Phạm Minh Quân
Bộ đôi dịch phẩm 'Nghệ thuật Trừu tượng' của Anna Moszynska và 'Nghệ thuật từ 1960' của Michael Archer (Asia Book & Nxb Thế Giới, 2024) do Andrea Trần và Phạm Long dịch, là hai sự bổ sung quan trọng mở rộng tìm hiểu của công chúng yêu nghệ thuật dành cho những khuynh hướng nghệ thuật thịnh hành của chính thời đại chúng ta.
Trừu tượng – mê mẩn và hoang mang
Đó là nhận định về nghệ thuật trừu tượng ngay từ khi nó vừa mới ra đời vào nhưng năm đầu thế kỷ XX. Giống như bất kỳ một trường phái nghệ thuật nào xuất hiện làm đảo lộn những nguyên lý truyền thống trước đó, ắt đều vấp phải sự hoang mang, hoài nghi, thậm chí phẫn nộ, dè bỉu, trước khi gây ra những mê mẩn, thích thú thẩm mỹ. Và cho tới tận ngày nay, vẫn còn nhiều người xem phổ thông vẫn chưa thể nắm bắt được tường tận ý nghĩa của nó.
Bằng ngôn ngữ hành văn súc tích và dễ hiểu, nữ tác giả Anna Moszynska, đã đi thẳng đến hạt nhân căn cốt của Nghệ thuật Trừu tượng, đó là quan niệm mới về thực tại và thế giới được biểu kiến của nghệ sĩ. Người ta hay cho rằng những họa sĩ trừu tượng đã quay lưng lại với thế giới được nhận thức thông thường. Tranh trừu tượng, thực chất, chính là cái nhìn thế giới của nghệ sĩ đã vượt thoát khỏi lối mô phỏng bắt chước tự nhiên thuần túy của hội họa truyền thống. Đối với họ, thế giới có thể được thâu chụp qua lăng kính của máy ảnh hay qua ngôn ngữ trung thực của hội họa hiện thực chỉ là hình ảnh giả tạm.
Wassily Kandinsky, Bố cục IV (Composition IV), sơn dầu trên toan, 1911.
Những dấu ấn tiên báo về một nghệ thuật gây khủng hoảng cho lối miêu tả thực tại và các quy phạm hàn lâm, đã nhen nhóm ở một Cézanne đã thừa nhận điểm nhìn xê dịch, rồi được những nhà tiên phong lập thể như Picasso và Braque thổi bùng thêm thông qua cách xử lý về hình và không gian theo lối phân mảnh.
Đến Kupka, Kandinsky, Malevich, Mondrian, Klee, thì giai đoạn sơ kỳ trừu tượng đã chính thức được xác lập, để đến 1939 khẳng định mình như một “tập quán thay thế” trong hội họa và kiến trúc, dẫu còn chưa cập bờ quảng đại quần chúng.
Diễn trình nghệ thuật trừu tượng, sau đó, được tác giả mở rộng và hệ thống hóa những cành nhánh (và lý thuyết phía sau) của nó như trừu tượng biểu hiện, động thái/hành động, ảo thị, động và tối giản,… trải qua thăng trầm khủng hoảng bản thể thập niên 1980, để rồi tái sinh và tái diễn giải mình trong những bối cảnh mới, chất liệu mới, công nghệ mới của thời đại. Trừu tượng đã không còn bị án ngữ phía trong nội địa hạt Âu-Mỹ, mà qua sự lan tỏa bản sắc và nơi chốn, bừng nở ở những khu vực từng bị coi là ngoại vi và thiểu số trên thế giới.
Bởi vậy, Nghệ thuật Trừu tượng là một biên khảo về lịch sử đầy phức tạp nhưng cũng thật lôi cuốn của nghệ thuật trừu tượng từ những năm đầu thế kỷ XX cho đến thời điểm hiện tại, khi nó đã được chấp nhận rộng rãi như một khả thể phương thức nghệ thuật phi-trình hiện và đồng tồn với nghệ thuật truyền thống mang tính trình hiện.
