Thụy Khuê
Chương 7
Louis Chevreuil
và sự xuyên tạc việc tàn sát đạo Chúa ở Đàng Trong
Trong bộ sách nổi tiếng La Cochinchine Religieuse (Đạo giáo ở nước Nam), linh mục Louis-Eugène Louvet cho biết việc truyền giáo ở Việt Nam đạt kỷ lục năm 1883, tức là một năm sau khi vua Tự Đức ký hòa ước Nhâm Tuất (1882), phải nhường đứt ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường cho Pháp và để các giáo sĩ Pháp và Y Pha Nho tự do vào giảng đạo.
Trong bài Tựa (Préface) sách này, Louvet viết: “Năm 1883, Việt Nam có gần 600.000 giáo dân, trên một dân số toàn thể là khoảng 20 triệu người” [1].
Sau đó, trong bài Nhập đề (Introduction), ông kê khai rõ số giáo dân ở mỗi miền[2] và kết luận rằng:
“Tổng cộng những con số này ta thấy An nam có 565.908 giáo dân. Dân số An Nam khoảng hai mươi triệu người, vậy tỷ lệ cứ ba mươi lăm người có một giáo dân. Tỷ lệ này vượt trên Ần Độ và Trung Hoa rất nhiều. Theo bản báo cáo này, thì hội truyền giáo An nam đứng đầu ở Á đông.”[3]
Vậy một câu hỏi cần được đặt ra: Tại sao ở một nước mà đạo Thiên Chúa bị “đàn áp bạo ngược” không ngừng trong 240 năm (1644-1844) như lời Louvet viết trong sách, lại có một cộng đồng giáo dân mạnh nhất Á đông?[4]
Vậy sau Alexandre de Rhodes, ai là người tiếp tục tố cáo gian về việc “đàn áp bạo ngược” (Persécution) đạo Chúa ở Việt Nam?
Câu trả lời dứt khoát là: Louis Chevreuil, linh mục Pháp đầu tiên được gửi tới Đàng Trong, dưới thời chúa Hiền Nguyễn Phước Tần. Chevreuil đã rập khuôn theo de Rhodes, dùng cùng một phương pháp xuyên tạc để “tố cáo tội ác đàn áp đạo Ky-tô” của Chúa Hiền.
Sự tìm hiểu của chúng tôi trong chương này sẽ chia làm hai phần:
Phần I: Louis Chevreuil đến Đàng Trong.
Phần II: Ảnh hưởng sự xuyên tạc việc “tàn sát đạo Chúa” của Chevreuil.
I- Louis Chevreuil đến Đàng Trong
Ngày 29-7-1658, Vatican tấn phong Giám mục Pallu làm Đại điện Tông tòa Đàng Ngoài và Giám mục Lambert de la Motte (tước hiệu Bérythe hay Bérithe) làm Đại diện Tông tòa Đàng Trong; và ngày 27-8-1658, Giáo hoàng cho phép Pháp thay Bồ quản trị truyền giáo ở Á đông.
Một năm sau, Giám mục Bérythe lên đường đi truyền giáo, ngày 9-9-1959[5]. Ba năm sau, 1662, ông tới Xiêm, lập Tòa Giám mục đầu tiên. Ông muốn đến Đàng Trong ngay để “quan sát tình hình”; nhưng ba linh mục: Marquez (cha Bề trên ở Hội An, có khi viết là Marques), Baudet (địa phận Đà Nẵng) và Fuciti (địa phận Kim Long), thuộc giáo đoàn Bồ, viết thư khuyên ông nên đợi ít lâu để “xem xét tình hình”[6]. Vì vậy, Giám mục Bérythe gửi Louis Chevreuil đến Đàng Trong.
Louis Chevreuil được gửi đến Đàng Trong với chức vụ Tổng đại diện (Vicaire général) ngày 26-7-1664, dưới triều chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1648-1687) lúc đó đóng đô ở Kim Long, phiá tây nam kinh thành Huế.
Theo Vachet, Louis Chevreuil là con một bác sĩ ở Rennes, đỗ tú tài Sorbonne (thời đó, Sorbonne dạy cả trung học), đang học cử nhân, trọ ở quán Auberge de la Rose blanche (Hồng bạch), gần trường Clermont (tức trường Louis-le-Grand ngày nay), là nơi các thanh thiếu niên công giáo thường tụ họp. Ở đây Chevreuil tình cờ gặp Giám mục Pallu, và được nhận vào nhóm tháp tùng Giám mục Ignace Cotolendi, Đại diện Tông tòa Nam Kinh, đi Á châu ngày 6-1-1661. Giám mục Cotolendi qua đời trên đường đi ngày 16-8-1662, tại Machilipatnam, Ấn Độ[7]. Không rõ Chevreuil tới Xiêm ngày nào. Chỉ biết, ngày 17-6-1664, Chevreuil được lệnh của Giám mục Bérythe đi Đàng Trong, cùng với một thông ngôn người Nhật.
Ông đến Hội An ngày 26-7-1664.[8]
Ông sẽ ở lại Đàng Trong tám tháng, và trở về Xiêm ngày 27-3-1665.
Năm tháng sau, Giám mục Bérythe lại phái Chevreuil và Hainques trở lại Đàng Trong ngày 4-8-1665, nhưng Hainques, khoẻ mạnh vào được, còn Chevreuil ốm, ở lại Xiêm, rồi đi Cam-Bốt.
Chevreuil bị Macao bắt, đưa ra Tôn giáo pháp đình
Suốt ba năm ở Cam-Bốt, Chevreuil không làm được gì: không giảng đạo được vì không biết tiếng Cam-Bốt, không có thông ngôn giỏi, và người Cam-Bốt, theo ông “không có trình độ”. Rút cục Chevreuil ở Căm-Bốt gần 5 năm. Và ông kể, trong thời kỳ này, những cha Dòng Tên [người Bồ] “có mặt khắp nơi”, họ muốn “độc quyền lãnh đạo”. Khoảng 1670, ông bị họ đuổi, và bắt lên thuyền về Macao, vì họ nghi ông theo “tà giáo”.
Tới Macao, Chevreuil bị Tổng Giám mục [Bồ] theo lệnh của Tôn giáo pháp đình (Saint-Office de l'Inquisition) và Phó Vương Ấn Độ [người Bồ], bắt giam cùng với tất cả giáo sĩ Pháp đến thành phố này, để gửi đi Goa.
Chevreuil bị tù 5 tháng ở Macao, rồi bị gửi đi Goa, chịu ba lần thẩm vấn trước Tôn giáo pháp đình, nhưng không tìm thấy chứng cớ ông theo tà giáo. Chevreuil không được công nhận là vô tội và cũng không xin được phép rời Goa để đi Rajapour. Phải đến khi tàu của công ty Pháp-Ấn đến Surate, năm 1671, ông mới được tha[9].
Sau đó, Chevreuil còn đi Đàng Trong vài lần nữa cùng với các giáo sĩ khác, nhưng không đạt được kết quả gì. Ông qua đời tại Ayutthaya (cựu kinh đô Xiêm, ở phiá bắc Bangkok), năm 1693, ở tuổi 66[10].
Chevreuil viết bài Relation du premier voyage de M. Chevreuil en Cochinchine (Ký sự về chuyến đi đầu tiên của Ô. Chevreuil đến Đàng Trong), kể lại chuyến đi Đàng Trong năm 1664-1665, nhờ đó, chúng ta biết đưọc một số chi tiết về hành trình truyền giáo tám tháng của Chevreuil ở Đàng Trong[11].
Ký sự của Chevreuil
Chevreuil viết khá dài dòng, nhiều chỗ không rõ hư thực thế nào, ở đây chúng tôi xin tóm tắt, chuyến đi bắt đầu như sau:
“Tôi rời Xiêm với những mệnh lệnh [của Giám mục Bérythe] ngày 18-6-1664, trên chiếc tàu của hoàng hậu Xiêm, do người Hoa ngoại đạo lái, bà hoàng đã cho tôi hân hạnh được lên tàu.[...] tôi tới Đàng Trong ngày 26-7-1664”.
“Đức Giám mục đã cử tôi đi với chức Tổng đại diện (Vicaire général) và đưa cho tôi số tiền 2.000 livres để cứu trợ đông đảo những thầy giảng nghe xưng tội, dưới sự đàn áp, đã bị chiếm đoạt tài sản và sống trong nghèo khổ. Tôi được lệnh giúp các Cha Dòng Tên 300 livres, vì họ than rất nghèo và sống khó khăn [...] và tôi phải đến ở chung với họ để tỏ lòng tương ái”.[12]
Ông và người thông ngôn Nhật đến thăm cha Pedro Marques ngay trong ngày 26-7-1664: “Cha Marquez, là cha Bề trên, đón tôi với bề ngoài tỏ vẻ thân tình, tôi đưa cho ông những lá thư đầy hảo ý của đức Giám mục, nhưng không nói gì đến tiền trợ cấp mà Giám mục gửi cho họ”.[13]
Các cha Dòng Tên nói đến ở đây là: François-Ignace Baudet (người Pháp, địa phận Đà Nẵng), Dominique Fuciti (người Ý, địa phận Kim Long) và Pedro Marquez (cha Bề trên, người Bồ lai Nhật, ở Hội An) đều thuộc giáo hội Bồ Đào Nha, nên không mặn mà với Chevreuil.
Chevreuil bị hải quan khám xét hành lý, nhưng ông bất chấp, không tuân lệnh, các cha sở tại khuyên can nhưng ông không nghe, ông thấy chung quanh toàn là thù nghịch. Sau đó, ông buộc tội các cha Dòng Tên “đoạt tiền” của ông và định “bắt cóc” ông: họ biết tôi có nhiều tiền, bèn phái cha Baudet đến vay 300 livres. Tôi trả lời: “không chỉ 300 mà một nửa những gì tôi có đều sẵn sàng chia cho các ông. Ông ta cám ơn tôi, với lời khen tặng và không chỉ lấy 300 livres đã hỏi mượn, mà lấy tất cả chỗ tiền còn lại, không để cho tôi một xu dính túi”[14].
