Đặng Hồng Nam
1.
Tôi bị đánh thức bởi tiếng loa công cộng. Chiếc loa treo trên cột điện ở ngã tư trường Vườn Dâu. Thoạt tiên là bài Diệt phát xít, sau đấy là bài Giải phóng Điện Biên, bài hô tập thể dục, tiếp đấy là chương trình thời sự. Nhìn qua cửa sổ đã thấy sáng lờ mờ. Tiếng loa dội vào tai nhưng vì ở khoảng cách khá xa nên nó nhoè đi, chập chõm những âm rõ nghĩa. Chắc là không có gì. Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi thăm nơi này nơi nọ, tiếp khách này khách nọ, sản lượng lúa ở chỗ này, năng suất công nghiệp ở chỗ kia… Tin tức kiểu ấy người ta đã nghe mãi, nó gần như giống nhau ngày này sang ngày khác, năm này qua năm khác. Người ta khó chịu vì sự nhàm chán của nó nhưng như một thói quen, người ta vẫn mong tìm thấy một cái gì mới lạ. Sự nhoè đi của âm thanh, tính bập bõm của thông điệp đôi khi bắt người ta phải cố gắng để hiểu.
Bố tôi vẫn nằm yên, mặt quay vào bức tường trong, lưng quay về phía tôi. Không biết ông có bị đánh thức bởi tiếng loa như tôi không. Thật ra tôi cũng không quan tâm đến điều đó.
Đối với tôi, ông luôn trong trạng thái nửa ngủ nửa thức. Có lẽ từ lúc lên giường cho đến khi trở dậy cũng có lúc ông thiếp đi một cách thực sự, và ít ra những lúc được dìu từ giường đến chỗ ngồi, những lúc ăn uống hoặc nói một câu gì đó, có vẻ như ông tỉnh táo hơn. Mỗi buổi tối, sau khi đưa ông lên giường tôi cũng đặt lưng xuống nằm cạnh ông. Ông đi ngủ muộn, thường là sau khi vẳng tới tai đoạn nhạc mở đầu của chương trình Tiếng thơ hoặc Đọc chuyện đêm khuya, cũng từ cái loa công cộng ở ngã tư trường Vườn Dâu, cũng có thể cùng có từ loa một nhà hàng xóm. Ông không cần phải đi nằm sớm, bởi vì có đi nằm sớm thì chưa chắc ông đã ngủ được ngay, mà nếu ngủ được ngay thì có thể ông sẽ tỉnh giấc vào giữa đêm khuya, trong khi ngồi ông có thể sinh hoạt với cả nhà và nếu cần ông có thể ngả đầu ra sau mà ngủ, trong tư thế ấy ông sẽ không ngủ được lâu.
Cái khó của ông là không thể tự làm lấy mọi việc. Từ bảy năm nay ông bị bệnh liệt run. Các cử động của ông đều khó khăn, chậm chạp, chân tay lúc nào cũng run lẩy bẩy. Ông được chuyển từ bệnh viện E (bệnh viện dành riêng cho cán bộ) của tỉnh lên bệnh viện E Trung ương, bệnh không hề thuyên giảm. Người ta mách cho tên tuổi của những ông lang. Từ những vị thuốc Bắc có mùi thơm cho đến những thứ củ, quả, lá lẩu hắc xì được cho vào nồi, đun trên bếp lửa sụt sùi rồi chắt ra uống. Có người bảo phải ăn xương hầm của bảy con mèo đen. Đàn bà chín vía, đàn ông bảy vía, phải là con số bảy. Hồi đó chưa có nền kinh tế thị trường, tất cả đều dựa trên quan hệ thân quen, thật khó mà có thể nhờ người tìm ra cho đủ bảy con mèo đen, một con đã khó.
Có ai đó mách cho ăn chó bao tử. Điều này có thể thực hiện được. Mẹ tôi đến gặp ông Dục ở phố Hàng Thao. Hồi ấy thịt chó gần như là một món ăn cao cấp nhất mà người ta có thể ước ao. Vào hàng thịt chó phải là những người có tiền nhất, ăn chơi nhất. Hồi ấy thành phố Nam Định có hai hàng thịt chó nổi tiếng nhất, do ngẫu nhiên, ông Sinh và ông Dục. Ông Sinh ở phố Nguyễn Du. Phố Nguyễn Du gần nhà tôi hơn nhưng có lẽ hàng ông Sinh hoạt động không đều đặn hay như thế nào đó nên mẹ tôi phải đến hàng ông Dục. Ông Dục, một người có nước da bánh mật, mặt to, tròn, có những múi thịt nổi lên từ hai bên mép chạy vòng qua hai gò má, nghe mẹ tôi giãi bày nguyện vọng thì gật gật và bảo bà hàng ngày đến ông. Mỗi buổi chiều, dời nhà máy, bà đạp thẳng xe đến hàng ông Dục. Sau hơn một tuần thì gặp được một con chó chửa. Chó đang chửa mà đem bán cho hàng thịt chó thì chỉ là chó ăn trộm. Chó con thì chỉ đem mà vứt đi. Chỉ có năm con chó con, giá mà có đủ bảy con, thôi thì năm cũng được, ông Dục lấy mẹ tôi với một cái giá vừa phải.
