Thứ Ba, 23 tháng 7, 2024

Giới thiệu Tạp chí TRIẾT số tháng 7, 2024: Chuyên đề Kant và AI (Tapchitriet.com)

 TRIẾT: Tạp chí Triết học và Tư tưởng hân hạnh giới thiệu số 12 đặc biệt về Immanuel Kant – nhân kỷ niệm 300 năm sinh nhật của ông – và AI (Artificial Intelligence/Trí Thông minh Nhân tạo). Đây là hai chủ đề về hai thời đại cách biệt cả về thời gian lẫn bản chất văn minh. Ba trăm năm trước, khi Kant gióng tiếng chuông thức tỉnh lý trí cho Tây Âu thì hầu hết nhân loại vẫn còn ở trong bóng tối về khả thể tự ý thức. Lịch sử nhân loại qua thời quán Khai sáng mà Kant đã sống vẫn còn đang bị ngự trị bới ý chí quyền năng mà văn minh Tây Âu – dù đã thừa kế di sản triết học lý tính Hy Lạp – vẫn chỉ là một giai thời bình minh ló dạng cho các nguyên lý về tự do cá thể, khoa học kỹ thuật, về khả năng dung hợp văn hóa toàn cầu, đa dạng, bao gồm, cho một nhân loại biết tôn trọng lẫn nhau, biết dùng lý tính và lẽ phải để thuyết phục lẫn nhau – thay vì dùng vũ lực để chinh phục kẻ không tương đồng về văn hóa, chính trị, tôn giáo. Ước mơ của Kant cho đến hôm nay dầu sao cũng đã được dần hiện thực hóa như là một điều sẽ phải đến cho cứu cánh tính lịch sử con người, của khối nhân loại biết và có khả năng và ý chí sử dụng lý trí của mình.

Kant là một triết gia xuất hiện đúng lúc mà lý tính vừa bắt đầu lên ngôi. Nhưng, hôm nay, nhân loại tiến bộ không còn quá quan tâm về khả thể văn minh thuần lý nữa – dù rằng bản chất vô lý, phản lý tính vẫn còn tràn đầy trên bình diện chủ nghĩa quốc gia, dân tộc, tôn giáo. Bước chân lý tính vẫn tiến bước. AI là đỉnh cao của khả thể thuần lý mà Kant và thời đại của ông đã không tiên liệu. Nhìn lại 300 năm, từ bình minh phê phán lý tính mà Kant tác động thì thế giới mà chúng ta đang sống là cả một bình minh Khai sáng mới. Đó là một chân trời khả thể về lý tính được thể thức hóa toàn triệt qua kỹ thuật máy tính – a horizon of possibilities for a formalized human reason by the machine. Tức là chúng ta bớt lo lắng về chuyện con người không còn khả năng hay ý chí nhằm phát huy lý trí – mà chúng ta quan tâm rằng lý tính nay đã bị xâm thực bởi kỹ thuật vô cảm và thuần thể thức hóa qua algorithm. Tự do chính trị như là một khả thể lý tính nay đã đưa nhân loại đến bờ vực nô lệ thuần máy móc. Từ góc độ triết học, nguyên lý tự do mà Kant cố gắng khai sáng không còn là câu chuyện vô ý thức cá nhân hay tập thể – mà là chuyện thế gian nầy không ý thức được về một tương lai mà kỹ thuật AI sẽ dẫn đưa. Tuy vậy, dẫu sao chúng ta phải hy vọng rằng – cũng như chuyện ra đời của bom nguyên tử ở thế kỷ trước – nhân loại sẽ có đủ khôn ngoan nhằm hóa giải những khả năng hiểm họa từ một thể dạng kỹ thuật mới.

