Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2024

Hai người phụ nữ, một cuộc gặp

Lam Ngọc

Tại Pháp, có một người phụ nữ người Pháp gốc Việt đã ngoài 80, trong hơn 10 năm qua, đã chấp nhận sống đơn độc, xa gia đình, xa con và cháu để theo đuổi vụ kiện chống lại các tập đoàn hóa chất Mỹ đã sản xuất chất khai quang trong đó có chứa nồng độ dioxine rất cao trong chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Tuổi cao, bệnh nhiều đã nhiễm chất khai quang trong chiến tranh Việt Nam, bà Trần Tố Nga hội đủ ba điều kiện để kiện: công dân Pháp đang sống trên đất Pháp có bộ luật cho phép luật sư Pháp thực hiện các vụ kiện quốc tế đồng thời là nạn nhân da cam đã có xác nhận của một phòng thí nghiệm.

Đây là vụ kiện duy nhất trong lịch sử về thảm họa da cam không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Philippines, Australia, New Zealand, là những nước đã từng cử các công dân của mình tham gia chiến tranh Việt Nam.

19 công ty hóa dầu Mỹ, đứng đầu là Monsanto, Dow Chemical đã chấp nhận hầu tòa đại hình Evry với 19 phiên tòa phúc thẩm và một phiên tranh tụng mà kết quả là Tòa đại hình Evry tuyên bố “không có quyền thụ lý đơn kiện của bà Trần Tố Nga” dù đã trải qua hơn sáu năm thụ lý từ 2015 đến 2021.

Ngày 7 tháng 5 năm 2024, không mệt mỏi, bà Trần Tố Nga sẽ tiếp tục cuộc chiến đấu của mình tại phiên xử phúc thẩm của tòa án phúc thẩm Paris.

 

clip_image001

Tại Mỹ, bang Oregon, có một người phụ nữ tên Carol Van Strum.

 

Carol Van Strum chuyển đến Five Rivers, Oregon, vào những năm 1970, tìm kiếm một cuộc sống yên bình trong những khu rừng tươi tốt của Tây Bắc Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cuộc đời bà đã có bước ngoặt ngoạn mục khi bà nhận thức được việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu độc hại, bao gồm cả Chất Độc Da Cam, của các dịch vụ lâm nghiệp và các công ty tư nhân. Sự nhận thức này đã trở thành chất xúc tác cho sự chuyển đổi của Van Strum thành một nhà hoạt động môi trường không mệt mỏi. Hoạt động của bà bắt đầu nghiêm túc khi bà và các cư dân địa phương khác nhận thấy những vấn đề sức khỏe bất thường trong cộng đồng và động vật hoang dã xung quanh, mà họ liên kết với việc phun thuốc trừ sâu từ trên không. Những nỗ lực của Van Strum nhằm chống lại việc phun thuốc bao gồm tổ chức phản đối cộng đồng, vận động thay đổi luật pháp, và tham gia vào các hoạt động pháp lý chống lại các nhà sản xuất hóa chất và các cơ quan chính phủ. Bước ngoặt bi thảm trong cuộc đời Van Strum xảy ra vào năm 1979 khi bốn đứa con của bà thiệt mạng trong một vụ cháy đã phá hủy ngôi nhà của họ. Nguyên nhân của vụ cháy không bao giờ được xác định một cách dứt khoát, dẫn đến sự đồn đoán dai dẳng và các lý thuyết về việc đốt phá cố ý, có thể như là hình phạt cho hoạt động chống lại các công ty hóa chất quyền lực của bà. Sự mất mát tàn khốc này chỉ làm tăng thêm quyết tâm của bà. Do bị thúc đẩy bởi thảm kịch cá nhân, Van Strum đã trở thành một nhân vật đáng gờm trong lĩnh vực vận động môi trường. Bà đã tỉ mỉ thu thập hơn 100.000 trang tài liệu thông qua Đạo luật Tự do Thông tin, tiết lộ những sai sót trong quản lý và hành vi sai trái của các công ty về an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường. Bộ sưu tập của bà, thường được gọi là The Poison Papers đã cung cấp bằng chứng quan trọng trong các vụ án pháp lý lớn thách thức sự an toàn và cấp phép của các sản phẩm hóa chất. Những đóng góp của Carol Van Strum không chỉ dừng lại ở bộ sưu tập tài liệu của bà. Bà đã viết A Bitter Fog: Herbicides and Human Rights, một cuốn sách chi tiết về những khó khăn của cộng đồng của bà ở Oregon và những hệ quả rộng lớn của việc sử dụng hóa chất không kiểm soát. Sự theo đuổi sự thật và công lý không mệt mỏi của bà đã làm cho bà trở thành một nhân vật được tôn trọng.

Hai người phụ nữ cách xa nhau hàng vạn dặm, qua mấy đại dương, đã nghe nói về nhau, đã khâm phục nhau và đi đến yêu thương nhau mà không cách nào gặp được nhau. Và ngày 27 tháng ba năm 2024, trường đại học Columbia New York đã tổ chức một buổi chiếu một phim tài liệu dài 90 phút mang tên The People vs. Agent Orange đã mời hai nhân vật chính trong phim, tạo điều kiện cho họ gặp nhau. Bà Trần Tố Nga từ Paris đã đi thẳng từ sân bay Charles de Gaulle đến sân bay JFK New York rồi từ đó đi thẳng đến trường đại học Columbia.

Bà Carol Van Strum, do không đi được máy bay, đã phải trải qua năm ngày trên tàu hỏa từ Oregon đến New York.

Và họ đã gặp nhau, ôm nhau, nước mắt lưng tròng. Không nói được với nhau nhiều, bởi tiếng Anh của bà Nga rất tồi và bà Carol không nói tiếng Pháp. Nhưng cần gì nói, hai bà tay cầm tay, thỉnh thoảng liếc nhìn nhau rồi cười, cùng đi đến phòng chiếu phim. Ban tổ chức đã rất tế nhị không để cho bà xem đoạn căn nhà bị cháy và nấm mồ của bốn đứa con.

Rồi họ chia tay nhau, bà Carol lại lên tàu đi năm ngày về nhà, và bà Nga tiếp tục ra sân bay, lấy chuyến bay trở về Pháp. Họ mang trong lòng tình yêu thương, quý trọng nhau càng sâu đậm dù “không nói nên lời” và hẹn nhau không dừng lại trong cuộc chiến đấu cho hạnh phúc của con người.

New York 31 tháng ba năm 2024

 

Nguồn: https://www.diendan.org/the-gioi/hai-nguoi-phu-nu-mot-cuoc-gap