Năm con chó, mỗi con to bằng củ khoai, đỏ hon hỏn, ông Dục cho vào túi ni lông và đưa cho mẹ tôi. Mẹ tôi nhắm mắt lại để khỏi nhìn vào nó, treo cái túi ni lông vào ghi đông xe đạp và đạp về nhà. Bà rửa chúng bằng nước lã sau đó rửa lại bằng rượu, bà nhón lấy từng con bằng hai ngón tay, đưa ra xa, cố gắng để khỏi bị nôn, cho chúng vào một ngăn cạp lồng, cho vào một nồi nước để hấp cách thuỷ. Bà để nó lên bếp dầu, vặn nhỏ lửa, đun suốt một đêm, thỉnh thoảng phải đổ nước vào trong nồi cho khỏi cạn, sáng ra bếp cũng vừa hết dầu, bà để đấy đi làm, tối hôm sau, cơm nước xong xuôi, bà lại đun nó tiếp. Ba đêm liền như thế. Khi mở nắp cạp lồng ra, trong đó là một thứ nước lệt sệt, cũng không tanh cho lắm, thậm chí còn có mùi thơm của thức ăn. Với một quyết tâm cao, ông run rẩy, tóm tém nuốt từng thìa cái thứ nước lệt sệt ấy. Đôi khi ông ngừng lại vì một thứ bột lẩn mẩn, đấy hẳn là tàn tích của những bộ xương non. Đút cho ông hết cái ngăn cạp lồng ấy bà coi như đã lập được một kỳ tích, để lại ông ở nhà, khoá cửa lại và đạp xe đến nhà máy nơi có một cuộc họp đang chờ bà. Khi trở về bà gặp một cảnh tượng thật kinh hoàng. Giữa nhà nhoe nhoét mấy bãi phân lỏng. Mùi phân nồng nặc, khắm lằm lặm, còn ông thì nửa nằm, nửa ngồi, gần như kiệt sức với cái quần dính đầy phân.
Sau nhiều lần đi lại giữa bệnh viện E của tỉnh và bệnh viện E Trung ương, sau nhiều cuộc hội chẩn, ông được kết luận là mắc bệnh Parkinson. Vào thời ấy nếu không phải là bác sĩ, chưa ai nghe thấy cái tên bệnh ấy bao giờ. Để lấy dẫn chứng sinh động và cũng để hiểu được tính chất nghiêm trọng của căn bệnh, người ta bảo Mao Trạch Đông cũng mắc bệnh này. Mao Trạch Đông thì người ta luôn thấy trong các tờ hoạ báo Trung Quốc, mặt to phèn phẹt, người như một đống thịt, ngồi bất động, sống dai nhanh nhách. Trung Quốc, Đông y là nhất, Tây y cũng không phải là thường, cần đổ một núi vàng, giết một triệu người để chữa bệnh cho Mao Trạch Đông người ta cũng sẵn sàng, ấy thế mà cũng có chữa được đâu. Vì thế, cộng với nỗi khiếp sợ sau vụ chó bao tử, mẹ tôi quyết không nghe ai mách về các ông lang, những con vật hay các thứ lá lẩu nữa.
Thuốc điều trị bệnh Parkinson chỉ bệnh viện Việt-Xô, bệnh viện dành cho cán bộ cao cấp, lương từ một trăm mười bốn đồng trở lên, mới có. Lương bố tôi chỉ có chín mươi nhăm đồng. Mẹ tôi được dịp trách ông, mấy lần người ta đề bạt ông lên làm phó Ty Văn hoá ông đều từ chối, cứ cố thủ cái chức trưởng phòng Sáng tác. Sau những cuộc vận động của một số người có uy tín và yêu quí ông, ban lãnh đạo tỉnh xét thấy công lao của ông đối với nền văn hoá tỉnh nhà nên quyết định tăng sớm cho ông một bậc lương, đủ để được làm bệnh nhân của bệnh viện Việt-Xô. Qua những cơn nguy kịch, ông được về nhà điều trị ngoại trú, hàng tháng người nhà đến bệnh viện lĩnh thuốc. Có thuốc ông đỡ run hơn, ngày nào ông cũng phải uống. Những viên thuốc cho bệnh Parkinson chỉ to bằng hạt gạo, ngày uống hai hoặc ba viên tuỳ theo đó là của Đức hay Liên Xô, kèm theo nhiều thứ thuốc khác, có lẽ là thuốc bổ, trợ lực hoặc chống dị ứng, gộp cả lại gần một vốc tay.