Chuyện “đoạt tiền” ghi ở trang 15, vài trang sau, ông lại kể rằng cha Marquez sai một người Nhật đem trả lại. Ông còn trốn được vụ bị các cha Dòng Tên “bắt cóc”, và đến “triều đình”:
“Thấy tàu đi Macao mà bọn họ muốn bỏ tôi vào, sắp nhổ neo, tôi bèn gọi người Nhật mà Giám mục đã cho tôi làm thông ngôn, bí mật thổ lộ với anh ta ý định của mấy ông cha này, rồi tôi ra lệnh cho anh ta sửa soạn một chiếc thuyền chở tôi đến Triều đình [la Cour] tới nhà người công giáo Jean de la Croix [tức Joao Da Crus] làm thợ đúc của chúa, được chúa rất tin cậy, mỗi năm cấp cho 500 écus và nuôi cả gia đình. La Croix được tin tôi sắp vào Đàng Trong, đã liên lạc trước với tôi và hứa hẹn giúp đỡ”[15].
Thực ra Chevreuil chỉ đến Kim Long, chứ không được vào triều yết kiến chúa Hiền vì không ai giới thiệu: Jean de la Croix không giúp. Những lá thư và “những tặng phẩm lớn lao” của Giám mục Bérythe gửi cho Jean de la Croix (như lời ông viết trong bài ký) chắc để nhờ de la Croix tiến cử ông với chúa Hiền, nhưng de la Croix không những không giúp mà còn xin quan thượng thư đuổi Chevreuil đi.
Tuy vậy, ông đã thay chữ Kim Long bằng Triều đình, như thể ông đã đến Triều đình gặp chúa Hiền thật. Việc ông sợ bị bắt “bỏ” vào thuyền Bồ trở lại Macao, chứng tỏ ông không có một chút quyền uy nào đối với giới giáo sĩ Dòng Tên sở tại.
Một điểm đáng ghi nhận: Chevreuil là người đầu tiên viết về Jean de la Croix, thợ đúc súng của chúa Hiền.
Chevreuil gặp Joao Da Crus, thợ đúc súng của chúa Hiền
Chevreuil đã mua thuyền đi Kim Long, nhưng sau “suy nghĩ” lại, ông không đi thuyền nữa:
“Tôi đi đường bộ, đi thật nhanh, vì sợ bị bắt trên đường, ba ngày sau đến Triều đình [thật ra là Kim Long], lại thẳng nhà người thợ đúc, y thấy tôi thì nổi giận, không đón tiếp như đã hứa. Tôi chào hỏi theo đúng phép xã giao và đưa cho y những lá thư của đức Giám mục Bérithe kèm với những tặng phẩm lớn lao của Giám mục gửi biếu y. Y tỏ ý biết ơn và kính cẩn tiếp nhận; sau đó y cho tôi biết, hiện y đang đúc hai khẩu đại bác cho chúa, hôm nay chúa sẽ tới lò đúc cạnh nhà y để xem, nếu chúa thấy tôi ở đây thì không tiện, có thể làm chúa nghi ngờ.
Y dẫn tôi lại nhà cha Dominique Fuciti, Dòng Tên, ở một nhà thờ gần đấy, và nói rằng: không có chỗ nào khác cho tôi ở. Ông cha này đón tôi với bề ngoài lịch sự.
Ngày lễ Assomption [Thăng thiên, 15-8] cha Fuciti và tay thợ đúc khẩn khoản mời tôi giảng đạo và làm lễ, tôi lợi dụng cơ hội này để báo cho mọi người biết tôi là Tổng đại diện [Grand vicaire – chú ý Chevreuil dùng Grand vicaire, chứ không phải Vicaire général] được đức Giám mục Bérithe gửi tới đây. Tôi tuyên bố công khai như vậy, lúc giảng đạo, làm họ rất ngạc nhiên, nhưng không dám phản đối. Tôi áp dụng ở nhà thờ này cả quyền uy lẫn lòng khoan hồng trọn vẹn mà Chúa ban cho trong lễ Thăng thiên; tôi nghe xưng tội và rửa tội cho nhiều người, trong thánh lễ.
Tên Jean de la Croix nói trên, sai con đến nhà một vị đại thần, là thượng thư trong triều, xin ông ta đuổi tôi đi, nhưng không thành, điều làm cho y tức giận hơn nữa, là con trai y, đã thuật lại câu trả lời của ông quan trước mặt tôi. Sự từ chối của quan thượng thư làm y câm họng, và thấy Thượng đế che chở tôi, bọn y bắt đầu lịch sự trở lại với tôi.
Tôi ở lại Triều đình [tức Kim Long] tám ngày, nên biết được tình hình đạo Chúa ở đây: Tên Jean de la Croix này được chúa cho phép xây một tiểu giáo đường riêng, có một ông cha Dòng Tên làm tư tế. Nghe nói nhiều người công giáo đến xưng tội và chịu lễ, nhưng khi tôi ở đây, chỉ thấy bốn, năm người đàn bà đến ngủ đêm trong cái gọi là nhà thờ này, một thói quen chẳng đáng khen, đáng thưởng, vì những bất tiện và xì-căng-đan có thể xảy ra. Tôi thấy trong hầm tiểu giáo đường có bốn, năm bộ hài cốt của những giáo dân đầu tiên bị xử tử cách đây hơn 30 năm, đặt trong bốn, năm hòm gỗ tử tế.
Thấy ông cha [Fuciti] đã chán tôi và tên Jean de la Croix cũng vậy, nên tôi quyết định lên thuyền về [Đà Nẵng]”[16].
Trong đoạn văn trên xuất hiện lời bịa đặt đầu tiên về việc diệt đạo: “Tôi thấy trong hầm tiểu giáo đường có bốn, năm bộ hài cốt của những giáo dân đầu tiên bị xử tử cách đây hơn 30 năm”. Cách đây [1664] hơn 30 năm, tức là trước năm 1614, lúc đó các giáo sĩ Dòng Tên chưa đến Việt Nam, làm sao đã có giáo dân bị xử tử?
Đó là lời bịa đặt đầu tiên.
Tuy nhiên, ta cũng thấy tình cảnh đáng thương của Chevreuil: kiêu ngạo, không ai ưa, không ai chịu nhận ông là “Tổng đại diện”, đến đâu cũng bị “đuổi” đi chỗ khác.
Chevreuil cho biết thông tin đầu tiên về Jean de la Croix và khu họ đạo ở Huế, dưới thời chúa Hiền: lúc đó chúa đang cho đúc hai khẩu đại bác. Sau này ta sẽ biết: Việt Nam tự đúc khí giới lấy từ thời chúa Hiền, đến thời Tự Đức, khí giới của ta đã tân tiến lắm, đô đốc Rigault de Genouilly, thống lĩnh việc đánh Đà Nẵng 1857 có tường thuật lại. Nhờ thế mà Nguyễn Tri Phương đã đẩy lui được liên quân Pháp-Tây Ban Nha trong trận Đà Nẵng 1857.
Jean de la Croix, tên thật là Joao Da Crus [hiện nay vẫn còn một số đỉnh đồng của Joao đặt trước các lăng tẩm ở Huế][17], được chúa Hiền cho phép có nhà thờ riêng, với một linh mục làm lễ. Vậy năm 1664, ở Phường Thợ Đúc (nay là Phường Đúc) có ít nhất hai nhà thờ: nhà thờ nhỏ của Joao Da Crus và nhà thờ lớn, do cha Dominique Fuciti chủ trì. Phường Đúc ở bên bờ sông Hương, đối diện với Kim Long.
Việc này cho thấy chúa Hiền không cấm đạo Gia-tô, mà cho phép các giáo sĩ đến Đàng Trong truyền giáo. Điểm này phù hợp với việc cha Bề trên Pedro Marques, áp dụng đường lối giảng đạo ôn hoà như cha Buzomi (đã qua đời năm 1639), theo lễ nghi của người Việt, như ta sẽ thấy dưới đây.
Chevreuil dự lễ cúng tổ tiên ở Đà Nẵng
Trở về Đà Nẵng, Chevreuil được cha Bề trên mời ở lại dự một buổi lễ lớn, có gần 200 giáo dân tham gia, lễ tưởng niệm linh hồn tổ tiên đã khuất. Chevreuil cho là mê tín dị đoan và đã trách Cha (le Père, Chevreuil thường gọi cha Marquez như vậy). Ông mô tả buổi lễ giỗ như sau:
“Họ cử hành trước mặt tôi một buổi lễ đối với tôi là mê tín dị doan, khiến tôi phải tỏ ý cho Cha biết. Buổi lễ này được tổ chức để kỷ niệm linh hồn tổ tiên đã qua đời. Họ kê một cái bàn lớn, ở đầu để một ảnh nhỏ với hai cây bạch lạp thắp sáng. Rồi mỗi người tay cầm một ngọn nến, nhịp nhàng từ đầu kia đi đến và quỳ lạy trước tấm hình [...] Cha bảo làm như thế để người ngoại đạo khỏi buộc tội người công giáo không nghĩ đến tổ tiên...”.[18]
Sau lễ, Chevreuil rửa tội cho đàn bà, con gái, theo lối Âu châu, mặc dù các cha Dòng Tên đã dặn trước: có những cử chỉ không thể làm với phụ nữ ở đây, như không được bỏ muối vào miệng họ, phải bỏ vào tay, không được xức dầu thánh lên ngực họ, v.v. nhưng Chevreuil cứ làm, vì ông thấy họ không có “phản ứng” gì. Chevreuil tiếp tục làm lễ theo “lối Tây”, nên không khí rất căng thẳng giữa ông và các đồng nghiệp[19].
Chevreuil không được công nhận
Sau ngày lễ cúng tổ tiên, Chevreuil và cha Marquez về Hội An. Cha nhờ một người Nhật mang trả lại tôi tất cả tiền bạc. Hai ngày sau, Chevreuil thuê nhà khác, trả lại cha Marquez tiền trọ 15 ngày ở chung. Chevreuil đưa tấm bằng của Giám mục Bérythe chứng nhận ông là “Tổng đại diện” ra hỏi các cha có chấp nhận chức vụ của mình không, cha Bề trên trả lời: Chúng tôi thuộc địa phận Giám mục Malacca [Mã Lai], còn Giám mục Bérythe thuộc địa phận Xiêm. Chevreuil phải lấy lệnh Giáo hoàng ra dọa, họ mới chịu.
