện hữu mà không có thuộc tính thì trên thực tế là không hiện hữu gì cả. Ai đó từ lâu đã nói “Tôi là cái mà tôi là”. Tôi xin lỗi vì trí nhớ tồi, nhưng không ai có thể ghi nhớ mọi thứ. Dù là ai mà đã nói câu trên kia là đã phạm phải một lỗi khinh suất nghiêm trọng. Bằng những lời lẽ thiếu suy nghĩ đó, ông ta đã hàm ý rằng ông ta là một thuộc tính rỗng và không có quan hệ nào cả, do đó ông ta khẳng định sự không tồn tại của ông ta, và vội vã xóa bỏ bản thân mình. Tôi đánh cuộc rằng không ai nghe nói gì về ông ta nữa kể từ đó”
“Vậy thì ông thua cuộc rồi” Ông Bergeret trả lời. “Ông ta đã sửa chữa tác dụng xấu của những lời lẽ duy ngã ấy bằng cách áp dụng cho bản thân cả một loạt những tính từ. Người ta đã nói rất nhiều về ông ta, nhưng nói chung chẳng có mấy ý nghĩa.”
“Tôi không hiểu” Ông Goubin nói.
“Không thành vấn đề” Ông Jean Marteau nói.
Và ông yêu cầu ông Bergeret kể cho nghe về Putois.
“Ông thật tử tế đã yêu cầu tôi kể” giáo sư nói. “Putois sinh vào nửa sau thế kỷ mười chín, ở Saint-Omer. Giá y được sinh ra vài thế kỷ trước, trong khu rừng Arden hay trong rừng Broceliande, thì tốt hơn cho y. Khi đó có lẽ y đã là một ác quỷ có trí thông minh phi thường.”
“Xin mời ông dùng trà, ông Goubin” Pauline nói.
“Vậy Putois có phải là ác quỷ không?”
“Y xấu” Ông Bergeret trả lời. “Theo một cách nào đó, nhưng không phải là hoàn toàn xấu. Y giống với những con quỷ thường được coi là rất độc ác, nhưng khi ta đã hiểu thì lại phát hiện ra nhiều tính tốt. Tôi dứt khoát cho rằng người ta đã không đối xử công bằng với Putois. Phu nhân Cornouiller có thành kiến với y, ngay lập tức bà ấy đã cho rằng y là kẻ du thủ du thực, nghiện rượu và trộm cắp. Rồi nghĩ rằng vì y được mẹ tôi thuê, chắc chắn y không giàu, y không dám đòi tiền công cao, bà ấy tự hỏi liệu bà ấy có lợi không nếu thuê y làm người làm vườn riêng cho bà, bà là người có tiếng tăm hơn, nhưng hỡi ôi, cũng đòi hỏi nhiều hơn. Sắp đến mùa xén tỉa thủy tùng rồi. Bà ấy nghĩ rằng nếu bà Eloi Bergeret, vốn nghèo, trả công thấp cho Putois, thì bà là người giàu bà có thể trả cho y thấp hơn nữa, vì lệ thường xưa nay người giàu bao giờ chẳng trả ít hơn người nghèo. Và trong tâm trí bà đã nhìn thấy những cây thủy tùng được xén tỉa gọn ghẽ, được tạo hình thành những bức tường, những hình cầu, những kim tự tháp, mà chỉ tốn hết một phần ba. “Mình phải tự mình giám sát Putois” bà tự nhủ “để cho hắn khỏi bỏ đi lang thang hay trộm cắp. Mình chẳng thiệt gì mà lại tiết kiệm được vô khối. Những lao động theo thời vụ này lắm khi còn làm tốt hơn cả thợ lành nghề” Bà quyết định làm cuộc thí nghiệm, bà đến nói với mẹ tôi “Cháu thân mến, gửi Putois sang cho cô. Cô sẽ cho nó việc làm ở Monplaisir.” Mẹ tôi hứa. Bà rất muốn làm được điều đó. Nhưng thật ra là không thể. Phu nhân Cornouiller đợi Putois ở Monplaisir, và chờ đợi uổng công! Bà ta là người kiên trì, và khi đã quyết điều gì thì nhất định làm bằng được. Khi gặp mẹ tôi, bà than phiền rằng chẳng nghe nói gì về Putois cả. “Cháu thân mến, cháu có nói rằng ta đang đợi nó không?” “Có, nhưng anh chàng này kỳ quặc lắm. Rất đồng bóng và..” “Ồ, ta biết loại người này mà. Ta biết Putois của cháu quá rõ. Nhưng không có người làm công nào lại điên đến mức từ chối đến làm ở Monplaisir. Nhà của cô quá nổi tiếng, cô có thể nói như thế. Putois sẽ đến nhận lệnh của ta, và phải nhanh lên, cháu thân mến. Chỉ cần nói cho cô biết nó đang ở đâu, cô sẽ tự mình đi tìm nó” Mẹ tôi nói bà không biết Putois sống ở đâu, không biết anh ta có nhà ở hay không, anh ta không có địa chỉ.. “Thưa phu nhân, từ bấy đến giờ tôi không gặp lại anh ta. Hình như anh ta lẩn trốn ở đâu rồi..” Bà không dám đến gần hơn với sự thật. Tuy nhiên bà Cornouiller nghe một cách nghi ngờ. Bà nghi mẹ tôi đã đánh lừa Putois và giấu anh ta đi vì sợ mất anh ta, hay sợ anh ta đòi trả công cao hơn. Và bà thầm lên án mẹ tôi là quá ích kỷ. Nhiều phán xét đã được lịch sử phê duyệt cũng không có cơ sở gì hơn.”
