Thứ Tư, 11 tháng 9, 2024

Hai bữa ăn với Giáo sư Thần Nông

Lê Học Lãnh Vân

Giáo sư Võ Tòng Xuân xưng anh và gọi tôi em ngọt xớt. Ổng xưng hô vậy sau khi biết tôi gốc gác An Giang.

Hoạt động của ông rất rộng, người ta gọi ông là ông Thần Nông vì thành tựu nổi bật ban đầu của ông là đưa các giống lúa Thần Nông vào Miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Tôi thì thấy bên cạnh các lãnh vực khác, hình như hoạt động giáo dục của ông quan trọng không thua hoạt động canh nông chút nào.

Năm đó tôi về đồng ruộng Việt Nam lấy mẫu cá để trích ARN ribosome. Các mẫu ARN ribosome được so sánh với nhau để vẽ cây chủng loại phát sinh (phylogénie)của các loài sinh vật có xương sống.

Ông dẫn tôi lấy mẫu cá tra, cá trê, cá chép, ếch, thằn lằn, chuột và một số động vật có xương sống khác. Lần đầu tiên được dọc ngang sông rạch Bình Thủy, mà được đi với ông mới khoái vì ông quen biết rộng, lội ngang vườn cây, ao cá nào cũng có người quen.

Bữa cơm thân mật với ông bà giản dị mà ngon miệng. Về tới nhà vẫn còn nắng, ông kêu, em ơi có Lãnh Vân tới nè. Rồi hai anh em dọn dẹp cái bàn bên cửa sổ, khiêng nó dịch về hướng có ánh sáng nhiều hơn. Tô canh chua cá bông lau, dĩa cá kho với thịt ba chỉ xắt lát của cháu hàng xóm đem qua. Dưa leo, rau sống. Ngon hông? Anh thấy món nhà quê mình ngon nhứt hạng!

Mâm cơm đầy tiếng nói chuyện, đề tài về ao vườn, đồng ruộng, trường học. Bà cũng tham gia bàn luận về đề tài giáo dục.

Ông Xuân lại hỏi ngon hông...

- Dạ, em ăn dễ ngon lắm. Ăn vui là ăn ngon. Ăn với anh chị rất vui!

- Mình đi công tác giữa đồng, gặm miếng bánh đỡ đói là chuyện khác. Anh với Lãnh Vân làm việc nhiều, phải ăn nhiều mới có sức làm việc.

Ông lại nói thêm: Ăn có bạn hữu chung tâm tình đương nhiên là vui rồi. Mà, ăn vui khác với ăn ngon. Anh thì ăn một mình cũng phải ăn ngon miệng!

Cuối buổi cơm, anh dặn tôi nên làm theo anh: Mỗi buổi sáng uống một ly nước chanh không đường để giữ sức khỏe!

Khoảng mười mấy năm sau, năm 2003 hay 2004 không nhớ rõ, lại có dịp làm việc ông. Lúc đó ông lo dựng trường Đại học An Giang, và ngôi trường cũng khá khang trang rồi. Tôi thì có một ít tiền, ba mươi sáu ngàn đô-la Mỹ của công ty DuPont Vietnam, giúp ông trang bị phòng Lab cho thư viện trường! Đưa ông từ An Giang lên Sài Gòn, ông biểu ghé góc Lê Văn Sĩ - Trần Quang Diệu. Hai anh em đi vô một con hẻm, tôi xúc động thấy chị đang bệnh phải mở khí quản. Chị gầy gò, không nói chuyện được, chỉ ra hiệu. Em nhớ Lãnh Vân không? Chị gật đầu, quơ tay nắm tay tôi.

Thấy nước thức ăn của chị vương vãi trên bàn, ông lấy giấy lau, rồi chậm nhẹ trên cổ, trên tay cho chị.