Rồi ông “bắt” cha Bề trên phải tuyên bố chính thức tuân thủ lệnh đức Giám mục Bérythe, phải công nhận ông là Tổng đại diện, nhưng cha Marquez vẫn chỉ nói rất mơ hồ, trong một buổi lễ đêm, vào lúc ba giờ sáng, khiến Chevreuil phải tự phát biểu điều này bằng tiếng Bồ, cho mọi người nghe, rồi ông buộc Cha Marquez ký giấy công nhận. Cha cũng không ký.
Trong ba tháng ở Hội An, ông được con chiên ở vùng biên giới Champa (tức Phú Yên, Bình Thuận) đến thăm, họ than bị bỏ rơi, không có tu sĩ chăm sóc, muốn ông về đấy. Ông nói với cha Marquez, nhưng Cha không nghe. Không rời được địa phận Hội An, ông bèn dùng thì giờ rảnh để dạy mấy đứa trẻ học tiếng La tinh.[20]
Chữ Persécution xuất hiện dưới ngòi bút của Chevreuil
Chevreuil kể: Một hôm, cha Baudet về Đà Nẵng, rồi viết thư bảo tôi đến ở với ông. Tôi không đi. Ông ấy thân hành về đón tôi, bởi vì ông ấy nghe tin đã có Persécution (đàn áp) ở trong Triều, lính của chúa sẽ đến đây [Hội An], biết tôi giàu, chúng sẽ đến cướp. Chevreuil trả lời: “Tôi không sợ. Dù chết cũng không trốn”.
Và Chevreuil thuật lại việc “Persécution bắt đầu ở trong Triều”, như sau:
“La persécution đã xảy ra ở trong Triều, ban đầu nho nhỏ, rồi tăng dần theo những lời vu khống mà người ta tâu chúa để chống đạo Gia-Tô, lan tới Hội An nơi chúng tôi ở. Chúa gửi nhiều lính đến bắt giáo dân tại nhà, lột tràng hạt, hình ảnh và những vật dụng khác của đạo chúng tôi, rồi vào nhà các cha Dòng Tên, mà chúng đã tới khám trong hai ngày, sáng chiều, trừ nhà tôi ở đối diện, chúng không hề bước chân vào.
Sau khi đến đây để tìm tên những người theo đạo, những viên quan trấn thủ Quảng Nam [les gouverneurs de la province de Cacham] gửi hai ông quan đến bắt các cha Dòng Tên và hai Cha đội mũ [tu sĩ dòng Saint-François] đang trên đường từ Xiêm đi Macao”[21].
Ai cũng biết Quảng Nam chỉ có một quan trấn thủ, vậy mà Chevreuil viết: “những viên quan trấn thủ Quảng Nam (les gouverneurs de la province de Cacham), chứng tỏ ông không biết ai vào với ai. Rồi Chevreuil kể tiếp: những người Nhật giàu ở Hội An, bị gọi ra trước tiên, bọn này “hèn nhát đến ô nhục” sợ mất của, vội vàng giẫm lên thánh giá và lập tức bỏ đạo, kéo theo bọn giáo dân người Việt giàu có: “130 nhà giàu ở Quảng Nam” cũng “hèn nhát” theo chân bọn Nhật. Bỏ hoang nhà thờ không lai vãng.[22]
Đoạn trên đây và những dòng ông viết tiếp theo, chồng chất những điểm vô lý:
1- Câu “La Persécution đã xảy ra ở trong Triều”, rất lạ, vì trong triều, không có thứ lễ nghi nào, ngoài Nghi lễ của Triều đình, nên không có gì để “đàn áp” ở trong Triều.
2- Theo Chevreuil, trong triều có kẻ vu khống đạo Chúa, nên mới có Persécution. Đây là lối nói của các giáo sĩ, họ không chịu nhận rằng: vì đạo Gia-tô cấm giáo dân thờ cúng tổ tiên cho nên mới bị chúa cấm, họ luôn luôn đổ tội cho một kẻ vu khống nào đó, nói xấu đạo với chúa.
3- Vẫn theo Chevreuil, sự “đàn áp” bắt đầu ở trong Triều, rồi lan tới Hội An, nơi các giáo sĩ có nhà chung. Chúa gửi nhiều lính đến bắt giáo dân tại nhà... Câu này chứng tỏ Chevreuil không biết rõ địa hình, địa lý: chúa Hiền đóng đô ở Kim Long, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, mà lại gửi nhiều lính đến nhà các giáo sĩ ở Hội An để khám xét! Rồi những lính này biết “sợ” ông Tổng đại diện Chevreuil, nên không dám vào nhà!
Chevreuil không biết đến điều đơn giản nhất: Muốn bắt người ở Hội An, người ta sai lính tại chỗ, hoặc cùng lắm là ở thành Quảng Nam hay ở Đà Nẵng, không ai sai lính ở Huế.
Những lời này của một giáo sĩ mới đến Đàng Trong vài tháng, không biết gì về địa đồ, về hệ thống cai trị, về nền hành chính ở Đại Việt, cũng không đáng chấp.
Nhưng sự xuyên tạc về hình sự, về việc xử tử tức khắc, không có án lệnh, về việc tra tấn phụ nữ, và giết trẻ con thì không thể bỏ qua.
“Xử tử tức khắc” không có án lệnh
Chúng tôi đã chứng minh việc Alexandre de Rhodes bày đặt ra câu chuyện Thế tử Nguyễn Phước Tần, Trấn thủ Quảng Nam, giết André Phú Yên, trong chương 6, phần 2.
Ở đây, Chevreuil chép lại cách bịa đặt của de Rhodes về việc xử tử không có án, ông viết:
“Các chiến sĩ quảng đại của Chúa Giê-su, vừa từ giã chúng tôi sau khi xưng tội, bị dẫn thẳng về Quảng Nam và lập tức bị xử tử. Người phụ nữ [24 tuổi, đã tiến lên tố cáo sự hèn nhát của những kẻ bỏ đạo] và một thầy giảng Đàng Ngoài, bị xử voi giày, những người khác bị chém đầu”[23].
Sở dĩ họ viết những dòng “hư cấu” như thế, vì họ hoàn toàn không biết gì về luật pháp của nước Đại Việt, mà họ cho là man di mọi rợ.
Việc tố tụng, dưới thời vua Lê, trong thời kỳ phân chia Nam Bắc, ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, vẫn áp dụng luật Hồng Đức, cho tới đầu thế kỷ XIX, khi vua ra luật Gia Long, mới thay đổi. Chúng tôi xin chép một đoạn về thủ tục tố tụng theo Luật Hồng Đức, áp dụng năm 1666, tức là khoảng thời gian Chevreuil đến Đàng Trong (1664):
“Hàng năm, xã trưởng phải làm sổ kê khai đủ các việc kiện, bao nhiên án đã xử, bao nhiên án chưa xử, nộp lên huyện quan, huyện quan nộp lên phủ quan, phủ quan nộp lên Thừa ty, Thừa ty nộp lên Hiến ty, Hiến ty nộp lên Cai đạo. Nha môn Cai đạo phải kê khai đủ bao nhiêu án của nha môn đã xử, trong đó có bao nhiêu án xử phạt, bao nhiêu án xử biếm (bỏ) những nha đã xử trước, còn bao nhiêu án chưa xử xong, đều chưa rõ nguyên do, cùng là kê khai đủ những án của các nha môn trước mà bản nha môn đã soát lục lại, rồi làm thành sổ khải (công văn) và sổ trình nộp lên Ngự sử đài. Nha môn Ngự sử phải chiếu lệ hàng năm đến tháng 10 thì sức xuống cai đạo để lần lượt chuyển gởi các sổ lên. Đến hạ tuần tháng 11 thì thu lấy các sổ nộp và kê khai đủ những án do bản nha môn xét xử lại, đã xử xong bao nhiêu án, ghi chú rõ ràng, làm sổ khải bẩm lên.”[24]
Xem như thế, việc xử án, không phải một sớm một chiều là xong, và các quan không thể tự tiện đem người ta ra chém đầu hoặc cho voi giày vô tội vạ, như lời các giáo sĩ “tường thuật”. Ông Nguyễn Trường Tộ còn cường điệu đếm thấy trên 10 triệu giáo dân bị giết! [25]
Về án tử hình, trừ khi có lệnh đặc biệt phải hành hình ngay tại địa phương, còn thường phải chờ đến cuối năm, mới làm sổ bẩm lên Ngự sử, rồi Ngự sử trình vua xét lại lần chót. Theo Đại Nam thực lục, đời Tự Đức mỗi năm có khoảng hai hay ba trăm án tử hình cả nước gửi về, gọi là Án Mùa Thu, để vua ký. Vua xét lại, cho giảm tội nhiều người, xử tử hình khoảng 5%.
Chính vua Tự Đức cũng viết trong Khiêm lăng ký [bia dựng trước lăng vua] câu: “Ta nắm quyền sinh sát lâu ngày nhưng chưa hề tự chuyên giết lấy một người khi án chưa rõ”.
Như vậy chúng ta phải rất thận trọng trước những “thông tin” của các giám mục, thừa sai, khi họ đổ tội cho vua Tự Đức giết hại giáo dân như rạ, bởi vì trong tất cả các dụ cấm đạo, dưới thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, như ta sẽ thấy, không có dụ nào ra lệnh giết giáo dân, mà coi họ như con, nhưng vì “chúng ngu muội”, theo lời dụ dỗ của cha cố, nên phải cách ly với giáo sĩ, thừa sai.
“Tra tấn phụ nữ”
Các giáo sĩ thừa sai không chỉ biạ việc xử tức khắc không có án, Chevreuil còn kể chuyện một phụ nữ hơn 50 tuổi, tên thánh là Anna, làm việc trong nhà thờ, thuyết phục được nhiều người theo đạo, nên bị kẻ ngoại đạo ghét, báo quan rằng bà ta lăng mạ chùa chiền, nên bà ta bị: “các quan cho đánh roi kịch liệt và sau đó bị đốt cháy từ từ bằng những tấm sắt nung, áp vào các bộ phận: mặt mũi, dưới tai, ngực, bên sườn, và dúi những ngọn bấc châm lửa vào mắt, vào tai, vào lỗ mũi” (aux mandarins qui la firent cruellement fouetter, et puis la condamnèrent à être brûlée à petit feu avec des plaques de fer embrasées qu'on lui appliquait en plusieurs parties du corps: sur le visage, au-dessous des oreilles, sur la poitrine et sur les côtes; on lui mettait aussi des mèches allumées dans les yeux, dans les oreilles et dans les narines.)[26]
Ở đây, Chevreuil cũng vẫn quá trớn, mô tả Đàng Trong như một xứ dã man, không có luật pháp, muốn bắt ai thì bắt, tra tấn cả phụ nữ. Bởi vì ông cũng lại không biết rằng:
1- Việc tra tấn không có trong luật pháp cổ điển Việt Nam. Trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (mục Hình Luật Chí, trang 287- 407) mà chúng tôi vừa trích dẫn ở trên, ghi rõ tất cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất về hình luật, không hề có mục tra tấn dã man như Chevreuil “mô tả”, mà chỉ có các hình thức: phạt tiền, đánh trượng, tù, đày. Tử hình có ba bực: Giảo (thắt cổ) và trảm (chém đầu) là một bực. Khiêu (chém bêu đầu) là hai. Lăng trì (chặt chân tay, xẻo thịt cho chết dần) là ba.[27]
Phan Huy Chú phê bình luật đời Trần có chỗ ác: chặt ngón tay kẻ cắp, v.v.