Bìa bản dịch Nghệ thuật Trừu tượng của Anna Moszynska và Nghệ thuật từ 1960 của Michael Archer.
Diện mạo nghệ thuật từ 1960
Nghệ thuật trừu tượng là một trong đề pa chính để thế giới nghệ thuật chuyển dịch về phía hiện đại và hậu hiện đại, một quá trình diễn ra mạnh mẽ kể từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Nghệ thuật từ 1960, khi đặt cạnh Nghệ thuật Trừu tượng, là một cuốn sách song hành thú vị.
Tại sao Michael Archer lại chọn 1960 như là một cái mốc để xác lập một nghệ thuật mới/khác? Tác giả viện dẫn tuyên bố về một nghệ thuật tự nó của triết gia Đức Theodor Adorno để cho thấy một sự chất vấn mọi giả định cũ về nghệ thuật. Cũng giống như câu hỏi “Thế mà là nghệ thuật ư?” cũng đồng thời là nhan đề cuốn sách của Cynthia Freeland đã được dịch sang tiếng Việt, nghệ thuật sau 1960 thách thức quan niệm cái đẹp truyền thống, và thách thức cả quan niệm hiện đại về lịch sử nghệ thuật.
Kể từ sau 1960, nghệ thuật đã không còn tính ổn định, tích lũy và tịnh tiến. Trái lại, nó bất ổn định, không ngừng vận động và cách tân, bất chấp sự cứng nhắc, tránh xa một phong cách hay cách tiếp cận duy nhất, không thay đổi. Đồng thời, nghệ thuật đương đại phát triển mạnh nhờ sự phát triển nhanh chóng của thế giới chúng ta, háo hức đón nhận những công nghệ mới và những ý tưởng mới thịnh hành.
Willem de Kooning, Khai quật (Excavation), 1950.
Rời giá vẽ, khung toan, nghệ thuật vẫy cánh đến không gian đa chiều kích của nghệ thuật hậu chất liệu, sắp đặt, video, đa phương tiện. Thứ khẳng định dấu ấn cá nhân của tác giả, hay một sự ấn định ý nghĩa chủ quan nào đó, nay nhường chỗ cho sự “phi cá tính” và tương tác của công chúng tham dự. Quá trình tạo tác quan trọng hơn tác phẩm cuối cùng, và hiển nhiên, từ bỏ biểu đạt thẩm mỹ để hướng đến cái phi biểu đạt (sự trỗi dậy của nghệ thuật ý niệm đầu thập niên 1960).
Rồi nghệ thuật cũng cất lên những thông điệp xã hội, sẵn sàng đại diện cho diễn ngôn thiểu số: chống phân biệt chủng tộc, đấu tranh cho quyền LGBT, nữ quyền, sinh thái môi trường, căn cước bản sắc. Các nghệ sĩ đương đại khám phá những khía cạnh khác nhau của bản sắc – cá nhân, văn hóa. Họ phản ánh sống động cách chúng ta khám phá và thể hiện bản thân cũng như cách xã hội định hình con người chúng ta.
Phân kỳ lịch sử nghệ thuật đương đại, vì vậy, dường như là một bất khả, bởi mỗi học giả lại đưa ra những cách phân kỳ theo tiêu chí của riêng mình. Phía cuối sách, tác giả còn cung cấp một công cụ tham chiếu quý giá để người đọc có thể định vị được các chủ nghĩa/trường phái chính trong một mê cung đa tầng muôn vàn ngã rẽ gối tiếp lên nhau – đó là một niên biểu mô tả các nhóm, trào lưu và phong cách, những nghệ sĩ có ảnh hưởng và các sự kiện quan trọng.
Tác phẩm We The People của nghệ sĩ Đan Mạch gốc Việt Danh Võ được giới thiệu trong cuốn Nghệ thuật từ 1960.