KHÔNG GIAN MỚI: MỘT TẠP CHÍ TRIẾT HỌC QUỐC TẾ ĐA NGÔN NGỮ

Giới triết học như chúng ta đang tham dự vào thường hay quan tâm đến những chuyện trừu tượng, và nhiều khi thiếu thực tế. Nhưng đó là niềm vui nơi cõi tư tưởng và ngôn ngữ. Câu chuyện tư duy thì cần được kể cho tha nhân, vì nếu không thì dù chuyện có nội dung sâu sắc hay ý nghĩa thế nào cũng chỉ là hư không. Trong truyền thống triết học Tây Âu có câu “The Other is Hell,” vốn thường bị hiểu lầm và dịch sai, đáng ra phải nói “The Other is Heaven”; Có nghĩa rằng, khi ta tư duy thì ít nhất phải có một khán giả, để ta, như là một năng thức lý trí, có thể hạnh phúc. Hạnh phúc chính là sự truyền đạt ý nghĩa nhằm tìm sự cảm thông, chia sẻ với kẻ khác. Tha nhân không là tai họa nếu ta biết kiến tạo một chiếc cầu hợp lý, hợp tình với họ. Phải nhìn nhận rằng, văn hóa Việt đã từ lâu hãy còn thiếu vắng những chiếc cầu hợp lý, hợp tình để truyền đạt cho nhau những nguyên lý căn bản về cơ đồ làm người mà triết học thường quan tâm.Văn ngữ Việt vẫn chỉ còn là tập hợp những câu chuyện được diễn đạt từ góc độ thuần mô tả, tức là còn ở nấc thang văn chương, thi ca duy cảm xúc, chưa đạt đến bình diện khái niệm và nguyên lý khách quan. Phong trào học và đọc triết đang lên hiện nay ở Việt Nam là một dấu hiệu chuyển tiếp, chuyển hóa đáng mừng. Và TRIẾT rất hân hạnh, trong niềm khiêm tốn cần thiết, đóng góp ít nhiều cho sự chuyển hóa tư duy của người Việt ngày nay.

Tuy nhiên, câu chuyện triết học và tư tưởng không chỉ dừng lại ở biên giới quốc gia hay ngôn ngữ đặc thù. Nguyên lý triết học phải vượt không gian quốc gia để đi ra biển lớn của thế giới. Và đó là điều mà Tạp chí TRIẾT đang cố gắng thực thi. Như quý độc giả sẽ thấy, TRIẾT nay là một tạp chí quốc tế đa ngôn ngữ, xuất bản bởi Trung tâm Việt Nam học, Đại học Thành Công, Đài Loan, một trong những đại học hàng đầu thế giới. Nội dung học thuật bao gồm những tiểu luận chọn lọc từ nhiều tác giả quốc tế uy tín, và trong số này bằng tiếng Việt và Anh. Từ số tới, TRIẾT sẽ thêm công trình nghiên cứu bằng tiếng Trung và Đức. Nhân sự Ban Biên tập và Ban Cố vấn cũng đã mở rộng hơn, với sự tham dự của các giáo sư, triết gia, học giả từ nhiều nơi trên thế giới. TRIẾT cố gắng theo đuổi chuẩn mực học thuật đúng tầm cho một tạp chí chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn quốc tế. Các bài chuyên khảo được đăng ở TRIẾT sẽ được công nhận bởi các khoa đại học và các định chế học thuật chuyên môn liên hệ.

Chúng tôi có thể tự hào nói rằng, lần đầu tiên trong lịch sử học thuật Việt Nam, ít nhất là về triết học, đang có một tạp chí thành công trong việc mở rộng chu vi tham dự đa dạng, liên ngành, đa ngôn ngữ, đa quốc gia. Dĩ nhiên vẫn còn nhiều điều khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa, cả về nhân sự, biên tập, và chất lượng nội dung. Và quan trọng hơn, chúng tôi mong rằng TRIẾT sẽ trở nên một định chế và truyền thống học thuật, không chỉ do bởi một nhóm người, mà sẽ bao gồm rộng lớn nhiều thành phần chuyên môn nhiều quốc gia và sẽ còn tồn tại qua nhiều thế hệ. Xin quý vị cùng góp tay để xây dựng căn nhà TRIẾT - Tạp chí quốc tế về triết học và tư tưởng đang được mở rộng và phát huy.

Trân Trọng

Ban Biên Tập