Ăn sáng và uống thuốc xong ông vẫn ngồi trên chiếc ghế có đệm mút dành riêng cho ông. Tấm mút được lấy ra từ ghế dành cho lái xe của một chiếc xe tải, phía dưới của nó có rất nhiều lỗ tròn, có lẽ vốn là để cho lò xo, bọc một tấm vải cũ, đặt vừa vào chiếc ghế của bộ sa lông Đức. Chẳng biết vì sao người ta lại gọi như thé. Chẳng ai biết một bộ sa lông của người Đức là như thế nào. Hồi ấy Đức, Đông Đức, là nước được coi là văn minh nhất trong phe Xã hội Chủ nghĩa, hơn Liên Xô nhiều, kiểu Đức thì có nghĩa là miễn chê. Bộ sa lông Đức nhà tôi được đóng bằng gỗ de, thứ gỗ thuộc nhóm bốn, nhóm một gồm những thứ quí giá như lim, gụ, sến, táu… Bằng tài ngoại giao, mẹ tôi xin được một cái phiếu mua nửa mét khối gỗ của công ty Vật liệu và chất đốt. Nhờ vả một ông cán bộ cung tiêu của Nhà máy, ông này rất kính nể mẹ tôi, ông ấy già, gầy hom hem vì mắc bệnh hen suyễn, lúc nào cũng thở khì khò và luôn có nguy cơ lịm đi, có một cái xe Mô kích, xe máy của Đức, đời cũ. Hồi ấy có xe máy, lại là Mô kích thì biết ông ta là người tháo vát đến thế nào. Ông cán bộ cung tiêu phải phóng xe Mô kích đến tận đầu kia của thành phố, nơi có văn phòng của công ty Vật liệu và chất đốt mới thuê được một chiếc xe ba gác chở về nhà cho mẹ tôi mấy tấm gỗ. Một nữ công nhân thân tín của mẹ tôi tiến cử ông chồng của bà đảm trách việc biến chỗ gỗ này thành bộ sa lông Đức. Chồng của bà, một người miền Nam tập kết, hình như quê Quảng Ngãi, về hưu đã lâu, có lẽ ông ta về hưu khi chưa đầy bốn mươi tuổi, chỉ ở nhà vớt bèo nuôi lợn, nấu cơm. Ông chồng bà công nhân đưa đóng gỗ đi, hơn một năm sau, sau nhiều lần giục giã, bà vợ luôn bảo với mẹ tôi: “Sắp xong rồi chị ạ. Nhà em bảo chỉ còn một tí nữa thôi.” Cuối cùng thì nhà tôi cũng có một bộ sa lông Đức.
Một cái bàn hình chữ nhật, chiều ngang chưa được nửa mét, chiều dài chừng tám mươi phân, dưới mặt bàn có một cái hộc nhỏ có thể để được hộp chè hay một vài thứ linh tinh gì đấy. Bốn cái ghế, mỗi cái là một tấm gỗ ghép nằm trên bốn cái chân ngắn một mẩu làm cho mỗi khi đặt đít vào người ta luôn có nguy cơ bị ngã bổ chửng ra đằng sau. Để đề phòng điều đó có một tấm gỗ ghép khác dựng làm lưng ghế. Hai bên có hai thanh gỗ đóng khung lại làm tay ghế. Tất cả đều được đánh véc ni. Thật ra nó chỉ được quang một lớp dầu bóng cùng với một lớp màu vàng loãng toẹt. Một bộ sa lông Đức đáng mơ ước thời đó phải là những tấm gỗ lim dày, hai tay ghế bằng lim uốn cong, mặc dầu được đánh véc ni một cách kĩ lưỡng vẫn nổi lên những vân gỗ đẹp mê hồn. Mẹ tôi không hài lòng lắm. Bà hơi xót xa: “Nửa mét khối gỗ mà được có thế này.” Dù sao thì cũng đã là một cuộc cách mạng, thay được bộ bàn ghế từ bao nhiêu năm.
Bộ bàn ghế cũ có từ hồi nhà tôi còn ở phố Bắc Ninh. Cái bàn vuông rộng chừng tám mươi phân, mặt bàn ghép bằng những miếng gỗ lim đen, chân bàn bằng gỗ tạp. Bốn cái ghế đẩu, mặt ghế cũng bằng gỗ lim đen. Tất cả đều được lựa ra từ một cửa hàng bán chất đốt và được thực hiện dưới bàn tay của ông Viêng, bác ruột của bố tôi vốn là lý trưởng chuyển sang hành nghề thợ mộc. Bộ bàn ghế ấy trải qua hai cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ và được thay thế bằng bộ sa lông Đức một năm sau ngày giải phóng miền Nam. Cái tủ buýp phê được đóng sau một chút, cũng ở phố Bắc Ninh, bằng những thứ lấy ra được từ cửa hàng chất đốt, dưới bàn tay của ông lý trưởng hành nghề thợ mộc thì vẫn còn tồn tại.