Ta cũng nên biết, dưới thời phong kiến, vua chúa không phải giấu diếm những hình phạt dã man, nên những việc tra tấn, nếu có, cũng không phải che đậy như sau này, dưới các chế độ độc tài.
2- Điểm thứ hai: việc phỉ báng nhà chùa, không phải là một tội. Bằng chứng cuốn Phép giảng tám ngày của de Rhodes, gọi Phật là thằng nói dối, và phỉ báng cả ba đạo (Phật, Khổng, Lão) vẫn được truyền giảng ở Việt Nam. Vì vậy, bà Anna không thể bị bắt vì tội “phỉ báng chùa chiền”.
3- Chevreuil còn không biết điều này nữa: Việt Nam, từ thời lập quốc, luôn luôn là một nhà nước thế tục. Ngay cả dưới hai triều đại Lý, Trần, đạo Phật có uy thế lớn, nhưng không bao giờ đàn áp, tiêu diệt các đạo khác như trường hợp Hernan Cortès, Francisco Pizarro, được Giáo hoàng cho phép ở châu Mỹ La tinh.
4- Riêng nước Pháp, chỉ thoát khỏi sự thống trị của Vatican, để trở thành một nhà nước thế tục, từ cách mạng 1789. Tức là một nhà nước thế tục rất non trẻ.
Tóm lại, Việt Nam có hai điểm mà người Âu thua kém: từ khi lập quốc đã có nhà nước thế tục, và không hề có chiến tranh tôn giáo.
“Voi giày cô bé Lucie và hai đứa trẻ”
Sau khi tố cáo tội “tra tấn phụ nữ”, Chevreuil tố cáo việc “hành hình trẻ con”.
Câu chuyện này được ông kể như sau:
Lúc đó có bốn thầy giảng, bị bắt ở Quảng Ngãi, bị đeo gông giải về Hội An. Có ba đứa nhỏ (les trois enfants), một bé gái tên Lucie và hai trai, tuổi 14 và 15, can đảm ra vào thăm hỏi các thầy giảng này; những người gác tù không ngăn cản, vì khâm phục sự can đảm của chúng. Rồi bốn đứa nhỏ đến xưng tội với các cha:
“Những đứa nhỏ này xưng tội như nhau, khi chia tay chúng tôi, miệng chúng tươi cười nói: “Thôi, các cha tôn kính ở lại trên đời, chúng con lên trời đây””.
Chuyện lạ: Ba giáo sĩ Fuciti, Baudet và Chevreuil cùng bị giam, như lời Chevreuil viết trước đó, tức là họ đang bị tù, sao họ lại có thể làm lễ xưng tội cho ba đứa trẻ, nếu thế thì làm gì có việc cấm đạo?
Chevreuil kể tiếp: sau đó, bốn thầy giảng bị chém đầu.
Ba đứa nhỏ đến trình diện trước các quan trấn thủ và nói:
“Bốn người công giáo này, bị kết án, vì họ là công giáo. Chúng tôi cũng phạm cùng một tội, theo cùng một đạo, đạo chân chính, dẫn đến sự cứu rỗi của linh hồn”. Sự liều lĩnh này làm các quan ngạc nhiên và nổi giận, họ kết án ngay lập tức cho voi giày cả ba” (Cette hardiesse surprit les juges et les irita si fort, qu'ils les condamnèrent sur-le-champ tous les trois à être exposés aux éléphants)[28].
Đoạn này rất giống đoạn André đứng ra nhận có tội giống như Ignace và xin được chết như Ignace, trong chuyện André tử đạo của de Rhodes, nhưng ở đây dữ dội hơn: cả ba đứa nhỏ đều bị quan toà kết án ngay lập tức cho voi giày.
Chevreuil kể tiếp: Nhiều người thương tình, can gián: “Các cháu điên sao mà lại muốn chết trẻ thế này, hãy để người già chết trước, còn người trẻ phải sống để hưởng hạnh phúc trên đời”, cô bé Lucie, được Thánh Linh (Saint-Esprit) phò trợ, bèn cất cao giọng:
“Ai điên hơn ai, các ông hay chúng tôi? Các ông cũng phải chết như chúng tôi. Các ông chết, quỷ thần sẽ đến bắt hồn các ông bởi vì các ông phục vụ nhà chùa thay vì phục vụ Chúa Cứu Thế, là đấng tạo dựng nên trời đất mà những người công giáo nhớ ơn và thờ kính. Xác các ông chắc chẳng ai đưa tiễn. Còn chúng tôi, đúng là chúng tôi chết trẻ, nhưng cái chết này chẳng bao lâu sẽ chuyển thành cuộc sống vĩnh cửu mà chúng tôi chờ đợi và những thiên thần đến đón linh hồn chúng tôi vừa thoát xác. Còn có vinh hiển nào hơn khi thể xác được bao người đưa tiễn?”.
Sau lời phát biểu hùng hồn của Lucie, ba đứa trẻ hiên ngang ra pháp trường:
“Tất cả các quan trong tỉnh và một số rất đông lương giáo muốn xem cuộc chiến đấu của mấy đứa trẻ, đều thấy các thiên thần đã thắng thế: bởi vì ngay sau khi tới nơi hành hình, thấy các con voi, mấy đứa nhỏ nhìn lên trời, cả ba làm dấu thánh giá để phòng bị và ngay lập tức chúng bị các con vật này hất lên không, cho rơi xuống sừng, xuống đất, rồi lấy chân dí nát.
Những người công giáo dự cảnh vinh hiển này trân trọng đón nhận những thánh tích qúy báu của các thánh tử nạn, những người Dòng Tên nhận thi thể các bé trai, còn tôi, tôi có hạnh phúc được có đầu bé Lucie trinh tiết, tử đạo, [đem về] cho Đức Giám mục Bérithe đặt lên ban thờ ở trong giáo đường ông xây ở Xiêm”. (Les Jésuites eurent les corps des garçons et moi j'eus le bonheur d'avoir la tête de la petite vierge et martyre Lucie, que Mgr de Bérithe fit déposer sous l'autel de l'église qu'il a fait bâtir à Siam)[29].
Đoạn văn này rất giống đoạn de Rhodes đem đầu André đem về La Mã, và sẽ được “lưu truyền hậu thế”, như cái mốc thứ nhì về việc “tàn sát” đạo Ki-Tô dưới thời chúa Hiền.
Hơn hai thế kỷ sau, linh mục Jouvet trong cuốn Đạo giáo ở nước Nam, thấy Chevreuil chỉ viết một câu đại ý: chúa có những hành vi của một bạo chúa, mà không [dám] nói rõ chúa là ai? Nên ông phải viết rõ ra là chúa Hiền, rồi phóng tác thêm cho ghê rợn, để “xác định” chúa Hiền là “bạo chuá”, tra tấn đàn bà, giết hại trẻ con.
Vì vậy, chúng ta cần phải xét lại đoạn “voi giày trẻ con” này của Chevreuil, xem có gì bất ổn?
1- Như trên đã nói, trong luật pháp Việt Nam, lúc đó là luật Hồng Đức, không có mục kết án và xử tử trẻ con.
2- Theo giáo dục cổ truyền Việt Nam, trẻ con không dám trả lời cha mẹ và người lớn. Ở đây cô bé Lucie ứng đáp hùng hồn với giọng miệt thị mọi người, bằng những lời đanh thép của người lớn. Chevreuil đã “mớm” vào miệng đứa nhỏ Việt Nam, những lời phạm thượng để “mua” cho nó cái chết tử vì đạo.
3- Nhưng câu chuyện Lucie, giống như bài luận của người mới tập viết, có một lỗi nặng:
Lucie bị voi giày, vậy mà Chevreuil lại có đầu của cô bé đem về Xiêm để trình Giám mục Bérythe. Sơ hở này đã vô hiệu hóa câu chuyện ông kể: chẳng lẽ Chevreuil chặt đầu cô bé đã bị voi giày đem về trình Giám mục? Vì vậy, chúng tôi chắc chắn rằng:
Chevreuil đã bịa đặt ra câu chuyện Lucie, sau khi Giám mục Bérythe qua đời, để không ai kiểm chứng được việc “Đức Giám mục Bérithe đặt đầu cô bé lên ban thờ”.
Với những vụ xử tử bịa đặt như thế, Chevreuil “tổng kết” giai đoạn này:
“Trong năm đó... kể từ triều đình đến Quảng Nam và những nơi khác thuộc đất Chiêm Thành đã thần phục chúa Đàng Trong... Con số tử vì đạo đếm được là 43 người”[30].
“Năm đó” có thể hiểu là từ tháng 7-1664 đến tháng 3-1665, thời gian Chevreuil ở Đàng Trong. Con số 43 được ông ghi lại rất “hồn nhiên”, giống như cách ông kể chuyện Lucie và những đứa bé bị voi giày, không biết ông đếm như thế nào?
Sau này Louvet, xác định: 43 là con số chính thức các nạn nhân tử vì đạo dưới thời chúa Hiền. Và con số 43 sẽ “đi vào lịch sử” như thế. Không ai kiểm chứng lại.
Louvet còn phóng tác thêm: “Dưới triều Hiền Vương, có tới gần 100 người tử vì đạo”[31].
Và ông dàn dựng thêm câu chuyện Hiền Vương mặt đỏ gay đích thân hỏi cung bốn chiến sĩ của Chúa với những câu trả lời hùng hồn của Pierre Đang, không có trong bài viết của Chevreuil[32].