Những gợi mở về một chương trình xuất bản sách nghệ thuật
Cả hai dịch phẩm trên đều thuộc về bộ sách Thế giới nghệ thuật (World of art) của nhà xuất bản Thames & Hudson (Anh). Bộ sách (cũng có thể gọi là tủ sách) này được khởi xướng từ năm 1958, và ước tính cho tới 2021 đã có tới hơn 300 tựa sách chuyên về nhiều lĩnh vực nghệ thuật.
Thế giới nghệ thuật đề cập đến tất cả các chủ đề liên quan đến nghệ thuật, chủ yếu là lịch sử nghệ thuật, xuyên suốt thời gian – từ nghệ thuật hang động thời tiền sử cho đến nghệ thuật đương đại, hay xê dịch không gian – từ nghệ thuật Hy Lạp-La Mã và Viking đến nghệ thuật Trung Á và Nhật Bản, hoặc dựa trên đặc tính – từ nghệ thuật hàn lâm đến nghệ thuật ngoại đạo. Nhà xuất bản sẽ đặt hàng một trong những chuyên gia khả tín nhất đối với từng chủ đề: sử gia, nhà lý thuyết hay phê bình nghệ thuật… đến từ các trường đại học, viện bảo tàng danh tiếng.
Thế giới nghệ thuật, do đó, đã nhận được sự cộng tác của nhiều cái tên trứ danh trong giới nghiên cứu như: Michael Levey, John Boardman, Herbert Read, Hans Richter, Edward Lucie-Smith, Philip Rawson, David Talbot Rice, Peter Murray và Linda Murray, Germain Bazin, và Griselda Pollock…
Và tủ sách Thế giới nghệ thuật mới chỉ là một phần đáng kể trong địa hạt sách nghệ thuật. Tủ sách Basic Art của Taschen bắt đầu từ năm 1985 cũng chuyên trú giới thiệu các trường phái và chân dung nghệ sĩ tiêu biểu, tới 2022 đã có khoảng 80 đầu sách. Hoặc Phaidon tập trung thực hiện các chuyên khảo về các nghệ sĩ đã thành danh và mới nổi, cũng như khảo lược về các phong trào và thể loại nghệ thuật đương đại lẫn trong quá khứ, điển hình là loạt Nghệ sĩ đương đại (Contemporary Artists) khởi hành từ 1996 tới nay đã có hơn 70 đầu sách nghiên cứu các nghệ sĩ đương đại.
Sách nghệ thuật đã tái định nghĩa về sách như là một tác phẩm nghệ thuật. Bên cạnh giá trị chiều sâu nội dung, là một hàm lượng tinh túy của giá trị thẩm mỹ do được dầy công tạo tác. Một số dòng sách, đơn cử như sách của Taschen, đã thâm nhập vào thị trường cao cấp và trở thành xa xỉ phẩm.
Mặt khác, tủ sách Thế giới nghệ thuật cũng như Art Essentials của Thames & Hudson, hay Basic Art của Taschen cũng đóng vai trò là cầu nối đưa nghệ thuật (nhất là nghệ thuật hàn lâm, vốn trước đây chỉ được tiếp cận thông qua các sách chuyên khảo của giới nghiên cứu) gần gũi hơn với đại chúng, với giá thành phải chăng, hình thức bắt mắt và nội dung mang tính chất dẫn nhập dành cho bạn đọc sơ khởi muốn tìm hiểu nghệ thuật.
Darren Almond, Lôi kéo (Traction), sắp đặt video gồm ba phần, 1999.