“Điều ấy hoàn toàn đúng” Pauline nói.
“Cái gì đúng?” Cô Zoé hỏi, cô đang nửa thức nửa ngủ.
“Rằng sự phán xét của lịch sử thường sai. Con nhớ có lần bố nói: ‘Bà Roland (5) thật ngây thơ khi kêu gọi sự công bằng của hậu thế, mà không biết rằng nếu người đương thời có ác tâm, thì hậu duệ cũng sẽ đúng như thế.”
“Paulin” Cô Zoé hỏi một cách nghiêm khắc “Điều đó thì có liên quan gì đến câu chuyện về Putois?”
“Có liên quan nhiều lắm cô ơi”
“Cô không thấy thế”
Ông Bergeret không phản đối việc đi lạc đề, giải thích cho Pauline:
“Nếu trên thế giới này tất cả mọi bất công cuối cùng đều được sửa chữa, thì đã không cần phải tạo ra thêm những bất công mới nữa vì mục đích ấy. Làm thế nào hậu sinh có thể phán xét những người đã chết một cách công bằng? Liệu có thể đuổi theo họ sang thế giới bên kia để mà thẩm vấn họ không? Ngay khi vừa có khả năng nhìn nhận họ một cách công bằng, thì họ đã bị quên lãng rồi. Nhưng liệu có thể có sự công bằng không? Công bằng là gì? Dù sao chăng nữa cuối cùng bà Cornouiller cũng phải thừa nhận rằng mẹ tôi không lừa bà ấy, và rằng cuối cùng không thể tìm thấy Putois.
“Tuy nhiên bà ấy không bỏ cuộc tìm kiếm anh ta. Bà ta hỏi tất cả các họ hàng, bạn bè, hàng xóm láng giềng, bọn đầy tớ và các nhà buôn có biết Putois không? Chỉ có hai hay ba người trả lời rằng họ chưa từng nghe nói về Putois. Phần đông nghĩ họ đã trông thấy anh ta. ‘Tôi đã nghe cái tên này’ Người đầu bếp nói ‘Nhưng tôi không thể nhớ mặt’. ‘Putois ấy à? Ồ tôi biết rất rõ anh ta’ Nhân viên địa chính nói. ‘Nhưng tôi không thể mô tả chính xác anh ta cho bà’. Tin tức chính xác nhất đến từ ông chưởng khế Blaise, ông này tuyên bố đã thuê Putois chặt cây trong sân nhà ông ta, từ 19 đến 23 tháng Mười, vào cái năm có sao chổi.