2.
Có lẽ là năm tôi lên năm, bố tôi vẽ lên tờ giấy một hình vuông vuông rồi đưa cho ông Viêng. Đó là phác thảo hình cái tủ mà ông sẽ phải đóng. Ông Viêng kéo thêm một bạn thợ, thi công nhờ ở nhà ông Luân, chú họ của bố tôi, làm nghề đóng giày ở phố Hàng Rượu. Từ nhà tôi đi qua mấy nhà, rẽ trái, qua chừng hơn chục nhà nữa là đến nhà ông Luân. Có lần tôi qua đấy chơi thấy ông Viêng đứng trên cao, người bạn thợ của ông ngồi dưới thấp, hai ông đang kéo một cái cưa rất to để xẻ một tấm ván. Mấy hôm sau tôi thấy ông Viêng bảo với bố tôi: “Mai là xong” và ông yêu cầu sáng hôm sau bố tôi cho các ông một bữa ăn sáng, bố tôi nghiêm trang hỏi bữa ăn như thế nào, ông Viêng trịnh trọng yêu cầu vài lá bún với một ít mắm tôm, bố tôi tỏ ra sẵn sàng chấp thuận. Tôi nhớ khi nó được đưa về với lớp véc ni màu nâu sậm, hình dáng như phác thảo trong tờ giấy bố tôi đưa cho ông Viêng, nhưng tôi không hề nhớ gì đến sự hiện diện của nó trong căn phòng mà gia đình tôi ở trên tầng hai của một căn nhà ở phố Bắc Ninh, thậm chí nó nằm ở vị trí nào trong căn phòng bé nhỏ ấy tôi cũng không nhớ nữa. Sau năm năm sơ tán, nhà tôi chuyển từ phố Bắc Ninh về Khu Lao động Đồng Tháp Mười, tôi nhận ra nó là người thân, chỉ từ đấy tôi mới thấy nó tham gia vào cuộc sống của gia đình tôi.
Hồi chưa đi sơ tán, có một lần đèo tôi vào nhà máy, thỉnh thoảng bà vẫn đèo tôi vào đấy chơi, khi về, qua một khu đất trống, mẹ tôi chỉ vào đó bảo với tôi: “Mai kia nhà mình ở chỗ này.” Trước đó tôi đã có nghe mẹ tôi nói với bố tôi chuyển nhà đến một chỗ “có tí đất để tăng gia.” Dời nơi sơ tán chúng tôi về luôn căn nhà mới ở một khu tập thể nằm ở rìa thành phố. Khu tập thể này có chừng một chục dãy nhà cấp bốn nằm trên cánh đồng của làng Vị Xuyên ngày xưa, những dãy đầu tiên nằm ở phía đường Hàn Thuyên đã được xây và có người ở từ trước.
Hồi tôi học lớp một, có một lần mẹ tôi chở tôi ghé qua một trong những dãy nhà ấy, không ngờ tôi lại gặp thằng bạn học cùng lớp với tôi ở trường Trần Quốc Toản, thằng Quyên, nó là con thầy Đức, hiệu trưởng trường Trần Quốc Toản, ông cũng lại là người dạy bổ túc văn hóa cho mẹ tôi. Khi ấy nó đang chơi bi một mình trên bãi đất trước cửa nhà, nó đứng lên dướn đôi mắt híp nhìn tôi và mẹ tôi. Tôi nhảy xuống xe chơi với nó một lúc. Dãy nhà của gia đình tôi là dãy cuối cùng, vì giáp nó là một cái ao, qua cái ao là phía sau của những căn nhà của phố Hàng Cót. Chắc hẳn nó đã được xây ngay trong khi chúng tôi đi sơ tán, được một đơn vị xăng dầu sử dụng làm văn phòng, đến khi chúng tôi về họ mới rút đi, họ để lại cho nhà tôi một chiếc bàn. Đã có một số gia đình về ở trước. Cùng dãy, cách nhà tôi mấy nhà, một gia đình đông đúc, một bà mẹ và năm đứa con, bà làm công nhân Nhà máy Dệt. Một thằng kém tôi chừng hai tuổi vào mỗi buổi chiều đều kí cách chẻ củi, mỗi lần như thế nó đều hát bài Nổi lửa lên em. Bài hát ca ngợi những cô gái anh nuôi ở trong chiến trường. Lần đầu tiên tôi nghe bài hát ấy. Ở chỗ tôi sơ tán hầu như không có loa đài, tôi cũng không thấy ai tự nhiên cất tiếng hát như thế bao giờ. Nó còn hát nhiều bài nữa mà mãi về sau tôi mới biết.
