Nguyễn Hữu Liêm
Tổng Biên Tập
Đúng 28 năm trước, 1996, chúng tôi, một số anh chị em ở vùng California, đã cho ra đời TRIẾT: Tập san Triết học và Tư tưởng. Trong “Lá thư Chủ nhiệm” số ra mắt, chúng tôi đã viết,
Chúng ta hãy cùng bước vào TRIẾT: Con lộ Triết học và Tư tưởng. Đây là một hành trình tìm ra phía trước cho chính chúng ta và cũng để tìm ra chính mỗi cá nhân một cơ hội và nhận thức trong bối cảnh đầy khả thể tính của thời đại… Đây là con lộ rộng mở – để đàm thoại, trò chuyện, thảo luận, để trao đổi, để truyền đạt, để hiểu thấu và phổ biến những gì khác biệt, riêng tư, của thời đại và nhân loại để cùng nhau học hỏi, tiến hóa. TRIẾT là lối đi nhiều thao thức, mang một nỗ lực thât tình để khai phá, tìm hiểu, thử nghiệm, trải thân để mở rộng chính chúng ta cho khả thể đổi thay. TRIẾT nhìn thấy giới hạn từ trong mỗi cá nhân và vô hạn của thế giới tư tưởng – sự chuyển động từ chu vi hữu hạn của mỗi chúng ta đến tính vô biên của nhân loại và thời đại chính là nội dung của TRIẾT. Đây là một cố gắng chuyển mình, tiếp cận với bối cảnh thông đạt cho con người và thời đại chung – trong ý thức rằng dân tộc Việt nằm trong tổng thể thời tính của nhân loại nầy. TRIẾT là con lộ đi tìm sự gần kề đó bằng Việt ngữ.
Đó là ý tưởng ban đầu. Tuy nhiên, khi đi vào thực tiễn xuất bản và phát hành, chúng tôi đã gặp nhất nhiều trở ngại. Khó khăn đầu tiên là bài vở. Chúng tôi muốn có một tạp chí chuyên môn, thuần học thuật cho triết học và các lãnh vực gần với triết học. Khi các thế hệ tác giả triết học và tư tưởng ở hải ngoại dần dần đi vào tuổi xế chiều thì số lượng bài vở đủ chất lượng cho một tạp chí chuyên môn như TRIẾT trở nên khan hiếm trầm trọng. Vì lý do đó, TRIẾT đã phải ngừng xuất bản sau bốn số phát hành.
Nhờ cơ duyên mới, nhất là với sự khuyến khích và tham gia của Ts Nguyễn Lê Tiến trong vai trò quản trị và kỹ thuật, năm 2021, TRIẾT đã được tục bản từ số 5, qua hình thức lên mạng với trang nhà tapchitriet.com. Như quý vị nhận thấy, Ban Biên Tập vẫn cố gắng duy trì chất lượng chuyên môn cho TRIẾT – dù bài vở chuyên môn, thuần triết học và tư tưởng vẩn còn là một thử thách lớn. Các số gần đây nhất liên tục bị trì hoãn vì không có đủ số bài đúng tiêu chuẩn.
Cuối năm 2023, qua trung gian của Giáo sư Trần Văn Đoàn (Đại Học Quốc Gia Đài Loan & Academia Catholica, Đại Học Phụ Nhân, Đài Loan), TRIẾT đã ký văn bản ghi nhớ cộng tác với Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam tại Đại Học Quốc Gia Thành Công (National Cheng Kung University) của Đài Loan do Giáo sư Tưởng Vi Văn, một học giả Việt học và Đài Loan học nổi tiếng, điều hành. Việc được Đại Học Quốc Gia Thành Công, một trong 200 đại học hàng đầu thế giới (theo bảng xếp hạng của QS và THE) và tốp 4 của Đài Loan, công nhận và hợp tác nói lên tính chất khoa học nghiêm túc của TRIẾT.