“Một hôm bà Cornouiller hổn hển chạy đến phòng làm việc của cha tôi. ‘Tôi trông thấy Putois rồi’ bà kêu lên. ‘Ồ, phải, tôi vừa mới trông thấy nó. Anh có tin không? Nhưng tôi chắc lắm. Nó vừa mới leo lên tường nhà ông Tenchant. Nó rẽ ra phố Abbesses, nó đi nhanh lắm. Tôi bị mất hút nó. Có đúng là nó không? Không còn nghi ngờ gì nữa. Một gã đàn ông khoảng năm mươi, gày, còng, trông như thằng lang thang, mặc một chiếc blu bẩn thỉu’. ‘Thế thì đúng thằng Putois rồi’ Cha tôi kêu lên ‘Ồ, tôi đã bảo anh mà. Tôi kêu lên gọi hắn: Putois! Và hắn quay đầu lại. Đó là điều mà các nhà trinh thám thường làm khi họ muốn chắc chắn về nhân dạng của một tội phạm mà họ đang truy lùng. Tôi đã chẳng nói với anh đích là nó còn gì! Tôi cố bám theo dấu vết của hắn, thằng Putois của anh ấy. Ôi, trông nó kinh lắm. Thế mà anh chị thuê nó, thật là bất cẩn. Tôi biết xem tướng người, và mặc dầu tôi chỉ thấy sau lưng, tôi có thể thề rằng nó là một thằng ăn cắp, có lẽ còn là một kẻ giết người. Tai nó lởm chởm, đó là một dấu hiệu không thể nhầm lẫn được.’ ‘Ồ, bà đã nhận thấy tai nó lởm chởm?’.‘Không có gì lọt qua khỏi mắt tôi’.
Anh Bergeret thân mến, nếu anh không muốn bị giết cùng với chị ấy và các cháu, đừng để cho Putois vào nhà anh lần nữa. Hãy nhớ lời khuyên của tôi, và cho thay tất cả các khóa trong nhà anh đi’
“Rồi sau đó ít ngày xảy ra chuyện bà Cornouiller bị mất trộm ba quả dưa trong vườn rau. Vì không tìm ra kẻ trộm, bà nghi cho Putois. Một toán sen đầm được gọi đến Monplaisir, và tuyên bố của họ xác nhận nghi ngờ của bà Cornouiller. Bọn trộm thường lảng vảng quanh các khu vườn ở nông thôn. Nhưng lần này vụ trộm dường như được thực hiện bởi một tên duy nhất, và vô cùng thành thạo. Nó không làm hư hỏng một cái gì, và không để lại vết chân trên nền đất ẩm ướt. Kẻ phạm tội không thể là ai khác ngoài Putois. Đó là kết luận của viên đội cảnh sát, ông này từ lâu đã nghe nói về Putois, và đã dùng mọi cố gắng để tóm tên trộm đó.
“Trên tờ Báo Saint-Omer xuất hiện một bài báo về ba quả dưa của phu nhân Cornouiller. Bài báo nêu miêu tả về Putois, theo những tin tức thu thập được trong thành phố. ‘Trán của gã thấp’, bài báo viết ‘Mắt gã lác, gã có cái nhìn lén lút, trên thái dương gã có vết chân chim, gò má gã cao, đỏ bóng. Vành tai gã lởm chởm. Gày, hơi còng. Vẻ ngoài yếu ớt, nhưng thực ra gã khoẻ phi thường: gã có thể bẻ cong một đồng năm frăng bằng ngón cái và ngón trỏ.
‘Có những lý do đáng tin cậy để quy cho gã hàng loạt vụ cướp với những mánh khóe vô cùng lợi hại’ bài báo viết.
“Trong thành phố người ta bàn tán nhiều về Putois. Một hôm có tin gã bị bắt và bị tống giam. Nhưng liền đó người ta khám phá ra rằng kẻ mà người ta tưởng nhầm là Putois thật ra chỉ là một gã chuyên ngồi lê đôi mách tên là Rigoberg. Vì không có gì chứng tỏ gã phạm tội, gã được thả sau hai tuần bị giam giữ nghiêm ngặt. Và như vậy vẫn không tìm thấy Putois. Phu nhân Cornouiller bị một vụ trộm khác còn táo bạo hơn lần trước. Ba chiếc thìa bằng bạc đã bị lấy trộm từ tủ buýp phê của bà.
“Bà ấy nhận ra bàn tay của Putois, nên đã dùng một cái xích để khóa cửa buồng ngủ, và nằm thức cả đêm không dám ngủ”
III
Khoảng mười giờ, Pauline đã đi ngủ. Cô Bergeret nói với anh trai:
“Anh đừng quên kể về Putois đã quyến rũ cô bếp của bà Cornouiller như thế nào”
“Anh cũng đang nghĩ về chuyện ấy đây.” Anh cô trả lời “Bỏ sót sự cố ấy là bỏ sót phần hay nhất của câu chuyện. Nhưng chúng ta phải đi đến đó từ một điểm thích hợp. Cảnh sát ráo riết săn lùng Putois nhưng vẫn không tìm thấy gã. Khi biết rằng không thể tìm ra được Putois, mọi người coi việc phát hiện ra gã là một vinh dự, và ác tâm đã tham gia vào đó. Vì không thiếu kẻ có ác tâm ở Saint-Omer và vùng lân cận, Putois bị theo dõi cùng một lúc ở nhiều nơi, trên đường phố, trên cánh đồng, và trong rừng. Như vậy có một nét khác được bổ sung vào tính cách của Putois: người ta gán cho gã cái biệt tài là có khả năng có mặt ở khắp nơi, một đặc tính có ở những anh hùng của dân chúng. Một thực thể có khả năng di chuyển trên những quãng đường dài trong một thời điểm, và có khả năng xuất hiện bất ngờ ở nơi người ta ít chờ đợi nhất, là một điều tự nhiên gây hoang mang. Putois là niềm khủng khiếp ở Saint-Omer. Phu nhân Cornouiller tin rằng Putois đã lấy trộm ba quả dưa và chiếc thìa bạc của bà ấy, đã tìm cách phòng thủ ở Monplaisir và sống trong nỗi sợ hãi thường trực. Mọi thứ thanh chắn, then và khóa cửa đều không đủ để đảm bảo cho bà ấy. Đối với bà, Putois là một tạo vật khủng khiếp biến hoá khôn lường, có thể đi xuyên qua những cánh cửa đóng kín. Một sự cố trong đám gia nhân khiến nỗi khiếp sợ của bà tăng gấp bội. Cô nấu bếp của bà bị quyến rũ, và đến một lúc cô ta không thể dấu kín tội lỗi của mình nữa. Nhưng cô ta bướng bỉnh nhất quyết không chịu khai ra kẻ đã lừa dối cô.
“Tên cô ta là Gudule” Cô Zoé nói.
“Tên cô ta là Gudule, và cô ta được cho là đã được bảo hộ bởi một bộ râu ba chòm chống lại những hiểm họa của tình yêu. Một bộ râu, bỗng nhiên xuất hiện trên cằm của một cô gái đồng trinh thánh thiện được tôn thờ ở Prague, bảo vệ sự trinh trắng của cô. Một bộ râu, không còn trẻ nữa, không đủ để bảo vệ cho đức hạnh của Gudule. Bà Cornouiller hối thúc Gudule khai ra tên kẻ đã quyến rũ cô ta rồi bỏ rơi cô trong cảnh khốn quẫn. Gudule bật khóc, nhưng từ chối nói. Mọi đe dọa, dỗ dành đều vô hiệu. Bà Cornouiller làm một cuộc cật vấn dài và tỉ mỉ. Bà khôn khéo hỏi dò tất cả những người hàng xóm, cả đàn ông đàn bà, những người buôn bán, người làm vườn, viên thanh tra giao thông, những sen đầm, chẳng ai cho bà dấu vết của thủ phạm. Một lần nữa bà cố sức lấy ra cho được lời thú tội của Gudule: ‘Vì lợi ích của mày, Gudule, nói cho tao biết nó là thằng nào’. Gudule vẫn im lặng. Bỗng nhiên bà Cornouiller lóe lên một tia sáng: “Nó là Putois” Gudule khóc nhưng không nói gì. “Nó là Putois, tại sao mình không đoán ra sớm hơn. Nó là Putois, ôi, mày thật là đứa con gái khốn khổ.”
“Từ đó bà Cornouiller hoàn toàn tin rằng Putois là cha đứa bé trong bụng cô đầu bếp. Tất cả mọi người ở Saint-Omer, từ ông chánh án đến con chó lai của người thắp đèn đường đều biết Gudule và cái rổ của cô. Cái tin Putois đã quyến rũ cô bếp nhà Cornouiller lan rất nhanh trong thành phố, với những tiếng cười, sự ngạc nhiên và khâm phục. Putois nổi danh như một anh chàng tán gái có hạng, không ai cưỡng nổi, là người tình của mười một nghìn cô gái đồng trinh. Trên cơ sở đó người ta đổ cho gã là cha của năm hay sáu đứa trẻ khác sinh ra cùng năm ấy. “Thằng cha quỷ thật” những người ngồi lê tán gẫu kêu lên.