Mỗi dãy nhà gồm ba cái nhà dài xây tường đơn lợp ngói nối nhau. Mỗi cái nhà như thế được chia ra thành năm gian cho năm hộ ở. Mỗi gian rộng ba mét, sâu tám mét, có một cửa ra vào và một cửa sổ. Phía sau có một cái cửa ăn thông với khu phụ gồm một mái bếp và một khoảng sân nhỏ làm chỗ rửa ráy tắm giặt. Một cái vòi nước bằng đồng thò ra từ bức tường cuối. Một cái rãnh nhỏ để thoát nước ra cống ở đằng sau, có thể đi đái ở nhà, còn ỉa thì phải đi vòng ra phía sau đến một cái nhà xí công cộng dùng chung cho tất cả khu tập thể ngay, cách chùa Cả một mảnh vườn nhỏ.
Nhà tôi ở nhà thứ ba tính từ ngoài đường vào. Đầu nhà là nhà ông Du phó Ty Thông tin, tiếp đến nhà tôi. Vì bố tôi là nhà văn, cần phải có không gian riêng để sáng tác nên được thêm một phần ba gian nữa. Một phần ba gian ấy thông với gian chính bằng một cửa ngách, ngăn với hai phần ba gian còn lại bằng một bức tường cao hơn đầu người, nhà của một ông nào đó, nghe nói là độc thân, ông ta chẳng ở đấy ngày nào, thoạt đầu thi thoảng có nghe tiếng của ông ta, về sau có một người được ông ta cho ở nhờ một thời gian, rồi lại một cặp vợ chồng cũng đến ở một thời gian, họ cãi cọ nhau rồi đi, cuối cùng là gia đình của một công nhân xí nghiệp Gỗ.
Cái tủ buýp phê kê sát tường ngay cạnh cửa ngách ăn thông giữa gian chính và gian buồng. Hồi đầu cái cửa ngách ấy còn được treo một tấm rèm. Tấm rèm không phải làm bằng những đốt trúc tô màu mà khi thả xuống người ta có thể thấy hình chùa Một Cột, đưa tay vào rẽ nó ra, những đốt trúc va vào nhau phát ra những tiếng kêu lạch xạch mà là làm bằng giấy, một sản phẩm đầy sáng tạo của thời chiến tranh chống Mỹ. Giấy từ những trang họa báo Liên Xô, Trung Quốc rất sẵn, cuộn lại thành hình những đốt trúc, móc vào với nhau bằng những đoạn dây đồng. Tất cả những đốt trúc giấy ấy đều mang màu trắng điểm những chấm đen hay những mảng màu khác nhau do những chữ hay do những bức ảnh tạo nên. Thưa thớt và nhẹ bẫng, bức rèm ấy tạo nên một ý niệm hơn là giá trị thực của việc chia cách không gian giữa gian chính và gian buồng. Chẳng bao lâu, những cuộn giấy ấy cứ rơi rụng dần, còn vài cái lưa thưa, cuối cùng thì chẳng còn vết tích gì nữa.
Gian buồng ấy vừa kê được một cách sít sao một cái bàn làm việc của bố tôi, một cái ghế, một cái tủ sách nhỏ và một cái giường đôi của bố mẹ tôi.
Tôi chưa thấy ở đâu có cái tủ buýp phê giống như ở nhà tôi. Nó gồm ba ngăn, ngăn đầu cao, hai ngăn còn lại thấp bằng nhau. Ngăn đầu để đựng quần áo. Sát nóc tủ có một thanh gỗ tròn để mắc vào đấy những cái mắc áo. Thật ra chỉ có vài cái thôi. Thường xuyên được treo ở trong ấy là cái áo vét bằng ka ki màu be của bố tôi, nó đã trải qua nhiều năm tháng. Về sau có thêm một cái ba đờ xuy bằng dạ, mẹ tôi dành được nó vào một đợt phân phối hàng viện trợ. Cái áo ba đờ xuy ấy vốn là của một ông Tây, Nga, Tiệp hay Bungari gì đó cho đi trong một đợt quyên góp ủng hộ những người anh em Việt Nam đang gian khổ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Lẽ dĩ nhiên phải thần thế lắm mới có thể giành được một của quý như thế. Một cái áo vét của mẹ tôi may bằng một thứ vải tổng hợp nào đó cứng quèo và cũng đã cũ mèm. Mùa rét những thứ đó được đem ra sử dụng, thanh gỗ sát nóc tủ chỉ còn những cái mắc không.
Dưới những cái mắc áo luôn là một cái bọc. Một cái bọc bằng vải khá to choán hết bề ngang và cao lên đến nửa ngăn tủ. Trong bọc có mấy mảnh vải mà như thế nào đó mẹ tôi đã mua được, vài thứ quần áo tuy còn rất mới nhưng chẳng thể mặc cho một ai trong nhà, về sau lại còn có thêm một mảnh vải hoa to tướng, dày bình bịch, mẹ tôi bảo để dành cho tôi khi tôi cưới vợ. Cái bọc cứ nằm trong ngăn tủ năm này đến năm khác, thỉnh thoảng vào ngày có nắng mẹ tôi dở các thứ trong đó ra phơi, nhân tiện bà nhắc lại lai lịch một vài thứ trong đó và mục đích sử dụng chúng trong tương lai, Bố tôi bảo: “Ây, bọn nó về sau này sung sướng, chúng nó dùng gì những cái này.” Hoặc: “Hết chiến tranh, Mỹ nó đền bù cho khối.”