Đó là cách ghi “tài liệu lịch sử”của linh mục Chevreuil, và cách viết “biên khảo” của linh mục Louvet. Rồi người sau cứ thế chép lại, vì tin lời các thầy tu, nên coi đó là những con số “đích xác” để buộc tội triều Nguyễn “giết đạo”.
Người trên thánh giá
Một đoạn văn đáng chú ý nữa trong bài Ký sự này, là đoạn Chevreuil giải thích tại sao chúa “dã man tàn ác”, như vậy:
“Sau tôi mới điều tra để biết đúng lý do nào đã khiến chúa có những hành vi cực điểm chưa bao giờ một bạo chúa hay một kẻ thù nào, dám đối xử với đạo thánh của chúng ta như vậy, nhất là nhà chúa cũng sùng bái Thiên Hoàng. Những người thông thạo tin tức cho tôi hay là có vài giáo dân xấu bụng, nói với chúa rằng hình tượng người trên cây thánh giá là vua Bồ Đào Nha. Điều đó rất có thể đúng, bởi vì thời tôi [ở đó], chúa hay hỏi Jean de la Croix về vua Bồ Đào Nha, về sức mạnh của vua Bồ ở Ấn Độ, có bao nhiêu chiến hạm Bồ ở Goa và Macao và có đúng những người theo đạo Chúa ở Ấn Độ bị bắt buộc phải mặc quần áo Bồ Đào Nha hay không. Theo báo cáo của họ, chúa tưởng đạo thánh của chúng ta, mà người Bồ nói là của họ, chỉ là cái cớ cho các Cha dẫn tàu chiến vào tấn công để đưa vua Bồ lên cầm đầu vương quốc […] Vì thế, muốn cho dân chúng có ác cảm với đạo, bỏ đạo và ghét vua Bồ, chúa bắt mọi người phải dẫm chân lên cây thánh giá mà ông tưởng là khắc hình vua Bồ, như người ta đã nói với ông.[...]
Tôi tin rằng bản báo cáo về cây thánh giá là do bọn Do Thái, một cộng đồng rất đông ở xứ này, vì ham muốn những tiến bộ mà chúng ta làm được cho đạo thánh trong 40 năm nay trên vương quốc này, và sợ đạo thánh còn mở rộng hơn nữa với những giám mục Pháp do Giáo hoàng gửi tới, nên họ muốn chặn đường bằng sự phỉ báng gièm pha gieo vào tai chúa. Điều làm tôi càng tin chắc, vì ở Trung Hoa, cùng thời điểm này, họ cũng gieo rắc những sàm báng tương tự và là nguồn cội của sự cấm đạo ghê tởm và nhục nhằn nhất chưa bao giờ xảy ra cho đạo Chúa từ trước đến giờ.[33]“
Đạo Chúa ở Đàng Trong, tới khi Chevreuil đến, đã thành lập được 29 năm (1615-1644) trải ba đời chúa (chúa Sãi, chúa Thượng, chúa Hiền) vậy không thể nói các chúa “không biết người trên thánh giá là ai?”. Chả nhẽ trong 24 năm gần gụi cha Buzomi, các chúa lại không hỏi thẳng Cha rằng người ấy là ai, mà phải nghe chuyện bịa đặt của những kẻ ghét đạo?
Tựu trung, câu chuyện “người trên thánh giá” này chỉ là những bổn cũ soạn lại.
Ta đã thấy trong Du hành và truyền giáo, de Rhodes kể khi đến Phi Luật Tân ông được nghe chuyện hai tên Hòa Lan cầm chiếc bản đồ thế giới, chỉ cho Nhật Hoàng tất cả đất đai mà bọn Y Pha Nho đã chiếm, tức là toàn bộ các vùng chung quanh nước Nhật, khiến Nhật Hoàng nổi giận ra lệnh tàn sát đạo trong suốt 40 năm. Đạo Gia Tô từ thuở thủa khai sinh, trong 16 thế kỷ, chưa bao giờ bị tàn sát như thế.[34]
Sau đó, de Rhodes kể câu chuyện Thế tử Nguyễn Phước Tần trình cây thánh giá với chúa Thượng và “bịa ra trăm điều sỉ nhục cây Thánh giá, làm chúa kinh tởm. Chúa liền hạ lệnh đốt Thánh giá, và ông cha nào đeo thứ rồ rại này ở đây sẽ bị giết”[35], gây ra vụ cấm đạo năm 1639.
Chuyện thánh giá của de Rhodes và Chevreuil rất giống nhau, cả đến chi tiết “40 năm”, chỉ cần thay Nhật Hoàng bằng chúa Hiền là xong. Những chuyện khôi hài nói chung về các vua chúa phương Đông, tin lời nhảm nhí, chỉ để chứng tỏ họ cấm đạo vì ngu dốt, cốt làm lạc hướng nguyên do cấm đạo phát xuất từ sự triệt hạ Nghi lễ phương Đông của Toà Thánh.
Riêng ở đây, Chevreuil lại cho rằng: “chắc chắn là bọn Do Thái” phao tin nhảm. Câu này chứng tỏ Chevreuil kỳ thị người Do Thái nữa. Bởi vì người Âu ở Việt Nam trong thế kỷ XVII đếm trên đầu ngón tay, mà Chevreuil dám quả quyết là có một “cộng đồng Do Thái rất đông” ở Đàng Trong!
II-Ảnh hưởng sự xuyên tạc việc “tàn sát đạo Chúa” của Chevreuil
Persécution và Martyr
Khi đọc sách tiếng Pháp viết về việc truyền giáo ở Việt Nam, hai chữ thường xuyên hiện lên trước mắt người đọc là Persécution và Martyr.
Persécution có nghiã là: đàn áp bằng những biện pháp bạo ngược và tàn ác.
Martyr là tử vì đạo hay tử đạo.
Persécution dịch sang tiếng Việt là đàn áp, quá nhẹ đối với nghiã tiếng Pháp, nên đôi khi chúng tôi viết nguyên tiếng Pháp để giữ đúng ý nghiã đích thực mà tác giả muốn nói.
Chữ Persécution, được Alexandre de Rhodes dùng sớm nhất, trong hai cuốn La glorieuse mort d'André (Cái chết vinh hiển của André) và Du hành và truyền giáo; cuốn Ký sự Đàng Trong của Cristoforo Borri, viết trước, không có chữ này.
Sau đó, Persécution và Martyr thường thấy trong thư từ của các giáo sĩ ở Việt Nam viết về Hội Thừa Sai Paris, được linh mục Andrien Launay thu thập trong bộ tài liệu Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ và Lịch sử truyền giáo ở Bắc Kỳ, in năm 1923, mà chúng tôi sẽ dùng nhiều trong tập chuyên luận này.
Nhưng đặc biệt nhất là bộ sách đồ sộ của linh mục Louis-Eugène Louvet La Cochinchine Religieuse (Đạo giáo ở nước Nam) với những sự xuyên tạc trắng trợn trầm trọng được quảng bá rộng rãi, và đã có ảnh hưởng sâu rộng trong giới viết sử nói chung mà ngày nay khó có cách nào gột rửa được.
Bộ sách của Louvet, tố cáo “tội ác Persécution và Martyr của nhà Nguyễn từ giữa thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX” được coi là “kinh điển”; khiến những người viết lịch sử Pháp-Việt, đều ít nhiều dùng sách này để dẫn chứng về “tội ác giết đạo” của nhà Nguyễn ở Việt Nam.
Louvet và bộ sách Đạo giáo ở nước Nam
Trong bài Introduction (Nhập đề), linh mục Louvet tóm tắt tình hình như sau:
“Thế kỷ trước, Thượng đế đã mở cửa cho ta vào đại đế quốc Ấn Độ, nhưng ta đã lơ là nhẹ dạ, để mất vào tay bọn tin lành Anh. Đến thế kỷ này, sự đồng quy của nhiều điều kiện thiên mệnh (un concours de circonstances providentielles) khiến ta may mắn chiếm được Đông Dương […] Nhưng nếu ta không trung thành với sứ mệnh, quá khứ cho ta biết những gì sẽ xảy ra trong tương lai: các nước khác sẽ chiếm chỗ của ta, và ta sẽ lại mất Đông Dương như đã mất Ấn Độ, Canada và phần lớn những thuộc địa khác. Xin Thượng đế tránh cho tổ quốc thân yêu của chúng ta nỗi bất hạnh và hổ thẹn này! (Que Dieu épargne ce malheur et cette honte à notre chère patrie!)”[36]
Chỉ một câu này cũng đủ nói lên tình trạng các nước văn minh bâu quanh các con mồi, chờ đợi sự sơ hở của nhau để tranh cướp lấy.
Bộ sách La Cochinchine Religieuse (Đạo giáo ở nước Nam) của Louis-Eugène Louvet lên án “hai trăm năm Persécution và Martyr ở Việt Nam” gồm hai tập, tổng cộng 1115 trang với 219 trang Introduction (Nhập đề) như một bản cáo trạng kịch liệt về những “tội ác không thể bào chữa được”.
Riêng thời kỳ từ 1820 trở đi, tức là từ khi Minh Mạng lên ngôi, được tác giả gọi là Kỷ nguyên tử vì đạo (l'Ère des Martyrs) và vua Minh Mạng được gọi là “Néron Việt Nam”.
Chương một, Louvet mô tả vụ Persécution đầu tiên với câu chuyện André Phú Yên tử đạo của Alexandre de Rhodes. Có lẽ thấy câu chuyện của de Rhodes, chưa được “thuyết phục” lắm, ông bèn đưa thêm một “chứng” nữa, là thư của một nhà buôn tên Horace Massa, ở Hải Phố [Hội An], gửi về Roma, nói rằng đã “nhìn thấy tận mắt” ngày 26-7, thầy giảng trẻ André, sinh tại làng Ram-an ở Đàng Trong, bị xử tử ở Quảng Nam, với nhưng chi tiết về các đám cháy “tự nhiên” bốc lên sau khi André bị xử tử, nhưng nhà của những kẻ biết sám hối không bị bén lửa...[37] Lạ nhất là ông nhà buôn này biết rõ André sinh tại làng Ram-an điều mà de Rhodes không hề nói tới!