“Như vậy là Putois, gã thần dê vô hình ấy, đã đe dọa gieo rắc những nỗi khổ không thể bù đắp cho toàn bộ gái trinh trong một thành phố, trong đó, theo lời những cư dân lâu đời nhất, gái trinh từ xa xưa chưa hề gặp nguy hiểm.
“Mặc dầu được tán tụng như vậy trong khắp thành phố và các vùng lân cận, gã vẫn tiếp tục đặc biệt gắn với gia đình chúng tôi một cách bí hiểm. Gã đi qua cửa nhà chúng tôi, và nhiều lần gã trèo qua tường vào vườn nhà chúng tôi. Gã không bao giờ để người ta thấy tận mặt. Nhưng chúng tôi thường xuyên nhận ra bóng gã, giọng nói của gã, dấu chân gã. Đã hơn một lần, trong lúc chạng vạng, chúng tôi tưởng đã nhìn thấy cái lưng của gã ở chỗ khúc quanh của đường. Cả tôi và em gái tôi đều thay đổi ý kiến về gã. Gã vẫn cứ hiểm độc và ác tâm, nhưng gã đã trở nên đơn giản và ngây thơ như trẻ con. Gã ngày càng trở nên không thực, và, nếu tôi có thể nói thế này, trở nên nên thơ hơn. Gã gần như có thể được đưa vào trong số những nhân vật truyện thần tiên của trẻ con. Gã biến thành Croquemitaine (6), thành Cha Fouettard, thành thần ngủ làm cho trẻ con nhíp mắt lại hằng đêm. Gã không phải loại yêu tinh đêm đêm quấn đuôi ngựa non vào chuồng ngựa. Không quá thô kệch cũng không quá duyên dáng, gã chỉ tai quái một cách thực thà, gã thường lấy mực vẽ râu vào những con bup bê của em tôi. Trên giường ngủ chúng tôi thường nghe giọng gã trước khi chìm vào giấc ngủ, gã sủa giọng chó, gã rên gừ gừ trong phễu máy xay, gã bắt chước giọng hát của những gã say về khuya trên đường phố.
Điều khiến Putois hiện diện và thân thuộc với chúng tôi, khiến chúng tôi thích thú ở gã, là cái ký ức về gã gắn liền với mọi đồ vật xung quanh chúng tôi. Búp bê của em gái tôi, vở bài tập của tôi, những trang vở luôn bị gã làm cho mực dính lem nhem và vò cho nhàu nát, những bức tường vườn mà trên đó chúng tôi đã thấy đôi mắt đỏ của gã lóe lên trong bóng tối, chậu hoa màu xanh mà một đêm mùa đông gã đã làm nứt vỡ nếu không phải là tại băng giá; cây cối, phố xá, các ghế dài, tất cả đều nhắc nhở chúng tôi nhớ đến Putois, Putois của chúng tôi, Putois của bọn trẻ con, một hình bóng địa phương và huyền thoại. Trong thần thoại và trong thi ca, gã kém xa những gã người rừng vụng về, những vị thần đầu người mình dê hoang dã xứ Sicily hay thần đồng áng xứ Thessaly có sừng có đuôi. Nhưng dẫu sao gã cũng là một á thần.
“Đối với cha chúng tôi, tính cách của Putois hiện ra rất khác, nó là một biểu tượng và có ý nghĩa triết học. Cha tôi có lòng trắc ẩn bao la đối với nhân loại. Ông không nghĩ là con người hiểu lẽ phải. Những sai lầm của họ, khi chúng không độc ác, thì thường làm ông buồn cười, thích thú. Ông quan tâm đến việc người ta tin vào Putois như là sự tóm tắt, rút gọn của mọi niềm tin của loài người. Cha tôi là người hóm hỉnh và hay châm biếm; ông nói về Putois như thể gã có thực. Đôi khi ông rất kiên nhẫn miêu tả từng chi tiết một cách chính xác khiến mẹ tôi hết sức ngạc nhiên. ‘Mọi người cứ bảo anh là người nghiêm túc’ bà nói thẳng ‘thế mà anh hiểu hoàn toàn’ Cha tôi trả lời một cách nghiêm trang ‘cả cái thành phố Saint-Omer này đều tin vào sự tồn tại của Putois. Liệu tôi có thể là một công dân tốt của nó không nếu tôi phủ nhận? Người ta phải suy nghĩ thật chín trước khi ngăn chặn một bài báo viết về một niềm tin phổ biến’
“Chỉ có những người đầu óc rất nhạy bén mới phải băn khoăn đắn đo như thế. Trong thâm tâm cha tôi là một môn đồ của Gassendi (7). Ông thỏa hiệp giữa những quan điểm cá nhân và những quan điểm của công chúng: với những người dân Saint-Omer ông tin vào sự tồn tại của Putois, nhưng ông không can thiệp trực tiếp và vụ trộm dưa và vụ quyến rũ cô đầu bếp. Tóm lại, là một công dân tốt ông nhận là có tin vào sự tồn tại của Putois, và ông lờ đi Putois khi giải thích các sự việc xảy ra trong thành phố. Do đó, trong trường hợp này cũng như tất cả mọi trường hợp khác, ông chứng tỏ mình là một người tốt và sâu sắc thận trọng.