Ngăn thứ hai, ngăn giữa, chỉ là một cái khoang để trống ở phần trên. Chắc hẳn nó cần có một tấm kính nhưng ngay từ ban đầu đã không có rồi, về sau thì không ai nghĩ đến chuyện đó nữa. Trong khoang trống ấy luôn để chiếc cốc thủy tinh. Nhà tôi có duy nhất một chiếc cốc thủy tinh. Nó là sản phẩm của một hợp tác xã thủ công nào đó vào thời kì bắt đầu xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Cái cốc không có đủ chiều cao cần thiết, dày bình bịch, thứ thủy tinh rất thô, thế nhưng lại có những chấm tròn tạo nên cho nó một sự duyên dáng nhất định. Chiếc cốc thủy tinh luôn được để vào giữa bốn cái tách sứ Trung Quốc có quai, có hình một bông hoa to ở thân tách và một đường viền màu hồng ở miệng tách. Chúng đều khá cũ, lớp men trên chúng có đã ngả màu, nhưng vẫn toát lên vẻ sang trọng. Mỗi chiếc tách đều được nằm trên một cái đĩa riêng.
Một cái phin pha cà phê luôn được để trên một trong những cái tách ấy. Chiếc phin từ thời Pháp. Hồi ấy không có mấy người uống cà phê. Chỉ có những chiếc phin còn lại từ thời Pháp. Phin làm từ thời Pháp rất cầu kỳ. Sau năm 1975 thì người ta mới uống cà phê nhiều hơn và biết đến những chiếc phin làm bằng nhôm hết sức sơ sài. Chiếc phin của bố tôi làm bằng đồng, có lẽ nó từng có một lớp mạ nhưng đã bị bong hết cả, chỉ cong lại một số dấu vết loang lổ. Bên trong nó có một cái cối cũng bằng đồng có nhiều lỗ nhỏ, cái cối có một cái quai dài kéo từ đáy lên trên để giữ lấy cái nắp cũng có nhiều lỗ. Phải lấy cái cối ấy ra khỏi chiếc phin, cho cà phê vào đấy, kéo nắp đậy lại rồi mới cho nó vào trong phin, phải ấn nó xuống thật khít. Khi pha cà phê bao giờ bố tôi cũng rót vào đấy một ít nước sôi, đậy nắp phin lại, chờ một lúc, kiểm tra xem có nước trong chảy xuống tách không, nếu có thì tức là cối lắp vào chưa thật khít, phải chỉnh lại, sau đó mới rót nước sôi vào vừa cữ đã định. Được chừng lưng tách thứ nước có màu đen đặc sánh ông chuyển cái phin sang cốc thủy tinh, cho thêm nước sôi vào đấy, từ đấy cho ra một thứ nước nhờ nhờ, gọi là nước xái. Anh em chúng tôi được hưởng thứ nước xái đó.
Một cái cối xay cà phê cũng luôn được để trong góc trong cùng, cạnh những cái tách. Cái cối xay cà phê ấy cũng là một sản phẩm đặc Pháp. Một hộp gỗ vuông có chữ Peugeot và hình con sư tử, ở trên có một cái cần để quay, dưới cái cần ấy có một cái chóp hình bán cầu mà một nửa của nó là cánh cửa mở ra để cho những hạt cà phê vào đấy. Mỗi khi được bố tôi cho thử sức với cái cần quay ấy tôi đều để nguyên không đóng nắp lại, nhìn vào sâu trong lòng cái cối để thấy những hạt cà phê chen nhau chui xuống, thích thú với tiếng hạt cà phê vỡ nghe lạo xạo, chốc chốc lại kéo cái ngăn kéo ở dưới ra xem lớp hạt mỏng, bé li ti.
Có lẽ ông thường mua cà phê đã rang từ vài ba hiệu cà phê còn hoạt động cầm chừng vào thời đó. Đôi khi ông được một ai đó từ Nghệ An hay Sơn La về cho ông một gói hạt chừng vài ba lạng, ông phải đem đến một hiệu cà phê nào đó để thuê rang. Tôi nhớ có một lần, khi nhà tôi còn ở phố Bắc Ninh, ông tự rang lấy. Những hạt cà phê được đảo đều trong một cái chảo đặt trên bếp kiềng đun bằng củi cho đến khi ngả hẳn sang màu đen tuy không đều và bóng như những hạt cà phê được rang ở hiệu. Tôi nghe ông nói giá có một tí bơ.
Hồi đó bơ là một thứ vô cùng hiếm hoi và xa xỉ. Tôi nhớ đúng có một lần ông xin được từ ai đó một tí bơ. Đấy là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy bơ. Cái tí bơ ông mang về ấy được bểu bằng một cái tăm vào một miếng ni lông bé tẹo rồi gập lại, cái tăm vẫn nằm nguyên trong đó. Khi tách cà phê vừa pha xong ông lấy cái tăm ra sao cho bơ chỉ dính một tí tị quanh đầu tăm, nhúng nó vào đấy. Cái tí tị bơ ấy tan ra óng ánh vàng trên mặt nước đen đặc và ấm nóng.
Ông còn có một cái ấm nhôm bé tí, nó không được nhẵn nhụi cho lắm, nổi rõ một đường ghép mí ở dưới thân ấm, có thể mẹ tôi đã nhờ một người thợ gò trong Nhà máy, hoặc ông đến phố Hàng Thiếc, nơi có những người thợ suốt ngày gò, hàn. Những khi cà phê bị để nguội ông dùng cái ấm ấy để sốp phê [hâm nóng, từ tiếng Pháp chauffer – Văn Việt] nó lên. Ông đổ tách cà phê vào trong ấm, ông lôi từ đâu đó ra một chiếc bếp cồn. Chiếc bếp cồn bằng đồng, hẳn là còn lại từ thời Pháp, có kết cấu cũng khá phức tạp. Ông phải kéo ra ấn vào một cái núm ở bên thành bếp để bơm cồn lên qua một cái kim ở trong lõi bếp rồi mới châm diêm vào đấy. Bụp một cái, ngọn lửa bùng lên trong xanh rất đều, trông rất đẹp mắt. Không có cồn ông dùng xăng thay thế, việc vận hành cái bếp có vẻ vất vả hơn, nhiều khi bơm mỏi tay xăng mới lên hoặc lên không đều, chảy tràn ra cả xung quanh. Thật ra cái bếp cồn dùng đun nước sôi để tiêm cho mẹ tôi nhiều hơn là để sốp phê cà phê. Thật kỳ diệu khi tách cà phê được đổ vào trong cái ấm ấy và được đun sôi lên. Từ cái vòi ấm phì ra một làn hơi nước, rồi cũng từ cái vòi ấy tuôn ra tách sứ một dòng nước đen nóng hổi, nhúng cái tăm có dính một bểu bơ vào đấy, cái bểu bơ ấy tan biến đi rất nhanh.
Không phải hôm nào bố tôi cũng uống cà phê và không phải lúc nào ông cũng có cà phê để uống. Cái tí bơ ông xin được ấy, mỗi lần bểu ra một tị, còn lại ông gập miếng ni lông lại, cho cả nó vào trong một cái lọ thủy tinh nhỏ, đậy nút chặt lại. Có lẽ ông chỉ được dở nó ra vài ba lần thì cà phê hết. Đến khi có lại cà phê, nhớ đến nó thì cái tí bơ nằm trong miếng ni lông đã mốc xanh, ông bần thần vứt nó đi.
Trong suốt nhiều năm khoang giữa của cái tủ buýp phê chỉ có chừng ấy thứ, thường là chúng nằm im cho bụi phủ, chỉ có cái cốc thủy tinh vừa ngắn vừa dày, như một cô nhà quê diêm dúa, luôn được nhắc ra cho vào. Thật ra vị trí thường xuyên của nó là trên bàn trà, cạnh bộ ấm chén, nó luôn được sử dụng để uống nước lã đun sôi, nước chanh pha đường, cũng có khi chỉ nước đường, pha sữa. Hồi ấy thỉnh thoảng cũng có sữa, sữa bột, hàng viện trợ từ một nước nào đó, trắng đục, như vôi bột, không biết để từ bao giờ vón cục hết cả lại, khi cho vào cốc phải dằm ra, cho nước sôi vào ngoáy mãi nó cũng không tan ra được, cứ để cái thứ nhếu nháo như thế cho vào mồm. Cái cốc để trên mặt bàn là thuận tiện nhất vì mọi người đều phải dùng đến nó, nhưng thỉnh thoảng một ai đó tự nhiên lại cho nó vào trong khoang tủ buýp phê, đừng giữa những cái tách pha cà phê.