Từ chương hai trở đi, Louvet “mô tả” những hoạt động của Hội Thừa Sai Paris dưới sự “tàn sát không ngừng” đạo Chúa, từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX:
- “Ngay từ 1644, người ta thấy bắt đầu ở Đàng Trong chuỗi dài Persécutions, hầu như không ngừng nghỉ, tới ngày nay”[1884]. (Dès 1644, on vit commencer en Cochinchine cette longue suite de persécutions, qui devait durer, à peu près sans interruption, jusqu'à nos jours)[38].
- “Đầu những người tử vì đạo, sau đó, được cắm trên cọc nhọn cao, theo lệnh nghiêm ngặt của chúa, như người ta vẫn làm ở đây với những kẻ bất lương”. (Les têtes des martyrs furent ensuite placées sur des pieux élevés, selon l'ordre exprès du roi, ainsi qu'il se pratique ici envers les malfaiteurs)[39].
Tóm lại, hai chữ Persécution và martyrs trở thành chủ đề chính của bộ sách Đạo giáo ở nước Nam, với chủ đích “tường thuật” lại việc:
- “Trong hai trăm năm, máu người công giáo đã chảy như suối ở tất cả những tụng đình pháp quan”. (Pendant deux cent ans, le sang chrétien a coulé à flots dans tous les prétoires des mandarins)[40].
Ảnh hưởng của Louvet trên các sử gia Việt Nam
Những lời Louvet trong Đạo giáo ở nước Nam, đã được, không những các sử gia thực dân chép lại, mà cả sử gia Việt Nam, từ Trần Trọng Kim (1920), đến Đào Đăng Vỹ (1974), Nguyễn Khắc Ngữ (1988), Etienne Võ Đức Hạnh (1992)... tất cả đều dựa vào tài liệu của các giáo sĩ, đặc biệt bộ sách của Louvet, về việc “tàn sát đạo Chúa ở Việt Nam” để kết án nhà Nguyễn.
Trần Trọng Kim (1883-1953), sử gia đầu tiên công nhận sự “tàn sát” là nguyên nhân đưa đến cuộc xâm lược, với câu: “Sức đã không đủ giữ nước mà lại làm điều tàn ác. Đã không cho người ngoại quốc vào buôn bán, lại đem làm tội những người đi giảng đạo, bởi thế cho nên nước Pháp và nước Y Pha Nho mới nhân cớ ấy mà đánh nước ta vậy“[41].
Câu của Trần Trọng Kim in dấu ấn rất sâu đậm trong lòng người Việt, bởi vì ông là sử gia duy nhất có sách đưa vào giáo trình sử học toàn quốc từ 1945 đến 1954, sau đó giáo trình được áp dụng ở miền Nam tới 1975.
Đào Đăng Vỹ (1908-1997), viết: “Đánh ngoại xâm không lại mà cứ chọc giận gây thù thêm người ta bằng những thủ đoạn lặt vặt rất là trẻ con, thật là khôi hài.”[42] Câu này thực lạ lùng ở một học giả “chọc giận gây thù thêm người ta” nghiã là gì? Và “những thủ đoạn lặt vặt rất là trẻ con” là gì? Phải chăng ông coi kẻ “xâm lăng” là người trên? Và chúng ta, kẻ bị cướp nước là trẻ con, là người dưới, không có quyền “chọc giận” họ?
Đấy là lời của những sử gia, học giả lớn tuổi, đã trực tiếp chịu sự độ hộ của Pháp.
Lời của một sử gia lớp sau như Phạm Văn Sơn (1915-1978) còn đáng buồn hơn nữa, ông viết: “Tiếng súng của Trung Tướng Rigault de Genouilly và của đại tá Lapierre vào mùa thu năm Đinh vị (1847), tiếc thay, chưa đủ là một cảnh cáo cho cái triều đình hôn ám của vua Thiệu Trị”[43]
Ngày 23-3-1847, hai tàu La Gloire và La Victorieuse, do đại tá Lapierre và thiếu tá Rigault de Genouilly điều khiển, [lấy cớ] được phái đến Đà Nẵng để xin tha Giám mục Lefèbvre, bị giam tại Huế. Nhưng vua Thiệu Trị đã tha và cho dẫn độ đi Singapour rồi. Trong lúc Lefèbvre đang sửa soạn trốn vào Việt Nam lần thứ ba, thì ngày15-4-1847, hai tàu Gloire và Victorieuse bất ngờ nổ súng bắn tan hạm đội gồm năm thuyền bọc đồng của vua Thiệu Trị, rồi bỏ chạy, không “quan tâm” gì đến “số phận” Lefèbvre. Đây là hành động vừa đánh trống vừa ăn cướp. Vậy mà sử gia Phạm Văn Sơn lại cho là một hành động chưa đủ để “cảnh cáo cái triều đình hôn ám của vua Thiệu Trị”, thì ta còn biết nói gì!
Vì thế, chúng tôi cho rằng: thời kỳ Pháp thuộc đã tạo ra, không chỉ một lớp người, mà nhiều lớp người, mất hẳn niềm tự tin vào mình, vào dân tộc mình, coi người Pháp là thần tượng về mọi mặt, kể cả những kẻ cướp nước cũng có lý, nên họ đã nhắm mắt tin theo cái lý ấy, bắt đầu từ Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký... cho tới ngày nay, không sao “gột rửa” được nữa.
Sử gia Nguyễn Khắc Ngữ (1935-1992)
Nguyễn Khắc Ngữ sinh năm 1935 tại Duyên Hà, Thái Bình. Qua đời năm 1992 tại Canada. Tốt nghiệp Cao học Sử học, dạy sử tại Đại học Sư phạm Sài Gòn, viết nhiều sách biên khảo địa lý, sử ký, từ năm 1961. Năm 1975, di tản sang Canada, ông chủ trương Tủ sách Nghiên cứu Sử địa ở Montréal, Năm 1979, phát hành tác phẩm nổi trội nhất của ông là Những ngày cuối của Việt Nam Cộng Hòa[44], ngoài ra ông còn viết một cuốn lịch sử truyền giáo tựa đề: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hoà Lan giao tiếp với Đại Việt (thế kỷ XVI, XVII, XVIII)[45].
Ảnh hưởng của Louvet kéo dài tới Nguyễn Khắc Ngữ.. Trong cuốn Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hoà Lan giao tiếp với Đại Việt (thế kỷ XVI, XVII, XVIII), in năm 1988, ông đã đặt tên một chương sách của ông là Từ cấm đạo đến sát đạo.[46]
Ngoài việc chép Louvet, ông còn viết một số câu chắc nịch, không biết lấy ở đâu:
“Chúa [Trịnh Tạc] cũng ra lệnh cho các quan địa phương hễ gặp giáo sĩ nào lẩn trốn trong các làng, phải bắt ngay, xử tử hình”[47].
Tuy nhiên, dụ cấm đạo đầu tiên, năm 1664, của chúa Trịnh Tạc, mà chúng tôi tìm được, chỉ có lệnh nghiêm ngặt nhất là câu: “Ta đã đuổi và sẽ đuổi vĩnh viễn khỏi nước ta những cha cố này”; không hề có hai chữ tử hình.
Năm 1669, chúa Trịnh Tạc lại ra dụ thứ hai gắt gao hơn, với lệnh phá đổ nhà thờ, nhà nguyện (nhưng không thi hành); còn với giáo dân, nếu bị bắt quả tang đang hội họp, thì bị đánh 50 trượng, rồi mới thả ra; cũng không có hai chữ tử hình. (Hai dụ cấm đạo này sẽ được trình bày trong chương tới).
Vậy sự thêm thắt không chỉ có ở phía những giáo sĩ thừa sai, mà còn có sự đồng tình của một số sử gia người Việt, tiếp tay và thổi phồng thêm nữa. Ngay việc Nguyễn Khắc Ngữ cho in lại bốn bức tranh lấy từ tài liệu của Hội Thừa Sai, trong cuốn Việt Nam ngày xưa, qua các ký họa Tây phương[48], vẽ cảnh xử tử giáo sĩ, mà không chú thích hoặc điều tra về nguyên nhân khiến giáo sĩ bị xử tử hình, là rất nguy hiểm, cũng giống như người ta lờ nguyên nhân dẫn đến tử hình của một tội nhân để chứng minh người ấy bị giết oan.
Bài Ký sự của Chevreuil, tung ra những thông tin thất thiệt về việc chúa Hiền “giết đạo” năm 1664-1665, hơn hai thế kỷ sau được Louvet phóng đại trong cuốn Đạo Giáo ở nước Nam (1885). Và hơn ba thế kỷ sau, Nguyễn Khắc Ngữ sao lại câu chuyện của Chevreuil và Louvet, thêm thắt và sửa đổi chi tiết cho “hợp lý” hơn, ông viết:
“Đến năm 1661, về đời chúa Hiền, việc chống đạo Thiên chúa lại bùng dậy. Nhiều tín đồ công giáo bị xử tử vì không chịu bỏ đạo. Nhà Chúa đã cho để ảnh Chúa và bắt các tín đồ dẵm lên. Ai không chịu dẵm sẽ bị đem chém hay cho voi giày.
Năm 1663, lệnh cấm đạo lại gay gắt hơn. Nhiều nhà thờ và nhà nguyện bị tán phá, nhiều thầy giảng và tín đồ bị giết. Các cha phải chia nhau đi giảng đạo ở các nơi: Cha Marques ở Hải phố, Cha Ignace Beaudet [Baudet] ở Tourane và cha Dominique Fuciti ở Huế.
Việc cấm đạo năm 1665 lại ảnh hưởng đến cả các Nhật kiều tập trung ở Hải phố. Chúa ra lệnh bắt các Nhật kiều phải bỏ đạo Chúa và dẵm lên ảnh Chúa để tỏ lòng bỏ đạo. Vì quá sợ hãi, phần lớn các chủ gia đình Nhật kiều đều vâng lệnh. Trong khi đó các tín đồ người Việt thường chịu chết, nhất định không chịu dẵm lên ảnh Chúa. Ngày 31-1-1665 có đến 12 tín đồ đã chết vì đạo ở kẻ Chàm (Quảng Nam). Ngày 2-4 năm đó 4 tín đồ Thiên chúa giáo ở Quảng Ngãi đã bị đưa ra Quảng Nam xử tử cùng với 2 nữ tín đồ ở tỉnh này.