Ông dẫn tôi đi ngang cây xăng, băng qua đường Trần Quang Diệu tới một quán mì, hủ tíu, giới thiệu quán này lâu đời, nhiều người chuộng. Sau vài câu cho biết bệnh tình của chị, hai anh em nói chuyện về trường Đại học An Giang. Tưởng ông vui lắm vì đã dựng được ngôi trường, té ra ông còn rất nhiều tâm sự. Trường quan trọng, Ban giám hiệu quan trọng, mà hệ thống giáo dục đại học quốc gia còn quan trọng hơn nhiều lắm em. Mình đâu có tự chủ đại học, bên trên chụp xuống hết. Chỉ ra đường nắng đẹp, ông nói trời muốn nắng mình được ráo, trời muốn mưa mình phải ướt, mà mưa hoài, em ơi!

Hai người cập nhật tin tức của nhau. Ông kể mình được trao tặng giải thưởng Giải thưởng Nikkei Asia, được trao giải lại nhớ bạn bè và sinh viên Việt Nam. Ông hỏi tôi có biết giáo sư Trần Văn Thọ ở Nhật không. Ông nhắc những bạn bè khắp thế giới, hỏi thăm bằng hữu bên Pháp, Hoa Kỳ, Canada...

Tôi kể mấy hôm trước đi công tác ghé qua Viện Cây ăn quả Miền Nam, nói chuyện lâu với anh Viện trưởng Nguyễn Minh Châu. Anh Châu và tôi cùng thế hệ, tôi học ở Sài Gòn nên không học với ông Xuân, nhưng tự coi mình thuộc lứa học trò của giáo sư. Ông Xuân thở dài nói, thằng Châu cũng khổ với mấy ông ở ngoải, không có 15%-20% thì chương trình nào cũng xếp vô tủ!

Ông nói tánh tham ăn của con người mình hiểu được, mà ăn phải biết chừa cho người khác sống với chớ. Đang trong dòng câu chuyện, tôi tưởng ông nói về tham nhũng, té ra ông đã đổi đề tài. Nông nghiệp thì bỏ thuốc bảo vệ thực vật độc hại vô ruộng rồi tháo ra môi trường, tôm cá thì quản lý ô nhiễm không được, tràm chim bị lấn dần... riết rồi vi sinh chết, côn trùng chết, phiêu sinh chết, chim chóc bỏ đi thì nông nghiệp, sinh thái cũng lần lần chết luôn...

Những lần làm việc, nói chuyện với ông, tôi cảm nhận rõ rệt một con người dù đi tới đâu trên thế giới, được giải thưởng quốc tế gì đi nữa, vẫn chân chất cây lúa trên đất phù sa Lục Tỉnh. Con người ấy, dù kiến thức sâu rộng vẫn bình dị tự thấy mình là một cây lúa giữa ruộng lúa bao la. Con người ấy làm nhiệm vụ công dân trí thức của mình một cách hồn nhiên như cây lúa đơm bông dưới ánh sáng mặt trời!

Nghe tin giáo sư Võ Tòng Xuân mất, anh Nguyễn Xuân Xanh viết email hỏi tôi có trải nghiệm gì với anh Xuân không. Tôi có khá nhiều, chỉ xin viết những khía cạnh ít người viết, vì công lao của ông nhiều người viết rồi. Từ lâu và từ đáy lòng, tôi luôn áy náy với ông, ông nhờ làm hai việc tôi đều không làm được. Việc thứ nhứt là mở bộ môn Sinh học Phân tử hoặc bộ môn Tiến hóa học cho trường Đại học An Giang. Việc thứ hai là dịch các bộ sách về Môi trường học và Tiến hóa học của Giáo sư Guillaume Lecointre, cố vấn về Sinh học cho Tổng thống Pháp, người xưa kia là bạn thân của tôi tại trường Đại học Orsay. Sự áy náy quyện với lòng thương tiếc ông, giáo sư Võ Tòng Xuân, người đại diện cho một lớp người năng nổ, hồn nhiên, sống tử tế và phụng sự chân thành!

Ngày 20 tháng 8 năm 2024