Năm 1977 mẹ tôi được đi Tiệp Khắc. Chuyến đi dành cho những cán bộ Công đoàn có thành tích xuất sắc. Bà được đi hơn một tuần, được thăm thủ đô Praha, được đi xe ngựa thăm những lâu đài, một lâu đài mà bà nhớ được tên là Tô pô chan ki, ở đấy có những mái nhà dát vàng, những hầm rượu, những thảm chùi chân rất đẹp, những con thú đi săn được của người chủ cũ... Được truyền lại kinh nghiệm từ những người đi trước, bà mua mấy hộp cao Sao Vàng để làm quà cho những người bên ấy. Sau chuyến đi, ngoài mấy bộ xích líp xe đạp mà bà mua được bằng tiền tiêu vặt được cấp cho nhưng không dùng đến bà còn mang về hai món quà bà có được khi đến thăm những gia đình người Tiệp Khắc. Một cô bé bằng nhựa mặc váy viền xanh đỏ, loại váy truyền thống, rất đẹp. Một cô gái Nhật Bản làm bằng hai khúc gỗ, một khúc to và ngắn vẽ mái tóc đen chụp vào khúc bé hơn và dài vẽ khuôn mặt và bộ ki mô nô. Tôi nhớ khi có hai thứ trang trí này trong khoang tủ thì không còn cái cối xay cà phê ở trong đó nữa. Có lẽ bố tôi đã cho ai đó mượn và người đó không trả lại.
Đến năm 1978 thì bố tôi có một chuyến đi miền Nam. Khi ấy ông đã làm Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật của tỉnh được mấy năm. Giải phóng miền Nam đã lâu mà ông chưa biết Sài Gòn như thế nào. Thể theo sự thúc giục của nhiều người, ông quyết định một chuyến đi. Ông đi bằng máy bay, lần đầu tiên ông được đi máy bay. Thua mẹ tôi, bà được đi trước ông. Sau chuyến đi ấy ông bổ sung cho khoang tủ giữa mấy cái đĩa sứ Đài Loan trên đấy có hình mấy cái lá tre màu xanh trông khá đẹp, một bộ đồ pha lê gồm một cái bình hình cầu có nút đậy bên trên kèm theo mấy cái chén con, trông cũng ngồ ngộ. Không biết có phải vì trong khoang tủ đã có một cô bé Tiệp Khắc và một cô gái Nhật Bản mà ông mang thêm về một cô gái Việt Nam. Cô gái mặc áo dài trắng trùm khăn voan nằm trong một cái hộp giấy bọc giấy bóng kính. Nó to hơn hẳn hai thứ đồ kia, thậm chí là hơi kềnh càng nữa, vì nó dài hơn chiều cao của khoang tủ nên không thể dựng đứng nó lên được mà phải để nó nằm chéo từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, sát vách khoang tủ. Của đáng tội, nếu đặt nằm thì chả khác gì hình một cô gái nằm trong quan tài. Một năm sau thì bố tôi đổ bệnh, họ hàng ở quê lên thăm, tất cả đều chú ý đến cô gái mặc áo dài trắng trùm voan, nó gợi cho người ta nghĩ đến một thứ hàng mã hay một thứ hình nhân thế mạng hơn là một thứ đồ trang trí trong gia đình. Họ bàn tán bố tôi mắc bệnh nan y vì cô gái đó. Bố tôi luôn tỏ ra giễu cợt với những chuyện mê tín như thế tuy nhiên trong trạng thái bi quan, nể lời mẹ tôi ông để cho bà mang cô gái trùm voan đi trôi sông.
Ngăn tủ thứ ba, mặc dù giống ngăn thứ nhất, nó cũng có một ổ khóa chìm, nghĩa là một cái lỗ ở mép cánh tủ để chọc cái chìa khóa hình ống bằng đồng vào đấy mà xoay xoay. Không có tay nắm, việc cắm chiếc chìa khóa bằng đồng mang mục đích kéo cánh tủ ra hơn là vận hành cái chốt ở bên trong. Cánh tủ luôn bị kẹt chặt. Về sau không còn cái chìa khóa nào, cánh tủ phải khép vào vừa phải, để chừa mí để bấu đầu ngón tay vào đấy mà mở nó ra.
Trong suốt nhiều năm ngăn tủ này gần như không có gì. Có mỗi độc một lọ đường. Cái lọ thủy tinh vốn là lọ đựng hóa chất trong phòng thí nghiệm, đựng được hơn một cân đường. Đường chỉ nằm thành một lớp vừa phải trên đáy lọ và bám đầy thành lọ, tôi không nhớ có bao giờ đường nằm cao đến nửa lọ chứ đừng nói đến đầy. Vì miệng lọ quá bé, thò cái cù dìa vào nhiều khi không chạm được tới lớp đường, phải lắc, nghiêng cái lọ mới lấy được đường ra. Từ bao giờ đó xung quanh miệng lọ có những vết rạn. Thế rồi một lần Dũng và Hoa bị nhốt ở trong nhà, ai đó đã khóa cửa ra đi khi chúng còn đang ngủ, không có trò gì chơi, chúng bê lọ đường ra, moi đường trong ấy ra ăn. Những hạt đường dính trong thành lọ sát ngay trên miệng lọ không thể dùng cù dìa mà vét được, phải thò ngón tay vào mà quệt. Cái lọ bị vỡ. Về sau thì cái ngăn tủ ấy được để một cái ruột chăn bông khi hết mùa rét.