Đặc biệt trong hôm các tín đồ bị đưa ra pháp trường, nữ tín đồ Lucie đã đến xin với quan án: Thưa quan, tôi là con gái ông Pierre Kì, đã bị xử tử vì tội theo đạo Chúa. Tôi đã xin với các quan cho tôi được cùng chết nhưng các quan cho rằng tôi còn quá trẻ […] Hôm nay tôi tự ra đây để xin được voi dầy với bà này.[...] Quan trấn thủ chấp thuận đưa cô này ra chém đầu như những người khác. Đầu cô sau được Giám mục Bérythe để ở ban thờ nhà thờ chính bên Xiêm”.[49]
Những điều Nguyễn Khắc Ngữ chép lại Chevreuil (và Louvet), cũng chưa nặng lắm, nhưng việc ông thêm thắt là rất tệ, như câu: “Các cha phải chia nhau đi giảng đạo ở các nơi: Cha Marques ở Hải phố, Cha Ignace Beaudet [Baudet] ở Tourane và cha Dominique Fuciti ở Huế”, không phải vì họ trốn “đàn áp”, mà đó là họ đang ở tại những địa phận họ chủ trì, tức là họ có quyền giảng đạo dưới thời chúa Hiền.
Nhưng tệ nhất là việc này: Nguyễn Khắc Ngữ dàn cảnh lại chuyện Lucie bị xử tử. Cô bé này được ông nâng cấp thành “một tín đồ” (tức là hết vị thành niên) và thêm vào chi tiết: Lucie là con ông Pierre Kỳ, tử đạo, cô xin được voi giày, nhưng ông quan trấn thủ hạ lệnh chém đầu cô, như những người khác, như vậy “Đầu cô sau mới được Giám mục Bérythe để ở ban thờ nhà thờ chính bên Xiêm”.
Nguyễn Khắc Ngữ đã sửa lại chi tiết quan trọng nhất trong đoạn Lucie bị voi giày (chứng tỏ Chevreuil bịa ra chuyện này), để cho câu chuyện của Chevreuil có thể tin được: thay vì Lucie bị voi giày, ông sửa thành bị chém, để “có đầu” cho Chevreuil đem về Xiêm!
Vậy không thể nói sử gia Việt Nam vô can trong việc vu khống tội ác cho tiền nhân của họ.
Giáo sư Etienne Võ Đức Hạnh (1934-2013)
Etienne Võ Đức Hạnh sang Pháp năm 1951, lúc 17 tuổi, học ở Strasbourg. Ông bắt đầu dạy ở đại học Strasbourg, sau chuyển sang đại học Quimper, rồi Brest. Ông đã làm sáu luận án tiến sĩ (Văn chương, Dân luật, Luật Giáo hội, Thần học, Xã hội học và Chính trị học).
Năm 1992, xuất hiện bộ sách của Etienne Võ Đức Hạnh tựa đề La place du catholicisme dans les relations entre la France et le Việt Nam de 1870 à 1886 (Vị trí Thiên Chúa giáo trong quan hệ Pháp-Việt, từ 1870 tới 1886), là một luận án tiến sĩ, sau in thành sách.
Bộ sách đồ sộ này gồm ba tome[50] in dưới nhãn Publications Universitaires Européennes (Ấn bản Đại học Âu Châu), do giáo sư Louis Le Guillou viết tựa. Những dấu ấn khả kính: Khoa học, Đại học, Âu Châu, Paris, New York, và điạ vị giáo sư đại học của tác giả, đã bảo trợ cho sự nghiêm túc của tác phẩm và thu hút các nhà nghiên cứu sử tìm đọc.
Riêng đối với tôi, một độc giả người Việt, bộ sách này ấp ủ nhiều hy vọng, bởi vì nó chứa đựng sự khảo sát “mới nhất” của một nhà nghiên cứu Việt Nam, đã thoát khỏi ảnh hưởng thời thực dân, tất phải đem lại sự khách quan chờ đợi.
Bộ sách gồm hai cuốn, chia làm bốn Tome, tất cả 1566 trang:
Tome I: Văn bản lịch sử (từ trang 1 đến trang 754). Tome II: Chú thích (trang 763-1034), Tome III: Tài liệu, Chứng từ (trang 1039-1453) và Tome IV- Index (1456- 1566).
Trong phần văn bản lịch sử, tác giả viết về vị trí của đạo Chúa trong 16 năm (1870-1886) của cuộc chiến Pháp-Việt, tức là thời kỳ Pháp chiếm Bắc kỳ, bắt đầu từ vụ Jean Dupuis (Đồ Phổ Nghiã) tự tiện xâm chiếm đường sông Hồng đi Vân Nam; xuyên hai lần Hà thành thất thủ [với cái chết của Nguyễn Tri Phương (1873) và Hoàng Diệu (1882)], phần lớn qua tài liệu của các vị thừa sai, chủ yếu là Giám mục Puginier, tác nhân chính trong giai đoạn này. Là người Việt, ông đặt vấn đề: cuộc chiến xâm lăng này không thể chối cãi là “độc lập” giữa hai thế lực: giáo hội và nhà cầm quyền Pháp, mà là sự hợp tác giữa đôi bên, nhưng chính phủ Pháp không thực tình giúp đỡ con chiên bản xứ, mà đã để họ phải tự mình đối phó với sự “đàn áp tàn bạo” của các nhà nho (lettrés).
Quan điểm của Toàn quyền de Lanessan ngược lại: “Thay vì dựa vào vua, vào triều đình, vào các quan và các nhà nho để cai trị Bắc và Trung Kỳ, thì những người cầm quyền của chúng ta lại chạy theo con đường chính trị của các thừa sai mà mục đích chính của họ là tiêu diệt các quan và các nhà nho”.[51]
Chúng tôi không xen vào cuộc tranh luận này, chỉ tìm hiểu phương pháp làm việc của giáo sư Võ Đức Hạnh, để rút ra một nhận xét nhỏ về khía cạnh lịch sử mà chúng tôi đang khảo sát: Sự vắng mặt hoàn toàn của tài liệu phía Việt Nam trong giai đoạn lịch sử quan trọng này, tạo cho văn bản lịch sử của Võ Đức Hạnh như có gì thiếu sót, phiến diện. Xin đơn cử một thí dụ: về sự “đàn áp đạo Chúa” trong tháng 5-1874, tại những địa phận công giáo gần Sài Gòn, Võ Đức Hạnh trình bày “số lượng” những người bị “tàn sát”, theo ba nguồn khác nhau:
“Trước hết, theo Giám mục Puginier, có những người bị giết: 3 linh mục bản xứ, 20 thầy giảng hay học trò và khoảng 150 giáo dân; theo những người điều hành Hội Thừa Sai Paris: nhiều trăm người; và theo cha Louvet: nhiều nghìn người.
Sau đó, 14 cơ sở giáo khu hoàn toàn bị tiêu diệt, người làm giáo vụ bị giải tán.
Theo Giám mục Puginier, có một trăm họ đạo; theo Hội Thừa sai, hơn trăm và theo cha Louvet, ba trăm mười họ đạo, bị các nhà nho cướp bóc, đốt cháy; khoảng sáu mươi họ đạo do bọn phiến loạn gây ra, và khoảng 25.000 giáo dân (theo Puginer), 60.000 (theo Louvet), bị ném ra đường, đầy lên núi, không có một phương tiện nào để sống sót...”[52]
Vậy, theo Võ Đức Hạnh, những “thông tin về sự tàn sát” người công giáo trên đây, đến từ ba nguồn: Hội Thừa Sai, giám mục Puginier và linh mục Louvet, sự sai biệt có thể từ một gấp mười. [Chưa kể Giám mục Gauthier còn đổ cho vua “Tự Đức giấu nhẹm không nói đến những kẻ cuồng tín mà nhà vua sai đi ám sát giáo dân”[53]]
Nhưng kỳ lạ hơn là dưới những dòng này, Võ Đức Hạnh còn viết câu:
“Đây là những con số ngắn gọn; dù chỉ tạm thời, theo cha Louvet, bởi vì nó tăng thêm mỗi ngày. Dù sao chăng nữa, những sự kiện được trình bày không ai chối cãi. Chỉ trong cách giải thích có nhiều khác biệt, chủ yếu về những lý do tàn sát người công giáo”[54].
Câu này, cho thấy tinh thần nghiên cứu của tác giả: “những sự kiện được trình bày không ai chối cãi”, có nghiã là: những sự “tàn sát” này đã được tới ba nguồn giáo sĩ thừa sai đưa ra (Louvet, Puginier và Hội Thừa Sai) mà không ai chối cãi, tất đúng. Lại còn ngụ ý: Con số [người bị tàn sát] của Louvet mới chỉ tạm thời, vì con số này tăng thêm mỗi ngày. Thật là kinh hoàng.
Tất nhiên phải thế, vì Võ Đức Hạnh chỉ đọc tài liệu của các giáo sĩ thừa sai mà không xem phía Việt Nam nói gì về những sự tàn sát này, thì quả nhiên không thấy ai chối cãi.
Chúng tôi đã từng đặt rất nhiều kỳ vọng vào bộ sách của Võ Đức Hạnh, kỳ vọng sẽ tìm thấy ở đấy, những tài liệu gốc, soi tỏ việc “giết đạo”, nhiều ít thế nào, với những con số vững chắc không thể chối cãi được. Không phải những con số thay đổi một gấp mười, từ giáo sĩ này sang giáo sĩ khác, như ông đã kê khai, và chính ông đã tin vào con số cao nhất của Louvet; nhất là khi những con số này đã chạy rông khắp thế giới, từ hơn một thế kỷ nay, rêu rao việc “tàn sát đạo Gia Tô” của vua chúa nhà Nguyễn, trong bộ sách quý hoá Đạo giáo ở nước Nam của vị linh mục mà ông hoàn toàn tin tưởng.
Riêng về “công lao” của các giáo sĩ thừa sai, việc họ lũng đoạn tình thế, cầm đầu giáo dân chống lại các quan và triều đình, gây hấn với các làng bên lương, kích động chính phủ Pháp đánh chiếm Bắc kỳ, vai trò tình báo của Giám mục Puginier cho chính quyền thực dân, như thế nào, đã được Cao Huy Thuần trình bày và chứng minh bằng văn bản trong tác phẩm Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857-1914) (Les missionnaires et la politique coloniale française au Việt Nam (1857-1914)[55], nhờ thế, “công trạng” của các giáo sĩ thừa sai dưới thời vua Tự Đức, cũng đã được phần nào giải mã.