“Về phần mẹ tôi, bà cảm thấy có trách nhiệm về việc ra đời của Putois, và bà nghĩ thế là đúng. Vì thực tế là Putois đã ra đời từ sự bịa đặt nhỏ của mẹ tôi, như Caliban (8) sinh ra từ sáng tạo của nhà thơ. Tât nhiên hai kẻ tội phạm này vô cùng khác nhau về tầm cỡ, và tội lỗi của mẹ tôi không lớn bằng tội lỗi của Shakespeare. Tuy nhiên, bà hoang mang và mất tinh thần khi thấy một lời nói dối nhỏ bé như thế đã lớn lên vô hạn, một sự lừa dối tầm thường như thế đã gặp được thành công to lớn phi thường đến mức nó không dừng lại ở đâu cả, nó lan ra cả thành phố và có nguy cơ lan ra cả thế giới. Một hôm bà tái xanh tin rằng bà sắp sửa trông thấy điều bịa đặt của bà hiện lên thành người trước mặt bà. Vào ngày hôm đó, một người hầu gái của bà, là người mới đối với nhà này và vùng này, đến tìm bà và nói có một người đàn ông muốn gặp bà. Ông ta nói, ông ta muốn nói chuyện với bà chủ. ‘Ông ta là loại người nào?’ ‘Một người đàn ông mặc blu. Trông ông ta có vẻ là người làm công ở nông thôn’ ‘Ông ấy có cho biết tên không?’ ‘Có, thưa bà’ ‘Ờ thế tên là gì?’ ‘Putois’ ‘Ông ấy bảo cô đó là tên ông ấy à?’ ‘Thưa bà vâng ạ’ ‘Và ông ấy đang ở đây?’ ‘Vâng, thưa bà. Ông ấy đang đợi ở trong bếp’ ‘Cô đã trông thấy ông ấy rồi à?’ ‘Vâng, thưa bà’ ‘Ông ấy muốn gì?’ ‘Ông ấy không nói. Ông ấy bảo chỉ nói với bà chủ’ ‘Đi hỏi ông ta’.
“Khi người hầu gái trở lại bếp, người đàn ông không còn ở đấy nữa. Cuộc gặp gỡ giữa Putois và người hầu mới không bao giờ được giải thích. Nhưng tôi nghĩ rằng từ hôm đó mẹ tôi bắt đầu tin rằng Putois có lẽ đã tồn tại thật, rằng có lẽ không phải là bà đã bịa ra anh ta.”
_____________________
(1) Nhân vật trong Gargantua và Pantagruel, tác phẩm của Rabelais.
(2) Rabelais (1494-1553): Nhà văn, nhà nhân văn chủ nghĩa vĩ đại Pháp thời Phục Hưng.
(3) Jacob Jordaens (1593-1678): Họa sĩ Hà Lan theo phong cách Barốc. Vẽ tranh về các chủ đề tôn giáo, huyền thoại và ngụ ngôn.
(4) Jean de La Fontaine (1621-1695): Nhà thơ ngụ ngôn Pháp.
(5) Marie Jeanne Roland de la Platière (1754-1793): Nhà chính trị, nhà báo thời Cách mạng Pháp, bị đưa lên máy chém năm 39 tuổi.
6) Một kiểu ngoáo ộp, hay yêu quái.
(7) Gassendi (1592-1655): Nhà triết học, khoa học và toán học Pháp.
(80 Nhân vật trong vở kịch Bão tố của Shakespeare.