Kể từ số 11 này TRIẾT sẽ chính thức là một Tạp chí Nghiên cứu do Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam của Đại Học Thành Công đứng tên xuất bản.
https://cvs.twl.ncku.edu.tw/index.php?option=module&lang=cht&task=pageinfo&id=348&index=1
Ở Hà Nội, cũng qua trung gian của Gs Đoàn, TRIẾT đã làm việc với Khoa Triết Học và Trung Tâm Tôn Giáo Đương Đại của Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn thuộc Đại Học Quốc Gia Hà Nội và được nhiều nhà triết học tâm huyết của Trường cũng như của Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam và Đại Học Sư Phạm Hà Nội ủng hộ và sẵn sàng tham gia Ban Biên Tập hay Ban Cố Vấn của TRIẾT. TRIẾT vinh dự được Phó Giáo sư Nguyễn Quang Hưng (một nhà triết học và học giả tôn giáo nổi tiếng, nguyên giám đốc Trung Tâm Tôn Giáo Đương Đại tại Đại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn) nhận giúp trong vai trò Phó Tổng Biên Tập Thường Trực cho TRIẾT với sự góp tay của Ts Trần Thúy Ngọc (Viện Triết Học, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam) và Ts Ngô Đăng Toàn của Đại Học Khoa Học Xã Hội Nhân Văn trong vai trò Trị sự về bài vở ở trong nước.
Để TRIẾT là Ngôi Nhà Chung của giới triết học trong và ngoài nước, thuần túy học thuật, không phân biệt quan điểm chính trị, tôn giáo, chủng tộc, quốc tịch, chúng tôi đã mời nhiều nhà triết học, học giả về các lãnh vực liên quan hay gần gũi với triết học – như triết học tôn giáo, nhân văn, mỹ học – tham dự vào biên tập, duyệt bài và cố vấn. Ngoài Ban Điều Hành, TRIẾT còn có Hội Đồng Biên Tập (HĐBT) và Hội Đồng Cố Vấn (HĐCV). TRIẾT hân hạnh được Ts Dương Ngọc Dũng (Đại Học Hoa Sen) giúp trong vai trò Chủ tịch HĐBT trong khi Gs Trần Văn Đoàn (Đại Học Quốc gia Đài Loan & Academia Catholica, Đại Học Phụ Nhân Đài Loan) nhận làm Chủ tịch HĐCV.
Chúng tôi cũng đã có mã ISSN của Thư viện Quốc hội Hoa kỳ. Khi đã là một Tạp chí chuyên ngành đúng chuẩn mực quốc tế từ chất lượng bài vở đến quy trình điều hành, các tác giả đăng bài sẽ nhận được tín chỉ xuất bản trong ngành của mình.
Từ nay, quy trình làm việc, từ tiếp nhận bài vở đến biên tập, chúng tôi sẽ làm việc quy cũ hơn, theo đuổi quy chuẩn học thuật của một tạp chí chuyên ngành. TRIẾT không còn là đứa con Việt ngữ trôi dạt vô định, mà đã có căn nhà ở Á châu và Việt Nam. Với sự tham dự của các giáo sư và học giả trong nước, TRIẾT nay đã trở về lại quê nhà trong vòng tay rộng mở của cộng đồng nhân văn Việt. Đây là một hồi sinh lần thứ hai cho TRIẾT.
Số 11 mà quý vị đang đọc là số chuyển tiếp từ Tập san lên Tạp chí. Bắt đầu từ số 12 phát hành tháng Bảy năm nay, TRIẾT sẽ chính thức là một Tạp chí Triết học và Tư tưởng với nội dung và hình thức mới.
Kính mong độc giả tiếp tục đón nhận TRIẾT như từng đã và xin mời đóng góp bài vở nhằm xây dựng cho Tạp chí được gia tăng chất lượng học thuật và cho ngành triết học Việt Nam được phát huy rộng lớn hơn.
Trân trọng,
Ký biên bản với GS Tưởng Vy Văn (phải), Đại học Chengkung, Taiwan với vai trò Nhà Xuất bản Tạp chí Triết học và Tư tưởng. GS Trần Văn Đoàn ở giữa