Giáo sư Võ Đức Hạnh, mặc dầu cầm chắc nhiều tài liệu quý trong tay, đã không điều tra thêm để có những thông tin đích xác về việc “giết đạo”, mà ông chỉ, như những người viết sử khác, lặp lại những báo cáo, những lập luận của các thừa sai, đặc biệt lời hai vị linh mục ngoan cố nhất là Louvet và Puginier, không ngần ngại vu khống triều Nguyễn “tàn ác diệt đạo” trong nhiều thế kỷ.
Và cho đến ngày nay, chúng ta vẫn chỉ có rất ít cố gắng nhìn lại bản vu cáo tày đình này.
[1] Louvet, Đạo giáo ở nước Nam, quyển I, Nxb Ernest Leroux, Paris, 1885, Tựa (Préface), trang II. [2] Theo Louvet, An Nam chia làm 9 giáo sở (vicariats apostoliques): Từ biên giới Trung Hoa đến sông Hồng có ba giáo sở thuộc dòng Dominicain Tây Ban Nha. Từ sông Hồng xuống hết miền Nam, có sáu giáo sở, thuộc Hội Thừa Sai Paris. Năm 1879, giáo phận Tây Ban Nha có 210.326 giáo dân. Các giáo phận của Hội Thừa Sai, gồm có: Bắc kỳ: vùng Hà Nội có 155.000 giáo dân. Miền duyên hải: 73.000 giáo dân. Bắc Trung kỳ: 27.058 giáo dân. Nam Trung kỳ: 36.317 giáo dân. Năm 1885, Nam kỳ (Biên Hoà, Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long) có 51.450 giáo dân, gồm 4.875 người Âu và 46.575, người Á. Châu Đốc, Hà Tiên, Mên, Lào, có 12.837 giáo dân, mà 10.000, sống trên đất Pháp (tức là thuộc địa Pháp). Đạo giáo ở nước Nam, quyển I, Nhập đề (Introduction) trang 4, 5. [3] Louvet, Đạo giáo ở nước Nam, quyển I, Nhập đề (Introduction), trang 5. [4] Không kể trường hợp Phi Luật Tân, bị Y Pha Nho chiếm làm thuộc địa và cưỡng bách Gia-Tô hoá từ 1565. [5] Theo Launay, Lịch sử truyền giáo ở Bắc kỳ, 1658-1717, trang 1, và Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, quyển I, trang 1. [6] Theo bài Ký sự về chuyến đi đầu tiên của Ô. Chevreuil đến Đàng Trong (Relation du premier voyage de M. Chevreuil en Cochinchine), in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay, quyển I, trang 14. [7] Theo Hồi ức của Vachet (Mémoires de Vachet), in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, quyển I, trang 12-13. [8] Theo Ký sự về chuyến đi đầu tiên của Ô. Chevreuil đến Đàng Trong, in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, quyển I, trang 13-14. [9] Theo Debuts de M. Chevreuil au Cambodge (Thời gian đầu của Ô. Chevreuil ở Căm-Bốt) in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, quyển I, trang 65-74. Tất cả phần tiểu sử Chevreuil, chúng tôi dựa theo những chi tiết ông viết trong bài Ký sự và thư từ ông gửi về Hội Thừa Sai Paris, in trong bộ Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1823, Launay, quyển I. [10] Theo Taboulet, La Geste française en Indochine, Nxb Andrien-Maisonneuve, 1955, tập I, trang 29. [11] Theo Ký sự về chuyến đi đầu tiên của Ô. Chevreuil đến Đàng Trong (Relation du premier voyage de M. Chevreuil en Cochinchine), của Chevreuil, in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, quyển I, trang 13-27. [12] Ký sự về chuyến đi đầu tiên... in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, 1658-1832, Launay, quyển I, trang 14. [13] Ký sự về chuyến đi đầu tiên... in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, quyển I, trang 14. [14] Ký sự về chuyến đi đầu tiên ... in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, quyển I, trang 15. [15] Ký sự về chuyến đi đầu tiên... in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, quyển I, trang 15. [16] Ký sự về chuyến đi đầu tiên... in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, quyển I, trang 16. [17] Joao Da Crus, theo Cadière, mất vào khoảng 1682. Cadière ghi danh sách một số đỉnh đồng do Jean de la Croix đúc trong khoảng 1659-1684, còn lại ở Huế năm 1924: một đỉnh đặt trước Bộ Tư Lệnh; hai đỉnh đặt trước bảo tàng Khải Định; hai đỉnh trước điện Cần Chánh; hai đỉnh, trước điện Càn Thành; một đỉnh, trước lăng Đồng Khánh; và một đỉnh trước cổng chùa Thiên Mụ. (Cadière, Khu Thợ Đúc- I- Jean de la Croix và những cha Dòng Tên đầu tiên (BAVH, 1924, trang 311 và 314). [18] Ký sự về chuyến đi đầu tiên... in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, quyển I, trang 17. [19] Ký sự về chuyến đi đầu tiên… in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, quyển I, trang 17. [20] Ký sự về chuyến đi đầu tiên …in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, quyển I, trang 18, 19. [21] Ký sự về chuyến đi đầu tiên ... in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, quyển I, trang 20. [22] Ký sự về chuyến đi đầu tiên ... in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, quyển I, trang 21-23. [23] Ký sự về chuyến đi đầu tiên... in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, quyển I, trang 22. [24] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập II, Hình Luật Chí, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội,1992, trang 296. [25] Điều trần về tự do tôn giáo, in trong Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức của Nguyễn Đình Đầu, Nxb Trẻ, 2013, trang 32. [26] Ký sự về chuyến đi đầu tiên... in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, quyển I, trang 23. [27] Phan Huy Chú, Lịch triều Hiến chương loại chí, Tập II, Hình Luật Chí, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992, trang 306. [28] Ký sự về chuyến đi đầu tiên... in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, quyển I, trang 24. [29] Ký sự về chuyến đi đầu tiên ... in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, quyển I, trang 24-25. [30] Ký sự về chuyến đi đầu tiên ... in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, quyển I, trang 23. [31] Louvet, Đạo giáo ở nước Nam (La Cochinchine Religieuse), Ernest Le Roux, Paris, 1885, quyển I, trang 244. [32] Louvet, Đạo giáo ở nước Nam (La Cochinchine Religieuse), Ernest Le Roux, Paris, 1885, quyển I, trang 270. [33] Ký sự về chuyến đi đầu tiên ... in trong Lịch sử truyền giáo ở Nam Kỳ, Launay, quyển I, trang 25-26. [34] Du hành và truyền giáo, trang 175- 177. [35] Du hành và truyền giáo, trang 143. [36] Louvet, Đạo giáo ở nước Nam, quyển I, Nxb Ernest Leroux, Paris, 1885, Introduction (Nhập đề) trang 3 và 4. [37] Louvet, Đạo giáo ở nước Nam, quyển I, Nxb Ernest Leroux, Paris, 1885, trang 239-241. [38] Louvet, Đạo giáo ở nước Nam, quyển I, Nxb Ernest Leroux, Paris, 1885, trang 239-241. [39] Louvet, Đạo giáo ở nước Nam, quyển I, trang 243. [40] Louvet, Đạo giáo ở nước Nam, quyển I, Préface (Tựa), trang II. [41] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Imprimerie Vĩnh Thanh, Hà Nội, 1928, quyển hạ, trang 219. [42] Đào Đăng Vỹ, Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn, 1974, Nxb H.T. Kelton, in lại tại CA, không đề năm, trang 49. [43] Phạm Văn Sơn, Việt sử toàn thư, Thu Lâm ấn quán, Sài Gòn, 1960, Đại Nam chụp in lại tại Hoa Kỳ, không đề năm, trang 629. [44] Tủ sách Nghiên cứu Sử địa, Montréal, Canada, 1979. [45] Tủ sách Nghiên cứu Sử địa, Montréal, 1988. [46] Nguyễn Khắc Ngữ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hoà Lan giao tiếp với Đại Việt (thế kỷ XVI, XVII, XVIII), Montréal, 1988, Tủ sách Nghiên cứu Sử địa, trang 52. [47] Nguyễn Khắc Ngữ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hoà Lan giao tiếp với Đại Việt (thế kỷ XVI, XVII, XVIII), Tủ sách nghiên cứu sử địa, Montréal, 1988, trang 85. [48] Nguyễn Khắc Ngữ, Việt Nam ngày xưa, qua các ký họa Tây phương, Tủ sách nghiên cứu sử địa, Montréal, 1988, trang 52- 55. [49] Nguyễn Khắc Ngữ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hoà Lan giao tiếp với Đại Việt (thế kỷ XVI, XVII, XVIII), cuốn 1, trang 55. [50] Sách tiếng Pháp, in dưới sự hỗ trợ của Centre National de la Recherche Scientifique et de l'Université de Bretagne Occidentale (Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Đại học Miền Tây Bretagne) do Công ty Peter Lang in và phát hành tại Âu và Mỹ Châu, ở Berne, Berlin, Francfort-s. Main, New York, Paris, Vienne. [51] Jean-Marie de Lanessan, L'Indochine Francaise, étude économique politique et administrative sur la Cochinchine, le Cambodge, l'Annam et le Tonkin, 1889, trang 711. [52] Etienne Võ Đức Hạnh, La place du catholicisme dans les relations entre la France et le Việt Nam de 1870 à 1886 (Vị trí Thiên Chúa giáo trong quan hệ Pháp-Việt, từ 1870 tới 1886), Peter Lang, 1992, Tome I, trang 243. [53] Etienne Võ Đức Hạnh, La place du catholicisme dans les relations entre la France et le Việt Nam de 1870 à 1886, Peter Lang, 1992, Tome III, trang 1346. [54] Etienne Võ Đức Hạnh, La place du catholicisme dans les relations entre la France et le Việt Nam de 1870 à 8186, Peter Lang, 1992, Tome I, trang 243. [55] Tác phẩm của Cao Huy Thuần, nguyên là luận án tiến sĩ ở Đại học Paris năm 1969, in năm 1990, dưới sự bảo trợ của Đại học Yale. Năm 1999, Nguyễn Thuận dịch bản Yale. Và bản dịch này đã được in ở Việt Nam.