Nhìn lại Việt Nam, trong một thập kỷ trở lại đây, các nhà xuất bản và nhà sách đã đầu tư nỗ lực không nhỏ, cùng một chiến lược bài bản, để giới thiệu nghệ thuật, đặc biệt là các khuynh hướng và nghệ sĩ tiêu biểu của nghệ thuật phương Tây, đến với bạn đọc Việt, như các sách của Nxb Mỹ thuật, Tủ sách nghệ thuật của Omega+, Tủ sách mỹ thuật của Đông A, Nhã Nam, Asia Book, Tân Việt Books, Trường Phương Books hay đi vào một số hướng khu biệt như Tủ sách hội họa của Song Thủy Bookstore & Người Sưu Tập,…
Song, nhìn chung, mang một quán tính song hành với sự vận động của nhận thức và thị hiếu thẩm mỹ Việt dành cho nghệ thuật, các sách nghệ thuật được dịch ra tiếng Việt phần lớn là các sách dẫn nhập, giới thiệu những nghệ sĩ đã rất đỗi quen thuộc của hội họa truyền thống như Leonardo da Vinci, Michelangelo, Monet, Gauguin van Gogh, Picasso… chủ yếu tiếp cận tiểu sử, chủ đề tác phẩm nổi bật. Mảng nghệ thuật trừu tượng và nghệ thuật đương đại, diễn ra từ đầu thế kỷ XX cho tới tận ngày nay, đồng thời cũng chính là bối cảnh nghệ thuật “sống” của chúng ta, thì lại chưa được các nhà xuất bản chú trọng, và thậm chí xa lạ đối với công chúng thụ hưởng nghệ thuật hiện hành, vốn vẫn quen với nghệ thuật duy mỹ theo quan điểm mỹ học cổ điển.
Rõ ràng, các nhà xuất bản có thể mở rộng tủ sách nghệ thuật của mình hướng tới nghệ thuật đương đại. Và một điều mong mỏi hơn từ người viết, là các đơn vị xuất bản, hoặc một trường đào tạo hay viện nghiên cứu về nghệ thuật, vượt ra khỏi sách dịch, sẽ có một chương trình xuất bản sách nghệ thuật có hệ thống dành riêng về nghệ thuật Việt, đặt hàng các cây bút, chuyên gia uy tín nhất. Đây sẽ là di sản lớn không chỉ dành cho giới học viên, nhà nghiên cứu mà còn cho cả cộng đồng nghệ thuật Việt Nam.
Với sự phát hành ấn bản tiếng Việt của Nghệ thuật Trừu tượng và Nghệ thuật sau 1960, bạn đọc Việt đang muốn hiểu về nền tảng khởi sinh của nghệ thuật đương đại, hay chính nghệ thuật đương đại Việt hiện nay, đã có trong tay hai cẩm nang quý.
Tác giả Anna Moszynska từng theo học chuyên ngành lịch sử nghệ thuật tại đại học University College London và viện Courtauld Institute. Bà đã giảng dạy tại nhiều học viện nghệ thuật, bao gồm City Lit, Royal Academy và Tate, đồng thời là người chịu trách nhiệm phát triển chương trình đào tạo thạc sĩ đầu tiên của nước Anh về Nghệ thuật Đương đại tại học viện Sotheby’s Institute, London, nơi bà tham gia giảng dạy trong nhiều năm. Hiện nay bà thường xuyên có các bài giảng ở London, Paris, và phụ trách chương trình Trò chuyện về Nghệ thuật Đương đại (Contemporary Art Talks). Bà cũng điểm tin nghệ thuật trên BBC, viết cho các tạp chí định kỳ và vựng tập triển lãm. Bà là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có Điêu khắc Ngày nay (Sculpture Now, 2013) cũng do Thames & Hudson xuất bản. ______________Tác giả Michel Archer sinh tại London, đã từng sống và học tập ở Cambridge và Manchester. Ông là tác giả của cuốn Jeff Koons: Một bồn chứa bóng cân bằng hoàn toàn (Jeff Koons: One Ball Total Equilibrium Tank, 2011), và các chương thuộc phần nghệ thuật từ năm 1960 trong cuốn sách Lịch sử Nghệ thuật Thế giới (A World History of Art, 2005) của Hugh Honour và John Fleming. Là đồng tác giả của ấn phẩm Nghệ thuật Sắp đặt (Installation Art, 1994) do Thames & Hudson xuất bản, ông cũng viết rất nhiều vựng tập và thường xuyên đăng bài trên Artforum, The Guardian. Hiện tại, Archer là Giáo sư Nghệ thuật tại Goldsmiths College, London. |
Phạm Minh Quân (Phó Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa; Giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội)