Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2024

Thư ngỏ gửi lãnh đạo Nghệ An về tượng đài Lênin đặt tại Vinh

Nguyễn Ngọc Chu

 

Cách đây bốn năm, khi tin Nghệ An sẽ dựng tượng Lênin bằng đồng nặng 4,5 tấn được công bố, TS Nguyễn Ngọc Chu đã gửi thư ngỏ dưới đây cho lãnh đạo Nghệ An để can ngăn. Vậy mà nay Nghệ An vẫn “kiên quyết” dựng tượng và sẽ khánh thành vào giữa tháng 4-2024. Điều đáng lưu ý, theo báo Tuổi trẻ, việc dựng tượng này là “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng”! Trong một bài đăng trên VOA, Trân Văn giật một cái tít mỉa mai: “Vẫn cần... Lenin chứ không cần... nhân tâm?”.

Lời của trí thức như “nước đổ đầu vịt”! “Nghệ An xô viết vẫn là Nghệ An!”.

Xin dẫn mấy câu vè hiện đại: “Ông Lê Lin ở nước Nga Sắp được đứng ở Vinh ta thế lày Để cho ngàn vạn dân cày Ngắm mà no ấm quên ngày đói lo

Văn Việt

 

1. Khắp nơi trên thế giới đập bỏ tượng Lênin đã từ 30 năm nay. Ngay tại nước Nga, Nhân Dân Nga đã nhiều lần đòi hỏi phải đưa Lênin ra khỏi lăng. Ông Putin đang giữ Lênin lại trong lăng, vì như ông nói, còn có người có quá khứ liên quan đến Lênin. Có nghĩa là việc đưa Lênin ra khỏi lăng sẽ do thế hệ lãnh đạo sau Putin thực hiện.

2. Dựng tượng đài Lênin ở Vinh, về mặt quốc tế, không chịu sức ép của ông Putin, của Nga, và càng không có thêm được lợi lộc gì từ phía ông Putin và Nga. Ngược lại, dựng tượng đài Lênin ở Vinh làm khó cho ông Putin và Nhân Dân Nga. Vì nước Nga đã hoàn toàn loại bỏ Lênin ra khỏi đời sống đã từ 30 năm nay. Hơn thế nữa, người Nga hiện thời xem Lênin là nguyên nhân đau thương cho nước Nga. Làm sống lại và đề cao tên tuổi một cá nhân mà Nhân Dân Nga xem là có tội cần quên đi, thì có phải đã làm tổn thương đến Nhân Dân Nga?

3. Việc Chính quyền tỉnh Ulyanovsk tặng tượng Lênin cho Chính quyền tỉnh Nghệ An không đại diện cho ý nguyện của Nhân Dân hai tỉnh Ulyanovsk và Nghệ An. Chắc chắn đa số Nhân dân Nghệ An không muốn đặt tượng đài Lênin ở bất cứ nơi nào trên đất Nghệ An. Hãy hỏi ý kiến của Nhân Dân Nghệ An là sòng phẳng nhất.

4. Các nước xã hội chủ nghĩa trước đây ở Đông Âu đã đập phá hết tượng Lênin. 14 nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây cũng đập bỏ tượng Lênin. Mông Cổ, Ethiopia cũng đập bỏ tượng Lênin. Trung Quốc, Bắc Triều Tiên đều không còn tượng Lênin.

Việt Nam đã trót đặt tượng Lênin ở Hà Nội thời Liên Xô chưa sụp đổ. Đó là điều đã rồi mà phần xử lý sẽ ghi tên hậu thế. Không có lý do gì để Chính quyền Nghệ An lại đi ngược với toàn thế giới – đặt mới tượng đài Lênin ở Vinh. Ngay cả tại nước Nga, không nơi nào kể cả tỉnh Ulyanovsk đặt mới tượng đài Lênin.

5. Những đứa trẻ đến chơi quanh quẩn nơi tượng đài Lênin tất sẽ hỏi người lớn: Ông này là ai? Sao lại phải đặt tượng ông Lênin mà không đặt tượng tổ tiên của mình? Sao phải tôn thờ một ông mà chính quê hương ông ta không tôn thờ?

Nếu Chính quyền Nghệ An vẫn tiếp tục đặt tượng đài Lênin ở Vinh thì có nghĩa là đưa thêm việc cho hậu thế sau này phải dỡ bỏ. Đó là điều chắc chắn. Đây không phải là cách ghi tên vào Lịch Sử.

6. Cụ Hồ đã di chúc hỏa thiêu. Ông Fidel Castro cũng di chúc không xây tượng đài bất cứ ở đâu. Nếu cá nhân nào lên cầm quyền cũng bắt xây tượng đài của riêng mình thì trên trái đất này nhan nhản các tượng đài – lấy đất đâu mà sinh sống?

Nghệ An có truyền thống cương trực. Phải là làm. Nếu cần hỏi thì hỏi Lòng Dân.

19/02/2020

 

NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI VỀ TƯỢNG ĐÀI LÊNIN TẠI HÀ NỘI

1. Tổng thống Nga Putin đã 4 lần sang thăm Việt Nam (2001, 2006, 2013, 2017). Nhưng ông Putin chưa một lần đến thăm tượng đài Lênin ở vườn hoa Chi Lăng Hà Nội.

2. Ông Medvedev cũng đã 5 lần sang thăm Việt Nam. Một lần với tư cách tổng thống Nga vào năm 2010. Ba lần với tư cách thủ tướng Nga vào các năm 2012, 2015, 2018. Một lần với tư cách chủ tịch đảng nước Nga thống nhất vào năm 2023. Trong cả 5 lần thăm Việt Nam, ông Medvedev không một lần đến thăm tượng đài Lênin tại Hà Nội.

3. Từ năm 1992 đến nay đã có hàng trăm đoàn đại biểu từ Liên bang Nga sang thăm Việt Nam. Nhưng không một đoàn đại biểu nào đến thăm tượng đài Lênin tại Hà Nội.

4. Từ năm 1992, chưa một lần đại sứ và đại sứ quán Nga ở Hà Nội đến thăm tượng đài Lênin tại Hà Nội.

5. Từ năm 1992, không có đoàn khách quốc tế nào đến thăm tượng đài Lênin tại Hà Nội.

6. Tượng đài Lenin được đặt tại vườn hoa Chi Lăng Hà Nội vào ngày 20/8/1985. Vườn hoa Chi Lăng, trước có tên là vườn hoa Canh Nông (do người Pháp xây dựng) vì có bức tượng người nông dân kéo cày, từ 7/10/2003 đổi thành công viên Lênin.

 

image